Điểm báo ngày 19/3/2019

(CDC Hà Nam)
Điều tra, xử lý nghiêm vụ học sinh bị nhiễm sán lợn; Gần 21.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng; Tạm đình chỉ công tác giảng dạy bác sĩ vòi tiền bệnh nhân

Điều tra, xử lý nghiêm vụ học sinh bị nhiễm sán lợn

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an làm rõ vụ thực phẩm nhiễm ấu trùng sán lợn tại Bắc Ninh; các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh tích cực vào cuộc để trong thời gian sớm nhất đưa ra kết luận nguyên nhân lây nhiễm sán…, là thông tin khiến hàng nghìn phụ huynh, học sinh Bắc Ninh quan tâm.

Ngày 18-3, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh lấy mẫu xét nghiệm sán cho trẻ mầm non ở 2 trường, chi phí xét nghiệm sẽ do UBND tỉnh Bắc Ninh chi trả. Đối với trẻ nhiễm sán, tỉnh sẽ cấp thuốc điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ngày 18-3 vẫn có gần 1.000 trẻ nhiều lứa tuổi ở Thuận Thành lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương xét nghiệm sán.

Chiều 18-3, trao đổi với phóng viên Báo CAND, TS Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương cho biết, hôm nay có 726 trẻ ở rải rác một số xã của huyện Thuận Thành tới Viện xét nghiệm. Các mẫu xét nghiệm lấy tại Bắc Ninh trong hôm nay cũng đang trên đường vận chuyển về Viện để chạy kết quả. Các bác sĩ Khoa xét nghiệm làm việc hết công suất, nhưng do mẫu xét nghiệm nhiều nên chưa thể có kết quả trong ngày, mà phải 2 ngày sau mới có.

Cuối giờ chiều 18-3, Ths.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, trong ngày 18-3 có 244 trẻ ở huyện Thuận Thành tới xét nghiệm. Bệnh viện làm thêm giờ, cố gắng chạy kết quả và sẽ thông báo một cách sớm nhất.

Chiều 18-3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn tại một số địa phương. Để chủ động phòng, chống bệnh này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế cử ngay đoàn công tác về Bắc Ninh và các tỉnh có phát hiện để chỉ đạo phòng, chống bệnh, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa; tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc kịp thời khám, điều trị cho người bệnh.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về ATTP, nhất là các cơ sở có bếp ăn cho học sinh và vệ sinh trường học; tuyên truyền, vận động học sinh và phụ huynh học sinh thực hiện ăn uống hợp vệ sinh và vệ sinh thân thể. Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra làm rõ thực phẩm bị nhiễm ấu trùng sán lợn tại Bắc Ninh.

Ngày 18-3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trước nhu cầu khám xác định bệnh ấu trùng sán lợn tăng vọt, trong đó chủ yếu là từ các gia đình ở Bắc Ninh, các bác sĩ đã và đang tích cực khám, chẩn đoán phát hiện các triệu chứng, đánh giá các nguyên nhân, các yếu tố dịch tễ, tiền sử sử dụng các loại thức ăn bị ô nhiễm, làm xét nghiệm và tiến hành các phân tích để có chẩn đoán.

Điều khiến người dân Thuận Thành và dư luận quan tâm hiện nay là nguyên nhân khiến hàng loạt trẻ em nhiễm sán lợn là do đâu. Dự kiến hôm nay Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương sẽ cử đoàn chuyên gia về Thuận Thành điều tra dịch tễ học. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quang Thiều chưa thực hiện được vì ngoài các cháu đến xét nghiệm đông, bệnh viện cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể, khoa học để có đánh giá và thông tin cẩn trọng, đưa ra kết luận chính xác nhất.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, để tìm ra nguyên nhân trẻ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh, việc chẩn đoán hiện tại có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố, vì xét nghiệm ELISA kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó. Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác nguồn lây truyền, đường lây cần có các điều tra, đánh giá dịch tế cẩn thận, rõ ràng, chính xác đảm bảo khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học.

Với sự chỉ đạo của Thủ tướng, hy vọng sự vào cuộc của Bộ Công an, ngành Y tế, việc tìm ra nguyên nhân lây bệnh sẽ sớm có kết quả. (Công an nhân dân, trang 2; Lao động, trang 2; Nông thôn ngày nay, trang 3; Hà Nội mới, trang 1; Tiền phong, trang 1).

Gần 21.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng

Ngày 18-3, tại hội thảo quốc tế về điều phối ghép tạng diễn ra tại Hà Nội, GS Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, cho biết, đã có gần 21.000 người trong cả nước đã đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Tuy nhiên, nguồn tạng để ghép cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vẫn rất thiếu.

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến cho biết, cả nước đã thực hiện được gần 3.700 ca ghép tạng, trong đó có hơn 3.500 ca ghép thận, 150 ca ghép gan và 28 ca ghép tim. Hiện nay, cả nước có 19 trung tâm ghép tạng nhưng việc kết nối thông tin giữa các trung tâm chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong khi đó, ở các nước phát triển, phần mềm kết nối giúp tra cứu, kết nối thông tin nhanh. “Chúng ta cần tiến tới hiện đại như thế để có thể điều phối ghép tạng được nhanh hơn và có hiệu quả hơn. Tiến tới kết nối với các trung tâm ghép tạng lớn trong khu vực” – Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ. (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

Tạm đình chỉ công tác giảng dạy bác sĩ vòi tiền bệnh nhân

Hội đồng kỷ luật Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã xem xét kỷ luật và tạm đình chỉ công tác bác sĩ hành vi vòi tiền bệnh nhân tại Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TPHCM.

Liên quan đến vụ một bác sĩ giảng dạy tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ký hợp đồng chuyên môn với Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TPHCM có hành vi vòi tiền bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TPHCM, chiều 18-3, PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã xem xét kỷ luật và tạm đình chỉ công tác bác sĩ này.

