Điểm báo ngày 11/7/2018

(CDC Hà Nam)

 

 Trạm y tế sẽ có bác sĩ trung ương về “cầm tay, chỉ việc”; Nhân rộng mô hình Nhóm xung kích an toàn vệ sinh thực phẩm; “Người gác cổng” bảo vệ quyền lợi bệnh nhân…

 

Nhân rộng mô hình Nhóm xung kích an toàn vệ sinh thực phẩm

Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trở thành một trong những mối quan tâm của nhiều người dân, nhất là đối với các chị em, hội viên phụ nữ.

Nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc chăm lo chất lượng cuộc sống, bữa ăn trong gia đình, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) quận Hà Đông (Hà Nội) đã thành lập mô hình Nhóm xung kích ATVSTP ở chợ Hà Đông và Kiến Hưng, để nơi đây trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng, đồng thời tuyên truyền bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tại cửa hàng rau sạch Thiên Lý (chợ Hà Đông) tấp nập người mua từ sáng sớm, ai nấy đều cảm thấy phấn khởi khi lựa chọn được các bó rau tươi xanh mang về gia đình. Trên kệ hàng, đầy đủ các loại rau, củ, quả, nấm sạch được nhập từ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, Rau an toàn Lĩnh Nam… Chị Phạm Thị Cúc, chủ cửa hàng rau sạch Thiên Lý cho biết: “Trước nỗi lo về an toàn thực phẩm, tôi cũng như các chị em trong nhóm xung kích luôn thực hiện tốt các quy định về ATVSTP. Thực phẩm mua luôn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng chính là phương châm lâu dài của cửa hàng chúng tôi”. Chị Đào Thị Minh Thu, hội viên phụ nữ ở chợ Hà Đông chia sẻ: “Tuy giá thành ở cửa hàng rau sạch có cao hơn so với các quầy bán rong, nhưng tôi vẫn lựa chọn mua, vì thấy chất lượng rau tốt hơn và điều quan trọng là sức khỏe của gia đình được bảo đảm”.

Nhóm xung kích ATVSTP ở chợ Hà Đông được thành lập từ năm 2016, với 25 thành viên, chủ yếu là các nữ tiểu thương, vừa kinh doanh trong ngành ăn uống, hoa quả, thực phẩm tươi sống, vừa tham gia công tác Hội Phụ nữ, cho nên việc thực hiện tuyên truyền cho người dân quan tâm sức khỏe cộng đồng đều được mọi người lắng nghe, ủng hộ. Những ngày đầu thành lập, nhóm xung kích đã phối hợp Hội LHPN quận Hà Đông đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm địa phương; đồng thời tập trung vào các địa chỉ của cán bộ hội viên phụ nữ sản xuất có nguồn gốc, có sự thẩm định của cơ quan chuyên môn, nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng những mặt hàng có chất lượng, uy tín.

Ngoài việc có những gian hàng tin cậy cho người tiêu dùng, những thành viên của Nhóm xung kích ATVSTP còn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ, các nữ tiểu thương có trách nhiệm với lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh; người sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra để từ đó phát triển kinh tế cho hộ gia đình. Đồng thời, hướng dẫn người dân, những hộ gia đình đang kinh doanh lựa chọn các thực phẩm an toàn và cam kết thực hiện tiêu chí “Hai có, bốn không”. Trong đó, hai có là: có sản phẩm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có đầy đủ găng tay, khẩu trang bảo đảm ATVSTP trong khâu chế biến. Bốn không là: không sản xuất thực phẩm không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không sử dụng thực phẩm bị cấm trong sản xuất, chế biến; không kinh doanh, chế biến thực phẩm bị ôi thiu, quá hạn sử dụng. Bên cạnh đó, nhóm xung kích còn vận động hội viên phụ nữ đang kinh doanh thức ăn đường phố, kinh doanh tại các ngành hàng ăn uống ở chợ tham gia tổng vệ sinh môi trường, thanh lý, thu gom các loại rác thải, phế liệu ô nhiễm môi trường chung quanh khu vực bán hàng. “Tôi đã tham gia nhóm xung kích ngay từ ngày đầu thành lập. Qua những buổi tập huấn, tuyên truyền của nhóm, tôi đã nhận thức sâu sắc về vấn đề ATVSTP, những mối nguy hại đến người tiêu dùng nếu bày bán những mặt hàng kém chất lượng”, cô Lý Thị Chính, chủ cửa hàng hoa quả chợ Hà Đông chia sẻ.

Sau 5 năm hoạt động, Nhóm xung kích ATVSTP ở chợ Kiến Hưng đã trở thành “cầu nối” giúp chị em phụ nữ kinh doanh ở chợ chia sẻ, giao lưu, gắn kết với nhau trong cuộc sống. Sau khi tham gia nhóm, vấn đề an toàn thực phẩm luôn là tiêu chuẩn hàng đầu, “ăn sâu” trong nếp nghĩ, cách làm của mỗi chị em, hội viên phụ nữ. Từ cô Lê Thị Xuân, chủ quầy bán đồ ăn sáng cũng trở nên cẩn thận hơn trong việc chọn thực phẩm, chế biến đồ ăn chín sao cho bảo đảm, sạch sẽ; đến bác bán rau Hoàng Thị Khanh, trước kia chỉ mua rau tại vườn nhà người dân trong làng trồng để bán, đến nay cũng đã biết tìm những mối hàng rau sạch có nguồn gốc, xuất xứ, uy tín, chất lượng để nhập về. Sau những buổi tan chợ, các chị em tiểu thương còn có ý thức bảo nhau dọn dẹp sạch sẽ, thu gom rác thải bỏ đúng nơi quy định. Nhiều người chủ động thực hiện tốt vệ sinh nơi bán hàng, dụng cụ chế biến thực phẩm và bảo quản thực phẩm; đồng thời trở thành những tuyên truyền viên tích cực về ATVSTP tới nhiều hộ gia đình khác.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát động trong cán bộ, hội viên, nữ tiểu thương thực hiện “Ba công khai, hai chuẩn mực”. Đó là, công khai về giá, công khai về chất lượng, công khai nguồn gốc xuất xứ; chuẩn mực về giao tiếp, chuẩn mực về cân đo. Chúng tôi tiếp tục phối hợp Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội để giới thiệu các chuỗi sản xuất sản phẩm an toàn, có địa chỉ rõ ràng tới tay người tiêu dùng”, chị Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông cho biết như vậy. (Nhân dân, trang 3)

 

“Người gác cổng” bảo vệ quyền lợi bệnh nhân

Từ chỗ chỉ là tuyến dưới, tuyến y tế cơ sở đã trở thành trung tâm và giữ vai trò “người gác cổng”, nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, để người dân tin tưởng, lựa chọn sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng tại tuyến này, cả ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội còn phải cố gắng rất nhiều…

Nhiều áp lực

Nhìn lại việc thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, hiện có gần 82 triệu người dân tham gia bảo hiểm y tế, với tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chiếm gần 87% dân số. Y tế cơ sở là nơi gần dân nhất, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh. Hiện tại, cả nước có hơn 12.000 trạm y tế xã, trong đó số thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 9.821 trạm, với số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký ban đầu là 21,5 triệu.

Tuy nhiên, việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở còn chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, do chất lượng kỹ thuật chưa cao, đội ngũ cán bộ y tế mỏng, năng lực còn hạn chế. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng, các dịch vụ chuyên môn trong khám chữa bệnh còn hạn chế, danh mục thuốc ít…, dẫn đến tình trạng bệnh nhân vượt lên các tuyến trên để khám chữa bệnh, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức và các chi phí xã hội khác. Theo Bộ Y tế, số lượt khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, song chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại, khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhưng lại chiếm gần 70% tổng chi phí.

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, việc người dân không lựa chọn trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu phần nào còn do chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015 theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được quyền lựa chọn khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện, thay vì đến trạm y tế xã…

Ưu tiên với phòng khám chất lượng

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những yếu tố để đạt được mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân là việc bảo đảm người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng tại tuyến y tế cơ sở. Để tăng cường công tác này, nhất là khắc phục những bất cập hiện nay, Bộ Y tế sẽ xây dựng cơ chế toàn diện, phát triển cả về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng cho hệ thống y tế này. Đồng thời, chú trọng đổi mới cơ chế chi trả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã; ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã để đáp ứng nhu cầu cũng như chất lượng khám chữa bệnh của người dân; tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mạn tính tại trạm y tế xã, nhất là các trường hợp đã được chẩn đoán ở tuyến trên và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị.

Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế xã được đầu tư, cải tạo theo mô hình chuẩn; phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân và phần mềm quản lý trạm y tế xã được xây dựng, bảo đảm quản lý thông tin của các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khỏe để nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm y tế xã và giảm tải khối lượng công việc hành chính cho cán bộ y tế.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp với Sở Y tế rà soát, lựa chọn ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các trạm y tế xã, các phòng khám đa khoa. Trong đó, ưu tiên lựa chọn ký hợp đồng khám chữa bệnh với các phòng khám có đầy đủ các chuyên khoa cơ bản, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm thực hiện trong giờ hành chính. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nâng cao năng lực, chất lượng giám định bảo hiểm y tế, bảo đảm khách quan, minh bạch, áp dụng các giải pháp chống lạm dụng, trục lợi.

Các cơ sở khám chữa bệnh được yêu cầu không để người bệnh phải tự túc thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật trong phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế cơ quan bảo hiểm y tế chủ động kiểm tra, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh nhằm kiểm soát chi phí, tham gia có hiệu quả vào toàn bộ các khâu của quá trình đấu thầu thuốc, vật tư y tế theo quy định của pháp luật, nhằm đưa giá thuốc về đúng giá trị. Đặc biệt, ngành Bảo hiểm xã hội đang quyết liệt triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm tối đa quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới đã hợp lý?

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT, quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc. Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một số điểm của thông tư này cần được điều chỉnh để bảo đảm quyền lợi người dân cũng như tăng khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.

Thông tư số 15/2018/TT-BYT được ban hành thay thế Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, có 6 loại giá khám bệnh được điều chỉnh giảm trung bình 17% so với mức giá có bao gồm chi phí tiền lương tại Thông tư 37. Điều chỉnh 42 loại giá ngày giường bệnh, trong đó có 7 loại tăng (cao nhất 19,5%; thấp nhất 2,8%); 2 loại giường giữ nguyên mức giá; 33 loại giường giảm giá (cao nhất là 13% và thấp nhất là 0,6%). Điều chỉnh giá 40 loại giá dịch vụ kỹ thuật, chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, X-quang, MRI, CT scanner, PET-CT; nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, phục hồi chức năng… Trong đó có 9 dịch vụ kỹ thuật bổ sung mới, 2 dịch vụ tăng giá, 29 dịch vụ điều chỉnh giảm trung bình là 25%. Bộ Y tế cũng điều chỉnh một số quy định, xác định số lần, mức giá và thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp cụ thể; xác định số ngày giường, áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở y tế; áp dụng giá và điều kiện, mức thanh toán của một số dịch vụ kỹ thuật đặc thù.

Thế nhưng, theo Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) Việt Nam, Thông tư số 15 vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, định mức kinh tế kỹ thuật chưa được khảo sát đầy đủ tại các cơ sở khám chữa bệnh, không dựa trên quy trình chuyên môn kỹ thuật, nhiều giá dịch vụ được xây dựng cao, không phù hợp với khả năng cung cấp dịch vụ y tế của hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh, dẫn đến tình trạng tại nhiều bệnh viện, chi phí vật tư y tế kết cấu trong giá dịch vụ y tế lớn hơn nhiều lần so với thực tế sử dụng. Ngoài ra, đơn giá các vật tư có trong định mức kinh tế kỹ thuật lấy giá khảo sát từ các bệnh viện tuyến trung ương hoặc của một số cơ sở khám chữa bệnh, nhưng có giá chênh lệch lớn hoặc không có nguồn tham khảo… để tính giá trung bình, làm căn cứ xây dựng giá ngày giường trong toàn quốc.

Chẳng hạn, Thông tư số 15 quy định “Định mức kinh tế kỹ thuật là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh, không sử dụng làm căn cứ để thanh toán đối với từng dịch vụ khám chữa bệnh cụ thể”. Theo Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHYT, quy định này là không phù hợp, vì giá dịch vụ được xác định trên cơ sở định mức. Nếu thực hiện định mức không đúng, thì mức giá dịch vụ thanh toán cũng sẽ không đúng theo quy định; đồng thời không bảo đảm nguyên tắc tài chính trong thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh – BHYT, không gắn được trách nhiệm chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh, không bảo đảm công bằng và chưa tạo động lực thúc đẩy các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, tình trạng kê thêm giường bệnh nội trú diễn ra ở hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh, nhiều cơ sở y tế không bảo đảm được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực y tế vẫn kê thêm quá nhiều giường bệnh để đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú, làm gia tăng chi phí giường bệnh (năm 2017 chi gần 18.000 tỷ đồng). Tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, chi phí tiền giường chiếm từ 40% đến 50% tổng chi phí điều trị. Sự mất cân đối trong thanh toán chi phí ngày giường đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Theo đề xuất của BHXH Việt Nam, để khắc phục tình trạng này, cần phải xác định mức giá theo định mức nhân lực thực tế. Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không bảo đảm nhân lực khu lâm sàng theo định mức nhân lực do cấp có thẩm quyền quy định, thì không thể thanh toán 100% mức giá như quy định. (Hà Nội mới, trang 5)

 

“Thuốc” Oresol ghi sai liều lượng pha chế trên bao bì: Vẫn bán tràn lan

Dù trên bao bì sản phẩm oresol (bù điện giải) in sai liều lượng pha chế, và Công ty Cổ phần Thương mại dược phẩm Quốc tế Á Châu (dưới đây gọi tắt là Công ty – đơn vị sản xuất và phân phối sản phẩm) đã có công văn thu hồi cách đây hai tháng, nhưng đến nay, trên một số cửa hàng thuốc (tại Hà Nội) vẫn bán các loại sản phẩm này.

Trong khoảng thời gian khá dài, việc Công ty không thu hồi dứt điểm đã khiến nhiều người mua và sử dụng bất bình, lo lắng.

Thu hồi mãi không hết?

Nhiều bạn đọc phản ánh đến Báo Lao Động về việc mua nhiều gói Oresol (bù điện giải) do Cty Cổ phần Thương mại dược phẩm Quốc tế Á Châu sản xuất, nhưng khi đọc hướng dẫn đã thấy ngay sự sai lệch quá lớn về liều lượng pha chế.

Chị M.H.S (sống tại chung cư Gemek Tower ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, hôm 6.7, chị bị ngộ độc thực phẩm, nôn ói và đi ngoài rất nhiều nên có xuống nhà thuốc ở trong chung cư mua mấy gói Oresol để bổ sung nước. Khi về nhà, chị mở ra đọc hướng dẫn thấy ghi pha với 1 lít nước.

“Trước khi mở ra pha uống, tôi ghi ngờ bởi những lần trước, mua cùng loại và chỉ pha với 200 ml nước. Để chính xác hơn, tôi xuống 1 hiệu thuốc khác mua gói tương tự. Bao bì của gói mới mua hướng dẫn pha với 200 ml. Không những thế, chủ hàng thuốc này còn cho hay, việc 1 gói pha với 1 lít nước là do bao bì bị in lỗi” – chị S nhấn mạnh.

Cũng theo chị S, đây là sản phẩm dùng trong trường hợp nguy cấp, nếu pha sai liều lượng là không có tác dụng, thậm chí phản tác dụng. Theo ghi nhận của PV, trong những ngày gần đây, tại một số cửa hàng thuốc thuộc địa phận xã An Khánh, khi được hỏi loại sản phẩm Oresol này, nhân viên bán hàng vẫn lấy ra bán cho khách.

Trao đổi với Lao Động qua điện thoại về vấn đề này, ông Vương Đức Hiển – người đại diện pháp luật cho Công ty Cổ phần Thương mại dược phẩm quốc tế Á Châu – thừa nhận sự sai sót nói trên và cho rằng, việc sai sót này là do in ấn. Cách đây 2 tháng, Cty đã có văn bản thu hồi về sản phẩm này. Nhưng đến nay, vẫn còn nhiều sản phẩm tồn tại trên thị trường khiến nhiều người nghi ngờ năng lực của Cty này.

Mặc dù, ông Hiển khẳng định với phóng viên là “hết rồi”, nhưng khi phóng viên đi thực tế thì vẫn có quầy thuốc bán. Ông Hiển bao biện, rằng loại sản phẩm này không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bài học từ uống Oresol không đúng cách

Uống Oresol không đúng cách, 1 bé 8 tháng tuổi nguy kịch – trường hợp xảy ra hồi tháng 4.2018 – bài học đắt giá cho các ông bố bà mẹ có con nhỏ: Bé Nguyễn Thu A (8 tháng tuổi, Hà Nội) bị sốt cao, đi ngoài liên tục gần 20 lần/ngày, mẹ cho đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị tiêu chảy cấp do rota virus.

Tại đây, các bác sĩ đã kê đơn thuốc cho cháu điều trị ngoại trú, đồng thời hướng dẫn cụ thể cách bù nước điện giải cho trẻ bằng Oresol và men tiêu hóa. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị, tình trạng tiêu chảy của trẻ vẫn không thuyên giảm, trẻ lơ mơ, ngủ nhiều.

Bé A lập tức được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu – Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) với dấu hiệu mất nước nặng, rối loạn ý thức, li bì. Sau khi khám và làm xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán cháu bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng cao).

Ths.BS Ngô Anh Vinh – khoa Cấp cứu – Chống độc – tăng natri máu là dấu hiệu của mất nước trong tế bào, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng thần kinh nguy hiểm và có thể gây teo não. Các triệu chứng thần kinh lâm sàng thường gặp như mệt mỏi, rối loạn tri giác, hôn mê, co giật. Nguyên nhân dẫn tới việc tăng natri máu trong trường hợp này là do gia đình đã pha Oresol không đúng cách.

Tại khoa Cấp cứu – Chống độc, bệnh nhi A được bù dịch bằng đường tĩnh mạch và kết hợp điều trị tăng natri máu. Sau 2 ngày điều trị theo phác đồ, bệnh tình của bệnh nhi đã cải thiện: Bé tỉnh táo, dấu hiệu mất nước giảm và nồng độ natri máu trở về giới hạn bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết, về lâu dài bệnh nhân vẫn cần được kiểm tra, đánh giá lại xem có tổn thương thần kinh hay không.

Theo Ths.Bs Vinh, nếu Oresol được pha đúng và uống đúng cách sẽ giúp bù lại lượng nước đã mất, giúp trẻ phục hồi. Tuy nhiên, tình trạng trẻ nhập viện vào khoa Cấp cứu – Chống độc do pha Oresol không đúng cách vì cha mẹ chủ quan, thiếu hiểu biết lại khá thường gặp.

Một số phụ huynh do sợ Oresol có mùi vị khó chịu, con không chịu uống nên pha thật đặc với lượng nước rất ít và cho con uống. Việc này vô tình gây nguy hiểm cho trẻ bởi nếu Oresol được pha đặc quá sẽ khiến trẻ nạp quá nhiều muối (natri) từ oresol vào cơ thể, lượng muối trong máu tăng cao.

Nguy hiểm hơn, hàm lượng muối trong máu quá cao còn có thể gây ra các triệu chứng như co giật, hôn mê và dẫn đến các tổn thương não nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong. Ngược lại, những trường hợp pha Oresol quá loãng sẽ làm giảm hiệu quả bù nước cũng như điện giải của Oresol.

Chuyên gia khẳng định: Oresol là một loại thuốc

Các bác sĩ luôn khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy mua thuốc theo đúng đơn của bác sĩ cấp, đọc kĩ hướng dẫn cách dùng, liều lượng của thuốc Oresol… nếu không sẽ gây tác dụng ngược. Và thực tế, khi sử dụng thuốc, người dân chỉ biết tuân thủ theo đúng hướng dẫn sử dụng in trên bao bì sản phẩm. Nếu các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng được bán ngoài thị trường lại in sai liều lượng, hướng dẫn sử dụng thì người tiêu dùng sẽ gánh hậu quả.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai – khẳng định: “Oresol là 1 loại thuốc, là thành tựu khoa học của thế giới đã cứu sống hàng triệu trẻ em bị mất nước vì sốt cao hoặc tiêu chảy. Khi trẻ bị tiêu chảy, bác sĩ phải kê đơn có Oresol để bù lại nước, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, đe dọa tính mạng”.

Trong khi đó, theo số đăng ký sản phẩm Oresol in sai liều lượng của Công ty trên thì đây là 1 sản phẩm thực phẩm chức năng được Cục An toàn Thực phẩm cấp số đăng ký. (3823/2018/ATTP-XNCB). Trên bao bì sản phẩm cũng ghi rõ đây là 1 loại thực phẩm chức năng, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Như vậy, vấn đề cần đặt ra là có nên xếp 1 sản phẩm có tác dụng chữa bệnh vào danh mục thực phẩm chức năng hay không?

Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, hiện nay, các hãng dược sản xuất Oresol với nhiều hàm lượng khác nhau, gói pha với 1 lít nước, pha với 200ml và pha với 500ml để phù hợp với từng đối tượng. Mỗi khi bị tiêu chảy, bệnh nhân phải uống hàng nghìn ml Oresol – theo chỉ định của bác sỹ để bù nước, điện giải. Trường hợp sử dụng TPCN để thay thế Ozesol rất nguy hiểm.

Với ống dung dịch bù nước được các chủ quầy thuốc giới thiệu thay thế Ozesol hiện nay, có thể có các chất phụ gia như tạo màu, mùi vị cho trẻ dễ uống nhưng không được sản xuất theo tiêu chuẩn của thuốc thì không thể nào đạt tiêu chuẩn điều trị bệnh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo: Uống Oresol sai liều lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể, nếu gói Oresol theo hướng dẫn pha với 200ml thì cần pha đủ 200ml nước mới đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ. Nếu pha quá loãng sẽ không có tác dụng bù nước, giá trị cung cấp điện giải sẽ kém đi, còn nếu pha đậm đặc với ít nước thì sẽ khiến trẻ bị ngộ độc muối, khát thêm và nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, các bác sĩ nhi khoa cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh dùng nước đun sôi để nguội, khuấy tan thuốc Osesol trong nước rồi mới cho trẻ uống. Không được pha với sữa, nước canh, nước trái cây… và tuyệt đối không cho thêm đường.

Các bậc phụ huynh cũng không pha Oresol với nước khoáng vì nước này có sẵn thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ thuốc. Ngoài việc bù nước, bù điện giải bằng Oresol, cha mẹ cũng cần cho trẻ uống thêm nước lọc, nước cam, chanh, đặc biệt cần liên tục theo dõi tình trạng của trẻ khi trẻ sốt, tiêu chảy… Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần đưa con đến các cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời. (Lao động, trang 1)

 

Trạm y tế sẽ có bác sĩ trung ương về “cầm tay, chỉ việc”

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại lễ khai giảng “Khoá đào tạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các bệnh mạn tính tại tuyến ban đầu theo nguyên lý y học gia đình” đầu tiên diễn ra ngày 9/7 tại Hà Nội

Ngày 9/7, tại Trung tâm y tế huyện Đan Phượng (Hà Nội), Bộ Y tế đã tổ chức “Khoá đào tạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các bệnh mạn tính tại tuyến ban đầu theo nguyên lý y học gia đình” cho 64 học viên. Đây là khoá đầu tiên trong chương trình nâng cao chất lượng đào tạo điểm cán bộ y tế tuyến ban đầu của Bộ Y tế gồm 20 khóa học. Mỗi Khoá học diễn ra trong 5 ngày.

Phát biểu khai mạc Khoá đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, từ khoá đào tạo đầu tiên này Bộ Y tế chính thức khởi động chương trình đào tạo mới của Bộ để nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Theo Bộ trưởng, người dân cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay tại cơ sở từ khi chưa bị bệnh. Tuy nhiên, muốn làm được việc này phải có nguồn nhân lực và tài chính. Hiện toàn bộ tuyến y tế cơ sở chiếm đến 70% tổng số khám chữa bệnh nhưng ngân sách do BHYT chi trả chỉ chiếm có 30%. Trạm y tế hiện đang thực hiện tiêm chủng, tư vấn dinh dưỡng… tuy nhiên việc khám phát hiện sớm bệnh, theo dõi và điều trị tiểu đường, tăng huyết áp… còn kém. Thực tế cho thấy, hiện bệnh nhân không tin tưởng y tế cơ sở nên chưa đến thăm khám vì trạm y tế hiện nay thiếu thuốc, nhân lực thiếu, BHYT chi trả còn hạn chế…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ khi chưa bị bệnh thì cần phải chuẩn hoá hoạt động của y tế cơ sở. Bộ Y tế đã và đang xây dựng thí điểm 26 trạm y tế đạt chuẩn tại 8 địa phương, trong đó Hà Nội có 3 trạm. Theo đó, mô hình trạm y tế đạt chuẩn phải có nguồn nhân lực tốt để bên cạnh tư vấn truyền thông giáo dục sức khỏe, tiêm chủng, thăm khám ban đầu thì phải làm được châm cứu, bấm huyệt, cần thiết có thể xã hội hoá ghế làm răng và một số dịch vụ khác.

Trạm y tế đạt chuẩn phải làm được siêu âm, điện tim… khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình và bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… mới thu hút được người dân.

“Tới đây, ngoài việc nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, tại các trạm y tế sẽ có bác sĩ tuyến trên từ huyện, tỉnh, đặc biệt có cả bác sĩ TW về tư vấn, cầm tay chỉ việc cho cán bộ y tế tuyến cơ sở để tạo niềm tin cho người dân đến y tế cơ sở thăm khám. Các bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới sẽ tập trung vào chuyên khoa nội, gần gũi với mô hình bệnh tật tuyến đầu”- Bộ trưởng thông tin.

Đối với nhóm giải pháp về tài chính cho y tế cơ sở sẽ theo hướng, bỏ giới hạn trần thanh toán 20% chi phí khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tê, điều chỉnh tăng mức đầu thẻ BHYT cho tuyến xã. Đồng thời hướng đến thực hiện thanh toán theo đúng thực thanh thực chi, những dịch vụ ngoài BHYT thanh toán thì người dân mới phải chi trả. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát triển, Bộ Y tế sẽ ban hành các văn bản thực hiện thanh toán định suất và đảm bảo đủ thuốc cho trạm y tế.

Cùng với đó, Bộ trưởng cho biết, khuyến khích áp dụng mô hình khám chữa bệnh ban ngày nhằm giảm điều trị nội trú tại bệnh viện huyện, tăng cường khám chữa bệnh và chăm sóc tại nhà; Song song với triển khai mạnh mẽ việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, coi đây là phương pháp quan trọng giúp phát hiện sớm và đưa vào quản lý các bệnh không lây nhiễm…

Bộ trưởng cũng cho hay, để cán bộ y tế cơ sở yên tâm làm việc thì lương phải điều chỉnh và phải tăng theo hướng khoán định suất…

“Phải làm tốt cả dự phòng và điều trị ngay tại tuyến cơ sở để người dân không phải vất vả lên tuyến trên. Ngành y tế vươn đến phục vụ toàn diện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng cả chuyên sâu và bình thường, cả dự phòng và điều trị, cả y tế cơ sở và tuyến trên”- Bộ trưởng nêu rõ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 12/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/11/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/3/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận