Điểm báo ngày 08/9/2021

(CDC Hà Nam)
Bệnh viện, nhân viên y tế cần hỗ trợ khẩn cấp; Nguy cơ lây lan virus từ ca tái nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam; TP.HCM tiêm trộn Moderna với Pfizer: Chỉ là giải pháp tình thế; Cần 446.118 liều Moderna để tiêm mũi 2 đến ngày 15-9; Hôm nay Hội đồng chuyên môn họp quyết định; Bắt giam cán bộ phường dàn xếp, thu tiền tiêm vắc xin ngừa COVID-19; Bệnh viện Thống Nhất thành lập khoa hồi sức và phục hồi chức năng sau Covid-19; Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong tình hình mới
Bệnh viện, nhân viên y tế cần hỗ trợ khẩn cấp

Trực tiếp đối mặt nguy hiểm, áp lực công việc và trách nhiệm ở mức cao nhưng thu nhập của nhân viên y tế đang bị giảm sâu vì bệnh viện tự chủ về tài chính nhưng không có nguồn thu. Trong khi đó, các khoản hỗ trợ của TPHCM cho lực lượng ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 đến nay vẫn chưa nhận được.

Kiệt sức, giảm thu nhập

Tại TPHCM số ca mới mắc được ghi nhận trung bình mỗi ngày 5.300 người. Hơn 177.300 nhân viên y tế đang ngày đêm chiến đấu trên mọi trận tuyến. Nhiều người phơi nhiễm, một số nhân viên y tế và lực lượng chống dịch đã tử vong sau khi mắc COVID-19.

Nhân viên y tế làm việc với cường độ gấp nhiều lần so với ngày thường với nhiều rủi ro nhưng thu nhập của họ đang giảm mạnh. “Chúng tôi chỉ còn được lãnh lương cứng theo quy định của Nhà nước, các khoản phụ cấp, trợ cấp, thu nhập tăng thêm đã giảm đến 75%. Các y, bác sĩ vẫn đang cố gắng chiến đấu, quyết tâm điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân nhưng đến giờ này ai cũng lo lắng bởi nhiều người đang gánh trên vai cả gia đình với nhiều miệng ăn, chưa kể họ phải trả thêm tiền thuê nhà và rất nhiều khoản tiền khác.

Lấy gì để ăn, để cho con đi học, để trang trải cuộc sống trong những ngày tới nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đang là bài toán vô cùng khó”, chị Nguyễn Thùy Linh (công tác tại Bệnh viện Da liễu, đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12) nói. Bác sĩ Vũ Hồng Quân (công tác tại Bệnh viện Quân dân y Miền Đông) cho biết nơi đây đang điều trị hơn 500 bệnh nhân COVID-19 thuộc nhóm có bệnh lý nền, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng.

Theo bác sĩ Quân, thời điểm này, lương cơ bản của anh em trong bệnh viện, kể cả giám đốc đều phải giảm 50% vì không có nguồn thu. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, thu nhập tăng thêm trước đây đều đã bị cắt hết. “Một số nguồn tài chính được cung cấp từ trên chuyển xuống bệnh viện chưa nhận được. Chi phí hằng ngày bệnh viện đang phải tự xoay xở để lo điều trị cho bệnh nhân và các khoản chi khác. Bệnh viện đã mượn mấy chục tỷ để chi trả từ khi dịch bùng phát đến nay, tình hình ngày càng khó khăn”, BS Quân nói.

Theo chia sẻ của BS Quân, lương của ông tháng qua chỉ còn 5,6 triệu đồng. Thời điểm bình thường, mỗi tháng ông nhận khoảng 12 triệu đồng tiền lương, chưa bao gồm các khoản thu nhập tăng thêm.

Tuy nhiên, ông cho rằng mình vẫn còn may mắn vì nhiều bác sĩ trẻ hiện nay mỗi tháng chỉ được nhận hơn 3,1 triệu đồng tiền lương. “Mỗi tháng tôi chỉ còn nhận được khoảng 6 triệu đồng, thu nhập đã giảm khoảng 40%. Gần đây, chúng tôi vượt qua khó khăn là nhờ nguồn thực phẩm hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Nếu không có họ giúp sức thì chẳng biết làm sao để trang trải trong tình cảnh khó khăn, thu nhập giảm sâu. Tuy nhiên, các khoản thiện nguyện tài trợ cũng chỉ có mức độ, đến nay các mạnh thường quân cũng đã đuối sức, các nguồn quỹ đã gần cạn nếu Nhà nước không chăm lo thì sẽ rất khó khăn cho y bác sĩ”, chị Lê Thanh Tình (công tác tại Bệnh viện Thành Phố Thủ Đức) tâm sự.

Chậm hỗ trợ

Ngày 2/8, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ký công văn về việc “Triển khai chương trình động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19”.

Theo đó, thành phố thực hiện chính sách đặc thù, hỗ trợ động viên hưởng một lần cho lực lượng tuyến đầu, có 5 đối tượng được hỗ trợ với mức từ 1,5 – 10 triệu đồng. Cụ thể, với lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp được hỗ trợ 10 triệu đồng/người; lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp 4,5 triệu đồng/người; tổ COVID-19 cộng đồng 2 triệu đồng/người. Với lực lượng tình nguyện viên được Sở Y tế huy động tham gia phòng chống dịch, nếu là cán bộ, giảng viên từ các trường y khoa trên địa bàn, y tế tư nhân, nhân viên y tế nghỉ hưu, tình nguyện viên tôn giáo, tình nguyện viên lái xe vận chuyển F0, F1 theo yêu cầu cách ly tập trung được hỗ trợ 3 triệu đồng/người. Lực lượng sinh viên y khoa được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, ngày 7/9, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo nhiều bệnh viện nói rằng, vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ trên.

BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu, nói: “Bệnh viện khó khăn lắm, lượng bệnh nhân giảm khoảng 90%, nguồn thu toàn bệnh viện giảm hơn 90% nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả lương và một phần trợ cấp cho nhân viên y tế. Chúng tôi cũng đang trông chờ vào các chính sách hỗ trợ và gói động viên tuyến đầu chống dịch nhưng đến nay chưa nhận được. Để chia sẻ khó khăn cùng nhau vượt qua đại dịch, nhân viên y tế trong bệnh viện đã chủ động lập một khoản quỹ riêng, ai có nhiều góp nhiều ai có ít góp ít để hỗ trợ những người khó khăn cần giúp đỡ”.

Theo BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nhiều y bác sĩ đang rất khó khăn nhưng phải quán triệt tư tưởng chung để cùng nhau chia sẻ vượt qua dịch bệnh. “Nguồn tài chính nhất định từ phát triển sự nghiệp đang được bệnh viện sử dụng để chi trả lương cho cán bộ, công nhân viên, nhưng tình hình này nếu dịch kéo dài sẽ trở nên rất khó khăn”, BS Khanh nói. PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết: “Thống Nhất là bệnh viện tự chủ hoàn toàn về tài chính, phải làm ra tiền thì mới có lương cho anh em. Bây giờ, không có bệnh nhân, nhưng lại phải tập trung chống dịch. Chúng tôi đang thực hiện hình thức tạm chi cơ bản cho toàn thể cán bộ, nhân viên bệnh viện bằng nguồn dự trữ còn lại, nhưng sắp hết rồi” (Tiền phong, trang 4).

Nguy cơ lây lan virus từ ca tái nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 7/9, Hà Nội công bố ca mắc mới là một người đàn ông tên N.T.P. (53 tuổi, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy) có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 ngày 8/11/2020 tại Nga. Đây có thể là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam tái nhiễm COVID-19. Ngày 3/9, ông P. đi tiêm vắc-xin tại số 21 Trung Liệt. Ngày 6/9, ông đưa người nhà đi khám tại Phòng khám đa khoa Medlatec Tây Hồ, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. Hiện tại, ông không có triệu chứng. Trước đó, trưa 31/8 tại ngõ 102 Nguyễn Đình Hoàn nơi ông này sinh sống, đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19. Theo kết quả xét nghiệm, tải lượng virus của người đàn ông này thời điểm phát hiện dương tính là rất thấp. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết, với tải lượng virus thấp như khi phát hiện dương tính thì nguy cơ lây lan virus của trường hợp này rất thấp.

Tuy nhiên, chưa dám chắc trong thời gian trước đó, có thời điểm nào tải lượng virus của ca bệnh này cao hay không. Do đó, ông Cấp cho rằng, cơ quan chức năng vẫn phải truy vết và xét nghiệm những người tiếp xúc F0 này trong 10-14 ngày trước đó. “Rất hy vọng với trường hợp này dù có tái nhiễm nhưng do có sẵn “tế bào nhớ” trong cơ thể, khả năng đáp ứng của họ trước virus mạnh nên tải lượng virus họ thấp, không có triệu chứng bệnh và ít có khả năng lây lan bệnh”, bác sĩ Cấp nói.

“Trên thế giới, số ca tái nhiễm ghi nhận rất ít nhưng vẫn có. Có những trường hợp tái nhiễm vài tháng sau khi khỏi bệnh”, bác sĩ Cấp thông tin. Gần đây, truyền thông đưa tin ca bệnh “số 0” tại Ấn Độ (nữ sinh trở về từ Vũ Hán – người đầu tiên mắc COVID-19 ở nước này) vào tháng 1/2020, đã tái nhiễm SARS-CoV-2 sau 17 tháng. Theo bác sĩ Cấp, tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau đó một thời gian nhiễm lại bệnh đó lần thứ 2. Còn tái dương tính là trạng thái một bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, đã có những giai đoạn xét nghiệm âm tính, sau đó lại xuất hiện những lần xét nghiệm dương tính.

Tại Việt Nam, có một số trường hợp bệnh nhân COVID-19 tái dương tính sau khi được ra viện, những ca này hầu như không lây nhiễm virus cho người khác. Trong những trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đã âm tính nhiều lần, thầy thuốc phải chỉ định làm nhiều lần xét nghiệm, phối hợp các xét nghiệm khác như: xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus… tổng hợp cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ khác để khẳng định bệnh nhân chưa khỏi hoặc xác nhận bệnh nhân đã khỏi bệnh, tái dương tính hay tái nhiễm.

“Cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định một bệnh nhân tái nhiễm virus SARS-CoV-2 là khi bệnh nhân đó từng nhiễm COVID-19 đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, một thời gian dài sạch virus. Sau đó, bị nhiễm bệnh lại và nuôi cấy virus có mọc lại (virus hoạt động). Tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước. Tuy nhiên, có một số trường hợp có thời gian mang virus rất dài tới 174 ngày, nên cơ sở thứ 2 để khẳng định một người có tái nhiễm hay không vẫn phải căn cứ vào nuôi cấy virus, giải trình tự gien, nếu hai lần nhiễm mà mắc hai chủng khác hẳn nhau thì chắc chắn đó là tái nhiễm.

Thực tế, nếu một trường hợp nhiễm lần 2 sau khi khỏi bệnh lần đầu trên 9 tháng thì mặc nhiên coi đó là tái nhiễm”, bác sĩ Cấp phân tích.

Tái nhiễm diễn biến nặng như nhiễm lần đầu

Bác sĩ Cấp cho biết, một số nghiên cứu khác cho thấy diễn biến bệnh và tỷ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người nhiễm lần đầu. “Cơ thể thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Nhưng cơ thể có giữ được mức độ kháng thể giúp bảo vệ cơ thể lâu dài hay không lại tùy theo từng loại virus và từng cá thể người bệnh. Có những loại virus tạo được kháng thể suốt đời như sởi, đậu mùa, quai bị… Tuy nhiên, cũng có loại virus chỉ tạo được kháng thể trong thời gian ngắn hơn, hoặc thậm chí rất ngắn như cúm hoặc có kháng thể nhưng không diệt sạch được virus như viêm gan C, HIV… Khả năng tạo kháng thể mạnh hay yếu cũng tùy vào đặc tính riêng của từng người. Với virus SARS-CoV-2, thậm chí kháng thể này còn giảm nhanh hơn”, ông nói (Tiền phong, trang 5).

TP.HCM tiêm trộn Moderna với Pfizer: Chỉ là giải pháp tình thế

Ông Nguyễn Hoài Nam – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết lượng vắc xin hiện nay đang hạn chế và khi tiêm vắc xin thay thế thì TP cũng như ngành y tế sẽ chọn loại vắc xin phù hợp nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho người dân. Ông Nam cho biết thêm hiện nay trên thế giới có 4 công nghệ sản xuất vắc xin.

Thứ nhất, công nghệ sử dụng vắc xin vector virus. Những loại vắc xin công nghệ này gồm AstraZeneca, Johnson & Johnson (Mỹ), Sputnik V (Nga).

Thứ hai là công nghệ vắc xin mã di truyền, tức sử dụng mRNA và DNA, sử dụng 1 loại mã di truyền của virus. Vắc xin này bao gồm Pfizer (Mỹ), Moderna (Mỹ).

Thứ ba là công nghệ vắc xin sử dụng 1 phần virus, tức sử dụng 1 đoạn protein, gồm Novavax (Mỹ), và hiện nay vắc xin Nano Covax của Việt Nam do Nanogen sản xuất cũng đang sản xuất theo công nghệ này.

Thứ tư là vắc xin sử dụng virus gây bệnh nhưng giảm độc lực gồm của Sinopharm, Sinovac.

Tiêm mũi 2 loại phù hợp

Cũng theo ông Nam, hướng dẫn của Bộ Y tế, người tiêm mũi 1 là vắc xin AstraZeneca thì mũi 2 cũng tiêm AstraZeneca, trong trường hợp thiếu vắc xin thì có thể sử dụng Pfizer.

Hiện nay trong tất cả các hướng dẫn thì chúng ta sử dụng những loại vắc xin tương đồng để sử dụng tiêm cho người dân. Trong tình hình thiếu vắc xin, một số nước đã tiêm trộn vắc xin. Việc sử dụng các vắc xin cùng loại hoặc trộn giữa các loại vắc xin có hiệu quả tốt, chưa ghi nhận tai biến nào xảy ra.

Hiện nay các quận huyện đang tiêm mũi 2 những loại vắc xin phù hợp cho người đã tiêm mũi 1. Chúng ta sử dụng vắc xin phù hợp nhất để tiêm cho người dân, làm sao cho người dân được phủ vắc xin tối đa.

Các quận huyện hiện đang tập trung công tác tiêm chủng để hoàn thành kế hoạch.

Nhiều nơi đã tiêm trộn với Pfizer

Nhiều người dân ở TP.HCM tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna hơn 4 tuần, đến khi được hẹn tiêm mũi 2 thì được tiêm vắc xin Pfizer. Từ đầu giờ chiều 6-9, nhiều người dân ở quận 11 đã đến điểm tiêm Trường tiểu học Đại Thành (địa chỉ 79/22 Âu Cơ, phường 14, quận 11, TP.HCM) để tiêm vắc xin mũi 2 phòng COVID-19. Nhiều người cho biết họ tiêm mũi 2 là vắc xin Pfizer, trước đó mũi 1 là Moderna. Họ đồng ý tiêm và không quá lo lắng khi tiêm 2 loại vắc xin khác nhau.

Cùng ngày, lúc 13h30, tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (phường 8, quận 11) cũng có nhiều người dân, chủ yếu là người cao tuổi, ngồi xếp hàng chờ tiêm vắc xin mũi 2 theo lịch thông báo.

Tại bàn tư vấn sàng lọc trước tiêm, ông Thái Long (66 tuổi, ngụ phường 3, quận 11) được nhân viên y tế tư vấn tiêm vắc xin mũi 2 là Pfizer.

Ông Long cho biết trước khi đi tiêm, ông không biết mình sẽ tiêm mũi 2 loại vắc xin gì. Khi đến điểm tiêm, ông được nhân viên y tế cho biết sẽ tiêm vắc xin Pfizer của Mỹ và ông đồng ý.

Còn ông N.V.P. (73 tuổi, ngụ phường 14, quận 11) cho hay ngày 3-8 ông được tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna. Theo khoảng cách giữa hai mũi tiêm thì đến ngày 1-9 ông phải được tiêm mũi 2, nhưng hay tin TP tạm hết vắc xin Moderna nên khi nhận được thông báo của phường đi tiêm mũi 2 Pfizer vào ngày 6-9, ông cũng đi tiêm.

Đại diện UBND quận 11 cho biết trong ngày 6-9, tại điểm tiêm nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận tổ chức tiêm mũi 2 cho 540 người theo đúng thời hạn, trong đó buổi sáng là 350 người, số còn lại được tiêm buổi chiều. Việc tiêm vắc xin mũi 2 cũng dựa theo sự tự nguyện của người dân. “Chúng tôi giải thích rõ ràng trước tiêm, người dân phải đồng ý và ký tên thì chúng tôi mới tiêm” – vị này nói.

Theo một chuyên gia về lĩnh vực y tế công cộng tại TP.HCM, kinh nghiệm ở một số quốc gia như Canada cho thấy tiêm trộn vắc xin Moderna và Pfizer là an toàn.

Tại TP.HCM nhiều quận như Q.11, Q.Bình Thạnh, TP Thủ Đức… đã tổ chức tiêm ngừa vắc xin mũi 2 là Pfizer cho những người dân trước đó đã tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna. Cả 2 loại vắc xin này đều là vắc xin của Mỹ.

Tiêm kết hợp Moderna và Pfizer tại các nước

Đến nay có khoảng chục quốc gia đang xem xét hoặc đã chuyển sang dùng vắc xin COVID-19 khác loại (với liều đầu tiên) để tiêm liều thứ hai hoặc mũi tiêm tăng cường (liều 3). Trong số này có Campuchia, Đan Mạch, Đức, Indonesia, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc…

Với trường hợp tiêm kết hợp vắc xin COVID-19 của Hãng Moderna và Pfizer, Canada là một ví dụ đáng chú ý. Đầu tháng 6, Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng (NACI) của Canada đã cập nhật hướng dẫn của họ về vấn đề tiêm kết hợp vắc xin, theo đó cho phép sử dụng vắc xin Hãng Moderna và Pfizer thay thế cho nhau bởi vì cả hai loại vắc xin này đều sử dụng công nghệ mRNA tương tự nhau.

Tại Mỹ, vào tháng 1-2021, theo kênh CNBC, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã lặng lẽ cập nhật hướng dẫn của họ về tiêm vắc xin COVID-19. Họ nói rằng có thể tiêm kết hợp vắc xin của Pfizer và Moderna trong “các tình huống ngoại lệ”.

Cụ thể, theo hướng dẫn của CDC Mỹ, trong các trường hợp như nguồn cung hạn chế hoặc người dân không nhớ loại vắc xin mRNA (Pfizer hoặc Moderna) nào đã dùng để tiêm mũi 1, thì “bất kỳ loại vắc xin mRNA nào đang có sẵn đều có thể được dùng để tiêm nhằm hoàn tất tiêm chủng, với thời gian cách nhau tối thiểu giữa các liều là 28 ngày”.

Theo CDC Mỹ, người dân nên tiêm mũi thứ hai càng gần với khoảng thời gian được khuyến nghị (3-4 tuần sau mũi đầu tiên, với Pfizer 3 tuần còn với Moderna 4 tuần) càng tốt. Tuy nhiên, liều thứ hai của vắc xin Hãng Pfizer hoặc Moderna vẫn có thể được tiêm cách liều đầu tiên 6 tuần (42 ngày) nếu cần thiết (Tuổi trẻ, trang 15).

Cần 446.118 liều Moderna để tiêm mũi 2 đến ngày 15-9

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam ký văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện; các sở, ban, ngành và các cơ sở y tế trên địa bàn về việc tổ chức tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 lộ trình từ ngày 1 đến 15-9.

Theo Sở Y tế, TP cần có 2.713.843 liều vắc xin để tiêm trong lộ trình này, trong đó cần 680.000 liều để tiêm mũi 1 và cần 2.033.843 liều để tiêm mũi 2. Trong 2.033.843 liều tiêm mũi 2, TP cần có 446.118 liều Moderna (khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 4 tuần) cho người đã tiêm mũi 1 từ ngày 1 đến 15-8.

Sở Y tế đề nghị các đơn vị phối hợp triển khai tiêm vắc xin theo nguyên tắc chung là tiếp tục tiêm mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi sinh sống trên địa bàn TP và tiêm mũi 2 cho những người đã được tiêm mũi 1 khi đủ thời gian theo từng loại vắc xin.

Ngày 6-9, Sở Y tế TP.HCM có báo cáo gửi Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về tiến độ và kết quả tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Theo Sở Y tế, từ ngày 8-3 đến ngày 5-9, qua 28 đợt phân bổ của Bộ Y tế, trong đó 24 đợt có phân bổ vắc xin cho TP.HCM, TP đã tiếp nhận 5.622.860 liều vắc xin. Cụ thể: AstraZeneca có 4.456.490 liều, Moderna 571.200 liều, Pfizer 586.170 liều, Vero Cell 9.000 liều. Ngoài ra, TP còn nhận được nguồn vắc xin tài trợ là 2.450.000 liều Vero Cell.

Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, trong khi các loại vắc xin AstraZeneca, Pfizer, Vero Cell về khá nhiều đợt thì vắc xin Moderna hiện mới chỉ về vài đợt với 571.200 liều. Số vắc xin này đã được phân bổ cho các địa phương và các bệnh viện tiêm mũi 1, một số người may mắn đủ điều kiện tiêm mũi 2.

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin COVID-19 (thuộc Trung tâm Phòng chống dịch COVID-19 quốc gia) chiều 7-9, TP.HCM là một trong 10 địa phương có tỉ lệ tiêm thấp nhất, tính theo số mũi tiêm/số vắc xin phân bổ theo quyết định (Tuổi trẻ, trang 15).

Hôm nay Hội đồng chuyên môn họp quyết định

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết TP.HCM đã có đề nghị gửi Bộ Y tế, trao đổi thêm về việc tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin Moderna mà hiện đã hết.

“Đã có một số quốc gia tiêm mũi 2 loại vắc xin khác cho người tiêm mũi 1 Moderna, nhưng tại Việt Nam sử dụng vắc xin nào, như thế nào phải chờ Hội đồng chuyên môn xem xét, bàn thảo và quyết định”- vị này cho biết.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, hôm nay 8-9 hội đồng sẽ họp và sau đó có thông báo chính thức để TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương khác đang thiếu vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin này, nay đến lịch tiêm mũi 2.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đã nhận được 5 triệu liều Moderna do Mỹ tài trợ thông qua cơ chế COVAX, ngoài ra có một số lượng nhỏ Moderna do CH Czech tài trợ. Do số lượng vắc xin đã có hạn chế, các cơ sở y tế đã yêu cầu tiêm theo cặp, tiêm mũi 1 và 2, dành số vắc xin tương đương mũi 1 để tiêm mũi 2. Tuy nhiên đến nay đã có một số nơi xảy ra thiếu vắc xin Moderna tiêm mũi 2 (Tuổi trẻ, trang 15).

Bắt giam cán bộ phường dàn xếp, thu tiền tiêm vắc xin ngừa COVID-19

Thảo lợi dụng vị trí là cán bộ phường 2, quận 6, TPHCM để tổ chức cho những người không cư ngụ trên địa bàn tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thu tiền trái phép. Ngày 7/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 6, TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trương Mạnh Thảo (SN 1984, ngụ quận 6, cán bộ UBND phường 2, quận 6) để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 – Bộ luật hình sự. Các quyết định trên đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.

Làm việc với cơ quan điều tra, Thảo khai nhận trong 4 tháng qua đã móc nối, làm hồ sơ và tổ chức cho gần 20 trường hợp không cư trú trên địa bàn phường 2 đến tiêm tại các điểm tiêm chủng để trục lợi hơn 10 triệu đồng tiền mặt cùng một số hiện vật có giá trị. Trước đó, Thảo bị phản ánh đã dàn xếp, thu tiền từ 1-3 triệu đồng mỗi trường hợp không thuộc diện được tiêm vắc xin COVID-19 để vào điểm tiêm chủng trên địa bàn phường 2, quận 6 để tiêm chủng.

Trước đó, ngày 21/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam với Lê Thị Kim Dung (SN 1989, trú tại quận 4) để điều tra về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Làm việc với Công an, Dung khai nhận nhờ mối quan hệ cá nhân, có thể sắp xếp, cung cấp các suất tiêm vắc xin COVID-19 với giá từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng/liều. Để tìm kiếm ‘khách hàng’ Dung đăng thông tin lên trang facebook để những người có nhu cầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nhắn tin và lập danh sách, chuyển tiền thanh toán để được đi tiêm. Công an xác định Dung đã tổ chức trót lọt cho 21 trường hợp không thuộc đối tượng vào danh sách tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trên địa bàn quận 11 và thu lợi bất chính hơn 60 triệu đồng (Tiền phong, trang 11; Tuổi trẻ, trang 5).

Bệnh viện Thống Nhất thành lập khoa hồi sức và phục hồi chức năng sau Covid-19

Ngày 7-9, PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết, bệnh viện vừa đi vào hoạt động Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau Covid-19. Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau Covid-19 có nhiệm vụ điều trị kết hợp giữa phục hồi chức năng với điều trị bệnh nền của các chuyên khoa (tim mạch, hô hấp, thần kinh, nội tiết..) giữa Đông và Tây y, giữa điều trị hiện đại với y học cổ truyền, điều trị tâm lý, dinh dưỡng cho bệnh nhân sau Covid-19.

Theo PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, sau thời gian điều trị Covid-19, mặc dù người bệnh đã phục hồi và có kết quả âm tính nhưng sau đó nhiều bệnh nhân vẫn phải chịu những tác động từ những di chứng – biến chứng, sự tổn thương tâm lý và tinh thần, nhất là những bệnh nhân bị Covid-19 nặng thường rất nghiêm trọng. Vì vậy, việc hỗ trợ điều trị chăm sóc trong giai đoạn phục hồi càng sớm thì hậu quả của căn bệnh (nếu có) càng nhẹ, hoặc có khi không để lại di chứng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe và các chức năng sinh hoạt, sớm trở lại đời sống và công việc thường ngày (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong tình hình mới

Là địa phương trọng điểm của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, từ ngày 27-4 đến nay, TPHCM đã ghi nhận hơn 259.000 trường hợp mắc Covid-19. Dù đang đi đúng hướng trong kiểm soát dịch bệnh, nhưng thời gian tới thành phố có thể tính đến phương án sống chung với dịch, song song việc thực hiện mục tiêu kép – vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Khó khăn chồng khó khăn

Trong hơn 4 tháng qua, thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi dịch bệnh, trong đó phải kể đến các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian dài. Ngoài ra, thành phố triển khai nhiều chiến dịch mở rộng xét nghiệm tìm F0 “lẩn khuất” trong cộng đồng, sớm đưa vào các chương trình quản lý điều trị, không để lây lan. Song song đó là đẩy nhanh tốc độ các chiến dịch tiêm chủng vaccine “thần tốc”.

Khi số người mắc mới mỗi ngày lên đến hàng ngàn, thành phố đã lập hàng chục bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân, hình thành nên 3 tầng điều trị phù hợp từng đối tượng. Trong đó, không ngừng mở rộng các trung tâm hồi sức tích cực phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, hạn chế số ca tử vong. Tiếp theo, thành phố bổ sung phương án điều trị F0 tại nhà với sự theo dõi, hỗ trợ của các trạm y tế xã, phường, trạm y tế lưu động, tổ phản ứng nhanh, kịp thời cung cấp oxy, gói thuốc an sinh, can thiệp y tế ngay khi người dân có dấu hiệu chuyển nặng. Điều này đã giúp số lượng lớn F0 không có triệu chứng được tiếp cận y tế kịp thời và giảm tải cho hệ thống y tế trên địa bàn.

Dù vậy, những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vẫn ở mức cao, nhất là khi thành phố đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng ở các khu vực “vùng đỏ”, “vùng cam” và “vùng vàng”, “rà đi soát lại” ở những khu vực có mật độ F0 đậm đặc, từ ngày 23-8. Điều này đặt thành phố vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết, và có thể sẽ không thể tách F0 khỏi cộng đồng khi dịch bệnh đã lan rộng, ngấm sâu.

Thực tế cho thấy, thành phố đang đi đúng hướng trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh bằng việc kết hợp sức mạnh tổng hợp, nhưng biến chủng Delta với sự lây nhiễm hết sức phức tạp ở một đô thị hơn 10 triệu dân gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Sau nhiều lần giãn cách xã hội và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, chúng ta vẫn chưa chặn đứng được ca mắc mới trong cộng đồng.

8 nhiệm vụ trọng tâm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa có thuốc đặc trị và mức độ bao phủ vaccine còn khiêm tốn, để chống dịch trong trạng thái bình thường mới, người dân nên thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K và mới đây là 5T của ngành y tế… Theo Văn bản 2718 của UBND TPHCM về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trong những ngày tới, thành phố tiếp tục mở rộng “vùng xanh”, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh tại các quận huyện: 5, 7, 11, Phú Nhuận, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè – hiện có tỷ lệ lây nhiễm thấp, đạt độ bao phủ vaccine cao. Đến 15-9, thành phố phấn đấu cơ bản duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng; số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện dưới 2.000 người/ngày (tương đương dưới 200 ca/triệu dân); đảm bảo hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm vaccine mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2.

Để đạt mục tiêu trên, giải pháp trọng tâm thứ nhất là tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú và kiểm soát chặt chẽ những người được phép ra khỏi nhà. Thứ 2 là các khu phong tỏa bảo đảm “ngoài chặt, trong chặt” gắn với công tác kiểm tra giám sát, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh”. Thứ 3 là tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm để nhanh chóng “bóc tách” F0 khỏi cộng đồng, tập trung hiệu quả việc chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại bệnh viện. Thứ 4 là mở rộng tỷ lệ bao phủ vaccine. Thứ 5 là rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực y tế. Thứ 6 là tiếp tục triển khai các túi an sinh hỗ trợ người dân khó khăn. Thứ 7 là tạo điều kiện, hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn. Thứ 8 là đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông theo hướng động viên nỗ lực của toàn dân, lan tỏa sâu rộng tinh thần đoàn kết, nhân ái cũng như đề cao ý thức chủ động phòng ngừa dịch bệnh.

Trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận định, thành phố đang đi tìm phương án khôi phục kinh tế trong giai đoạn bình thường mới và quận 7, huyện Củ Chi là 2 địa phương thí điểm đầu tiên do kiểm soát cơ bản được dịch bệnh. “Chúng ta không thể tiếp tục mãi giãn cách triệt để, cũng như không thể quét sạch F0, thay vào đó chúng ta sẽ mở dần, sống trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện có dịch”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh và cho biết, để sống trong điều kiện có dịch cần phải đảm bảo các yêu cầu như bao phủ vaccine, thuốc điều trị, ý thức của người dân (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Chờ Sổ sức khỏe điện tử…“khỏe” hơn

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi phải giãn cách xã hội thì ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử ra đời, được người dân rất quan tâm. Qua ứng dụng này, người dân dễ dàng quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động trong việc phòng ngừa dịch, cũng như giảm bớt áp lực cho đội ngũ y tế.

Dễ dàng sử dụng

Mặc dù chỉ mới được đưa vào sử dụng từ tháng 7, nhưng Sổ sức khỏe điện tử đã trở thành một trong những ứng dụng được cài đặt nhiều nhất. Để cài đặt ứng dụng, người sử dụng điện thoại thông minh chỉ cần truy cập vào CH Play (đối với hệ điều hành Android) hoặc App Store (đối với hệ điều hành iOS), tìm kiếm ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” sau đó nhấn cài đặt để tải về và làm theo hướng dẫn.

Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Sổ sức khỏe điện tử là ứng dụng giúp quản lý thông tin sức khỏe trên điện thoại di động thông minh. Ứng dụng giúp người dân chủ động trong việc theo dõi, phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân. Những thông tin sức khỏe của người sử dụng được lưu trữ, cập nhật và kết nối trực tiếp với hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân, qua đó giúp các cán bộ y tế có thể dễ dàng nắm bắt, hỗ trợ sức khỏe của người sử dụng. Về phía người dân, qua Sổ sức khỏe điện tử, tình hình sức khỏe sẽ được quản lý, giúp phát hiện bệnh sớm và có các phương án điều trị kịp thời. Một trong những tiện ích được tích hợp trên Sổ sức khỏe điện tử là người dân có thể tìm các cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến nhanh chóng khi kích chọn chức năng “Tìm bác sĩ” hoặc “Tìm cơ sở y tế”.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, Sổ sức khỏe điện tử giúp người dân dễ dàng đăng ký tiêm chủng vaccine Covid-19, theo dõi lịch sử tiêm vaccine, chứng nhận tiêm chủng và thuận tiện thực hiện khai báo y tế. Theo ông Nguyễn Trường Nam, để đăng ký tiêm vaccine Covid-19 trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, người dân phải cung cấp thông tin cá nhân, kê khai trên bảng đăng ký. Sau khi nhận được thông báo đăng ký thành công, người dân sẽ được liên hệ qua điện thoại. Tiếp đến, các thông tin được chuyển đến các điểm tiêm chủng mà người dân đã đăng ký. Các điểm tiêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, lên danh sách. Khi có vaccine, nơi tiêm chủng sẽ báo cho người dân, hẹn thời gian đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể.

“Việc đăng ký tiêm vaccine qua mạng là hình thức giúp người dân không phải đến cơ sở tiêm chủng, các thông tin khai báo được tiếp nhận nhanh nhất, tránh thất lạc, trùng lặp thông tin. Đồng thời, giảm ùn tắc ở các điểm tiêm vaccine, hạn chế khả năng lây nhiễm cho người dân”, ông Nam chia sẻ. Ông cho biết thêm, đối với chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19, trong ứng dụng, chứng nhận này gồm một mã QR với nền trắng, nếu người dùng chưa tiêm. Sau khi tiêm 1 mũi vaccine, nền chuyển sang màu vàng, tiêm đủ 2 mũi sẽ chuyển sang màu xanh. Mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử sau này sẽ thay thế cho giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 và mở đường cho “Hộ chiếu vaccine” sau này.

Từng bước khắc phục trục trặc

Là một trong số nhiều người đã cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, anh Nguyễn Xuân H. (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Chỉ cần một điện thoại thông minh có kết nối mạng, tôi có thể tải ứng dụng về máy để sử dụng. Qua ứng dụng này, tôi đã được tiêm 1 mũi vaccine và được cấp chứng nhận tiêm chủng điện tử có mã QR giúp lưu trữ thuận lợi vì không sợ mất giấy xác nhận”. Trong khi đó, anh Lê Tiến L. làm nghề lái xe cho biết, công việc của anh phải đi lại nhiều nên việc khai báo y tế qua mã quét QR cũng giúp anh dễ dàng khai báo, rút ngắn thời gian khi tới những nơi phải khai báo y tế và hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Cùng với những tiện ích Sổ sức khỏe điện tử mang lại, do mới triển khai nên cũng có không ít trục trặc, nhược điểm. Nhiều người sử dụng phản ánh, ứng dụng có lúc hoạt động chập chờn, không đăng ký được tài khoản, không quét được mã QR. Đặc biệt, chức năng về chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 nhiều lúc không hiệu quả, còn sai sót khi có người đã được tiêm 1 mũi, thậm chí đủ 2 mũi vaccine, nhưng ứng dụng vẫn báo chưa tiêm, hoặc nếu có báo thì thông tin chưa chính xác về cá nhân người được tiêm. Cùng với đó, tại phần đăng ký khám bệnh trực tuyến chưa hiển thị đủ danh sách các bệnh viện, hay phòng khám để người dân có thể lựa chọn.

Trước những trục trặc trên, đại diện nhà cung cấp ứng dụng cho biết, đang tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành chức năng liên quan xây dựng các hướng dẫn để người dùng có thể dễ dàng hơn trong việc đăng ký và sử dụng, đồng thời tiếp tục nâng cấp, cập nhật phần mềm để khắc phục, xử lý triệt để các lỗi. Ông Nguyễn Trường Nam cho biết, hiện nay lượng dữ liệu về tiêm chủng tương đối lớn nên có thể một thời gian nữa, những người đã tiêm vaccine mới có thông tin trên hệ thống. Đồng thời, thông tin tiêm chủng của người dân trên hệ thống còn phụ thuộc vào việc nhập liệu của cơ sở tiêm chủng, khi mà số người được tiêm vaccine ngày càng tăng cao thì các cơ sở y tế cần thời gian để nhập thông tin của từng người vào hệ thống và cũng khó tránh khỏi thông tin chưa chính xác, nên cần từng bước điều chỉnh (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

Trọng Đoàn tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 31/8/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/11/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/5/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận