Điểm báo ngày 21/9/2020

(CDC Hà Nam)
Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, người dân không nên chủ quan trong phòng, chống dịch

Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, người dân không nên chủ quan trong phòng, chống dịch

Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, tính từ 6h đến 18h ngày 20-9, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta đến nay là 1.068 ca, trong đó, 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước (551 ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay).

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19), Việt Nam đã có tổng số 942 trường hợp được công bố khỏi bệnh.

Đến thời điểm này, số ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở nước ta là 35 người, trong đó đa số là người cao tuổi, có nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hóa chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hóa đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng. Trong số các bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế, có 14 người đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; có 3 người âm tính lần 2 và 22 người âm tính lần 3.

Số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được theo dõi sức khỏe đang giảm dần và hiện còn 24.396 người, trong đó 410 người được cách ly tập trung tại bệnh viện; 14.790 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 9.196 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Như vậy, Việt Nam đã có 18 ngày không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng. Hiện nay, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát. Tuy nhiên tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu. Vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người… Để phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là khi đi ra ngoài và khi về nhà.

Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân hãy hành động, cùng nhau thực hiện đúng và đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt Thông điệp 5K: Khẩu trang- Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế để giữ an toàn cho mình và xã hội trước đại dịch Covid-19. (An ninh thủ đô, trang 2).

 

18 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới tại cộng đồng

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 6h đến 18h ngày 20-9, nước ta không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19. Như vậy, đã tròn 18 ngày (tính từ ngày 3-9 đến nay), nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.068 ca, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước. Trong đợt dịch này, tính từ ca mắc cộng đồng đầu tiên được ghi nhận tại Đà Nẵng vào ngày 25-7 đến nay, cả nước ghi nhận 551 trường hợp lây nhiễm trong nước; 15 tỉnh, thành phố có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng.

Về số người cách ly, hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 24.396 (giảm 5.767 người so với hôm qua), trong đó có 410 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 14.790 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện nước ta có 942 ca mắc Covid-19 được điều trị khỏi.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng cho biết, trong số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, 39 ca có kết quả âm tính từ 1 đến 3 lần trở lên với vi rút SARS-CoV-2 và ghi nhận 35 ca tử vong. (Hà Nội mới, trang 1; Nhân dân, trang 5).

 

Bộ Y tế hướng dẫn giám sát người nhập cảnh

Bộ Y tế ban hành văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương trong cả nước về việc hướng dẫn giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết tính đến 18 giờ ngày 20.9 Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Như vậy, Việt Nam đã có 18 ngày không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng. Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế, 14 người đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; 3 người âm tính lần 2 và 22 người âm tính lần 3.

Số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được theo dõi sức khỏe đang giảm dần và hiện còn 24.396 người; trong đó 410 người được cách ly tập trung tại bệnh viện, 14.790 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 9.196 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Trong hai ngày 19 – 20.9, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng Mỹ đưa hơn 340 công dân Việt Nam trở về nước an toàn. Hành khách trên chuyến bay đến từ nhiều bang ở Mỹ, bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, người đi du lịch bị kẹt lại, du học sinh đã hoàn thành chương trình học không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Ngày 20.9, Bộ Y tế ban hành văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương trong cả nước về việc hướng dẫn giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam. Trước khi nhập cảnh, người nhập cảnh phải đăng ký cơ sở cách ly tập trung kèm theo lịch trình làm việc cụ thể tại Việt Nam; chuẩn bị giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền trước khi nhập cảnh 3 – 5 ngày.

Khi nhập cảnh, người nhập cảnh được cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm tra giấy tờ liên quan, thực hiện đo thân nhiệt, kiểm tra y tế, thu thập thông tin cơ sở cách ly tập trung, thông báo cho các địa phương tiếp tục theo dõi, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu (nếu có). Tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam đều được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần trong vòng 14 ngày. Nếu kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 thì được di chuyển về nơi lưu trú và tiếp tục tự cách ly khi đủ 14 ngày. (Thanh niên, trang 3).

 

Đã kết nối 1.100 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa: Hàng trăm ca bệnh nặng hội chẩn “vượt không gian”

Tính đến ngày 19/9, Đề án khám chữa bệnh từ xa- Telehealth của ngành y tế đã vượt mục tiêu, hiện kết nối 1.100 cơ sở khám chữa bệnh. Hàng trăm ca bệnh nặng đã được các chuyên gia tuyến trên hỗ trợ hội chẩn điều trị “vượt không gian” đến tận vùng biên giới, vùng sâu, xa và hải đảo

Mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến

Bộ Y tế đã và đang triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025 với kỳ vọng tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Khám, chữa bệnh từ xa sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế, giúp tuyến trên không bị quá tải, nâng cao trình độ tuyến dưới, giảm tỷ lệ tái khám, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh…

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Việc thực hiện Đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Các mạng lưới này được hỗ trợ chuyên môn như nhau.

