Điểm báo ngày 13/1/2022

(CDC Hà Nam)
Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành trên thế giới; Ngày 12-1: Hà Nội ghi nhận 2.948 ca Covid-19; Cảnh báo khi dùng thuốc COVID -19; TP.HCM chi hơn 273 tỉ đồng mua thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19…

Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành trên thế giới

Trước tốc độ lây lan nhanh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, hàng loạt quốc gia đã ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 ca chưa từng có trong 24 giờ qua. Pháp ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong ngày với 368.149 ca; Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tới 74.266 ca mắc mới Covid-19, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch; dịch Covid-19 lây lan nhanh ở hai thành phố lớn nhất Nhật Bản; ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở Bulgaria, Kyrgyzstan và Kazakhstan; Đức thông báo số ca mắc cao kỷ lục kể từ khi Covid-19 bùng phát…

Pháp: Số ca mắc mới Covid-19 cao chưa từng có

Giới chức Pháp ngày 11-1 thông báo số ca mắc mới cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, với 368.149 ca. Theo cơ quan y tế nước này, hiện có tổng cộng 23.371 bệnh nhân Covid-19 nhập viện, trong đó có 3.969 ca phải điều trị tích cực. Trả lời báo chí trong nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho biết, hiện có khoảng 10.000 trường học đang phải đóng cửa và khoảng 50.000 ca mắc Covid-19 được phát hiện tại các cơ sở giáo dục này. Thủ tướng Pháp Jean Castex đã thông báo quy định mới bắt buộc các học sinh từng tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19 phải tự làm xét nghiệm Covid-19 trước ngày trở lại trường.

Thổ Nhĩ Kỳ – Slovenia – Serbia: Ca mắc mới cao nhất kể từ đầu đại dịch

Cũng trong ngày 11-1, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tới 74.266 ca mắc mới Covid-19, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh trên cả nước lên 10.117.954 ca. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết với thêm 137 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì Covid-19 hiện tăng lên 83.980 ca. Cùng ngày, Slovenia cũng ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với 5.164 ca, tăng 52% so với một tuần trước đó. Theo Viện Y tế công quốc gia Slovenia, cho đến nay có 67,3% trong tổng số khoảng 2 triệu dân tại nước này đã được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng bệnh. Dịch Covid-19 cũng diễn biến phức tạp tại Serbia với 13.693 ca mắc mới và 22 ca tử vong trong ngày 11-1, cao nhất từ trước tới nay. Hiện, tổng số ca mắc tại đây là 1.359.544 ca, trong đó có 12.958 ca tử vong.

Hà Lan: Vượt 200.000 ca trong tuần

Tại Hà Lan, số ca mắc mới Covid-19 đã vượt 200.000 ca trong tuần đầu tiên của tháng 1-2022. Viện Y tế và môi trường (RIVM) Hà Lan cho biết, với 201.536 ca mắc mới ghi nhận trong các ngày từ 4 đến 11-1, tổng số ca mắc theo tuần tại đây đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 200.000 ca kể từ khi đại dịch bùng phát. Tỷ lệ ca mắc mới theo tuần đã tăng 77% so với tuần trước đó. Mức tăng này phù hợp với các dự báo trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước đây. Cũng theo RIVM, nhóm từ 18-29 tuổi ghi nhận tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 ở mức cao nhất. Trong khi đó, số ca nhập viện cũng như số ca phải điều trị tích cực vì Covid-19 đang giảm. Theo thống kê, kể từ ngày 3 đến 9-1, có tổng cộng 873 bệnh nhân Covid-19 nhập viện, giảm so với 1.046 trường hợp của một tuần trước đó.

Nhật Bản: Dịch Covid-19 lây lan nhanh

Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) phát hiện 2.198 ca mới, tăng hơn 2 lần so với con số 962 ca của một ngày trước đó và tăng gần 5 lần so với một tuần trước; còn Osaka có 1.711 ca mới, tăng gấp 7 lần so với một tuần trước đó. Dịch Covid-19 đang lây lan với tốc độ nhanh ở các đô thị lớn và các khu vực có căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản. Ngày 12-1, số ca mới ở nước này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày.

Tại Thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố phát hiện 2.198 ca mới, tăng hơn 2 lần so với con số 962 ca của một ngày trước đó và tăng gần 5 lần so với một tuần trước. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở Tokyo vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày kể từ ngày 5-9-2021. Trong khi đó, tỉnh Osaka, nơi có thành phố lớn thứ 2 của Nhật Bản, cũng ghi nhận 1.711 ca mới, tăng gấp 7 lần so với một tuần trước đó. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở đây vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày kể từ ngày 15-9 năm ngoái. Tại các tỉnh Okinawa và

Yamaguchi, số ca mới cũng tăng mạnh, lần lượt là 1.644 ca và 182 ca. Cùng với tỉnh Hiroshima, hai tỉnh này đã được Chính phủ Nhật Bản đưa vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm từ ngày 7-1. Trước đó, trong nỗ lực khống chế dịch Covid-19, ngày 11-1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thông báo Chính phủ sẽ gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài chưa có tư cách cư trú ở nước này cho tới cuối tháng 2 năm nay.

Bulgaria – Kyrgyzstan – Kazakhstan: Ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh

Ngày 12-1, Bulgaria đã ghi nhận 7.062 ca mắc Covid-19 mới, mức theo ngày cao nhất ở nước này kể từ đầu dịch, chủ yếu do biến thể Omicron gây ra. Số ca mới, tăng mạnh từ đầu năm 2022, đã vượt qua mức đỉnh trước đó hồi cuối tháng 10-2021 ở Bulgaria. Covid-19 cũng đã gây ra 89 ca tử vong mới trong 24 giờ qua tại quốc gia vùng Balkan này. Hơn 5.200 người phải nhập viện, trong đó có 580 ca phải điều trị tích cực. Tại Thủ đô Sofia, các bệnh viện đang mở thêm khu vực điều trị dã chiến cho các bệnh nhân Covid-19. Nhà chức trách nước này cho biết số ca nhập viện tăng có thể buộc phải siết chặt các biện pháp phòng dịch.

Cùng ngày, Kyrgyzstan và Kazakhstan đã chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh trong bối cảnh biến thể Omicron bắt đầu xuất hiện hai nước này. Kyrgyzstan đã ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm Omicron vào ngày 12-1 trong khi Kazakhstan đã xác nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên hồi tuần trước. Bộ Chăm sóc y tế Kyrgyzstan cho biết đã ghi nhận 465 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong vòng 5 tháng. Bộ trưởng Y tế Kazakhstan Azhar Giniyat cho biết nước này đã ghi nhận hơn 8.000 ca nhiễm mới trong 7 ngày qua, cao gần gấp 3 lần số ca ghi nhận trong tuần trước đó.

Đức: Số ca mắc cao kỷ lục kể từ khi Covid-19 bùng phát

Viện Robert Koch (RKI) của Đức sáng 12-1 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận hơn 80.000 ca mắc Covid-19 mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát gần 2 năm qua. Trong khi đó, chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày trên cả nước cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 400. Số ca mắc Covid-19 ở Đức trong một ngày lên tới 80.430 ca, vượt mức cao kỷ lục gần 65.400 ca ghi nhận được giữa tháng 11-2021. Số ca tử vong ghi nhận được trên cả nước trong 24 giờ qua là 384 người. Chỉ số mắc bệnh trung bình 7 ngày trên cả nước lần đầu tiên lên mức 407,5/100.000 dân, tăng mạnh so với mức 258,6 một tuần trước.

Như vậy, kể từ đầu dịch tới nay, Đức đã ghi nhận có 7,661 triệu ca mắc Covid-19 và 114.735 ca tử vong. Cũng theo RKI, số ca nhiễm biến thể Omicron ở Đức tính đến ngày 11-1 là 101.159 ca và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong những ngày tới. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới gia tăng mạnh, giới chức Đức cho biết các biện pháp mới phòng ngừa Covid-19 được chính quyền liên bang và các bang thông qua cuối tuần trước sẽ nhanh chóng được thực thi. Theo Bộ trưởng Y tế liên bang Karl Lauterbach, các quy định mới sẽ sớm có hiệu lực sau khi được Quốc hội và Hội đồng liên bang phê chuẩn, có thể trong tuần tới. Tuy nhiên, ngay từ lúc này các bang đã có thể thực thi các quy định mới này.

Quy định mới sẽ bắt buộc áp dụng quy tắc 2G plus (đã tiêm đủ 2 mũi và đã khỏi vẫn cần làm xét nghiệm) tại các nhà hàng, quán rượu, quán cà phê và các địa điểm văn hóa, giải trí mà không phụ thuộc vào chỉ số lây nhiễm của địa phương. Tuy nhiên, người đã tiêm mũi tăng cường sẽ được miễn quy định phải tiến hành xét nghiệm.

Đáng chú ý, quy định mới nới sẽ rút ngắn thời gian cách ly đối với cả người nhiễm (F0) và người tiếp xúc (F1). Theo đó, các trường hợp F0 và F1 chỉ cần cách ly 10 ngày (thay vì 14 ngày như hiện nay), thậm chí có thể hết cách ly sau 7 ngày khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Đặc biệt, các trường hợp F1 không còn trong diện phải cách ly nếu họ đã tiêm nhắc lại, vừa được tiêm mũi 2 hoặc vừa khỏi bệnh (không quá 3 tháng). Việc tiếp xúc vẫn được áp dụng quy định như trước đây, có nghĩa những người đã tiêu đủ 2 mũi hay đã khỏi bệnh được phép gặp gỡ tối đa 10 người, trong khi với người chưa tiêm chủng chỉ được phép gặp tối đa hai người từ một hộ gia đình khác. Hiện, chính quyền Thủ đô Berlin đã nhóm họp và phê chuẩn quyết định sẽ bắt đầu áp dụng luật trên từ ngày 15-1-2022. (An ninh Thủ đô, trang 16).

 

Ngày 12-1: Hà Nội ghi nhận 2.948 ca Covid-19

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 11-1 đến 18h ngày 12-1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.948 ca Covid-19. Cụ thể, các bệnh nhân mới phân bố tại 395 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Ba Đình (116); Hoài Đức (111); Bắc Từ Liêm (98); Long Biên (94); Hoàn Kiếm (93); Đống Đa (83)…

Như vậy, sau 3 ngày liên tiếp (từ 9 đến 11-1) ghi nhận hơn 2.800 ca/ngày, hiện số ca mắc tại Hà Nội tiếp tục gia tăng lên tới hơn 2.900 ca/ngày.

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29-4 đến nay) là 79.615 ca.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện toàn thành phố có hơn 51.000 F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó có hơn 40.000 F0 được theo dõi cách ly tại nhà; số còn lại điều trị tại các cơ sở thu dung, các bệnh viện của trung ương và Hà Nội. Tính từ ngày 29-4 đến hết ngày 11-1, tổng số người tử vong do Covid-19 tại Hà Nội là 281 người.

Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, tính từ tháng 3-2021 đến nay, Hà Nội đã triển khai tiêm hơn 13,3 triệu mũi. Kết quả tiêm chủng cho người trên 18 tuổi đã đạt được tỷ lệ 99,3% mũi 1 và 98,9% mũi 2; tỷ lệ tiêm cho người trên 50 tuổi đạt 98,7% mũi 1 và 96,9% mũi 2; trẻ từ 12-14 tuổi đạt tỷ lệ 99,5% mũi 1 và 90,8% mũi 2; trẻ từ 15-17 tuổi đạt tỷ lệ 99,4% mũi 1 và 94% mũi 2.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Bảo đảm nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị dịp Tết

Mỗi dịp Tết, tình trạng khan hiếm máu thường xảy ra do nhu cầu sử dụng trong cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước khá lớn. Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế đang tích cực triển khai các hoạt động hiến máu tình nguyện, với mục tiêu thêm một đơn vị máu an toàn, là thêm phao cứu sinh quý giá cho người bệnh trên cả nước.

Đánh giá về nhu cầu máu phục vụ công tác cấp cứu và điều trị trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương (Bộ Y tế), TS Bạch Quốc Khánh cho biết: Còn khoảng ba tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Tết càng đến gần thì ngành y tế và người bệnh càng canh cánh nỗi lo thiếu máu. Riêng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cần tối thiểu 50 nghìn đơn vị máu trong hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, với các lịch hiến máu đã có, viện vẫn còn thiếu 15 nghìn đơn vị máu và 2.000 đơn vị tiểu cầu, chưa kể tình trạng mất cân đối giữa các nhóm máu cũng có thể xảy ra (thiếu máu nhóm O, nhóm A). Nguyên nhân là do Tết Nguyên đán năm 2022, thời gian nghỉ kéo dài tới chín ngày. Trong khi vào dịp này tình trạng khan hiếm máu thường xuyên xảy ra do đây cũng là thời điểm số ca tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt… gia tăng; nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính mong muốn điều trị ổn định để được ra viện về với gia đình đón Tết…

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) cho biết: Các hoạt động hiến máu tình nguyện được tổ chức trong nhiều năm qua giúp các đơn vị chức năng có nhiều kinh nghiệm ứng phó tình trạng thiếu máu trong dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 hết sức phức tạp, cho nên cách đây vài tháng các đơn vị đã xây dựng kế hoạch để làm sao đáp ứng được nhu cầu máu trong dịp Tết này. Theo dự báo, trong tháng 1 và đầu tháng 2/2022, thiếu khoảng 15 nghìn đơn vị máu phục vụ công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh. “Hiện tại, chúng tôi đang gấp rút triển khai các biện pháp để tổ chức các chương trình, sự kiện như: Chủ nhật Ðỏ, Blouse trắng-Trái tim hồng của cán bộ y tế…, với mục tiêu phấn đấu đến trước thời gian nghỉ Tết sẽ tổ chức tại mỗi tỉnh, mỗi đơn vị lớn một ngày hiến máu, nhất là vận động người dân sinh sống chung quanh khu vực đến tham gia hiến máu.

Ðáng chú ý, qua công tác tuyên truyền, vận động nhận thức, sự sẵn sàng của người dân tham gia hiến máu tình nguyện rất cao. Nhất là mỗi lần khi Ngân hàng dự trữ máu quốc gia thiếu máu và ra lời kêu gọi, chỉ trong khoảng thời gian ngắn thường có từ 10 nghìn đến 20 nghìn người tham gia hiến máu. Nhờ đó đã kịp thời khắc phục và xử lý tình trạng thiếu máu phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên cả nước. Từ kinh nghiệm của những năm trước đây, năm 2022, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, các đơn vị tổ chức hiến máu tình nguyện đã chia ra rất nhiều các điểm nhỏ, gần người dân và thông qua các phương tiện truyền thông, tin nhắn, mạng xã hội… kêu gọi, vận động người dân tích cực tham gia hiến máu. Những người tham gia hiến máu luôn thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế; tăng cường các biện pháp phòng dịch như đăng ký trực tuyến, người tham gia hiến máu tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, được xét nghiệm thường quy mới được tham gia hiến máu.

Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức Chương trình hiến máu Chủ nhật Ðỏ lần thứ 14, phát huy hiệu quả sau nhiều năm triển khai, để góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngày 16/1 tới, Chương trình hiến máu Chủ nhật Ðỏ lần thứ 14, với thông điệp “Hiến máu cứu người-Sinh mệnh của Bạn và Tôi” sẽ chính thức khai mạc. Chương trình do Báo Tiền Phong chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện và Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố tổ chức. Chương trình hiến máu Chủ nhật Ðỏ năm 2022 đã nhận được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành, nhất là sự vào cuộc của hơn 40 tỉnh, thành phố và dự kiến tiếp nhận khoảng từ 45 nghìn đến 50 nghìn đơn vị máu. Mặc dù, chưa chính thức khai mạc nhưng từ tháng 11/2021 đến nay, các điểm hiến máu của Chủ nhật Ðỏ tại 15 địa phương đã tiếp nhận gần 6.000 đơn vị máu. Hy vọng, thông qua chương trình thêm một đơn vị máu, thêm một đơn vị tiểu cầu an toàn trong lúc Tết cận kề, là thêm phao cứu sinh quý giá cho người bệnh trên cả nước. (Nhân dân, trang 5).

 

Cảnh báo khi dùng thuốc COVID -19

Trong số 185.000 người mắc COVID-19 (F0) đang điều trị trên cả nước, có hơn 132.000 người đang điều trị tại nhà. Việc tự mua thuốc điều trị COVID-19 dùng tại nhà đang được ngành y tế cảnh báo mức cao.

Uống nhiều thuốc cùng tác dụng một lúc

Chị T.H.T. (quận Hà Đông, Hà Nội) dương tính với COVID-19 cách đây 2 tuần, vừa khỏi bệnh vài ngày nay.

“Ngay sau khi biết mình mắc COVID-19, tôi đã nhờ người thân mua thuốc để đề phòng bệnh nặng. Những thuốc phổ biến như ho, sổ mũi, đau đầu, hạ sốt. Sau đó tôi gọi điện nhờ bác sĩ tư vấn online thì nhận được tư vấn không nên uống thuốc nếu chưa có triệu chứng”.

Chị T. cho hay chỉ mua để đề phòng khi dùng đến. Nhưng một số loại mua liều cao nên không dùng được, phải đổi loại mua theo đơn mà bác sĩ hướng dẫn.

“Khi biết tôi bị mắc COVID-19 có người trong cùng tòa nhà mời tôi mua một số loại thuốc điều trị” – chị cho biết.

Anh T.V.H. (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) vừa có kết quả dương tính ngày 10-1. Ngay khi biết mình bị COVID-19, anh H. đã rất hoang mang.

“Tôi nghe mọi người giới thiệu mua thuốc phòng COVID của Nga với giá 4 triệu đồng/hộp. Thấy đắt nên tôi chưa mua mà gọi điện nhờ bác sĩ ở trạm y tế xã tư vấn thì bác sĩ nói không có loại nào như vậy. May tôi chưa mua chứ không lại tiền mất tật mang”, anh H. nói.

Giống như chị T. và anh H., nhiều người dân khác khi phát hiện mình mắc COVID-19 đã mua rất nhiều các loại thuốc không cần thiết, thậm chí mua các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga (Bộ Quốc phòng), hiện đang là tình nguyện viên hỗ trợ F0, cho biết mỗi ngày bác sĩ nhận 100-150 tin nhắn đề nghị hỗ trợ từ người F0 và gia đình, nhiều người trong số này mua rất nhiều loại thuốc.

“Thuốc kháng viêm corticoid (thường là methylprednisolon 16mg) rất rẻ và dễ mua, nhưng khi dùng thì phải rất cẩn thận, nhiều người dùng quá sớm và có thể làm bệnh nặng thêm, virus nhân lên nhiều hơn. Khoảng 20% các F0 gọi cho tôi có tình trạng này” – bác sĩ Hoàng cho hay.

Một số người F0 khác có đủ thuốc nhưng cách uống thuốc kiểu “truyền tai” nên rất nguy hiểm, ví dụ như uống 2 kháng sinh cùng thành phần, 2 kháng viêm cùng thành phần, do tên khác nhau nên uống cả 2 luôn, dùng mấy loại chống đông cùng lúc.

Cảnh báo khi dùng Molnupiravir

“Nhiều người không biết được thuốc kháng virus điều trị COVID-19, hiện có Molnupiravir và Favipiravir, cá biệt có người dùng luôn cả 2 loại, hoặc cùng Favipiravir nhưng là 2 biệt dược khác nhau và uống cả 2 rất nguy hiểm” – bác sĩ Hoàng nói.

Tại phiên họp gần nhất của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế, các thành viên hội đồng đã thống nhất và có thông báo không dùng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, trẻ dưới 18 tuổi do có tác dụng phụ, thuốc cũng ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới.

Theo thông báo này, Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 nhẹ đến trung bình cho người trưởng thành dương tính COVID-19, có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Về giới hạn sử dụng thuốc, hội đồng khuyến cáo Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày, không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai.

Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Hội đồng cũng cho rằng dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo người F0 là phụ nữ nuôi con nhỏ cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Thuốc Molnupiravir ảnh hưởng đến trẻ em, nam giới

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.

Đối với nam giới, hội đồng khuyến cáo Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới sử dụng Molnupiravir nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, hội đồng cho rằng chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng, các cảnh báo, thận trọng của thuốc. Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời. (Tuổi trẻ, trang 14, Tiền phong, trang 6, Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

TP.HCM chi hơn 273 tỉ đồng mua thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết TP.HCM đã chi hơn 273 tỉ đồng mua sắm một số trang thiết bị y tế để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịchChiều 12.1, Sở Y tế TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021 và kế hoạch năm 2022. Báo cáo về tình hình mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết TP.HCM đã chi hơn 273 tỉ đồng mua sắm một số trang thiết bị y tế để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

Các trang thiết bị mua sắm theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, gồm: Máy giúp thở chức năng cao (30 cái), máy lọc máu liên tục (3 cái), máy X-quang di động (28 cái), máy siêu âm (30 cái), monitor theo dõi bệnh nhân (333 cái), máy truyền dịch (150 cái), máy thận nhân tạo (30 cái), 10.000 chai ô xy, 10 bồn lỏng ô xy và 450.000 bộ trang phục chống dịch cấp 4.

Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp nhận rất nhiều trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm từ các nhà tài trợ. Cụ thể, nhận 712 máy giúp thở chức năng cao, 23 hệ thống máy ECMO, 62 máy lọc máu liên tục, 2.321 máy HFNC, 982 máy thở xâm nhập hoặc không xâm nhập, 19 hệ thống RT-PCR, 13 máy X-quang di động, 553 monitor theo dõi bệnh nhân, 326 máy bơm điện, 66 xe cấp cứu. Riêng test nhanh được tài trợ 12 triệu test (tổng số test tại TP.HCM là 14,5 triệu test nhanh).

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoài Nam, thời điểm mua thiết bị chống dịch, TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn. Thời gian cao điểm, hàng hóa khan hiếm (khẩu trang, găng tay, ô xy…) dẫn đến không đáp ứng đúng theo kế hoạch và dự trù mua sắm. Theo lãnh đạo ngành y tế, năm 2022, TP.HCM tăng cường phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, thuốc, sinh phẩm, vắc xin liên quan công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó là ổn định tình hình tài chính cho các bệnh viện; thanh quyết toán cho các đơn vị chống dịch. (Tiền phong, trang 4).

 

Bộ Y tế chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc nợ lương tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh

Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động
Liên quan đến việc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, thuộc Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam nợ lương của cán bộ, viên chức, người lao động, chiều ngày 12/1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Bộ Y tế đề nghị hoàn tất tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi bổ sung, nhắc lại trong quý I/2022

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1/2022 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I/2022.
Ngày 11/1, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công điện về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Công điện của Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine và đảm bảo sử dụng vaccine nhanh chóng, hiệu quả, Bộ Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo việc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; khẩn trương hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 01/2022 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên theo Công văn 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và liều nhắc lại trong Quý I năm 2022;

Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine; sau khi rà soát, khẩn trương tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; bảo đảm an toàn trong tiêm chủng.

Đồng thời quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai) đảm bảo được tiêm chủng đủ liều, được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất ngay tại địa phương (xã/phường/thị trấn); tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm tại nhà cho những người đi lại khó khăn…

Tiếp tục tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và vật tư tiêm chủng để triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19; đẩy mạnh việc sử dụng ứng dụng quản lý tiêm chủng COVID-19 và cập nhật thường xuyên số liệu về đối tượng tiêm chủng, số liều vaccine sử dụng;

Tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về lợi ích của tiêm vaccine để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, không chờ đợi, lựa chọn vaccine, đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến chiều ngày 11/1, cả nước đã tiêm trên 162,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19; riêng ngày 10/1, có gần 1,1 triệu liều vaccine được tiêm chủng.

Đến ngày 10/1, số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 147.346.994 liều, trong đó có 70.338.486 mũi 1; 65.183.660 mũi 2; 1.295.563 mũi 3 (vaccine Abdala); 3.008.655 liều bổ sung và 7.520.630 liều nhắc lại.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,6% dân số từ 18 tuổi trở lên

Có 36/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản trên 90%; 22/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều từ 80 – dưới 90%; 05/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều dưới 80%. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Sơn La vượt 2.000 ca mắc COVID-19, mở rộng phương án điều trị F0 tại nhà

Với số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao, tỉnh Sơn La đã mở rộng phương án quản lý, điều trị tại nhà đối với những trường hợp bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong quá trình xét nghiệm phục vụ công tác giám sát dịch COVID-19 trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La đã ghi nhận thêm 108 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, huyện Phù Yên 23 ca; huyện Mai Sơn 10 ca; huyện Mộc Châu 17 ca; huyện Bắc Yên 4 ca; huyện Mường La 18 ca; huyện Thuận Châu 15 ca; huyện Yên Châu 3 ca; huyện Sông Mã 9 ca và thành phố 9 ca.

Các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện, là F1 có liên quan đến các ca dương tính trước đó, tuy đã thực hiện cách ly tại nhà, nhưng trước đó tiếp xúc với nhiều người, nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng cao. Nhiều trường hợp trở về từ vùng dịch đã được cách ly ngay khi trở về địa phương, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho những người đi cùng phương tiện di chuyển.

Luỹ kế từ ngày 5/10/2021 đến sáng 12/01/2022, toàn tỉnh Sơn La ghi nhận 2.058 ca mắc COVID-19, là người dân trở về từ các tỉnh đang có dịch, lây nhiễm thứ phát và tại cộng đồng. Hiện có 689 F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế và 253 trường hợp điều trị tại nhà.

Theo thông báo điều chỉnh lại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn của Sở Y tế Sơn La, đến nay toàn tỉnh còn 3 địa phương ở cấp độ 4 là xã Phiêng Cằm và Nà Bó, huyện Mai Sơn; xã Chiềng Ân, huyện Mường La. 5 địa phương ở cấp độ 3 là xã Mường Bang, huyện Phù Yên; xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu; phường Quyết Tâm, phường Chiềng Sinh và xã Hua La, thành phố Sơn La. 22 địa phương cấp độ 2 và 174 địa phương cấp độ 1.

Do số ca mắc tăng cao nên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sơn La đã mở rộng triển khai quản lý, điều trị người mắc COVID-19 theo mô hình trạm y tế lưu động với phương châm “4 tại chỗ”; bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí và các điều kiện khác cho trạm y tế lưu động có thể cung cấp dịch vụ y tế tại chỗ hoặc theo dõi điều trị F0 tại nhà.

Theo đó, đối tượng được điều trị tại nhà là người mắc COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ; đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày hoặc là trẻ em trên 1 tuổi, người lớn dưới 50 tuổi; không có bệnh nền, không đang mang thai; người thuộc diện F0 có thể tự chăm sóc bản thân, biết cách đo thân nhiệt; có khả năng tự dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu.

Các F0 thực hiện cách ly y tế tại nhà sẽ áp dụng đúng quy định của Bộ Y tế; được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, chế độ ăn uống, sinh hoạt và được khám chữa bệnh tại nhà…

Sở Y tế sẽ chỉ đạo, điều phối hoạt động quản lý, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà trên địa bàn đồng thời phổ biến phác đồ điều trị tại các tuyến; hướng dẫn phác đồ điều trị cho các trạm y tế xã và trạm y tế lưu động theo hình thức cầm tay chỉ việc… (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 04/6/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/3/2019

CDC Hà Nam