TP.HCM điều chỉnh chiến lược ứng phó Covid-19
Để ứng phó với biến chủng mới của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn Delta và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, lãnh đạo TP.HCM cho rằng cần phải điều chỉnh khuyến cáo 5K cũng như các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Cùng lúc 2 biến thể lây lan nhanh
Hôm qua (9.3), tại cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng dẫn chứng kết quả tầm soát ngẫu nhiên 119 trường hợp trong cộng đồng, ghi nhận 103 ca dương tính, trong đó có 24 ca chủng Omicron dòng BA.1 và 43 ca chủng Omicron dòng BA.2. Trong đó, BA.2 là biến thể phụ mà một số nghiên cứu cho thấy có khả năng “tàng hình”. Việc có cùng lúc 2 biến thể trên giải thích lý do lây lan nhanh như thời gian qua. “Dù vậy, chúng ta cũng không nên quá lo lắng về biến chủng mới xuất hiện ở TP.HCM vì thực tế nó đã diễn ra rồi”, ông Thượng nhìn nhận.
Giải đáp câu hỏi nếu có làn sóng dịch mới thì vắc xin có hiệu quả hay không, ông Thượng cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định vắc xin Covid-19 vẫn có hiệu quả giúp người mắc Covid-19 không chuyển nặng, nhưng không thể bảo vệ người dân không bị lây nhiễm. Do đó, kế hoạch tiêm vắc xin vẫn phải tiếp tục trong thời gian tới.
Vì sao ca nhiễm ở trường học tăng?
Kể từ khi TP.HCM tổ chức dạy học trực tiếp ở tất cả khối lớp vào ngày 14.2, số ca nhiễm trong trường học gia tăng hằng tuần. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, có 3.028 cơ sở mầm non mở cửa (đạt gần 93%), cấp tiểu học có 509/510 trường, 281/285 trường THCS, 100% trường THPT đón học sinh đến trường.
Giải thích cho việc tỷ lệ cơ sở giáo dục mầm non còn thấp, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho rằng một số nhóm trẻ, trường mầm non tư thực có ý định giải thể, hoặc chưa đảm bảo cơ sở vật chất nên chưa mở lại. Ngoài ra, các cơ sở ngoại ngữ, tin học, dạy kỹ năng sống cũng chưa mở cửa lại, do chủ đầu tư đánh giá tình hình dịch bệnh và tâm lý phụ huynh chưa yên tâm.
Sau 3 tuần học trực tiếp, ngành giáo dục ghi nhận hơn 3.700 giáo viên và hơn 42.500 học sinh nhiễm Covid -19. Nguyên nhân chính dẫn đến F0 tăng được Sở Y tế lý giải do các trường chủ động tầm soát học sinh, giáo viên, người lao động có triệu chứng; xét nghiệm định kỳ F1, gia đình tự test nhanh cho học sinh… Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết đã thống nhất với Sở Y tế cập nhật lại bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong trường học cho phù hợp với tình hình.
Tiêu chí 5K có điểm không còn phù hợp
Trao đổi tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhận định số ca nhiễm mới tuần qua đã giảm dần, ca nặng ở mức thấp, ca tử vong ở mức thấp nhất và ổn định suốt nhiều tuần qua. Thực tế này cho thấy các biện pháp kiềm chế dịch bệnh đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Nên cho rằng cần xem lại các hướng dẫn, quy trình xử lý phù hợp với bình thường mới, bởi một số điểm trong khuyến cáo 5K đến nay không còn phù hợp. “Như khẩu trang, sát khuẩn tương đối quen và làm được nhưng khoảng cách, không tập trung thì không còn phù hợp. Chúng ta cứ kêu gọi 5K mà không sửa lại phù hợp thì rất khó thực hiện”, ông Nên nói.
Ông Nên dẫn chứng các cháu đến trường học tập, các cơ quan, doanh nghiệp làm việc bình thường thì phải có sự tập trung. Tương tự, thủ tục khai báo y tế hướng dẫn cũng cần ngắn gọn, dễ làm để người dân thấy quyền lợi của mình trong đó và thực hiện.
Đề cập đến chiến lược chung, ông Nên cho biết Bộ Y tế vừa rồi đã xin ý kiến Chính phủ về giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch và dịch lưu hành, tạm gọi là giai đoạn quá độ. Một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia… đã chuyển sang giai đoạn dịch lưu hành. Trong giai đoạn quá độ này, TP.HCM phải cố gắng kiềm chế cho được dịch bệnh để đảm bảo sản xuất, kinh doanh và tới đây mở cửa du lịch đón khách.
Tránh lo lắng thái quá
Trước kết quả khảo sát biến chủng Omicron dòng BA.2 chiếm ưu thế, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ, dựa trên ý kiến cơ quan chức năng là Bộ Y tế, WHO để cảnh báo, tránh lơ là, mất cảnh giác nhưng tránh lo lắng thái quá.
Ông Mãi yêu cầu tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là các em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trước mắt, Sở GD-ĐT rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí an toàn của tất cả trường học trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu trong tháng 3.2022 phải cập nhật lại các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 của từng ngành, từng cơ quan để vừa đảm bảo an toàn vừa hoạt động bình thường. Các bộ tiêu chí an toàn sản xuất, kinh doanh cần chú ý đến đặc thù của địa phương, nghiên cứu cho phép F1 không có vấn đề gì về sức khỏe thì có thể đi làm. Đối với F0 không có triệu chứng, không có vấn đề về sức khỏe và tự nguyện thì duy trì cách làm việc phù hợp. (Thanh niên, trang 4).
Nguy cơ trẻ nhiễm Covid-19 bị thủng dạ dày nếu dùng thuốc sai cách
Theo thông tin từ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, trong thời gian qua, bệnh viện này đã cấp cứu và điều trị thành công cho 3 bệnh nhi nhiễm Covid-19 bị thủng dạ dày. Trước đó, ngày 22.2, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận hội chẩn từ xa tại Trung tâm y tế H.Tiên Lãng một bệnh nhi 10 tuổi nhiễm Covid-19. Bệnh nhi xuất hiện đau bụng dữ dội vùng trên rốn kèm sốt, nôn 1 ngày. Kết quả chụp X -quang có hình ảnh liềm hơi dưới vòm hoành 2 bên, nghi ngờ thủng tạng rỗng. Nhận thấy đây là trường hợp cấp cứu ngoại khoa cần xử trí kịp thời nên bệnh viện đã chỉ đạo chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng để điều trị.
Tại Khoa Truyền nhiễm, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp đã tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm và nhanh chóng chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phúc mạc do thủng dạ dày. Bệnh nhi được cấp cứu phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng dạ dày, làm sạch, dẫn lưu ổ bụng tại phòng mổ áp lực âm của khu điều trị Covid-19.
Sau đó, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng lại tiếp nhận và xử lý 2 bệnh nhi khác nhiễm Covid-19, vào viện với triệu chứng tương tự. Bác sĩ Trần Minh Cảnh, Phó giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, cho biết: “Chỉ trong vòng ít ngày, số ca thủng dạ dày ở trẻ tăng đột biến. Đáng chú ý, thời điểm tiếp nhận bệnh nhi là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Dù chưa thể kết luận chính xác nhưng theo lời kể của gia đình về việc đã cho các cháu dùng một số thuốc chữa Covid-19 mua ở hiệu thuốc, không kê đơn thì có thể tình trạng trên là do sử dụng thuốc kháng viêm không chứa steroid không đúng cách. Qua khám, điều trị, các bác sĩ nghi ngờ các bệnh nhi thủng dạ dày có liên quan việc sử dụng thuốc khi trẻ mắc Covid-19”.
Thuốc kháng viêm không chứa steroid là loại thuốc có công dụng giảm đau, chống viêm, có hoặc không có hạ sốt, không có steroid trong cấu trúc (khác với nhóm kháng viêm corticosteroid có tác dụng phụ giữ muối, nước). Bác sĩ Trần Minh Cảnh khuyến cáo phụ huynh không tự ý sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. (Thanh niên, trang 14).
Số ca nhiễm Covid-19 tại nước ta vẫn tăng vọt với hơn 164.000 ca trong 24 giờ qua
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 164.596 ca nhiễm mới, trong đó có 20 ca nhập cảnh và 164.576 ca ghi nhận trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (tăng 2.161 ca so với ngày trước đó).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Nghệ An (tăng 5.139 ca), Hải Phòng (tăng 2.924 ca), Bắc Ninh (tăng 2.858 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Gia Lai (giảm 2.363 ca), thành phố Hồ Chí Minh (giảm 620 ca), Bình Dương (giảm 513 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 141.797 ca/ngày.
Cụ thể, tính từ 16h ngày 8-3 đến 16h ngày 9-3, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 164.596 ca nhiễm mới, trong đó có 20 ca nhập cảnh và 164.576 ca tại 63 tỉnh, thành phố (có 106.573 ca tại cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (31.365), Nghệ An (10.296), Bắc Ninh (9.068), Phú Thọ (5.594), Sơn La (4.924), Hưng Yên (4.102), Hòa Bình (3.997), Bình Dương (3.993), Nam Định (3.980), Lạng Sơn (3.905), Hải Dương (3.636), Tuyên Quang (3.498), Cà Mau (3.294), Đắk Lắk (3.119), Hải Phòng (3.027), Lào Cai (2.939), Quảng Ninh (2.905), Bắc Giang (2.794), Thái Nguyên (2.790), Điện Biên (2.772), Vĩnh Phúc (2.729), Quảng Trị (2.673), Bình Định (2.620), Thái Bình (2.608), Ninh Bình (2.554), Gia Lai (2.551), Quảng Bình (2.473), thành phố Hồ Chí Minh (2.463), Hà Nam (2.372), Bình Phước (2.316), Cao Bằng (2.298), Bắc Kạn (2.258), Hà Giang (2.177), Yên Bái (2.064), Lai Châu (1.869), Khánh Hòa (1.861), Đà Nẵng (1.758), Lâm Đồng (1.224), Bến Tre (1.182), Thanh Hóa (1.163), Đắk Nông (1.011), Bà Rịa – Vũng Tàu (957), Tây Ninh (955), Hà Tĩnh (858), Vĩnh Long (754), Phú Yên (746), Quảng Ngãi (722), Bình Thuận (628), Trà Vinh (437), Thừa Thiên – Huế (368), Kon Tum (367), Quảng Nam (323), Bạc Liêu (312), Long An (226), Cần Thơ (191), Đồng Nai (140), Kiên Giang (76), An Giang (73), Hậu Giang (61), Đồng Tháp (49), Tiền Giang (40), Sóc Trăng (39), Ninh Thuận (32).
Ngoài ra, ngày 9-3, Sở Y tế Nghệ An đăng ký bổ sung 45.896 ca, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 30.353 ca và Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 24.318 ca trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 5.042.036 ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 51.041 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 5.034.498 ca, trong đó có 2.852.397 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là thành phố Hồ Chí Minh (557.003), Hà Nội (491.366), Bình Dương (322.628), Bắc Ninh (203.588), Quảng Ninh (158.445).
Về tình hình điều trị, có thêm 65.872 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.855.214. Ngoài ra, hiện có 3.878 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có 2.964 ca thở ôxy qua mặt nạ, 469 ca thở ôxy dòng cao HFNC, 97 ca thở máy không xâm lấn, 344 ca thở máy xâm lấn và 4 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 8-3 đến 17h30 ngày 9-3, nước ta ghi nhận 109 ca tử vong tại 39 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên (10 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (8 ca trong 2 ngày), Hà Nội (8), Nam Định (7 ca trong 2 ngày), Hà Nam (6 ca trong 2 ngày), Bắc Ninh (5), Nghệ An (5), Phú Thọ (5 ca trong 2 ngày), Bắc Giang (4), Đà Nẵng (4), Quảng Ninh (4), Cà Mau (3), Hà Giang (3 ca trong 2 ngày), Hải Dương (3), Kiên Giang (3), Bạc Liêu (2), Gia Lai (2), Ninh Bình (2), Quảng Ngãi (2), Quảng Trị (2), thành phố Hồ Chí Minh (2), Trà Vinh (2), Bến Tre (1), Bình Dương (1), Cần Thơ (1), Điện Biên (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Hải Phòng (1), Hậu Giang (1), Hòa Bình (1), Lâm Đồng (1), Phú Yên (1), Quảng Bình (1), Thái Bình (1), Thanh Hóa (1), Tuyên Quang (1), Vĩnh Long (1), Yên Bái (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 91 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.086 ca, chiếm tỷ lệ 0,9% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN). (Hà Nội mới, trang 7).
Ra mắt bộ sổ tay chăm sóc sức khỏe bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà
Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã cho ra mắt bộ 3 sổ tay chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà, gồm: “Sổ tay chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà”, “Sổ tay sử dụng thuốc an toàn tại nhà” (cập nhật sử dụng thuốc kháng vi rút Molnupiravir), “Sổ tay chăm sóc sức khỏe thai phụ trong dịch Covid-19″.”Sổ tay chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà” gồm 5 mục: Chuẩn bị khi điều trị cho trẻ mắc Covid-19 tại nhà; Hướng dẫn chăm sóc và theo dõi trẻ mắc Covid-19 hằng ngày; Hướng dẫn dùng thuốc điều trị cho trẻ mắc Covid-19; Dấu hiệu bất thường, dấu hiệu nguy kịch và theo dõi biến chứng hậu Covid-19.
“Sổ tay sử dụng thuốc an toàn tại nhà” có 3 mục chính: Thuốc kháng vi rút; Thuốc giảm triệu chứng và Thuốc dùng khi có dấu hiệu trở nặng. “Sổ tay chăm sóc sức khỏe thai phụ trong dịch Covid-19” có 3 phần: Chăm sóc sức khỏe chủ động cho thai phụ trong dịch Covid-19; Ảnh hưởng Covid-19 tới thai phụ; Chăm sóc thai phụ mắc Covid-19.
Bộ tài liệu được phát hành rộng rãi dưới dạng file ảnh và file sách điện tử, có thể tải về tại địa chỉ: https://bit.ly/3vPXNxG hoặc trên Facebook page và website của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. (Hà Nội mới, trang 7).
F0 tự uống kháng sinh: COVID-19 đã lâu khỏi hơn, còn hại gan, thận
Số ca nhiễm COVID-19 cả nước liên tục tăng cao, phần lớn cách ly, điều trị tại nhà. Nhiều người nhiễm COVID-19 chỉ với triệu chứng nhẹ như ho, sốt, sổ mũi… nhưng lại tự mua và uống kháng sinh dù đây là thuốc kê toa.
Theo các chuyên gia và bác sĩ, tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam đã đáng báo động, trong bối cảnh dịch bệnh còn đáng lo ngại hơn. Dự kiến thời gian tới, tình trạng kháng kháng sinh vô cùng nghiêm trọng.
Mắc COVID-19 nhẹ cũng uống kháng sinh
Với độ phủ vắc xin cao và biến thể Omicron ít gây bệnh nặng hay tử vong hơn Delta, phần lớn bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều gặp triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm người bệnh thoải mái uống thuốc kháng sinh, corticoid… để điều trị COVID-19 nhiều nhất.
Bị dương tính và uống thuốc đều đặn khi cách ly tại nhà nhưng đến ngày thứ 9 em M.A. (12 tuổi) xét nghiệm nhanh lại vẫn còn dương tính. Đơn thuốc em A. được bác sĩ tư vấn có 7 loại, trong đó có corticoid (Solupred 20mg), kháng sinh Augmentine 1g…
Theo PGS Trần Văn Ngọc – phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, trường hợp trên là ví dụ điển hình của việc lạm dụng, dùng thuốc không đúng làm virus kéo dài trong người, dù bệnh nhân không có bệnh nền kèm theo.
Sinh viên L.T.T. (21 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) phát hiện dương tính, được bạn bè mua giúp các loại thuốc theo các triệu chứng mà T. dặn. Dù bệnh khá nhẹ (ho, khàn giọng, sổ mũi…) nhưng toa thuốc T. nhận được rất nhiều loại, trong đó có kháng sinh.
ThS Nguyễn Đình Tỉnh – giảng viên bộ môn nhi, Trường đại học Y tế công cộng (Hà Nội) – cho biết việc sử dụng kháng sinh hiện nay đang tràn lan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong số các bệnh nhi mà bác sĩ Tỉnh tư vấn, rất nhiều phụ huynh cho biết các hiệu thuốc đều bán kháng sinh cho trẻ khi trẻ có biểu hiện ho, sốt.
“Tôi đã từng tư vấn cho rất nhiều bệnh nhi. 10 phụ huynh gửi đơn thuốc đến nhờ tư vấn thì có đến 7 – 8 đơn thuốc có kê kháng sinh. Thậm chí không chỉ một loại mà vài loại kháng sinh. Sau khi sử dụng kháng sinh, sức khỏe thậm chí không được cải thiện mà còn gây mệt mỏi hơn. Một số trường hợp dị ứng, đau bụng”, bác sĩ Tỉnh nói.
Gây hại cho gan, thận
PGS Trần Văn Ngọc cho rằng nếu không kiểm soát, quản lý chặt chẽ thì tình trạng kháng kháng sinh trong những năm tới vô cùng nghiêm trọng.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm cao áp oxy Việt – Nga, cho rằng trước đây tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam đã đáng báo động, trong bối cảnh dịch bệnh còn đáng lo ngại hơn rất nhiều.
“Chúng ta phải siết chặt việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc, không để tình trạng bán thuốc kháng sinh không có đơn của bác sĩ tràn lan như hiện nay. Bên cạnh đó, người dân cũng cần trang bị kiến thức để chăm sóc sức khỏe của bản thân”, bác sĩ Hoàng nói.
Theo bác sĩ Tỉnh, kháng sinh chỉ có tác dụng với những trường hợp ghi nhận viêm nhiễm, không có tác dụng ngăn ngừa sự bội nhiễm của virus. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng khi có biểu hiện ho sẽ gây viêm phổi, viêm phế quản… nên sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa.
“Suy nghĩ này là không chính xác, đặc biệt ở trẻ nhỏ, việc sử dụng kháng sinh càng phải được cân nhắc kỹ càng”, bác sĩ Tỉnh khuyến cáo.
Còn bác sĩ Hoàng cho biết thêm, việc sử dụng kháng sinh không gây tử vong hay ảnh hưởng đến sức khỏe ngay lúc đó. Tuy nhiên, các loại kháng sinh sử dụng không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Đặc biệt, một số loại kháng sinh gây ảnh hưởng đến sự phát triển gân – cơ – xương của trẻ dưới 12 tuổi.
Sử dụng kháng sinh cũng gây tổn thương hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến nhiều hậu quả về tiêu hóa ở trẻ nhỏ. (Tuổi trẻ, trang 14).
Hiểu rõ việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em
Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương chuẩn bị triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục mua sắm vắc-xin và công tác chuẩn bị để triển khai tiêm cho nhóm đối tượng này. Dự kiến trong nửa đầu tháng 3, Bộ Y tế sẽ hoàn thành việc ký hợp đồng với hãng Pfizer mua 21,9 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho khoảng 10 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
7 triệu liều đầu tiên có thể được chuyển về Việt Nam ngay trong tháng 3 này và 14,9 triệu liều còn lại được giao trong quý II/2022. Ngay sau khi có vắc-xin, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm chủng ngay.
PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhấn mạnh: Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong tiêm vắc-xin cho các nhóm độ tuổi (từ 12 đến 17 tuổi và từ 18 tuổi trở lên), nhưng đối tượng tiêm đợt này nhỏ tuổi hơn, vì vậy, cán bộ y tế cần được tập huấn lại để có thao tác thực hành tiêm chủng an toàn, xử trí phản ứng sau tiêm.
TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng khu vực phía bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, tương tự nhóm trẻ từ 12-17 tuổi, ở nhóm trẻ nhỏ hơn, vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được tiến hành tiêm từ một nhóm nhỏ. Sau khi đánh giá hiệu quả, độ an toàn sẽ tiêm trên diện rộng. Theo kế hoạch, vắc-xin sẽ được tiêm ở lứa tuổi lớn rồi sau đó lùi về lứa tuổi nhỏ hơn.
Cũng như việc tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi, trước khi tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi phải có sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ và theo dõi trong suốt quá trình tiêm chủng. Trẻ vẫn được tiêm tại y tế cơ sở hoặc trường học như chiến dịch tiêm chủng đã triển khai với nhóm từ 12-17 tuổi; trẻ được theo dõi chặt chẽ sau tiêm, các điểm tiêm bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị y tế để xử lý khi cần thiết…
Đáng chú ý, từ kinh nghiệm tiêm vắc-xin cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi, chiến dịch tiêm chủng tới đây cần sự tham gia của các thầy, cô giáo và ngành giáo dục. Các thầy, cô giáo cũng cần nắm được các nội dung về chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết về tổ chức tiêm chủng và tham gia ngay những phút đầu trong buổi tiêm.
Giáo viên là người cùng theo dõi các phản ứng bất thường xảy ra ngay sau khi tiêm chủng. Các thầy, các cô cũng đồng hành với ngành y tế, có những cuộc họp phụ huynh để chia sẻ công tác tổ chức cũng như bảo đảm một lần nữa truyền tải đến cha mẹ học sinh hiểu công tác tổ chức tiêm chủng ở các trường học rất an toàn.
Ngoài ra, dù tổ chức tiêm ở trường học, nhưng cán bộ tiêm chủng đều là từ các trạm y tế và có những đội tổ chức theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, cấp cứu phản ứng sau tiêm là các cán bộ chuyên khoa, cán bộ hồi sức cấp cứu đã được hỗ trợ từ tuyến huyện, thậm chí có một số nơi, các thành phố lớn là tuyến tỉnh hỗ trợ. Hiện, một số địa phương đã và đang triển khai tập huấn an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi dành cho các đội tiêm, trung tâm y tế quận/huyện.
Nhằm bảo đảm tính an toàn và hiệu quả, mới đây Bộ Y tế phê duyệt vắc-xin phòng Covid-19 của hãng Pfizer với liều 0,2ml (thay cho liều 0,3ml như trẻ lớn, người lớn). Tuy nhiên, không ít phụ huynh băn khoăn việc giảm liều tiêm này có ảnh hưởng tới chất lượng, khả năng bảo vệ hay tạo kháng thể cho trẻ?
Trả lời những băn khoăn đó, TS Phạm Quang Thái khẳng định: Các nhà nghiên cứu đã có nhiều thử nghiệm, quyết định mức liều này để đưa vào cơ thể trẻ một lượng vừa đủ, phù hợp cân nặng, giúp sinh miễn dịch, đồng thời không gây ảnh hưởng tới hệ miễn dịch còn non và khá nhạy cảm của trẻ.
Chia sẻ với những lo lắng, thậm chí nghi ngại của nhiều cha mẹ về sự an toàn, hiệu quả khi trẻ nhỏ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, các chuyên gia nhi khoa, tiêm chủng khẳng định nghi ngại này không có cơ sở khoa học.
PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nêu rõ: Sự an toàn của loại vắc-xin này cũng đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất và nhiều nước trên thế giới. Sau khi chứng minh được an toàn và hiệu quả, đã có 60 nước chấp thuận, cấp phép vắc-xin này để tiêm cho trẻ em, trong đó có nhiều nước có những tiêu chuẩn rất khắt khe.
TS Phạm Quang Thái cho biết thêm, ghi nhận thực tế từ các quốc gia đã triển khai, tỷ lệ phản ứng thông thường (như sốt, sưng đau tại chỗ) khi trẻ tiêm vắc-xin này rất thấp, chưa nói đến phản ứng nặng. Thậm chí các phản ứng này còn thấp hơn so với các vắc-xin thông thường mà chúng ta đang dùng trong và ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng (như cúm hay sởi, quai bị,…).
Kết quả thăm dò dư luận của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, 78% số người được hỏi cho rằng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là “rất cần thiết, cần tổ chức tiêm càng sớm càng tốt”; 81% số ý kiến “sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19”… Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em giống như tiêm các loại vắc-xin thông thường (ho gà, uốn ván, lao, sởi…). (Nhân dân, trang 5; Công an nhân dân, trang 4).
Sẵn sàng kịch bản ứng phó khi có biến chủng mới nguy hiểm
Biến chủng Omicron đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam, dần thay thế biến chủng Delta. Tại Hà Nội, biến chủng Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã; trong đó biến chủng BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện nhiễm biến chủng Omicron. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh sáng 9/3 đã thông tin, có đến 43/67 ca nhiễm COVID-19 chủng Omicron thuộc biến thể BA.2. Số ca mắc mới COVID-19 của Việt Nam không ngừng gia tăng, trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận hơn 134.000 ca/ngày. Ứng phó về y tế của Việt Nam như thế nào trước sự bùng phát của biến chủng mới?
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong thời gian gần đây ghi nhận số mắc mới có gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố, nhưng tỷ lệ tử vong/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm mạnh do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, nhất là đối tượng nguy cơ cao đã được quản lý, chăm sóc đầy đủ, kịp thời.
Tuy vậy, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh và dần chiếm ưu thế trong thời gian gần đây, thay thế dần biến thể Delta ở nhiều tỉnh, thành phố. Tổ chức Y tế Thế giới và các nhà khoa học nhận định dịch COVID-19 chưa thể được kiểm soát trong năm 2022, có thể xuất hiện các chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường, số ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu loại bỏ các biện pháp phòng, chống dịch.
Ông cũng cho rằng, thời gian qua, nhiều bài học quý được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên; chiến lược vaccine đã phát huy hiệu quả là điều kiện để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
“Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, mở cửa du lịch, nhất là thời gian tới Việt Nam nới lỏng cách ly y tế, xóa bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, tiếp tục làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt tại tuyến cơ sở”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định.
Với số ca mắc mới tăng cao như hiện nay, nhiều địa phương đã quá tải hệ thống y tế cơ sở. Nếu F0 chuyển nặng không được theo dõi, phát hiện và chuyển tầng kịp thời, sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong. Theo các chuyên gia, chủng Omicron có triệu chứng nhẹ hơn Delta, hơn 90% F0 nhẹ, nhưng không thể chủ quan mà để lây lan quá nhanh, sẽ gây quá tải hệ thống y tế và tăng tử vong.
Để ứng phó với biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế hiện nay, Việt Nam phải triển khai các giải pháp gì? Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, phải hoàn thiện nghiêm túc Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022-2023, trong đó tập trung chủ yếu các nội dung: Bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 và chủ động cung ứng vaccine; kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19; nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K+vaccine, thuốc điều trị+công nghệ+ý thức người dân. Rà soát cơ chế cung ứng thuốc kháng virus điều trị COVID-19; sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà theo hướng đơn giản, thuận tiện bảo đảm khoa học và hiệu quả nhất.
Xây dựng phương án ứng phó không để quá tải hệ thống y tế, tập trung quản lý người có nguy cơ cao và người lao động. Trong thời gian tới tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; lập kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Đề xuất có các chính sách thỏa đáng đối với cán bộ y tế và lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch.
Với chủng Omicron, tiêm vaccine làm giảm ca bệnh nặng, giảm tử vong. Vì vậy, mục tiêu thời gian tới phải thần tốc để hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm) trong quý I/2022; hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3/2022; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi; nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và trẻ dưới 5 tuổi… Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai việc mua, nhập khẩu, sử dụng vaccine, thuốc điều trị trong năm 2022, nhất là vaccine dành cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên. (Công an nhân dân, trang 1).
Hướng dẫn phòng chống dịch phải phù hợp với giai đoạn bình thường mới
Ngày 9-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM giao ban trực tuyến với TP Thủ Đức và 21 quận huyện về công tác phòng chống dịch.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM cùng chủ trì.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, số ca mắc mới trên địa bàn thành phố tăng cao trong những tuần qua, nhưng vài ngày gần đây, số ca mắc giảm nhẹ. Trong đó, số ca trở nặng, số ca tử vong đều ở mức thấp nhất và ổn định suốt những tuần qua.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, tiếp tục tập trung triển khai chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì… và phải bảo vệ trẻ em chưa tiêm vaccine.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng lưu ý, ngành y tế cần xem lại hướng dẫn, quy định, các khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp. Trong giai đoạn “bình thường mới” hiện nay, các cơ quan, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Các trường học cũng đón học sinh đến học tập trung. Do đó, ngành y tế cần có quy định, hướng dẫn cho phù hợp với thực tế, tránh tình trạng có hướng dẫn nhưng không thực hiện được.
Đồng chí dẫn chứng, quy định 5K hiện nay có một số điểm không còn phù hợp như quy định về khoảng cách, quy định không tập trung…, cần có điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo thực hiện khả thi hơn. “Từng hướng dẫn phải phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Về số ca mắc trong trường học gia tăng, nhất là ở cấp tiểu học, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận xét, nguyên do có phần tổ chức cho học sinh ăn, ngủ tại trường không đảm bảo khoảng cách. Bất cập này phải được giải quyết dứt điểm, để hạn chế lây nhiễm cho học sinh.
Ngoài ra, đối với thủ tục khai báo hiện nay dành cho F0, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, thủ tục phải ngắn gọn, thuận tiện cho người dân. Các địa phương, ngành y tế nỗ lực hỗ trợ người dân để người dân thấy được trách nhiệm, quyền lợi khi khai báo, tránh để tình trạng người dân mắc Covid-19 mà không khai báo.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu, tập trung hướng dẫn các hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp để đảm bảo tốt phòng chống dịch Covid-19. Các cấp các ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp phải nêu cao trách nhiệm, phân định rõ ràng từng trách nhiệm cũng như có chế tài đủ nghiêm. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền đến từng người dân, từng gia đình.
Tương tự, yêu cầu mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan đơn vị, trường học, doanh nghiệp… phải biết rõ nghĩa vụ, quyền lợi trong phòng chống dịch. Các biện pháp vừa phòng ngừa lây nhiễm, vừa hạn chế đối đa các ca trở nặng, tử vong bằng những biện pháp chủ động hạn chế lây. TPHCM phải chủ động có các biện pháp hạn chế lây để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là khi mở cửa ngành du lịch trong thời gian tới.
F0, F1 không có vấn đề về sức khỏe nên duy trì làm việc phù hợp
Tại buổi giao ban, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu tiếp tục tập trung giám sát, cảnh báo dịch và có biện pháp phù hợp với tình hình, đặc biệt là trước diễn biến của biến thể phụ mới BA.2, vốn đang chiếm 65% các trường hợp mắc mới. Đồng chí lưu ý, cần tránh hai thái cực – hoặc lơ là mất cảnh giác, hoặc lo lắng thái quá, gây bất an trong xã hội.
Trước tình hình lây nhiễm trong học sinh tăng nhanh rồi lây lan sang người nhà, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo phải kiểm soát, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là các em có nguy cơ và người có nguy cơ. Ngành giáo dục TPHCM được giao chủ trì kiểm tra lại việc cập nhật bộ tiêu chí an toàn tất cả trường học trên địa bàn thành phố; tiếp tục rà soát công tác chuẩn bị, sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng giao Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chậm nhất trong tháng 3-2022 phải cập nhật lại bộ tiêu chí an toàn, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa duy trì các hoạt động bình thường trong đời sống xã hội.
Nhấn mạnh đến nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND TPHCM phân công Sở Du lịch chủ trì, sớm đề xuất UBND TPHCM làm việc với các doanh nghiệp về phục hồi, phát triển ngành du lịch.
Theo đồng chí, không phải đợi đến ngày 15-3 mở cửa ngành du lịch, nếu gặp tình huống mới lúng túng, mà ngay từ bây giờ cần rà soát, dự liệu các tình huống để có phương án xử lý. Cùng với đó, TPHCM phải hoàn thiện bộ tiêu chí an toàn trong hoạt động du lịch.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng chỉ đạo Sở TT-TT phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, GD-ĐT để ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch hiệu quả hơn, làm sao để các thủ tục hành chính thực hiện một cách thuận lợi cho người dân. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
10 điều cần biết về vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 -11 tuổi
Trước mối quan tâm của cộng đồng về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 trẻ em độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi, CDC Mỹ đã đưa ra một số thông tin liên quan.
1. Vacinne phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – 11 tuổi là an toàn và hiệu quả
Vaccine Pfizer/BioNTech phòng COVID-19 có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19 ở trẻ em từ 5 – 11 tuổi.
Trước khi khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi này, các nhà khoa học đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng và Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã xác định vaccine Pfizer/BioNTech đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả để cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi.
2. Tiêm vaccine có thể giúp bảo vệ trẻ từ 5 tuổi trở lên tránh lây lan COVID-19 cho người khác
Tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi trở lên có thể mang lại lợi ích sau:
– Bảo vệ cả gia đình, bao gồm cả anh chị em của trẻ chưa đủ điều kiện tiêm chủng và các thành viên khác trong gia đình có nguy cơ cao bị bệnh nghiêm trọng nếu mắc COVID-19.
– Giúp trẻ có thể trở lại trường và tham gia an toàn vào các môn thể thao, sân chơi, và các hoạt động nhóm khác.
– Giúp làm chậm sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng.
3. Có thể gặp một số tác dụng phụ sau khi tiêm chủng nhưng đó là những phản ứng đáp ứng miễn dịch thông thường của cơ thể
-Trong các thử nghiệm lâm sàng đối với trẻ em từ 5 – 11 tuổi đã được thực hiện, không có mối lo ngại nghiêm trọng nào về tính an toàn được xác nhận. Các phản ứng phụ được báo cáo là nhẹ và tương tự như những phản ứng sau khi tiêm các loại vaccine thông thường.
– Các tác dụng phụ có thể xảy ra ở trẻ em sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 có thể bao gồm:
Đau nhức tại vị trí tiêm
Nhức đầu
Đau cơ
Sốt nhẹ
Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của trẻ, nhưng chúng sẽ biến mất sau vài ngày. Một số trẻ không gặp tác dụng phụ khi tiêm vaccine phòng COVID-19.
– Lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19 được xác định vượt xa những nguy cơ đã biết và nguy cơ tiềm ẩn.
4. Liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – 11 tuổi khác với liều tiêm cho người lớn và thanh thiếu niên. Mức liều vaccine dựa theo độ tuổi chứ không phải cân nặng
Không giống như nhiều loại thuốc, liều lượng vaccine phòng COVID-19 không thay đổi theo trọng lượng người bệnh mà theo tuổi tính đến ngày tiêm chủng. Điều này cũng đúng đối với các loại vaccine được khuyến nghị thông thường khác, như vaccine phòng cúm hoặc viêm gan.
Trẻ em cần tiêm mũi thứ 2 vaccine Pfizer/BioNTech phòng COVID-19 vào thời điểm 3 tuần sau mũi tiêm đầu tiên. Nhiều hơn 1 liều là cần thiết để trẻ có được sự bảo vệ tốt nhất và tạo được khả năng miễn dịch cao hơn.
Nếu tuổi của trẻ từ 11 chuyển sang 12 tuổi trong khoảng thời gian giữa liều thứ nhất và thứ hai, thì liều thứ hai phải là liều dành cho người từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nếu trẻ được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech liều thứ 2 đang trong độ tuổi 5 đến 11 thì trẻ không cần phải tiêm liều nhắc lại và vẫn được coi là đã được tiêm chủng đầy đủ.
5. Vaccine phòng COVID-19 dùng ở người lớn và thanh thiếu niên không được sử dụng cho trẻ từ 5 – 11 tuổi
Vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi có các thành phần hoạt tính tương tự như vaccine dùng cho người lớn và thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, vaccine phòng COVID-19 dành cho trẻ em 5 – 11 tuổi được đựng trong lọ khác, với màu nắp khác biệt để giúp các cơ sở tiêm chủng biết rõ loại vaccine nào dành cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi và loại vaccine nào dành cho người từ 12 tuổi trở lên.
6. Vaccine phòng COVID-19 đang được giám sát an toàn
Vaccine phòng COVID-19 đang được giám sát an toàn với chương trình giám sát an toàn vaccine toàn diện và mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ. CDC Mỹ giám sát tính an toàn của tất cả các vaccine phòng COVID-19, ngoài tất cả các loại vaccine khác, sau khi các vaccine được cấp phép sử dụng. Điều này gồm việc theo dõi nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ tiềm ẩn sau khi tiêm chủng, bao gồm viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim ở trẻ em từ 5 – 11 tuổi.
7. Các phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm chủng có thể xảy ra, nhưng hiếm
Nếu trẻ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng, các cơ sở tiêm chủng có thể nhanh chóng xử trí và gọi cấp cứu nếu cần.
Các báo cáo về viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim (viêm tim) ở trẻ vị thành niên và thanh niên là rất hiếm. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục theo dõi các nguy cơ này ở trẻ nhỏ. Nhìn chung, thanh thiếu niên từ 12 – 17 tuổi có nguy cơ bị viêm cơ tim cao hơn so với trẻ từ 5 – 11 tuổi. Tuy nhiên, hầu hết trẻ vị thành niên bị tình trạng này sau khi tiêm chủng đều đáp ứng tốt với điều trị và hồi phục nhanh chóng.
8. Trẻ em có thể tiêm các loại vaccine khác cùng ngày với vaccine phòng COVID-19
Vaccine COVID-19 có thể được tiêm cùng ngày và giờ như các vaccine khác, bao gồm cả vaccine phòng cúm và các vaccine thông thường khác.
Tiêm phòng định kỳ là biện pháp dự phòng cần thiết không nên trì hoãn. Thu xếp thực hiện việc tiêm chủng định kỳ cho trẻ càng sớm càng tốt nhằm hoàn thành việc tiêm chủng.
Nếu tiêm nhiều loại vaccine trong một thời điểm, thì mỗi mũi tiêm sẽ được tiêm ở một vị trí tiêm khác nhau, tùy theo khuyến cáo đối với từng độ tuổi.
9. Tiêm phòng có thể giúp trẻ không bị tình trạng nặng ngay cả khi chúng bị mắc COVID-19
COVID-19 có thể khiến trẻ bị ốm nặng và phải nhập viện. Trong một số trường hợp, các biến chứng do nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong.
Trẻ em mắc các bệnh nền có nguy cơ cao bị tình trạng bệnh nặng do COVID-19 hơn so với trẻ em không có các bệnh nền.
Một số trẻ em bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể bị các biến chứng nghiêm trọng như Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C), đây là tình trạng nhiều cơ quan trong cơ thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt, hoặc hệ tiêu hóa.
10. Trẻ em đã mắc COVID-19 vẫn nên được chủng ngừa
CDC Mỹ khuyến nghị tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho tất cả mọi người từ 5 tuổi trở lên, kể cả những người đã từng mắc COVID-19.
Các bằng chứng nghiên cứu mới cho thấy mọi người được bảo vệ tốt hơn khi được tiêm chủng đầy đủ so với người chỉ trải qua mắc COVID-19 mà chưa tiêm chủng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1; An ninh Thủ đô, trang 4).
Đến nay cả nước chỉ còn 1 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vắc xin phòng Covid -19 dưới 90%…
Đến chiều ngày 9/3, cả nước đã tiêm gần 198,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó hơn 42,5 triệu liều mũi 3; Đến nay cả nước chỉ còn 1 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%…
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 13h30 ngày 9/3 cho biết cả nước đã tiêm gần 198,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó ngày 8/3, cả nước tiêm 391.097 liều vaccine.
Số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tính đến ngày 8/3 là 181.220.810 liều: Mũi 1 là 70.865.996 liều; Mũi 2 là 67.698.132 liều; Mũi 3 là 1.501.013 liều; Mũi bổ sung là 14.285.241 liều; Mũi nhắc lại là 26.870.428 liều.
Đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; chỉ còn 01/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.
Về số liều vaccine phòng COVD-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.040.895 liều, trong đó mũi 1: 8.742.967 liều; Mũi 2: 8.297.918 liều.
Đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; hiện chỉ còn 06/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.
Bộ Y tế và các địa phương đánh giá xu hướng tăng/giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, không để quá tải hệ thống y tế.
Tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine phòng COVID-19, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở;
Sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; chủ động tiếp cận trước các nguồn vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm.
Nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị COVID-19, dự phòng cơ số thuốc kháng virus thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, vật tư y tế cần thiết…tại các trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu tự điều trị COVID-19 tại nhà của người dân và giảm tải cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến trên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn hỗ trợ người dân tự điều trị tại nhà.
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai hoạt động phòng, chống dịch COVID-19; Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng dịch khi đưa học sinh quay lại trường học và mở cửa du lịch;
Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương trong việc tăng cường công tác quản lý chất thải đối với các trường hợp mắc COVID-19 quản lý tại nhà để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; nâng cao ý thức cá nhân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch;
Thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế trong quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà, không áp dụng theo các hướng dẫn từ các nguồn thông tin không tin cậy, chưa được kiểm chứng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
4 yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc COVID-19 kéo dài
Các nhà khoa học đã xác định được 4 yếu tố nguy cơ có thể giúp dự đoán liệu một người có phát triển COVID-19 kéo dài hay không? Một số yếu tố này có thể được sàng lọc trong máu của bệnh nhân.
1. Các yếu tố nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài
Các nhà khoa học Viện Sinh học Seattle, Mỹ đã tiến hành nghiên cứu, theo dõi 210 bệnh nhân COVID-19. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm ra những đặc điểm chung của những bệnh nhân tiếp tục phát triển COVID-19 kéo dài.
Các bệnh nhân đã hoàn thành một cuộc khảo sát về các triệu chứng liên quan đến COVID-19 kéo dài, bao gồm ho, mệt mỏi, khó thở, tiêu chảy, các vấn đề về trí nhớ, khó tập trung, mất vị giác và khứu giác…
Nhìn chung, khoảng 37% bệnh nhân cho biết có 3 triệu chứng COVID-19 kéo dài trở lên; 24% báo cáo 1 hoặc 2 triệu chứng; và 39% còn lại cho biết không có triệu chứng. Các triệu chứng đường hô hấp thường gặp nhất, sau đó là các triệu chứng thần kinh, mất vị giác và khứu giác, và các triệu chứng về đường tiêu hóa.
Trong nhóm có 3 triệu chứng COVID kéo dài trở lên, 95% biểu hiện ít nhất một trong 4 yếu tố nguy cơ mới được xác định.
Covid -19 kéo dài hay “di chứng sau COVID-19 cấp tính (PASC)” – một thuật ngữ y học đề cập đến những tác động của SARS-CoV-2 có thể có trên cơ thể sau khi nhiễm COVID-19 cấp tính.
4 yếu tố nguy cơ có liên quan đến COVID kéo dài bất kể nhiễm trùng ban đầu của bệnh nhân là nặng hay nhẹ, các yếu tố nguy cơ này bao gồm: Hầu hết các yếu tố nguy cơ này có thể được đánh dấu vào thời điểm bệnh nhân được chẩn đoán lần đầu tiên với COVID-19, và nếu điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa một số trường hợp COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ là một điểm khởi đầu vì cần tiếp tục tìm hiểu các yếu tố nguy cơ này có thực sự thúc đẩy sự phát triển của COVID-19 kéo dài hay không và liệu những tín hiệu có thể được phát hiện sớm này có thể giúp dự đoán những triệu chứng cụ thể nào có thể kéo dài ở bệnh nhân 4, 8 hoặc 12 tháng sau khi nhiễm COVID-19 hay không.
1.1 Các tự kháng thể và các triệu chứng hô hấp, tiêu hóa của COVID-19 kéo dài
Trong số các yếu tố nguy cơ đáng chú ý nhất là các tự kháng thể, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra trong các mẫu máu của bệnh nhân. Họ đã kiểm tra cụ thể 6 tự kháng thể và nhận thấy rằng các kháng thể khác nhau có liên quan đến các triệu chứng COVID-19 kéo dài khác nhau.
Điển hình, sự hiện diện của một tự kháng thể, được gọi là kháng IFN-α2, tại thời điểm chẩn đoán dự báo các triệu chứng hô hấp của COVID-19 kéo dài.
Kháng thể kháng IFN-α2 bám vào một chất truyền tin hóa học gọi là interferon alpha-2 giúp chỉ đạo hoạt động của các tế bào miễn dịch cụ thể. Các tác giả nghiên cứu cho biết, sự hiện diện của các kháng thể kháng IFN-α2 có thể khiến các tế bào miễn dịch này hoạt động sai và cũng thúc đẩy sản xuất các phân tử gây viêm trong cơ thể.
Ngoài kháng IFN-α2, các nhà nghiên cứu còn sàng lọc 5 tự kháng thể bổ sung, được gọi là kháng thể kháng nhân, liên kết với protein trong nhân tế bào.
5 kháng thể này có liên quan đến các chứng rối loạn tự miễn dịch khác nhau, bao gồm bệnh lupus và viêm khớp dạng thấp, nhưng liệu chúng có gây hại trực tiếp cho các tế bào hay chỉ là một dấu hiệu của bệnh thì vẫn chưa rõ ràng.
Nhóm nghiên cứu báo cáo, các kháng thể kháng nhân có liên quan đến các triệu chứng hô hấp và một số triệu chứng đường tiêu hóa của COVID kéo dài.
1.2 Các kháng thể và các triệu chứng thần kinh
Ngược lại, các triệu chứng thần kinh không liên quan đáng kể với 6 tự kháng thể. Thay vào đó, các triệu chứng thần kinh dường như liên quan đến các kháng thể nhắm vào chính virus. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những kháng thể này nhắm vào cái gọi là nucleocapsid của virus, xuất hiện với số lượng lớn sau khi nhiễm bệnh, một khi các triệu chứng COVID-19 kéo dài xuất hiện. Dữ liệu về kháng thể này gợi ý rằng có thể có các cơ chế khác nhau thúc đẩy các triệu chứng khác nhau của COVID kéo dài.
1.3 Virus Epstein-Barr và các vấn đề nhận thức
Epstein-Barr Virus (EBV) còn được gọi là herpesvirus 4 (HHV-4) là một trong 8 loại virus Herpes gây bệnh phổ biến nhất ở người. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng EBV đóng vai trò là một yếu tố nguy cơ chính khác đối với COVID-19 kéo dài. Ước tính có khoảng 90% đến 95% số người mắc EBV và sau khi gây ra nhiễm trùng ban đầu, virus này sẽ không hoạt động và ẩn trong các tế bào miễn dịch của cơ thể. Nhưng đôi khi, nếu một người mắc một bệnh nhiễm trùng khác hoặc đang trải qua căng thẳng tột độ, EBV không hoạt động này có thể “kích hoạt lại”, có nghĩa là nó gây ra nhiễm trùng hoạt động một lần nữa. Những bệnh nhân có EBV trong máu khi được chẩn đoán cho thấy khả năng cao mắc các vấn đề về trí nhớ, cũng như mệt mỏi và nhiều đờm.
Thông thường sẽ không thể phát hiện các mảnh EBV trong máu và việc phát hiện các EBV trong máu là một dấu hiệu cho thấy chúng đã tái hoạt động. Điều đáng lưu ý là EBV chủ yếu xuất hiện trong máu của bệnh nhân tại thời điểm họ được chẩn đoán COVID-19, sau đó nồng độ virus trong máu giảm nhanh chóng. Nhóm nghiên cứu cho biết, có thể là khi hệ thống miễn dịch tập hợp lại để chống lại coronavirus, EBV sẽ có cơ hội kích hoạt lại và gây ra thiệt hại lâu dài cho cơ thể.
1.4. Bệnh đái tháo đường và RNA coronavirus
Khoảng 1/3 số bệnh nhân COVID-19 kéo dài của nghiên cứu mắc bệnh đái tháo đường loại 2. Đặc biệt, những người có yếu tố nguy cơ này có nhiều khả năng bị mệt mỏi, ho và các triệu chứng COVID-19 kéo dài đường hô hấp khác.
Ngoài ra, khoảng 1/3 số bệnh nhân COVID-19 kéo dài mang vật liệu di truyền SARS-CoV-2, hoặc RNA, trong máu vào thời điểm chẩn đoán và dễ gặp các triệu chứng COVID-19 kéo dài liên quan đến trí nhớ.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, việc loại bỏ virus càng nhanh thì càng ít có khả năng phát triển virus dai dẳng hoặc tự miễn dịch, có thể dẫn đến COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, do COVID-19 kéo dài có thể tấn công những người bị nhiễm trùng COVID-19 nhẹ và nặng, nên vẫn chưa rõ liệu điều trị kháng virus tích cực có giúp ích cho tất cả bệnh nhân hay không.
2. Các yếu tố rủi ro khác
Ngoài 4 yếu tố nguy cơ chính đối với COVID-19 kéo dài, nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người có các triệu chứng hô hấp của COVID kéo dài có mức độ hormone căng thẳng cortisol trong máu thấp bất thường. Và những người có các triệu chứng thần kinh mang nồng độ protein trong máu cao bất thường được cho là phản ánh sự gián đoạn trong chu kỳ ngủ / thức trong sinh học.
Tiến sĩ PJ Utz, Giáo sư y khoa và bác sĩ khoa học về miễn dịch học và thấp khớp tại Đại học Stanford, cho biết, ông đánh giá cao kết quả của nghiên cứu này. TS. Utz là một trong số các nhà nghiên cứu của ĐH Stanford, đóng vai trò điều tra viên chính cho Sáng kiến Nghiên cứu COVID-19 để Tăng cường Phục hồi (RECOVER), một nghiên cứu đa trung tâm về COVID-19 kéo dài do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) bảo trợ.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ là một điểm khởi đầu và vẫn còn có một số hạn chế. Ngoài ra, các nhà khoa học có thể sẽ cần thực hiện các nghiên cứu trên động vật để hiểu tại sao và làm thế nào các yếu tố nguy cơ được xác định dẫn đến các triệu chứng COVID-19 kéo dài khác nhau. Và liệu các biến thể SARS-CoV-2 khác nhau, từ Alpha đến Omicron, có thay đổi bối cảnh của COVID-19 kéo dài mà bệnh nhân trải qua hay không. Nhưng những phát hiện này có thể gợi ý về các phương pháp điều trị, và trên thực tế, liệu pháp thay thế cortisol đã được thử nghiệm ở những bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài. (Sức khỏe & Đời sống, trang 5).
Quản Trọng Đoàn