Hà Nội xây dựng kịch bản ứng phó 100.000 ca mắc COVID-19; Nhanh chóng bao phủ mũi 1, trả mũi 2; Hà Nội thêm 218 ca Covid-19, 100 ca cộng đồng tại 23 quận huyện; Sao vẫn ngại cách ly F0 nhẹ, F1 tại nhà ?…
Hà Nội xây dựng kịch bản ứng phó 100.000 ca mắc COVID-19
Phó Bí thư Thành Uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự báo số ca COVID-19 tăng cao trong dịp Tết, Hà Nội xây dựng kịch bản khi có 100.000 ca bệnh và đề nghị cần chủ động cho tình huống này.
Chiều 20/11, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì phiên họp trực tuyến Ban Chỉ đạo với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về các giải pháp phòng, chống dịch.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường nhận thức trong tình hình mới, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 128 của Chính phủ phù hợp với thực tiễn của Thành phố và từng địa phương.
Theo Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, trước thực tế tốc độ lây lan rộng, nhất là các ca trong cộng đồng không xác định được nguồn lây và dự báo ca bệnh COVID-19 sẽ tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới, do đó thành phố đã giao Sở Y tế và các đơn vị xây dựng kịch bản khi có 100.000 ca bệnh và đề nghị cần phải chủ động chuẩn bị nghiêm túc cho tình huống này.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho hay, thành phố đã thống nhất quan điểm, trừ 4 quận nội đô không cách ly tập trung F1 tại nhà, các quận, huyện còn lại căn cứ vào hướng dẫn của Sở Y tế xây dựng phương án đối với F1, trước tiên là cách ly tập trung, phương án 2 là cách ly tại cơ sở lưu trú hoặc cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó, ông Phong yêu cầu chỉ cách ly tại nhà khi đã nghiên cứu kỹ và có tiêu chuẩn cụ thể đáp ứng đủ điều kiện. Nếu xuất hiện 30.000 ca bệnh trở lên, thành phố sẽ chia ra 4 cấp độ điều trị cho các F0.
Cụ thể, tại bệnh viện thành phố là cấp độ 1, bệnh viện tuyến quận, huyện là cấp độ 2, trung tâm y tế xã, phường, thị trấn là cấp độ 3, cấp độ 4 là khi đã quá tải, điều trị tại nhà. Thành phố cũng đã giao Sở Y tế nghiên cứu thí điểm điều trị F0 thể nhẹ tại nhà. Phó Bí thư khẳng định: “Phải có 4 cấp độ và chuẩn bị chu đáo cho mọi tình huống”.
Cán bộ y tế, công an khu vực, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố phải chủ động, phối hợp rà soát từng nhà về mặt y tế, cơ sở vật chất để thống kê được số hộ có đủ điều kiện cách ly tại nhà và tiến tới điều trị F0 tại nhà.
Về việc cho học sinh đến trường trở lại, Phó Bí Thư Thành ủy yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo lên kế hoạch lần lượt cho học sinh các khối lớp đi học trở lại, nghiên cứu sớm cho học sinh lớp 12 được đến trường trực tiếp, không chờ đợi tiêm vắc xin xong mới đi học. Các huyện, thị xã tổ chức cho học sinh lớp 9 đi học trở lại vào tuần sau.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, ông Phong đề nghị tổ chức cho học sinh đến trường ngay và phải xét nghiệm cho các em trước khi quay lại trường học. Sở Y tế lập nhóm xử lý y tế học đường, chủ động trong công tác tập huấn để kịp thời ứng phó khi xuất hiện ca bệnh trong trường học. (Công an nhân dân, trang 4).
Ứng phó Covid -19 trong trạng thái bình thường mới: Hà Nội chuyển hướng phòng, chống dịch
Dù số lượng ca dương tính SARS-CoV-2 vẫn ghi nhận vài trăm ca một ngày, một số ổ dịch phức tạp, Hà Nội mới đây quyết định cho cách ly F1 tại nhà ở 26 quận, huyện; yêu cầu nghiên cứu cho học sinh các khối lớp trở lại trường trong thời gian sớm nhất.
Các ổ dịch lớn “hạ nhiệt”
Xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên từ đầu tháng 11, đến nay, xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những điểm nóng nhất về dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố với 300 trường hợp dương tính.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, ổ dịch ở Ninh Hiệp về cơ bản đã được khống chế, kiểm soát. Liên quan đến chùm ca bệnh này, đã xuất hiện thêm chùm ca bệnh tại xã Yên Thường, xã Phù Đổng. “Chúng tôi đã khoanh vùng, rà soát, xét nghiệm toàn bộ người dân khu vực liên quan dịch bệnh, đảm bảo không để lây lan diện rộng”, ông Hồng nói. Trong công bố cấp độ dịch mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, hiện địa bàn xã Ninh Hiệp đã giảm xuống cấp độ 2 – nguy cơ trung bình. Tuy nhiên, hai xã Yên Thường và Phù Đổng vẫn được xác định ở cấp độ 3.
Theo thống kê của Sở Y tế, Hà Nội hiện vẫn có hơn chục chùm ca bệnh, ổ dịch phức tạp, nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây. Tuy nhiên, điều đáng mừng là một số ổ dịch lớn, được đánh giá là nguy hiểm đã cơ bản được khống chế. Ổ dịch ở phường Phú Đô (Nam Từ Liêm), ghi nhận tới 277 trường hợp dương tính, đã giảm từ cấp độ 4 về cấp độ 3. Ổ dịch ở xã Tiến Thắng (Mê Linh) với hàng trăm ca bệnh đã giảm về cấp độ 2 – nguy cơ trung bình. Ổ dịch khu vực La Thành (Giảng Võ, Ba Đình), với 159 ca mắc, cũng cơ bản được kiểm soát.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND phường Giảng Võ cho biết, đến nay, một số trường hợp F0 đã khỏi bệnh được xuất viện về nhà, một số trường hợp F1 đã hết hạn cách ly. “Chúng tôi khoanh vùng, phong toả chặt khu vực ổ dịch. Một mặt các lực lượng chức năng đảm bảo nhu yếu phẩm, đời sống cho bà con; đồng thời rà soát, xét nghiệm triệt để để sớm kiểm soát được dịch bệnh”, ông Chiến nói.
Trong 3 ngày gần nhất, Hà Nội vẫn có hơn trăm ca dương tính SARS -CoV -2 ở cộng đồng. Nhiều khu vực trên địa bàn thành phố phải phong toả, cách ly y tế tạm thời. Đơn cử như khu phố Đỗ Hành, Vũ Hữu Lợi thuộc địa bàn phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) phải tạm thời cách ly vì phát hiện nhiều ca dương tính, hay như hai toà nhà HH2A và HH3C tổ hợp chung cư HH Linh Đàm cũng phải tạm phong toả để rà soát các trường hợp liên quan COVID-19. Theo nhận định, Hà Nội vẫn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh tăng cao, xuất hiện các chùm ca bệnh mới. Trong thời gian tới, nguy cơ đặc biệt tăng cao trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán.
Hướng đi đúng
Dù số ca dương tính SARS-CoV-2 tăng cao, nhưng theo thống kê, chủ yếu các bệnh nhân ở thể nhẹ, không có triệu chứng. Tỷ lệ bệnh nhân nặng chỉ chiếm 0,5%. Thành phố đã chuẩn bị kịch bản đáp ứng điều trị cho 100.000 bệnh nhân thể nhẹ, trong đó cấp thành phố chịu trách nhiệm một nửa; cấp quận, huyện, xã, phường chịu trách nhiệm một nửa.
Sau nhiều ý kiến trái chiều xung quanh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã có quyết định cho phép cách ly các trường hợp F1 tại nhà ở 26 quận, huyện nếu đủ điều kiện. Riêng 4 địa bàn (gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa), các F1 sẽ cách ly tập trung dưới sự điều phối của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Thành phố giao nhiệm vụ cho lực lượng chức năng nghiên cứu thí điểm điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Theo một số chuyên gia, đây là hướng đi đúng của thành phố nhằm tiết kiệm nguồn lực cơ sở vật chất, giảm tải áp lực cho các cơ sở y tế.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, nếu xuất hiện 30.000 ca bệnh trở lên, thành phố sẽ chia ra 4 cấp độ điều trị cho các F0. Cụ thể, tại bệnh viện thành phố là cấp độ 1; Bệnh viện tuyến quận, huyện là cấp độ 2; trung tâm y tế xã, phường, thị trấn là cấp độ 3; cấp độ 4 là khi đã quá tải, điều trị tại nhà.
Đáng chú ý, theo chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo thành phố, từ ngày 22/11, học sinh lớp 9 trên địa bàn các huyện và thị xã được đi học trực tiếp. Thành phố yêu cầu sớm cho học sinh các khối lớp đi học trở lại, đặc biệt, khối lớp 12 đi học trực tiếp không cần chờ tiêm vắc xin.
Liên quan đến các hoạt động trong trạng thái bình thường mới, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, theo công bố cấp độ dịch mới nhất, quận được giảm một cấp độ dịch, trở thành vùng xanh. Trước mắt, các hoạt động kiểm soát, phòng chống dịch bệnh vẫn tiếp tục được duy trì. Các tổ công tác của quận sẽ đi kiểm tra, lập biên bản, xử lý, xem xét trách nhiệm lãnh đạo các phường, công an phường địa bàn để các cơ sở kinh doanh xảy ra vi phạm. Trong lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, quận đang lên kế hoạch, xem xét đề xuất thành phố cho mở cửa trở lại không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận. (Tiền phong, trang 1).
Nhanh chóng bao phủ mũi 1, trả mũi 2
Đến ngày 21/11, cả nước đã tiêm được gần 108 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Các địa phương đang nỗ lực triển khai tiêm để nhanh chóng đạt độ bao phủ mũi 1 và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Hiện có 34 tỉnh, thành kiểm soát bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà bằng thuốc kháng virus Molnupiravir.
Hiện tại trên cả nước tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là gần 90% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vắc xin khoảng 56% dân số từ 18 tuổi trở lên. Bộ Y tế thống kê, có 58 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 20 tỉnh đạt tỉ lệ trên 95%. Còn 5 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên là Thanh Hóa, Sơn La, Nghệ An, Nam Định và Quảng Bình. Bộ Y tế đang phân bổ vắc xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng. Hiện có 29/63 tỉnh có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó 4 tỉnh có tỉ lệ bao phủ trên 90% là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai và Long An.
Cục Khoa học- Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết số tỉnh thành điều trị có kiểm soát bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà hiện đã lên 34, tăng 12 địa phương so với đầu tháng 11. TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng thuốc này cho điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà. Bộ Y tế vừa cấp phát cho TP HCM thêm 5.000 liều thuốc Molnupiravir để kịp thời điều trị người bệnh COVID-19. Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản gửi Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo xin cấp thêm 100.000 liều thuốc Molnupiravir dùng điều trị bệnh nhân COVID-19. Tính từ khi TPHCM thí điểm điều trị có kiểm soát bằng thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế đã cấp 110.000 liều.
Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỉ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với chỉ số virus SARS-CoV-2 trong cơ thể (CT) ở mức lớn hơn hoặc bằng 30 từ 72% – 99%. Tỉ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%. Tỉ lệ chuyển nặng rất thấp, từ 0,02%-0,06% và không có ca nào tử vong. Các kết quả rất khả quan của chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TPHCM và các địa phương có dịch.
Hà Nội phân bổ hơn 100.000 liều vắc xin AstraZeneca
Sở Y tế Hà Nội vừa phân bổ 103.920 liều vắc xin AstraZeneca cho 30 quận, huyện, đáp ứng gần 80% nhu cầu tiêm cho người dân trong tháng 11. Số vắc xin mới cấp này được sử dụng để tiêm mũi hai cho người đã tiêm mũi một cùng loại ngay sau khi đã đủ 4 tuần, hoặc tiêm mũi một cho các đối tượng chưa được tiêm. Trong đợt phân bổ này, quận Hoàng Mai nhận số lượng vắc xin nhiều nhất với 31.600 liều; tiếp đến là quận Hai Bà Trưng nhận 11.020 liều; quận Bắc Từ Liêm nhận 6.900 liều; huyện Đông Anh nhận 6.000 liều…
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, Hà Nội đã tiêm được gần 11,5 triệu liều vắc xin.
Dựa trên dự kiến phân bổ của Bộ Y tế, thành phố Hà Nội lên kế hoạch để tiêm chủng nhanh nhất cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, vắc xin vẫn chưa về và phụ thuộc vào phân bổ của Bộ Y tế. Theo kế hoạch, trong quý 4 có gần 792 nghìn trẻ được tiêm, trong đó gần 520 nghìn trẻ từ 12 đến dưới 16 tuổi và hơn 272 nghìn trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi.
Ngày 21/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lí ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.889 ca nhiễm mới với 7 ca nhập cảnh và 9.882 trường hợp trong nước (tăng 364 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành, có hơn 5.300 ca trong cộng đồng. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: hơn 5.100 ca. Có gần 5 nghìn bệnh nhân nặng đang điều trị. Số bệnh nhân tử vong trong ngày là 76 ca. (Tiền phong, trang 5).
Hà Nội thêm 218 ca Covid-19, 100 ca cộng đồng tại 23 quận huyện
Chiều tối 21-11, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 24h qua trên địa bàn thành phố ghi nhận 218 ca Covid-19, đáng nói có đến 100 ca cộng đồng ghi nhận ở 23 quận, huyện. Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 20/11 đến 18h ngày 21/11 trên địa bàn thành phố ghi nhận 218 ca Covid-19, trong đó có 100 ca cộng đồng, 89 ca ở khu cách ly và 29 ca ở khu phong tỏa.
Các bệnh nhân phân bố tại 25/30 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng (25); Quốc Oai (22); Hoàng Mai (14); Đống Đa (13); Gai Lâm (13); Chương Mỹ, Mỹ Đức (11); Hà Đông (10), Thanh Xuân (9); Sơn Tây (8), Đông Anh, Hoài Đức (7); Thanh Trì, Ba Đình (6); Phú Xuyên, Bắc Từ Liêm, Long Biên (5); Mê Linh (4), Thường Tín, Cầu Giấy, Thanh Oai (3), Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thạch Thất (1).
Trong số này, 100 ca cộng đồng phân bố tại 23 quận, huyện gồm: Gia Lâm, Hai Bà Trưng (9); Đống Đa (8); Hoài Đức, Đông Anh, Hoàng Mai (7), Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Phú Xuyên, Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông (5); Mỹ Đức (4); Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín (3); Mê Linh, Quốc Oai, Chương Mỹ (2); Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Long Biên (1)
Cụ thể phân bố 218 ca theo các chùm ca bệnh, ổ dịch như sau:
Chùm ho sốt thứ phát (125);
Chùm sàng lọc ho sốt (29);
Ổ dịch Yên Nội, Đồng Quang, Quốc Oai (19);
Ổ dịch thôn Mới, Tốt Động, Chương Mỹ (10)
Chùm liên quan các tỉnh có dịch (10);
Chùm ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm (9);
Chùm liên quan các tỉnh có dịch thứ phát (6);
Ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng, Mê Linh (4);
Ổ dịch Xuân Dương, Thanh Oai (2);
Ổ dịch Chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (1);
Ổ dịch Nam Dư, Lĩnh Nam, Hoàng Mai (1)
Chùm ổ dịch La Thành, Giảng Võ, Ba Đình (1);
Ổ dịch đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy (1);
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) đến chiều nay là 7.726 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.852 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 4.874 ca. (An ninh Thủ đô, trang 6).
Sao vẫn ngại cách ly F0 nhẹ, F1 tại nhà ?
Mặc dù chủ trương cách ly chăm sóc F0 nhẹ, F1 tại nhà đã có và được áp dụng trên thực tế từ lâu, nhưng hiện nhiều địa phương vẫn áp dụng cách ly tập trung 2 nhóm này.
Mỗi nơi mỗi kiểu
Hiện nay Bình Thuận có 146 cơ sở cách ly tập trung (đang cách ly 7.808 F1), 40 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 (điều trị 5.139 bệnh nhân) đều quá tải. UBND tỉnh Bình Thuận cho phép cách ly F1, F0 tại nhà, nếu đủ điều kiện về cơ sở vật chất nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung, các cơ sở điều trị bệnh Covid-19, nhưng nhiều địa phương vẫn “ngại” giải pháp này.
Trước tình trạng này, tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận đã “hối thúc” các địa phương phải cách ly F1, F0 tại nhà; ưu tiên bệnh viện và các cơ sở điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng và trở nặng… Đề cập vấn đề này, bác sĩ Lê Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, nói: “Chủ trương của tỉnh hiện nay, F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nếu đảm bảo về cơ sở vật chất, phòng ốc thì địa phương có thể cho cách ly tại nhà. Điều này rất thuận lợi vì người phải cách ly cũng muốn được cách ly tại nhà, lại vừa giảm tải cho các cơ sở tập trung hiện nay, vừa bớt áp lực cho nhân viên y tế”.
Trả lời Thanh Niên vì sao có tình trạng “ngại” cách ly tại nhà, ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND H.Tuy Phong (Bình Thuận), cho biết: “Không phải ngại. Tuy nhiên, việc cách ly F1 tại nhà, phải tùy vào phong tục, tập quán sinh sống của người dân từng vùng để xem xét. Nếu những chỗ không đảm bảo về điều kiện mà cách ly tại nhà rất dễ để bùng phát dịch bệnh, có khi không kịp trở tay. Tương tự, F0 mà cách ly ở nhà phải xem xét tùy điều kiện”.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân có quan điểm khác: “Tỉnh cho phép thí điểm vào ngày 8.10, thì ngày 12.10, UBND TP.Phan Thiết đã bắt đầu cho cách ly F1, F0 tại nhà. Sau khi cho cách ly tại nhà, chúng tôi còn mời cả các bệnh viện tư nhân, các cơ sở y tế ngoài công lập cùng với ngành y tế của thành phố lập các đội y tế lưu động để thăm khám và chăm sóc F0 tại gia đình”.
Tại Thừa Thiên-Huế, tất cả F1 đều cách ly y tế tại nhà nhưng tất cả F0 đều phải cách ly tập trung. Lý giải vấn đề này, theo PGS-TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế, “do năng lực y tế địa phương còn đảm bảo nên địa phương vẫn đang kiên trì biện pháp tách bóc F0 ra khỏi cộng đồng, thu dung và điều trị”.
Về phương án điều trị F0 tại nhà, theo PGS-TS Trần Kiêm Hảo, hiện ngành y tế Thừa Thiên-Huế đang xây dựng kịch bản và việc tổ chức các tổ y tế lưu động, cấp phát thuốc, hướng dẫn điều trị… Tuy nhiên, phương án ấy chỉ áp dụng khi số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng cao vượt quá năng lực điều trị của các cơ sở điều trị tập trung của tỉnh.
Ngày 21.11, Sở Y tế Cần Thơ cho hay trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng nhanh, hệ thống bệnh viện dã chiến quá tải, TP.Cần Thơ đang tăng cường cho F0 nhẹ điều trị tại nhà. Trạm y tế lưu động phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà (tương tự cách làm của TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai).
Cần Thơ cũng đã cho F1 được cách ly tại nhà. Tỷ lệ tiêm vắc xin đủ mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên ở Cần Thơ đạt gần 70%…
Cách ly tập trung có đảm bảo chăm sóc tốt và không lây chéo?
Liên quan việc cách ly tất cả F1 và F0 tập trung của một số địa phương, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, cho rằng đây là việc “rất đáng báo động” trong bối cảnh hiện nay. “Nếu cách ly F1 thì phải chứng minh cho được họ được chăm sóc tốt. Phải đảm bảo rằng F1 không bị lây trong khu cách ly. Với F0 không triệu chứng trong khu cách ly không được chăm sóc tốt, không ăn được thì làm sao không bệnh nặng hơn được? Cách ly tập trung tất cả F1 và F0 là vết mòn mà còn tiếp tục đi theo”, bác sĩ Khanh nói.
Theo bác sĩ Khanh, các tỉnh cần xem lại độ bao phủ vắc xin của tỉnh mình. Nếu tỉnh đã tiêm vắc xin tốt thì “nhốt” F1, F0 làm gì, trừ trường hợp F1 nguy cơ cao và F0 có triệu chứng. Nếu F1, F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà thì cần cho cách ly tại nhà, nhưng cũng phải chăm sóc cho họ ở nhà tốt.
“Đừng lầm tưởng tách F0 ra khỏi cộng đồng là đưa F0 ra khỏi nhà. Đó là sai, vô lý. Vì vi rút đã lây trong nhà thì làm sao tách ra kịp để bảo vệ những người còn lại trong nhà. Lúc này là bảo vệ hàng xóm, không cho F0, F1 ra khỏi nhà, việc gì phải “nhốt” tất cả vào một chỗ để lây nhau. Như vậy là không hiểu nguyên tắc và không rút kinh nghiệm”, bác sĩ Khanh nói thêm.
Các địa phương cần đẩy mạnh cách ly F0 nhẹ và F1 tại nhà
Liên quan công tác triển khai cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19, tại cuộc họp với 63 tỉnh thành mới đây, Thứ trưởng BYT Đỗ Xuân Tuyên đã đề nghị các địa phương “đẩy mạnh việc cách ly điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà, cách ly F1 tại nhà”. Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn quản lý điều trị F0 tại nhà, cách ly F1 tại nhà (Thanh Niên đã thông tin).
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với các bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế có thể cho xuất viện vào ngày thứ 10 khi đảm bảo 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với
SARS-CoV-2 hoặc tải lượng vi rút thấp (giá trị CT từ 30 trở lên) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày. Người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện theo quy định của Bộ Y tế và trong thời gian tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày, nếu có tái dương tính thì không cần cách ly điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và không cần thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.
Kiểm soát ra vào vùng đỏ
Bình Thuận đang xếp cấp độ dịch là cấp độ 3 (cam), có 4/10 huyện vùng đỏ, còn lại là cam; toàn tỉnh có tới 26 xã vùng đỏ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương không cho người ra vào vùng đỏ, trừ các trường hợp đặc biệt. Người dân chỉ ra ngoài khi có việc thật cần thiết và phải đảm bảo 2 điều kiện: Có 1 trong 3 loại giấy chứng nhận (đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, khỏi bệnh Covid-19 và giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 72 giờ); phải có giấy xác nhận được ra ngoài của cơ quan chức năng như thẻ công chức, viên chức, giấy xác nhận của địa phương cho cơ sở kinh doanh, người dân còn phải có thêm giấy đi chợ do địa phương cấp. Toàn bộ người dân không được ra khỏi nhà từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau, trừ trường hợp cấp cứu, chống dịch; tạm dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cửa hàng ăn uống chỉ được bán trực tuyến, giao hàng tận nhà qua shipper hoặc đội giao hàng giúp của Đoàn thanh niên.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các huyện thị, thành phố trong tỉnh tổ chức lại các chốt kiểm soát dịch Covid-19.
Đánh giá về áp dụng cách ly F1, F0 tại nhà khi đủ điều kiện, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng: “Thực hiện được sẽ giảm tải khu cách ly tập trung, giảm gánh nặng ngân sách. Vì khi F1, F0 nhiều cũng gây quá tải, dễ nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung. Do đó, cách ly tại nhà đảm bảo hiệu quả phòng dịch và tâm lý của các trường hợp phải cách ly y tế cũng thoải mái hơn, họ cũng giảm được gánh nặng về chi trả nếu cách ly tập trung tự nguyện trả phí”.
Tuy nhiên, ông Phu cũng lưu ý: “Người cách ly y tế tại nhà cần tuân thủ thật nghiêm ngặt các quy định về phòng chống lây nhiễm theo quy định của Bộ Y tế và theo hướng dẫn của cơ quan y tế tại địa phương. Nếu không tuân thủ, chính cá nhân đó là nguồn lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng”. (Thanh niên, trang 5).
Tăng cường công tác quản lý nhập viện
Hệ thống bệnh viện là nơi tiêu tốn nguồn lực nhiều nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe. Chính vì vậy, tăng cường nhập viện hợp lý vừa góp phần giảm quá tải bệnh viện, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa tiết kiệm các khoản chi không cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh các bệnh viện phải dồn sức phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường và tập trung quản lý nhập viện hợp lý sẽ tăng tính chống chịu của hệ thống y tế trước đại dịch.
Nguồn lực bị lãng phí
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 20-40% nguồn lực chăm sóc sức khỏe toàn cầu bị lãng phí. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do nhập viện không hợp lý. Tỷ lệ nhập viện không phù hợp cũng được công bố tại nhiều quốc gia, như: Italia là 27%, Hàn Quốc 24,2%, Hà Lan 20%, Trung Quốc 18,3%.
Còn tại Việt Nam, theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), hệ thống bệnh viện nước ta đang tiêu tốn tới 80% tổng chi cho y tế. Đây là một con số khá lớn khi so sánh với tổng chi cho bệnh viện ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 60%, Mỹ là 31,4% và châu Âu là 39%. Ngoài ra, trong 80% chi cho hệ thống bệnh viện ở nước ta có hơn 50% chi cho dịch vụ điều trị nội trú. Đặc biệt, so với các nước trong khu vực, số ngày điều trị trung bình ở nước ta cao hơn. Cụ thể, số ngày điều trị trung bình của bệnh nhân nội trú tại Việt Nam là 6,1 ngày, trong khi ở Thái Lan là 4 ngày và Philippines là 4,9 ngày.
Giám đốc Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Tuấn Đức cho biết, tỷ lệ điều trị nội trú và ngày điều trị bình quân ở Việt Nam tăng là do các cơ sở khám, chữa bệnh tự chủ tài chính và tiền lương nằm trong giá tiền giường, chiếm 54-56%. Tức là càng nhiều bệnh nhân vào điều trị nội trú, thì tiền lương cho nhân viên y tế càng tăng. Có những bệnh điều trị ngoại trú là phổ biến (chiếm tỷ lệ 95%), nhưng vẫn được chỉ định điều trị nội trú, như các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên, răng miệng, da, xương khớp, mắt… Ở Thái Lan, mổ đục thủy tinh thể dưới 6 giờ không tính là điều trị nội trú. Thế nhưng, ở Việt Nam, phẫu thuật đơn giản này vẫn phải nằm viện từ 3 ngày trở lên, thậm chí có bệnh nhân phải nằm viện đến 6 ngày.
Các nước trên thế giới đang sử dụng bộ công cụ AEP để đánh giá chỉ định nhập viện với 20 tiêu chí, chia làm hai nhóm: Mức độ điều trị tích cực và mức độ bệnh lý của bệnh nhân. Khi chỉ định cho bệnh nhân nhập viện, bác sĩ phải ghi đầy đủ trong bệnh án lý do, chứng minh quyết định này phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Dương Tuấn Đức, nước ta không có quy trình kỹ thuật hướng dẫn và tiêu chuẩn chỉ định nhập viện chặt chẽ. Chính vì vậy, bác sĩ có thể điều trị và chỉ định nhập viện một cách thoải mái.
“Khi chỉ định nhập viện không phù hợp sẽ làm tăng số lượt điều trị nội trú, kéo theo việc sử dụng quá mức nguồn lực chăm sóc sức khỏe, dẫn đến lãng phí. Đến khi số lượng bệnh nhân tăng lên, gây quá tải bệnh viện, thì chất lượng điều trị bị ảnh hưởng và chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ leo thang, làm ảnh hưởng đến mục tiêu của hệ thống y tế”, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương phân tích.
Giải quyết 80% các bệnh thông thường từ y tế cơ sở
Hiện tại, nước ta có 1.420 bệnh viện được phân theo 3 tuyến: Trung ương, tỉnh và huyện, với 28,5 giường bệnh/vạn dân.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) Phan Lê Thu Hằng, quy mô giường bệnh tại nước ta đang tăng nhanh chóng. Trong 5 năm tới, có những bệnh viện quy mô giường bệnh tăng tới 20-50%, nhất là các bệnh viện tuyến cuối. Để tránh phải sử dụng dịch vụ bệnh viện một cách không cần thiết, giải pháp đưa ra hiện nay là nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống y tế cơ sở nhằm giải quyết 80% nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường của người dân.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bệnh viện phải dồn sức, tập trung cho điều trị, quản lý số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 tăng đột biến. Do đó, vấn đề quản lý nhập viện hợp lý càng có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng tính chống chịu của hệ thống y tế trước đại dịch và bảo đảm duy trì dịch vụ chăm sóc y tế cho tất cả các nhóm bệnh khác, nhất là 20 nhóm bệnh nền, như: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư…, giảm nguy cơ tử vong khi đồng thời mắc Covid-19.
“Tăng cường nhập viện hợp lý, vừa góp phần giảm quá tải bệnh viện, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa tiết kiệm các khoản chi không cần thiết. Một trong những giải pháp cần tập trung là quản lý theo dõi bệnh không lây nhiễm đang gia tăng tại tuyến y tế cơ sở, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí rà soát, đánh giá tiêu chuẩn nhập viện thực hiện tại các bệnh viện hoặc áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, nhằm giảm thời gian nằm viện của người bệnh…”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến. (Hà Nội mới, trang 5).
Ngọc Nga tổng hợp