Điểm báo ngày 14/7/2022

(CDC Hà Nam)
Cần giải pháp mạnh giảm tác hại của rượu, bia và thuốc lá đối với sức khỏe; Bộ Y tế yêu cầu xử nghiêm các cơ sở, nhân viên tiếp tay cho đường dây đẻ thuê, buôn bán tinh trùng; Quan tâm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế….

 

Cần giải pháp mạnh giảm tác hại của rượu, bia và thuốc lá đối với sức khỏe

Rượu, bia và thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tật và tử vong sớm mà có thể tránh được. Thế nhưng Việt Nam đang là nước có tỷ lệ sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe này khá cao.

Tiến sĩ Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, nhất là giới trẻ. Nó được thể hiện ở ba tiêu chí đều ở mức cao: mức tiêu thụ bình quân đầu người quy đổi ra lượng cồn nguyên chất; tỷ lệ sử dụng rượu, bia; tỷ lệ sử dụng ở mức nguy hại. Trong giai đoạn 2015-2019, sản lượng bia ở nước ta tăng trung bình 7,5%/năm; sản lượng rượu tăng 1,5%/năm, đó là chưa kể đến số lượng rất lớn rượu thủ công, tự nấu không được thống kê.

Mức tiêu thụ rượu, bia ở người từ 15 tuổi trở lên ở nước ta tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2005, mức tiêu thụ là 2,9 lít cồn nguyên chất/người/năm, thì đến năm 2018 và 2019, con số này đã tăng lên 7,9 lít. Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ ba châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu, bia/người. Tình trạng uống đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam: năm 2015: 44,2% số nam giới, tăng gần gấp hai lần so với năm 2010 (25,1%).

Theo điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho thấy tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu, bia rất cao, khi có tới 64% số nam giới và 10% số nữ giới có uống rượu, bia trong 30 ngày qua. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, cứ ba nam giới thì có một người uống ở mức nguy hại.

Rượu, bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ hai trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam; nó là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh. Theo thống kê mới nhất, mỗi năm có khoảng hơn 548 nghìn trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng…, trong đó ước lượng có khoảng 40.800 ca tử vong liên quan đến rượu, bia (chiếm tỷ lệ 7,5%). Bên cạnh đó, rượu, bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình; là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế-xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững.

Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Mặc dù đã giảm trong giai đoạn 2010-2020, nhưng tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành vẫn ở mức 42,3% (năm 2020). Đối với nhóm tuổi thanh, thiếu niên thì giảm tỷ lệ hút thuốc lá truyền thống, nhưng có sự gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử…). Một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 tại Hà Nội là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.

Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh, chủ yếu thuộc bốn nhóm chính gồm ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh về đường sinh sản. Tổ chức Y tế thế giới ước tính tại Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70 nghìn người, nếu các biện pháp can thiệp hiệu quả bao gồm tăng thuế thuốc lá không được thực hiện một cách hiệu quả. Bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi khoảng 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam.

Các tổ chức quốc tế cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của thuốc lá, rượu, bia, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong. Các nước cần tăng thuế để ít nhất giữ cho sức mua không tăng và cần tăng thuế mạnh để giảm sức mua, từ đó giảm đến mức thấp nhất những hậu quả đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội. Thế nhưng hiện nay thuế rượu, bia và thuốc lá tại Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với khu vực và thế giới.

Theo tính toán, tỷ trọng thuế rượu, bia trên giá bán lẻ tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi đó, ở nhiều nước thuế chiếm khoảng từ 40% đến 85% giá bán lẻ. Khi giá của rượu, bia tăng lên, lượng tiêu thụ và tác hại cũng sẽ giảm. Ngay cả những người uống nhiều hoặc lệ thuộc vào rượu, bia cũng sẽ giảm lượng uống khi giá tăng lên. Những lợi ích đem lại là: làm giảm tiêu dùng, giảm tử vong, bệnh tật liên quan đến rượu, bia giảm chi phí y tế, cải thiện hiệu quả làm việc, giảm hậu quả về mặt xã hội của lạm dụng rượu, bia và tăng thu ngân sách cho Chính phủ. Đây là chính sách hai bên (Nhà nước và người dân) cùng hưởng lợi.

Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển. Ở người nghèo và giới trẻ sẽ giảm tiêu dùng nhiều hơn, khi tăng giá 10% sẽ giảm tiêu thụ tới 10% ở trẻ em và người nghèo. Giá thuốc lá cao cũng có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc. Trên cơ sở đó, các chuyên gia khuyến nghị cần có những cải cách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam, nhất là tăng thuế đủ mạnh để giảm sức mua thuốc lá.

Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo, để giảm mức tiêu dùng thuốc lá, mức thuế phải chiếm từ hai phần ba đến bốn phần năm giá bán lẻ đi kèm với việc áp dụng các giải pháp toàn diện trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Vì vậy, nên tăng thường xuyên để theo kịp với mức tăng thu nhập và lạm phát. Đồng thời thiết lập một cơ chế tự động điều chỉnh các loại thuế để bảo đảm tăng giá do tăng thuế theo kịp với lạm phát và tăng trưởng thu nhập.

Năm 2020, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá ước tính cả nước chi 24 nghìn tỷ đồng/năm (chiếm khoảng 1% GDP) để điều trị năm nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trong tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra. Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam thấp hơn phần lớn các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương. Mức thuế thuốc lá hiện nay của Việt Nam còn rất thấp (khoảng 38,8% giá bán lẻ), do đó có thể tăng mạnh thuế thuốc lá để vừa tăng số thu thuế, vừa giảm tiêu dùng thuốc lá. Thuế thuốc lá ở Việt Nam nên tiếp tục tăng sao cho thuế chiếm 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ (theo như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới). (Nhân dân, trang 5).

 

Quan tâm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế diễn ra tại nhiều cơ sở y tế các tuyến của một số địa phương, gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh của người dân và ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi phải tự đi mua thuốc bên ngoài dù thuộc danh mục được chi trả của bảo hiểm y tế.

Thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại hội nghị cung cấp chuyên đề bảo hiểm y tế mới đây cho thấy, hiện vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại một số địa phương, như: Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bạc Liêu… Nguyên nhân chính là do tình trạng chậm trễ trong đấu thầu cung cấp thuốc, vật tư y tế; có những gói thầu từ năm trước đến nay vẫn chưa hoàn thành, thực hiện được.

Theo chia sẻ của một đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc đấu thầu tập trung ở các cơ sở y tế cả tại Trung ương và địa phương khá chậm. Thống kê có những mặt hàng dù đã hết nhưng chậm hơn ba tháng, có những tỉnh, thành phố phải đấu thầu tập trung ở Sở Y tế như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Nghệ An thì tình trạng chậm hơn ba tháng chưa đấu thầu diễn ra khá phổ biến.

Tuy nhiên, khi theo dõi chi phí bình quân của một đơn vị cấp thuốc cho người bệnh từ tháng 4 đến tháng 6/2022 thì chưa có sự biến động quá lớn, mức độ chênh lệch khoảng dưới 10 nghìn đồng một đơn thuốc (chiếm khoảng 5%).

Trước đó, Bộ Y tế thẳng thắn thừa nhận 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, mà một trong những nguyên nhân chính lại là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, cho nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.

Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn…

Việc mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt, trong hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 vừa qua, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ chống dịch. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn…

Thêm vào đó, việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính, chưa thống nhất dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm bị chững lại, chưa tổ chức việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ…

Mới đây, Bộ Y tế thông báo đã mở được gói thầu tập trung, hy vọng trong tháng 7 này sẽ có được kết quả để công bố. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, gói thầu của Bộ Y tế rất lớn, trị giá gần 9.000 tỷ đồng, trong đó riêng phần mua sắm thuốc là 4.000 tỷ đồng, chiếm 1/4 chi phí thanh toán khám, chữa bệnh… Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có văn bản gửi các địa phương chỉ đạo bám sát hoạt động đấu thầu để thúc đẩy việc mua sắm thuốc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế.

Đồng thời, quan điểm nhất quán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là luôn hướng tới bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Vì vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tập trung giám định nhanh nhất có thể với các đề xuất, để các bệnh viện, cơ sở y tế có thể nhanh chóng mua sắm thuốc.

Với tình trạng thiếu thuốc khiến người dân phải tự đi mua thuốc bên ngoài như hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng bày tỏ việc không đồng tình, vì có trường hợp thuốc điều trị rất đắt, cũng như cần được bảo đảm về chất lượng trong khâu bảo quản và người bệnh cũng không thể bỏ ra số tiền lớn để mua trong khi “không có cơ sở thanh toán trực tiếp” cho họ.

Liên quan vấn đề này, cuối năm 2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng có văn bản xin ý kiến Bộ Y tế về việc có được thanh toán trực tiếp thuốc, vật tư y tế khi người bệnh phải tự mua do bệnh viện không cung ứng được hay không? Sau gần hai năm, tháng 10/2021, Bộ Y tế có văn bản trả lời và kết luận “không có cơ sở thanh toán trực tiếp cho người bệnh”.

Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị, các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh phải có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế để bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh và quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế; xem xét cơ chế “hoàn trả” cho người bệnh nếu họ phải tự đi mua thuốc…

Có thể thấy, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và nhân lực y tế là những yếu tố rất quan trọng không thể thiếu để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh không bị đứt gãy. Vì vậy, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cũng như các cơ quan liên quan cần nhanh chóng có các giải pháp hiệu quả để giải quyết, không để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh của người dân. (Nhân dân, trang 1).

 

Bộ Y tế phân tuyến quản lý, điều trị bệnh sốt xuất huyết

Bộ Y tế vừa có Công văn số 3693/BYT-KCB về việc phân tuyến quản lý, điều trị người bệnh sốt xuất huyết gửi bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành.

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 34 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 148%, tử vong tăng 25 trường hợp. Dự báo, số ca bệnh trong thời gian tới tiếp tục gia tăng, cùng với đó số nhập viện, số ca nặng cũng tăng lên.

Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ:

– Mức độ 1: Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

– Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, người bệnh được cho nhập viện điều trị.

– Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu. Mức độ này bao gồm: Sốc sốt xuất huyết, sốc sốt xuất huyết nặng, xuất huyết nặng và suy tạng nặng.

“Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng. Vì vậy, khi thăm khám, các y, bác sĩ cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp”, Bộ Y tế lưu ý.

Để chủ động trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết tới mức thấp nhất, Bộ Y tế yêu cầu, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, y tế các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc việc phân tuyến quản lý, điều trị người bệnh.

Cũng tại công văn này, Bộ Y tế cũng phân công các bệnh viện hỗ trợ chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cho các tỉnh, thành phố. (Hà Nội mới, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 11: “TPHCM lên kịch bản thu dung, điều trị sốt xuất huyết”; Tiền phong, trang 2: “Sốt xuất huyết tăng 148%, Bộ Y tế phân tuyến điều trị”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Bộ Y tế phân tuyến điều trị sốt xuất huyết”; An ninh Thủ đô, trang 8: “Điều chỉnh phân tuyến quản lý và điều trị sốt xuất huyết”

 

Số ca mắc Covid-19 trên cả nước tăng vọt lên hơn 1.000 ca

Chiều 13-7, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1.003 ca nhiễm Covid-19 (tăng 130 ca so với ngày trước đó), trong đó có 1.001 ca trong nước và 2 ca nhập cảnh. Đây là số ca mắc cao nhất trong hơn 1 tháng qua.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.757.257 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.538 ca nhiễm).

Về tình hình điều trị, có thêm 5.083 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.785.255 ca. Ngoài ra, có 24 bệnh nhân đang thở ôxy, trong đó có 19 ca thở ôxy qua mặt nạ, 3 ca thở ôxy dòng cao HFNC, 2 ca thở máy không xâm lấn.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.090 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Cùng ngày, Bộ Y tế cung cấp thông tin về số liệu tiêm vắc xin phòng Covid-19 tính đến hết ngày 12-7. Theo đó, tổng số mũi tiêm nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho nhóm từ 18 tuổi trở lên là hơn 46,5 triệu mũi (chiếm tỷ lệ 69,5%).

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp dưới 50% là Hải Phòng, Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Nai và Hậu Giang. Các tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao hơn 94% là Thanh Hóa, Bắc Giang và Nghệ An.

Ngoài ra, tổng số mũi tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho nhóm từ 18 tuổi trở lên là hơn 5,8 triệu mũi (chiếm 28,8%). Các tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 thấp dưới 10% là Bắc Kạn, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Đồng Nai. Các tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 cao trên 70% là Phú Thọ, Khánh Hòa và Cần Thơ.

Đối với nhóm từ 12 đến 17 tuổi, đã có 98,9% trẻ tiêm đủ 2 mũi và 14,3% trẻ tiêm mũi 3.

Các địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 3 cho nhóm trẻ này thấp dưới 5%, gồm 11 tỉnh, thành miền Bắc: Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Điện Biên; 3 tỉnh miền Trung: Nghệ An, Quảng Nam và Bình Thuận; 5 tỉnh miền Nam: Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp. Các tỉnh có kết quả tiêm mũi 3 cho nhóm trẻ này đạt tỷ lệ trên 47% là Ninh Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng và Cà Mau. (Hà Nội mới, trang 7).

Cùng chủ đề Nhân dân, trang 7: “Số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng”.

 

Nhiều trường hợp bị hoại tử xương hàm trên: Bệnh lý phức tạp, hiện chưa có phác đồ điều trị

Ngay sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy công bố 11 trường hợp bị hoại tử xương hàm trên sau mắc Covid-19, nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM như: Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TPHCM, Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM cũng cho biết, thời gian qua tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự và chưa khẳng định có liên quan đến Covid-19 hay không. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, đây là bệnh lý phức tạp, hiện chưa có phác đồ điều trị.

Không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong

Thống kê của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TPHCM, trước đây, trung bình mỗi 3 tháng, bệnh viện tiếp nhận 1 ca hoại tử xương hàm trên, nhưng 5 tháng qua, đơn vị đã ghi nhận 16 trường hợp. Như chị A.T.L. (46 tuổi, ngụ quận 5) phải mất gần 6 tháng chạy chữa nhiều bệnh viện mà không khỏi chứng đau hàm, sưng mặt. Tháng 11-2021 chị mắc Covid-19, sau đó bị đau răng và 10 ngày sau mặt sưng to. Chị được chẩn đoán viêm tủy và điều trị trong 2 tháng. Sau đó, chị được phẫu thuật xoang nhưng bệnh không dứt. Tháng 5-2022, chị được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi đó, bệnh nhân bị hoại tử xương hàm trên, lan rộng đến thái dương, chân bướm. Khi phẫu thuật, mở khung gò má, từ hố dưới thái dương có mủ trào ra và có ổ áp-xe lớn.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, hiện đang có sự tăng đột biến bệnh lý này. Các bệnh nhân có chung triệu chứng đau răng, đau hàm, sưng mặt. Những trường hợp phát hiện sớm, hoại tử chưa lan rộng đã được phẫu thuật, dùng kháng sinh từ 3-6 tuần, sau đó được phục hình hàm. Hiện 13 bệnh nhân tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TPHCM đang ổn định.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, y văn thế giới đã ghi nhận các trường hợp tương tự. Theo đó, có 4 yếu tố nguy cơ được nghi ngờ dẫn đến viêm hoại tử xương hàm trên ở bệnh nhân sau mắc Covid-19. Giả thuyết thứ nhất, có thể do virus SARS-CoV-2 bám vào thụ thể ACE-2, tập trung nhiều ở niêm mạc mũi, miệng; làm tắc vi mạch máu nuôi xương hàm trên. Người mắc Covid-19 gặp tình trạng tăng đông, gây tắc mạch máu không nuôi dưỡng tốt xương. Thứ hai, do việc sử dụng thuốc kháng viêm. Thứ ba, do tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Thứ tư, người bệnh bị tiểu đường gây biến chứng mạch máu, giảm sức đề kháng nên cơ thể dễ bội nhiễm.

Đánh giá trên chùm bệnh nhân hoại tử xương hàm trên tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TPHCM, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân đều từng mắc Covid-19. Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM cũng ghi nhận rải rác các ca hoại tử xương hàm trên. Nhiều chuyên gia lo ngại, có thể nhiều ca bệnh tương tự đang rải rác mà chưa được báo cáo. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do hoại tử xương và viêm nhiễm nghiêm trọng.

Tổ chức hội thảo để tìm hiểu nguyên nhân

Theo GS-TS Trần Minh Trường, Phó Chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, những dấu hiệu cảnh báo gợi ý của các ca bệnh là tình trạng đau nhiều trong thời gian mắc Covid-19 hoặc sau khi đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân sẽ bị đau ở vùng đầu, mặt, thậm chí triệu chứng đau có thể rất mơ hồ, chỉ khu trú tại vùng trung tâm của đầu. Những cơn đau sau khi khỏi Covid-19 không chấm dứt mà thường âm ỉ, khi đi thăm khám ban đầu, hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán là bị viêm xoang. Các biểu hiện lâm sàng của những trường hợp nặng cho thấy, vùng mắt của bệnh nhân sưng lớn, rạch ra có mủ. Đây là những bệnh nhân bị viêm xương sọ, tình trạng viêm lan rộng và tràn xuống mí mắt. Một số trường hợp bị viêm xương sọ ở vùng trán tạo thành các ổ mủ dưới xương. Nhiều bệnh nhân bị hoại tử xương hàm, cấu trúc xương bị phá hủy khiến cả hàm răng lung lay như sắp rụng. Người bệnh đau nhức, dù đã nhổ răng cũng không hết, mất chức năng nhai của hàm răng, hơi thở có mùi hôi…

Đến nay, Bộ Y tế chưa có phác đồ điều trị về bệnh lý này nên ngay cả những trường hợp được chẩn đoán đúng bệnh thì giải pháp nào để xử lý về mặt chuyên môn cũng là vấn đề còn nhiều tranh luận. Đây là loạt ca bệnh xuất hiện trong thời gian ngắn chưa từng có tiền lệ nên việc giải thích bệnh cho bệnh nhân và người nhà gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật, tình trạng bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng.

Chiều 13-7, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, sở đã yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn báo cáo tình hình tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân hoại tử xương hàm trên hậu Covid-19. Dự kiến tuần sau, Sở Y tế tổ chức hội thảo chuyên gia để tìm hiểu nguyên nhân các ca bệnh hoại tử xương hàm trên trong thời gian qua.

Chiều 13-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã yêu cầu ngành y tế khẩn trương tìm hiểu kỹ nguyên nhân bệnh hoại tử xương vùng hàm mặt, sọ ở bệnh nhân sau mắc Covid-19 mà báo đài phản ánh để điều trị cho bệnh nhân được tốt hơn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Đồng chí hoan nghênh ngành y tế đã triển khai ngay cuộc họp với các chuyên gia để phân tích, đánh giá sau khi căn bệnh lạ này xuất hiện và đề nghị ngành y tế tiếp tục triển khai trong thời gian sớm nhất để có câu trả lời một cách khoa học, cụ thể, rõ ràng cho người dân yên tâm và có biện pháp phù hợp đối phó với tình hình. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Hơn 20 ca hoại tử xương hàm sau mắc Covid-19 do bệnh gì?”.

 

GỠ KHÓ ĐẤU THẦU, MUA SẮM THUỐC, VẬT TƯ Y TẾ: Muốn mua thuốc tốt cho bệnh nhân cũng khó!

Các cơ sở y tế đang loay hoay như gà mắc tóc trước khối lượng rất lớn văn bản quy phạm pháp luật liên quan mua sắm thuốc, vật tư y tế. Nhiều lãnh đạo bệnh viện không e ngại, sợ hãi nhưng hành lang pháp lý đầy rủi ro.

Ngày 13/7, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm “Gỡ khó đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý và bác sĩ ở nhiều bệnh viện lớn.

Bệnh viện dễ “dính bẫy” đấu thầu

Chia sẻ về lý do thiếu thuốc, vật tư y tế, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, ngoài nguyên nhân chủ quan là lượng bệnh nhân tăng đột biến sau dịch và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thì nguyên nhân quan trọng nhất, cơ bản nhất là vướng mắc, bất cập từ quy định pháp luật.

Ông Cơ kể, nhiều nhà báo hỏi ông có phải sau nhiều vụ việc lao lý, các giám đốc bệnh viện e dè, sợ sệt? “Cá nhân tôi trả lời không và nhiều giám đốc bệnh viện khác cũng trả lời như thế”, ông Cơ nói, đồng thời cho rằng, câu chuyện chính nằm ở quy định pháp luật thiếu tính cập nhật, bất cập khiến bệnh viện có thể rơi vào “bẫy đấu thầu”.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai lấy ví dụ, giá thuốc, vật tư y tế đấu thầu được công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế. Bệnh viện phải dựa vào công bố giá để làm bài thầu. Nhiều bệnh viện không biết giá thật của vật tư y tế là bao nhiêu bởi sau giá Hải quan nhập về còn thêm thuế, đào tạo nghiên cứu, chuyển giao mới thành giá thị trường. Nếu giá thành bán ra gấp 2, gấp 3 so với giá nhập về từ hải quan thì bệnh viện rơi vào “bẫy thổi giá”. “Vậy cơ quan nào thẩm định, chịu trách nhiệm giá công bố, giúp cơ sở y tế không bị thổi giá. Chúng tôi đề nghị trong văn bản pháp quy tới phải có hướng dẫn cụ thể”, ông Cơ nói.

Một cái bẫy khác, theo PGS Cơ là khi bệnh viện mua máy xét nghiệm thì thường phải mua hóa chất của hãng sản xuất máy nhưng trong bài thầu mà viết hóa chất A đáp ứng máy A thì rơi vào bẫy chỉ định thầu nên các bệnh viện khi làm bài thầu hết sức lúng túng. “Chúng tôi cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng rơi vào bẫy chỉ định thầu. Đây là vấn đề rất khó khăn”, PGS Cơ chia sẻ.

“Rất dũng cảm mới dám vào hội đồng định giá gói thầu”

Ông Cơ cũng nêu một thực tế đau lòng là với cơ chế hiện nay, bệnh viện muốn mua vật tư tốt cho người bệnh rất khó. Nhiều thiết bị vật tư tiêu hao của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ xếp ngang cùng với nhóm của các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Châu Âu. Vì cấu hình kỹ thuật giống hệt nhau nên khi đấu thầu, cái này rẻ, cái đó trúng mà vật tư rẻ đi liền với chất lượng. Nhiều thiết bị, vật tư nhập về chất lượng rất không như ý.

Là người từng trực tiếp liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, ông Hoàng Tuân, Giám đốc Trung tâm mua sắm và thông tin tư vấn tài chính (Sở Tài chính Hà Nội) nêu thực tế, danh mục của Bộ Y tế có đến hơn 5.000 vật tư y tế, được phân làm các nhóm để đấu thầu, mua sắm. Thực tế, không có nhà cung cấp nào có thể cung cấp được tất cả, thành ra phải chia ra nhiều gói thầu. Sau đó, xảy ra tình trạng liên danh với nhau. Khi trúng thầu rồi có khi lại nhập hàng của nhau, khi hậu kiểm có thể dẫn đến kết luận mua bán lòng vòng để tăng giá.

Một vấn đề nữa, theo ông Tuân, các hạng mục mua sắm dưới 100 triệu thì được chỉ định thầu,bình thường không sao, khi kiểm tra, thanh tra lại nói chia nhỏ hạng mục mua sắm để không đấu thầu rộng rãi… “Đồng chí nào phải rất dũng cảm, có trách nhiệm mới dám vào hội đồng thẩm định giá các gói thầu y tế”, ông Tuân nói.

Hà Nội phải huy động cả công an,thanh tra vào đấu thầu, mua sắm

Theo ông Vũ Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế của Hà Nội hiện giao cho Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội) thực hiện. Thành phố đã có chỉ đạo tăng cường lực lượng và chuyên môn cho Trung tâm bằng việc thành lập một tổ công tác hỗ trợ gồm đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, thậm chí cả Thanh tra và Công an thành phố, giúp các cán bộ thực hiện có thể yên tâm triển khai đấu thầu thuốc ngay, giải quyết tình trạng cấp bách hiện nay. (Tiền phong, trang 6).

 

Bộ Y tế yêu cầu xử nghiêm các cơ sở, nhân viên tiếp tay cho đường dây đẻ thuê, buôn bán tinh trùng

Trước tình hình mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê diễn biến phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở xử lý nghiêm nhân viên có hành vi tiếp tay cho các đường dây buôn bán tinh trùng, noãn, phôi, đẻ thuê…

Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế) vừa có công văn số 3704/BYT-BM-TE gửi Sở Y tế các tỉnh, thành; các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng và Y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường phòng chống vi phạm pháp luật về thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Theo đó, thời gian qua, tình hình mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê, lựa chọn giới tính thai nhi có xu hướng diễn biến phức tạp. Truyền thông liên tục đăng các bài phản ánh về các đường dây đẻ thuê – mang thai hộ vì mục đích thương mại (Báo ANTĐ vừa có loạt bài 5 kỳ phản ánh về tình trạng đẻ thuê – PV), mua bán tinh trùng, trứng, phôi đang bị các cơ quan chức năng điều tra và xử lý theo pháp luật.

Hiện cả nước có 45 cơ sở hỗ trợ sinh sản trong và ngoài công lập. Bộ Y tế yêu cầu tăng cường đề phòng mang thai hộ vì mục đích thương mại tại các bệnh viện đã được công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật này. Trong đó, chỉ định mang thai hộ cần được xét duyệt cẩn thận và được lãnh đạo bệnh viện ký chỉ định.

Bộ Y tế lưu ý: Để bảo đảm xác định mối quan hệ thân thích cùng hàng giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ, ngoài Giấy xác nhận của UBND xã, bệnh viện có thể yêu cầu gia đình cung cấp các giấy tờ có liên quan để đối chiếu. Khuyến khích các cơ sở ký hợp đồng với công ty luật về tư vấn pháp lý, trong đó cần có đầy đủ các điều khoản để ràng buộc trách nhiệm trong việc tư vấn pháp lý.

Bộ Y tế cũng yêu cầu thường xuyên kiểm tra, giám sát nội bộ, bảo đảm nhân viên tuân thủ các quy định chống nhầm lẫn, tráo đổi tinh trùng, noãn, phôi. Các cơ sở cần có quy định về việc xử lý nghiêm các nhân viên vi phạm quy định chống nhầm lẫn hoặc để việc nhầm lẫn, tráo đổi xảy ra; tham gia hoặc tiếp tay cho các đường dây buôn bán tinh trùng, noãn, phôi, đẻ thuê.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc Bộ; Y tế các bộ, ngành; Cục Quân y, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại địa bàn, đơn vị mình. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần báo ngay về Bộ Y tế để giải quyết theo thẩm quyền.

Cùng với đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tăng cường các biện pháp chống nhầm lẫn hoặc tráo đổi, mua bán tinh trùng, noãn, phôi bằng cách rà soát, hoàn thiện quy trình chống nhầm lẫn tinh trùng, noãn, phôi.

Bộ Y tế khuyến khích các cơ sở đầu tư và sử dụng phần mềm quản lý các trường hợp cho, nhận tinh trùng, noãn, phôi, thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Cùng đó, việc nhận diện người bệnh và giao tử không chỉ bằng giấy tờ cá nhân, mà có thể sử dụng các kỹ thuật nhận diện sinh trắc học hiện đại như chụp ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để phòng tránh nhầm lẫn hoặc tráo đổi do sử dụng giấy tờ giả. Nên lưu trữ mẫu tinh dịch và mẫu máu để đối chiếu sau này.

Các đơn vị được yêu cầu xây dựng quy trình vận chuyển, tiếp nhận tinh trùng, noãn, phôi giữa các bệnh viện và thường xuyên kiểm tra để phòng tránh việc tráo đổi. Trong quy trình nhận, chuyển phôi, bình trữ phôi và hồ sơ kèm theo cần được bàn giao giữa 2 bệnh viện và có thông tin phản hồi để đảm bảo phôi được chuyển đến đúng đơn vị nhận phôi, phòng tránh việc tráo hồ sơ hoặc phôi bị chuyển cho người khác với mục đích đẻ thuê. (An ninh Thủ đô, Trang 8).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 01/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/10/2021

Ngọc Nga