Tháng 9 có thể sản xuất được vắc xin nội
Ngày 12.8, chủ trì cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng, chống Covid- 19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bên liên quan nỗ lực tối đa để tháng 9 này có thể sản xuất được vắc xin trong nước.
Đẩy nhanh tiến độ
Để có vắc xin tiêm cho người dân nhiều nhất, nhanh nhất có thể, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần thực hiện đồng bộ “kiềng ba chân” gồm: mua và nhập khẩu; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất trong nước.
Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước có vai trò rất quan trọng. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là công việc lớn của đất nước, được người dân rất trông đợi. Nhấn mạnh “phải làm bằng được việc sản xuất vắc xin trong nước”, Thủ tướng cho rằng “trong cái khó ló cái khôn”, “trong nguy có cơ” và bối cảnh hiện nay là cơ hội để phát triển ngành dược Việt Nam, trong đó có việc nghiên cứu và sản xuất.
Trong khi đó, PTT Vũ Đức Đam thông tin dịch đang rất căng thẳng và cả nước vẫn thiếu vắc xin. TP.HCM rất cần vắc xin tiêm cho người dân để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm và nếu bị nhiễm thì triệu chứng cũng sẽ không nặng. Dù Việt Nam đã ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều, nhưng trong tháng 8 chỉ có thêm khoảng 3 triệu liều được đưa về nước, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của riêng TP.HCM để đủ miễn dịch cộng đồng, chưa kể còn một số địa phương khác như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương hay Hà Nội. Trong tháng 9, dự kiến chỉ có khoảng 9,3 triệu liều nữa được nhập về, trong khi việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin từ nước ngoài đang bị chậm tiến độ. Do đó, việc nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước như Nanocovax (đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng – PV), phải được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để khẩn trương cấp phép lưu hành khẩn cấp.
PGS-TS Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, khẳng định sau khi Hội đồng đạo đức có ý kiến đối với thuốc, vắc xin thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sẽ làm việc khẩn trương nhất có thể để thực hiện các quy trình xem xét, đánh giá, trình Bộ Y tế xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện theo đúng quy định.
Ban hành chính sách ưu đãi cao nhất
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất phải vào cuộc hết sức khẩn trương, rút gọn tối đa quy trình, thủ tục hành chính nhưng về mặt chuyên môn, khoa học phải chặt chẽ, đầy đủ hồ sơ. Bộ Y tế cần kiện toàn tổ công tác đặc biệt của Bộ về vắc xin phòng Covid-19. Bộ trưởng BYT cần ban hành thông tư về cấp giấy lưu hành thuốc và vắc xin sản xuất trong nước theo tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ. Bộ Tài chính, Bộ Y tế phối hợp nghiên cứu, quyết định hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền về chính sách ưu đãi cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vắc xin, thuốc và các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch.
Cùng với vắc xin, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tích cực hơn nữa thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc điều trị Covid- 19 và các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch, nhất là kit xét nghiệm. “Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vắc xin sản xuất trong nước”, Thủ tướng nói (Thanh niên, trang 3; Hà Nội mới, trang 1).
TP.HCM và các tỉnh lân cận đang khát vắc xin ra sao?
Chính phủ vừa có văn bản gửi đến Bộ Y tế chỉ đạo việc phân bổ vắc xin ngừa COVID-19 nhằm đảm bảo tiến độ tiêm chủng cho TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
TP.HCM nhiều quận đã ngừng tiêm
Ngày 12-8, nhiều điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở TP.HCM đã phải ngưng tiêm vì hết vắc xin và chờ kế hoạch phân bổ tiếp của ngành y tế. UBND TP Thủ Đức cho biết toàn bộ các điểm tiêm cố định ở Thủ Đức đã tạm ngừng trong ngày 12-8. Nhiều người dân khi đến các điểm tiêm vắc xin trước đó “cửa đóng then cài”, phía ngoài không dán thông báo lịch tiêm cụ thể như trước.
Trong khi đó, ở một số địa điểm khác, công tác tiêm vẫn còn tiếp tục. Theo ông Đỗ Anh Khang – phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp – từ đầu chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 (ngày 24-7) đến sáng 12-8, quận đã tiêm hơn 150.000 liều, như vậy tỉ lệ vắc xin bao phủ người từ 18 tuổi trở lên tại quận đạt gần 30%.
Sáng cùng ngày, quận được Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cấp thêm 10.000 liều vắc xin và sẽ tiêm vào ngày 13-8. “Nếu được phân bổ đủ lượng vắc xin, quận phấn đấu sẽ hoàn thành sớm chỉ tiêu giao là phủ 70% vắc xin cho người dân ở quận”, ông Khang cho hay.
Còn tại quận Phú Nhuận, ông Nguyễn Đông Tùng – chủ tịch UBND quận – cho hay đến nay có 90% số người trên 18 tuổi trở lên trên địa bàn quận đã được tiêm vắc xin. Với 10% người dân còn lại, quận cần thêm khoảng 7.000 – 8.000 liều vắc xin. Dự kiến ngày 13-8, quận sẽ hoàn tất tiêm vắc xin đợt 5 theo kế hoạch thành phố.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 12-8 về tình hình thiếu vắc xin ở nhiều điểm tiêm, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết với số lượng vắc xin vừa được Bộ Y tế phân bổ bổ sung cộng với 263.900 liều vắc xin Astrazenca còn thì chỉ đủ tiêm trong 1 ngày.
Về tình hình những ngày tới, ông Nam cho biết TP.HCM đã có 1 triệu liều vắc xin Vero Cell vừa được Bộ Y tế đồng ý cho sử dụng. TP.HCM sẽ tiến hành tiêm loại vắc xin này cho người dân theo tinh thần tự nguyện.
Khi tiêm, nhân viên y tế sẽ giải thích cho người dân đầy đủ. “Tuy nhiên với tốc độ tiêm hiện nay, nếu đưa vắc xin Vero Cell tiêm trong cộng đồng thì chỉ 3 đến 4 ngày lượng vắc xin này cũng hết và TP.HCM tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu vắc xin nếu không được tiếp tục phân bổ”, ông Nam bày tỏ.
Theo Sở Y tế, kế hoạch trước đó thành phố đặt mục tiêu trong tháng 8 cần tới 5 – 5,5 triệu liều vắc xin để có thể tiêm cho 70% người dân (từ 18 tuổi trở lên) để đạt miễn dịch cộng đồng. UBND TP đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cần hỗ trợ phân bổ lượng vắc xin này.
Bình Dương: cạn vắc xin
Tỉnh Bình Dương – điểm nóng dịch hiện nay – có 2,6 triệu người (52% là lao động nhập cư làm việc tại 30 khu công nghiệp) cần được tiêm vắc xin.
Do đó tỉnh này cần ít nhất 4 triệu liều vắc xin để tiêm chủng. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh này mới được Bộ Y tế phân bổ 568.000 liều. Do vậy, trước mắt theo lãnh đạo tỉnh, đang cần gấp ít nhất 1 triệu liều vắc xin để tiêm cho người lao động, công nhân nhằm duy trì sản xuất.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, tới ngày 12-8 đã phối hợp với chủ đầu tư các khu công nghiệp tiêm hơn 100.000 liều vắc xin được phân bổ. Tuy nhiên, lượng vắc xin nói trên vẫn là quá ít, đáp ứng chưa tới 10% trong tổng số hơn 1 triệu công nhân, người lao động tại các nhà máy ở Bình Dương.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại Bình Dương đều nêu lo lắng trước nguy cơ phải đóng cửa đồng loạt vì áp lực COVID-19, khi người lao động chưa được tiêm vắc xin.
Một chủ đầu tư khu công nghiệp lớn có hàng trăm nhà máy đang hoạt động tại Bình Dương cho biết theo khảo sát đã có khoảng 70% doanh nghiệp tạm ngưng, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp duy trì “3 tại chỗ” với quy mô sản xuất cũng giảm.
Ông Mai Hữu Tín – chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương – cho biết vắc xin là giải pháp tốt nhất, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất nên cần ưu tiên vắc xin cho công nhân, người lao động ở “tuyến đầu sản xuất”.
Đồng Nai, Long An: có chưa tới 1 triệu liều
Trước việc người dân và doanh nghiệp đang trông ngóng được tiêm vắc xin, ông Phan Huy Anh Vũ – giám đốc Sở Y tế Đồng Nai – cho biết Đồng Nai nếu tính cả người dân và công nhân có khoảng 2,5 triệu người. Do đó Đồng Nai cần khoảng 5 triệu liều vắc xin mới có thể tiêm đủ 2 mũi để đạt miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế mới phân bổ được hơn 535.000 liều. “Vì vậy thời điểm này vắc xin đang là vấn đề bức bách vì tỉnh đang cần ít nhất cả triệu liều vắc xin mới có thể đáp ứng nhu cầu quá bức thiết của doanh nghiệp cũng như người dân”, ông Vũ nêu vấn đề.
Ông Vũ cũng khẳng định Đồng Nai là một trong những tỉnh thành đang có nguy cơ dịch bùng phát rất cao nên nếu có thêm nhiều vắc xin thì tỉnh tổ chức tiêm thêm cho những “vùng đỏ” – vùng có nguy cơ cao, để làm sao khống chế dịch bệnh lây lan.
“Nhiều nơi đã xác định “vùng đỏ” phải ưu tiên tiêm như khu vực TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch… Đặc biệt, các khu công nghiệp hiện nay ở “vùng đỏ” đang thực hiện sản xuất 3 tại chỗ nên rất cần số lượng lớn vắc xin để kịp thời tiêm cho những công nhân đang làm việc ở đó”, ông Vũ nói.
Riêng tại Long An, ông Huỳnh Minh Phúc – giám đốc Sở Y tế – cho biết vào cuối tháng 7 Bộ Y tế đã có công văn sẽ cấp cho Long An tổng cộng hơn 2,39 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Dự kiến nhu cầu tại tỉnh này cần đến hơn 2,54 triệu liều vắc xin để tiêm cho toàn dân.
Tuy nhiên tính đến nay, Bộ Y tế mới phân bổ vắc xin về Long An với tổng cộng 399.950 liều. Hiện tại việc tiêm miễn dịch cộng đồng tại tỉnh này đang được tiến hành giai đoạn 1, với mục đích tiêm nhanh cho hơn 825.000 người tại các địa phương “vùng đỏ” đang có dịch phức tạp tại Long An là Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa và TP Tân An. Giai đoạn 2, tỉnh này dự kiến tiêm cho 10 huyện, thị xã còn lại để đạt được tổng cộng hơn 1,36 triệu người được tiêm.
Do đó, theo ông Phúc, tỉnh đang tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế sớm phân bổ đủ lượng vắc xin để kịp thời tiêm chủng theo đúng các kế hoạch đã đề ra.
Thế nhưng thực tế tỉnh Bình Dương lại đang cạn kiệt vắc xin. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nóng ruột tới mức xin tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax (đang chờ cấp phép chính thức) nhưng tới nay đề nghị này chưa được chấp thuận.
Ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết với tốc độ gia tăng ca mắc hiện nay, tổng số ca nhiễm của tỉnh sẽ còn tăng.
Đặc biệt hiện nay các đô thị phía nam của Bình Dương giáp với TP.HCM là khu vực có số ca mắc cao nhất và cũng là vùng tập trung nhiều nhà máy sản xuất cho chuỗi cung ứng của cả nước và toàn cầu.
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Thủ tướng và Bộ Y tế cấp cho tỉnh này 1 triệu liều vắc xin càng sớm càng tốt để tiêm cho công nhân nhằm tránh đứt gãy chuỗi sản xuất (Tuổi trẻ, trang 2).
Ba yếu tố phải bảo đảm khi cấp phép cho vaccine phòng Covid-19 sản xuất trong nước
Đại diện Bộ Y tế khẳng định, dù cấp phép vaccine phòng Covid-19 trong tình trạng khẩn cấp nhưng vẫn phải dựa trên nguyên tắc đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học và phải chứng minh được ba vấn đề: sinh miễn dịch, an toàn, hiệu lực bảo vệ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo có thể cắt bớt các quy trình, thủ tục về mặt hành chính nhưng phải bảo đảm yêu cầu về y tế, khoa học và chuyên môn.
Hy vọng mang tên “vaccine made in Việt Nam”
Cho đến thời điểm này, có ba ứng viên vaccine đang chạy đua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (TNLS) để cán đích trở thành “vaccine made in Việt Nam” đầu tiên. Đó là vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen; vaccine Covivac của Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC); ứng viên thứ ba là sản phẩm của Công ty TNHH MTV vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech).
Trong ba ứng viên nêu trên, hiện Nanocovax đang là vaccine chạy gần đích nhất. Vaccine này đã TNLS lần hai và đang trong giai đoạn TNLS lần ba.
Vaccine này được nghiên cứu dựa trên công nghệ sản xuất protein tái tổ hợp và hiện được đánh giá là an toàn, có khả năng sinh miễn dịch đạt 94% của TNLS lần hai (tuy nhiên chưa đánh giá hiệu lực bảo vệ).
Hiện vaccine Nanocovax đang TNLS giai đoạn 3 (gồm 3a, 3b, 3c) với 13 nghìn người tham gia. Theo đánh giá của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thì “vaccine Nanocovax an toàn, có khả năng sinh miễn dịch, nhưng chưa đánh giá hiệu lực bảo vệ”. Vaccine thứ hai mang thương hiệu “Made in Việt Nam” là Covivac của Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC). Vaccine này vừa nghiệm thu đánh giá TNLS giai đoạn một và bắt đầu bước vào TNLS giai đoạn 2.
Theo PGS, TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), vaccine Covivac được bào chế dựa trên công nghệ nuôi cấy virus trên tế bào phôi gà và chủng virus do Mỹ cung cấp. Công nghệ này là nuôi cấy virus trong trứng gà đã hình thành phôi, rồi hút virus (hạt tinh khiết) sau khi đã nhân lên để tinh chế, lọc tách, bất hoạt, không còn khả năng gây bệnh và đưa vào bào chế vaccine.
Đây là công nghệ sản xuất vaccine cổ điển được IVAC ứng dụng sản xuất một số vaccine khác… Từ ngày 10/8, vaccine Covivac bắt đầu triển khai TNLS giai đoạn 2 tại huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) với 375 tình nguyện viên (từ 18 đến hơn 70 tuổi bao gồm cả bệnh mãn tính), tiêm hai nhóm liều 3mcg và 6mcg và một nhóm tiêm vắc-xin đối chứng. Dự kiến, cuối tháng 9, kết thúc giai đoạn 2, sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ gửi mẫu sang Canada để đánh giá. Khoảng tháng 11, nhóm nghiên cứu sẽ có đánh giá về kết quả giai đoạn 2 TNLS trên người của vaccine Covivac. Đang trong giai đoạn “trứng nước” là vaccine của Vabiotech sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp trên virrus véc-tơ. Đây là vaccine có hướng đi công nghệ khác so với các công nghệ của vaccine hiện nay, cho nên các bước đi có chậm hơn so với hai vaccine nêu trên. Tuy nhiên, ưu điểm công nghệ sản xuất vaccine này khi phát triển thành công thì có thể điều chỉnh rất nhanh khi có biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine phòng Covid-19 cho biết: Bộ Y tế kỳ vọng rất lớn vào “vaccine made in Việt Nam” bởi sự tận tâm, tận lực của các nhà khoa học. Các công nghệ nghiên cứu phát triển vaccine đều là những công nghệ có tính an toàn và có tính sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2. Hiện nay, việc thử nghiệm của các vaccine đang được triển khai theo hình thức “gối đầu” để tiến độ nhanh hơn. Các nhà sản xuất đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành các giai đoạn TNLS. Theo đánh giá của các nhà khoa học thì Việt Nam đã có một bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vaccine. Nếu TNLS các giai đoạn thành công thì thời gian tới, Việt Nam hoàn toàn tự chủ được về vaccine và vaccine mang thương hiệu Việt Nam sẽ có thể có mặt trên thế giới.
Rút ngắn quy trình cấp phép nhưng phải bảo đảm chất lượng
Để tạo điều kiện cho vaccine mang thương hiệu Việt về đích nhanh nhất, giải quyết được vấn đề khan hiếm vaccine phòng Covid-19, mới đây Thủ tướng Chính phủ khẳng định tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất được cấp phép theo cơ chế đặc thù. Cơ chế đặc thù được Chính phủ nêu trong nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Theo cơ chế này, vaccine đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 sẽ được xem xét cấp phép lưu hành. Đại diện nhà sản xuất của vaccine Nanocovax chia sẻ: Nếu suôn sẻ, sau 42 ngày tiêm mũi đầu cho 1.000 người đầu tiên trong 13 nghìn người tham gia thử nghiệm giai đoạn 3, khoảng giữa tháng 9 vaccine Nonacovax sẽ hoàn tất thu thập dữ liệu để nhà sản xuất trình hồ sơ đề nghị Bộ Y tế phê duyệt vaccine theo hình thức “tình trạng khẩn cấp trong đại dịch”.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cấp phép theo cơ chế đặc thù, Bộ Y tế đã sửa đổi những quy định theo hướng rút ngắn, rút gọn thời gian thử nghiệm… Tuy nhiên, cấp phép trong trình trạng khẩn cấp nhưng vẫn phải bảo đảm các điều kiện, quy trình theo quy định; nhất là phải bảo đảm chất lượng, tính an toàn của vaccine. Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu các đơn vị nghiên cứu vaccine thúc đẩy quá trình thử nghiệm vaccine, rút ngắn thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3 nhưng phải có phương thức thử nghiệm phù hợp.
Theo đó, căn cứ để xem xét cấp giấy phép đăng ký lưu hành có điều kiện, vaccine trong nước phải có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn TNLS giai đoạn 3 bao gồm hiệu quả bảo vệ dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch. Ngoài ra, việc cấp phép cũng cần dựa trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia. Đặc biệt khi cấp phép trong tình trạng khẩn cấp vẫn cần phải tiếp tục theo dõi về tính an toàn, hiệu lực bảo vệ và tính sinh miễn dịch (Nhân dân, trang 3).
Bình Dương đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19
Chiều ngày 12/8, tại TP Thuận An, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp Tổng Công ty Becamex tổ chức lễ công bố đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Bình Dương với quy mô 437 giường.
Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Bình Dương đặt tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Becamex, được UBND tỉnh Bình Dương phối hợp Tổng Công ty Becamex IDC xây dựng nhằm tăng cường năng lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Bệnh viện thực hiện thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 từ mức độ vừa (tầng 2) đến mức độ nặng, nguy kịch (tầng 3) cho các bệnh nhân trong và ngoài người nước đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bệnh viện chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của UBND tỉnh Bình Dương; sự quản lý về chuyên môn trực tiếp từ Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của Bộ Y tế tại Bình Dương và sự hỗ trợ của Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
Bệnh viện có quy mô 437 giường, trong đó có 300 giường điều trị, cấp cứu bệnh nhân mức độ nặng; 37 giường điều trị, cấp cứu bệnh nhân mức độ nguy kịch, có đấu nối đầy đủ hệ thống khí trung tâm gồm ô-xy, khí nén, khí hút và có 100 giường điều trị, cấp cứu bệnh nhân mức độ trung bình. Bên cạnh các trang thiết bị hiện đại được đầu tư bổ sung, Bệnh viện còn thừa hưởng cơ sở vật chất hiện đại của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex và nguồn nhân lực có chuyên môn cao, tận tâm, chuyên nghiệp, yêu nghề.
Bộ Y tế đã phân công PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tham gia vào Ban lãnh đạo, phụ trách chuyên môn, giữ vai trò Giám đốc Y khoa của Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương và huy động nguồn nhân lực y tế đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện. Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều động nhân lực y tế từ các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế và từ Sở Y tế các tỉnh, thành phố để hỗ trợ thêm cho bệnh viện nhằm bảo đảm hiệu quả điều trị được tốt nhất.
Tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận chia sẻ, tiếp theo nhiệm vụ vận hành Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương và Khu Điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hòa điều trị các F0 từ triệu chứng nhẹ đến trung bình ở tầng 1 và tầng 2, Tổng Công ty Becamex IDC được tỉnh và Bộ Y tế tiếp tục giao nhiệm vụ vận hành Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương đặt tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex. Nỗ lực triển khai thực hiện sau một tuần bệnh viện đã hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân Covid-19.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, trước tình hình diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; trong đó, xác định việc khẩn trương mở rộng, thành lập thêm các bệnh viện dã chiến có quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tăng cường năng lực thu dung, điều trị các bệnh nhân Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của tỉnh.
Hiện, Bình Dương có bốn bệnh viện dã chiến, 16 khu điều trị với 17.240 giường. Với Bệnh viện dã chiến Hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 có các trang thiết bị phù hợp nhằm phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ từ vừa đến nguy kịch. Bệnh viện được trang bị các phần mềm quản trị số hóa hiện đại nhằm bảo đảm quản lý minh bạch, hiệu quả, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, giảm thiểu tỉ lệ bệnh nhân tử vong trong đại dịch Covid-19. Gửi lời cảm ơn Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Tổng Công ty Becamex IDC và các doanh nghiệp đã trợ giúp về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị và các nguồn lực cần thiết, cảm ơn đội ngũ cán bộ, công nhân viên của các đơn vị thi công khẩn trương làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thi công để công trình đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh mong toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần chiến đấu, khắc phục những khó khăn, nâng cao hơn nữa tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong công tác phối hợp, chăm sóc và điều trị thật tốt cho các bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là các bệnh nhân không may diễn tiến nặng.
Dịp này, Tổng Công ty Becamex IDC và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực y khoa (Nhân dân, trang 8; Tiền phong, trang 3).
Tháng 8 – 9 có 12 triệu liều vắc xin về Việt Nam
Theo thông tin của Tuổi Trẻ nắm được, số lượng vắc xin sắp tới về sẽ nhiều hơn dự báo, dù không nhiều. Vắc xin về từ nhiều nguồn, cụ thể sẽ có gần 10 triệu liều AstraZeneca về trong tháng 8 và 9. Ngoài ra cũng sẽ có hơn 2 triệu liều Pfizer và số lượng vắc xin đã mua từ Sinopharm (Trung Quốc) cũng có thể được giao trong thời gian này.
Trong số nguồn vắc xin trên sẽ có hai lô với tổng số lượng hơn 1 triệu liều sẽ về trước 15-8 và hằng tuần đều có vắc xin về thêm. Với số lượng vắc xin trên, dự báo có khả năng gần đủ lượng vắc xin để phân bổ theo tiến độ tiêm chủng hiện nay tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận. Ngoài ra, thông tin từ một số đơn vị nhập khẩu vắc xin cũng cho hay các đơn vị này đang đàm phán và có khả năng cao được nhập khẩu một số loại vắc xin Sputnik V, Pfizer ( Tuổi trẻ, trang 3).
Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất
Với việc TPHCM sử dụng nhiều loại vaccine Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng, nhiều người dân băn khoăn: Liệu vaccine nào có hệ số bảo vệ cao và an toàn nhất? Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay thì việc tiêm vaccine nhanh và sớm là vô cùng cần thiết.
Vaccine nào cũng có hiệu quả bảo vệ
Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND TPHCM về việc sử dụng vaccine Vero Cell. Đây là một trong 7 loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt nằm trong danh sách vaccine sử dụng khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh Covid-19 vào ngày 7-5-2021. Vaccine này cũng được nhiều nước trên thế giới đưa vào sử dụng trong tiêm chủng.
TS Nguyễn Quốc Bình, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, thông tin, hiệu quả bảo vệ các loại vaccine hiện Việt Nam đã và đang nhập khẩu dao động quanh mức 75%-95%, có nghĩa những người được tiêm vaccine sẽ giảm thiểu 75%-95% triệu chứng bệnh phải nhập viện. Đồng thời, hầu hết các vaccine đều có hệ số bảo vệ 98%-100% đối với nguy cơ tử vong. Do vậy, những dòng vaccine mà Việt Nam đang nhập về đều có hiệu quả bảo vệ tốt chống lại Covid-19 nguyên thủy.
Mặc dù hiệu quả của vaccine còn phụ thuộc nhiều vào chính sách cách ly, tuy nhiên theo TS Nguyễn Quốc Bình, thực tế tại nhiều nước, sau khi tiêm vaccine cho hơn 60% dân số thì số lượng người mắc Covid-19 giảm một cách đáng kể, không phân biệt tiêm loại nào; tỷ lệ người tử vong trên số lượng người mắc giảm mạnh so với trước khi tiêm.
“Những số liệu trên cho chúng ta thấy hiệu quả bảo vệ mà trong thử nghiệm lâm sàng của các hãng đưa ra có tính chất tương đối. Hiệu quả bảo vệ chung cho toàn dân mới là con số chính xác. Tất cả các loại vaccine trên đều có hiệu quả bảo vệ hầu như tương đương nhau, do đó chúng ta không nên có sự kén chọn”, TS Nguyễn Quốc Bình kết luận.
Cùng quan điểm, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết, hiện nay có 7 loại vaccine được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp: Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac. WHO đang giám sát chặt hiệu quả của các vaccine này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vaccine.
Các dữ liệu tính đến ngày 6-8 cho thấy, vaccine vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng Covid-19 bởi biến thể Delta mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng. “Hãy tiêm bất kỳ loại vaccine nào có sẵn khi đến lượt”, TS Kidong Park nêu thông điệp của WHO.
Có nên phối trộn các loại vaccine?
Trong bối cảnh số lượng vaccine nhập khẩu về Việt Nam vẫn còn khan hiếm, nhiều người dân lại có một lo lắng khác, đó là: Sau khi tiêm mũi 1, Nhà nước có đáp ứng kịp thời số lượng vaccine đúng loại hay không và việc bị chậm trễ tiêm mũi 2 có ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ của vaccine?
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nhân lực y tế theo nhu cầu xã hội, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TPHCM, hiện Việt Nam đang sử dụng 5 loại vaccine Covid-19. Các loại này đều phải tiêm ít nhất 2 mũi và về nguyên tắc, khoảng cách thời gian giữa 2 mũi tiêm tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Cụ thể như vaccine AstraZeneca, mũi 1 cách mũi 2 từ 8-12 tuần; vaccine Sputnik-V, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần; vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNtech, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần; vaccine Vero Cell mũi 1 cách mũi 2 từ 3-4 tuần; vaccine Moderna, mũi 1 cách mũi 2 khoảng 4 tuần.
Tuy nhiên, ở một số quốc gia, do điều kiện dịch bệnh, việc cung cấp vaccine không được như mong muốn, do đó họ đã kéo dài khoảng cách 2 mũi tiêm và nghiên cứu cho thấy hiệu lực vaccine vẫn đạt kết quả tốt. Đơn cử tại Anh, khi kéo dài khoảng cách tiêm giữa 2 liều lên 3 tháng đối với vaccine AstraZeneca và Pfizer thì hiệu lực của vaccine đều tăng lên. Trong đó, vaccine AstraZeneca hiệu lực tăng lên 81% thay vì 55% của việc tiêm đúng theo chỉ định.
Bên cạnh đó, trong điều kiện không có đủ vaccine cùng loại, nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện việc tiêm trộn vaccine. Ví dụ, Canada kết hợp 2 mũi tiêm giữa vaccine Moderna và Pfizer; Thái Lan tiêm mũi tiêm 1 là Sinovac và mũi 2 là AstraZeneca; hay ở Anh trộn giữa AstraZeneca và Pfizer. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc trộn giữa 2 loại vaccine cũng cho kết quả tốt hơn hẳn.
Ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng cho phép dùng liều 1 là vaccine AstraZeneca và liều 2 là vaccine Pfizer. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, dù đã tiêm đủ 2 mũi thì với sự biến đổi phức tạp của các chủng virus hiện nay, biện pháp 5K vẫn cực kỳ quan trọng, giúp người dân phòng bệnh một cách hiệu quả.
Theo báo cáo của ngành y tế, trong ngày 12-8, TP đã tiêm 270.117 liều vaccine phòng Covid-19, nâng tổng số liều tiêm từ đầu đợt 5 (ngày 22-7) đến 12-8 là 3.304.009 liều, tất cả đều an toàn. Hiện TPHCM tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine, để sớm đạt mục tiêu bao phủ 70% vaccine cho người từ 18 tuổi trong tháng 8 (Sài Gòn giải phóng, trang 2).
Viện Hàn lâm yêu cầu Công ty Vinh Gia đổi tên thực phẩm bảo vệ sức khoẻ VIPDERVIR-C
Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, vừa có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia thay đổi tên thực phẩm bảo vệ sức khoẻ VIPDERVIR-C để tránh hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Trước đó, ngày 10/8/2021, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi Họp báo trực tuyến công bố kết quả nghiên cứu thành công giai đoạn tiền lâm sàng thuốc thử nghiệm điều trị COVID-19 có tên là VIPDERVIR. Theo đại diện Viện Hàn lâm, đây là kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học do PGS.TS Lê Quang Huấn chủ trì, có sự đánh giá khoa học của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền của Bộ Y tế. Trong cuộc họp ngày 7/8/2021, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Quốc gia, Bộ Y tế đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng và chấp thuận đề cương nghiên cứu lâm sàng trên người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, sau khi thông tin và hình ảnh về sản phẩm thuốc thử nghiệm điều trị COVID-19 được công bố, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh về một sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên và hình ảnh bao bì gần giống với sản phẩm thuốc thử nghiệm VIPDERVIR, được giới thiệu là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ VIPDERVIR-C do Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia sản xuất. Trước thông tin trên, Viện Hàn lâm cho biết, Viện Công nghệ sinh học (trực thuộc Viện Hàn lâm) đã ban hành công văn số 421/CHSH ngày 12/8/2021 nêu, việc Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia đơn phương sản xuất, đăng ký lưu hành thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR-C là không đúng với nội dung hợp đồng Hợp tác công nghệ sản xuất (chế phẩm VIPDERVIR) ký ngày 20/3/2020 giữa Viện Công nghệ sinh học và Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia. Phía Viện Hàn lâm yêu cầu Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia thay đổi tên thực phẩm bảo vệ sức khoẻ VIPDERVIR-C để tránh hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 10/8, đại diện Bộ Y tế khẳng định VIPDERVIR là sản phẩm thuốc điều trị COVID-19, đã trải qua giai đoạn tiền lâm sàng và được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Quốc gia, Bộ Y tế chấp thuận đề cương nghiên cứu lâm sàng trên người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thuốc VIPDERVIR sẽ trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, giai đoạn 1 đánh giá tính an toàn sẽ được rút ngắn do thuốc có nguồn gốc hoàn toàn từ dược liệu y học cổ truyền. Giai đoạn 2 sẽ thử nghiệm lâm sàng trên 60 bệnh nhân COVID-19 để đánh giá tính an toàn, khả năng giảm tải lượng virus của thuốc cũng như số liều tối ưu. Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 3 sẽ trên 200 bệnh nhân của các Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, sau khi thử nghiệm lâm sàng, trên cơ sở đánh giá tính an toàn, hiệu quả và đạo đức của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Quốc gia, Bộ Y tế sẽ xem xét cấp phép lưu hành sản phẩm này trong điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa (Tiền phong, trang 2).
Đà Lạt hết phòng cách ly tập trung miễn phí
Ngày 12/8, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, liên quan ổ dịch ở Công ty TNHH Sợi Đà Lạt với 95 bệnh nhân, lực lượng chức năng đã truy vết 545 F1 và 806 F2. Cùng thời điểm này, Đà Lạt phát hiện chùm ca bệnh từ lái xe của Công ty Thanh Bình Xanh với 4 bệnh nhân và 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan siêu thị BigC Đà Lạt. Lực lượng chức năng đã truy vết hàng trăm F1 và F2. Theo một lãnh đạo của TP Đà Lạt, vì số trường hợp F1 phải cách ly tăng vọt nên địa phương đã trưng dụng hàng loạt ký túc xá (KTX) sinh viên làm nơi cách ly tập trung để phòng dịch COVID-19, bao gồm KTX sinh viên tập trung ở Đà Lạt, KTX Cao đẳng Du lịch Đà Lạt, KTX Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, KTX Cao đẳng Nghề Đà Lạt… Các ký túc xá này cùng với Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an Lâm Đồng và Bệnh xá H 32 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) với sức chứa khoảng 1.000 người cách ly phòng dịch COVID-19 hiện đã kín chỗ. Do đó, từ ngày 12/8, các trường hợp F1 liên quan bệnh nhân COVID – 19 đều phải cách ly ở nơi có thu phí, đầu tiên là Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Lâm Đồng (số 4 Trần Quang Diệu, phường 10), sau đó Đà Lạt sẽ sắp xếp bố trí thêm một số khu cách ly tập trung khác.
Trung tâm Điều dưỡng có khoảng 120 phòng với giá lưu trú 100 ngàn đồng/người/ngày đêm. Về ăn uống, bữa ăn sáng 30 ngàn đồng, trưa 60 ngàn đồng và chiều 60 ngàn đồng. Nếu không muốn đăng ký ăn uống tại nơi lưu trú, các F1 có thể nhờ người nhà đưa thức ăn từ bên ngoài vào, một ngày 2 lần (Tiền phong, trang 4).
Đà Nẵng sẵn sàng kịch bản xấu nhất
Từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 1.551 ca mắc COVID-19, trong đó có 13 ca tử vong, 43 ca đang nguy kịch. Nếu số ca mắc không giảm, từ tuần sau, Đà Nẵng sẽ buộc phải áp dụng biện pháp mạnh hơn, cấm tuyệt đối người dân ra khỏi nhà. Ngày 12/8, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố đã họp và quyết định xây dựng phương án: nếu trong vòng 4 ngày tới mà dịch bệnh không giảm thì thành phố sẽ thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, tức là tuyệt đối không cho người dân ra khỏi nhà. Nếu các công sở, nhà máy, công trường muốn hoạt động thì phải đảm bảo các điều kiện để cán bộ, công chức, người lao động phải ở tại chỗ, không được di chuyển đi nơi khác trong vòng 7 ngày; đồng thời xét nghiệm toàn thành phố.
“Đây là biện pháp thành phố không mong muốn áp dụng và hi vọng không phải áp dụng. Nhưng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thì phải chấp nhận hi sinh nhiều lợi ích để thực hiện”, ông Quảng nói. Theo Bí thư Đà Nẵng, đây là biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, mạnh mẽ theo đúng tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ vừa ban hành. “Khi áp dụng sẽ có nhiều khó khăn, nhất là việc cung ứng, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân. TP Đà Nẵng đã có phương án cho việc này và sẽ đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân”, ông nói. Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết, thành phố đã trải qua những ngày rất áp lực với chuỗi lây nhiễm cảng cá Thọ Quang, đã khống chế thành công chùm bệnh này. Tuy nhiên, sáng 12/8, lại xuất hiện chuỗi lây nhiễm mới rất phức tạp ở chợ đầu mối Hòa Cường, địa điểm cung cấp thực phẩm chính cho thành phố.
Đà Nẵng đã thiết lập 300 giường hồi sức với máy móc hiện đại, có một hệ thống khí nén ôxy đầy đủ. Theo bà Yến, đây là cố gắng hết sức và gần như tối đa của ngành y tế Đà Nẵng. “Với tỷ lệ 5% bệnh nặng trên tổng số ca COVID-19, khi thành phố có hơn 6.000 ca thì hết công suất 300 giường hồi sức. Nếu số ca mắc tăng hơn thì hệ thống y tế thành phố chắc chắn quá tải”, bà nói.
Trong khi đó, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết, thành phố đã chủ động xây dựng các kịch bản và nguồn kinh phí trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu và số lượng ca F0 tăng lên. Theo đó, nếu có 3.000 ca F0, tổng nhu cầu chi gần 1.900 tỷ đồng; trường hợp có 4.000 ca F0, tổng nhu cầu chi gần 2.200 tỷ đồng; trường hợp có 5.000 ca F0, tổng nhu cầu chi gần 2.600 tỷ đồng. Với ưu tiên ngân sách cho công tác phòng, chống dịch, Đà Nẵng đã rà soát, cắt giảm, sắp xếp các nhiệm vụ chi. Đồng thời, sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định.
Ông Chinh cho biết, ngoài bệnh viện dã chiến khu ký túc xá phía Tây thành phố với công suất thu dung 1.700 bệnh nhân, Đà Nẵng đang chủ động khẩn trương cùng với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tiếp tục xây dựng phương án thiết lập thêm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 (Tiền phong, trang 5; Sài Gòn giải phóng, trang 6).
Thanh Huyền tổng hợp