Bác sĩ N.L.M.T. là cán bộ giảng dạy hợp đồng ngắn hạn ở Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chứ không thuộc diện biên chế như báo chí nêu và được ký hợp đồng chuyên môn với Bệnh viện Truyền máu – Huyết học để thực hành tại Khoa Cấp cứu từ năm 2012 đến nay.

Cũng theo PGS-TS Ngô Minh Xuân, vừa qua Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học đã đình chỉ công tác bác sĩ N.L.M.T. và trả về trường. (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Hà Nội: Dịch bệnh sởi xuất hiện ở 29/30 quận, huyện, thị xã

Ngày 18-3, theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11 đến 17-3), Hà Nội ghi nhận thêm 82 trường hợp mắc sởi, tăng 6 trường hợp so với tuần trước.

Như vậy, tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay là 494 trường hợp, phân bố tại 29/30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc sởi tập trung ở khu vực nội thành (chiếm 73%). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân sởi như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Ba Đình.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, mặc dù các trường hợp mắc sởi phân bố rải rác và chưa có ca bệnh tử vong, nhưng theo nhận định dịch bệnh có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Sở Y tế yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã huy động lực lượng cộng tác viên dân số phối hợp rà soát kỹ các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn để khuyến cáo gia đình cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là vắc xin phòng bệnh sởi.

Ngoài ra, trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 5 trường hợp sốt xuất huyết, 20 trường hợp tay chân miệng, 2 trường hợp ho gà. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 144 trường hợp sốt xuất huyết, 146 trường hợp tay chân miệng và 42 trường hợp ho gà. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Cần triển khai ngay chương trình hành động truyền thông về Dân số và Phát triển

Chuyển đổi sang nội hàm về Dân số và Phát triển là một vấn để lớn và mới hoàn toàn khác với nội dung DS-KHHGĐ. Do đó, một giải pháp cần triển khai ngay là truyền thông vận động chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển. Bài học kinh nghiệm trong thực hiện thắng lợi NQ TW 4 khóa VII là ngay sau khi ban hành Nghị quyết TW4, Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược truyền thông vận động chuyển đổi hành vi sớm trước Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000.

Đổi mới để giải quyết toàn diện

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi. Các nước và các tổ chức quốc tế đều đề cao công tác dân số, coi đây là vấn đề có quan hệ gắn bó và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Tổ chức Liên Hợp Quốc ngay từ Hội nghị Dân số thế giới năm 1994 đã lựa chọn chủ đề “Dân số và Phát triển bền vững” làm chương trình chung khuyến nghị cho mọi quốc gia. Hiện nay quá trình toàn cầu hoá, đô thị hoá, công nghiệp hoá dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và biến đổi khí hậu, thay đổi về điều kiện, lối sống, môi trường sống và làm việc, môi trường sinh thái đã và đang dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về mô hình gia đình, kết hôn, ý thức và khả năng sinh sản, tăng nhanh quá trình di cư…

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XII tháng 10/2017 đã xem xét, đánh giá về những cố gắng và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc thực hiện Nghị quyết TW Đảng lần thứ 4 khóa 7 về Chính sách DS-KHHGĐ đến năm 2015 và đề ra định hướng trong tình hình mới. Qua hơn 25 năm thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật là: Đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt được trước 10 năm và duy trì, ổn định được mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng năm 2020 – 2030 với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng từ 65,3 tuổi lên 73,4 tuổi (cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người). Việt Nam được thế giới đánh giá là điểm sáng về công tác dân số và đã được nhận giải thưởng của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, chính sách hạn chế mức sinh kéo dài, rộng khắp cả nước cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu nhân khẩu học cũng đã phát sinh những hệ luỵ cần sớm được khắc phục, đòi hỏi phải có những đổi mới công tác dân số để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề về dân số. Trước Hội nghị TW 6, Ban Bí thư đã có Kết luận số 119-KL/TW ngày 4/1/2016. Trong đó xác định các vấn đề trọng tâm cần sớm thực hiện là: Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; Giảm thiểu mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh đưa về mức cân bằng tự nhiên; Duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; Thích ứng với già hoá dân số; Nâng cao chất lượng dân số; Phân bố dân số phù hợp và quản lý dân cư. Trước tình hình mới Hội nghị TW 6 đã khẳng định tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Truyền thông vận động, cần triển khai trước một bước

Một giải pháp cần triển khai ngay là truyền thông vận động chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển. Bài học kinh nghiệm trong thực hiện thắng lợi NQ TW 4 khóa VII là ngay sau khi ban hành NQTW4, Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược truyền thông vận động chuyển đổi hành vi sớm trước Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000.

Chuyển đổi sang nội hàm về Dân số và Phát triển là một vấn đề lớn và mới hoàn toàn khác với nội dung DS-KHHGĐ. Do vậy công tác truyền thông vận động cần được triển khai sớm và đổi mới cả về nội dung và phương pháp truyền thông vận động:

1. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số trong mối quan hệ qua lại với phát triển kinh tế- xã hội.

2. Chính sách Dân số và Phát triển phải bảo đảm giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Tăng cường sự tham gia phối hợp liên ngành, phát huy vai trò, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các đoàn thể xã hội và đảm bảo mọi người dân đều có quyền và nghĩa vụ tham gia công tác dân số trong tình hình mới.

3. Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động, tạo phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực người Việt Nam.

4. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt. Ngăn ngừa tư tưởng tâm lý không hạn chế số con. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

5. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao.

6. Đổi mới toàn diện, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ. (Gia đình & Xã hội, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 09/5/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/10/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/8/2019

Mậu Ngọ

Để lại bình luận