“Chúng ta ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh. Tận dụng hết chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng tại cơ sở. Tất cả vì mục tiêu cái gì có lợi cho người dân thì làm”- Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, có thể khẳng định Đề án Khám, chữa bệnh từ xa là một trọng tâm hoạt động trong giai đoạn hiện nay của Bộ Y tế. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long đã trực tiếp chỉ đạo hoạt động này nhằm mục xây dựng mạng lưới y tế không giới hạn giữa các tuyến.

Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.

Hội chẩn điều trị từ xa gần 300 ca bệnh nặng

Là cơ sở y tế tiên phong trong mùa dịch COVID-19, từ tháng 4/2020, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chính thức thực hiện khám chữa bệnh từ xa.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bên cạnh việc hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa trực tiếp qua hệ thống Telehealth tại các điểm cầu, Bệnh viện đã và đang triển khai các phòng, khám bệnh từ xa tại các bệnh viện. Trước mắt là Bệnh viện 199 (Đà Nẵng) và Bệnh viện Đa khoa Thanh Ba (Phú Thọ).

Tại các đầu cầu, các bác sĩ sẽ ở trong phòng khám của bệnh viện và cùng với các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trực tuyến với bệnh nhân. Các hình ảnh, xét nghiệm sẽ được gửi qua công nghệ thông tin và được phân tích, xử lý tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đơn thuốc sẽ được các bác sĩ ở điểm cầu cấp cho bệnh nhân cùng tên của bác sĩ hội chẩn trực tuyến tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Giai đoạn tiếp theo đang được triển khai là tiến hành sử dụng các công cụ hỗ trợ để chẩn đoán từ xa tại nhà của bệnh nhân. Theo đó, các điều dưỡng viên, kỹ thuật viên sẽ đến tận nhà bệnh nhân khi có yêu cầu, làm các xét nghiệm, lấy mẫu máu theo sự hướng dẫn của bác sĩ ngồi tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn.

“Hiện chúng ta đang khám chữa bệnh theo phương pháp truyền thống và vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy. Telehealth sẽ là một công cụ hỗ trợ. Nó không thể thay thế tuyệt đối, nhưng sẽ hỗ trợ cho hệ thống y tế. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện cơ sở. Giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện trung ương. Đặc biệt là giảm tỷ lệ tái khám của người bệnh”- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói

Được biết, sau 4 tháng triển khai thực hiện chương trình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành đều đặn 1 tuần 2 buổi Telehealth (thứ 3 và thứ 5) với tổng số lượng các đầu cầu tham gia là 159 đầu cầu. Tính đến nay, từ điểm cầu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các chuyên gia của bệnh viện đã hội chẩn điều trị từ xa 282 trường hợp bệnh nhân nặng

“Phủ sóng” khám chữa bệnh từ xa chuyên ngành nhi khoa đến huyện đảo

Ngay khi nhận được đề xuất hỗ trợ chuyên môn khẩn từ xa của Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình về ca bệnh phức tạp áp xe thận/nhiễm khuẩn huyết/ tim bẩm sinh phức tạp/ đảo ngược phủ tạng, PGS.TS. Trần Minh Điển – Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo tiến hành cuộc hội chẩn khẩn cấp trực tuyến do chính PGS. Điển điều hành với các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Hồi sức, Ngoại khoa, tim mạch, Chẩn đoán hình ảnh, Thận- tiết niệu của Bệnh viện để hỗ trợ chuyên môn đột xuất.

Cuộc hội chẩn đã đưa ra những phác đồ rõ ràng, sát thực với tình hình bệnh nhân, giúp tuyến dưới có định hướng rõ ràng, tự tin cho công tác điều trị.

Trước đó, từ trường hợp bé trai 16 tháng tuổi ở Bắc Giang đưa đến bệnh viện cấp cứu ở ngày thứ 2 khi xuất hiện các cơn co giật, li bì, được chẩn đoán mắc tay chân miệng giai đoạn 2b báo cáo tại buổi khai trương khám chữa bệnh từ xa- Telehealth, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý các bác sĩ gần 170 điểm cầu kết nối với Bệnh viện Nhi Trung ương khi chẩn đoán tay chân miệng, cần dựa vào lâm sàng, không nên chờ kết quả xét nghiệm…

GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sỹ tại các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa. Bênh viện Nhi Trung ương sẽ thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, trao đổi, hỗ trợ các ca bệnh khó, phức tạp; qua đó từng bước cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em tại cơ sở.

Thông qua Telehealth, các giáo sư, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội đã hỗ trợ nhanh chóng chữa trị các ca bệnh khó tại mọi miền của tổ quốc. Đặc biệt, bệnh nhi tại huyện đảo Cô Tô đã được các bác sĩ tư vấn và hội chẩn, rút ngắn thời gian và hành trình di chuyển của bệnh nhân từ đảo về đất liền mà vẫn đảm bảo chất lượng điều trị.

Nhờ Teleheath- chuyên gia Bệnh viện K hội chẩn “vượt không gian” các ca bệnh khó

Bệnh nhân Trần Thị L, 61 tuổi, ở Bảo Thắng, Lào Cai đã từng có tiền sử bị ung thư vú được điều trị hóa chất, phẫu thuật vú phải… Mới đây, bệnh nhân bị đau đầu, ù tai vào khám và đang điều trị ở BVĐK Lào Cai với chẩn đoán thêm ung thư vòm. Thông tin về tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã được chuyển đến các bác sĩ Bệnh viện K ngay tại buổi hội chẩn thứ 2 của đề án khám chữa bệnh từ xa- Telehealth do Bệnh viện K triển khai thực hiện…

Chủ trì buổi khám chữa bệnh từ xa kết nối từ Bệnh viện K đến các bệnh viện ở Bắc Kạn, Bắc Giang và Lào Cai, PGS.TS Lê Văn Quảng – Giám đốc Bệnh viện K đánh giá đây là ca bệnh tương đối phức tạp, đòi hỏi phải xét nghiệm thêm mới đưa đến quyết định điều trị chính xác. Các dấu hiệu về mặt lâm sàng, bệnh nhân có ung thư thứ 2 tại vòm rõ vì về lâm sàng có những dấu hiệu đặc trưng của ung thư vòm cao.

“Với bệnh nhân này phải sinh thiết phổi. Sau đó đọc kết quả, cần thiết nhuộm hóa mô miễn dịch để xem nguyên phát hay thứ phát. Và xem di căn từ vòm hay từ vú. Hai ung thư này đều di căn phổi ở giai đoạn muộn cả. Trong quá trình chờ giải phẫu bệnh, bệnh nhân cần làm xạ hình xương để xem có di căn xương hay không và đánh giá lại cả ổ bụng xem có di căn không. Cần thiết thì chụp cả MRI não để đánh giá tổng thể hơn. Đồng thời, chăm sóc triệu chứng cho bệnh nhân”- Giám đốc Lê Văn Quảng nói.

Các chuyên gia, bác sĩ ở các đầu cầu cũng thống nhất bệnh nhân cần nâng cao thể trạng, làm thêm các xét nghiệm, chẩn đoán cần thiết trước khi đưa ra phác đồ điều trị chính xác cho bệnh nhân.

Trước đó, ngày 31/8, Bệnh viện K đã tổ chức khai trương hệ thống Telehealth triển khai khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 – 2025. Tại buổi hội chẩn này, chuyên gia Bệnh viện K hội chẩn “vượt không gian” các ca bệnh khó của BVĐK Điện Biên, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và BVĐK Hùng Vương (Phú Thọ). (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Hướng dẫn mới về xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn số 4974/BYT-DP gửi Bộ LĐ-TB&XH và UBND các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương về việc xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh.

Công văn này thay thế công văn số 4847/BYT-DP ngày 11/9/2020 của Bộ Y tế.

Theo công văn mới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, tạo điều kiện cho người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, người Việt Nam có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS-CoV-2 nhằm mục đích xuất cảnh đi lao động, học tập ở nước ngoài và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 8/9/2020, Bộ Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19) đề nghị Bộ LĐTBXH và UBND tỉnh thành phố thực hiện các nội dung sau:

Đối với người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS-CoV-2: Đề nghị các tổ chức, đơn vị đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài lập danh sách cụ thể, xong chủ động liên hệ với các cơ sở xét nghiệm đã được Bộ Y tế cấp giấy phép xét nghiệm xác định để được xem xét, hướng dẫn hướng dẫn thực hiện xét nghiệm theo quy định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/8/2018

admin

Điểm báo ngày 14/4/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/11/2018

Ngọc Nga

Để lại bình luận