Điểm báo ngày 19/2/2019
Chống văcxin có thể bùng dịch sởi; Sau Tết, lượng máu điều trị bị thiếu hụt trầm trọng; Vận động đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo
Chống văcxin có thể bùng dịch sởi
Xấp xỉ 55% bệnh nhân mắc bệnh sởi tính từ đầu năm 2019 chưa được tiêm chủng, 44% không rõ về tiền sử tiêm chủng.
Trước nhiều nguyên nhân khiến người bệnh không tiêm ngừa sởi, các chuyên gia y tế lo lắng cảnh báo tác hại của việc chống tiêm văcxin.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ những bệnh có văcxin tiêm phòng thì chỉ có văcxin mới giải quyết triệt để ngừa bệnh. Mặc dù có hai chiến dịch tiêm bổ sung văcxin ngừa sởi tính từ giữa năm 2018 đến nay, nhưng số mắc sởi trong các tháng đầu 2019 vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng với việc trẻ 9-18 tháng tuổi được tiêm hai mũi văcxin miễn phí mà dịch vẫn tăng, chứng tỏ vẫn còn một “khoảng trống tiêm chủng”.
Không tiêm văcxin, dịch sởi quay lại
Các tháng đầu năm 2019, khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận lượng bệnh nhân là người lớn mắc sởi xấp xỉ năm có số mắc sởi lớn nhất gần đây (năm 2014). Phần lớn bệnh nhân là phụ nữ độ tuổi 20-25, đa số ở Hà Nội, một người trong đó đang mang thai.
Hà Nội cũng là địa phương có số mắc sởi tính từ đầu năm đến nay ở mức cao nhất trong số 43 tỉnh, thành ghi nhận bệnh nhân sởi. Sau Hà Nội là TP.HCM, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Bình Dương, Yên Bái… Theo ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dịch sởi tiếp tục có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ 2018.
Đáng lưu ý, dịch sởi ở Hà Nội bùng phát ngay sau khi Hà Nội tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung phòng dịch miễn phí cho toàn bộ trẻ 1-5 tuổi. Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, ngân sách T.Ư chỉ cấp văcxin cho 9 quận huyện của Hà Nội tiêm ngừa sởi bổ sung cho trẻ 1-5 tuổi, nhưng Hà Nội đã dành ngân sách địa phương để tiêm ngừa cho toàn bộ 30/30 quận huyện từ tháng 12-2018. Thế nhưng số mắc vẫn tăng.
Chiến dịch chồng chiến dịch, nhưng số mắc vẫn tăng so với cùng kỳ 2018. Có một lý do được giải thích là còn “khoảng trống tiêm chủng”, là những người bị bỏ sót chưa tiêm chủng do ốm, vắng mặt ở thời điểm tiêm chủng, do trẻ theo bố mẹ di cư đi làm ăn và bị “bỏ sót”. Số này khoảng 5-10% tùy địa phương. Khi số này tích lũy đủ lớn và có mầm bệnh thì dịch lại xuất hiện. Theo thống kê, nhiều lứa tuổi ghi nhận người mắc sởi, trong khi chiến dịch tiêm chủng mới tập trung được vào lứa tuổi 1-5.
Trào lưu “chống văcxin” có gây hại
Trả lời Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế nhận định trên mạng xã hội có một nhóm có lượng thành viên tham gia tới hàng chục ngàn người, trước đây có tên là “Chống văcxin”, gần đây tên nhóm đã thay đổi theo hướng phân tích lợi ích và nguy cơ của việc tiêm văcxin. Chuyên gia này cho rằng ở nhiều nước trên thế giới, phong trào chống văcxin đã ảnh hưởng rõ đến tỉ lệ tiêm chủng, nhưng ở VN đây mới là một trào lưu, ảnh hưởng chưa đáng kể.
Tuy nhiên, rõ ràng là tỉ lệ tiêm chủng ngừa các bệnh có văcxin vẫn chưa đạt, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Một trong những lý do quan trọng là người dân e ngại phản ứng sau tiêm. Năm 2013, văcxin 5 trong 1 sử dụng lúc đó là Quinvaxem liên quan nhiều phản ứng có hại, Bộ Y tế buộc phải tạm dừng sử dụng văcxin trong 5 tháng và ảnh hưởng tới kết quả tiêm chủng chung. Năm 2014, dịch sởi đã bùng phát. Có một dấu hiệu khá tương tự với vụ dịch sởi năm nay. Đó là cuối 2018 trong quá trình chuyển đổi văcxin 5 trong 1, loại văcxin mới được đưa vào sử dụng là ComBE Five lại liên quan nhiều trường hợp tai biến sau tiêm. Rất cần Bộ Y tế có số liệu thống kê xem tỉ lệ tiêm chủng có sụt giảm sau những sự cố này, tìm tận gốc nguyên nhân dịch sởi bùng phát, dù chiến dịch tiêm chủng liên tiếp được tổ chức. (Tuổi trẻ, trang 14)
Sau Tết, lượng máu điều trị bị thiếu hụt trầm trọng
Ngày 18-2, theo tin từ Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, sau Tết, lượng máu điều trị bị thiếu hụt trầm trọng. Trung bình mỗi ngày viện cần khoảng 1.500 đơn vị máu để cung cấp cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại 180 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Riêng nhóm máu O phải cần tối thiểu gần 700 đơn vị mỗi ngày. Tuy nhiên, tính đến ngày 17-2, lượng máu dự trữ của viện chỉ còn hơn 2.700 đơn vị máu, đủ cung cấp trong 2-3 ngày tới.
Để kịp thời khắc phục tình trạng khan hiếm máu trầm trọng ngay sau Tết Nguyên đán, 12 điểm hiến máu với dự kiến 1.500 đơn vị máu đang được Hội Thanh niên vận động hiến máu TP Hà Nội tổ chức. Từ ngày 22 đến 24-2, lễ hội Xuân hồng lần thứ XII – năm 2019 sẽ diễn ra với thông điệp “Hiến giọt máu đào – Trao đời sự sống”.
Dự kiến, lễ hội năm nay sẽ thu hút 12.000 người, tiếp nhận tối thiểu 5.000 đơn vị máu. Người hiến máu sẽ có cơ hội nhận quà tặng là gói xét nghiệm máu để biết thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe của mình. (Hà Nội mới, trang 2; An ninh thủ đô, trang 8)
Vận động đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo
Ngày 18-2, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội phát động chương trình “Xuân nhân ái – Cho đi là còn mãi” nhằm vận động đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo trong các cấp hội Chữ thập đỏ trên địa bàn Hà Nội.
Sau khi nghe tư vấn, 100% cán bộ, nhân viên Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội và một số người dân đã đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo. Đây là nghĩa cử mang ý nghĩa nhân văn cao cả, góp phần mang lại sự sống cho người khác, giảm tình trạng buôn bán, ăn cắp nội tạng, nuôi người để bán nội tạng.
Trên thực tế, những câu chuyện cảm động về cháu Hải An, cháu Vân Nhi, thiếu tá Lê Hải Ninh hay anh Dương Hồng Quý… hiến tạng cứu người trong thời gian gần đây đã góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về việc hiến mô, tạng nhân đạo. Số người tự nguyện hiến mô, tạng không ngừng tăng lên, nhưng mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu.
Để tinh thần tương thân tương ái lan tỏa, thấm sâu, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội kêu gọi, mong muốn những người làm công tác nhân đạo, từ thiện và nhân dân mạnh dạn đăng ký hiến mô, tạng. (Hà Nội mới, trang 5; An ninh thủ đô, trang 2)
Dịch sởi lan rộng 43 tỉnh, thành phố
Ngày 18/2, theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11/2- 17/2), trên địa bàn thành phố ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2018, thành phố mới ghi nhận 22 trường hợp mắc sởi.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và đang được cân nhắc như là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Cũng theo WHO, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gene của virus sởi ở Việt Nam và trên thế giới.
Tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân dịch sởi gia tăng và lan rộng là do tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi không đạt tại nhiều nước và gia tăng sự di chuyển, giao lưu toàn cầu. Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội đã đạt 96,13% nhưng hiện còn một số đơn vị có tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu trên quy mô phường, xã như: phường Đội Cấn (quận Ba Đình) tỷ lệ tiêm 64,1%; phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) (82,6%) và 17/21 phường của quận Đống Đa có tỷ lệ tiêm dưới 95%.
Hiện đã ghi nhận 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Điều đáng nói là 90% số ca mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao nếu các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được triển khai quyết liệt hơn.
Ðà Nẵng: Ðổ xô tiêm văc-xin từ mờ sáng
Nhiều ngày qua, từ mờ sáng, rất nhiều phụ huynh đổ về Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng (TTKSBT) chờ lấy số thứ tự để được tiêm văc-xin 6 trong 1 cho con.
“Tui tới đây từ khi 4h sáng, lúc ấy đã đông rồi. Đợi tới 7h mới được phát số thứ tự. Nhưng vì số người hôm qua vẫn chưa tiêm hết nên phải đợi tiếp đến gần 11h trưa mới được bồng con vào tiêm”, chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi, quận Liên Chiểu) thở dài. Cũng như chị, anh Nguyễn Hữu Huy (quận Thanh Khê) cho hay anh tới rất sớm, song vẫn phải chen chúc vì hàng người đã xếp dài. Nhiều ông bố bà mẹ mệt mỏi vì dậy sớm ngồi vạ vật bên đường.
Ghi nhận của phóng viên trong sáng 18/2, khu vực ghế chờ trước trung tâm không còn chỗ trống. Nhiều phụ huynh ôm con chờ 3, 4 tiếng đồng hồ mới được gọi vào tiêm. Một số người không lấy được số thứ tự phải bồng con ra về. Không ít gia đình ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định…cũng đón xe đưa con ra Đà Nẵng tiêm văc-xin 6 trong 1 và chịu cảnh chờ đợi.
BS.CKI. Trần Bảo Ngọc, Phó Trưởng Phòng khám đa khoa (TTKSBT) thông tin mỗi ngày trung tâm tiếp nhận tối đa khoảng 600 lượt tiêm văc -xin, trong đó 75% là tiêm tiêm văc-xin 6 trong 1. Tình trạng đông đúc này diễn ra từ trước Tết. Lượng đặt lịch tiêm trên web rất đông, nên phải căn cứ vào đó để phát số ở ngoài. “Tâm lý của người dân là lo hết văc-xin. Và vì loại 5 trong 1 có thành phần ho gà toàn tế bào, còn 6 trong 1 là vô bào, tinh khiết hơn. Ngoài ra, một số thông tin trên mạng xã hội về biến chứng của văc-xin 5 trong 1 khiến phụ huynh càng thêm lo sợ, đổ xô đi tiêm 6 trong 1 cho con”.
- Ngọc cho hay trước tình hình này, trung tâm sẽ thực hiện việc giảm tải bằng cách thông báo tiêm các loại văc-xin khác ở cơ sở số 6 Phan Châu Trinh. Trong trường hợp ít người thì khách hàng sẽ tự lấy số thứ tự, còn đông sẽ phát số để tránh tình trạng đổ xô, chen chúc. Hiện tại, nguồn văc-xin 6 trong 1 vẫn đáp ứng đủ, qua thăm dò thì các nguồn cung ứng vẫn đảm bảo liên tục. Nếu có ngắt quãng cũng không kéo dài. (Tiền phong, trang 6)
Cấp cứu nữ bệnh nhân người Nam Phi nguy kịch vì ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
Bà Demirel S., 54 tuổi, quốc tịch Nam Phi vừa được đưa vào Bệnh viện K cấp cứu, điều trị trong tình trạng suy thận, thiếu máu cấp với chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối…
Sáng nay, 18-2, Bệnh viện K thông tin cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân Demirel S. (54 tuổi), quốc tịch Nam Phi, vào cấp cứu trong tình trạng ra máu âm đạo, chóng mặt, buồn nôn, da xanh niêm mạc nhợt, vô niệu.
TS.BS Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, theo lời kể, cuối tháng 11-2018, bà Demirel S. đã được chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Sau khi tìm hiểu, bà này quyết định lựa chọn Bệnh viện K là cơ sở để điều trị.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy thận cấp do khối ung thư cổ tử cung xâm lấn lan rộng làm giãn niệu quản 2 bên, Ure huyết tăng, thiếu máu nặng… Các bác sĩ đã lập tức tiến hành truyền máu, lọc máu, cấp cứu tích cực giúp tình hình bệnh nhân cải thiện.
Tiếp đó, bệnh nhân đã được chỉ định thực hiện các xét nghiệm siêu âm, chụp Cộng hưởng từ, cho thấy khối u cổ tử cung kích thước 9,5×8,7×9,6cm, nhiều hạch chậu và hạch chủ bụng, khối tuyến thượng thận 2 bên. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy thận cấp và mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IV, sẽ tiếp tục được theo dõi và điều trị theo phác đồ.
Theo các bác sĩ, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt từ độ tuổi 30 trở lên. Bình quân mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. (An ninh thủ đô, trang 8)
Mổ cấp cứu bé trai 2 tuổi bị vỡ dạ dày do xe máy đâm
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện này vừa mổ cấp cứu cho một trường hợp bé S.A.Q bị đa chấn thương phức tạp do xe máy đâm.
Theo gia đình kể lại, ngày 29 tháng Chạp (tức 3-2), khi đang chơi gần nhà, cháu S.A.Q bị một người đàn ông điều khiển xe máy đâm phải. Sau va chạm, cháu Q. hôn mê và được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương, được chẩn đoán chấn thương bụng kín, theo dõi vỡ tạng rỗng.
Do tình trạng trẻ diễn biến nặng nên các bác sĩ đã điều trị kháng sinh dịch truyền, giảm đau và chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, qua hội chẩn, nhận thấy tình trạng bệnh nhi vô cùng nguy kịch, các bác sĩ quyết định chuyển phẫu thuật cấp cứu ngay cho bệnh nhi.
TS.BS Phạm Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Nhi khoa, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cháu H. được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng thở nhanh, mạch nhanh, hôn mê, sốc nhiễm trùng nhiễm độc do vỡ dạ dày, đã đặt ống nội khí quản.
Trong quá trình phẫu thuật, trẻ được chẩn đoán là shock nhiễm trùng, nhiễm độc do viêm phúc mạc nặng, vỡ thành trước dạ dày… Do trẻ mới 2 tuổi, lại bị đa chấn thương phức tạp nên phẫu thuật xử trí các tổn thương cần phải rất thận trọng và phải tuyệt đối chính xác.
Theo bác sĩ Hiền, vỡ dạ dày là tình trạng rất nguy hiểm, nếu không phẫu thuật, khâu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Hiện sau hậu phẫu, trẻ đã có tiến triển tốt nhưng vẫn cần theo dõi thêm. (An ninh thủ đô, trang 8)
TP Hồ Chí Minh: Số ca sốt xuất huyết tăng 249% so với cùng kỳ năm 2018
Ngày 18-2, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, trong bảy tuần đầu năm 2019, bệnh sốt xuất huyết tiếp tục lập đỉnh mới, tăng gần 250% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, từ ngày 1-1 đến 14-2-2019, tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận 6.733 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết. Trung bình mỗi tuần trên địa bàn thành phố có gần 1.000 trường hợp nhập viện vì bệnh này, chưa kể số lượng lớn người bị mắc sốt xuất huyết điều trị ngoại trú và tại các phòng khám tư. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 249% so với cùng kỳ năm 2018.
Nguyên nhân sự gia tăng đột biến này được bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh nhìn nhận là do đỉnh của mùa dịch 2018-2019 trễ hơn 10 tuần so với đỉnh mùa dịch trước. Thông thường, đỉnh dịch sốt xuất huyết hằng năm sẽ rơi vào tuần thứ 47-48 trong năm nhưng mùa dịch năm 2018-2019 lại rơi vào tuần thứ ba của năm 2019. Vì thế, dù đã là thời điểm cuối mùa dịch nhưng số ca bệnh sốt xuất huyết vẫn ở mức cao. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, đã ghi nhận hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. (Gia đình & Xã hội, trang 2)