Điều trị ung thư từ xa
Hệ thống hỗ trợ tư vấn, hội chẩn khám chữa bệnh từ xa được Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ra mắt hôm qua (15.9) sẽ triển khai tới các bệnh viện từ Đà Nẵng trở vào, với kỳ vọng sẽ giúp khoảng 30% bệnh nhân ở tỉnh có thể khám chữa bệnh tại địa phương.
TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM, cho biết Ung bướu là 1 trong 24 BV tuyến trên được BYT chỉ định tham gia đề án “Khám chữa bệnh từ xa (telehealth) giai đoạn 2020 – 2025” và là BV đầu tiên trực thuộc Sở Y tế TP.HCM đưa vào hệ thống hỗ trợ tư vấn, hội chẩn khám chữa bệnh (KCB) từ xa. Đây là chương trình của Bộ Y tế nên hiện tại hội chẩn, tư vấn từ xa với các BV là miễn phí. Buổi hội chẩn 70 điểm cầu
Ngay sau lễ khai trương, BV Ung bướu TP.HCM thực hiện hội chẩn, tư vấn ca bệnh thực tế với BV đa khoa Bình Định và BV Ung bướu Đà Nẵng. Buổi hội chẩn, tư vấn có 70 BV khác cùng theo dõi.
Khoảng 30% BN có thể điều trị tại địa phương
Theo BV Ung bướu TP.HCM, có 7 nhóm hoạt động hỗ trợ từ xa đối với tuyến dưới, gồm: tư vấn y tế từ xa, với việc thành lập và duy trì bộ phận KCB từ xa tại BV để tư vấn sk từ xa, kết nối bác sĩ đến người dân; hội chẩn, tư vấn KCB từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa, chuyên gia chẩn đoán hình ảnh của BV Ung bướu làm việc với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tuyến dưới thông qua các giải pháp truyền tải hình ảnh trực tuyến; hội chẩn tư vấn huyết học, truyền máu, vi sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo; hội chẩn phẫu thuật từ xa, phẫu thuật từ xa có thể sử dụng công nghệ mới như robot và trang bị hệ thống các phòng mổ thông minh, tích hợp theo dõi thông tin của các thiết bị đầu cuối thông minh điều hành cuộc phẫu thuật; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gồm xây dựng chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận những dịch vụ, kỹ thuật tốt của các cơ sở y tế với nhau; truyền thông cho người dân, khuyến khích sử dụng dịch vụ KCB từ xa.
TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết hiện BV có 3.600 – 4.000 BN/ngày khám ngoại trú, 600 BN nội trú; trong đó 75% là BN các tỉnh đến. Ước tính sẽ có khoảng 30% BN ở tỉnh có thể KCB tại BV tỉnh khi triển khai telehealth.
Theo trình bày của BV đa khoa Bình Định, bệnh nhân (BN) nữ 67 tuổi, ngụ Bình Định. Năm 2011, bà bị ung thư vú đã điều trị; năm 2018 mắc ung thư cổ tử cung đã phẫu thuật và xạ trị; nay phát hiện nhiều khối u phổi, nghi ngờ ung thư phổi di căn trên nền BN đã điều trị ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Sức khỏe BN ổn định, nhưng vấn đề đặt ra là điều trị ra sao vì khối u này không biết di căn từ vú hay từ cổ tử cung. Mặt khác, BN không đồng ý sinh thiết, cũng không chịu vào TP.HCM.
Các chuyên gia BV Ung bướu TP.HCM đều có chung nhận định là qua chẩn đoán hình ảnh nghĩ đến ung thư phổi di căn, nhưng chưa biết di căn từ đâu. Vì vậy, phải sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm phổi bằng kỹ thuật xuyên thành (xuyên qua thành ngực, dưới hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh) hoặc nội soi để xét nghiệm tìm ra đặc tính sinh học của u, từ đó có căn cứ xác định khối u di căn từ đâu hoặc là u nguyên phát để có hướng điều trị chính xác nhất.
BN được dẫn vào phòng hội chẩn phía BV tỉnh Bình Định. TS-BS Dũng giới thiệu với BN rằng trước màn hình bà ngồi là các chuyên gia ung thư hàng đầu tại BV Ung bướu TP.HCM và hỏi “sau khi nghe hội chẩn bà có ý kiến gì không?”. BN trả lời và giữ “quan điểm” không vào TP.HCM chữa bệnh: “Tui hồi giờ đau bệnh cũng lâu rồi, 8 – 9 năm, mà nó nhiều bệnh. Giờ mấy bác sĩ lấy cái gì, muốn thử chỗ nào cũng được hết, nhưng phải làm ở BV đa khoa Bình Định chứ đi TP.HCM tôi không đi đâu. Nhờ các bác giúp đỡ”. TS-BS Dũng trấn an: “Nếu bác đồng ý, 2 BV sẽ trao đổi hình ảnh, thông tin cho chính xác. Trường hợp BV đa khoa Bình Định không làm được sinh thiết xuyên thành thì có thể BV Ung bướu sẽ cử người ra làm sinh thiết”. Nghe đến đây, gương mặt BN giãn ra nhẹ nhõm.
“Nếu TS-BS Dũng đồng ý thì BV đa khoa Bình Định rất mong muốn điều trị tới nơi tới chốn BN này. BV Ung bướu TP.HCM có thể cử một đoàn chuyên gia ra để làm sinh thiết xuyên thành”, TS-BS Nguyễn Hoàng Cường, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện đa khoa Bình Định, hồi đáp. Việc này lập tức được Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM đồng ý, bởi nó sẽ giúp điều trị BN tốt hơn, cũng để bác sĩ cả 2 BV học tập trên một ca bệnh có 2 loại ung thư và di căn như thế này.
“Tôi thấy ý nghĩa của việc KCB, hội chẩn từ xa, qua buổi đầu tiên này rất tốt. Chiều 15.9, tôi sẽ gửi công văn vào BV Ung bướu TP.HCM xin hỗ trợ”, ông Cường nói.
Đảm bảo chất lượng điều trị, giảm tải tuyến trên
Theo TS-BS Dũng, BV Ung bướu TP.HCM thực hiện 7 nhóm hoạt động hỗ trợ từ xa đối với tuyến dưới. Trước mắt, mỗi cuối tuần BV sẽ thực hiện tư vấn, hội chẩn một loại bệnh ung thư ở một tỉnh hoặc một đơn vị và số ca thực hiện mỗi lần phải tính toán phù hợp, mục tiêu là giúp các BV địa phương giữ được BN muốn đến BV Ung bướu TP.HCM để điều trị nếu thấy phù hợp.
TS-BS Dũng cho hay, mong muốn của ngành y tế là tất cả BN đến mọi BV không phân biệt tuyến trên – dưới điều trị ung thư thì khả năng tiếp nhận và kết quả điều trị người bệnh hưởng được đều như nhau, nâng y tế VN ngang tầm khu vực. Mặt khác, hạn chế việc chuyển bệnh nhằm đảm bảo an toàn cũng như đỡ chi phí cho người bệnh. Muốn làm được điều này cần có tiền đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, đường truyền đủ mạnh. Đặc biệt là khi sử dụng AI (phần mềm trí tuệ nhân tạo mà BV Ung bướu đang sử dụng trong chẩn đoán ung thư) thì sẽ tốn kém thêm, nhưng sẽ phải làm nếu muốn nâng tầm BV trong lĩnh vực điều trị ung thư.
“Làm sao phải đào tạo được nhân lực đồng bộ, nếu hội chẩn từ xa nhưng tuyến dưới không làm được mà chuyển về BV Ung bướu thì chưa hiệu quả. Cơ sở vật chất phải nâng lên để chuyển tải hình ảnh động từ máy chụp qua đường truyền có chất lượng tốt, ngoài ra là còn có chức năng lưu trữ hình ảnh để sử dụng. Như vậy mới phát huy được tác dụng của hội chẩn, KCB từ xa”, TS-BS Dũng lưu ý và thông tin thêm: hiện BV Ung bướu đã tổ chức phòng khám quốc tế, tiến hành chương trình hợp tác với Nhật, Singapore để hội chẩn, tư vấn từ xa để cho BN muốn khám, hội chẩn với nhiều chuyên gia các nước này, chi phí do BN trả.
Tại lễ ra mắt, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh việc sử dụng hệ thống telehealth trong giai đoạn Covid – 19 hiện rất có ý nghĩa, người bệnh không phải di chuyển từ các tỉnh đến BV Ung bướu sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho BV tuyến trên. “Sở Y tế đặt hàng BV Ung bướu TP.HCM hình thành phòng hội chẩn 2 hội đồng. Hội đồng thứ nhất gồm các chuyên gia về ung thư và thứ 2 là hội đồng trí tuệ nhân tạo mà BV đã ký kết với đối tác để sử dụng trong chẩn đoán nâng cao độ chính xác cho BN ở các tỉnh”, PGS-TS Thượng nói.
Cũng theo ông Thượng, BV Ung bướu không chỉ hỗ trợ hội chẩn cho các BV phía nam do Bộ Y tế giao nhiệm vụ mà còn hội chẩn cho các BV quận huyện, BV tư nhân ở TP. Vì vậy, đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn để có mức thu phù hợp cho các hội chẩn với cơ sở y tế tư nhân. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM giao BV Ung bướu tư vấn chuyên môn cho các bác sĩ KCB ban đầu trạm y tế và phòng khám bác sĩ gd khi có nghi ngờ ung thư. (Thanh niên, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Tuổi trẻ, trang 14).
13 ngày liên tiếp cả nước không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, đã 13 ngày liên tiếp cả nước không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Ngày 15.9, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới; 5 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh Quảng Nam đã được công bố khỏi bệnh. Trong số 1.063 ca mắc Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch, có 691 ca do lây nhiễm trong nước; 35 ca tử vong. Có 32.578 người đang được cách ly y tế theo dõi sức khỏe. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, đã 13 ngày liên tiếp cả nước không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng nhưng vẫn có nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Vì vậy, người dân cần duy trì các giải pháp phù hợp chung sống an toàn như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người; giữ khoảng cách tối thiểu 1 m tại các khu vực công cộng và thông báo kịp thời với cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở. (Thanh niên, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Lao động, trang 3).
Nhiều địa phương nới lỏng kiểm soát dịch Covid-19
Sau nhiều ngày không phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều địa phương đã từng bước nới lỏng biện pháp kiểm soát dịch nhằm đẩy nhanh phục hồi kinh tế.
Hà Nội cho karaoke, vũ trường hoạt động trở lại
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội ngày 15.9, ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết trên địa bàn đã hết ổ dịch nhưng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vẫn thường trực, nên toàn TP vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, Hà Nội cũng sẽ nới lỏng việc tổ chức các sự kiện tập trung đông người, yêu cầu phải đeo khẩu trang. Các sự kiện mít tinh, tập trung đông người cần thiết phải được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Phố đi bộ ở bờ hồ Hoàn Kiếm được phép hoạt động trở lại từ ngày 18.9. Các cơ sở kinh doanh, sản xuất đông người, quán bar, karaoke, vũ trường hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 16.9 nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, nhân viên phải đeo khẩu trang, người ra vào phải khử khuẩn.
Tại cuộc họp, Sở Du lịch Hà Nội cho biết cả TP mới chuẩn bị được khoảng 2.000 giường phục vụ cách ly tại các khách sạn khi nối lại các đường bay thương mại. Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Quý, nếu mở lại đường bay quốc tế, thời gian đầu mỗi tuần sẽ có 6 chuyến bay đến sân bay Nội Bài, trung bình khoảng 2.000 người, trong 2 tuần sẽ là 4.000 người. Do đó, cần phải có khoảng 4.000 – 5.000 giường để phục vụ cách ly. Ông Quý cũng yêu cầu Sở Y tế khẩn trương mua sắm vật tư phòng dịch vì hiện chỉ còn 1.200 kit xét nghiệm.
Thừa Thiên-Huế dỡ kiểm soát người đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam
Ngày 15.9, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành văn bản hướng dẫn kiểm soát người từ vùng dịch (Đà Nẵng) trở về. Theo đó, từ 0 giờ hôm nay (16.9), người và phương tiện từ TP.Đà Nẵng vào địa bàn Thừa Thiên-Huế không cần kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR như trước đây, nhưng phải đăng ký tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được xem xét, phê duyệt, đồng thời xuất trình kết quả phê duyệt tại chốt kiểm tra liên ngành; trường hợp vướng mắc thì liên lạc về tổng đài 19001075 để được hướng dẫn, hỗ trợ. Công dân đi về trong ngày tự theo dõi sức khỏe; lưu trú trong thời hạn 3 ngày phải khai báo y tế, theo dõi sức khỏe; lưu trú trên 3 ngày phải tự theo dõi sk, khai báo y tế, tự cách ly nơi cư trú đến ngày 25.9 (trong trường hợp Đà Nẵng không phát hiện thêm ca nhiễm Covid-19 mới)…
Bình Định dừng hoạt động nhiều chốt kiểm tra y tế
Chiều 15.9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh ký công văn về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, áp dụng từ 0 giờ ngày 16.9. Theo đó, Bình Định sẽ dừng hoạt động các chốt kiểm tra y tế tại đèo Bình Đê, ga Bồng Sơn (TX.Hoài Nhơn), Bến xe Quy Nhơn (TP.Quy Nhơn), ga Diêu Trì (H.Tuy Phước), chỉ tiếp tục duy trì chốt kiểm tra tại cảng Quy Nhơn (TP.Quy Nhơn) và sân bay Phù Cát (H.Phù Cát). Tỉnh cũng sẽ dừng thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú, nơi làm việc đối với người đến hoặc về tỉnh Bình Định từ TP.Đà Nẵng, chỉ thực hiện cách ly y tế đối với trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh (ho, sốt…).
UBND tỉnh Bình Định cũng cho phép thực hiện hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19… (Thanh niên, trang 4).
Công tác phòng chống dịch vẫn phải là nhiệm vụ thường xuyên
Chiều 15-9, BCĐ phòng chống dịch Covid-19 UBND TP Hà Nội đã họp trực tuyến với các quận huyện, thị xã để tiếp tục các biện pháp, kiểm soát dịch bệnh.
Mở rộng các khách sạn phục vụ cách ly với người nhập cảnh
Để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại các đường bay thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở này cùng Sở Y tế đã khảo sát 1 số khách sạn trên địa bàn. Đến ngày 14-9, đã có 8 khách sạn được TP phê duyệt là khu cách ly là chuyên gia nước ngoài, lao động tay nghề cao nhập cảnh vào Việt Nam, tổ bay…
Trong thời gian sớm nhất, Sở sẽ đề xuất TP xem xét đồng ý thêm 7 khách sạn là khu cách ly tập trung. Như vậy TP sẽ có gần 1.500 phòng để cách ly, sẵn sàng phục vụ người nước ngoài, người Việt Nam nhập cảnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý thông tin, theo dự kiến của Bộ GTVT, Việt Nam sẽ sớm khôi phục đường bay tới 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình Hà Nội mỗi tuần sẽ có gần 2.000 người nhập cảnh nên Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu: “Ít nhất chúng ta phải có 5.000 giường. Các đơn vị cần khẩn trương bổ sung thêm số khách sạn trên tinh thần phải đảm bảo phòng dịch, tuyệt đối an toàn. TP ủy quyền cho Sở Y tế cấp phép y tế cho các trường hợp xin nhập cảnh, không phải trình TP để tiết kiệm thời gian”.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương và đánh giá cao các đơn vị, địa phương đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Nêu tuần tới là thời gian cao điểm các hoạt động kỷ niệm của TP Hà Nội như Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô… Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý Hà Nội vẫn là địa phương có nguy cơ cao lây nhiễm. Vì vậy, công tác phòng chống dịch vẫn phải là nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị trên địa bàn TP.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không chủ quan lơ là phòng chống dịch.
Thành ủy sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch; quy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy nếu xảy ra vấn đề các vi phạm. Phố đi bộ hồ Gươm hoạt động trở lại từ ngày 18-9
Tại phiên họp, quận Hoàn Kiếm đề xuất UBND TP cho phép tổ chức lại các hoạt động ở không gian đi bộ quanh hồ Gươm và cam kết sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đồng ý việc tổ chức trở lại hoạt động phố đi bộ quanh hồ Gươm từ ngày 18-9.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh, Hà Nội đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Đến nay TP đã qua 28 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng. Các quận huyện thị xã đã triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo mới của Thủ tướng và TP.
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng dịch theo chỉ đạo của Trung ương và TP, trong đó tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền để người dân thực hiện “5K”. “Nới lỏng tụ tập đông người, không đặt ở con số 30 người nhưng mọi người phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang”, ông Quý nói.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo: Các cơ sở quán bar, karaoke, vũ trường được phép hoạt động trở lại từ 0h ngày 16-9 nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch, phòng chống cháy nổ….
“Sở Y tế khẩn trương tiến hành mua sắm vật tư phòng dịch. Hiện chỉ còn 1.200 kít xét nghiệm khi có yêu cầu sẽ không đảm bảo. TP đã chỉ đạo nhiều lần mà vẫn chưa thực hiện được”, Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ. (An ninh Thủ đô, trang 1).
Năm bệnh viện ở Hà Nội được thụ hưởng buồng lấy mẫu Covid-19 trị giá 3,1 tỷ đồng
Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã chuyển giao 5 bộ buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và giường vận chuyển bệnh nhân truyền nhiễm trị giá hơn 3,1 tỷ đồng cho 5 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
Chiều nay, 15-9, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nam tổ chức chương trình tiếp nhận và trao tặng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống Covid-19.
Theo đó, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã chuyển giao 5 bộ buồng lấy mẫu và giường vận chuyển cho 5 cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội, gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Đồng thời, chuyển bộ xét nghiệm cho biên phòng Lạng Sơn và Sở Y tế tỉnh Bình Định.
Ban tổ chức cho biết, 5 buồng di động lấy mẫu xét nghiệm và 5 giường vận chuyển bệnh nhân truyền nhiễm kể trên do doanh nghiệp tài trợ có trị giá lên tới hơn 3,1 tỷ đồng; 5 bộ xét nghiệm PCR và spotcheck để xét nghiệm Covid-19 có trị giá 1,1 tỷ đồng.
Được biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng trở lại vào cuối tháng 7 vừa qua, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tái khởi động chương trình “Triển khai các hoạt động Hỗ trợ y tế trong giai đoạn Bình thường mới” với nhiều hoạt động cụ thể.
Từ ngày 26-7 đến nay, chương trình đã trao tặng 1,5 triệu khẩu trang y tế cho 29 đơn vị phục vụ công tác phòng, chống Covid-19; hỗ trợ Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng 5.500 bộ bảo hộ cho Đà Nẵng, Hải Dương và Quảng Nam; tặng 1.000 test xét nghiệm PCR và sinh phẩm cho Quảng Nam…
GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế – Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhận định, trong tình hình hiện nay, xu hướng của Chính phủ là mở cửa để phát triển kinh tế. Việc tăng cường trang bị trang thiết bị hiện đại cho y tế tuyến đầu sẽ góp phần cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu kép về phát triển kinh tế và phòng chống dịch. (An ninh Thủ đô, trang 4).
Hà Nội: Sốt xuất huyết tăng nhanh ở các quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và Hà Đông
Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 399 ca mắc sốt xuất huyết, gần gấp đôi những tuần trước đó. Số mắc có xu hướng tăng nhanh ở các quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông…
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 7 đến 13-9, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 399 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 2.201.
Đáng chú ý, thời điểm này, dịch SXH ở Hà Nội đang bước vào mùa cao điểm. Số mắc mới liên tục tăng nhanh từ giữa tháng 8 đến nay, riêng số mắc trong tuần vừa qua đã tăng gần gấp đôi số mắc ở tuần đầu tiên của tháng 9 (tăng 171 trường hợp).
Về phân bố của dịch, số mắc SXH cao nhất ở các quận gần trung tâm, huyện ven đô. Trong đó, quận Nam Từ Liêm có 48 ca, Hoàng Mai 33 ca, Hà Đông 23 ca, Thường Tín 57 ca, Thanh Oai 26 ca…
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa – bệnh viện đầu ngành về bệnh truyền nhiễm của Hà Nội cũng cho thấy, số bệnh nhân nhập viện vì SXH bắt đầu tăng cao từ tháng 8-2020 đến nay.
Hiện tại, bệnh viện này đang điều trị nội trú cho 15 bệnh nhân SXH, là những ca bệnh có biểu hiện nặng hoặc có bệnh lý nền phức tạp. Ngoài ra, có rất nhiều ca SXH khám ngoại trú.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuy số ca mắc SXH của Hà Nội từ đầu năm đến nay giảm so với cùng kỳ của các năm 2019 nhưng qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, các yếu tố nguy cơ để phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn hiện hữu.
“Theo chu kỳ hằng năm, đỉnh dịch SXH ở Hà Nội là từ tháng 9 đến tháng 11. Do đó, các địa phương cần phải quyết liệt triển khai hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phòng chống dịch bệnh” – ông Hoàng Đức Hạnh đề nghị. (An ninh Thủ đô, trang 4).
Vật tư thiết bị y tế chính thức được bổ sung vào danh mục hàng dự trữ quốc gia
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia nhằm đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh và sự kiện y tế khẩn cấp. Sáng nay, 15-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia và bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia.
Về việc bổ sung vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, nguồn vật tư, thiết bị y tế dự trữ thường xuyên tại các cơ sở y tế không đủ đáp ứng.
Do vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cũng như chủ động đáp ứng yêu cầu khẩn cấp về y tế trong các tình huống đột xuất do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn và các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra tương lai, việc bổ sung thêm nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Dự trữ quốc gia là rất cần thiết.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải tán thành việc cần thiết ban hành Nghị quyết về bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia, đồng thời khẳng định việc bổ sung này là phù hợp với quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào danh mục hàng hóa dự trữ quốc gia, và giao cho Chính phủ quy đinh chi tiết các mặt hàng này đảm bảo các tiêu chí theo quy định của pháp luật. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Với Nghị quyết về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ ngày 01/6/2019 đến ngày 31/5/2020, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đã xuất cấp tổng số 23.000 tấn gạo để cứu trợ cho nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, hỗ trợ Tết Nguyên đán…, giúp nhân dân vượt qua khó khăn.
Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 274 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho Bộ Tài chính để mua bù tổng số 23.000 tấn gạo đã xuất. Số kinh phí được bổ sung sử dụng để mua lương thực theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.
Đại diện cơ quan thẩm tra tờ trình này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, việc xuất cấp 23.000 tấn gạo để cứu trợ cho nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, hỗ trợ Tết Nguyên đán… là cần thiết.
Cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung kinh phí như Tờ trình của Chính phủ là phù hợp với quy định của Luật Dự trữ quốc gia.
Với 100% các thành viên tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia. (An ninh Thủ đô, trang 3).