Điểm báo ngày 07/3/2019
BS Việt Nam cứu du khách Nhật nguy kịch do mắc bệnh hiếm gặp; Để học sinh hứng thú hơn với môn giáo dục thể chất; Vẫn tiêm vaccine ComBe Five trên toàn quốc…
Xây dựng Học viện Quân y xứng đáng là trường trọng điểm quốc gia
Cách đây 70 năm, theo Sắc lệnh số 234/SL ngày 20-8-1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Quân y sĩ Việt Nam (tiền thân của Học viện Quân y) được thành lập. Ngày 10-3-1949, Nhà trường khai giảng khóa học đầu tiên. Từ đó, ngày 10-3 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Học viện Quân y. 70 năm qua, được sự quan tâm của Ðảng, Bác Hồ, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ Nhà trường đã vượt mọi khó khăn, thử thách, xây dựng Học viện Quân y trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu y học và y học quân sự có uy tín trong quân đội và cả nước.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của Học viện là đào tạo cán bộ, nhân viên quân y cho toàn quân, nghiên cứu khoa học y học và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Trong đó, những ngày đầu thành lập, mặc dù cơ sở vật chất đơn sơ, thiếu giáo viên, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, song cán bộ, giáo viên, nhân viên, chiến sĩ Nhà trường đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, thử thách, vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo, vừa tham gia phục vụ bảo đảm cho chiến trường, đáp ứng yêu cầu bổ sung cán bộ, nhân viên quân y cho các đơn vị. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thực hiện phương châm “bám sát chiến trường, bám sát bộ đội”, các thầy thuốc, các đội điều trị của Học viện đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn, góp phần cùng quân và dân cả nước giành thắng lợi.
Thời kỳ đổi mới, Học viện luôn quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục, đào tạo (GD, ÐT) trong tình hình mới; từng bước xây dựng Học viện chính quy, hiện đại, hòa nhập cùng hệ thống GD, ÐT chung của cả nước. Công tác đào tạo có bước tiến vượt bậc; quy mô, loại hình đào tạo được mở rộng, với nhiều bậc học: trung học, cao đẳng, đại học và sau đại học. Ngoài thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ, nhân viên quân y cho toàn quân, Học viện còn tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế: bác sĩ tuyến cơ sở phía bắc từ năm 1996, phía nam từ năm 1999, bác sĩ dài hạn từ năm 2002; bác sĩ cử tuyển cho các tỉnh Tây Nguyên từ năm 2004; đào tạo bác sĩ theo địa chỉ cho các tỉnh Bắc Cạn, Yên Bái từ năm 2009.
Ðể nâng cao chất lượng GD, ÐT các đối tượng, Học viện luôn kế thừa thành quả, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước; chủ động, sáng tạo, bám sát yêu cầu nhiệm vụ, xác định đúng mục tiêu, nâng cao chất lượng, định hướng phát triển của từng lĩnh vực, nhất là trong đào tạo bác sĩ quân y, dược sĩ đại học quân y. Coi trọng phát triển tiềm năng khoa học và công nghệ (KH, CN); ứng dụng, phát triển các kỹ thuật mới hiện đại nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị (chú trọng đầu tư, phát triển các chuyên ngành mũi nhọn trong nội soi, chẩn đoán và điều trị; kỹ thuật can thiệp mạch, nâng cao kỹ thuật ghép tạng, cấp cứu, điều trị bỏng…). Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đào tạo và xây dựng đơn vị. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết là cán bộ chủ trì trong thực hiện nhiệm vụ. Ðồng thời, Học viện luôn có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo từ bậc trung cấp đến đại học và sau đại học; mở rộng và tăng cường hợp tác với các trường đại học, cơ sở khoa học, bệnh viện trong nước và quốc tế trên lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), điều trị… Công tác quản lý GD, ÐT đi vào quy chế hóa, chương trình đào tạo thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung ngày càng hoàn thiện, như: cụ thể hóa mục tiêu, yêu cầu đào tạo, tiêu chuẩn hóa phẩm chất, năng lực từng đối tượng đào tạo, bảo đảm mặt bằng kiến thức chung của ngành y, mang đặc thù quân đội và tiếp cận kỹ thuật mới. Phương pháp giảng dạy được tiêu chuẩn hóa, cải tiến và áp dụng có chọn lọc phương pháp giảng dạy mới… Ðến nay, Học viện đã xây dựng, hoàn thiện tám chương trình đào tạo cho các đối tượng đại học, cao đẳng; 83 chương trình đào tạo các chuyên ngành sau đại học, 26 chương trình đào tạo nhân viên trung, sơ cấp y – dược. Trong đó, hầu hết các chương trình đào tạo được xây dựng mới, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống và cập nhật khoa học – kỹ thuật hiện đại; các chương trình được xây dựng không chỉ là kiến thức, kỹ năng thực hành, mà cả về nội dung y đức, kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn; thể hiện được sự liên thông trong ngành y – dược và bảo đảm đặc thù của ngành quân y. Chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa, dược sĩ, chuyên khoa, thạc sĩ, tiến sĩ đều được cấu tạo theo học trình, học phần, tạo thuận lợi cho người học tích lũy được vốn kiến thức.
Cùng với đó, Học viện đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng KH, CN vào công tác GD, ÐT, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Chỉ tính trong 10 năm gần đây, Học viện đã hoàn thành 56 đề tài, dự án, nhiệm vụ KH, CN cấp nhà nước; 136 đề tài cấp bộ, ngành và cấp tỉnh, thành phố; 605 đề tài cấp cơ sở và 400 đề tài NCKH của sinh viên. Nhiều đề tài có giá trị khoa học cao, được tặng giải thưởng quốc gia và quốc tế, có ý nghĩa thiết thực về chính trị – xã hội, quốc phòng, an ninh, được ứng dụng rộng rãi trong điều trị tại các bệnh viện. Ðặc biệt, Học viện Quân y là đơn vị đầu tiên trong nước triển khai nghiên cứu và thực hiện thành công năm ca ghép tạng đầu tiên trên người (ghép thận: năm 1992; ghép gan: năm 2004; ghép tim: năm 2010; ghép đa tạng tụy – thận: năm 2014 và ghép phổi: năm 2017), góp phần tạo bước phát triển vượt bậc của nền y học nước nhà; được tặng Huân chương Lao động hạng nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH, CN…
Học viện Quân y được Bộ Giáo dục và Ðào tạo đánh giá là cơ sở đào tạo có chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên giỏi và có mối quan hệ quốc tế sâu rộng trong đào tạo, NCKH với hơn 10 nước trên thế giới. Năm 2014, Học viện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là một trong 17 trường trọng điểm quốc gia – là một trung tâm lớn, có uy tín về đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành y – dược của Quân đội, đào tạo theo nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và giúp hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Từ ngày thành lập đến nay, Học viện đã đào tạo được gần 90 nghìn cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật y – dược, trong đó: 1.000 tiến sĩ; hơn 3.700 thạc sĩ; hơn 7.000 bác sĩ CKI, CKII, bác sĩ nội trú; gần 28.000 bác sĩ đa khoa và dược sĩ đại học; gần 55.000 nhân viên y tế. Học viên được đào tạo tại Học viện có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển y tế của Nhà nước và làm nghĩa vụ quốc tế.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong 70 năm qua, Ðảng, Nhà nước đã trao tặng Học viện Quân y nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập hạng nhất, vinh dự ba lần được Ðảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ðặc biệt, ngày 28-2-2019, Học viện Quân y lại một lần nữa vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai nhân dịp Học viện kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống.
Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phát huy truyền thống đơn vị ba lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, để xây dựng Học viện xứng đáng là trường trọng điểm quốc gia, Học viện Quân y đã xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển tầm nhìn đến năm 2025, với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn. Trong đó, thời gian tới, Học viện tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối về công tác GD, ÐT do Nghị quyết Ðại hội lần thứ XII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ Quân đội lần thứ X đề ra. Tập trung nâng cao chất lượng GD, ÐT toàn diện; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học đáp ứng với chuẩn đầu ra, thiết thực cho đơn vị và cơ sở, bảo đảm đạt tiêu chuẩn quốc gia, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.
Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, giáo dục; coi trọng đào tạo nguồn cán bộ có đức, tài đảm nhiệm được những nhiệm vụ trọng yếu. Ðồng thời, làm tốt công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên. Tăng cường đầu tư ngân sách, từng bước thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Ðẩy mạnh hoạt động KHCN, biên soạn giáo trình, hợp tác quốc tế về GD, ÐT. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị; nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quân sự, quốc phòng và tham gia đào tạo phục vụ công cuộc đổi mới đất nước. Hiện nay, Học viện đang thực hiện tốt đề án tổng thể về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo giai đoạn 2018 – 2020 và những năm tiếp theo, trong đó tập trung thực hiện tốt các nội dung trọng tâm: Xây dựng chuẩn đầu ra dựa trên năng lực cho tất cả các đối tượng đào tạo: cao đẳng, đại học, sau đại học, để người học sau khi ra trường đáp ứng được nhiệm vụ của đơn vị sử dụng. Ðổi mới việc xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, đào tạo theo hướng tích hợp modul (tích hợp nhiều môn học theo chủ đề, theo khối kiến thức để giảm sự trùng lặp, tăng thời lượng thực hành, đạt chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp). Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm và bổ sung, chỉnh lý, cập nhật chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu đề ra. Ðồng thời, xây dựng trung tâm mô phỏng để giảng dạy các kỹ năng thực hành lâm sàng trước khi đi thực hành tại bệnh viện; phục vụ đánh giá, lượng giá môn học và thi tốt nghiệp.
Ðổi mới và nâng cao chất lượng các phương pháp giảng dạy, chuyển sang giảng dạy tích cực; giảng dạy lâm sàng theo hướng “cầm tay, chỉ việc”, chú trọng hướng dẫn người học về thái độ nghề nghiệp. Ðổi mới phương thức đánh giá sử dụng đa phương thức lượng giá: đánh giá người học theo suốt quá trình học kết hợp với lượng giá theo giai đoạn bằng các hình thức khác nhau để đánh giá toàn diện được kiến thức, kỹ năng, thái độ của người học khi kết thúc môn học và khi tốt nghiệp ra trường; bảo đảm học viên sau khi tốt nghiệp ra trường đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội. (Nhân dân, trang 3)
Để học sinh hứng thú hơn với môn giáo dục thể chất
Với mục tiêu phát triển thế hệ trẻ toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ, “diện mạo” môn giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục phổ thông (GPDT) mới đã được thay đổi so với chương trình hiện hành.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để môn học này thực sự hiệu quả trong trường học, góp phần nâng cao tầm vóc cho thế hệ trẻ Việt Nam, ngoài việc đổi mới chương trình, còn hai “nút thắt” khác cần tiếp tục được tháo gỡ là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Học sinh được tự chọn môn thể dục, thể thao yêu thích từ lớp 1
Môn giáo dục thể chất trong chương trình GDPT mới được thiết kế theo hướng tăng thời lượng hơn so với chương trình hiện hành. Bên cạnh đó, ngoài phần kiến thức, kỹ năng cơ bản thì học sinh được tự chọn môn thể dục, thể thao yêu thích ngay từ lớp 1. Đặc biệt, việc kiểm tra, đánh giá cũng được thay đổi theo tinh thần đánh giá học sinh qua sự nỗ lực của chính các em chứ không phải là kết quả, thành tích. Thời lượng dành cho môn giáo dục thể chất ở mỗi lớp là 70 tiết trong năm học, được phân bổ cho các nội dung phù hợp với từng cấp học. Nội dung giáo dục thể chất cũng được chia thành hai giai đoạn.
Ở giáo dục cơ bản, môn học này giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khỏe; hình thành kỹ năng vận động cơ bản, phát triển tố chất thể lực. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn giáo dục thể chất được thực hiện thông qua câu lạc bộ thể dục thể thao.
Ngoài việc tiếp tục phát triển các kỹ năng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, những học sinh có năng khiếu thể thao có thể tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp cho mình.Ví dụ ở bậc tiểu học, nội dung vận động cơ bản với các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập thể dục, tư thế và kỹ năng vận động chiếm 65% thời lượng. Còn ở cấp THPT, nội dung trên không còn. Thay vào đó, các môn thể thao tự chọn chiếm 90% thời lượng, thời gian còn lại dành cho đánh giá cuối kỳ, cuối năm học…
Theo ban soạn thảo chương trình, với môn giáo dục thể chất trong chương trình GDPT mới, học sinh được lấy làm trung tâm, giáo viên được yêu cầu vận dụng linh hoạt phương pháp như trực quan, sử dụng lời nói, tập luyện, sửa sai, trò chơi, thi đấu, trình diễn. Đồng thời, giáo viên cũng được hướng dẫn áp dụng cách sử dụng nguyên tắc đối xử cá biệt, phù hợp với sức khỏe của học sinh. Đặc biệt, môn giáo dục thể chất cũng sẽ tích hợp kiến thức một số môn học khác, một số bài hát, bản nhạc để tạo không khí vui tươi, hưng phấn trong tập luyện, tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập.
Tháo gỡ “nút thắt” về sân tập và đội ngũ giáo viên
Mặc dù cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên được xem là hai trong ba yếu tố then chốt quyết định chất lượng môn giáo dục thể chất trong nhà trường. Tuy nhiên, hiện tại cả hai yếu tố này đều vừa thiếu, vừa yếu. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, về cơ sở vật chất, cả nước hiện có khoảng 80% trường học phổ thông thiếu nhà tập, 99,6% số trường thiếu bể bơi, 85% số trường thiếu sân tập thể dục.
Về đội ngũ giáo viên, toàn quốc có 76.856 giáo viên, trong đó chỉ có khoảng 56.932 giáo viên chuyên trách, chiếm 74%; số còn lại là giáo viên kiêm nhiệm. Trong đó, riêng cấp Tiểu học có khoảng 20% số trường có giáo viên chuyên trách về giáo dục thể chất (chỉ từ 1 – 2 người, phần lớn là 1 người); khoảng 80% số trường còn lại do giáo viên kiêm nhiệm dạy nên chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ths. Đinh Đức Thiện, chuyên viên Giáo dục thể chất, Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 413 giáo viên được đào tạo giáo dục thể chất chính quy, trong đó, có 88 giáo viên/155 trường tiểu học, 96 giáo viên/135 trường THCS và 129 giáo viên/38 trường THPT. Theo ông Thiện, việc thiếu giáo viên giáo dục thể chất trên thực tế đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giờ học và cũng chính là nguyên nhân khiến học sinh không có hứng thú, thậm chí sợ môn học này.
TS Nguyễn Gắng, Trưởng khoa Giáo dục thể chất, ĐH Huế cũng cho rằng: Ngoài đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cho đào tạo cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về sân tập, nhà tập, bể bơi, thiết bị dạy học đặc biệt… Từ đó, việc lựa chọn nội dung các môn học trong chương trình đào tạo ở nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.
“Hiện nay trong TP. Huế rất nhiều trường tiểu học và THCS không có khuôn viên. Vì không có sân chơi, học sinh muốn tập thể dục, chơi thể thao phải ra công viên tìm chỗ. Tôi cho rằng, nếu nút thắt về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên không được giải quyết thì dù chương trình môn giáo dục thể chất mới có ưu việt đến mấy cũng khó có thể mang lại kết quả cao”-TS Nguyễn Gắng nhấn mạnh. (Công an Nhân dân, trang 6)
Vẫn tiêm vaccine ComBe Five trên toàn quốc
Ngày 6-3, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định, thông tin việc tạm dừng tiêm vaccine ComBe Five là không chính xác.
Trước một số trường hợp trẻ nhỏ bị phản ứng, tai biến sau khi tiêm vaccine ComBe Five và thông tin cho rằng sẽ dừng không sử dụng loại vaccine này nữa, ngày 6-3, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định, thông tin việc tạm dừng tiêm vaccine ComBe Five là không chính xác.
Bộ Y tế vẫn đang chỉ đạo các tỉnh, thành tiêm vaccine ComBe Five cho trẻ đúng kế hoạch. Đồng thời thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc, theo dõi trẻ 30 phút tại trạm y tế sau tiêm chủng.
Hiện nay, chỉ có tỉnh Bình Định tạm dừng tiêm vaccine ComBe Five sau khi xảy ra vụ một trẻ 2,5 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm loại vaccine này để làm rõ nguyên nhân. Qua báo cáo của các địa phương, sau khi triển khai tiêm vaccine ComBe Five, ngoài phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc… đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài.
Trong khi đó, theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vaccine chứa thành phần ho gà toàn tế bào như ComBe Five là sốt 38-39°C chiếm tới 44,5%; phản ứng 38,5%; nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%; đau 25,6%; các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trường lực cơ, sốc phản vệ vào khoảng 20 trường hợp trên 1 triệu liều vaccine sử dụng.
Tất cả vaccine nhập khẩu về Việt Nam nói chung và ComBe Five nói riêng đều được chuyển về theo lô, được kiểm định riêng biệt không phải kiểm định một lần. Những lô vaccine được đưa vào tiêm chủng đều đạt tiêu chuẩn an toàn qua kiểm định, được cấp giấy phép lưu hành. Trước khi sử dụng ở Việt Nam, vaccine ComBe Five đã được sử dụng tại 39 quốc gia khác với 400 triệu liều.
* Bà Rịa- Vũng Tàu: Số ca mắc sốt xuất huyết và sởi tăng đột biến
Ngày 6-3, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận 691 ca sốt xuất huyết (SXH), cao gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục chủ động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thông qua 5 hình thức giám sát dịch bệnh, khoanh vùng và xử lý kịp thời các trường hợp bệnh, ổ dịch nhỏ, vùng nguy cơ cao để không cho dịch bệnh lây lan bùng phát. Tăng cường tổ chức tiêm chủng đủ mũi cho trẻ em, tổ chức tiêm vét những trường hợp chưa được tiêm để tăng miễn dịch cộng đồng. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
BS Việt Nam cứu du khách Nhật nguy kịch do mắc bệnh hiếm gặp
Ngày 5-3, bệnh viện (BV) Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết nơi đây vừa cứu sống thành công một bệnh nhân người Nhật khi đang đi tham quan Hà Nội thì đột quỵ.
Trước đó, vào ngày 27-2, ông O. (67 tuổi, du khách Nhật Bản) đột ngột bị mất ý thức và hôn mê khi đang đi tham quan Hà Nội. Sau đó ông được đưa vào cấp cứu tại BV Việt – Pháp với chẩn đoán ban đầu nghi là tai biến mạch máu não.
Thế nhưng khi xem kết quả trên phim chụp cắt lớp vi tính sọ não và hệ mạch máu vùng nền cổ, các bác sĩ (BS) lại thấy có hình ảnh nghi lóc động mạch chủ. Thăm khám hệ mạch ngoại vi thấy không bắt được mạch và thiếu máu rõ ở tay và chân phải.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực- BV Việt Đức (Hà Nội), sau khi BV Việt–Pháp xác định là biến cố tim mạch phức tạp, lập tức các BS nơi đây đã hội chẩn trực tuyến với BV Việt Đức.
Theo đó, bệnh nhân được chẩn đoán là lóc động mạch chủ loại A thể phức tạp, suy hô hấp phải thở máy, suy tuần hoàn khá nặng phải dùng thuốc trợ tim liều cao. Nếu không được phẫu thuật kịp thời bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
Mặc dù trường hợp này rủi ro rất cao, nhưng vì phẫu thuật có thể mang lại vài phần trăm cơ may sống sót cho bệnh nhân nên BV Việt-Pháp đã chuyển cấp cứu bệnh nhân tới BV để điều trị.
“Vợ bệnh nhân gọi từ Nhật Bản đồng ý cuộc phẫu thuật, các thủ tục liên quan cũng nhanh chóng được hỗ trợ. Chỉ trong 2 giờ mọi hồ sơ pháp lý đã hoàn thiện” – BS Ước cho hay.
Cũng theo BS Ước, sau một thời gian theo dõi, đến ngày 4-3, tri giác bệnh nhân đã cải thiện, có thể nhận biết người thân. Chức năng thận đã phục hồi, chân phải được bảo tồn với chức năng cải thiện tốt. Bệnh nhân được ngừng thở máy hỗ trợ, rút ống nội khí quản. Nếu không có các biến chứng nhiễm trùng hoặc suy tạng khác thì bệnh nhân có thể được ra viện trong 2 – 3 tuần nữa.
TS Vũ Ngọc Tú, thành viên kíp mổ cho biết, trong 10 năm với hơn 200 ca mổ cấp cứu lóc động mạch chủ loại A, ông chưa thấy có trường hợp nào lại diễn biến nặng và phức tạp như ca này. (Pháp luật TPHCM, trang 2)