Điểm báo ngày 18/10/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 18/10/2018

Thực hiện thành công ca mổ sinh và cắt bỏ khối u nặng 5,3 kg; Phát lộ thêm đường dây mua bán thận tại Hà Nội; Thu hồi thuốc “Thần tiên nhãn hiệu sư tử lớn” do chứa chất gây phù, tăng cân, hỏng xương khớp….

 

Phát lộ thêm đường dây mua bán thận tại Hà Nội

Từ việc phát động tin báo tố giác tội phạm của người dân, CAQ Long Biên (Hà Nội) đã phát giác đường dây môi giới mua bán thận với chi phí 450 triệu đồng.

Chiều 17-10, Trung tá Tô Anh Dũng, Trưởng CAQ Long Biên cho biết, CQĐT CAQ vừa đấu tranh làm rõ đường dây môi giới mua bán thận; bước đầu bắt giữ 1 đối tượng có hành vi nhiều lần giao dịch với chi phí bình quân trên dưới 400 triệu đồng/ trường hợp.

Qua công tác nắm tình hình, CAQ Long Biên phát giác tại nhà anh Nguyễn Tuấn Tài (SN 1983, quê quán Hồng Ngự, Đồng Tháp), tạm trú ở ngõ 229 Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Đồng, Long Biên, có hiện tượng một số người từ tỉnh ngoài thường về tụ tập với biểu hiện nghi vấn, liên quan đến việc mua bán thận.

Sau khi xác định cơ bản quy luật đi lại, sinh hoạt của nhóm người này, chiều 21-9, tổ công tác CAQ Long Biên đã tiến hành kiểm tra hành chính địa chỉ trên, phát hiện đang có gần 10 người, trong đó qua phân loại xác định ít nhất 3 người liên quan đến việc giao dịch mua bán thận, gồm: Dương Văn Lộc (SN 1987, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng); Dương Ngọc Hoàng (SN 1989, quê quán Sông Cầu, Thái Nguyên), và Hoàng Xuân Trường (SN 1993, quê quán Bảo Thắng, Lào Cai).

Tập trung đấu tranh, CAQ Long Biên làm rõ: bà Nguyễn (SN 1968, quê quán Cẩm Khê, Phú Thọ) có chồng là ông Hoàng (SN 1969), bị bệnh thận nên đã cắt bỏ hai quả thận. Do có nhu cầu cần ghép thận nên khoảng tháng 7-2018, bà Nguyễn lên mạng xã hội để tìm hiểu, thì có một người tên là Tuấn ( hiện chưa xác định được lai lịch), để lại thông tin “bán thận” và số điện thoại di động.

Bà Nguyễn đã liên lạc và được Tuấn cho biết giá 1 quả thận là 450 triệu đồng. Bà Nguyễn đồng ý và yêu cầu Tuấn cho gặp người bán thận. Khoảng hai ngày sau, Tuấn dẫn 2 thanh niên đến gặp bà Nguyễn tại Bệnh viện Việt Đức, là Dương Văn Lộc và Hoàng Xuân Trường. Trong đó, Trường là người sẽ bán thận cho chồng bà Nguyễn.

Sau khi “đánh giá” sơ bộ người bán thận, bà Nguyễn đồng ý, và Lộc đưa Trường đi làm các thủ tục, xét nghiệm để tiến hành ghép thận cho chồng bà Nguyễn. Các bên thống nhất sẽ giao tiền mua thận sau khi ông Hoàng mổ.

Ngày 17-8, Trường làm thủ tục nhập Bệnh viện Việt Đức và đến ngày 20-8 được ghép thận với ông Hoàng. Ngay sau đó, bà Nguyễn đã đến ngân hàng rút 450 triệu đồng đưa cho Lộc. Số tiền này, Lộc đưa cho Tuấn 30 triệu đồng công môi giới; Tuấn khai chia cho 1 người tên là Huy (hiện chưa xác định nhân thân) 20 triệu đồng vì Huy có “công” giới thiệu Tuấn với Lộc.

Còn lại 420 triệu đồng, Lộc giữ lại 60 triệu đồng công môi giới, và chuyển, thanh toán các khoản chi phí liên quan cho Trường, như tiền ăn, tiền xét nghiệm, chi phí đi lại, một số thủ tục pháp lý…

Quá trình Trường nằm viện sau mổ bán thận, Lộc thuê Dương Ngọc Hoàng chăm sóc với tiền công 3 triệu đồng. Ngoài số tiền 450 triệu đồng đưa cho Lộc, bà Nguyễn cho thêm Trường 20 triệu đồng để bồi dưỡng sức khỏe.

Tại cơ quan Công an, Lộc khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như trên. Ngoài ra, Lộc còn khai nhận từ khoảng tháng 3-2018 đến khi bị bắt, anh ta đã môi giới mua bán thận cho 3 trường hợp khác.

Trong vụ án này, Lộc thuê Dương Ngọc Hoàng với “tiền lương” 6 triệu đồng/ tháng, nhiệm vụ chuyện sử dụng trang cá nhân để đăng tin, bài tìm người bán thận, đưa đón người có nhu cầu bán thận đi khám, làm thủ tục ghép thận. Ngoài ra với mỗi trường hợp bán thận thành công, Hoàng còn được Lộc trả công từ 3 đến 5 triệu đồng.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập, CQĐT CAQ Long Biên đã tiến hành biện pháp tố tụng đối với Dương Văn Lộc về tội danh “Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người”, quy định tại Điều 154 Bộ luật hình sự; đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ tài liệu, làm rõ các đối tượng đồng phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. (An ninh Thủ đô, trang 14)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 5: “Điều tra vụ bán thận giá 450 triệu đồng/quả”

 

Thu hồi thuốc “Thần tiên nhãn hiệu sư tử lớn” do chứa chất gây phù, tăng cân, hỏng xương khớp

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thu hồi sản phẩm mang tên Thuốc thần tiên nhãn hiệu sư tử lớn do thuốc này bị phát hiện chứa chất dễ gây phù, tăng cân, đau dạ dày, hỏng xương khớp…

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, Sở này vừa có văn bản thông báo đến các cơ sở y tế trực thuộc ngành, Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã về việc thu hồi sản phẩm mang tên Thuốc thần tiên nhãn hiệu sư tử lớn và loại thuốc 092414343.

Cả 2 loại sản phẩm này đều có dạng bào chế viên trụ tròn như một số thuốc y học cổ truyền, không có thông tin về nơi sản xuất, số lô, hạn dùng, số đăng ký.

Đặc biệt, mới đây Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đã lấy 2 mẫu sản phẩm nói trên gửi Viện kiểm nghiệm dược phẩm – mỹ phẩm TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm. Kết quả phát hiện Thuốc thần tiên nhãn hiệu sư tử lớn và loại thuốc 092414343 đều có chứa Paracetamol, Dexamethason và Berberin.

Theo Sở Y tế Hà Nội, việc sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Dexamethason dễ gây ra các tác dụng phụ như phù, tăng cân, đau dạ dày. Sử dụng lâu dài có thể gây ra các tai biến về xương.

Vì thế, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế, các cơ sở kinh doanh thuốc thuốc trên địa bàn rà soát, ngừng kinh doanh, sử dụng sản phẩm mang tên thuốc Thần tiên nhãn hiệu sư tử lớn và thuốc 092414343; đồng thời khuyến cáo người dân không nên tin tưởng vào những lời quảng cáo vô căn cứ mà sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm định, không được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. (An ninh Thủ đô, trang 2)

 

Thị xã Sơn Tây diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm đông người

Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm thị xã Sơn Tây vừa tổ chức diễn tập điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm đông người tại Trường Tiểu học Lê Lợi.

Tình huống giả định là tại bếp ăn tập thể Trường Tiểu học Lê Lợi phục vụ 950 suất ăn trưa cho học sinh, sau khi ăn xong, 10 học sinh có biểu hiện ngộ độc thực phẩm như: Mệt mỏi, khó chịu, đau bụng, buồn nôn và được các cô giáo đưa xuống phòng y tế của nhà trường. Sau đó, số học sinh có biểu hiện như trên tiếp tục tăng lên. Cùng với việc sơ cứu cho học sinh, Hiệu trưởng nhà trường lập tức báo cáo sự việc cho các đơn vị chức năng.

Sau khi đánh giá tình hình, lực lượng chức năng đã triển khai phòng khám dã chiến cấp cứu, điều trị cho học sinh; đồng thời tiến hành các bước điều tra vụ ngộ độc thực phẩm và khử trùng môi trường khu vực bếp, phòng khám dã chiến…

Buổi diễn tập giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm, từ đó sẵn sàng đáp ứng trong tình huống thực tế. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Bé trai 2 tuổi tử vong sau khi truyền dịch:  Đình chỉ hoạt động phòng khám, làm rõ nguyên nhân

Ngày 17-10, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2137/QĐ-SYT đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của phòng khám chuyên khoa nội (ở địa chỉ số 392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội) và tạm giữ chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc – người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật – để điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc bé trai Nguyễn Gia B (sinh năm 2016, ở thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) tử vong sau khi truyền dịch tại đây.

Trước đó, như Báo Hànộimới điện tử đưa tin, ngày 15-10, bé Nguyễn Gia B bị ho, sốt và được gia đình đưa đến phòng khám chuyên khoa nội nêu trên. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc kê đơn điều trị bằng thuốc uống tại nhà.

Sau khi uống thuốc 1 ngày, bệnh tình không đỡ còn kèm theo triệu chứng tiêu chảy, nôn nhiều nên chiều 16-10, gia đình đưa bé quay lại phòng khám. Bệnh nhi lại được bác sĩ Cúc khám và trực tiếp truyền dịch (Ringer lactat), truyền khoảng 15 phút thì bé B có biểu hiện tím tái. Sau đó, bé được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Tuy nhiên, khi nhập viện, bệnh nhi bị ngừng thở, ngừng tim, không đo được mạch, huyết áp, đồng tử giãn 4mm (không phản xạ ánh sáng). Bệnh nhi được chẩn đoán tử vong ngoại viện.

Chiều 17-10, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, nhân sự phòng khám nêu trên gồm 2 người: Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc và y sĩ Đinh Thị Hằng Nga. Phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám được phê duyệt gồm sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh nội khoa thông thường, không làm các thủ thuật chuyên môn. Phòng khám này thực hiện việc truyền dịch cho người bệnh là vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép.

Cơ quan chức năng đã tiến hành mổ pháp y để làm rõ nguyên nhân. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Tẩy chay thực phẩm chức năng quảng cáo trên các website không thuộc sở hữu của nhà sản xuất

Ngày 17-10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian vừa qua, trên nhiều website có hàng loạt quảng cáo vi phạm nhưng không có đơn vị nào nhận trách nhiệm.

Đó là trên website unangbuongtrung.com.vn, suynhuocthankinh.vn, pavietnam.com  quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên nang mang tên Nga Phụ Khang của Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu.

Việc quảng cáo này vi phạm quy định của pháp luật. Song, đây lại là những sản phẩm mà Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu cho biết họ không sở hữu các website trên, cũng không công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đó.

Cũng trong thời gian qua, trên các website http://congtyduocphampqa.com/ có quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe PQA hen suyễn, PQA An thần bổ tâm, PQA chỉ huyết, PQA dưỡng cốt, Siro hohen PQA, PQA ích khí thăng dương, đều có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo.

Các sản phẩm này do Công ty cổ phần dược phẩm PQA (xã Tân Thành, Huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) công bố và chịu trách nhiệm. Tuy nhiên đại diện Công ty khẳng định các sản phẩm Thực phẩm Bảo vệ sức khỏe PQA Hen suyễn, PQA An thần bổ tâm, PQA chỉ huyết, PQA dưỡng cốt, Siro hohen PQA, PQA ích khí thăng dương đang quảng cáo trên các website http:// congtyduocphampqa.com không phải do Công ty cổ phần dược phẩm PQA thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng, và sẽ không được đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Trên các website: https://bothankankabanlinhphaimanh.blogspot.com; http://ehospital.vn; http://medium.com cũng có quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kanka Katasuryokujin của Công ty TNHH Khang Lạc Mỹ và các quảng cáo này đều có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm cho biết đã tiến hành kiểm tra đột xuất  công ty TNHH Khang Lạc Mỹ tại địa chỉ trụ sở chính ở tầng 3 Lữ Gia Plaza, Phường 15, Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đại diện Công ty khẳng định các  website  trên không phải do Công ty thực hiện, do đó sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kanka Katasuryokujin đang quảng cáo tại các website  nêu trên không đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Trước tình trạng hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo trên các trang web mang tên chính các Công ty sản xuất ra sản phẩm, nhưng đều bị các Công ty này từ chối nhận trách nhiệm, Cục An toàn thực phẩm chính thức thông báo để người tiêu dùng biết sự thực về các sản phẩm trên, đồng thời cẩn trọng và không mua, không sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang website nêu trên, tránh những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe. (Công an Nhân dân, trang 7)

 

1.000 tỷ đồng xây Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM cơ sở 2

Ngày 17-10, Bệnh viện (BV) Truyền máu Huyết học TPHCM cơ sở 2 đã chính thức khởi công trong khu viện – trường y tế kỹ thuật cao Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh).

BV có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng với quy mô 1 tầng hầm, 5 tầng nổi, 1 tầng lửng và sân thượng; tổng diện tích sàn xây dựng hơn 33.000m2; đạt công suất 300 giường nội trú và 500 giường ngoại trú.

Bên cạnh khu khám điều trị bệnh, ghép tế bào gốc là các khối nhà phụ trợ, sân đường giao thông nội bộ, bãi đậu xe… BV cũng phục vụ công tác truyền máu, lưu trữ máu cho ngành y tế TP. Theo dự kiến, BV được hoàn thành vào tháng 10-2020.

Dự án thể hiện quyết tâm của TPHCM trong việc phát triển cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng cao và chuyên môn sâu để phục vụ trong lĩnh vực xét nghiệm chẩn đoán kỹ thuật cao như: di truyền sinh học phân tử, dấu ấn miễn dịch, giải phẫu bệnh và công tác truyền máu, lưu trữ máu cho ngành y tế TP. Ngoài ra, dự án hoàn thành còn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo về huyết học của TP, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y, cơ sở huấn luyện về huyết học. (Sài Gòn giải phóng, trang 11)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 3: “Xây bệnh viện công 1.000 tỉ đồng cửa ngõ phía tây TP.HCM”

 

Áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tục cập nhật và áp dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu trong khám, chữa bệnh, đã giúp cho nhiều người bệnh có cơ hội sống và chất lượng sống tốt hơn. Những cải tiến này cũng nâng tầm uy tín đội ngũ y sĩ, bác sĩ và ngành y tế thành phố.

Nhiều năm qua, ông T.P.T. (53 tuổi, ngụ Long An) bị khàn tiếng, khó thở. Khi tình trạng ngày một nặng hơn, ông T. quyết định đến Bệnh viện Nhân Dân 115 điều trị. BS Ngô Ðức Minh Huy (Khoa Tai mũi họng) đã tiến hành nội soi, soi treo thanh quản và ghi nhận một u thanh quản (u dây thanh bên trái một phần ba trước, vùng bờ và một phần mặt sau dây thanh). Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật nội soi treo thanh quản lấy toàn bộ u, và gửi làm giải phẫu bệnh mẫu u thanh quản để có hướng điều trị tiếp (kết quả giải phẫu bệnh cho thấy đây là u lành tính). Sau khi được phẫu thuật, tình trạng bệnh được cải thiện, người bệnh ăn uống tốt hơn… không còn khàn tiếng, không còn khó thở.

Tương tự, Bệnh viện Nhi Ðồng 2 vừa điều trị thành công ca túi phình mạch máu não phức tạp bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Người bệnh là một bé gái (15 tuổi, ngụ quận 9) được ghi nhận phình mạch khổng lồ của hai động mạch đốt sống ngay tại vị trí hợp lưu tạo thành động mạch thân nền. Bệnh nhi được can thiệp trong khi vẫn tỉnh táo, chỉ gây tê tại chỗ vị trí bẹn hai bên, vị trí đặt ống thông vào động mạch đùi. Lần lượt sáu coil (vòng xoắn kim loại) được đưa vào để lấp túi phình.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây, chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện đã được nâng cao. Tình trạng quá tải, nằm ghép tại một số bệnh viện lớn đã giảm, các bệnh viện tuyến quận, huyện đã không chỉ nâng cao về năng lực chuyên môn mà còn tăng được công suất sử dụng giường bệnh… Có được kết quả đó là nhờ áp dụng nhiều kỹ thuật y tế mới, gia tăng lòng tin của người bệnh vào đội ngũ y sĩ, bác sĩ.

Mới đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng phẫu thuật thành công ca u màng não khổng lồ cho bà N.T.U. (76 tuổi, ngụ quận 1). Ðây được đánh giá là ca bệnh khó và có nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, bà U. còn có bướu giáp thòng, chèn ép khí quản, đồng thời mắc đái tháo đường và tăng huyết áp. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, chụp MRI não tìm nguyên nhân, bà U. đã được chẩn đoán là bị u màng não, khối u này có kích thước rất lớn (7 cm x 5 cm) chiếm trọn phần trán của não phải. Với các bệnh kèm theo mà người bệnh đã mắc phải, đây được đánh giá là ca phẫu thuật khó, thách thức lớn, khả năng biến chứng suy hô hấp ở người bệnh có chèn ép khí quản và có nguy cơ tụt não đột tử trên bàn mổ là rất cao.

Còn Bệnh viện Quốc tế City (CIH) cũng mới cứu sống ông T.D.T. (51 tuổi, ngụ quận 6) bị nhồi máu cơ tim cấp tính do chủ quan không đi khám. Ông T. nhập viện cấp cứu trong tình trạng tụt huyết áp, người mệt, khó thở, nhịp tim chậm, vã mồ hôi toàn thân. Sau khi kiểm tra, tiến hành chụp mạch vành bằng ứng dụng DSA, các bác sĩ xác định người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp tính và quyết định điều trị bằng phương pháp tái thông mạch vành bị tắc và đặt stent. Chỉ sau hơn một giờ tái thông đoạn mạch bị tắc, can thiệp đặt stent ở động mạch vành trái và phải, người bệnh đã hồi phục nhanh, sức khỏe ổn định và đã xuất viện. Theo ê-kíp điều trị, trong suốt quá trình can thiệp, các bác sĩ liên tục phải kiểm soát tốt huyết áp, áp lực mạch máu, nhịp tim… bởi vì chỉ cần một sơ suất cũng có thể gây nguy hiểm tính mạng người bệnh.

Tại Bệnh viện quận 9, các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi thành công trường hợp cấp cứu hiếm gặp cho chị N.T.T.T. (26 tuổi, ngụ quận 9) có thai ngoài tử cung và bị sảy thai vào ổ bụng. Trước đó, người bệnh nhập viện với tình trạng mệt, da xanh xao, mang thai lần đầu được 7 tuần tuổi. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm và siêu âm, Khoa Sản của bệnh viện nhanh chóng kích hoạt báo động đỏ nội viện. Sau hội chẩn, người bệnh lập tức được hồi sức và chuyển vào phòng mổ tiến hành phẫu thuật nội soi. Sau phẫu thuật, sức khỏe chị T. dần hồi phục.

GS, TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngành y tế thành phố đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Sức khỏe người bệnh là sứ mệnh người thầy thuốc”, “Người bệnh là người thân, ân cần phục vụ”, “Cấp cứu thật nhanh, để giành sự sống”… Việc đưa các chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao vào khám và điều trị là nhằm cụ thể hóa các phương châm đó. Thời gian tới, các phòng khám vệ tinh của các bệnh viện đặt tại các trạm y tế xã, phường cũng sẽ áp dụng nhiều kỹ thuật cao để góp phần giảm áp lực, để các bệnh viện tuyến trên có thời gian thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa sâu hơn. (Nhân dân, trang 5)

 

ĐIỂM SÁNG THỰC HIỆN BHXH:Chia sẻ “gánh nặng tài chính”, người bệnh yên tâm chữa trị

Được tuyên truyền về lợi ích của BHXH, BHYT, nhiều hộ gia đình ở huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã tích cực mua BHYT. Đặc biệt, nhờ được thụ hưởng quyền lợi về BHYT, những gia đình có người bị bệnh nặng giảm bớt gánh nặng tài chính khi phải chữa trị bệnh kéo dài.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân

Tiền Hải là huyện ven biển, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đa số sống phụ thuộc vào nghề nông nghiệp. Một bộ phận dân cư giáp biển sống bằng nghề ngư nghiệp, thường xuyên đi đánh bắt xa bờ, đời sống bấp bênh không ổn định, thu nhập thấp, do đó tỉ lệ tham gia BHXH, BHYT còn hạn chế. Trước thực trạng trên, BHXH huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích khi tham gia bảo hiểm để người dân hiểu và tham gia. Bà Vũ Thị Hoa – Phó Giám đốc BHXH huyện Tiền Hải – cho biết, nhằm phát triển, mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới BHXH cho mọi NLĐ và BHYT toàn dân, thời gian qua BHXH huyện Tiền Hải tăng cường các hoạt động tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT. Đặc biệt là công tác phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị tư vấn, đối thoại về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho đối tượng nông dân, NLĐ tự do tại địa phương.

Từ đầu năm 2018 đến nay, BHXH huyện tích cực tham mưu với BHXH tỉnh Thái Bình phối hợp với với UBND huyện tổ chức 6 hội nghị tư vấn, đối thoại chính sách BHXH, BHYT với các nhóm đối tượng tại cơ sở. Trong đó có 1 hội nghị đối thoại với trên 500 lao động trong các doanh nghiệp và 5 hội nghị với trên 1.500 đại biểu là bà con nông dân tại 24 xã trên địa bàn huyện. Qua thực tế tổ chức thực hiện, có thể nói tư vấn, đối thoại trực tiếp với nhân dân tại cơ sở là hình thức tuyên truyền hiệu quả, giúp cho NLĐ và nhân dân có điều kiện trực tiếp trao đổi, thảo luận và cập nhật những thông tin mới nhất về chính sách BHXH, BHYT. Khi được tư vấn về thủ tục, phương thức, mức đóng, quyền lợi, người dân được nâng cao nhận thức và tích cực tham gia BHXH, BHYT.

Tính đến hết tháng 7.2018, toàn huyện có 10.986 người tham gia BHXH bắt buộc, 701 người tham gia BHXH tự nguyện; 164.539 người tham gia BHYT (trong đó có 53.238 người tham gia BHYT theo hộ gia đình), chiếm 84% dân số toàn huyện.

Chia sẻ gánh nặng với người bệnh

Cũng theo bà Vũ Thị Hoa, hội nghị tư vấn, đối thoại cũng là dịp để các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cơ quan BHXH nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chính sách BHXH, BHYT.

Tại hội nghị đối thoại với bà con nông dân cụm xã Đông Hoàng, Đông Trung, Đông Long, Đông Xuyên, ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng (huyện Tiền Hải, Thái Bình) – khẳng định tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. 6 tháng đầu năm, tỉ lệ bao phủ BHYT tại xã Đông Hoàng đạt trên 90%. Mỗi năm có hàng trăm người tham gia BHYT trên địa bàn xã ốm đau, bệnh tật phải điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương hay tuyến tỉnh, tuyến trung ương, đều được quỹ BHYT chi trả.

Điển hình như ông Bùi Văn Vân (thôn Tân Lạc, xã Đông Hoàng) mỗi tháng phải chạy thận nhân tạo 3 lần do đó nếu không có BHYT, gia đình phải chi phí rất tốn kém. Một trường hợp khác đó là bà Phan Thị Ngát bị bệnh Lupus ban đỏ thường xuyên phải nằm viện, chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ tham gia BHYT, nên với điều kiện kinh tế của gia đình bà Ngát vẫn yên tâm chữa trị bệnh. Tại xã Đông Hoàng, còn có trường hợp ông Đào Văn Kiên bị ốm nặng không có tiền mua BHYT nên ban đầu không dám đi bệnh viện điều trị. Trước hoàn cảnh của gia đình ông Kiên, Hội phụ nữ xã Đông Hoàng đã quyên góp tiền mua thẻ BHYT cho ông Kiên để có điều kiện điều trị bệnh.

Có thể nói BHYT đã chia sẻ gánh nặng tài chính với nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Đông Hoàng nói riêng và huyện Tiền Hải nói chung. Từ những trường hợp cụ thể trên, nhiều người dân thấy được lợi ích nên tích cực hơn trong việc tham gia bảo hiểm. (Lao động, trang 4)

 

Gỡ nút thắt để bệnh viện “mọc” nhanh

Từ câu chuyện chậm tiến độ của dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, các chuyên gia đã chỉ ra những điểm cần thay đổi cho việc thực hiện các dự án tương tự ở tương lai.

Ông Nguyễn Quang Thắng – vụ trưởng Vụ Lao động, văn hóa xã hội (Bộ Kế hoạch và đầu tư), nguyên trưởng đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 – cho biết đây là 2 dự án lớn nhất từ trước tới nay Bộ Y tế thực hiện nên thiếu kinh nghiệm thực hiện.

Công tác chuẩn bị đầu tư dự án rất quan trọng

Theo ông Thắng, công tác chuẩn bị đầu tư dự án rất quan trọng. Đặc biệt, công tác chỉ đạo của Bộ Y tế đối với các dự án sau này phải quyết liệt với từng việc cụ thể. Nếu làm tốt hai việc này cùng với việc chuẩn bị mặt bằng, vốn đầy đủ sẽ bảo đảm tiến độ dự án.

Đại diện Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết cần phải chuẩn bị tốt các khâu như hoàn thành khâu thiết kế, khi Nhà nước có chủ trương là triển khai. Dự án Bệnh viện Nhi đồng hoàn thành đúng tiến độ là do chuẩn bị trước các khâu như quỹ đất, thiết kế… Trong khi đó, các dự án xây bệnh viện khác mới bắt đầu đi xin đất, lập thiết kế, phê duyệt tổng mức đầu tư, lập thẩm định phê duyệt dự toán… Với các bước chuẩn bị này, có dự án mất 2 năm.

* TS Phạm Sỹ Liêm (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam):

Không làm được, phải thuê

Quản lý dự án cần có đủ kiến thức, cán bộ quản lý dự án cần có kỹ năng, không thể cứ ai bỏ tiền thì người đó quản lý dự án dù không có kinh nghiệm. Tuy người có tiền phải làm chủ dự án, nhưng không đủ kỹ năng, buộc phải thuê tư vấn quản lý dự án, sử dụng dịch vụ tư vấn quản lý dự án. Kỹ năng quản lý dự án đầu tư không tốt, đặc biệt là các dự án lớn, sẽ xảy ra hết chuyện này đến chuyện nọ.

Dù Bộ Y tế trực tiếp quản lý đầu tư hai dự án bệnh viện hay thuê tư vấn bên ngoài quản lý các dự án, để xảy ra chậm tiến độ, trách nhiệm vẫn thuộc về Bộ Y tế. Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử phạt Bộ Y tế, đồng thời yêu cầu chấm dứt hợp đồng với đơn vị tư vấn quản lý dự án yếu kém.

Bệnh viện Nhi đồng TP vừa được đưa vào sử dụng trên đường Võ Trần Chí, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong khu vực – Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Bà Đào Thị Bích (cán bộ Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính):

Không thiếu tiền nhưng phải phân quyền

Để tiền không chờ dự án, cần phải phân cấp cho cơ quan chức năng ở địa phương. Thực tế nhiều bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Tài chính, đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng chưa sửa.

Trước đây, sở xây dựng là đơn vị chuyên môn thẩm định, phê duyệt dự toán đầu tư các công trình ở địa phương. Nhưng theo quy định mới, toàn bộ hồ sơ dự toán đầu tư dự án đầu tư công của cả nước phải gửi hết về Bộ Xây dựng. Người có hạn mà lượng hồ sơ gửi về quá lớn. Chính việc không phân cấp khâu thẩm định này nên thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài, gây mất thời gian, chậm tiến độ thực hiện dự án.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngân sách hiện đảm bảo tiền để xây dựng dự án bệnh viện. Một số dự án bệnh viện chậm tiến độ như 2 bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam đang được đẩy nhanh hoàn thành sau khi Chính phủ họp và chỉ đạo quyết liệt. Vướng hiện nay là giải ngân chậm cho các dự án này do phải chờ Bộ Xây dựng phê duyệt quyết toán.

* Ông Trần Quốc Phương (vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư):

Hi vọng vào Luật đầu tư công sửa đổi

Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra trong tháng 10 này, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật đầu tư công sửa đổi. Quan điểm lớn nhất của dự luật này là tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện, phân cấp triệt để, rút gọn thủ tục hành chính để đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện thủ tục hồ sơ dự án.

Bộ Kế hoạch và đầu tư rất kỳ vọng sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua để tạo được sự cởi mở, thông thoáng hơn cho công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới.

* Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Chính sách và phát triển truyền thông):

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Trách nhiệm để chậm tiến độ 2 dự án bệnh viện thuộc Bộ Y tế, vì 2 bệnh viện này đều là đơn vị sự nghiệp của bộ. Hai dự án bệnh viện nghìn tỉ chậm tiến độ có trách nhiệm của bộ trưởng Bộ Y tế.

Ta đã có tiền lệ trảm nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ, vì vậy cần quy trách nhiệm người đứng đầu. Chỉ có vậy mới quy trách nhiệm từ trên xuống dưới, bởi cũng với quy trình đầu tư công như vậy tại sao có những dự án vẫn triển khai đúng tiến độ? (Tuổi trẻ, trang 2)

 

Né báo cáo sự cố y khoa vì sợ… bị trừng phạt

Thực trạng này vừa được BS.CK2 Huỳnh Thị Thanh Trang – Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, phát biểu tại hội nghị khoa học kỹ thuật bệnh viện chuyên đề nội khoa và quản lý chất lượng tổ chức sáng 17-10.

Báo cáo khảo sát về thực trạng dự cố y khoa của nhóm bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương cho thấy từ tháng 1-2018 đến tháng 5-2018 tại bệnh viện xảy ra tổng cộng 331 sự cố được báo cáo trên 65.000 lượt người bệnh.

Trong số 78 sự cố về y khoa có 17 sự cố nghiêm trọng được phân tích có nguyên nhân chủ yếu do lỗi thiếu kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm và chủ quan của bác sĩ, điều dưỡng.

Ngoài ra, còn có lỗi hệ thống do thiếu huấn luyện đào tạo, thiếu công tác hội chẩn và thực hiện không đúng quy trình… Các sự cố y khoa được ghi nhận phần lớn xảy ra vào ban đêm, có liên quan đến cấp cứu người bệnh.

Theo BS.CK2 Huỳnh Thị Thanh Trang, các yếu tố ảnh hưởng đến việc báo cáo sự cố y khoa từ các nghiên cứu trên thế giới bao gồm cá nhân, tổ chức và văn hóa tại nơi xảy ra sự cố.

Các nghiên cứu cho rằng việc thiếu kinh nghiệm cộng thêm khối lượng công việc căng thẳng, thiếu giao tiếp, thiếu kiến thức y khoa dẫn đến gia tăng tần suất xảy ra sự cố nhưng ít được báo cáo.

Đặc biệt, văn hóa buộc tội, nỗi sợ bị trừng phạt do sai sót y khoa là một trong những rào cản lớn hạn chế báo cáo các sự cố ở nhân viên y tế.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tập – Trưởng phòng đảm bảo chất lượng trường ĐH Y Dược TP.HCM, đánh giá cao sự “dũng cảm” dám nói lên sai sót của Bệnh viện Trưng Vương.

“Việc công khai công bố sự cố y khoa sẽ giúp bệnh viện nhận diện đúng nguyên nhân gốc để rút ra bài học đắt giá, từ đó có các giải pháp khắc phục kịp thời nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn” – PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tập nói. (Tuổi trẻ, trang 14)

 

Thực hiện thành công ca mổ sinh và cắt bỏ khối u nặng 5,3 kg

Nguồn tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định ngày 17-10 cho biết, các bác sĩ khoa sản bệnh viện này đã mổ thành công ca sinh bé trai nặng 3,2 kg đồng thời cắt bỏ khối u xơ tử cung nặng hơn 5,3 kg để cứu sản phụ N.T.L (33 tuổi) trú ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên).

Theo thân nhân sản phụ N.T.L cho biết, trước khi kết hôn với anh P.V.K vào năm 2017, chị L đã được một sơ sở y tế phát hiện u xơ tử cung với khối u có đường kính 14cm, bác sĩ nhận định rất khó có con.

Sau khi may mắn mang thai 12 tuần, đêm 12-5 chị L phải đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu do vỡ ối, nhiều khả năng sảy thai vì khối u xơ tử cung đã quá lớn.

Sau 5 tháng được chăm sóc và điều trị tích cực, ngày 12-10 các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đã thực hiện ca mổ nêu trên.

Theo bác sĩ Đỗ Văn Tâm – Trưởng khoa sản Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đây là lần đầu tiên bệnh viện này phát hiện sản phụ sinh con khi đang mang khối u lớn và cũng là trường hợp hiếm gặp tại nhiều bệnh viện trong nước.

Với khối u nặng hơn 5,3kg, đường kính gần 20cm khiến cho thai nhi bị chèn ép dễ sẩy thai hoặc sinh non, đáng lo ngại hơn là trong thời gian điều trị trước ca mổ, sản phụ còn mắc bệnh đái tháo đường.(Công an Nhân dân, trang 7).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 10/5/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/01/2019

Ngọc Nga

Để lại bình luận