Điểm báo ngày 08/3/2021

(CDC Hà Nam)
Hôm nay tiêm vắc-xin cho nhân viên y tế; TP.HCM tính chuyện mở cửa các dịch vụ còn lại; Nữ bác sĩ mê mổ từ thiện xuyên quốc gia: ‘Mổ xong thấy lòng mình vui, hồn mình đẹp’; Kỳ tích: Cứu sống thanh niên ngã xe máy bị thanh sắt cắm xuyên mặt, ghim vào hàng rào

Hôm nay tiêm vắc-xin cho nhân viên y tế

Ngày 8/3, có 100 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và hơn 900 nhân viên y tế của BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM được tiêm vắc-xin AstraZeneca. Chiều 7/3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết,sáng nay, 100 cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện được tiêm AstraZeneca. Đây là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Theo chương trình dự kiến, buổi tiêm bắt đầu từ 8h tại bệnh viện; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Trưởng đoàn kiểm tra công tác triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại bệnh viện, giám sát buổi tiêm. Đoàn sẽ kiểm tra công tác triển khai tiêm vắc-xin tại điểm tiêm vắc-xin tập trung Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, kiểm tra kho lưu trữ vắc-xin của bệnh viện. Sau đó, Đoàn sẽ họp rút kinh nghiệm sau buổi tiêm.

Bệnh viện bố trí 3 bàn tiêm tại Phòng Tiêm chủng, Trung tâm Phòng chống dịch. Trước khi tiêm, cán bộ, nhân viên y tế được khám sàng lọc kỹ lưỡng. Nếu bị ho, sốt, khó thở, sẽ không tiêm. Sau khi tiêm, người được tiêm phải ở lại theo dõi 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24h. Đối với trường hợp cấp cứu, phải theo dõi tiếp 24h tại bệnh viện.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh viện hiện có Phòng Tiêm chủng phục vụ các loại vắc-xin mới nhất. Phòng Tiêm chủng có hệ thống kho lạnh đảm bảo an toàn cho tất cả các loại vắc-xin, kể cả loại đòi hỏi tiêu chuẩn âm 70 độ C.

7 đối tượng

Hôm nay, hơn 900 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM được tiêm AstraZeneca được Bộ Y tế nhập về ngày 24/2. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, trong đợt tiêm đầu tiên này, bệnh viện phân ra 7 đối tượng để tiêm, gồm Khoa Nhiễm D, Khoa Cấp cứu, Phòng Công tác xã hội, Khoa Khám bệnh, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc người lớn,Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử và lãnh đạo Ban giám đốc cùng các trưởng phó khoa.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM là nơi tiếp nhận điều trị ca nghi nhiễm, nhiễm COVID-19 ở khu vực phía Nam và cũng là bệnh viện đầu tiên ở TPHCM được tiêm vắc-xin đợt này. Đây cũng là đơn vị chuyên nghiên cứu về COVID-19 và thực hiện chủng ngừa một số loại vắc-xin nên có kinh nghiệm trong tiêm và xử lý các tình huống sau tiêm.

Sáng 8/3, đại diện Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) cho biết, hai kiện vắc-xin ngừa COVID-19 mà Bộ Y tế đặt mua từ hãng dược AstraZeneca thông qua VNVC đã đến sân bay Nội Bài ngày 7/3, và được xe chuyên dụng đưa về kho của VNVC tại Hà Nội. Đại diện VNVC không tiết lộ số liều được chuyển đi đợt này,nhưng đã có 33.000 liều được đưa đến tỉnh Hải Dương.

Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022. Theo đó, ngoài phân bổ về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 13 tỉnh, thành phố đang có dịch (Hà Nội, TPHCM, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên và Hà Giang), Bộ Y tế cũng quyết định phân bổ vắc-xin cho Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 được tiếp nhận vắc-xin đợt đầu, trong đó Hải Dương là tỉnh được phân bổ nhiều nhất cả nước với 33.000 liều.

Hải Dương tiêm cho 130 người đầu tiên

Sáng nay, Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tỉnh Hải Dương tổ chức tiêm vắc-xin cho 130 người, gồm 50 người ở TP Hải Dương và 80 người ở huyện Kim Thành. Họ thuộc 9 nhóm ưu tiên là cán bộ, nhân viên y tế, công an, quân đội… Ông Lương Văn Cầu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết, dự kiến, sau khi tiêm chủng tại TP Hải Dương và huyện Kim Thành, sẽ triển khai tại Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn và Nam Sách. Kết thúc đợt một, địa phương sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm rồi tiếp tục triển khai tại 6 huyện còn lại trong đợt 2.

Trong trường hợp các địa phương không bố trí được điểm tiêm chủng hoặc số lượng đối tượng đông, có thể huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn. Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương và các trung tâm y tế tuyến huyện tổ chức giám sát hoạt động tiêm chủng (Tiền phong, trang 6).

 

TP.HCM tính chuyện mở cửa các dịch vụ còn lại

Trao đổi với Thanh Niên chiều 7.3, một lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết sáng nay (8.3), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sẽ họp để thảo luận về việc mở cửa các dịch vụ còn lại như karaoke, vũ trường, beer club, các hd thể thao trong không gian kín (phòng gym, bi da, yoga…). Các dịch vụ này được yêu cầu dừng hoạt động kể từ ngày 9.2 sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3. Để thực hiện mục tiêu kép, TP.HCM cho phép phần lớn loại hình kd, dịch vụ hoạt động từ ngày 1.3, nhưng các loại hình nêu trên tiếp tục đóng cửa vì khó đảm bảo yêu cầu giãn cách. Hiện Sở KH-ĐT đang nghiên cứu, xây dựng gói hỗ trợ lần 2 cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (Thanh niên, trang 5).

 

Nữ bác sĩ mê mổ từ thiện xuyên quốc gia: ‘Mổ xong thấy lòng mình vui, hồn mình đẹp’

Người phụ nữ mê mổ từ thiện đã đi xuyên 50 quốc gia trong 31 năm, mổ về răng hàm mặt. Phó giáo sư Lâm Hoài Phương đã mổ cho những người không may, có răng – hàm – mặt không trọn vẹn ở nhiều nơi trên thế giới.

Mang “lửa” đi khắp thế giới chỉ vì đam mê

Phó giáo sư Lâm Hoài Phương sinh ra và lớn lên trong thời chiến. Lúc bé, chứng kiến những hình ảnh hàm mặt phải mất đi, bà đã có những suy nghĩ, ấn tượng đặc biệt. Thêm vào đó là việc nối gót nghề của gia đình, bà bắt đầu bén duyên với ngành y.

“Năm 1981, khi ra trường, là cán bộ giảng dạy của khoa răng hàm mặt Trường đại học Y dược TP.HCM, khi đó tôi mới theo ngành nha. Ngành nha ở đây liên quan đến các bệnh lý bệnh tật bẩm sinh. Thời điểm đó, bệnh nhi dị tật với hàm rất nhiều. Tôi vừa giảng dạy, vừa gắn kết với một số bệnh viện lâm sàng để điều trị. Đó là những gắn bó đầu tiên để tôi miệt mài mang lại niềm vui hạnh phúc cho bệnh nhân” – bác sĩ Phương nói.

Nhiều năm trong nghề, là bác sĩ y khoa, phẫu nhi, đối với bà, những đứa trẻ dị tật luôn cho bà những cảm xúc. Không phải ai cũng có điều kiện để tạo hình lại những dị tật mà cơ thể sinh ra không được may mắn, mổ thiện nguyện là việc làm cần rất nhiều bác sĩ chung tay.

Vì thế, từ những ngày đầu, dù rất bộn bề với gia đình và công việc, bác sĩ Phương đã tham gia tổ chức Operation Smile (Phẫu thuật nụ cười). Bà nói: “Tham gia mổ từ thiện, trước tiên cho bệnh nhân là điều tất nhiên. Ngoài ra, đi nước ngoài là cơ hội học tập. Mình coi cách tổ chức của họ, cách vận hành, thực hiện; cơ hội mình muốn tham gia tổ chức mổ từ thiện lâu dài, để giữ cho thế hệ sau, cho sinh viên có cơ hội giống như mình được thực hiện.

Không phải ai muốn làm từ thiện cũng được, mà muốn thực hiện được trước tiên phải có khả năng, có cơ hội tiếp xúc nhiều bệnh nhân, nhiều đất nước và phải học tập để làm được chuyện này”.

“Không biết mệt là gì!”

31 năm tham gia phẫu thuật từ thiện, bác sĩ Phương đi 50 quốc gia trên thế giới, với vô vàn ca mổ. Nhìn lại cả chặng đường, bà cho rằng: “Tôi nghĩ duyên sinh ra gắn liền với mổ từ thiện vì tôi mê lắm. Tôi không biết mệt là gì! Đấy là niềm vui. Chẳng hạn như chuyến đi mổ từ thiện ở Brazil. Họ yêu cầu bác sĩ Việt Nam mổ và ca này mổ sao cho thời gian ngắn nhất. Danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế với ca viêm mạc thành hầu là 2-3 tiếng. Ở đây, nếu môi thường và vòm thường, tôi sẽ mổ 7 phút; nếu viêm mạc thành hầu, tôi dè dặt nên nói 45 phút. Đến khi mổ, cả đoàn bác sĩ nước bạn đứng sau bấm thời gian, thấy không tới 45 phút”.

Bình thường trong chuyến đi, một ngày mổ 5 ca nhưng bác sĩ Phương mổ 14 ca/ngày. “Mình mổ nhanh quá, hết ca mổ này đến ca mổ khác. Điều dưỡng có nói tôi làm chậm lại để người khác làm, nhưng khi đi từ thiện, đoàn xong việc thì mình mới xong việc, nên cứ tiếp tục mổ chứ không phải mình xong việc là đã xong”.

Mỗi chuyến đi nước ngoài như vậy khoảng 10 ngày. Và ngay từ đầu xác định đi làm từ thiện chắc chắn không vì bất cứ vật chất nào, thậm chí đối diện những rủi ro, sự cố, nguy hiểm. Thế nhưng điều đó chưa bao giờ làm chùn bước bác sĩ mê phẫu thuật.

“Tôi nhớ có lần sang Ấn Độ, xe của Ấn Độ rất cũ và chở rất nhiều người, nhiều đồ. Đang trên đường, xe ngược chiều chở sắt cồng kềnh đi qua xe bên đoàn, sắp giao nhau với ngay vị trí của mình thì xe ngưng lại. Rất may không gạt ngang cánh tay, nếu không tay sẽ gãy mất.

Hay khi mổ từ thiện ở Kenya, lúc về đến Thái Lan, bị sự cố về vé nên mất 36 tiếng không ăn không uống. Vì khi đó không có thẻ, dùng tiền mặt, mà lúc đó lại hết tiền. Tham gia từ thiện là vì tâm, nên còn đi là còn gặp những trắc trở không nói trước, nhưng tôi vẫn cứ đi vì phẫu thuật ở trong máu rồi”, bác sĩ Phương nói.

Mong truyền lại “lửa” đam mê, học hỏi

Gắn với đam mê trong hành trình mổ từ thiện xuyên quốc gia hơn 30 năm qua, phía sau đó là một mong ước bền bỉ mà Phó giáo sư Lâm Hoài Phương muốn giữ lại, muốn truyền lại cho thế hệ sau, cho sinh viên là “lửa” không ngừng học hỏi.

Mỗi lần theo đoàn đến một nước, “tác chiến” trong khoảng 10 ngày là bác sĩ Phương tận dụng tối đa để quan sát, học hỏi. “Mỗi ca tôi mổ xong rồi thấy chưa được đẹp, thế là phải rà lại lý do. Ca này mổ chưa được nhanh, mình phải rút kinh nghiệm lần sau làm tiếp. Hay tối trước khi đi ngủ thì phải nghĩ luôn, nếu mai mổ gặp trường hợp phải xử lý như thế nào, đặt giả định sốc ở đâu. Một kỹ năng nhỏ thôi nhưng qua chuyến đi giúp tôi học được rất nhiều” – bà đúc kết.

Mê phẫu thuật nên bà gặp những ca cực khó là… càng thích. “Tái tạo dị tật khiếm khuyết khó thì tôi càng muốn làm. Ca càng khó thì tôi càng thích. Tôi thích vì chỉ có những ca như vậy mình suy nghĩ ra mình phải làm cái gì. Có những phương pháp thầy cô đã dạy nhưng có những phương pháp tự mày mò”, bác sĩ Phương giải thích.

“Với tôi, tham gia từ thiện bằng chuyên môn của mình là cơ hội hòa nhập, trải nghiệm để giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân. Tôi mong người khác, các em thế hệ sau nhìn vào đó chung tay làm những công việc lan tỏa cho xã hội, cho cộng đồng” – BS Phương chia sẻ (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Kỳ tích: Cứu sống thanh niên ngã xe máy bị thanh sắt cắm xuyên mặt, ghim vào hàng rào

Bị ngã xe máy trong lúc đang di chuyển, L.V.C bị một thanh sắt của hàng rào bên đường đâm xuyên mặt và ghim vào hàng rào, phải giữ tư thế bất động để chờ các bác sĩ bệnh viện địa phương mang máy cưa đến giải cứu…Bệnh viện Việt Đức vừa tiếp nhận bệnh nhân L.V.C (20 tuổi, Lai Châu) nhập viện do tai nạn xe máy bị thanh sắt đâm xuyên mặt. Thanh sắt có chu vi 12mm và dài 12cm đâm xuyên qua mặt bệnh nhân: từ xoang sàng xuyên qua mũi, mắt rồi xuyên vào trong não. Người nhà người bệnh cho biết, khi L.V.C đang đi xe máy thì bất ngờ ngã vào thanh sắt của hàng rào bên đường. C. phải giữ tư thế bất động vì mặt bị ghim vào hàng rào và chờ các bác sĩ bệnh viện địa phương mang máy cưa đến cưa thanh sắt ra khỏi hàng rào, sau đó chuyển bệnh nhân trong tình trạng bị thanh sắt đâm xuyên mặt đến Bệnh viện Việt Đức.

Ths.BS Vũ Trung Trực, Phó Trưởng khoa Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, thời điểm tiếp nhận bệnh nhân L.V.C, người bệnh trong tình trạng huyết động ổn nhưng tinh thần hoảng loạn, chấn thương sọ não, tổn thương mắt (giãn đồng tử, liệt vận nhãn). Nam thanh niên này đã được hội chẩn liên khoa để đánh giá vị trí của dị vật. Các bác sĩ xác định thanh sắt của hàng rào đâm vào từ dưới mắt trái, xuyên qua mũi, xoang sàng, qua hốc mắt và đỉnh hốc mắt phải sau đó xuyên thủng tầng giữa nền sọ vào thùy thái dương bên phải của não.

Điều may mắn là thanh sắt xuyên qua tổ chức não cách động mạch cảnh trong – động mạch chính cấp máu cho não – khoảng 5mm. Nếu động mạch cảnh trong bị tổn thương, thì người bệnh khó có thể duy trì được tính mạng. Vấn đề nguy hiểm là ở phần đầu của thanh sắt vị trí trong não có phần móc cạnh sắc, nguy cơ khi rút ra khỏi đầu bệnh nhân sẽ cắt vào mạch máu não gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng. Bệnh nhân được đưa vào phòng can thiệp mạch kịp thời với sự tham gia phối hợp của kíp bác sĩ đa chuyên khoa. Ca cấp cứu ngoạn mục diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ với sự phối hợp nhịp nhành giữa nhiều chuyên khoa, cùng với sự trợ giúp của hệ thống trang thiết bị hiện đại. Kết quả, các bác sĩ đã thở phào sau khi rút thành công dị vật cho người bệnh.

Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân chưa xuất hiện biểu hiện rò dịch não tuỷ và đang được tiếp tục được theo dõi, đồng thời điều trị kháng sinh để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng do thanh sắt. Đối với chấn thương ở mắt, hiện tại 2 mắt bệnh nhân đều nhìn rõ, mắt bên phải có tình trạng sụp mí và bị liệt vận nhãn (An ninh thủ đô, trang 8).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 19/4/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/10/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 29/4/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận