Người tâm thần liên tiếp gây trọng án: Lỗ hổng trong quản lý, chăm sóc
Thời gian qua, người có tiền sử tâm thân liên tiếp gây ra các vụ án mạng kinh hoàng khiến nhiều người nghi ngại về việc quản lý nhóm đối tượng này trong cộng đồng.
Chỉ 20% người tâm thần được quản lý
Theo thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, ước tính hiện nay tại Việt Nam có khoảng 15% dân số bị rối nhiễu tâm trí, tương đương gần 15 triệu người. Trong đó số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (gần 400.000 người). Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: Tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy…
Ông Tô Đức – Phó Giám đốc Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, theo thống kê của Bộ LĐTBXH mới chỉ có 15 – 20% người tâm thần (NTT) được quản lý, theo dõi, điều trị tại gia đình. Nguyên nhân khiến bệnh nhân chưa được chăm sóc, quản lý là do nhiều tỉnh, thành phố vẫn thiếu cán bộ chuyên ngành tâm thần, chưa có trung tâm chăm sóc người bệnh. Đa phần việc giám sát hành vi của NTT ngoài xã hội hiện chỉ trông vào gia đình người bệnh. Tuy nhiên, việc giao cho gia đình quản lý cũng hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo ông Đức, hiện nay chưa có thông tư hướng dẫn hay nghị định quy dịnh cụ thể về trách nhiệm quản lý, chăm sóc NTT tại cộng đồng. Duy nhất chỉ có Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là chỉ khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Như vậy, trách nhiệm đưa NTT khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình và phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh kinh tế.
Ông La Đức Cương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 chia sẻ, hiện nay việc quản lý NTT đang có nhiều những lỗ hổng. Bởi vậy, khó có thể tránh được những vụ án đau lòng do người tâm thần gây ra.
Theo bác sĩ Cương, hiện có 2 nhóm người bị bệnh tâm thần được quản lý là tâm thần phân liệt và động kinh. Họ được cấp phát thuốc miễn phí hàng tháng và theo dõi sức khỏe. Nếu bệnh tái phát thì cán bộ y tế sẽ báo lên huyện rồi lên tỉnh để cán bộ y tế có chuyên môn tâm thần về kiểm tra, tư vấn cho người nhà có nên đưa họ đi chữa trị tập trung tại các cơ sở y tế hay không. Tuy nhiên, để đưa được NTT phát bệnh đi điều trị bắt buộc cũng không dễ.
“Hiện tại có văn bản yêu cầu cưỡng chế NTT nặng đi điều trị bắt buộc tuy nhiên lại chưa đề cập đến việc ai là người có trách nhiệm đưa đi. Do đó, nếu nhân viên y tế vận động người nhà đưa NTT đi điều trị nhưng người nhà không đồng ý thì y tế cũng không làm gì được” – ông Cương cho biết.
Địa phương bó tay
Bà Nguyễn Thanh Thủy – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hoà Bình cho biết hiện Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thuộc Sở LĐTBXH hiện chăm sóc, điều trị cho 300 người yếu thế, trong đó có 120 bệnh nhân tâm thần. Có những bệnh nhân được điều trị ổn định khi về địa phương với các mối quan hệ trong cuộc sống bệnh lại tái phát.
Theo ngành y tế, số lượng người tâm thần ngoài cộng đồng còn nhiều nhưng vấn đề hồ sơ pháp lý để đưa người bệnh vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh còn khó khăn, vì lập bệnh án phải có một quá trình theo dõi ở cơ sở. Cơ sở vật chất của Trung tâm cũng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Để góp phần quản lý, phòng ngừa NTT phạm tội cần làm rõ những quy định về sức khỏe tâm thần để xác định đối tượng. Theo phân cấp trách nhiệm, nhất là ở cấp xã cần rà soát, theo dõi, quản lý người bệnh; gia đình quan tâm, làng xóm hỗ trợ. Mặt khác, tăng cường cơ sở vật chất cho Trung tâm như mở rộng quy mô, đủ trang thiết bị chăm sóc, điều trị.
“Trong khi việc quản lý tại trung tâm chăc sóc, bảo trợ không được lâu dài, NTT giao về gia đình thì gia đình lại không có cách quản lý hiệu quả. Phần lớn các gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn, khả năng chăm sóc, chữa trị là rất hạn chế nên bệnh ngày càng trầm trọng. Khi đối tượng này lên cơn thì gia đình không có biện pháp ngăn chặn, đề phòng. Và gia đình thường phải xích, gông cùm lại. Trong khi đó, cơ sở chăm sóc y tế tại địa phương lại không theo dõi thường xuyên để phát hiện, cấp phát thuốc cho các đối tượng này” – bà Thuỷ nói.
Nhiều bệnh tâm thần nguy hại
Còn theo bác sĩ La Đức Cương thì số NTT phân liệt chưa phải là “mối nguy” lớn cho cộng đồng vì ít ra họ vẫn được quản lý, quan tâm. Số NTT đang được quản lý chỉ chiếm số nhỏ NTT đang có ở cộng đồng. Vẫn còn hàng trăm nghìn NTT chưa được chăm sóc thỏa đáng. Ngoài ra còn nhiều bệnh tâm thần tiềm ẩn nguy hại lớn, khó lường như bệnh trầm cảm, ngáo đá, nghiện rượu…
“Bệnh nhân trầm cảm nặng thường có xu hướng tự tử nhưng trước đó họ lại dễ gây ra những hành vi giết người hàng loạt rồi mới tự tử. Còn người ngáo đá có những cơn hoang tưởng, ảo giác đối với những “kẻ thù”, “quái vật” nên dễ tấn công những người xung quanh, gây ra các vụ thảm sát. Còn người nghiện rượu đến một mức độ nào đó cũng sẽ có hoang tưởng, hung hăng, gây thương tích cho người khác không gớm tay… Tuy nhiên những đối tượng này hầu như chưa được cộng đồng chú ý để có các biện pháp ngăn chặn. Chỉ khi các vụ thảm sát xảy ra, để lại nhiều hậu quả kinh hoàng, đau thương mới “ồ”, “à”, cảnh báo, báo động thì đã muộn rồi” – bác sĩ Cương phân tích.
Theo bác sĩ Cương, cộng đồng thường có cách hiểu không đúng về bệnh tâm thần. Nhiều người cho rằng người nào mắc bệnh “điên” sau khi điều trị khỏi các triệu chứng thì coi như đã khỏi. Nhưng trên thực tế họ luôn tiềm ẩn nguy cơ tái phát bệnh nếu gặp các biến cố lớn (thất nghiệp, thất tình, người thân mất, ốm nặng…) hoặc tiếp tục duy trì các thói quen xấu (nghiện rượu, dùng thuốc kích thích). (Nông thôn ngày nay, trang 2).
Đề nghị Quốc hội giám sát việc phòng chống xâm hại trẻ em
Ngày 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ.
Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ giám sát 1 chuyên đề. Tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế – xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm…
Trên cơ sở kết quả lựa chọn, Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 nội dung chuyên đề và đề nghị xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề để báo cáo Quốc hội: Chuyên đề 1, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; chuyên đề 2, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên; chuyên đề 3, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.
Cho ý kiến về việc lựa chọn các nội dung giám sát, hầu hết các đại biểu trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn chuyên đề 1 và 2 để trình ra Quốc hội, trong đó chuyên đề 1 nhận được nhiều đại biểu đồng tình. “Đứng ở góc độ tư pháp, liên quan tới việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em trong thời gian qua, Quốc hội cần lên tiếng về vấn đề này. Tôi cho là việc này được đa số đại biểu Quốc hội thống nhất”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Không chất vấn tất cả các trưởng ngành
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 5 tới. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội đang khẩn trương phối hợp, hoàn thiện ứng dụng cung cấp thông tin trên thiết bị di động để phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này.
Ông cũng đề nghị nghiên cứu thực hiện xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về một số nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau để tiết kiệm thời gian, nâng cao trách nhiệm của đại biểu trong việc thể hiện chính kiến, có kết quả kịp thời cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo. Nội dung và các phương án xin ý kiến sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu trước khi thể hiện chính kiến thông qua hệ thống điện tử.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 19 ngày (dự kiến từ 20/5 -13/6), trong đó sẽ bổ sung 4, rút 3 dự án luật. Đáng chú ý tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn bằng việc lựa chọn các chuyên đề như thường lệ, không chất vấn tất cả các trưởng ngành như kỳ họp trước. (Tiền phong, trang 3; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Bắc Giang: Đẩy mạnh hoạt động truyền thông chuyên biệt về chăm sóc SKSS
Ngay trong năm đầu tiên triển khai mô hình, Bắc Giang đã từng bước phấn đấu đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức, cung cấp dịch vụ DS – KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên, góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số.
Thành lập các CLB Dân số tại các doanh nghiệp
Bắc Giang triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020” tập trung vào 3 mô hình truyền thông chuyên biệt: Mô hình truyền thông cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho thanh niên lao động tại các khu/cụm công nghiệp; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình truyền thông về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho VTN/TN trong trường học.
Trong năm 2018, thực hiện mô hình truyền thông cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho thanh niên lao động tại các khu/cụm công nghiệp, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Giang triển khai các hoạt động chính gồm: Tuyên truyền tháng công nhân bằng hàng chục băng rôn, khẩu hiệu vượt đường tại các khu/cụm công nghiệp… Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên đoàn Lao động và Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Tân Yên và TP Bắc Giang tổ chức 12 cuộc truyền thông, cung cấp thông tin về dân số, sức khỏe sinh sản (SKSS) và KHHGĐ cho hơn 1.000 công nhân là thanh niên lao động. Đồng thời thành lập 5 câu lạc bộ (CLB) DS-SKSS tại 5 doanh nghiệp đóng trên địa bàn của 5 địa phương trên.
CLB DS-SKSS được thành lập tại các doanh nghiệp đã thu hút sự tham gia của 150 thành viên là cán bộ công đoàn, cán bộ y tế, đoàn thanh niên và các tổ trưởng công đoàn. Hoạt động của các CLB nhằm tập hợp nhóm đối tượng là đoàn viên công đoàn, công nhân lao động vào sinh hoạt với nội dung về DS/SKSS/KHHGĐ và các vấn đề có liên quan, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, đảm bảo lợi ích của các thành viên, cộng đồng và xã hội. CLB có nhiệm vụ tập hợp các đối tượng đến sinh hoạt định kỳ để phổ biến, tuyên truyền, giáo dục các nội dung về DS/SKSS/KHHGĐ và các vấn đề có liên quan. Giới thiệu, hướng dẫn sử dụng và cung cấp các dụng cụ, phương tiện tránh thai cho người lao động, đặc biệt là thanh niên. Thu thập và giải đáp các vấn đề về DS/SKSS/KHHGĐ cho hội viên. Thông qua hoạt động của CLB giúp hội viên và công nhân lao động trong doanh nghiệp nâng cao nhận thức và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về DS/SKSS/KHHGĐ, đồng thời có được các kỹ năng sống cần thiết để thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc SKSS cho mình.
Ngay sau lễ ra mắt, các CLB được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh trao các sản phẩm truyền thông để hoàn thiện các phòng tư vấn SKSS/KHHGĐ trong doanh nghiệp gồm tủ truyền thông phương tiện tránh thai, pano, poster, tờ rơi, sách lật phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, tư vấn về DS/SKSS/KHHGĐ.
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động CLB, nâng cao năng lực cho Ban Chủ nhiệm CLB và hội viên để họ trở thành tuyên truyền viên và giáo dục viên đồng đẳng trong lĩnh vực DS/SKSS/KHHGĐ cho nhóm đối tượng là công nhân lao động trong doanh nghiệp.
Đẩy mạnh mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân
Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động. Giai đoạn 2010 – 2016, mô hình được triển khai tại 60/230 xã, phường, thị trấn. Năm 2018, mô hình được mở rộng thêm ở 40 xã. Tại các địa bàn triển khai mô hình, Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp với Phòng GD&ĐT các huyện/thành phố thực hiện các hoạt động: Kiện toàn, duy trì hoạt động và thành lập mới các CLB DS-SKSS trong trường THCS; tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho hàng nghìn lượt thành viên, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho 1.300 VTN/TN là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo; truyền thông cung cấp thông tin về DS/SKSS/KHHGĐ và các dịch vụ chăm sóc SKSS vị thành niên cho 6.600 cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên. Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức 50 cuộc tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho thành viên các CLB DS-SKSS tại khu/cụm công nghiệp, nhà trọ công nhân và thành viên các CLB DS-SKSS tại 8 trường THPT thuộc 2 huyện Hiệp Hòa và Việt Yên.
Mô hình truyền thông về dân số, chăm sóc SKSS cho VTN/TN trong trường học (còn gọi là mô hình sinh hoạt ngoại khóa về kiến thức dân số – sức khỏe VTN/TN) năm 2018 được triển khai với những hoạt động trọng điểm: Thành lập 36 CLB DS-SKSS trong 12 trường THPT thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Tân Yên với sự tham gia của gần 1.500 em học sinh và các thày cô giáo phụ trách mô hình. Bước vào năm học 2018 – 2019, 200 thành viên Ban Chủ nhiệm được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động CLB; các nhà trường được tiếp nhận các sản phẩm truyền thông cho Góc thân thiện là hệ thống pano đồng bộ, poster, tờ rơi, sách lật, sách tư vấn tiền hôn nhân, sách nhỏ VTN/TN – những điều cần biết, loa cầm tay phục vụ hoạt động tuyên truyền, tư vấn về kiến thức dân số – sức khỏe VTN/TN. Đồng hành cùng con bước qua tuổi vị thành niên tươi đẹp, Hội cha mẹ học sinh của các trường cũng được tham gia vào các cuộc truyền thông cung cấp thông tin về dân số – sức khỏe VTN/TN và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe VTN/TN do Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức tại trường. Hàng nghìn em học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa lý thú và bổ ích qua các Hội thi giao lưu tìm hiểu kiến thức dân số – sức khỏe VTN/TN do Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT, các cụm trường tổ chức. (Gia đình & Xã hội, trang 6).
Bộ Y tế kiểm tra thông tin thu phí người chăm nuôi bệnh nhân
Mới đây, đứng trước thông tin các bệnh viện sẽ thu phí người nuôi bệnh, rất nhiều người dân có ý kiến trái chiều và bức xúc. Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết sẽ cho kiểm tra lại việc thu phí người chăm nuôi bệnh nhân tại các bệnh viện. nếu xác định có bất hợp lý sẽ có ý kiến chính thức. Đề nghị Sở Y tế nơi nhận được ý kiến phản ánh của gia đình bệnh nhân cũng cần rà soát, căn cứ trên các quy định để chấn chỉnh nếu thực hiện không đúng. “Trong cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư 37/2018/TT-BYT đang có hiệu lực, giá viện phí được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế… (Gia đình & Xã hội, trang 7).
Phát triển y tế cơ sở để phòng chống các bệnh không lây nhiễm
Sáng 16-4 tại TPHCM, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm và mục tiêu 2 năm của Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016-2020 với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau 3 năm triển khai, đến nay Chương trình mục tiêu y tế – dân số giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: mạng lưới y tế phát triển rộng khắp; kiểm soát được các bệnh, dịch mới nổi, không có dịch lớn xảy ra, số người mắc và chết vì dịch bệnh giảm.
Bên cạnh đó, chương trình cũng đã bảo vệ thành công thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, duy trì tỷ lệ tiêm chủng trên 95% cho trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai…
Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm từ 17,5% năm 2010 xuống còn 13% năm 2018. Các địa phương cũng đã chú trọng phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, phát triển y tế học đường. Cả nước cũng kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng ở mức 0,3% và giảm thiểu số người nhiễm mới; tuổi thọ người dân được nâng cao…
Tuy nhiên người đứng đầu ngành y tế cũng nhìn nhận, chương trình cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức mới, nhất là trong bối cảnh các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư… đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng, tàn phá sức khỏe, tính mạng của người dân.
Việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng khó khăn vẫn còn hạn chế… Trong khi đó, nguồn lực để thực hiện chương trình này lại đang rất hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước vì Quỹ Bảo hiểm y tế hiện mới chỉ chi trả cho khám, điều trị khi đã mắc bệnh; chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm và bố trí kinh phí để thực hiện chương trình.
Trước thực trạng đó, để có thể hoàn thành Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, thời gian tới cần xây dựng, đổi mới hoạt động mạng lưới hệ thống y tế cơ sở trên cả nước, bởi đây là “những người gác cổng” có vai trò quan trọng trong việc phòng chống các loại bệnh tật cả lây nhiễm và không lây nhiễm trong cộng đồng.
Đồng thời cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản tại các trạm y tế để người dân có thể tiếp cận dịch vụ một cách tốt nhất ở nơi gần nhất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về lối sống lành mạnh của cộng đồng như: tập thể dục giữa giờ, tăng cường đi bộ, chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế rượu bia, thuốc lá… nhằm hạn chế mắc các loại bệnh không lây nhiễm. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Nhiều thực phẩm chức năng vi phạm quảng cáo
Ngày 16-4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo các thực phẩm chức năng (TPCN) bảo vệ sức khỏe, gồm: Vương Lực Khang, LiveSpo COLON và Dầu gan cá tuyết hương chanh.
Cụ thể, trên trang web: banlinhdanong.meohay.website, colon.vn, nhathuocphuongchinh.com/mollers-tran có quảng cáo các sản phẩm trên nhưng khi Cục An toàn thực phẩm mời các công ty lên làm việc thì đại diện doanh nghiệp cho biết họ không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên website.
Cục An toàn thực phẩm cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý những sai phạm liên quan tới các sản phẩm TPCN nêu trên và khuyến cáo người tiêu dùng không mua sản phẩm trên các website nêu trên. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Lồng ghép nhiều chương trình y tế tại tuyến cơ sở
Đó là định hướng được Bộ Y tế đưa ra ngày 16-4 tại Hội nghị sơ kết ba năm và mục tiêu hai năm của chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016-2020 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm đạt mục tiêu của chương trình như: tăng cường lồng ghép các hoạt động tập huấn, đào tạo, kiểm tra, giám sát hoạt động chuyên môn, đẩy mạnh truyền thông trong cộng đồng nhằm giảm nguy cơ mắc dịch bệnh… (Nhân dân, trang 5).