Điểm báo ngày 07/11/2019

(CDC Hà Nam)
TPHCM: Dịch bệnh có xu hướng giảm; Chung quanh việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nguy cơ người bệnh gánh chi phí khi bệnh viện tự chủ; Hà Nội quyết khống chế xong dịch sốt xuất huyết ngay trong tháng 11

TPHCM: Dịch bệnh có xu hướng giảm

Sáng 6-11, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, cả 3 bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng và sởi đang giảm liên tục từ nhiều tuần qua.

Trong đó, bệnh sởi vào giai đoạn cuối của dịch bệnh với trung bình khoảng 30 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hàng tuần trong liên tục 11 tuần vừa qua.

Đối với bệnh SXH, số ca mắc trong tháng 10 giảm 17%  so với tháng 9 và giảm mạnh so với tỷ lệ tăng những tháng đầu năm. Với bệnh tay chân miệng, tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 22.453 ca, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng trong tháng 10 vừa qua, bệnh tay chân miệng giảm 18% so với tháng 9.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 là thời gian thuận lợi cho các bệnh lây qua tiếp xúc xuất hiện trong trường học các cấp. Ngoài các biện pháp triển khai phòng bệnh thường quy, người dân thường xuyên rửa tay đúng cách và không đưa trẻ bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm đến trường, lớp để không lây bệnh cho trẻ khác.

* Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Dưỡng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Hới cho biết, hiện bệnh viện đang quá tải nghiêm trọng ở các khoa cũng như khu khám bệnh. Nguyên nhân là do dịch SXH đang hoành hành khiến bệnh nhân các địa phương như huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và TP Đồng Hới đến chữa bệnh khiến bệnh viện quá tải. Theo Trung tâm Y tế tỉnh Quảng Bình, địa phương hiện có gần 7.000 trường hợp SXH và đã có 2 trường hợp tử vong.

* Ngày 6-11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.500 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, từ tháng 7 đến nay, số ca mắc tăng gần 1.000 trường hợp.

Bác sĩ Phan Đăng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, SXH đang vào mùa cao điểm do thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát sinh nhiều ổ dịch. Trong khi, người dân xem việc phòng ngừa SXH là tránh nhiệm của cán bộ y tế nên dịch bệnh càng diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan nhanh. (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Chung quanh việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang được các cơ quan chức năng triển khai lấy ý kiến rộng rãi ở các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội… Khi được Quốc hội thông qua, sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần đưa Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới vào cuộc sống.

Ngày 29-11-2009, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Qua gần 10 năm thực hiện, Quốc hội đã đưa Luật này vào chương trình “sửa đổi” trong năm 2020. Ðến thời điểm hiện tại, Ban soạn thảo đã có dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần thứ hai (giữ nguyên số chương và tăng thêm 23 điều). Như vậy, so với Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (được thông qua tháng 6-1989, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa VIII), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (hiện hành) đã có khoảng cách 20 năm và dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có khoảng cách là 30 năm. Những yếu tố khách quan và chủ quan (tiến bộ khoa học – công nghệ, thực tiễn cuộc sống, tư duy và ngôn ngữ pháp luật…) đã tác động không nhỏ. Vì vậy, cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn về vấn đề này. Thêm nữa, đặt trong bối cảnh Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đã ban hành hai nghị quyết quan trọng (Nghị quyết số 20/NQ-TW và 21/NQ-TW), trong đó, Nghị quyết số 20/NQ-TW Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề cập toàn diện các lĩnh vực hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, từ đánh giá tình hình và nguyên nhân, xác định rõ quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam là một tổ chức xã hội, ra đời và hoạt động theo tinh thần quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện các Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị khóa IX và Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII… Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có chức năng phản biện xã hội, cùng với việc tập trung nghiên cứu các luật nêu trên, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam nhận thấy: Ðể đưa Nghị quyết số 20/NQ-TW vào cuộc sống, phải thể chế hóa Nghị quyết thành Luật. Ðây là vấn đề lớn, cần phải có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành có liên quan và cần có thời gian chuẩn bị chu đáo. Có thể sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, hoặc dự thảo luật mới.

Các Luật Dược số 34/2005/QH11 và Luật Dược số 105/2016/QH13, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được xác định là những luật có nội hàm và phạm vi điều chỉnh về chuyên môn sâu đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Nhiều khái niệm chưa được luật pháp làm rõ: Như thế nào để có thể thực hiện “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”; rồi: “y tế cộng đồng” là gì, “y tế chuyên sâu” là gì, “kết hợp” như thế nào; làm sao để “mỗi người dân, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các ngành” có thể thực hiện “nghĩa vụ, trách nhiệm” bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

Minh định “ngành y tế là nòng cốt”, có nội hàm thế nào? Làm sao để ngành y tế phát huy vai trò “nòng cốt” thu hút tất cả các chủ thể nêu trên cùng đồng hành sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong khi, nhiều văn bản quy định hiện hành hầu quy hết các hoạt động chăm sóc sức khỏe đồng nghĩa với khám bệnh, chữa bệnh, theo đó bắt buộc phải có “Chứng chỉ hành nghề”, “Giấy phép hoạt động”. Nghị định 109/2016/NÐ-CP, ngày 1-7-2016: Quy định cấp Chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ðặc biệt Ðiều 22 (hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) và thủ tục xét cấp “Chứng chỉ hành nghề”, “Giấy phép hoạt động” đã phần nào tạo ra rào cản cho việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe. Không quy chụp tất cả, song thực tế nơi này nơi kia, lúc này lúc khác, cơ chế “xin – cho” là khó tránh khỏi. Nhiều tổ chức, cá nhân đủ năng lực, thiện tâm với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã có lúc bị gây trở ngại, ngăn cản. Hoạt động này là hoạt động tiền kiểm chặt chẽ quá, trong khi đó, ở nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, việc tiền kiểm đang được hạn chế và đi vào tăng cường hoạt động hậu kiểm, và việc cấp chứng chỉ hành nghề còn được giao cho các hội nghề nghiệp trực tiếp quản lý.

Theo Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20/NQ-TW, ngoài sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, thì Nghị quyết cần phải được cụ thể hóa thành luật, nhằm xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; sự tham gia tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt, cũng như thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

NGUYỄN HỒNG QUÂN

Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam

(Nhân dân, trang 5).

 

Nguy cơ người bệnh gánh chi phí khi bệnh viện tự chủ

Việc được giao tự chủ có những thuận lợi cho các bệnh viện, nhưng cũng có những áp lực lẫn nguy cơ dẫn đến lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật, người bệnh bị “móc túi”.

Bệnh viện “kêu khó”

Theo Bộ Y tế, tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 215 bệnh viện (BV) đã tự đảm bảo chi thường xuyên và 3 BV tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Có 585 BV tự chủ một phần chi thường xuyên, chủ yếu là các BV, trung tâm y tế huyện. Riêng các đơn vị thuộc Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 đã có 26/45 BV đã tự chủ chi thường xuyên. Vừa qua, Chính phủ đã có nghị quyết cho phép thí điểm 4 BV tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Theo TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115 và BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Q.Thủ Đức (TP.HCM), hiện hai BV này đang thực hiện mô hình tài chính tự chủ về chi thường xuyên, tự chủ về con người. Với mô hình tự chủ, BV tuyển được nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị (TTB), mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, thu nhập cán bộ viên chức được tăng thêm, vay vốn đầu tư xây dựng mới để chuyển lên mô hình tự chủ tài chính tự đảm bảo chi thường xuyên.

Tuy nhiên, BV cũng đối mặt nhiều khó khăn. Đó là, hiện giá khám chữa bệnh (KCB) chỉ mới kết cấu 4/7 yếu tố chi phí, 3 yếu tố còn lại như khấu hao TTB, cơ sở hạ tầng; chi phí cho bộ phận gián tiếp, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyển giao công nghệ… chưa được đưa vào giá dịch vụ KCB. BV đang phải gánh các chi phí này.

Trong KCB BHYT, từ năm 2018, Chính phủ thực hiện việc giao dự toán chi KCB BHYT. Nhưng do chính sách thông tuyến BV, BV Nhân dân 115 là tuyến cuối nên số lượt KCB tăng dần mỗi năm, số lượng bệnh nhân (BN) các tỉnh đến KCB tại đây chiếm bình quân 50%, đa số là bệnh nặng cần điều trị các kỹ thuật cao, chi phí lớn, nhưng dự toán chi BHYT không tăng sẽ dẫn đến vượt dự toán chi BHYT. BV rất khó khăn trong tìm giải pháp, trong khi không thể từ chối tiếp nhận, điều trị cho BN.

Ngoài ra, với chính sách liên thông KCB nội trú từ năm 2021 cộng với giao dự toán chi BHYT sẽ là một áp lực đối với các BV của TP. BN BHYT các tỉnh sẽ đổ dồn về các BV tuyến cuối TP để KCB vì không cần giấy chuyển viện BHYT.

Mặt khác, Quyết định số 50/2017 của Thủ tướng quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc thiết bị của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp BV khi mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan T.Ư, chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành tiêu chuẩn, định mức để làm cơ sở trang bị. Theo các BV, quy định trên đã gây khó cho việc mua sắm TTB y tế vì BV không được chủ động mua sắm khi có nhu cầu cần thiết (có dịch bệnh, BN tăng, phát triển kỹ thuật mới, hư hỏng đột xuất). Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện.

Theo BS Nguyễn Minh Quân, khó khăn nữa liên quan đến giữ chân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo số lượng nhân sự để phục vụ cho số BN ngày càng tăng.

Kiến nghị

TS-BS Phan Văn Báu đề nghị giá thu được kết cấu đủ các chi phí (nhất là chi phí khấu hao TTB) vào cơ cấu giá dịch vụ KCB. Cần xem xét lại việc giao dự toán chi BHYT cho BV. Theo đó, BHYT cần thanh toán theo chi phí thực tế mà BV đã sử dụng cho BN. Cần mở rộng nhiều gói BHYT để giảm gánh nặng cho gói BHYT bắt buộc. “Cho các BV được tự quyết định mức mua sắm TTB chuyên dùng khi có nhu cầu cấp bách”, TS-BS Báu kiến nghị.

Về việc dư luận cho rằng khi thu không đủ bù chi thì BV sẽ lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, theo BS Minh Quân, các BV xây dựng và áp dụng phác đồ điều trị cho từng mã bệnh tương ứng, đồng thời BV ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB để ngăn chặn những trường hợp cho chỉ định cận lâm sàng không phù hợp với phác đồ điều trị. Vì vậy, việc lạm thu hay lạm dụng dịch vụ kỹ thuật (DVKT) rất khó xảy ra.

BV bị xuất toán hàng trăm tỉ đồng do lạm dụng

Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết số liệu xuất toán năm 2019 BHXH đang làm, còn năm 2018 đã xuất toán gần 300 tỉ đồng tại các BV của TP. Cụ thể, đợt đầu BHXH xuất toán 161 tỉ đồng, đợt 2 sau rà soát vượt dự toán 2018 thì BHXH giảm trừ tiếp 136 tỉ đồng.

Theo ông Mến, việc tự chủ tài chính của BV có ảnh hưởng đến lạm dụng DVKT trong KCB BHYT. “UBND TP, Sở Y tế và BHXH phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ trong việc chỉ định DVKT, đồng thời thanh toán đúng quy định. Tuy nhiên, một số đơn vị lạm dụng chỉ định cận lâm sàng quá mức cần thiết, không đúng chức năng nhiệm vụ như CT Sanner, MRI. Sử dụng thuốc lãng phí, sử dụng biệt dược gốc tại TP.HCM lên 46%, cá biệt có đơn vị lên 78%, 90%. Áp giá DVKT sai, áp giá tiền giường sai, tách chứng từ thanh toán làm 2 lần để giảm chi phí bình quân”, ông Mến nói về các chiêu lạm dụng của BV.

Ông Mến cho biết hiện có một BV sử dụng vật tư y tế lên đến 74 tỉ đồng mà chưa được BHXH thanh toán.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, có BV cơ sở hạ tầng, TTB do nhà nước đầu tư còn chưa đáp ứng được việc KCB theo nhiệm vụ được giao, trong đó có KCB BHYT, mà lại sử dụng cơ sở nhà nước đầu tư để KCB theo yêu cầu. Giá dịch vụ theo yêu cầu chưa tương xứng với chất lượng dịch vụ, gây bức xúc. Còn có tình trạng đầu tư TTB kỹ thuật cao chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn. Bộ Y tế đang hoàn thiện thông tư quy định về KCB theo yêu cầu, từ đó các BV sẽ phải đảm bảo chất lượng dịch vụ theo yêu cầu…

Yêu cầu BS lạm dụng phải khắc phục

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, mới đây tại một BV đa khoa của TP.HCM bị BHXH TP xuất toán hơn 550 triệu đồng vì sử dụng thuốc được cho là không đúng chỉ định.

Sau đó, lãnh đạo BV này đã thống kê từng khoa, từng BS chỉ định và yêu cầu BS phải khắc phục và nộp tiền về phòng tài chính kế toán, nếu không khắc phục sẽ bị cắt giảm thu nhập tăng thêm. (Thanh niên, trang 5).

 

Hà Nội quyết khống chế xong dịch sốt xuất huyết ngay trong tháng 11

Trong tuần vừa qua (từ 28-10 đến 3-11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 764 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Đây là tuần thứ 2 liên tiếp Hà Nội có số ca mắc SXH tuần sau giảm hơn tuần trước trong khoảng 3 tháng qua…

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, ở tuần vừa qua, số mắc SXH trên địa bàn giảm 6 ca so với tuần trước đó. Việc trong 2 tuần liên tiếp, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm cho thấy, dịch bệnh này đã chững lại.

Dù vậy, số ca mắc SXH được ghi nhận vẫn ở mức cao. Tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 9.180 trường hợp SXH huyết, chưa có trường hợp tử vong. Hà Nội phấn đấu hết tháng 11-2019 sẽ khống chế được bệnh SXH.

Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh đồng bộ tất cả giải pháp phòng chống SXH trong thời gian tới. Trong đó, thành phố sẽ tăng cường hoạt động phun thuốc diệt muỗi, đặc biệt là phun trên diện rộng ở bệnh viện, trường học, khu đất trống, công trường xây dựng…

Cùng đó, kêu gọi người dân tích cực tham gia với ngành Y tế trong việc vệ sinh môi trường, loại bỏ những vật dụng chứa nước có bọ gậy. (An ninh thủ đô, trang 8).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 11/12/2020

CDC Hà Nam

Dịch Covid-19, Cập nhật lúc 08h00 ngày 12-2-2020

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 26/5/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận