Việt Nam sẽ làm gì với ‘tài sản’ dân số vàng 96 triệu người?
Quy mô dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, với cơ cấu dân số vàng khoảng 56 triệu người đang tham gia thị trường lao động. Đây được coi là động lực cho phát triển kinh tế những năm tới. Dù vậy, các chuyên gia khuyến nghị thời cơ vàng này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu giải quyết tốt các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực.
Dân số vàng sẽ qua nhanh
Theo ông Nguyễn Quang Đồng – viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, dân số VN có 2 điểm vàng: số lượng dân cư lớn, tạo quy mô thị trường lớn, mức độ mua sắm lớn trong tương quan thu nhập người dân tăng nhanh. Hơn nữa, khi người trẻ nhiều thì tâm lý, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng luôn lớn hơn người già, đây là một lợi thế. Thứ hai, tỉ lệ học sinh học hết bậc phổ thông cao, đặt trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực thì giáo dục Việt Nam tương đối ổn. Dù vậy, muốn tận dụng được thời cơ dân số vàng hiện nay cần giải quyết các thách thức để biến thời cơ thành hiện thực, bởi giai đoạn dân số vàng chắc chắn sẽ qua nhanh.
Còn theo ông Nguyễn Viết Tiến – thứ trưởng Bộ Y tế, tốc độ gia tăng dân số của Việt Nam những năm qua giữ mức ổn định nên có thể kéo dài chu kỳ dân số vàng.
Vấn đề đặt ra là các vùng có mức sinh khác nhau, chẳng hạn khu vực Đông Nam Bộ trong đó có TP.HCM mức sinh dưới 2, thậm chí 1,7 hoặc 1,8, như vậy không đạt được mức sinh thay thế. Trong khi vùng này lại có chỉ số phát triển tốt hơn so với những vùng dân tộc ít người, vùng khó khăn không phát triển lại có tỉ lệ sinh cao, như vậy là bất hợp lý.
Tháo gỡ điểm nghẽn chất lượng lao động
Ông Trương Anh Dũng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết thị trường lao động hiện có quy mô gần 56 triệu lao động nhưng tỉ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 23%, phần lớn lực lượng lao động hiện chưa có bằng cấp.
Để tháo gỡ điểm nghẽn chất lượng lao động, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh thời gian tới Bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) sẽ tập trung vào mục tiêu tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo. Theo đề án của Chính phủ, đến năm 2022 có 30-40% học sinh trung học phổ thông ra trường sẽ tham gia học nghề (tỉ lệ này hiện nay đạt rất thấp với khoảng 10%).
Theo đó, Tổng cục Dạy nghề sẽ phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động VN, các hiệp hội doanh nghiệp để vận động, đào tạo nghề cho lao động đang làm việc tại doanh nghiệp nhằm bổ sung tay nghề cho họ.
“Tới đây Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề xuất sửa Bộ luật lao động theo hướng doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo nghề cho lao động và chỉ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới được tham gia thị trường lao động” – ông Dũng nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, Việt Nam đang là một cường quốc dân số và có lợi thế lớn về quy mô thị trường, nhưng các lợi thế này sẽ không mang lại lợi ích trực tiếp cho nền kinh tế nếu không có sự thay đổi trong khu vực sản xuất.
Nguồn cung lao động rất lớn nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, làm gia công. Vì vậy, để biến cơ hội dân số vàng thành động lực tăng trưởng thì việc đầu tiên cần làm là cải thiện chất lượng lao động, góp phần cải thiện khu vực sản xuất của nền kinh tế (Tuổi trẻ, trang 2).
Bộ Y tế yêu cầu ngừng đào tạo định hướng chuyên khoa
Bộ Y tế vừa có công văn gửi các sở y tế, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và cơ sở giáo dục đại học khối ngành sức khỏe đề nghị không thực hiện đào tạo định hướng chuyên khoa cho bác sĩ.
Nội dung công văn chỉ rõ, Bộ Y tế đã xây dựng các quy định về tổ chức chương trình đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II, bác sĩ nội trú và đã được áp dụng từ lâu. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nhân lực y tế còn tổ chức các khóa đào tạo định hướng chuyên khoa (chuyên khoa sơ bộ), chưa đòi hỏi chuyên khoa sâu. Các khóa đào tạo này có thời gian đào tạo từ 6 tháng đến 1 năm.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế đến nay không có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào của cơ quan có thẩm quyền quy định về đào tạo định hướng chuyên khoa. Việc đào tạo định hướng chuyên khoa là do các bệnh viện, trường đại học tự tổ chức để đáp ứng nhu cầu của người học và cơ sở khám chữa bệnh. Các chương trình đào tạo định hướng chuyên khoa do các trường đại học y dược, bệnh viện tự xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức đào tạo. Do vậy việc đào tạo định hướng chuyên khoa hiện nay không được kiểm soát về chất lượng của cơ sở đào tạo (Sài Gòn giải phóng, trang 2).
Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận của công ty dược phẩm Megapharco, cấm kinh doanh thuốc
Do không đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định, Công ty CP Dược phẩm Megapharco đã bị Sở Y tế Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc…
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội ngày 10-7 cho biết, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung vừa ký văn bản số 1253/QĐ-SYT thông báo thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và chứng nhận thực hành tốt phân phối thuốc GDP của Công ty CP Dược phẩm Megapharco (khu đô thị Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội).
Lý do thu hồi vì Công ty không đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định tại Luật Dược. Sở Y tế yêu cầu Công ty CP Dược phẩm Megapharco không được phép kinh doanh thuốc kể từ ngày bị thu hồi 2 giấy chứng nhận nêu trên (5-7-2019).
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Công văn số 1832/SYT-QLHN về quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn, trong đó yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở hành nghề; xử lý, xử phạt đối với các cơ sở hành nghề có vi phạm quy định trong quá trình hoạt động (An ninh thủ đô, trang 8).
Kỷ niệm 25 năm Ngày Dân số thế giới
Sáng 11-7, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế tổ chức mít-tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11-7) với chủ đề: “Việt Nam – 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD Cairo, 1994)”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự.
Theo Bộ Y tế, với sự quan tâm, chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước, cùng sự phối hợp và hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước, công tác dân số nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Các dịch vụ dân số – kế hoạch hóa gia đình được mở rộng như: Khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh trước sinh và sơ sinh; chăm sóc người cao tuổi từng bước mở rộng và đạt chất lượng tốt hơn. Tốc độ tăng dân số bình quân là 1,7%/năm (giai đoạn 1989-1999) đã giảm xuống khoảng 1% giai đoạn từ 2010 đến nay… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức cần vượt qua như: Mức sinh còn chênh lệch lớn giữa các khu vực; chưa khai thác triệt để lợi thế của cơ cấu “dân số vàng”; chưa có chiến lược thích ứng phù hợp với thách thức già hóa dân số; phân bổ dân số chưa hợp lý, quản lý dân cư phân tán, lạc hậu…
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định cần có mục tiêu và giải pháp có tính bước ngoặt trong chính sách dân số cho giai đoạn tới; hướng đến duy trì mức sinh thay thế, khai thác tốt nhất lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, thích ứng với già hóa dân số; phân bổ dân cư hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Ðáng chú ý, ngành dân số cần nhanh chóng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện những cam kết triể