Điểm báo ngày 08/5/2019

(CDC Hà Nam)

Dịch tả heo châu Phi tái xuất ở nhiều địa phương

Ngày 7-5, Cơ quan Thú y vùng 3 đã có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm heo ốm chết tại xóm 9 (xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Qua đó cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với dịch tả heo châu Phi. Trước đó, chiều 5-5, UBND xã Diễn Thái nhận được báo cáo về việc heo chết tại nhà bà Nguyễn Thị Lương nên phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Diễn Châu kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm. Như vậy, chỉ trong 1 tuần qua, huyện Diễn Châu phát hiện 3 ổ dịch ở các xã Diễn Vạn, Diễn Kim và Diễn Thái. Ngoài ra, hiện địa bàn xã Diễn Đồng và Diễn Trường đang có heo chết. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm.

Trong khi đó, tại tỉnh Thanh Hóa, dịch tả heo châu Phi cũng phát sinh thêm tại 2 xã Thành Lộc và Tuy Lộc của huyện Hậu Lộc. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 225 con heo bị bệnh của 3 hộ gia đình ở 2 xã trên.

Cùng ngày, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, tính đến thời điểm này trên địa bàn Đồng Nai đã xuất hiện 2 ổ dịch tả heo châu Phi ở 2 huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch. Theo đó, ngày 24-4, heo của gia đình ông Nguyễn Văn Đằng, ấp Tân Đạt (xã Đồi 61, huyện Trảng Bom) và ngày 28-4 thêm heo của hộ bà Nguyễn Thị Vân (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) mắc bệnh và chết bất thường. Chi cục đã cử cán bộ chuyên môn xuống lấy mẫu đi xét nghiệm ở Cục Thú y vùng 6 và cho kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi. UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo UBND 2 huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch công bố dịch trên địa bàn và tiêu hủy toàn bộ heo, tiêu độc khử trùng (ngày 1 lần) tại trại của ông Đằng, bà Vân. Đồng thời, lập nhiều chốt kiểm dịch động vật tạm thời và tạm ngưng hoạt động các cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện (Sài Gòn giải phóng, trang 1). 

 

Xét nghiệm HIV sớm, điều trị ARV mở rộng là cốt lõi để phòng chống HIV/AIDS

Chiều 7-5, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện Sở Y tế đã thông tin về chiến dịch truyền thông K=K (Không phát hiện = Không lây nhiễm HIV).

Hiện nay, trên thế giới, có 36,9 triệu người có HIV. Tại Việt Nam, tính đến hết năm 2018, số người nhiễm còn sống trên toàn quốc là 210.450 người và Hà Nội có 21.038 người (trong đó phát hiện mới khoảng 1.290 trường hợp).

Trong 10 năm qua, cả 3 tiêu chí là số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm đều giảm nhưng khó khăn thách thức vẫn đang tồn tại.

Điều đáng nói là lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng mạnh và trở thành phương thức lây truyền chủ yếu trong thời gian gần đây (tăng từ 34,4% năm 2015 lên 65,6% năm 2018 tại Hà Nội), vì vậy, đòi hỏi phải có những giải pháp và hành động, can thiệp dự phòng phù hợp hạn chế sự lây lan HIV.

Theo bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật, cho đến nay, lĩnh vực điều trị HIV đã đạt được rất nhiều thành tựu và tiến bộ to lớn. Thuốc kháng HIV, còn gọi là ARV đã được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Các phác đồ điều trị ARV gồm 3-4 thuốc phối hợp cho hiệu quả cao và ít tác dụng phụ.

Mục đích của việc điều trị ARV là để ức chế nhân lên của HIV, qua đó phục hồi hệ thống miễn dịch của cơ thể, tránh được các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Điều trị HIV đã cải thiện đáng kể sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người sống chung với HIV. Khoa học đã chứng minh, khi người nhiễm HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định và duy trì tải lượng virus ở mức “không phát hiện” (<200 bản sao/ml) thì người đó hoàn toàn không có nguy cơ lây truyền cho bạn tình của mình qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên, có hai điểm tối quan trọng cần lưu ý là K=K chỉ đạt được khi người có HIV duy trì uống ARV hàng ngày theo chỉ định và định kỳ theo dõi tải lượng virus của mình. K=K chỉ áp dụng cho lây truyền qua đường tình dục, không áp dụng cho lây truyền từ mẹ sang con.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên, bà Lã Thị Lan cho hay, hiện nay, việc điều trị ARV rất dễ dàng, chỉ cần người nhiễm HIV đến các cơ sở điều trị là sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn, đưa vào điều trị ngay. Trung tâm kiểm soát bệnh tật cũng đã giao chỉ tiêu cho 18 cơ sở điều trị của Hà Nội. Cho nên, các cơ sở điều trị ARV không gây bất kỳ khó khăn, phiền hà gì cho người nhiễm HIV. Đề cập đến những khó khăn trong việc điều trị HIV, bà Lã Thị Lan cho hay, có nhiều trường hợp, cán bộ Y tế biết đích danh tên tuổi, địa chỉ nhưng họ từ chối điều trị. Vì vậy, giải quyết được sự kỳ thị, xét nghiệm HIV sớm, điều trị ARV mở rộng là cốt lõi để kết thúc đại dịch HIV/AIDS (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Lật tẩy ‘bác sĩ’ dởm

Không chỉ dùng bằng “bác sĩ” dởm để đi khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu vùng xa mà còn dùng tiền “sắm” thêm một bằng “bác sĩ đa khoa” giả thứ 2 và ngang nhiên làm chứng chỉ bác sĩ siêu âm. Những mánh khoé lừa đảo người bệnh này đã bị phóng viên Tiền Phong lật tẩy.

Dùng bằng giả khám bệnh 

Người mà chúng tôi theo dõi và điều tra là ông Nguyễn Tứ Hải, tự xưng pháp danh Thích Quảng Thiện (sinh ngày 13/1/1972, tại Đồng Nai”. Ông Hải hiện đang “tu” tại chùa V.P, quận 5, TPHCM. Trong quá trình tu tại chùa V.P, ông Hải có quen biết với một số tổ chức thiện nguyện nên thường xuyên tham gia từ thiện với vai trò “bác sĩ”, tiến hành khám bệnh, siêu âm, thậm chí kê toa – cấp thuốc cho người bệnh ở vùng sâu, vùng xa. Bà Nguyễn Thị Lam, phụ trách đoàn thiện nguyện Tâm Phúc thuộc Hội Chữ Thập đỏ quận Tân Bình, TPHCM cho biết, quá trình đi từ thiện, bà có gặp “thầy” Hải. “Ông Hải có nộp cho tôi bằng bác sĩ đa khoa mang số hiệu 510166 vào sổ cấp bằng 458 của trường Đại học Y Dược Cần Thơ và chứng chỉ hành nghề của Sở Y tế TPHCM, mang tên Nguyễn Tứ Hải, số hiệu 0035467/HCM-CCHN, cấp ngày 15/4/2016. Do đó, một số chuyến đi khám chữa bệnh năm 2018 chúng tôi đã để ông Nguyễn Tứ Hải ngồi khám bệnh, siêu âm cho người dân vùng sâu, vùng xa”, bà Lam nói.
Điều bất ngờ, theo tìm hiểu của PV, năm 2012, trường đại học Y Dược Cần Thơ không cấp bằng bác sĩ Đa khoa cho sinh viên nào có tên Nguyễn Tứ Hải sinh ngày 13/1/1972.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM khẳng định, Sở không cấp chứng chỉ hành nghề nào cho ông Nguyễn Tứ Hải sinh ngày 13/1/1972. “Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh số 0035467/HCM-CCHN, cấp ngày 15/4/2016 là chứng chỉ cấp cho ông Phạm Văn Paul, sinh năm 1950, phạm vi hoạt động chuyên môn: Khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền”- đại diện sở này cho hay. Trước vụ việc trên, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở Y tế TPHCM đã chuyển trường hợp này sang Thanh tra Sở Y tế tiếp tục kiểm tra và xử lý theo quy định.

Dùng bằng giả học siêu âm

Trong quá trình điều tra vụ việc, tình cờ chúng tôi phát hiện ông Nguyễn Tứ Hải có thêm một bản sao y bản chính giả bằng “Bác sĩ Đa khoa” mang tên Nguyễn Tứ Hải sinh ngày 13/1/1972 do Đại học Y Dược TPHCM cấp ngày 9/9/2010, mang số hiệu 008334 số vào sổ: 28-0196/BSĐK 04. Điều đáng nói, ông Nguyễn Tứ Hải còn ngang nhiên đem bản sao bằng giả trên để đăng ký học lớp đào tạo bác sĩ siêu âm tại Bệnh viện Thống nhất TPHCM.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Bệnh viện Thống nhất cho biết, năm 2018, Bệnh viện Thống Nhất mở lớp đào tạo bác sĩ siêu âm. Khóa học kết thúc vào tháng 8/2018.  Đến tháng 9/2018 khi phôi chứng chỉ cấp cho các học viên đã được in xong thì bệnh viện nhận được phản ánh có người làm hồ sơ giả để tham gia lớp học.

Ngay lập tức, Bệnh viện Thống Nhất gửi công văn cho Đại học Y Dược TPHCM để xác minh vụ việc. Sau đó, phía Đại học Y Dược TPHCM khẳng định, bằng đại học y dược mang tên Nguyễn Tứ Hải, với số hiệu bằng cấp, ngày cấp trên là giả. “Vì vậy, ngày 18/10/2018, lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất đã quyết định thu hồi, tiêu hủy và không cấp chứng chỉ siêu âm cho ông Nguyễn Tứ Hải”, đại diện bệnh viện thông tin.

Chúng tôi đã tới chùa V.P, tại quận 5 để gặp ông Nguyễn Tứ Hải. Ông Nguyễn Tứ Hải thừa nhận việc có sử dụng giấy tờ giả gồm bản photo bằng bác sĩ đa khoa – Đại học Y Dược TPHCM và nói “đóng 6 triệu đồng để tham gia lớp đào tạo bác sĩ siêu âm tại Bệnh viện Thống Nhất”.

Ông Nguyễn Tứ Hải cũng thừa nhận trong năm 2018 có gặp ông H.Q.H, là người từng bị xử phạt 4 năm tù vì tội làm bằng chứng chỉ bác sĩ, dược sĩ giả trước đó. Ông Hải cho biết: “Tôi từng gặp ông H.Q.H khi cùng tham gia một chuyến đi khám chữa bệnh từ thiện vào năm 2018. Sau đó có một chuyến tình cờ gặp nhau khi đi từ thiện ở Cần Thơ” (Tiền phong, trang 4).08

Bài viết liên quan

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT nCoV ĐẾN 23 Giờ 20, ngày 01/02/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/2/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/1/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận