Tỷ lệ phản ứng sau tiêm vắc- xin covid- 19: Thấp tương đương khuyến cáo
Số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca tại Việt Nam trong 1 tháng qua thấp tương đương so với những số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Thông tin trên được Bộ Y tế cho hay chiều 8/4.
Chưa phát hiện trường hợp nào bị đông máu
Tính đến ngày 8/4, sau một tháng triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đã có hơn 55.000 người tiêm an toàn. Trong quá trình tiêm, hệ thống giám sát cũng ghi nhận có khoảng một phần nghìn trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.
Vắc-xin này đã được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và là 1 trong 3 vắc-xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021. Trong quá trình tiêm vắc-xin AstraZeneca tại Việt Nam, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% các trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị gì vì đây là dấu hiệu thường gặp phải không chỉ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mà còn cả ở trường hợp tiêm các loại vắc-xin phòng ngừa bệnh truyền nhiễm khác. Những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca tại Việt Nam trong 1 tháng qua thấp tương đương so với những số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.
Quy trình tiêm vắc-xin khác biệt so với thế giới
Với phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”, quy trình tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến. Đó là công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu; tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng.
Cụ thể, cơ sở tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc-xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm; công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng luôn sẵn sàng, nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm chủng. Đồng thời với quá trình tiêm chủng, thông tin tiêm chủng của người đi tiêm được cập nhật, lưu trữ đầy đủ, hệ thống trong phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, tiến tới quản lý và cấp chứng nhận điện tử tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, kết nối với thế giới. Bộ Y tế cho biết, theo khuyến cáo của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) và WHO, trường hợp xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu và huyết khối tĩnh mạch có liên quan đến tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca rất hiếm gặp. Trong khi đó lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca mang lại trong việc bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng trước COVID-19 lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro rất hiếm gặp nói trên. Do vậy, WHO khuyến cáo các nước tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng chống COVID-19 của AstraZeneca để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát (Tiền phong, trang 4).
Hoàn thành tiêm mũi 2 giai đoạn 2 vaccine Nano Covax
Ngày 8-4, Bộ Y tế có thông cáo nêu rõ, sau tròn 1 tháng triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 của AstraZeneca, tất cả trường hợp được tiêm vaccine đều an toàn.
Theo đó, đã có 55.151 người tại 19 tỉnh, thành phố được tiêm vaccine AstraZeneca. Trong quá trình triển khai tiêm vaccine Covid-19, hệ thống giám sát tiêm chủng ghi nhận khoảng 33% trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như: đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn; các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị gì. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm. Ngày 8-4, Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y cho biết, việc tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vaccine Covid-19 Nano Covax do Công ty Nanogen nghiên cứu, sản xuất đã hoàn thành.
Theo đó, 554 tình nguyện viên đã được tiêm mũi 2 vaccine Nano Covax, trong đó, 278 tình nguyện viên được tiêm tại Học viện Quân y, số còn lại tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
PGS-TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, cho biết, sau khi tiêm mũi 2 giai đoạn 2 vaccine Nano Covax, các tình nguyện viên có triệu chứng như sốt nhẹ, đau chỗ tiêm tự hết, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… nhưng nhanh chóng hồi phục sức khỏe và không cần can thiệp y tế. Hiện tại, sức khỏe sau khi tiêm của 554 tình nguyện viên đều ổn định, cho thấy vaccine Nano Covax an toàn với người được tiêm.
Ngày 8-4, SYT TPHCM cho biết, từ ngày 8-3, TPHCM đã tiêm vaccine Covid-19 đợt 1 cho nhóm đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ngành y tế đã tổ chức tập huấn đầy đủ cho các cơ sở tiêm chủng đồng thời theo dõi giám sát chặt quá trình tổ chức tiêm của các đơn vị, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Tính đến nay, có 5.601 nhân viên y tế thuộc 47 đơn vị y tế được tiêm vaccine Covid-19. Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo dõi và hiện tất cả đều ổn định. Hiện ngành y tế phối hợp cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn TP thực hiện thống kê, lập danh sách thuộc 10 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm miễn phí vaccine Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế, để có cơ sở xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai cho các đợt tiếp theo.
Trước đó, Bộ Y tế đã có quyết định về việc phân bổ vaccine Covid-19 đợt 2. Theo đó, có 811.200 liều vaccine của AstraZeneca do COVAX viện trợ được phân bổ lần này đều tiêm miễn phí cho 10 nhóm đối tượng ưu tiên. Theo phân bổ của Bộ Y tế, TPHCM và Hà Nội là 2 địa phương được phân bổ vaccine nhiều nhất, trong đó TPHCM trên 56.000 liều, Hà Nội trên 53.000 liều.
Ngày 8-4, liên quan tới kế hoạch xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế và người bệnh tại các bệnh viện công lập và công tác y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, đại diện SYT HN cho biết sẽ triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho khoảng hơn 26.000 người là nhân viên y tế trên địa bàn Hà Nội và người bệnh tại một số bệnh viện (xét nghiệm ngẫu nhiên). Thời gian thực hiện xét nghiệm được chia thành 3 đợt kéo dài tới ngày 30-5.
Chiều tối cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày cả nước có 9 ca mắc Covid-19 (từ ca bệnh 2.660 – 2.668) đều là người nhập cảnh được cách ly ngay (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Gia tăng học sinh dùng thuốc lá điện tử
Nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và chính sách y tế – Bộ Y tế cho thấy, tại Hà Nội, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, trong đó học sinh lớp 8-12 là 8,35%, lớp 10-12 là 12,6%, trong đó nữ là 4,8%, nam là 12,4%. “Sản phẩm này mới chỉ là nhập lậu mà tỷ lệ người hút thuốc lá đã tăng lên, đặc biệt là ở phụ nữ. Nếu chúng ta cho sản phẩm này vào thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ tăng trở lại, phá bỏ nỗ lực 10 năm mới giảm được 2,3% tỷ lệ sử dụng thuốc lá”, Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế, nói. Bác sĩ Vũ Văn Thành, Hội Phổi Việt Nam, nói: “Nicotine sử dụng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, đặc biệt là sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em. Khi sử dụng thuốc lá điện tử lâu dài, người nghiện sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh phổi, tổn thương phổi, hệ hô hấp bị ảnh hưởng, mắc ung thư, ảnh hưởng đến các bệnh ngoài hô hấp và phải hứng chịu tác hại của phơi nhiễm thuốc lá thụ động”. Hầu hết những người bị tổn thương phổi, mắc các bệnh lý về phổi có độ tuổi trung bình là 24. Theo bà Trang, hiện chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá thông thường; chúng đều có nguy cơ gây bệnh tật, tử vong. “Chúng ta không nên cho thêm bất cứ sản phẩm nào có nguy cơ trong khi chưa lường hết được tác hại. Dẫn chứng tại Mỹ, từ việc cho phép lưu hành đến việc ban hành lệnh cấm sử dụng thuốc lá điện tử có hương vị gần đây đã giúp giảm tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử từ 27,5% xuống 19%”, bà nói. Ths. Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nói rằng, thuốc lá điện tử làm tăng 3,5 lần nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá truyền thống so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử; ngoài ra, làm tăng nguy cơ sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống. Ông Lâm khuyến cáo nên duy trì các quy định về không cho phép nhập khẩu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử ở Việt Nam (Tiền phong, trang 6).
Bệnh tay chân miệng bùng phát
Chỉ trong ba tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 4 lần so cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Hơn một tuần qua, số lượng bệnh nhi liên quan bệnh tay chân miệng được đưa đến các bệnh viện nhi tại TPHCM thăm khám tăng cao đột biến so với thời gian trước. Nhiều bệnh nhi bị biến chứng nặng phải chuyển vào phòng cấp cứu. Bác sĩ Dư Tuấn Duy, Phó khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, số lượng ca bệnh nhập viện điều trị tăng nhanh trong thời gian qua, đặc biệt là số ca bệnh nặng. Qua điều tra bệnh án, nhiều phụ huynh cho biết, họ tự theo dõi bệnh ở nhà và tự điều trị cho con vì lo ngại dịch COVID-19, khi bệnh nặng thì mới đưa đến bệnh viện. Bác sĩ Duy cho biết, bệnh tay chân miệng được chia làm 4 độ, độ nặng nhất là độ 4. Thông thường, trẻ dưới 3 tuổi mới có triệu chứng nặng. Tuy nhiên, năm nay nhiều trường hợp bệnh nặng là bé trên 3 tuổi. Nguyên nhân do phụ huynh còn chủ quan, chưa phân biệt được bệnh với biểu hiện mọc răng, viêm họng hay sốt do thời tiết. “Khi bé chảy nước miếng, sốt thì phụ huynh cần kiểm tra xem trong miệng bé có bị loét, bóng nước không, đồng thời theo dõi nhiệt độ cho bé để kịp thời phát hiện và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời”, bác sĩ Duy nói.
Nguy hiểm đến tính mạng
Theo số liệu từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong (Kiên Giang 2 trường hợp, Long An và An Giang mỗi tỉnh 1 trường hợp). So với cùng kỳ năm 2020, số người mắc của cả nước tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam, các tỉnh tăng cục bộ là TPHCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, số lượng trẻ nhập viện điều trị tăng cao đột biến từ đầu tháng 4 đến nay, số lượng ca bệnh nặng cũng tăng cao hơn các năm trước. Tuần qua, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 40 ca điều trị, có 6-7 ca bệnh nặng. Trong khi những năm trước số lượng bệnh nặng chỉ 1-2 ca/40 ca nhập viện.
Dự báo số lượng ca bệnh nhập viện sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh từ tháng 4 đến hết tháng 6. “Số lượng ca bệnh nặng độ 2b rất nhiều, có những trẻ ở độ 3, trẻ trên 3 tuổi cũng bị nặng. Điều này có khả năng là trong thời gian cách ly do dịch COVID-19, trẻ ở nhà thời gian dài nên khả năng miễn dịch giảm dẫn đến dễ mắc bệnh và bệnh tiến triển nặng”, bác sĩ Khanh cho hay.
Theo bác sĩ Khanh, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và chưa có vắc-xin dự phòng. Dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh là trẻ bị nổi ban đỏ, bóng nước xung quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay, bàn chân, mông. Nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71 sẽ nguy hiểm hơn so với các tác nhân khác, một số trẻ có biến chứng tim mạch, hô hấp, thần kinh nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não…
Do đó, khi phát hiện triệu chứng, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám. Bên cạnh đó, phải chú ý để phòng ngừa, cách ly trẻ bị bệnh với trẻ khác, đặc biệt là ở các trường học. “Để phòng bệnh, cần giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Ở trường học, khi có một trẻ mắc bệnh thì phải chú ý để phát hiện xem có trẻ thứ hai bị không, phải cách ly với những trẻ khác và tổ chức dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn trường lớp ngay lập tức để đề phòng bệnh lây lan nhiều trong lớp học”, bác sĩ Khanh khuyến cáo (Tiền phong, trang 10).
Không ép buộc người bệnh sử dụng máy điều trị theo phương thức xã hội hóa
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 5063/SYT-KHTC gửi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc ngành Y tế Thủ đô yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo về xây dựng, kê khai, công khai giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng, quyết định mức giá dịch vụ y tế theo yêu cầu phù hợp với chất lượng và chi phí thực tế hợp lý; đồng thời thực hiện dịch vụ theo đúng quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn. Trong trường hợp mức giá hiện tại quy định cao hơn phương án giá xây dựng, thì phải xem xét điều chỉnh ngay. Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu danh mục, mức giá dịch vụ tại các cơ sở y tế phải được niêm yết công khai.
Cùng với đó, cơ sở y tế phải giải thích cụ thể, rõ ràng cho người bệnh, người nhà người bệnh về quyền lợi, chi phí phải trả trước, trong và sau thực hiện dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu để họ lựa chọn. Tuyệt đối không được gợi ý, ép buộc người bệnh sử dụng dịch vụ y tế từ máy điều trị theo phương thức xã hội hóa, dịch vụ theo yêu cầu. Việc thu giá dịch vụ y tế theo yêu cầu phải sử dụng hóa đơn và hạch toán kế toán các khoản thu chi đúng quy định (Hà Nội mới, trang 1).
Thêm 9 ca nhập cảnh dương tính Covid-19
Ngày 8.4, BYT thông báo ghi nhận 9 ca nhập cảnh dương tính Covid-19, là bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 2.660 – 2.668 tại VN. Các BN này được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Hưng Yên – 1 ca, Quảng Nam 2 ca, Đà Nẵng 2 ca, Bắc Giang 1 ca và TP.HCM 3 ca. Hiện có 36.971 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, phòng dịch Covid-19 (Thanh niên, trang 5).