Điểm báo ngày 17/7/2020

(CDC Hà Nam)
Hai bé đã ổn định, đang được chăm sóc đặc biệt; Vì sao khó xử lý người bán giả “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh?; Tự hào các thầy thuốc Việt Nam; Trẻ mắc tay chân miệng nhập viện tăng 5 – 6 lần cùng kỳ 2019

Hai bé đã ổn định, đang được chăm sóc đặc biệt

Ngày 16-7, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi được phẫu thuật tách rời vào ngày 15-7 hiện đang được chăm sóc đặc biệt, theo dõi sát sao hậu phẫu. Các bé đã ổn định, sốt nhẹ. Hiện cả hai chị em vẫn đang được giảm đau, an thần và tiếp tục thở máy.

Hai bé được truyền dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Trong quá trình hậu phẫu, hai bé sẽ tiếp tục được hồi sức ổn định hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, chăm sóc vết mổ và bắt đầu quá trình tập vật lý trị liệu lâu dài.

Dự kiến, sau 3 tháng nữa, hai bé sẽ tiếp tục được phẫu thuật tái tạo đường tiêu hóa, tiết niệu. Cặp song sinh sẽ được theo dõi sức khỏe cho đến năm 18 tuổi.

Như tin đã đưa, sáng 15-7, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã diễn ra ca mổ tách dính hai bé gái Diệu Nhi và Trúc Nhi – cặp song sinh dính liền vùng bụng chậu cực kỳ hiếm gặp. Sau gần 12 tiếng đồng hồ với sự tham gia của gần 100 chuyên gia, y bác sĩ của các bệnh viện đầu ngành thành phố, ca phẫu thuật đã kết thúc tốt đẹp và thuận lợi (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Vì sao khó xử lý người bán giả “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh?

Người dân khắp nơi tìm về các huyện lỵ xa xôi, sát chân Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam, Kon Tum để hy vọng mua được sâm Ngọc Linh (sâm K5) thật. Nhưng, mua được sâm thật hiện khó như “mò kim đáy bể”, bởi sâm giả bày bán tràn lan. Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa có chế tài và khó tìm ra căn cứ pháp lý để xử lý nghiêm minh vấn nạn này.   Sâm Ngọc Linh phân bổ ở vùng núi cao thuộc các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, được Chính phủ công nhận là sản phẩm Quốc gia. Ngoài giá trị bổ dưỡng cao, sâm Ngọc Linh (sâm K5) còn có giá trị chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ như thần dược.  Các huyện như Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum là những nơi được mệnh danh là thủ phủ sâm Ngọc Linh. Dọc đường đi về các huyện này, dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều người dân bày bán bên vệ đường, bên chợ những sản vật của rừng, trong có cả sâm Ngọc Linh.

Chị Chung Thị Loan – một tiểu thương ở xã Măng Cành, huyện Kon Plông – cho biết, không ai dám đảm bảo người dân bán đúng loại sâm quý. Nơi này, có loại củ tam thất quang, tam thất vũ điệp có hình dáng bên ngoài nhìn rất giống sâm Ngọc Linh. Nhiều đại gia, doanh nhân có tiền đến lùng mua phải củ tam thất mang về nhà ngâm mật ong uống, không tránh khỏi “tiền mất tật mang”.

Trên mạng xã hội Facebook, Zalo… cũng xôn xao cảnh người mua kẻ bán sâm Ngọc Linh. Chủ gian hàng đảm bảo 100% sâm thật, thu mua từ người dân tộc thiểu số. Họ rao bán 1kg sâm Ngọc Linh chỉ với giá khoảng từ 50-70 triệu đồng, giao hàng đến tận nơi trên toàn quốc. Nếu mua trên 7kg thì sẽ được khuyến mại 0,5kg sâm và một lít mật ong rừng nguyên chất.

Theo tìm hiểu, một số đầu nậu thu gom loại củ tam thất ở một số tỉnh phía bắc vào, sau đó phân phối lại cho các tiểu thương mang bán. Khi có khách tới hỏi, tiểu thương đều nói nhờ mối quen là dân đi rừng hoặc người dân tộc thiểu số tìm được mang về bán. Sâm được “chà xát” với lớp bùn đất bản địa để nhìn có vẻ giống sâm thật mới đào từ trên núi về.

Anh Nguyễn Long – người dân ở TP.Pleiku, Gia Lai – cho biết, khi mẹ anh ốm nặng, anh đặt mua nửa ký sâm Ngọc Linh từ đại lý trên mạng với giá 40 triệu đồng. Khi đưa về uống thì không có mùi vị gì, gọi điện phản ánh với chủ hàng thì bấm máy bận hoặc khóa máy. Biết bị lừa, anh Long lên mạng cảnh báo cho bạn bè và người thân biết.

Hiện tại, sâm Ngọc Linh thật được bán với giá khá cao, tùy từng loại. Loại củ nhỏ, thấp nhất là gần 10 triệu đồng/100g, 100 triệu đồng/ký. Loại sâm có giá cao nhất là 35 triệu đồng/100g, đây là những củ sâm lớn có tuổi đời phải trên 15 năm tuổi, được trồng dưới lớp thảm mục cây đại thụ nghìn năm nằm dưới chân núi Ngọc Linh.

Người bán sâm giả lách luật thế nào?

Ông Nguyễn Như Nhất – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum – cho biết, từ khi sâm Ngọc Linh được Chính phủ công nhận là sản phẩm Quốc gia, là hồn cốt, tinh túy, báu vật của đại ngàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác nhận việc bảo tồn, phát triển sâm là nhiệm vụ kinh tế – xã hội quan trọng. Cũng từ khi sâm Ngọc Linh nổi tiếng là một trong những loại sâm quý nhất trên thế giới, Ban chỉ đạo 389 tỉnh tiếp nhận nhiều thông tin về tình hình nạn mua bán sâm giả.

Có hàng trăm cuộc gọi điện báo về Cục Quản lý thị trường phản ánh cửa hàng, đối tượng rao bán sâm giả. Đơn vị cho người mặc thường phục, giả làm khách hàng đến hỏi mua. Nhưng như có tin báo từ trước, chủ cửa hàng đóng cửa không tiếp hoặc khai báo gian dối việc tàng trữ sâm là được tặng cho, mua lại, chứ không có chuyện mang sâm đi bán buôn, bán lẻ.

“Có trường hợp, cán bộ Quản lý thị trường xác định có giấy tờ giao dịch giữa bên mua và bên bán, tịch thu hàng chục ký sâm. Nhưng vấn đề mấu chốt là không căn cứ nào để xác định được sâm giả vì cán bộ chỉ “thẩm định” bằng mắt thường. Nếu biết rõ thì phải mang sâm đi xét nghiệm, phân tích thành phần các hoạt chất ở trong đó. Cả một lô hàng hàng chục kg thì không thể xét nghiệm 1 củ sâm mà phải hàng loạt củ mới kết luận được.

Trong khi thời gian chờ xét nghiệm các chỉ số, hoạt chất trong sâm nhanh nhất là một tháng và tốn kém kinh phí, trên 20 triệu đồng/lần/củ. Thực tế chưa có quy định cụ thể là cơ quan nào sẽ chi trả số tiền xét nghiệm đó. Bởi vậy, ở các vụ việc rất khó để có căn cứ để xác định các đối tượng mua bán sâm giả” – ông Nguyễn Như Nhất nói.

Không chỉ sâm củ Ngọc Linh mà các loại khác như hồng đẳng sâm (sâm giây), sâm đá Ngọc Linh cũng bị đánh tráo hàng giả. Năm 2018, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum phát hiện vụ việc điển hình khi kiểm tra xe ôtô tải chở hàng chục tấn cốm sâm, rượu sâm giả được sản xuất tại Lào Cai. Tuy vậy, trên nhãn mãn lại ghi xuất xứ tại Ngọc Linh, Kon Tum. Cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy lô hàng trị giá hơn 300 triệu đồng, xử phạt chủ lô hàng hơn 90 triệu đồng.

Ông Trần Việt Cường – Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch, Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum – cho biết, hiện nay trên địa bàn chỉ có 2 công ty là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum được UBND tỉnh cho phép trồng, nhân giống chuẩn sâm Ngọc Linh hơn chục năm nay. Sâm phải trồng dưới thảm thực vật với độ cao trên 1.500 mét so với mực nước biển.

Theo ông Cường, mặc dù biết nhiều nơi người dân trồng trong vườn loại củ tam thất để giả sâm mang bán nhưng cơ quan chức năng không xử lý được. Chỉ có đi vận động, tuyên truyền người dân mua bán sâm giả là vi phạm đạo đức, pháp luật.

“Việc mua bán sâm củ giữa người dân là tự nguyện giao dịch với nhau. Có khách hàng khi mua sâm về dùng mới biết là sâm giả, liền quay lại trình báo. Tuy nhiên, đối tượng bán lại không thừa nhận mình bán củ sâm đó và cũng không có giấy tờ, không có ai chứng kiến việc mua bán sâm nên khó có cơ sở để xử lý. Dù biết hành vi của họ là dùng thủ đoạn gian dối nhằm mục đích kiếm lợi bất chính và có ý đồ lừa đảo”, ông Trần Việt Cường chia sẻ (Lao động, trang 7).

 

Tự hào các thầy thuốc Việt Nam

Sau hơn 12 tiếng thực hiện, ca phẫu thuật tách rời hai bé song sinh dính nhau vùng bụng chậu đã thành công bước đầu. Đây được xem là một kỳ tích của ngành y Việt Nam. Như Thanh niên thông tin, ngày 15.7, tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), gần 100 y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên tham gia thực hiện ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính nhau vùng bụng chậu.

Sau hơn 12 tiếng thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công bước đầu và hai bé được chuyển từ phòng mổ ra phòng chăm sóc đặc biệt hậu phẫu. Sau 3 tháng nữa, hai bé sẽ tiếp tục được phẫu thuật tái tạo đường tiêu hóa, tiết niệu vì hiện giờ các bé được mở hậu môn tạm qua da. Ca phẫu thuật này được đánh giá là một trong những ca tách song sinh khó và phức tạp bậc nhất Việt Nam.

Mừng rơi nước mắt

Sau ca phẫu thuật, tiến sĩ – bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, nhận định: “Ca mổ đã hoàn tất và thành công bước đầu. Tiếp theo phần hồi sức hậu phẫu là thách thức lớn của BV và chúng tôi sẽ cố gắng để thành công trọn vẹn”. Hiện tại, sinh hiệu của hai bé ổn định, mọi thông số theo dõi đều tốt. Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận, nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết đã theo dõi và gần như vỡ òa khi hay tin cuộc phẫu thuật thành công. “Khi nghe tin ca phẫu thuật thành công, niềm vui như vỡ òa. Tôi thấy tự hào vì các bác sĩ của mình quá giỏi để có thể thực hiện được ca phẫu thuật này…”, BĐ Phương Vy xúc động.

Trong khi đó, BĐ Hồng Phượng cho biết đã “rớt nước mắt” khi nhận thông tin ca phẫu thuật thành công. Bản thân cô đánh giá đây là một ca mổ khó, chỉ cần sai sót là có thể ảnh hưởng đến quãng đời còn lại của hai bé. “Tôi làm mẹ rồi mới thấy yêu và trân trọng lắm những đứa con được sinh ra với thân thể bình thường khỏe mạnh. Và tôi cũng yêu, xót xa thật nhiều khi nhìn thấy những đứa con kém may mắn. Tôi nghĩ khi ca mổ thành công, không chỉ tôi mà tất cả những ai quan tâm, đặc biệt là các bậc cha mẹ sẽ vỡ òa hạnh phúc. Tôi cảm ơn sâu sắc đến tập thể y bác sĩ và chân thành chia vui cùng ba mẹ Trúc Nhi – Diệu Nhi. Mong hai con sẽ mau chóng bình phục và trưởng thành như bao đứa trẻ đồng trang lứa. Cảm phục và tự hào về ngành y Việt Nam”, BĐ Hồng Phượng viết.

“Kỳ tích ngành y Việt”

Theo đánh giá của hội đồng hội chẩn, đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Ước tính trên TG, tỷ lệ song sinh dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống và trong đó chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus. “Thật tuyệt vời! Sự phát triển vượt bậc của nền y học Việt Nam. Đây có thể xem là kỳ tích của ngành y chúng ta”, BĐ Minh Nghĩa tự hào.

BĐ Phạm Hà thán phục: “Chỉ biết nói đội ngũ bác sĩ Việt Nam quá giỏi. Cầu mong hai bé nhanh bình phục và khoẻ mạnh. Yêu thương!”.

“Vô cùng ngưỡng mộ tài năng, sự cố gắng của các y bác sĩ và toàn bộ ê kíp chuẩn bị cho ca mổ tuyệt vời này”, BĐ Hong Tuyen xúc động.

“Ngàn lời chúc mừng đến gia đình hai bé và đội ngũ y bác sĩ Việt Nam. Ngành y khoa Việt Nam càng ngày càng chứng tỏ khả năng và sự hiểu biết của các y bác sĩ”, BĐ Cuong Hoang viết (Thanh niên, trang 9).

 

Trẻ mắc tay chân miệng nhập viện tăng 5 – 6 lần cùng kỳ 2019

Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội) cho biết từ đầu năm đến nay BV này đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc TCM. Riêng từ tháng 6 tới nay, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc TCM đã tăng 5 – 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 30 – 50 bệnh nhân, hầu hết trẻ có địa chỉ tại Hà Nội.

TS-BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, thông tin: Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra.

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, các nốt phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi, có trẻ chỉ 8 tháng tuổi.

TS-BS Nguyễn Văn Lâm lưu ý: Bệnh TCM diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Cha mẹ có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các triệu chứng: sốt kèm tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em, để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó giúp trẻ được điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc. Cần lưu ý, trẻ sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong gia đình có trẻ mắc TCM cần đảm bảo VS cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

Trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh, trẻ mắc TCM cần được cách ly tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung (Thanh niên, trang 15).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 23/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/9/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/6/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận