Điểm báo ngày 20/8/2020

(CDC Hà Nam)
Thủ tướng chỉ đạo xuất cấp hóa chất khử khuẩn phòng, chống COVID-19; Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Các địa phương phải nâng mức độ cảnh giác cao nhất trong phòng chống dịch COVID-19

Thủ tướng chỉ đạo xuất cấp hóa chất khử khuẩn phòng, chống COVID-19

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xuất cấp hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp không thu tiền 02 tấn Chloramin B và 07 triệu viên Aquatabs 67mg từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương phòng, chống COVID-19.

Cụ thể, tỉnh Quảng Nam được xuất cấp 01 tấn Chloramin B. Bộ Y tế (để hỗ trợ khẩn cấp hóa chất cho các địa phương, các vùng trọng điểm) 01 tấn Chloramin B và 07 triệu viên Aquatabs 67mg.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo; thực hiện quản lý, xuất cấp, phân bổ và sử dụng hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy định hiện hành.

Xử nghiêm việc sản xuất khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng ty không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc.

Thời gian gần đây, một số cơ quan thông tấn báo chí nêu nhiều vụ việc sản xuất, tập kết, vận chuyển số lượng lớn găng tay, khẩu trang không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc đã bị các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ; nếu số khẩu trang, găng tay này được đưa ra thị trường tiêu thụ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng và việc phòng chống dịch bệnh.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 9/2020. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Các địa phương phải nâng mức độ cảnh giác cao nhất trong phòng chống dịch COVID-19

Mặc dù chúng ta đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương khác, tuy nhiên Bộ Y tế nhận định tình hình dịch sẽ tiếp tục kéo dài và xuất hiện các chùm ca bệnh và ca bệnh tại cộng đồng, do đó các địa phương phải nâng mức cảnh giác ở mức cao nhất để phát hiện sớm và kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch, tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng

Đây là nhấn mạnh của GS.TS Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khi chủ trì buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch với lãnh đạo Sở Y tế các địa phương trong cả nước chiều ngày 19/8.

Cùng dự có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế: Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn và lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y tế

Đến nay ổ dịch Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, chúng ta đang từng bước kiểm soát

Phát biểu tại buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong gần 1 tháng qua, chúng ta triển khai tất cả các biện pháp quyết liệt, chưa bao giờ Bộ Y tế huy động các chuyên gia đầu ngành đông đảo, tinh nhuệ như vậy về hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh miền trung.

Bằng những giải pháp quyết liệt, đến nay ổ dịch Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, chúng ta đang từng bước kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Về tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương, Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán ăn “Thế giới bò tươi” – nơi có ca bệnh 867- từ khoảng ngày 25-27/7. Từ địa điểm này dịch lây lan ra cộng đồng. Hiện đã ghi nhận tổng số 11 trường hợp mắc COVID-19. Trong những ngày tới có thể có thêm ca nhiễm mới.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, ngay từ khi phát hiện ca nhiệm đầu tiên, tỉnh Hải Dương đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế cũng đã cử các đoàn xuống hỗ trợ, phối hợp cùng địa phương khẩn trương truy vết thật nhanh, xét nghiệm thật nhanh để khoanh vùng dập dịch…

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chia sẻ, mặc dù đội ngũ cán bộ y tế tại các cơ sở điều trị ở khu vực Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã nỗ lực hết sức cùng với sự góp sức của các lực lượng chuyên gia tinh nhuệ của Bộ Y tế đến hỗ trợ, tuy nhiên vẫn có 25 trường hợp mắc COVID-19 tử vong. Đa phần các bệnh nhân tử vong đều có bệnh lý nền nặng, nhiều năm. Có trường hợp ung thư máu, có trường hợp chạy thận nhân tạo đã nhiều năm, có trường hợp bị bệnh tim mạch nhiều năm…

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng tôi nhận định tới đây vẫn sẽ tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng, “đó là điều chúng ta cần để ý”, trong đó việc làm thế nào để kiểm soát COVID- 19 tại các cơ sở y tế luôn được ngành y tế quán triệt chỉ đạo thực hiện

Liên quan đến vấn đề vắc xin ngừa COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, Bộ Y tế đang tìm mọi phương pháp, dưới mọi góc độ để tiếp cận vắc xin nhưng không thể sớm được, nếu sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021, từ nay đên lúc đó, chúng ta phải sẵn sàng “chiến đấu” với giặc COVID-19

Các địa phương phải chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm

Tại buổi giao ban, sau khi nghe ý kiến các thảo luận của các địa phương, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu phải cố gắng bằng mọi cách để nâng cao công suất xét nghiệm bằng PCR, ví như tỉnh Khánh Hoà tối thiểu phải đạt 2.000 mẫu/ ngày vì đây là địa phương có nhiều khách du lịch, “nên tỉnh cần chủ động trong xét nghiệm để sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh bùng phát diện rộng” (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Phát hiện hơn 4 triệu khẩu trang, găng tay y tế kém chất lượng

Các đơn vị của Cục QLTT TPHCM vừa phối hợp với Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) kiểm tra 5 địa điểm sản xuất, kinh doanh và chứa hàng hóa, qua đó phát hiện hơn 4 triệu khẩu trang, găng tay y tế vi phạm nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chất lượng kém.

Cụ thể, ngày 17/8, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT TPHCM) kiểm tra tại 5 cơ sở, gồm Nhà máy sản xuất Vina Face Mask Tân Phú (đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú), Nhà máy Vina Face Mask miền Nam (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân), Công ty TNHH HDPro Land (đường Bát Nàn, Quận 2) và hai kho chứa hàng của công ty này (tại số 49 đường 101 và tại số 1 đường số 84A, Quận 2).

Tại thời điểm kiểm tra, hai nhà máy của Vina Face Mask đều có rất nhiều găng tay, khẩu trang, nhưng toàn bộ hàng hóa không ghi đúng nơi sản xuất, doanh nghiệp cũng chưa xuất trình đủ hồ sơ, chứng từ có liên quan đến hàng hóa.

Đội QLTT số 2 đã tạm giữ toàn bộ nguyên liệu sản xuất, khẩu trang, găng ty thành phẩm, trong đó có gần 3 triệu khẩu trang y tế và hơn 260.000 găng tay. Tại các địa điểm của Công ty TNHH HDPro Land, chuyên kinh doanh khẩu trang và găng tay, lực lượng chức năng phát hiện toàn bộ hàng hóa đều vi phạm về nhãn mác, có dấu hiệu kém chất lượng và đã qua sử dụng, doanh nghiệp chưa cung cấp đầy đủ giấy tờ… nên đã tạm giữ gần 280.000 khẩu trang và hơn 804.000 găng tay các loại.

Tổng cộng, Đội QLTT số 2 đã tạm giữ hơn 1 triệu găng tay, hơn 3,2 triệu khẩu trang, hơn 1.200 kg nẹp nhựa, dây thun, vải không dệt và khoảng 4.500 vỏ thùng carton, vỏ hộp. Vụ việc đang được điều tra mở rộng để xử lý theo quy định của pháp luật. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

TPHCM: Giám sát 4 nhóm nguy cơ trong 14 ngày

Tối 19-8, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, TPHCM triển khai thực hiện giám sát y tế theo 4 nhóm nguy cơ đối với người từ các tỉnh, thành đang có trường hợp mắc Covid-19 hoặc đang thực hiện giãn cách xã hội như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị.

Cụ thể đối với những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 xác định cần thực hiện khai báo tại khu cách ly của quận huyện, áp dụng cách ly tập trung (cách ly cấp 3) tại khu cách ly quận huyện hoặc thành phố và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Trường hợp từ khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thực hiện khai báo tại khu cách ly của quận huyện, áp dụng cách ly tập trung (cách ly cấp 3) tại khu cách ly quận huyện hoặc TP và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Trường hợp từng đến các địa điểm được Bộ Y tế thông báo cần thực hiện khai báo tại trạm y tế, cách ly tại nhà (cách ly cấp 2), lấy mẫu xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ. Đối với những người không thuộc 3 nhóm trên cần thực hiện khai báo trên ứng dụng tokhaiyte.vn và tự theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của y tế; lấy mẫu xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ. Thời gian áp dụng các hình thức giám sát này là 14 ngày, tính từ ngày đến TPHCM. (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Sớm nhất đến tháng 6-2021 có vaccine Covid-19

* Việt Nam đã có 993 người mắc Covid-19

Chiều 19-8, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 với lãnh đạo sở y tế các địa phương trong cả nước.

Tại buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong gần 1 tháng qua, nhờ triển khai tất cả các biện pháp quyết liệt, chưa từng có tiền lệ mà các ổ dịch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây.

Về tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương, Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào nhà hàng “Thế giới bò tươi” – nơi có ca bệnh 867 trong khoảng ngày 25-7 tới 27-7. Từ địa điểm này dịch lây lan ra cộng đồng. Ngay từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên, tỉnh Hải Dương đã quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế đã cử các đoàn xuống hỗ trợ, phối hợp cùng địa phương khẩn trương truy vết thật nhanh, xét nghiệm thật nhanh để khoanh vùng dập dịch… Tuy vậy, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định tới đây vẫn sẽ tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng.

Liên quan đến vấn đề vaccine ngừa Covid-19, GS-TS Nguyễn Thanh Long cho biết, chúng ta đang tìm mọi phương pháp, dưới mọi góc độ để tiếp cận vaccine nhưng sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có vaccine Covid-19. Từ nay đến lúc đó chúng ta phải luôn sẵn sàng “chiến đấu” với dịch.

Ngày 19-8, Bộ Y tế đã có công điện gửi giám đốc sở y tế, lãnh đạo các đơn vị y tế trong cả nước yêu cầu tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú của người nhà người bệnh; tuyệt đối không để người nhà, người chăm sóc dịch vụ chăm sóc đối tượng người bệnh này trong giai đoạn dịch Covid-19 hiện nay; thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội trong bệnh viện giữa các khoa, phòng và các nhóm nhân viên y tế; chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở nhân viên y tế, người cung cấp dịch vụ có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2…

Chiều cùng ngày, sau 3 tuần cách ly y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các thành viên trên chuyến bay đưa 219 công dân tại Guinea Xích đạo về nước ngày 29-7 đã được trở về nhà.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày 19-8, cả nước đã ghi nhận thêm  4 ca mắc mới Covid-19 (từ ca thứ 990-993), trong đó có 2 ca tại Đà Nẵng, 1 ca tại Quảng Nam và 1 ca tại Hải Dương. Cả nước có thêm 15 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân Covid-19 tử vong vẫn là 26 trường hợp. Trong số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có 98 người đã âm tính với SARS-CoV-2. (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Người dân cần chủ động phòng chống bệnh bạch hầu

Nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện thêm các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Từ ngày 12 đến 17-8, tỉnh Quảng Trị có thêm 6 ca dương tính với bệnh hầu, nâng tổng số người nhiễm bạch hầu tại địa phương lên 20 người.

Tính đến ngày 14-8, tỉnh Đắk Lắk có 33 người dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 13 xã của 5 huyện.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại nhiều tỉnh, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 3593/QĐ-BYT về “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu”. Nội dung quyết định cung cấp chi tiết, đầy đủ các thông tin về bệnh bạch hầu cũng như cách phòng tránh bệnh.

Để phòng chống bệnh bạch hầu người dân cần chủ động thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế. Cụ thể, mọi người cần tiêm vaccine bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc, nghi ngờ mắc bệnh để giảm nguy cơ mắc bạch hầu.

Giữ gìn vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng, đồng thời đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người dân phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời. (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Cấp cứu người bị rắn hổ mang dài 2,5m cắn nguy kịch

Ngày 19-8, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đang điều trị cho bệnh nhân P.V.T. (38 tuổi, tỉnh Tây Ninh) bị rắn hổ mang cắn nguy kịch.

Người nhà chở ông T. đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh trong tình trạng tỉnh táo, chỉ hơi khó thở, trong khi con rắn dài 2,5m cuốn vào phần tay và cổ.

Tại bệnh viện, sau khi lấy con rắn ra khỏi tay bệnh nhân, các bác sĩ rửa vết thương, băng ép cố định chân, truyền giảm đau và kháng sinh cần thiết. Tuy nhiên sau 30 phút, ông T. có các biểu hiện gồng người tím tái, khó thở… nên các bác sĩ đặt nội khí quản, cho thở máy và làm thủ tục chuyển viện xuống Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh vện Chợ Rẫy, xác định bệnh nhân có biến chứng nhiễm độc thần kinh nặng do rắn hổ chúa cắn nên các bác sĩ nhanh chóng chuyển lên khoa bệnh nhiệt đới điều trị. Bệnh nhân được cho sử dụng 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Sau khi sử dụng, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu phản ứng, cử động được tay chân và mở được mắt. Hiện bệnh nhân vẫn còn phải thở máy. (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Sản xuất được vaccine COVID-19 mới là thành công

Trước sự tấn công của đại dịch COVID-19, cả thế giới thất thủ. Với Việt Nam, cho đến nay, người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 chưa tới bốn con số với 25 ca tử vong cũng đã là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Nhưng cho dù nỗ lực hạn chế người bị lây nhiễm và tử vong, thì nguy cơ vẫn treo lơ lửng trên đầu, chỉ có bào chế ra vaccine COVID-19 mới là thành công thực sự. Chưa có vaccine, thế giới luôn trong thế thụ động, chông chênh. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, sẽ suy thoái kinh tế toàn cầu, đó là điều chắc chắn.

Vì vậy, nhiều quốc gia đang đua nghiên cứu, sản xuất vaccine COVDID-19. Có ý kiến cho rằng, không nên chạy đua sản xuất vaccine. Nhưng phải hiểu “chạy đua” theo nghĩa tích cực, đó là những bộ óc giỏi nhất của các quốc gia cùng nghiên cứu, làm cho được vaccine càng sớm càng tốt. Sớm một ngày, nhân loại yên an được một ngày.

Các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc đều có những thông tin tích cực, thế giới có thêm niềm hy vọng.

Việt Nam là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vaccine theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Đến nay đã có 4 nhà sản xuất trong nước là VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN tham gia trực tiếp vào cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 cho người Việt Nam.

Từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay, một số nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu bào chế vaccine âm thầm lao động trong phòng thí nghiệm, một công việc nặng nề, áp lực nhưng thực sự cảm hứng. Đứng trước thử thách khoa học này, không ai không cảm hứng, đồng thời tự thấy trách nhiệm và sứ mệnh thiêng liêng của mình.

Đừng bao giờ nghĩ rằng, Việt Nam còn nghèo, trình độ các ngành khoa học của Việt Nam còn thua xa các nước nên không thể sản xuất được vaccine COVID-19. Hãy tự tin rằng, Việt Nam có những nhà khoa học xuất sắc, ngang tầm với thế giới, có thể làm nên chuyện bất ngờ.

Vào thời điểm nhân loại đang đối diện với mối nguy ghê gớm này, quốc gia nào sản xuất được thuốc giải đầu tiên mới thực sự là “ngạo nghễ”, thành công, mới xứng đáng được ghi danh vào bảng vàng khoa học.

Có tỉ phú Việt Nam từng hỏi “tiền nhiều để làm gì?”, thì lúc này tiền rất đáng để đầu tư cho các viện nghiên cứu sản xuất vaccine. Cụ thể như, Quỹ Đổi mới sáng tạo (Tập đoàn Vingroup) đã ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19).

Nhưng theo người viết, các tỉ phú Việt nên treo giải thưởng lớn cho các nhà khoa học, cá nhân hay tập thể bào chế được vaccine COVID-19. Những ai làm được việc này để cứu người, để vinh danh đất nước, thì rất xứng đáng được tuyên dương và trao phần thưởng. (Lao động, trang 1).

 

Truy vết và điều trị – hai mũi giáp công

Bộ Y tế xác định tập trung nguồn lực truy vết để phát hiện sớm người bệnh, hạn chế sự lây lan của vi-rút SARS-CoV-2, đồng thời điều trị sớm, hạn chế những biến chứng do các bệnh lý nền hoặc do Covid-19, là hai mũi giáp công cần được thực hiện để hạn chế thấp nhất những tác động mà dịch gây ra.

Khi F0 chưa được tìm ra, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 hay nghi ngờ mắc Covid-19 là yếu tố then chốt, quyết định trong việc chống dịch. Theo PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Phó trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, kiêm Đội trưởng Đội điều tra, giám sát dịch, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống dịch Covid-19 là cắt đứt đường lây truyền. Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan ca Covid-19 và liên quan ca nghi ngờ mắc Covid-19. Riêng với trường hợp F1, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng một với người bệnh Covid-19 hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 cần có sự chú ý đặc biệt hơn. F1 chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2 m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh từ người bệnh. Có thể coi F1 chính là những người bệnh.

Chiến lược hiện nay của chúng ta trong chống dịch tại cộng đồng, đó là “phát hiện, phát hiện và phát hiện; cách ly, cách ly và cách ly”. Muốn phát hiện sớm, không có cách nào khác là phải giám sát và xét nghiệm. Một cách quan trọng để phát hiện được F1 chính là truy vết. Chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: “Truy vết F1 một cách thần tốc”. Có nghĩa là phải nhanh, đồng thời phải kiên quyết không được bỏ sót F1. Như đã phân tích, F1 tiếp xúc với nguồn lây nên khả năng F1 mắc bệnh là rất lớn. Nếu người này không được phát hiện ra và phát hiện nhanh, kịp thời, không được tổ chức cách ly ngay, nếu không may để lọt F1 trong cộng đồng thì F1 nguy cơ cao trở thành người bệnh, phát tán vi-rút. Khi đó, dịch sẽ rất khó ngăn chặn.

Do là người bệnh tiềm tàng nên Bộ Y tế yêu cầu cách ly tập trung, bắt buộc đối với F1, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà. Bởi việc cách ly tại nhà là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 đó lơ là, mất cảnh giác một chút hoặc vi phạm quy định đi ra ngoài (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện ra), nguy cơ phát tán vi-rút sẽ rất lớn, tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch. Vì vậy trong giai đoạn hiện nay, đối với người F1 phải cách ly bắt buộc tại cơ sở cách ly tập trung có sự quản lý theo dõi giám sát của nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tập trung. Việc tổ chức cách ly phải theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng chống lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung. Đối tượng F1 cần tuân thủ nghiêm ngặt cách ly tập trung. Đây vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ công dân.

So với đợt dịch Covid-19 đầu năm, đợt dịch này có nhiều khác biệt. Dịch “tiến công” vào bệnh viện mà trực tiếp là các khoa có nhiều người mắc bệnh nền (thận nhân tạo, tim mạch, hồi sức tích cực)… Những người mắc các bệnh nền đã bị giảm miễn dịch và với việc vi-rút SARS-CoV-2 xâm nhập thì đây là một cơ hội làm tình trạng bệnh trở nặng rất nhanh. Mặc dù các bác sĩ, kể cả có sự hỗ trợ của những chuyên gia hàng đầu cả nước nhưng đến nay đã có tới 25 người chết.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cho biết: Những người bệnh được chúng tôi đánh giá nguy hiểm nhất là các trường hợp có bệnh lý nền nặng, đặc biệt là các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo, suy giảm miễn dịch ở cơ thể. Bên cạnh đó, những biến chứng như suy tim, suy đa tạng, ảnh hưởng đến chức năng gan, chức năng hô hấp tạo cơ hội cho vi-rút xâm nhập. Trước những thay đổi đó, phác đồ điều trị Covid-19 từ giai đoạn một đến nay đã được các chuyên gia, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chỉnh sửa sáu lần.

Quá trình điều trị thực tế cho những người bệnh tại các bệnh viện: Phổi Đà Nẵng, Đa khoa T.Ư Huế, T.Ư Quảng Nam… các bác sĩ cho rằng không để tình trạng Covid-19 diễn ra trong những cộng đồng yếu thế như các bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các bệnh viện, những người cao tuổi, các bệnh nhân bị những bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, suy thận. (Nhân dân, trang 5).

 

Mở rộng chương trình dự phòng phơi nhiễm HIV

Từ cuối năm 2018, Bộ Y tế thí điểm chương trình dự phòng phơi nhiễm HIV với sự tham gia của hơn 6.000 người tại 11 tỉnh, thành phố. Hiện, Bộ Y tế và các đối tác đã mở rộng triển khai dự án ra tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), năm 2017, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp tổ chức quốc tế USAIDS/PATH Healthy Markets (HM) và UNAIDS để khởi động chương trình thí điểm dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP). Chương trình được thí điểm năm 2018 tại 11 tỉnh, thành phố do PEPFAR (Quỹ hỗ trợ khẩn cấp của Mỹ) và Quỹ Toàn cầu hỗ trợ với hơn bảy nghìn người đăng ký sử dụng PrEP, trong đó 3.946 người mới tham gia PrEP năm 2019. Tỷ lệ khách hàng duy trì điều trị sau ba tháng đạt 84% và sau sáu tháng đạt 71%. Chỉ có hai trong số 7.517 khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP có kết quả xét nghiệm HIV (+), do một trường hợp phát hiện có đột biến kháng thuốc và một trường hợp HIV (+) do không tuân thủ điều trị PrEP. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng PrEP ngày càng cao. Quỹ Toàn cầu đã cam kết hỗ trợ nguồn vốn không hoàn lại cho Việt Nam để can thiệp phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nguy cơ cao này (vợ, bạn tình của người nhiễm HIV, người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và cộng đồng người chuyển giới). Điều đó cho phép những người có nguy cơ nhiễm HIV cao có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ PrEP. Bà R. Xing, Giám đốc Văn phòng Y tế tại Việt Nam của USAIDS cho biết: Thời gian tới, USAIDS sẽ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy hơn nữa việc giúp những người trong nhóm nguy cơ cao có thể duy trì được sử dụng thuốc thường xuyên.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HIV ở phần lớn các nhóm có hành vi nguy cơ cao, và tỷ lệ nhiễm HIV đang có nguy cơ tăng cao với nhóm này. Với mục tiêu hướng tới không còn người nhiễm HIV năm 2030, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, bên cạnh các biện pháp can thiệp giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV đối với những người nhiễm HIV (như điều trị ARV sớm và duy trì tải lượng HIV ở mức dưới 200 bản sao/ mL) thì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất để dự phòng lây nhiễm HIV, là một phần trong chiến lược dự phòng HIV toàn diện. Các nghiên cứu cho thấy, nếu tuân thủ tốt có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục hơn 90% và tiêm chích ma túy hơn 70%. Bên cạnh việc điều trị ARV ngay từ khi có kết quả dương tính với HIV, những người chưa nhiễm HIV nhưng trong nhóm nguy cơ cao nên sử dụng PrEP để giữ an toàn tránh nhiễm HIV cho bản thân mình. PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Đây cũng là cơ hội và điều kiện thuận lợi để nhóm có nguy cơ cao được dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng với chi phí thấp và hiệu quả cao.

PrEP là một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV góp phần quan trọng phòng ngừa lây nhiễm HIV. Nếu một người chưa nhiễm HIV khi dùng PrEP sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục không an toàn, hoặc sử dụng ma túy, bởi khi sử dụng liệu pháp này, thuốc sẽ hoạt động ngăn không cho vi-rút HIV gây ra nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, PrEP không phải là vắc-xin phòng HIV mà là một loại thuốc sử dụng hằng ngày để ngăn ngừa lây nhiễm HIV, sẽ mất hiệu lực khi ngừng thuốc. Chị Nguyễn Thu Trang (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Khi biết được thông tin về dự án này, gia đình tôi rất mừng. Chồng tôi là một người nghiện ma túy 10 năm qua, và mới bị nhiễm HIV ba năm nay. Mặc dù bản thân tôi cũng rất ý thức nhưng có những lúc sơ ý sẽ dễ dẫn đến mang căn bệnh thế kỷ. Cho nên, dự án PrEP chính là chiếc phao cứu sinh cho gia đình tôi. Tôi tham gia và ý thức tuân thủ uống thuốc đều đặn, vừa giữ gìn được cho bản thân, vừa góp phần chung tay ngăn chặn lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh, phương pháp này tuy không thay thế được vắc-xin HIV nhưng là một cách đơn giản nhất có thể giảm tới hơn 90% nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao qua các thử nghiệm lâm sàng và qua các can thiệp thực tế trên thế giới. Đáng chú ý, với nhóm nguy cơ cao khi áp dụng PrEP hằng ngày thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%. Hiện tại, thuốc PrEP đang được các chương trình, dự án cấp miễn phí. Tuy nhiên, không phải ai có nguy cơ nhiễm HIV cũng dùng được PrEP. Bộ Y tế hướng dẫn những đối tượng sau không sử dụng được PrEP: Người có HIV dương tính hoặc chưa xác định được; người có dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm HIV cấp tính; những người rối loạn chức năng thận; người dị ứng với thuốc (tenofovir và Emtricitabine); người phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ. Do đó, những đối tượng trong nhóm nguy cơ cao muốn dùng PrEP cần phải được bác sĩ tư vấn, khám và làm xét nghiệm. (Nhân dân, trang 5).

 

Đóng cửa bệnh viện, đình chỉ giám đốc nếu không đảm bảo phòng Covid-19

Chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến giao ban công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các bệnh viện công lập và ngoài công lập vừa diễn ra, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nêu rõ, nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại các bệnh viện là rất lớn.

Do đó, tại các khu cách ly của các bệnh viện đang thu dung, theo dõi điều trị cho những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 cần lưu ý, các đối tượng có biểu hiện mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp cấp tính nhưng không xác định được nguyên nhân, đặc biệt là những trường hợp bệnh lý hô hấp cấp tính nặng, phải được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ngay, tránh bỏ sót.

Ông Nguyễn Khắc Hiền cũng yêu cầu các bệnh viện trong và ngoài công lập bắt buộc thực hiện nghiêm việc lập chốt kiểm soát tại cổng bệnh viện, sàng lọc người bệnh. Không cho người bệnh tự do ra, vào bệnh viện.

Đặc biệt, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sẽ đề nghị đóng cửa bệnh viện đối với các bệnh viện ngoài công lập và kiểm điểm, tạm dừng việc điều hành của giám đốc đơn vị đối với các bệnh viện công lập nếu không bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện cần triển khai xét nghiệm đối tượng nghi ngờ mắc Covid-19, những bệnh nhân chạy thận nhân tạo và bệnh nhân nặng hồi sức, bảo đảm trong tháng 8-2020 phải hoàn thành.

Tính đến hết ngày 18-8, trong 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội, có 8 ca được phát hiện tại bệnh viện. Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện.

Đến nay đã có 33 bệnh viện được kiểm tra quy trình bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm 25 bệnh viện công lập và 8 bệnh viện ngoài công lập. Các đoàn kiểm tra đã yêu cầu các bệnh viện có phương án cụ thể trong phòng, chống dịch, kể cả phương án cách ly toàn bệnh viện. (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Người trẻ mắc COVID-19 cũng có thể diễn biến nặng

Việt Nam đã có 25 bệnh nhân COVID-19 tử vong, trong đó có 3 người tuổi đời 33, 37 và 47 đều có sẵn bệnh nền.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, nói: “Nhiều người nghĩ COVID-19 chỉ tấn công mạnh vào những người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền làm nguy cơ tử vong tăng cao, còn với người trẻ khi mắc bệnh này cũng chỉ như cảm cúm thông thường. Đây là một luận điểm hoàn toàn sai lầm.

Trên thực tế, tất cả những người mắc COVID-19 đều có nguy cơ diễn biến nặng”. Bác sĩ chỉ ra một ca bệnh điển hình là bệnh nhân 42 tuổi ở Hà Nội, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Khoảng 3 ngày sau khi nhập viện, các triệu chứng của bệnh nhân mỗi lúc một nặng dần. Ban đầu chỉ là đau người giống như cảm cúm, cổ họng ngứa râm ran. Sau đó, cả cơ thể bệnh nhân luôn trong trạng thái mỏi mệt nặng nề, đau đầu kéo dài, sốt rất cao kèm khó thở…

“Khả năng tấn công của virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào nhiều cơ quan phủ tạng, trong đó tổn thương phổi là cơ bản và diễn biến trầm trọng với cả người già, người trẻ. Tuy nhiên, nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19 xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo”, ông Cấp cho biết.

GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, cho biết, SARS-CoV-2 tấn công phổi, làm bệnh nền tiến triển nặng thêm, kéo theo suy hô hấp, khiến người bệnh tử vong nhanh chóng. Do đó, không chỉ người tuổi cao, sức khỏe yếu, mà cả người trẻ mắc bệnh nền khi nhiễm SARS-CoV-2 cũng khó chống cự.

“Ở nước ta, số ca COVID-19 tử vong ở người trẻ đều có sẵn các bệnh nền, như suy tim, suy thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì… COVID-19 chỉ như “giọt nước tràn ly”, khiến các bệnh sẵn có tiến triển nặng hơn”, ông Nhung nói.

Bác sĩ Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch – hô hấp (Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức), cho biết, tăng huyết áp là căn bệnh rất nguy hiểm và người mắc bệnh này ngày càng trẻ hóa. Bệnh viện Nhi T.Ư trước đây trung bình một năm chỉ ghi nhận 5-10 trẻ mắc đái tháo đường týp 1, nhưng 4-5 năm trở lại đây đã ghi nhận tới 100 trẻ. Những bệnh mạn tính không lây đang ngày càng trẻ hóa do lối sống công nghiệp, lười vận động, chế độ ăn uống thiếu khoa học… (Tiền phong, trang 4).

 

Dịch còn tiếp tục kéo dài

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo), tới hết ngày 19.8, Việt Nam có 993 bệnh nhân Covid-19, trong đó 653 ca do lây nhiễm trong nước.

Trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 4 bệnh nhân Covid-19 (từ 990 – 993), đều là các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong 4 bệnh nhân (BN) ghi nhận ngày 19.8, có 2 ca tại Đà Nẵng, 1 ca tại Quảng Nam và 1 ca tại Hải Dương. 2 BN tại Đà Nẵng (BN 990 và 992) đều là nhân viên y tế tại Bệnh viện (BV) đa khoa Gia Đình và BV Đà Nẵng. BN tại Quảng Nam (BN 991, nam, 34 tuổi) và BN tại Hải Dương (BN 993, nữ, 40 tuổi) đều là F1 (tiếp xúc gần) với các BN Covid-19 khác. Đáng lưu ý, BN 933 có tiền sử tiếp xúc gần với BN 906 và BN 970, liên quan ổ dịch tại đường Ngô Quyền, TP.Hải Dương.

Tình hình điều trị các BN Covid-19 cũng khá khả quan khi ngày 19.8 có thêm 15 BN được công bố khỏi bệnh. Trong đó, có 5 BN tại BV T.Ư Huế; 1 BN tại BV đa khoa tỉnh Nam Định; 2 BN tại BV Phổi Đà Nẵng; 1 BN tại BV Phổi Đồng Nai; 1 BN tại Trung tâm y tế (TTYT) H.Bình Sơn, Quảng Ngãi; 1 BN tại TTYT H.Hoa Lư; 2 BN tại TTYT H.Hòa Vang, Đà Nẵng; 2 BN chạy thận nhân tạo tại TTYT H.Hòa Vang khỏi bệnh và được chuyến đến BV C Đà Nẵng tiếp tục điều trị.

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện tại, ổ dịch tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát, số ca mắc mới giảm dần trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, ổ dịch tại Hải Dương có thể có thêm ca mới trong những ngày tới. Ông Long cũng cho rằng, “sẽ tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng” trong những ngày tới.

“Nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong cách xử lý, đấy là lý do tại sao Bộ Y tế phải thường xuyên điều chuyên gia T.Ư đến hỗ trợ các địa phương”, ông Long nói và nhấn mạnh tình hình dịch sẽ tiếp tục kéo dài và xuất hiện các chùm ca bệnh tại cộng đồng, do đó các địa phương phải nâng mức cảnh giác ở mức cao nhất, chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm để phát hiện sớm và kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch để tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Giáo viên coi thi tốt nghiệp THPT nhiễm Covid-19

Chiều 19.8, sau khi Bộ Y tế công bố BN thứ 991 (N.T.C, nam, 34 tuổi, ở xã Cẩm Thanh, TP.Hội An, Quảng Nam) nhiễm Covid-19, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cũng thông báo cụ thể kết quả điều tra, giám sát, trong đó có đến 181 ca F1, 1.114 ca F2 liên quan BN 991 được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. BN này là giáo viên Trường THPT Nông Sơn (H.Nông Sơn, Quảng Nam). Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã nắm được vụ việc và giao ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, phối hợp với Sở Y tế và địa phương chủ trì giải quyết vụ việc.

Cụ thể, từ ngày 13 – 14.7, BN 991 chăm nuôi vợ (BN 981) tại Khoa Ngoại thần kinh BV Đà Nẵng. Ngày 15.7, BN dự lễ bế giảng tại Trường THPT Nông Sơn, dự liên hoan cùng tập thể lớp 10/2 tại H.Nông Sơn. Ngày 17.7, BN đưa vợ xuất viện về nhà. Trong các ngày 22 và 25.7, BN đến Trường THPT Nông Sơn coi thi lại, chấm thi, họp tổ chuyên môn, họp hội đồng sư phạm… Đáng chú ý, từ ngày 8 – 10.8, BN 991 vẫn đi coi thi tốt nghiệp THPT (đợt 1 của tỉnh Quảng Nam) tại Trường THPT Khâm Đức (H.Phước Sơn). Ngày 17.8, BN được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, hiện đang điều trị tại khu điều trị Điện Nam – Điện Ngọc, BV đa khoa khu vực Quảng Nam.

Vì sao TP.Hội An (nơi BN 991 cư trú) được giãn cách xã hội từ ngày 31.7, BN cũng từng chăm vợ tại BV Đà Nẵng về nhưng vẫn được cử đi coi thi tốt nghiệp THPT ở H.Phước Sơn? Theo thông cáo báo chí của Sở GD-ĐT Quảng Nam ngày 19.8, trước khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở đã yêu cầu các đơn vị rà soát số lượng cán bộ, giáo viên có liên quan đến F1, F2, báo cáo để Sở không điều động tham gia coi thi, giám sát…

Với vợ chồng BN 991, sau khi vợ xuất viện vài ngày thì dịch Covid-19 mới bùng phát tại Đà Nẵng, ngày 31.7 họ có đến Trạm y tế xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) khai báo y tế và không nhận được thông báo, quyết định nào về cách ly tập trung hay cách ly tại nhà; thời gian rời BV về nhà cho đến khi được điều động đi coi thi là 20 ngày. Ngày 14.8, vợ BN 991 (tức BN 981) mới được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 18.8 được Bộ Y tế công bố nhiễm Covid-19.

Hà Nội sẽ đóng cửa phủ Tây Hồ nếu dân tập trung quá đông

Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.Hà Nội chiều 19.8, Chủ tịch UBND Q.Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn cho biết, mặc dù quận đã chỉ đạo P.Quảng An nhắc nhở phủ Tây Hồ thực hiện nghiêm các công tác phòng chống dịch, đặt barie… không để tập trung hơn 30 người trong khu vực phủ, nhưng do số người đổ về quá đông, đến 15 giờ hôm qua, quận phải chỉ đạo phường tạm đóng cửa phủ Tây Hồ để đảm bảo an toàn phòng dịch. Ông Tuấn cũng cho hay, trong tháng này, nếu người dân tiếp tục đổ về với số lượng lớn, quận sẽ tiếp tục chỉ đạo đóng cửa phủ Tây Hồ.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý, trước việc một bộ phận người dân tập trung quá đông tại phủ Tây Hồ, Bộ VH-TT-DL đã có nhắc nhở TP quan tâm đến việc này. Ông Quý yêu cầu Q.Tây Hồ làm rõ trách nhiệm và không để xảy ra sự việc tương tự.

Tối 19.8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo, TP chính thức triển khai giám sát y tế đối với người từ các tỉnh, thành đang có ca bệnh Covid-19 hoặc đang thực hiện giãn cách xã hội, gồm: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị (Thanh niên, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 2/2/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 08/7/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận