Chính phủ đồng ý mua 10 triệu liều vắc xin Abdala của Cuba
Chính phủ vừa có Nghị quyết về việc mua vắc xin phòng Covid-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất.
Nghị quyết được Chính phủ ban hành hôm nay, 20.9, đồng ý việc Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo điều 26 luật Đấu thầu đối với việc mua vắc xin phòng Covid-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất với các điều kiện sau đây:
Chấp thuận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin hoặc việc sử dụng vắc xin.
Chấp nhận giao hàng không đúng tiến độ nêu trong hợp đồng, phải tiếp nhận đủ số lượng 10 triệu liều vắc xin, kể cả trong trường hợp Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba giao hàng chậm; chấp nhận thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng.
Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba không phải thực hiện bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Việc tranh chấp hợp đồng (nếu có) được thực hiện theo pháp luật của Cuba, trường hợp hai bên không đạt được đồng thuận, việc giải quyết được thực hiện theo quy tắc trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế ICC tại Paris, Pháp.
Nghị quyết giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu tại các văn bảo mà bộ này đã báo cáo trước đó; khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vắc xin phòng Covid-19 Abdala của Cuba, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả trong phòng chống dịch.
Trước đó, hôm 17.9, Chính phủ cũng đã quyết định mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer bằng nguồn kinh phí từ Quỹ vắc xin.
Bộ Y tế cho hay, Việt Nam đến nay đã tiếp nhận 50,2 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu và tài trợ. Đến ngày 19.9 có 34 triệu liều đã được tiêm trên cả nước, trong đó hơn 6,5 triệu liều tiêm mũi 2. (Thanh niên, trang 4; Công an nhân dân, trang 1).
Đề nghị COVAX giúp Việt Nam vắc xin cho người dưới 18 tuổi
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị COVAX giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vắc xin dành cho người dưới 18 tuổi.
Chiều 20.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp trực tuyến với bà Aurélia Nguyen, Giám đốc điều hành Chương trình COVAX. Thủ tướng đề nghị COVAX ưu tiên phân bổ vắc xin cho Việt Nam, nhất là trong các tháng 9, 10 và 11 cũng như hoàn thành thỏa thuận cung cấp vắc xin cho Việt Nam trong năm 2021; đề nghị COVAX giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vắc xin dành cho người dưới 18 tuổi.
Bà Aurélia Nguyen cho hay trong tháng 10, COVAX sẽ tiếp tục phân bổ 85 triệu liều vắc xin cho các nước, trong đó có Việt Nam. COVAX đang theo dõi sát tiến triển về nghiên cứu vắc xin dành cho trẻ em dưới 18 tuổi và sẽ thông tin, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam về vấn đề này.
Nghiên cứu 2 phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân Covid-19
Cùng ngày, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu kiến nghị 2 phương pháp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 của GS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư.
Theo GS Nguyễn Thanh Liêm, để góp phần giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân Covid-19, ông đề xuất 2 phương pháp điều trị mới mà thế giới đã áp dụng thành công. Thứ nhất, truyền huyết tương có chứa kháng thể chống SARS -CoV-2 của những người mắc bệnh đã hồi phục cho các bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng. Phương pháp thứ hai là truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão Cytokine. (Thanh niên, trang 4; Hà Nội mới, trang 2).
20% bệnh nhân Covid-19 bị trầm cảm
Theo khảo sát, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%.
Ngày 20.9, Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 TP.HCM (do BV Chợ Rẫy phụ trách) công bố kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại BV này.
Theo đó, tỷ lệ bệnh nhân (BN) Covid-19 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%. Đặc biệt, những BN từng thở ô xy dòng cao (HFNC) có tỷ lệ trầm cảm là 66,7%; BN từng thở ô xy qua mặt nạ, hoặc thở máy có tỷ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.
BV Hồi sức Covid-19 đã mời tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy (chuyên gia trị liệu tâm lý thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội – nhân văn TP.HCM) đến khảo sát và tư vấn, hỗ trợ điều trị tâm lý cho các BN. (Thanh niên, trang 4).
Rút ngắn thời gian tiêm mũi 2
Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố hướng dẫn về khoảng cách tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19 AstraZeneca.
Ngày 20.9, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố hướng dẫn về khoảng cách tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19 AstraZeneca.
Theo Bộ Y tế, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất thì mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4 – 12 tuần sau mũi 1. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là từ 8 – 12 tuần. Bộ Y tế trước đó đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca hoặc vắc xin Pfizer (nếu thiếu AstraZeneca) là từ 8 – 12 tuần sau mũi 1.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị sở y tế tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của WHO, nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế để tham mưu về thời gian tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca. (Thanh niên, trang 4; Tuổi trẻ, trang 2).
Hà Nội yêu cầu bệnh viện không được từ chối bệnh nhân đi từ vùng dịch đến khám
Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh đặt cảnh báo phòng chống dịch ở mức cao nhất, song không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân đi từ vùng dịch, ca nghi ngờ đến khám.
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản khẩn số 500/SYT-NVY yêu cầu tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập đặt cảnh báo phòng chống dịch ở mức cao nhất, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế và thành phố.
Cùng đó, tăng cường chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc người bệnh, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ; sàng lọc chỉ định xét nghiệm cho người bệnh điều trị ngoại trú, nội trú (lưu ý tại các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, chạy thận chu kỳ, bệnh nhân cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính, hội chứng cúm, viêm phổi nặng, thở máy…) để chỉ định xét nghiệm, cách ly kịp thời.
Đối với khu cách ly tiếp nhận ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh dương tính phải được kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội lưu ý các bệnh viện không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân đi từ vùng dịch, ca nghi ngờ đến khám. Tổ chức vùng đệm (khu cách ly tạm thời) để quản lý người bệnh đi từ vùng dịch, ca bệnh nghi ngờ trong lúc chờ kết quả xét nghiệm. (An ninh Thủ đô, trang 2).
Sẽ giảm dần bệnh viện dã chiến
Ngành y tế TP.HCM đang tính toán giảm dần một số cơ sở cách ly tập trung tại các quận huyện và bệnh viện dã chiến khi TP dần “mở cửa”, một số bệnh viện dã chiến hoàn thành “sứ mệnh” tiếp nhận chăm sóc điều trị bấy lâu nay.
Các trường học, ký túc xá, chung cư, nhà văn hóa, một phần các bệnh viện… sẽ được trở về chức năng ban đầu trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 (F0) tại TP đang được chăm sóc điều trị tại nhà ngày một lớn (ước tính trên 40% tổng ca đang điều trị) và tỉ lệ số ca khỏi bệnh xuất viện ngày một tăng (169.201 người).
Bệnh nhân giảm dần, nên gom lại
Những ngày đầu tháng 8-2021, khi số ca mắc cần nhập viện tăng cao, Bệnh viện dã chiến quận 8 (số 1) được thiết lập nhanh chóng dựa trên “bộ khung” của Trung tâm văn hóa quận 8. Hơn một tháng rưỡi đi vào hoạt động, với lực lượng nòng cốt từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP, Bệnh viện ĐH Y dược… nơi này đang hoàn thành tốt nhiệm vụ “chia lửa” cho các bệnh viện cả tuyến dưới và tuyến trên.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong – giám đốc điều hành bệnh viện – cho biết lúc trước khi cao điểm bệnh viện tiếp nhận điều trị cho khoảng 170 bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng nay chỉ còn khoảng 100 ca. Việc tiếp nhận bệnh nhân chuyển vào cũng đang dần “hạ nhiệt”, chỉ còn khoảng 10 ca/ngày (trước đây 20 – 25 ca/ngày).
“Việc huy động lực lượng, đặc biệt các bác sĩ quân y tập trung điều trị F0 tại nhà, đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp hạn chế được lượng bệnh trở nặng phải nhập viện. Khi lượng bệnh giảm, nhân viên y tế có đủ điều kiện chăm sóc điều trị bệnh tốt hơn, qua đó tăng tỉ lệ xuất viện, song song giảm tỉ lệ biến chứng trở nặng và tử vong” – bác sĩ Phong phân tích.
Theo ông Phong, một số bệnh viện dã chiến trưng dụng từ trung tâm văn hóa, trường học, ký túc xá… tùy vào tình hình dịch bệnh mà có lộ trình để bàn giao về chức năng vốn có, chỉ nơi nào đặc biệt, có cơ sở vật chất đáp ứng sử dụng ổn định mới nên giữ lại. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân giảm cũng cần gom các bệnh viện dã chiến lại nhằm tận dụng tối đa hiệu quả, tiết kiệm các chi phí vận hành.
Tương tự, Bệnh viện dã chiến số 1 với công suất khoảng 4.500 giường bệnh được trưng dụng từ ký túc xá Trường ĐH Giáo dục quốc phòng và an ninh (TP Thủ Đức), nơi học tập thường xuyên của hàng ngàn sinh viên. Bệnh viện đã đón hơn 19.000 ca nhập viện (bệnh nền, có triệu chứng hoặc không đủ tiêu chuẩn cách ly tại nhà) và bệnh viện này cũng đang giữ kỷ lục về số ca xuất viện với 16.000 ca.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Tâm – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện, thời điểm hiện tại chỉ còn tiếp nhận khoảng 200 – 300 ca/ngày, bằng một nửa so với lúc cao điểm. Theo ông Tâm, với tình hình dịch còn phức tạp, việc duy trì một số bệnh viện dã chiến là điều cần thiết nhưng cũng cần tính toán rút gọn “gom về một mối”, cụ thể đối với những bệnh viện dã chiến có số lượng bệnh nhân không nhiều.
“Khi gom lại, chúng ta có thể dồn nhân lực về một nơi để tập trung điều trị, bởi hiện nay các bệnh viện đều đã thành lập khoa cho bệnh nhân thở oxy, ngành y tế có thể tận dụng tối đa công suất giường, giảm tải công việc. Tuy vậy việc sắp xếp này cũng nên theo lộ trình cụ thể” – bác sĩ Tâm nói.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Thị Thu Vân – phó giám đốc Bệnh viện quận 11, phụ trách Bệnh viện dã chiến số 9 (huyện Hóc Môn) – cho biết bệnh viện này trưng dụng từ Trường ĐH Ngoại ngữ – tin học. Hiện số lượng bệnh chuyển đến cũng đang giảm đáng kể, chỉ còn 300 – 400 bệnh nhân/ngày (trước đây 600 bệnh nhân/ngày). Bà Vân cũng cho rằng nên tính toán đến phương án gom các bệnh viện dã chiến ít bệnh nhân lại nhằm phát huy tối đa công suất, đồng thời trả lại cơ sở vật chất để các đơn vị hoạt động trở lại khi TP dần mở cửa.
Gom lúc nào?
Theo thống kê, toàn TP.HCM hiện có 93 cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 (từ tầng 1 đến tầng 3). Trong số này có khoảng 30 bệnh viện dã chiến với số giường bệnh khoảng 42.000 giường, lớn nhất trong hệ thống điều trị. Theo đánh giá của các chuyên gia, khi TP mở cửa hoạt động được trở lại bình thường, việc tính toán “gom” hoặc trả lại các cơ sở này là điều cần thiết.
Vậy sắp xếp các bệnh viện dã chiến lúc nào là phù hợp? Bác sĩ Trần Văn Khanh – giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, kiêm phụ trách Bệnh viện dã chiến số 3 (TP Thủ Đức) – đánh giá khi số lượng bệnh nhân tiếp nhận trên 60% vẫn nên duy trì hoạt động, khi còn khoảng 40% thì nên tính toán giảm một số bệnh viện dã chiến và gom lại.
Theo ông Khanh, ngoài công tác điều trị, với bệnh nhân mắc COVID-19 sau xuất viện vẫn cần được chăm sóc. Do đó các bệnh viện dã chiến cần tính phương án chuyển đổi công năng nhằm tập trung điều trị cho bệnh nhân hậu COVID-19 như tập vật lý trị liệu, cải thiện hô hấp, dinh dưỡng…
Trong khi đó, theo tính toán sơ bộ của ngành y tế TP, khi cơ bản kiểm soát được dịch (TP phấn đấu đến 30-9), sẽ tính toán hoàn trả dần các cơ sở cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến của quận, huyện đặt tại các trường học nhằm khôi phục việc học tập cho học sinh. Các bệnh viện dã chiến sẽ được sắp xếp theo hướng “2 trong 1”, tức đủ 2 tầng điều trị trong 1 bệnh viện (tầng 2 và tầng 3).
Cụ thể các trung tâm hồi sức sẽ được “lồng ghép” trong các bệnh viện dã chiến 13, 14, 16… để tiếp nhận các trường hợp bệnh nặng và trung bình; đồng thời tiếp tục duy trì một số bệnh viện dã chiến tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nhẹ tại huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. “Vẫn phải đảm bảo duy trì khu cách ly điều trị dành cho người mắc COVID-19 với quy mô tối thiểu 20 – 40 giường có oxy” – một lãnh đạo Sở Y tế nói.
Ngoài ra cơ sở hạ tầng của các trung tâm hồi sức quốc gia (Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế) vẫn sẽ được giữ lại nguyên trạng để sẵn sàng hoạt động lại khi tình hình dịch COVID-19 có diễn biến mới.
Tập trung chăm sóc F0 cộng đồng
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-9, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn – trưởng Bộ phận thường trực phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM – khẳng định thời gian tới chắc chắn TP.HCM phải cơ cấu lại hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó đặc biệt là các bệnh viện dã chiến.
“Đã gọi là bệnh viện dã chiến thì chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định, không thể sử dụng lâu dài. Do đó chắc chắn sẽ cơ cấu lại các bệnh viện dã chiến, kể cả các trung tâm hồi sức tích cực nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả” – ông khẳng định.
Với lượng F0 điều trị tại nhà rất lớn, ngành y tế TP cho biết hiện nay toàn TP đã có trên 500 trạm y tế lưu động, với nòng cốt là các bác sĩ quân y.
Với các hiệu quả tích cực thời gian qua, Sở Y tế cho hay mô hình trạm y tế lưu động sẽ tiếp tục được duy trì với nhân lực tăng cường và luân phiên từ các bệnh viện của TP và các quận, huyện. Các “tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng” cũng sẽ đi vào hoạt động với chức năng theo dõi, hỗ trợ điều trị; xét nghiệm test nhanh và hỗ trợ tiêm vắc xin.
Ngoài ra sẽ huy động nhiều thành phần, trong đó đề xuất các cơ chế để hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà, tại các cơ sở cách ly tập trung.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1) – cho rằng ngoài bắt buộc phải duy trì, củng cố chất lượng điều trị của các trung tâm hồi sức, khi “gom” bệnh viện dã chiến thì vấn đề cần đặc biệt chú trọng là chăm sóc F0 tại cộng đồng. “Có thể huy động các bác sĩ và điều dưỡng ở các phòng mạch, ở từng khu vực sinh sống và giao nhiệm vụ cụ thể để chăm sóc hoặc tư vấn từ xa cho người bệnh” – bác sĩ Khanh nói. (Tuổi trẻ, trang 1).
Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh đặt cảnh báo phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn số 500/STY-NVY về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập; 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập đặt cảnh báo phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố.
Cụ thể, thường xuyên đánh giá việc thực hiện bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16-7-2020; Quyết định 4999/QĐ-BYT ngày 1-12-2020 về việc Ban hành Bộ tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp; cập nhật báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Y tế và báo cáo Sở Y tế 1 lần/tháng.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám bệnh tăng cường chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc người bệnh, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ (ho, sốt, khó thở, biểu hiện cúm…), sàng lọc chỉ định xét nghiệm cho người bệnh điều trị ngoại trú, nội trú lưu ý tại các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, chạy thận chu kỳ, bệnh nhân cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính, hội chứng cúm, viêm phổi nặng, thở máy… để chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2, cách ly kịp thời. Tuyệt đối không để tình trạng phát hiện muộn ca bệnh.
“Thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện phòng, chống Covid-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện, đặc biệt lưu ý khu cách ly tiếp nhận các ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh dương tính phải được kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt, các cơ sở y tế không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân đi từ vùng dịch, ca nghi ngờ đến khám. Tổ chức vùng đệm (khu cách ly tạm thời) để quản lý người bệnh đi từ vùng dịch, ca bệnh nghi ngờ trong lúc chờ kết quả xét nghiệm”, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện.
Trước đó, vào tối 19-9, Sở Y tế Hà Nội công bố 3 nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2. Các nhân viên y tế này đều đã được cách ly tại bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 và được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ. (Hà Nội mới, trang 1).
Số ca mắc Covid- 19 ở mức thấp nhất trng 1 tháng qua
Tính từ 17 giờ ngày 19/9 đến 17 giờ ngày 20/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.681 ca nhiễm mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 8.668 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.357 ca so với ngày trước đó và là mức thấp nhất trong 1 tháng trở lại đây).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-922), TP Hồ Chí Minh (-325), An Giang (-187).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (113), Tiền Giang (109), Kiên Giang (24).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 10.160 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 695.744 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.070 ca nhiễm).
Tính riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 691.285 ca, trong đó có 459.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định.
Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang, Hà Tĩnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (341.699), Bình Dương (179.705), Đồng Nai (40.842), Long An (30.596), Tiền Giang (13.270).
Hôm nay, cả nước có 6.821 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 464.326. (Nhân dân, trang 5).
Bộ Y tế bổ nhiệm 2 Phó Tổng biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống
Chiều 20/9, Bộ Y tế công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Đức (Phó Tổng biên tập Báo Gia đình & Xã hội) và ông Nguyễn Chí Long (Phó Tổng biên tập Báo Gia đình & Xã hội) giữ chức vụ Phó Tổng biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế tham dự buổi lễ và trao quyết định của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bổ nhiệm 2 tân Phó Tổng biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống. Cùng dự có: TS. Nguyễn Hồng Sơn – Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ; ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số; ông Nguyễn Đình Anh – Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, Khen thưởng.
Thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chúc mừng ông Nguyễn Ngọc Đức, ông Nguyễn Chí Long và chúc 2 tân Phó Tổng biên tập hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị mới.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng giao 10 nhiệm vụ cho tập thể ban lãnh đạo và người lao động Báo Sức khỏe & Đời sống, trong đó có việc hoàn thiện các thủ tục bàn giao, nhận bàn giao sau sáp nhập 2 tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội và Báo Sức khỏe & Đời sống.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Đức và Phó Tổng biên tập Nguyễn Chí Long đã gửi lời cảm ơn tập thể lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng toàn thể lãnh đạo, cán bộ Báo Sức khỏe & Đời sống.
Trên cương vị mới, Phó Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Đức và Phó Tổng biên tập Nguyễn Chí Long khẳng định sẽ phấn đấu làm tốt nhiệm vụ được giao để thúc đẩy Báo Sức khỏe và Đời sống ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao hơn trong công tác tuyên truyền của ngành Y tế.
Trước đó, ngày 4/3, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống. GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao quyết định bổ nhiệm ông Trần Tuấn Linh giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống. Trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Trần Tuấn Linh là Tổng Biên tập Báo Gia đình & Xã hội. Trong quá trình công tác, ông đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển vững vàng của Báo Gia đình & Xã hội trên nhiều lĩnh vực. Ông Nguyễn Ngọc Đức sinh năm 1973, tốt nghiệp cử nhân Quan hệ quốc tế và Báo chí, có kinh nghiệm 20 năm công tác báo chí, giữ chức vụ Phó Tổng biên tập Báo Gia đình & Xã hội từ tháng 6/2013 đến nay.
Ông Nguyễn Chí Long sinh năm 1976, tốt nghiệp cử nhân ngành Luật và Chính trị học, có kinh nghiệm 20 năm công tác báo chí, giữ chức vụ Phó Tổng biên tập Báo Gia đình & Xã hội từ tháng 7/2018 đến nay. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Khuyến cáo của Bộ Y tế đảm bảo dinh dưỡng cho người mắc COVID-19 theo dõi tại nhà và khu cách ly
Người mắc COVID-19 cách ly tại nhà hay tại các khu cách ly cần được đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm, cần ăn đủ 3 bữa chính, với 2 thực đơn tham khảo do Cục An toàn thực phẩm và Viện Dinh dưỡng xây dựng.
Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo thực hiện đảm bảo dinh dưỡng tại nhà và tại khu cách ly cho người mắc COVID-19.
Người mắc COVID-19 cần đảm bảo dinh dưỡng thế nào?
Theo đó người mắc COVID-19 cách ly tại nhà hay tại các khu cách ly cần được đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm, cần ăn đủ 3 bữa chính.
– Mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm như sau: ngũ cốc, khoai củ; thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỗ; dầu mỡ; rau xanh và quả chín.
“Cần cung cấp đủ protein, vitamin và chất khoáng để giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, cần ăn đủ lượng thịt, cá, trứng (200-250g); rau xanh (300-400g) và quả chín (200-300g) mỗi ngày”- Hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm và Viện Dinh dưỡng Quốc gia nêu rõ.
– Cũng theo hướng dẫn này, trong trường hợp người mắc COVID-19 mệt mỏi, chán ăn, mất vị giác vẫn cần ăn đủ bữa và số lượng thực phẩm, có thể thay đổi cách chế biến thành các dạng thực phẩm lỏng như cháo, súp, chia làm nhiều bữa nhỏ hoặc thay thế bằng các loại sữa, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng từ 1-3 lần/ngày.
– Cùng với đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, người mắc COVID-19 cần uống đủ nước. Mỗi ngày uống vào khoảng 1,6 – 2,4 lít nước (tương đương 8-12 ly thuỷ tinh). Hạn chế sử dụng nước ngọt; đồ uống có cồn.
Hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm và Viện Dinh dưỡng nêu rõ cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Thực hiện ăn chín, uống sôi. Đọc kỹ nhãn mác thực phẩm trước khi sử dụng.
– Thực đơn 1 cho bệnh nhân đái tháo đường, cân nặng cơ thể khoảng 50-55kg. Giá trị năng lượng: 1500 – 1600kcal/ngày.
– Thực đơn 2 cho người cao tuổi cân nặng cơ thể khoảng 50-55kg. Giá trị năng lượng: 1600 – 1700kcal/ngày. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Phan Hạnh tổng hợp