Điểm báo ngày 13/8/2019

(CDC Hà Nam)
Giá giường bệnh cao nhất 4 triệu đồng/ngày; Bộ Y tế: Các bệnh viện không được tùy tiện tăng kịch khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu; Trẻ sơ sinh 6 ngày tuổi suýt tử vong vì bị xoắn toàn bộ ruột gây hoại tử; Đồng Nai: Một phụ nữ tử vong do sốt xuất huyết…

Giá giường bệnh cao nhất 4 triệu đồng/ngày

Giường bệnh 4 triệu đồng/ngày nằm viện sẽ rất đặc biệt, người bệnh được sự chăm sóc 24/24 giờ của điều dưỡng, ăn theo chế độ bệnh lý và còn có cả chỗ nghỉ cho người nhà… Đây là những thông tin được đại diện Bộ Y tế cho biết tại buổi gặp mặt báo chí chiều 12-8 tại Hà Nội.

Thay đổi giá dịch vụ khám chữa bệnh

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế, “Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập” sẽ được ban hành vào tháng 10 tới. Đây là hướng dẫn cho các bệnh viện về việc xây dựng giá dịch vụ y tế chỉ áp dụng đối với những người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu. Đây cũng là lần đầu tiên, Bộ Y tế ban hành quy định này để đảm bảo giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện công đúng với chất lượng cung cấp. Mặt bằng giá được ban hành có tham khảo các bệnh viện tư và giá quốc tế, từ đó Bộ Y tế đưa ra giá trần. Trên cơ sở các quy định của thông tư trên, các bệnh viện có thể tự ban hành giá dịch vụ y tế nhưng không được vượt giá trần do Bộ Y tế quy định.

Theo dự thảo của thông tư, giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 không quá 500.000 đồng/lần khám; các cơ sở y tế khác trừ bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, giá không quá 400.000 đồng/lần khám. Đối với giá giường bệnh tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế), giá tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng). Ngoài ra, có các mức 1,3 – 1,5 – 2,5 triệu đồng/ngày, tương ứng với các loại 4 giường, 3 giường và 2 giường/phòng.
Đối với bệnh viện ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (trừ bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1) giá ngày giường điều trị có mức từ 900.000 đồng đến 3 triệu đồng/ngày. Các cơ sở y tế khác (trừ bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1) các tỉnh còn lại giá ngày giường điều trị nội trú dao động từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng/ngày. Về giá ngày giường điều trị ban ngày do đơn vị quyết định nhưng tối đa không quá 50% giá ngày giường điều trị nội trú.

Chỉ áp dụng cho trường hợp đặc biệt

Theo đại diện Bộ Y tế, việc ban hành thông tư trên nhằm tạo điều kiện cho các bệnh viện công thực hiện vay vốn, liên danh, liên kết, hợp tác công tư để đầu tư bệnh viện chất lượng cao, khu điều trị khang trang hiện đại phục vụ các tầng lớp nhân dân. Hơn nữa, tạo điều kiện cho người dân, nhất là những người có thu thập cao, người nước ngoài làm việc ở Việt Nam không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh. Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đến khám chữa bệnh ở Việt Nam, góp phần phát triển mô hình du lịch gắn y tế, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Trước những băn khoăn của dư luận về quy định mức giường bệnh tới 4 triệu đồng/giường/phòng/ngày cao hơn nhiều so với đi nghỉ ở khách sạn hạng sang, ông Nguyễn Nam Liên lý giải, giường điều trị tại bệnh viện có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng quyết định mức giá cho từng loại giường bệnh, như: hồi sức tích cực, phẫu thuật đặc biệt, nội khoa… Chi phí vật tư chăm sóc người bệnh, mức độ chăm sóc của điều dưỡng, trình độ bác sĩ điều trị… cũng phải tính theo từng loại giường bệnh. “Giường bệnh 4 triệu đồng chỉ áp dụng cho một số trường hợp và rất đặc biệt không phải như khách sạn. Đi khách sạn, người bệnh chỉ đi nghỉ ngơi một chốt lát, còn với người bệnh sẽ có một điều dưỡng theo dõi, chăm sóc 24/24 giờ, người bệnh ăn theo chế độ bệnh lý và người nhà không cần chăm sóc nhưng vẫn có chỗ nghỉ ngơi cùng người bệnh…”- ông Liên chia sẻ. Đồng thời cảnh báo do là giường dịch vụ theo yêu cầu, trên cơ sở tự nguyện của người dân nên các bệnh viện khi quyết định giá phải tham khảo thị trường, nếu giá cao, chất lượng chuyên môn và phục vụ chưa tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác.

Đại diện Bộ Y tế cũng chỉ rõ, thông tư cũng đặt ra các yêu cầu lộ trình thực hiện, bệnh viện nào chưa đạt các yêu cầu về chất lượng phòng bệnh theo yêu cầu, ví dụ như: phòng kém chất lượng, ẩm mốc… phải sửa chữa, nâng cấp trong thời gian từ nay đến hết năm 2020, khi nào đạt tiêu chuẩn mới được thu mức phí theo yêu cầu, nếu không thì giữ nguyên hiện trạng. Hơn nữa, để minh bạch, rõ ràng trong trường hợp sử dụng tài sản công do nhà nước đầu tư để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu thì bệnh viện phải hoàn thành các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao cho đơn vị và giữa phần Nhà nước đầu tư và phần liên doanh, liên kết theo yêu cầu thì chỉ được thu phí theo mức trần của Bộ Y tế.

Theo đại diện Bộ Y tế, các bệnh viện chỉ được sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu sau khi bảo đảm được việc khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế (BHYT). Trường hợp quá tải về khám bệnh, hoặc người bệnh có BHYT thường xuyên phải nằm ghép thì không được sử dụng số phòng khám hiện có, hoặc số giường bệnh kế hoạch được giao để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu… (Sài Gòn giải phóng, trang 6; Công an nhân dân, trang 2).

Bộ Y tế: Các bệnh viện không được tùy tiện tăng kịch khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu

Theo thông tư mới của Bộ Y tế, tới đây, các cơ sở y tế công lập có thể thu giá giường bệnh theo yêu cầu tới 4 triệu đồng/ giường/ ngày, tiền khám tối đa 500.000 đồng/ lượt. Vì thế, nhiều người lo lắng các bệnh viện sẽ cố tận thu để tăng lợi nhuận…Chiều nay, 12-8, Bộ Y tế đã cung cấp thông tin đến báo chí xung quanh những điểm mới tại Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập. Đây là thông tư mới mà Bộ Y tế đang chuẩn bị ban hành, dự kiến có hiệu lực thi hành ngay từ quý 3-2019.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế cho biết, Thông tư này chỉ ban hành khung giá tối đa chứ không phải ban hành một mức giá dịch vụ khám chữa bệnh cố định. Tính chung, áp dụng thông tư mới, viện phí điều chỉnh tăng bình quân như sau: giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%.

Trong đó, giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt), các cơ sở y tế khác tại các thành phố lớn được thu tối đa từ 900.000 đồng – 3 triệu đồng/ giường/ ngày. Với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, tiền công khám bệnh theo yêu cầu không quá 500.000 đồng/lần khám; bệnh viện hạng 2 không quá 400.000 đồng/lần khám.

Ông Liên nêu rõ, trong khung giá này có rất nhiều mức giá dịch vụ khác nhau, ngay tiền giường bệnh cũng được phân ra làm rất nhiều loại. Trên cơ sở khung giá tối đa Bộ Y tế ban hành, các bệnh viện phải xây dựng các khung giá của bệnh viện mình cho phù hợp.

Đặc biệt, các bệnh viện không được áp dụng ngay mức giá tối đa mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị trên cở sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương, theo phương pháp xây dựng giá do Bộ Tài chính hướng dẫn, trong đó có so sánh mặt bằng giá thị trường của dịch vụ đó để quyết định.

Chẳng hạn, đối với dịch vụ ngày giường bệnh, Thông tư có quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng/ giường/ ngày đối loại 1 giường/1 phòng. Song theo ông Liên, giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, lọai 1, giường điều trị nội khoa.

Tương tự, chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương phải tính theo trình độ bác sĩ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng, phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường…

“Có nhiều ý kiến so sánh giá 4 triệu đồng/ giường điều trị dịch vụ/ ngày là quá cao, như khách sạn 5 sao, nhưng so sánh thế rất khập khiễng. Giường bệnh này có tiêu chí rất cao, phục vụ chăm sóc bệnh nhân 24/24 giờ, đi kèm cả giường phụ cho người nhà chăm sóc người bệnh…

Cũng có nhiều ý kiến lo ngại với thông tư này, các bệnh viện sẽ lạm thu, tận thu để tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên. Tôi khẳng định chắc chắn các bệnh viện không thể tận thu được, bởi sẽ có những cơ chế giám sát chặt chẽ, và các bệnh viện phải đủ điều kiện mới được khám chữa bệnh theo yêu cầu” – ông Liên nêu rõ.

Với các bệnh viện sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, Thông tư mới của Bộ Y tế yêu cầu phải có Đề án sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết, hoạt động dịch vụ được cấp có thẩm quyền quyết định. Các cơ sở này được quyết định mức giá nhưng không được vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư.

Bộ Y tế nhấn mạnh, giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì sẽ vẫn thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế và mức giá do UBND cấp tỉnh quy định.  (An ninh Thủ đô, trang 6; Thanh niên, trang 7; Hà Nội mới, trang 7).

Trẻ sơ sinh 6 ngày tuổi suýt tử vong vì bị xoắn toàn bộ ruột gây hoại tử

Mới sinh được 3 ngày, bé gái ở Phú Thọ xuất hiện triệu chứng nôn trớ nhiều, đi ngoài phân có máu, đưa vào viện cấp cứu thì được chẩn đoán tắc ruột do xoắn gần như toàn bộ ruột, xoắn hoại tử buồng trứng trái…Ngày 12-8, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, Trung tâm Sản Nhi của bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công cho một trường hợp khá hy hữu. Bệnh nhân là một bé gái sơ sinh 6 ngày tuổi bị tắc ruột do xoắn ruột.

Trẻ nhập viện trong tình trạng thở rên, da tái, nôn trớ dịch xanh vàng, đi ngoài phân máu, nhịp tim nhanh, bụng chướng hơi, có quai ruột nổi. Đây là trường hợp bệnh phức tạp, diễn biến nhanh, nếu chậm trễ phẫu thuật sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, chỉ 3 tiếng kể từ khi nhập viện, bé sơ sinh đã được tiến hành phẫu thuật cấp cứu ngay.

Bác sĩ Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại Nhi Tổng hợp cho biết, khi phẫu thuật cho cháu bé phát hiện tình trạng xoắn gần như toàn bộ ruột, xoắn hoại tử buồng trứng trái. Bệnh nhi được xử trí tháo xoắn ruột, đánh giá bảo tồn được ruột, cắt bỏ buồng trứng trái hoại tử.

Nhờ được mổ cấp cứu kịp thời, tình trạng của cháu bé hiện đã ổn định. Theo các bác sĩ, xoắn ruột là triệu chứng gây tắc nghẽn đường ruột và ứ đọng thực phẩm, làm giảm lưu lượng máu đến ruột, gây viêm, hoại tử ruột. Ruột bị hoại tử sẽ không thể phục hồi, gây nhiễm trùng và nhiễm độc ổ bụng dẫn tới tử vong. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Đồng Nai: Một phụ nữ tử vong do sốt xuất huyết

Đồng Nai vừa ghi nhận một trường hợp đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết Dengue trong năm 2019. Bệnh nhân là một phụ nữ 36 tuổi ở huyện Trảng Bom.

Ngày 12-8, ông Phan Huy Anh Vũ – giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai – xác nhận trên địa bàn vừa có một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết dengue.

Bệnh nhân là chị Vũ Lê Thu H. (36 tuổi, ngụ xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom).

Theo bác sĩ Lê Văn Lương – phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai: ngày 10-8, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng choáng không hồi phục do xuất huyết nội, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, chẩn đoán bị sốt xuất huyết.

Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng chữa trị nhưng đến rạng sáng nay (12-8) thì tử vong do bệnh quá nặng. “Diễn tiến bệnh quá nhanh, màng tim và màng phổi xuất huyết nội ồ ạt. Từ lúc trở nặng đến lúc tử vong chỉ có mấy tiếng đồng hồ nên không cứu chữa kịp”, bác sĩ Lương nói.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 8-8, toàn tỉnh ghi nhận 9.273 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,85 lần so với cùng kỳ năm 2018 (2.405 ca). Trong đó đối tượng người lớn (trên 15 tuổi) tăng mạnh, chiếm 47.65% (4.418 ca).

Thành phố Biên Hòa là địa phương có số ca sốt xuất huyết nhiều nhất với 3.360 ca (chiếm 36,2% toàn tỉnh), tiếp đến là các huyện Trảng Bom (1.391 ca), Long Thành (950 ca) và Nhơn Trạch (915 ca).

Cũng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 1.596 ổ dịch.

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Y tế đã 2 lần tổ chức đi giám sát thực địa về tình hình phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Đồng Nai. Qua kiểm tra thực tế, đoàn công tác đánh giá ý thức tự động phòng chống dịch bệnh của người dân chưa cao.

Liên quan vấn đề trên, ông Huỳnh Cao Hải, phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tiến hành xử phạt các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân không thực hiện vệ sinh, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết khi có nguy cơ. Đặc biệt là các cơ sở buôn bán ve chai, thay lốp xe hay các chủ khu nhà trọ công nhân trên địa bàn. (Tuổi trẻ 9, trang 14).

 

Trong 7 tháng đầu năm, cả nước đã có 15 ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết

Nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu bước vào những tháng cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết (SXH). Số ca mắc mới ghi nhận hàng tuần trên cả nước khoảng từ 5.000 – 10.000 ca bệnh/tuần. Nguyên nhân tăng số ca bệnh là do muỗi Vằn truyền bệnh phát triển mạnh trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất lợi, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và nhiều đợt mưa lớn.

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 124.750 trường hợp mắc SXH, đã có 15 ca tử vong tại các tỉnh Quảng Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, TP.HCM, Tiền Giang, Đồng Tháp và Bạc Liêu.  Diễn biến dịch bệnh so với cùng kỳ năm 2018 (37.243 mắc/9 tử vong) số ca mắc tăng gấp 3,3 lần và tử vong đã tăng 6 trường hợp.

Với diễn biến phức tạp, ngành y tế đã dự báo trong thời gian tới số ca mắc bệnh SXH sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu các biện pháp phòng chống dịch không được triển khai quyết liệt. Cơ quan y tế  sẽ tổ chức các chiến dịch lớn diệt lăng quăng (bọ gậy), tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao và những địa điểm tập trung đông người như chợ, trường học, bến xe, bến tàu, bệnh viện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân ý thức về việc phòng ngừa bệnh SXH trong cộng đồng.

Trong thời điểm dịch SXH đang bùng phát mạnh tại các địa phương trên cả nước, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ cùng Nhãn hàng JUMBO VAPE – Công ty TNHH FUMAKILLA Việt Nam đã kịp thời khai mạc chuỗi  Hội thảo “Phòng ngừa và xử trí bệnh SXH”. Chương trình tổ chức tại các địa phương cấp quận, huyện nhằm nâng cao ý thức cho người dân thông qua các kiến thức từ các Bác sĩ, chuyên gia y tế, giúp người dân hiểu rõ cách phòng ngừa và xử trí bệnh SXH đúng cách. Trong buổi Hội thảo tổ chức tại Huyện Tân Phước- Tỉnh Tiền Giang, Bà Phạm Thị Thế Băng – Chủ tịch Hội LHPN Huyện phát biểu: “Cảm ơn sự đồng hành hết sức ý nghĩa từ Nhãn hàng JUMBO VAPE – Thương hiệu Cao cấp đến từ Nhật Bản. Thông qua những hoạt động hợp tác với Hội LHPN , Nhãn hàng JUMBO VAPE  đã và đang tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội của mình vì sự phát triển cộng đồng”. Bà cho biết: “Chúng tôi tin tưởng và hy vọng rằng thông qua các hành động thiết thực như vậy, sẽ góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống bệnh Sốt xuất huyết, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và lây lan bệnh trong địa bàn”.

Với chặng đường dài 9 năm (2010 – 2019) chung tay vì cộng đồng phòng chống dịch bệnh theo định hướng lâu dài và JUMBO VAPE – thương hiệu cao cấp đến từ NHẬT BẢN đã luôn đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam đến những vùng sâu, vùng xa trên cả nước để cùng chung tay vì cộng đồng – nói không với bệnh SXH và bệnh do viruts Zika. (Tuổi trẻ, trang 10).

 

Thêm 1 ca ghép tim xuyên Việt khỏe mạnh xuất viện

Rạng sáng 12-8, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy thông tin vừa ghép thành công ca ghép tim thứ 4 từ người hiến tạng chết não cho anh N.H.Q. (sinh năm 1958, ngụ TPHCM). Đây cũng chính là ca ghép tim “xuyên Việt” thứ 2 được chuyển từ Hà Nội vào TPHCM.

Trước đó, chiều 29-6, sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia có trường hợp hiến tạng chết não. Ngay đêm hôm đó, một bác sĩ phẫu thuật viên BV Chợ Rẫy đã bay ra Hà Nội để phối hợp cùng BV Việt Đức mổ lấy tim và vận chuyển bằng đường hàng không vào TPHCM.

Các công tác chuẩn bị về nhân sự, trang thiết bị, tổ chức phối hợp các bộ phận trong và ngoài ngành y tế…để các giai đoạn diễn ra suôn sẻ ở cả 2 đầu cầu: phẫu thuật lấy đa tạng phía bệnh viện Việt – Đức (tại BV Việt Đức sẽ ghép gan, thận) và chuẩn bị ghép tim phía bệnh viện Chợ Rẫy được tiến hành hết sức khẩn trương ngay trong đêm 29-6 và sáng chủ nhật 30-6 nhằm đảm bảo an toàn, thành công cho các cuộc ghép.

Theo các bác sĩ, dù rơi vào 2 ngày nghỉ cuối tuần nhưng toàn bộ ê kíp ghép tim BV Chợ Rẫy đã nhanh chóng tập hợp đầy đủ, chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành phẫu thuật. Khoảng 16 giờ ngày 30-6, quả tim được đưa về đến BV Chợ Rẫy và tiến hành ghép cho bệnh nhân N.H.Q. Ca ghép đã hoàn thành lúc 21 giờ và đến sáng hôm sau thì bệnh nhân đã tỉnh, các chỉ số sinh tồn ổn định. Sau ghép 3 ngày, bệnh nhân N.H.Q đã được rút ống thở và bắt đầu tập luyện các vận động.

PGS.TS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Bệnh nhân N.H. Q. được chẩn đoán bệnh cơ tim giãn nở 6 năm, bị suy tim và nằm viện nhiều lần, hiện trong tình trạng suy tim rất nặng và đang nằm điều trị suy tim trong một bệnh viện thành phố gần 3 tháng, luôn sử dụng thuốc trợ tim, vận mạch, tiên lượng sự sống của bệnh nhân chỉ tính bằng ngày. Vì vậy, việc may mắn có trái tim ghép này đã kịp thời cứu sống bệnh nhân”.

“Sự thành công của ca ghép tim xuyên Việt từ Bắc vào Nam lần 2 này là kết quả của sự điều hành hiệu quả từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, sự giúp đỡ chuyển giao thành công kỹ thuật  ghép tim từ BV Việt Đức và đã cử phẫu thuật viên trực tiếp hỗ trợ, ekip lấy tim cho và ghép tim ở BV Chợ Rẫy luôn trong tinh thần sẵn sàng phẫu thuật… Việc phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành, ban trong và ngoài Bệnh viện, đặc biệt là bên Công an hỗ trợ cho xe hộ tống tạng hiến về từ sân bay trong giờ cao điểm trong thời gian ngắn nhất, ngành Hàng không có các giải quyết đặc biệt để rút ngắn các thủ tục hành chính” – PGS.TS Trần Quyết Tiến cho hay. (Sài Gòn giải phóng, trang 6; Tuổi trẻ,trang 14).

 

Thai phụ bất ngờ tử vong, các bác sĩ bật “báo động đỏ” để mổ cứu thai nhi

Con trai của thai phụ L.T.Y (đang mang thai tuần thứ 35) phát hiện mẹ ngất xỉu, tím tái tại nhà nên gọi hàng xóm đến trợ giúp. Chị Y. được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng khi đến viện thì đã ngừng thở, tím tái toàn thân, thai nhi trong bụng cũng nguy kịch…Ngày 12-8, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết đã phải khởi động quy trình báo động đỏ toàn viện để cấp cứu một thai phụ 35 tuần tuổi tử vong ngoại viện. Theo đó, khoảng 5g40 sáng cùng ngày, Khoa khám bệnh – Cấp cứu lưu của bệnh viện này tiếp nhận thai phụ L.T.Y (SN 1986, Hạ Long, Quảng Ninh) trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, tím tái toàn thân.

Theo lời kể từ gia đình, con trai chị Y. phát hiện mẹ đã tím tái, ngưng thở tại nhà liền gọi hàng xóm đến trợ giúp. Chị Y. được gọi taxi chở đến viện. Nhưng khi tới viện, sản phụ được chẩn đoán đã tử vong ngoại viện không rõ nguyên nhân. Tình trạng thai nhi 35 tuần tuổi trong bụng chị đang nguy cấp.

Ngay lập tức, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã khởi động quy tình báo động đỏ toàn viện, chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ để cấp cứu ngừng tuần hoàn và mổ lấy thai. Chỉ sau 2 phút, một bé gái nặng 2,6 kg đã được lấy ra khỏi bụng mẹ.

Sau khi được mổ bắt, bé gái không khóc, không phản xạ, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, đặt ống nội khí quản. Hiện cháu bé đang thở máy tại khoa Sơ sinh, song tiên lượng tình trạng rất nặng nề và có nguy cơ tử vong cao.

Về trường hợp tử vong của chị Y., theo thông tin từ bệnh viện, hiện cơ quan điều tra đã vào cuộc để làm rõ. (An ninh Thủ đô, trang 6; Tuổi trẻ, trang 5).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 04/5/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 08/01/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận