Hà Nội phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019
Chiều 17-4, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh, chuỗi thực phẩm an toàn đến người dân. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, tại các cấp từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Riêng cấp thành phố đã thành lập 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm để kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các cấp dưới, đồng thời kiểm tra thực tế tại cơ sở để kịp thời chấn chỉnh sai phạm.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ chú trọng tới truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Với cấp xã, phường, thị trấn sẽ tăng cường kiểm tra tại các chợ và thức ăn đường phố theo phân cấp. Ngoài ra, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sẽ phải ký cam kết trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm theo quy định; phải công khai nguồn gốc và giấy chứng nhận, cam kết an toàn thực phẩm cho khách hàng. Cơ quan chức năng sẽ đi kiểm tra việc thực hiện của cơ sở và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.
Từ ngày 10-7-2019 đến 10-7-2020, Hà Nội sẽ triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Tính đến thời điểm này, toàn thành phố đã đào tạo được khoảng gần 2.500 cán bộ thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 98 xã, phường thiếu nhân lực để đưa đi đào tạo. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chú trọng tới công tác đào tạo nhân lực thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. (Hà Nội mới, trang 7)
Hiệu quả mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh
Mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh đang được triển khai thí điểm tại một số bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tuy mới đưa vào hoạt động nhưng cách làm này phần nào đã phát huy hiệu quả khi việc tiếp cận hiện trường được nhanh chóng hơn, từ đó cấp cứu người bệnh kịp thời.
Trung tâm cấp cứu 115 thuộc Bệnh viện quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vừa chính thức triển khai thí điểm mô hình xe cấp cứu hai bánh. Đây là đơn vị thứ ba triển khai thực hiện thí điểm mô hình xe cấp cứu hai bánh trên địa bàn thành phố sau Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện quận 2. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, Thủ Đức là một quận cửa ngõ đông dân, có nhiều biến động về dân số dẫn đến gia tăng số tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thương tích, bệnh truyền nhiễm…
Không chỉ đông dân, Thủ Đức còn nhiều khu vực có nhiều hẻm sâu, nhỏ, xe cấp cứu bốn bánh không thể vào được. Thực tế thời gian qua, nhiều trường hợp xe cấp cứu không đến kịp do kẹt xe, đường nhỏ nên đã không tận dụng được thời gian vàng để cứu sống người bị nạn. Có người vì thấy xe cấp cứu đến lâu, cho nên đã sử dụng những phương tiện khác để đưa nạn nhân tới bệnh viện…
Từ thực tế đó, việc ra mắt mô hình xe cấp cứu hai bánh tại Bệnh viện quận Thủ Đức đã góp phần đa dạng phương tiện cấp cứu, giúp rút ngắn thời gian vàng nhằm nâng cao hiệu quả chữa trị cho người bệnh khi cấp cứu.
Nhằm triển khai mô hình hiệu quả, Bệnh viện quận Thủ Đức đã đầu tư 10 xe máy với các thiết bị, vật tư cấp cứu cơ bản để thực hiện cấp cứu ban đầu. Ngoài ra, xe cấp cứu hai bánh còn được trang bị thêm các thiết bị chuyên dụng như: bộ đàm, điện thoại, in-tơ-nét, hệ thống màn hình có hiển thị bản đồ khu vực- có xác định vị trí cần cấp cứu và định hướng được cho các phương tiện hoạt động. Với ba trạm cấp cứu 115 trên địa bàn quận, xe cấp cứu hai bánh được bố trí đều tại các trạm cấp cứu vệ tinh để tạo thuận lợi cho hoạt động. Bà Nguyễn Thị Hoa (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) tỏ ra phấn khởi khi biết mô hình xe cấp cứu hai bánh được đưa vào hoạt động trên địa bàn. Vì nơi bà ở dân cư đông, thường hay kẹt xe, cộng với việc nhiều hẻm nhỏ chỉ xe hai bánh vào được, cho nên khi có người bệnh cần cấp cứu, xe cứu thương bốn bánh thường đến chậm hoặc không thể tiếp cận người bệnh tại nhà. Giờ có xe cấp cứu hai bánh, người bệnh sẽ được sơ cấp cứu trước một bước trước khi xe cứu thương đến hoặc vận chuyển đến bệnh viện. Vì thế, người bệnh sẽ có nhiều cơ hội được cứu chữa hơn.
PGS, TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đều mắc nhiều rào cản trong cấp cứu ngoài bệnh viện như: thói quen không gọi cấp cứu của người dân, hạ tầng giao thông kém, điều phối cấp cứu chưa hiệu quả, phương tiện vận chuyển cấp cứu chưa đa dạng, trang thiết bị cấp cứu chuyên dụng còn thiếu và chất lượng đội ngũ nhân viên chuyên trách cấp cứu ngoài bệnh viện chưa cao. Để nâng cao chất lượng cấp cứu ngoài bệnh viện, việc triển khai mô hình xe cấp cứu hai bánh chính là nỗ lực của thành phố để phục vụ người dân được tốt hơn. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, số người dân gọi cấp cứu trên địa bàn hiện nay tăng gấp ba lần so với ba năm trước đây.
Đây không phải do người bệnh tăng mà vì người dân đã tin tưởng việc cấp cứu ngoài bệnh viện. Với phương tiện xe cấp cứu hai bánh, đội ngũ y sĩ, bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 thành phố đã can thiệp kịp thời, giành lại sự sống cho hàng trăm người bệnh trong thời gian qua. Điều này cho thấy xe cấp cứu hai bánh đang phát huy hiệu quả, rút ngắn thời gian đến hiện trường, nâng cao tỷ lệ sống cho người bệnh, nạn nhân.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh, hạn chế hiện nay đối với xe cấp cứu hai bánh là xe chưa có còi hụ hay đèn chớp ưu tiên. Chính vì thế, sau khi thí điểm mô hình này thành công, việc đề xuất, kiến nghị cho xe cấp cứu hai bánh được quyền ưu tiên như cấp cứu truyền thống là điều cần thiết. Sau Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện quận 2, Bệnh viện quận Thủ Đức, mô hình xe cấp cứu hai bánh sẽ tiếp tục được mở rộng thí điểm ở quận 4, quận 10… (Nhân dân, trang 5)
Cả nước có bảy cơ sở điều trị bệnh máu khó đông
Ngày 17-4, tại Hà Nội, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư phối hợp Hội Rối loạn đông máu Việt Nam tổ chức kỷ niệm Ngày bệnh máu khó đông (Hemophilia) thế giới.
Theo thống kê, Việt Nam có hơn 6.200 người mắc bệnh máu khó đông, nhưng mới có một nửa trong số đó được chuẩn đoán và điều trị. Hiện cả nước có bảy cơ sở chính điều trị và quản lý bệnh hemophilia. Riêng Trung tâm Hemophilia (Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư) có thể cung cấp được dịch vụ chăm sóc toàn diện cho người bệnh một cách thường xuyên.
Trong những năm qua, Hội rối loạn đông máu Việt Nam – một thành viên của Liên đoàn Hemophilia Thế giới luôn tích cực phối hợp các trung tâm trên cả nước triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng sống của người bệnh. (Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ để Báo Tuổi trẻ, trang 14: “6.200 bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông”
Phát triển y tế viễn thông cho thành phố thông minh
TPHCM cần có một hệ thống y tế viễn thông (còn gọi là viễn y – Telemedicine) để bác sĩ có thể chăm sóc, chữa trị bệnh nhân từ xa.
Với kinh nghiệm sẵn có, chúng tôi đề xuất cộng tác với TPHCM thiết lập một Trung tâm Viễn y để đào tạo đội ngũ trẻ, từ đó kết nối với các bệnh viện để thực hiện những sáng kiến giải quyết những vấn đề thực tế, góp phần thực hiện đề án xây dựng TPHCM thành thành phố thông minh.
Đưa dịch vụ y tế tới người bệnh ở xa
Dựa trên công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing) và mạng lưới kết nối vạn vật (Internet of Things), nền y tế viễn thông hiện là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của y tế thế giới. Đây là việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đưa các dịch vụ y tế, y học tới người sử dụng ở xa một cách thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.
Thị trường viễn y toàn cầu năm 2016 vào khoảng 27 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Viễn y trở thành điểm nóng của ngành y về mô hình phục vụ và khả năng cải thiện tỷ số hiệu quả/chi phí. Trên thế giới, các tổ chức, bệnh viện, công ty, trường đại học, viện nghiên cứu quan tâm, nghiên cứu và tham gia vào lĩnh vực viễn y ngày càng nhiều.
Các đơn vị này liên kết tạo thành các mạng lưới trong hiệp hội về y tế viễn thông. Các nước có thu nhập thấp và trung bình cũng triển khai hệ thống viễn y để thu thập dữ liệu và theo dõi từ xa các hoạt động của y tế cộng đồng (Peru), giám sát và theo dõi bệnh sốt rét, suy dinh dưỡng (Uganda, Ấn Độ), theo dõi bệnh nhân và lưu trữ dữ liệu quản lý bệnh tật (Nam Phi), xây dựng hình ảnh học quốc tế cho bệnh lao, sản khoa, nhi khoa (Liberia)…
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện Việt Nam có hơn 13 triệu người có bệnh liên quan đến cao huyết áp và bệnh tim mạch. Những bệnh nhân này chưa được giám sát các thông số về điện tim, huyết áp đầy đủ.
Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chiếm khoảng 5% số dân (hơn 4 triệu người). Bệnh tiểu đường cũng phát triển đáng báo động với tỷ lệ người bệnh của cả nước là 4% dân số, tại TPHCM là 11%. Dự báo, năm 2025, tỷ lệ bệnh tăng lên ở các nước phát triển là 42%, nhưng ở các nước đang phát triển (như Việt Nam) sẽ tăng 170%.
Nhìn vào cơ cấu dân số của Việt Nam, chúng ta thấy xuất hiện nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong thời gian tới là rất lớn. Đồng thời, nhóm phụ nữ bước vào tuổi sinh con, có nhu cầu sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản và nhi khoa cũng lớn. Trong khi đó, nhóm lực lượng lao động của Việt Nam (từ 15 đến 59 tuổi) đang là chủ lực, chiếm trên 50%. Đây cũng là cơ hội vàng để làm cho đất nước giàu hơn trước khi già, nếu chúng ta biết sử dụng đúng cách lực lượng này.
Hiện nay, Việt Nam có: 1- Lực lượng trí thức có khả năng hấp thu được các tiến bộ khoa học, kỹ thuật; 2- Nguồn nhân lực lao động có tay nghề tốt và rẻ; 3- Hệ thống phục vụ hiệu quả; 4- Tình trạng xã hội, sinh thái rất thuận lợi với đa số dân chúng ở vùng sâu vùng xa và hiểu giá trị của sức khỏe; 5- Hạ tầng cơ sở viễn thông khá hoàn chỉnh.
Như vậy, Việt Nam có điều kiện rất tốt so với nhiều nước trên thế giới, cũng như nhu cầu và khả năng triển khai công nghệ viễn y. Viễn y giúp tăng hiệu quả việc chẩn đoán và điều trị của bệnh nhân, giúp giảm tải các bệnh viện, cũng như tạo sự liên thông dễ dàng giữa các bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới để nâng cao chất lượng điều trị bệnh của nhóm sau.
Phù hợp hoạt động khởi nghiệp
Hệ thống viễn y bao gồm các thiết bị cá nhân mà bệnh nhân có thể tự sử dụng. Cùng đó, các thiết bị chuyển tiếp tín hiệu, phần mềm quản lý bệnh nhân, phần mềm xử lý tín hiệu và ảnh y tế hỗ trợ chẩn đoán từ xa, nhằm giúp bác sĩ và y tá theo dõi tình trạng các bệnh nhân từ xa.
Thiết bị cá nhân là thiết bị đơn thông số, được sử dụng tại tư gia (homecare) phù hợp cho từng loại bệnh nhất định như để đo huyết áp, đường huyết hay chức năng hô hấp… Điểm nổi bật là các thiết bị này được phát triển dựa trên công nghệ chăm sóc tại chỗ (point-of-care technology). Nghĩa là nó có thể sử dụng ở các vùng sâu vùng xa lẫn thành thị, cũng có thể xuất khẩu đến các nước LMI (có thu nhập thấp và trung bình). Với khả năng số lượng tiêu thụ lớn, tạo lợi nhuận kinh tế cao, rất hấp dẫn với các đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối và các đơn vị cung cấp dịch vụ (các bệnh viện, các công ty viễn thông).
Việc sản xuất chúng không đòi hỏi kinh nghiệm quá cao hay đầu tư lớn, nên phù hợp với các công ty vừa và nhỏ hay công ty khởi nghiệp. Các thiết bị này là mấu chốt kết nối bác sĩ và bệnh nhân với nhau thông qua công nghệ điện toán đám mây, hệ thống điều khiển vật chất (Cyper Physical System) và mạng lưới kết nối vạn vật. Hệ thống này tạo thành một dịch vụ y tế điện tử (E-Healthcare) hoàn chỉnh, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam cũng như các nước LMI khác.
Mặc khác, dịch vụ này sẽ thu thập dữ liệu y tế, tạo thành kho tàng khổng lồ (Big Data), được phân tích bằng những công nghệ tiên tiến thuộc nhóm trí tuệ nhân tạo (Neuro Network, Artifical Intelligence, Deep Learning), thực tế ảo (Virtual Reality). Những công nghệ này giúp bác sĩ chăm sóc bệnh nhân nhanh chóng và hữu hiệu hơn, cũng như giúp các bác sĩ trẻ thu thập nhanh chóng những kỹ thuật mới.
Như thế, công nghệ viễn y sẽ bắt đầu bằng công nghệ thiết kế chế tạo thiết bị và phần mềm quản lý kết nối người tiêu thụ với nhau. Hệ thống này sản sinh ra dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, cũng như những nhu cầu mới. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp đẩy mạnh những kiến thức y học, khoa học sự sống, kỹ thuật chăm sóc sức khỏe và vạch ra đường hướng phát triển xã hội đúng đắn.
Sự thành công trong việc vận hành này sẽ làm nền tảng cho việc sáng tạo ra những thiết bị mới cùng nằm trong hệ thống quản lý. Sau đó, những dịch vụ khác sẽ cứ như thế tiếp nối và lan tỏa ra như vết dầu loang.
Tóm lại, công nghệ viễn y là một công nghệ xanh tiên tiến, thân thiện với môi trường, phù hợp với hoàn cảnh đất nước và nằm trong tay của những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như những công ty khởi nghiệp. Nó tạo sự kết nối tự nhiên giữa người dân và doanh nghiệp. Nó không những giúp giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt mà còn chuẩn bị cho các bước phát triển trong tương lai. Nếu TPHCM triển khai thành công, mô hình này có thể áp dụng cho các nước có thu nhập thấp và trung bình khác. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Thêm một trạm y tế đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình
Sáng 17-4, Trạm y tế xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TPHCM đã chính thức đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Đây là trạm y tế thứ 8 trong 24 trạm tại địa bàn TP được chọn làm thí điểm mô hình trên.
Xã Tân Nhựt có khoảng 23.000 dân, là một trong 2 xã nằm xa trung tâm nhất của huyện Bình Chánh. Trong thời gian qua, UBND huyện đã đầu tư nguồn lực cho trạm y tế xã với cơ sở hạ tầng khang trang đầy đủ theo quy chuẩn của Bộ Y tế, bổ sung thêm nhân lực cho trạm với 2 bác sĩ cơ hữu, trong đó có 1 được đào tạo chuyên ngành bác sĩ gia đình, 1 y sĩ chuyên khoa y học cổ truyền, 1 dược sĩ trung học và các nhân viên khác.
Theo phân công của Sở Y tế, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của thành phố gồm bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Hùng Vương, Nhi đồng Thành phố và các bệnh viện chuyên khoa khác sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ tư vấn chuyên môn cho các bác sĩ của Trạm y tế huyện Bình Chánh, trong đó có Trạm y tế xã Tân Nhựt.
Ngoài ra, Sở Y tế đã chỉ đạo BV huyện Bình Chánh trực tiếp hỗ trợ cho Trạm y tế xã Tân Nhựt trong cung ứng thuốc (trong khi chờ Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh chịu trách nhiệm đấu thầu thuốc cho các trạm y tế trong thời gian tới), luân phiên điều chuyển bác sĩ của bệnh viện và của trạm y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sĩ của trạm y tế nâng cao năng lực khám, chữa bệnh ban đầu và hỗ trợ cấp cứu người bệnh theo quy trình báo động đỏ khi có bệnh nhân nặng đến trạm y tế. (Sài Gòn giải phóng, trang 9)
Cung cấp dịch vụ dự phòng cho người có nguy cơ nhiễm HIV
Ngày 17-4, bà Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, dự án cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) vừa được khởi động tại Phòng Khám đa khoa số 3, Trung tâm Y tế Đống Đa, Hà Nội.
Đây là dịch vụ giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống 1 viên thuốc Truvada mỗi ngày như một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp. Đối tượng sử dụng PrEP là nam có quan hệ đồng giới, nam nữ quan hệ tình dục hay những người tiêm chích ma túy.
Việc mở rộng PrEP là cơ hội và điều kiện thuận lợi để nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ dự phòng với chi phí thấp và hiệu quả cao. Tuân thủ tốt PrEP có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục hơn 90% và tiêm chích ma túy 70%. PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và cho con bú.
Năm 2016, PrEP được thí điểm đầu tiên tại TPHCM và Hà Nội. Năm 2018, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch triển khai dự phòng trước phơi nhiễm HIV giai đoạn 2018-2020 với thuốc kháng HIV được cung cấp miễn phí. Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các dự án/tổ chức hiện đã triển khai dịch vụ PrEP tại 11 tỉnh, thành phố với 43 cơ sở y tế tư nhân và nhà nước với hơn 2.000 người sử dụng dịch vụ PrEP. (Sài Gòn giải phóng, trang 9)
Cùng chủ đề Báo Gia đình & Xã hội, trang 7: “Lần đầu tiên, Hà Nội cấp miễn phí thuốc phòng ngừa HIV”
Sản phụ mắc tim bẩm sinh phức tạp sinh con thành công
Mặc dù phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao nhưng với sự phối hợp của các bác sĩ tim mạch và sản khoa, một sản phụ mắc tim bẩm sinh phức tạp đã sinh con thành công tại Bệnh viện E. Đó là trường hợp sinh con kỳ tích của sản phụ Nguyễn Thị Hiền (35 tuổi, ở Hải Dương) bị tim bẩm sinh phức tạp từ nhỏ, thất phải hai đường ra, đảo gốc động mạch, teo phổi, thiểu sản tâm thất phải. GS, TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thị Hiền sinh con thành công là một kỳ tích bởi vì mức độ phức tạp và nguy hiểm của căn bệnh này sẽ khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
BS Nguyễn Thùy Nhung, Phó khoa Phụ sản cho biết, đây là một sản phụ mắc tim bẩm sinh rất nặng được theo dõi và phẫu thuật tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E. Trong suốt quá trình mang thai của sản phụ, các bác sĩ tim mạch và sản khoa của Bệnh viện E cùng với gia đình bệnh nhân nín thở theo dõi theo từng nhịp đập của tim thai và trái tim sản phụ. Điều đáng mừng, sức khỏe của người mẹ đã rất tốt để thai nhi phát triển đủ 9 tháng 10 ngày, không đối mặt với nguy cơ sinh non.
GS.TS Lê Ngọc Thành khẳng định, kỳ tích này là một bước tiến của ngành y tế Việt Nam, xóa bỏ hoàn quan điểm phụ nữ bị bệnh tim thì không nên lấy chồng, nếu lấy chồng thì không nên mang thai, nếu có thai thì không nên sinh. (Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ đề báo An ninh Thủ đô, trang 7: “Mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp vẫn sinh con thành công”; Báo Sài Gòn giải phóng, trang 9: “Sản phụ bị tim bẩm sinh vượt cạn thành công”