Nhìn nhận đúng phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBe Five
Bắt đầu từ tháng 12-2018, vắc-xin ComBe Five chính thức được triển khai trên quy mô toàn quốc. Sau tiêm đã có một số ca phản ứng, gây hoang mang cho các bậc cha mẹ về độ an toàn của loại vắc-xin này. Tuy nhiên, PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khẳng định, các ca phản ứng sau tiêm đó không có gì đột biến và đều được theo dõi, xử trí kịp thời. Theo thống kê của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, đến thời điểm này có 28 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vắc-xin ComBe Five, với tổng số hơn 131 nghìn trẻ được tiêm. Đáng chú ý, do ComBe Five là vắc-xin mới (thay thế vắc-xin Quinvaxem) cho nên đội ngũ cán bộ tiêm chủng tư vấn rất kỹ, đầy đủ và các bà mẹ cũng có ý thức hơn về chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Do vậy, nhiều trẻ em có những dấu hiệu nhỏ cũng đã được đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám. Ngoài những phản ứng thông thường của vắc-xin là sốt, quấy khóc, đau tại chỗ tiêm đã được khuyến cáo, có ghi nhận số ít trẻ sốt cao hơn 390C và quấy khóc kéo dài. Trong báo cáo của Sở Y tế Bình Định, có những trẻ chỉ sốt 37,50C, 38,20C… đã được đưa đến bệnh viện. Với những trường hợp như vậy chỉ cần cho trẻ nghỉ ngơi, hạ sốt và theo dõi là có thể trở lại bình thường.
Chính vì vậy, PGS, TS Dương Thị Hồng cho rằng cần khuyến cáo các bà mẹ: Sau tiêm cho trẻ mà có bất kỳ một triệu chứng nào bất thường cũng nên đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám lại một lần nữa cũng như đánh giá triệu chứng đó có đáng lo ngại hay không. Các bác sĩ sẽ giúp người mẹ yên tâm hơn và tránh được rủi ro đáng tiếc. Việc theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm là quan trọng để ngăn ngừa và xử trí các sốc phản vệ và cần tiếp tục theo dõi trẻ từ một đến hai ngày sau tiêm để phát hiện những dị ứng muộn.
Hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tiếp nhận ba lô với 840 nghìn liều vắc-xin ComBe Five. Cả ba lô vắc-xin này đều được gửi đến Viện kiểm định quốc gia về sinh phẩm y tế để kiểm tra chất lượng theo đúng quy trình. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đều đã nhận đủ số lượng vắc-xin từ ba lô này để triển khai tiêm cho trẻ theo lịch tiêm chủng thường xuyên. Do ngày tiêm chủng của các tỉnh, thành phố khác nhau, cho nên có địa phương tổ chức tiêm cho trẻ được trong tháng 12-2018 (kịp lịch) hoặc tháng 1-2019 (quá lịch).
PGS, TS Dương Thị Hồng khẳng định: Không có vắc-xin nào là an toàn tuyệt đối. Nhưng vắc-xin hiện nay vẫn là công cụ hữu hiệu nhất để phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ. Nếu trẻ không được tiêm vắc-xin thì sẽ có thể mắc những bệnh truyền nhiễm, để lại những hậu quả rất nặng nề. Với những trẻ đã có phản ứng nặng với lần tiêm chủng trước thì các bà mẹ cần chia sẻ với cán bộ y tế để cháu bé được tư vấn sử dụng loại vắc-xin khác có thành phần tương tự; các trường hợp khác (cháu bé đang ho, sốt…) thì hoãn tiêm. Cho nên các bà mẹ đưa con đi tiêm vắc-xin cần mô tả đầy đủ tình trạng sức khỏe của trẻ với bác sĩ, cán bộ tiêm chủng để được tư vấn đúng (Nhân dân, trang 5).
Hà Nội lạnh tê tái, bệnh viện chống rét cho bệnh nhân như thế nào?
Những ngày giá rét này, các bệnh viện có điều kiện tốt đã tăng cường điều hòa, bệnh viện khác cũng đã bổ sung quạt sưởi, chăn ấm, cung cấp nước nóng phục vụ nhu cầu tắm giặt, ăn uống cho người bệnh và người nhà…Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, những đợt rét đậm, rét hại như thời gian này, số bệnh nhân cao tuổi vào cấp cứu vì các bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tai biến gia tăng.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Hành chính – Quản trị của bệnh viện thì vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh trong các đợt rét đậm kéo dài cũng rất được quan tâm, trong đó có việc cung cấp suất ăn đến tận giường bệnh cho bệnh nhân nặng. Đặc biệt, khi khám và điều trị, các bác sĩ cũng đều kết hợp lưu ý đến bệnh nhân cách phòng chống rét, nguy cơ đột quỵ do trời lạnh.
Ngay cạnh Bệnh viện Lão khoa Trung ương là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Da liễu Trung ương…, để đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân trong những ngày giá rét, các bệnh viện này đều đã tăng cường điều hòa, quạt sưởi, chăn ấm đến từng phòng bệnh; đảm bảo buồng bệnh kín đáo tránh gió lùa.
Bác sĩ Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, những ngày rét đậm, rét hại, hiện mỗi ngày Khoa tiếp nhận khoảng 10- 20 bệnh nhân đột quỵ, tăng khoảng 5-10%. Ngoài công tác điều trị thì việc đảm bảo dinh dưỡng, giữ ấm cho bệnh nhân vào thời điểm giá rét này là rất quan trọng.
Còn tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, 100% buồng bệnh đã được trang bị đầy đủ điều hòa nhiệt độ hai chiều. Đợt rét này, toàn Viện đã trang bị hệ thống nước nóng phục vụ người bệnh 24/24h để người bệnh không bị lạnh khi có nhu cầu tắm rửa, vệ sinh cá nhân.
Theo các bác sĩ, trẻ em và người già là những đối tượng dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc nắng nóng, rét đậm kéo dài. Với người lớn tuổi, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… thì thời tiết giá rét khiến chon guy cơ đột quỵ, tai biến gia tăng.
GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đội quỵ Việt Nam cho biết, thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột khiến cho các mạch máu co lại, lượng máu lên não giảm làm gia tăng đột quỵ. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân đột quỵ có thể tử vong hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề.
Để phòng bệnh đột quỵ, GS.TS Nguyễn Văn Thông khuyến cáo, người dân cần tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi ngày); giữ chế độ ăn uống đúng mức; hạn chế rượu, bia, không nên ra lạnh đột ngột (An ninh thủ đô, trang 10).
Bộ trưởng Bộ Y tế thị sát công tác tiêm chủng của Hà Nội
Ngày 9-1, tại huyện Chương Mỹ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc về công tác tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý tham dự. Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, hiện trên địa bàn huyện có gần 1.000 trẻ đã được tiêm vắc xin ComBE Five với 16% trẻ phản ứng sau tiêm, trong đó có 4 trẻ sốt cao. Tuy nhiên, các trẻ đã được điều trị kịp thời, sức khoẻ đã ổn định (Hà Nội mới, trang 1).
Triển khai chương trình sức khỏe Việt Nam trong năm 2019
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí đánh giá một năm hoạt động của ngành Y tế, do Bộ Y tế tổ chức chiều 9-1. Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Năm 2018, ngành Y tế gặt hái được nhiều thành công, cụ thể: Trong lĩnh vực ghép tạng, lần đầu tiên các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não. Ngoài ra, Việt Nam đã thực hiện ca ghép đầu tiên lấy đồng thời 6 tạng từ một người chết não để tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (gồm 1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận) và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở TP Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, 2018 là năm có tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,5%, vượt 2,3% chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai và tiến tới nhân rộng mô hình của 26 trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ của tuyến y tế cơ sở; tiến tới triển khai nhân rộng mô hình này đến hơn 11.000 trạm y tế xã, phường trên toàn quốc. Năm 2019, Bộ Y tế sẽ tập trung vào 3 mục tiêu chính, đó là nâng cao chất lượng y tế cơ sở, chất lượng khám, chữa bệnh kết hợp với đổi mới tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh và đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tự chủ. Đặc biệt, trong năm 2019, Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình sức khỏe Việt Nam với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (Hà Nội mới, trang 5).
100% xã, phường tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có thanh tra an toàn thực phẩm
Hội nghị triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) theo Quyết định số 47/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Y tế tổ chức sáng 9.1 tại Hà Nội. Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, từ 1.7 tới sẽ thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, TP của 9 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai và Gia Lai. Trong đó, tại Hà Nội và TP.HCM sẽ được triển khai tại 100% số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đối với 7 địa phương còn lại, thí điểm tại không quá 25% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh và không quá 20% số đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện.
Người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP là công chức, viên chức các phòng kinh tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm y tế, trạm y tế… được tập huấn về nghiệp vụ thanh tra.
Theo ông Cường, tới đây số lượng cán bộ tham gia thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị hành chính nêu trên là rất lớn (riêng Hà Nội là 3.700 cán bộ) nhưng các đơn vị sẽ không tăng thêm về biên chế.
Trước đó, từ năm 2015, thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã và phường, xã, thị trấn đã thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM (mỗi TP triển khai tại 10 xã, phường thuộc 5 quận, huyện) đã góp phần làm tăng hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, số vụ ngộ độc giảm và đã phát hiện các hành vi vi phạm như: sản phẩm ghi nhãn không đúng các nội dung ghi bắt buộc, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, không có sổ sách ghi chép nguồn gốc nguyên liệu, qua đó kịp thời chấn chỉnh vi phạm (Thanh niên, trang 15).