Điểm báo ngày 22/12/2021

(CDC Hà Nam)
Các bệnh viện hạng 3 trở lên thực hiện kê đơn thuốc điện tử trước 30/6/2022; Quy trình 3 bước cấp ‘Hộ chiếu vaccine’ của Việt Nam; Bộ Y tế: Tăng cường phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; Bộ Y tế thông tin việc cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á…

 

Các bệnh viện hạng 3 trở lên thực hiện kê đơn thuốc điện tử trước 30/6/2022

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổng hợp toàn bộ thuốc mà người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị nội trú và gửi lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia trước khi người bệnh ra viện.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 27/2021/TT-BYT về việc quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Thông tư này có hiệu lực từ 15/2/2022.

Theo đó, đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử theo lộ trình cụ thể: Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022; số còn lại hoàn thành trước ngày 1/12/2022.

Về tổ chức thực hiện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.

Các cơ sở khám, chữa bệnh gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia theo quy định của Bộ Y tế ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú và trước khi người bệnh ra viện đối với người bệnh nội trú. Đồng thời, gửi đơn thuốc điện tử hoặc mã đơn thuốc điện tử cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh thông qua các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đặc biệt, theo yêu cầu, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổng hợp toàn bộ thuốc mà người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị nội trú và gửi lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia trước khi người bệnh ra viện.

Ngoài ra, thực hiện lưu trữ đơn thuốc điện tử như thời gian lưu trữ đơn thuốc giấy theo quy định của Bộ Y tế. Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan quản lý y tế của các bộ, ngành cấp mã định danh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và mã người hành nghề cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý thông qua Hệ thống đơn thuốc quốc gia.  (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Quy trình 3 bước cấp ‘Hộ chiếu vaccine’ của Việt Nam

“Hộ chiếu vaccine” được cấp cho người đã tiêm đủ mũi với 8 loại vaccine COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép. Chứng nhận “Hộ chiếu vaccine” được cấp sử dụng định dạng mã QR và có giá trị trong 12 tháng từ ngày khởi tạo.
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định về biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vaccine”, có hiệu lực từ ngày 20/12/2021.

Theo đó, “Hộ chiếu vaccine” được cấp cho người đã tiêm đủ 2 mũi với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép. Chứng nhận “Hộ chiếu vaccine” được cấp sử dụng định dạng mã QR, hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày mã QR này được khởi tạo.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, quy trình cấp “Hộ chiếu vaccine” cho người dân được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước. Quy trình cấp gồm 3 bước:

Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19 theo hướng dẫn tại Công văn 8938/BYT-DP ngày 21/10/2021 và Công văn 9438/BYT-CNTT ngày 5/11/2021.

Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép (gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala – mỗi sản phẩm vaccine được gắn 1 mã code).

Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.

“Hộ chiếu vaccine” cần hiển thị 11 trường thông tin:

Họ và tên;
Ngày tháng năm sinh;
Quốc tịch;
Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới;
Số mũi tiêm đã nhận;
Ngày tiêm;
Liều số;
Vaccine;
Sản phẩm vaccine;
Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine;
Mã số của chứng nhận.
Các thông tin trên bao gồm họ và tên và ngày sinh kết hợp với giấy tờ định danh khác như CMND, CCCD hay hộ chiếu để giúp định danh người sở hữu.

Các thông tin sẽ được ký số, mã hoá và được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.

Các thông tin về bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, vaccine, loại vaccine và nhà cung cấp hoặc sản xuất sẽ được hiển thị tương ứng với tài liệu “COVID-19 vaccine tracker and landscape” của WHO được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của WHO và “Value Sets for EU Digital COVID Certificates” do Liên minh Châu Âu (EU) ban hành.

Các ứng dụng phòng chống dịch quốc gia và các ứng dụng tiện ích khác (nếu được sự đồng ý của cá nhân người sử dụng) tiếp nhận và lưu giữ xác nhận tiêm chủng vaccine dạng mã QR theo hướng dẫn trao đổi dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Đến hết ngày 20/12, Việt Nam đã tiêm được hơn 140 triệu liều vaccine, trong đó, với nhóm dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm hơn 130 triệu liều (hơn 69,1 triệu mũi 1; gần 60 triệu mũi 2 và hơn 1 triệu mũi 3 (đối với vaccine Abdala ); 40.524 liều bổ sung và 241.237 liều nhắc lại. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 96,9% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 83,6% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Với nhóm dân số từ 12-17 tuổi, hơn 9,2 triệu liều đã đươc tiêm, trong đó có hơn 6,7 triệu liều mũi 1 và hơn 2,5 triệu liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 73,4% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 28,1% dân số từ 12 -17 tuổi. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Gặp các dấu hiệu cảnh báo suy hô hấp sau, F0 điều trị tại nhà cần liên hệ y tế ngay

Khi có cảm giác tức ngực, khó thở, không thể nói hết câu dài, trọn vẹn một câu, đó là tín hiệu gợi ý F0 điều trị tại nhà bị suy hô hấp, cần liên hệ y tế ngay.
Theo dữ liệu thống kê của Bộ Y tế cập nhật tới hết ngày 19/12, cả nước hiện có hơn 240.000 trường hợp F0 điều trị tại nhà. Riêng tại Hà Nội, gần 4.500 bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc mức độ nhẹ đang cách ly điều trị tại nhà, trong tổng số hơn 13.600 ca đang điều trị, theo Sở Y tế.

BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đưa ra những lưu ý trong sử dụng thuốc hạ sốt và những dấu hiệu bị suy hô hấp cũng như cách dùng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm với F0 điều trị tại nhà.

Tại Hà Nội, F0 điều trị tại nhà (từ 18 tuổi trở lên) được phát miễn phí 3 gói thuốc, trong đó có gói B, gồm nhóm thuốc kháng viêm (như Dexamethasone hoặc Methylprednisolone) và chống đông (như Rivaronxaban, Apixaban, Dabigatran) (trong túi thuốc B).

BS Hải Ninh lưu ý không dùng khi chưa có biểu hiện suy hô hấp và đặc biệt là không phải chỉ cần dùng thuốc này là F0 sẽ yên tâm ở nhà, đây là loại thuốc dùng khi chờ liên hệ bác sĩ hỗ trợ.

Về một số biểu hiện gợi ý F0 bị suy hô hấp, BS Hải Ninh lưu ý: Bình thường, trạng thái nhịp thở là dưới 20 lần/phút ở người trưởng thành. Nếu đếm nhịp thở trên 25 lần/phút thì có nguy cơ khó thở, rõ ràng hơn nữa còn có cảm giác tức ngực, khó thở, không thể nói hết câu dài, trọn vẹn một câu, đó là triệu chứng gợi ý suy hô hấp.

Theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội, với F0 điều trị tại nhà, cần trang bị máy SpO2 cặp ở đầu ngón tay để đo cho chính xác nồng độ bão hoà oxy trong máu. Bình thường SpO2 trên 96%, nếu chỉ hít thở khí thở. Nếu SpO2 dưới 96% là dấu hiệu suy hô hấp. BS Hải Ninh khuyên không nên sơn móng tay vì khi sơn, tín hiệu nhận biết trên đầu cặp SpO2 không chính xác nữa, nên có thể chỉ số này bị hạ dù thực tế ta không thiếu oxy.

Thuốc kháng đông, kháng viêm không dùng cho phụ nữ mang thai, cho con bú hay người mắc một số bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hoá, đường tiết niệu…

Sốt là triệu chứng nhiều F0 điều trị tại nhà sẽ gặp phải. Loại thuốc hạ sốt mà các gia đình nên sử dụng là acetaminophen (thuốc paracetamol). Loại thuốc này có nhiều dạng: uống, đặt hậu môn, gói bột pha nước… Tùy thuộc vào lứa tuổi dành cho gia đình để chuẩn bị các chế phẩm phù hợp.

Với gia đình có trẻ em, nên chuẩn bị thuốc dạng bột để pha nước cho trẻ uống hoặc viên nang đặt hậu môn để dễ dàng hơn cho trẻ tiếp nhận thuốc đó. Thuốc này không cần bác sĩ chỉ định, chỉ cần sốt trên 38 độ C là có thể chủ động dùng thuốc.

Chúng ta có thể tính theo công thức đơn giản về liều dùng cho cả người lớn và trẻ em, đó là 10-15mg cho một kilogram cân nặng, nhân với cân nặng của chúng ta. Ví dụ một người 50kg thì uống được 1 viên 500 mg, người 75kg có thể uống 2 viên 500mg.

“Lưu ý thuốc này uống cách nhau 4-6 tiếng, một ngày tối đa 5 lần” – BS Hải Ninh cho biết nguyên nhân vì bên cạnh hiệu quả hạ sốt, giảm đau, thuốc có tác dụng phụ gây suy gan, ngộ độc gan nếu uống quá liều.

Với một số phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có sốt cao, phải dùng thuốc hạ sốt thì cần lưu ý điều gì để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé? Theo BS Hải Ninh, phụ nữ mang thai nếu để thân nhiệt tăng cao có nguy cơ gây tăng nhịp tim của trẻ, đe doạ suy thai.

Việc sử dụng vẫn theo liều khuyến cáo. Trong trường hợp thai phụ vừa uống thuốc hạ sốt nhưng cách 2 tiếng bị sốt cao trở lại thì nên dùng một số phương pháp cơ học/vật lý giúp hạ sốt trước khi dùng liều thuốc tiếp theo.

Cụ thể: Mặc quần áo thoáng mát, tránh chùm chăn kín sẽ tăng thân nhiệt; lau người bằng khăn nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể 2 độ (ví dụ sốt 38 độ C thì lau người tại các vùng cổ, nách, bẹn… trong 15 phút bằng nước ấm 36 độ C rồi lau khô lại người) sẽ giúp hạ sốt.

F0 điều trị tại nhà cần uống nhiều nước. Nước hỗ trợ giảm nhiệt độ cơ thể. Có thể uống oresol, pha đúng tỷ lệ ghi trên bao bì. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bộ Y tế: Tăng cường phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế

Các địa phương xem xét bổ sung vào Kế hoạch thanh tra năm 2022 có nội dung thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật
GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký ban hành công văn gửi đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ; đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Văn bản cho biết, ngày 8/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 127/NQ-CP về tình hình kinh tế – xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, trong đó yêu cầu Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan thanh tra, các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiếm soát hiệu quả dịch COVID-19, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, không chủ quan khi dịch đi qua; đảm bảo phương châm “bốn tại chỗ”; thực hiện việc mua sắm để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, phòng, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, khoa học, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực, Bộ Y tế trân trọng đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện tốt các nội dung:

Quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát lại kế hoạch mua sắm đảm bảo đủ số lượng, đúng chủng loại phù hợp với tình hình mới; thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm.

Căn cứ Kế hoạch thanh tra 2022 của tỉnh, thành phố, xem xét bổ sung vào Kế hoạch thanh tra năm 2022 của địa phương có nội dung thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế nêu rõ, Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, đề xuất hoặc trao đổi với Bộ Y tế hoặc các Bộ quản lý chuyên ngành để phối hợp giải quyết.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản gửi các lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh, thành phố; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; Tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại test kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã có các công văn gửi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng trang thiết bị y tế nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện hoặc đầu cơ, tích trữ; Nghiêm túc thực hiện việc cập nhật, rà soát, công khai minh bạch về giá trang thiết bị y tế trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế. Chịu trách nhiệm về giá công bố và tính chính xác và đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa theo quy định… (Sức khỏe & Đời sống, trang 9).

 

Bộ Y tế thông tin việc cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á

Ngày 21.12, Bộ Y tế có thông tin chính thức về việc cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm của Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Theo đó, việc cấp phép căn cứ vào kết quả “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và Realtime RT-PCR phát hiện chủng vi rút Corona mới 2019 (2019-nCoV)” do Bộ KH-CN phê duyệt, được thực hiện giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á. Sinh phẩm này cũng đã được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đánh giá đáp ứng về độ nhạy và độ đặc hiệu. Đến ngày 20.12.2021, Bộ Y tế đã cấp phép 146 sinh phẩm xét nghiệm (XN) SARS-CoV-2. Về danh mục các sinh phẩm do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố và đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), Bộ Y tế cho biết các công ty mong muốn sản phẩm của mình được đưa vào danh sách của WHO cần nộp hồ sơ đề nghị WHO xem xét. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có tiêu chí và yêu cầu về hồ sơ, sản phẩm khác nhau để cấp phép lưu hành sinh phẩm. Việc cấp phép của Bộ Y tế đối với sản phẩm của Công ty Việt Á và các nhà sản xuất khác không phụ thuộc vào danh sách do WHO công bố.

Theo quy định của luật Giá, hiện, trang thiết bị y tế (TTBYT) và sinh phẩm XN không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá. Giá TTBYT và sinh phẩm XN được xác định thông qua đấu thầu và giá các sản phẩm khác nhau tại từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng. Hiện tại, trên Cổng công khai giá TTBYT có hơn 1.600 doanh nghiệp công khai giá với trên 60.000 mặt hàng TTBYT công khai giá và 93.253 kết quả trúng thầu. Thông tin trên cổng này để các địa phương, cơ sở y tế tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch, không phải là giá bắt buộc áp dụng.

Bộ Y tế trình và Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2021/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022), trong đó quy định giá sinh phẩm XN thuộc mặt hàng quản lý giá.

Nhiều tỉnh yêu cầu báo cáo việc mua bộ xét nghiệm

Chiều 21.12, bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết đã chỉ đạo tất cả đơn vị trên địa bàn tỉnh có mua bộ XN của Công ty Việt Á báo cáo việc mua và sử dụng bộ XN này. “Hiện các đơn vị đang báo cáo nên chúng tôi sẽ có thông tin chính thức sau”, bà Ngọc nói.

Trong khi đó, bác sĩ Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Phú Yên, cho biết đơn vị này đã mua 25.200 bộ XN của Công ty Việt Á. Lúc dịch mới bùng phát vào đầu tháng 7.2021, CDC Phú Yên đã mua 200 bộ XN của Công ty Việt Á với giá 470.000 đồng/bộ. Sau đó, CDC Phú Yên tiếp tục đàm phán và mua với giá 367.500 đồng/bộ.

Hiện Công an tỉnh Phú Yên cũng đã vào cuộc, thu thập tài liệu liên quan việc mua bộ XN của Công ty Việt Á.

Tại Gia Lai, Công an tỉnh này cũng đã làm việc với CDC Gia Lai để làm rõ việc mua các bộ XN của Công ty Việt Á. Ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc CDC Gia Lai, cho biết: Bộ XN Covid-19 của Công ty Việt Á cung cấp cho tỉnh có giá 470.000 đồng/bộ.

Theo ông Gia, vào tháng 8.2021: “Thời điểm này trên thị trường có 2 bộ XN chủ yếu là của Công ty Việt Á và sinh phẩm Super Script III Platinum™ của Mỹ. Sinh phẩm của Việt Á mang tính chất sàng lọc bước đầu các trường hợp nghi dương tính, còn sinh phẩm của Mỹ có thể XN khẳng định một lần và không cần XN lại tốn kém, mất thời gian. Sinh phẩm Super Script III Platinum™ của Mỹ có giá rẻ hơn của Việt Á 141.000 đồng/mẫu. Đánh giá về mặt kinh tế và chuyên môn thì sinh phẩm của Mỹ tốt hơn và giá thành rẻ hơn”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Gia, sản phẩm Super Script III Platinum™ là mặt hàng nhập khẩu nên khi dịch bệnh bùng phát thì nguồn cung bị gián đoạn. Còn kit test của Việt Á là sản phẩm có sẵn trong nước nên dễ mua sắm và được Hội đồng ưu tiên lựa chọn. Việt Á đã trúng gói thầu có tổng giá trị hơn 451 triệu đồng. Việc mua các sản phẩm của Công ty Việt Á dựa trên thông tin tham khảo các nhà thầu được công bố trên website của Bộ Y tế.

Tại Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã chỉ đạo Sở Tài chính và Sở Y tế kiểm tra việc mua trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, trong đó có việc mua các bộ XN của Công ty Việt Á.

Theo ông Hồ Minh Nên, Giám đốc CDC Quảng Ngãi, để phòng chống dịch Covid-19, đơn vị đã sử dụng hơn 5,1 tỉ đồng mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á. Cụ thể, trong 2 tháng 7 – 8.2021, CDC Quảng Ngãi mua 3 đợt kit, cao nhất là 509.000 đồng/bộ, còn lại là 470.000 đồng/bộ và 367.000 đồng/bộ.

Sau 3 đợt đó, CDC Quảng Ngãi đã tham khảo các nguồn khác nhau, rồi được Viện Pasteur Nha Trang giới thiệu, đã mua kit với giá rẻ hơn: 300.000 đồng/bộ và khoảng 250.000 đồng/bộ. (Thanh niên, trang 5).

 

Bộ Y tế “để trống” câu trả lời về mức giá 470.000 đồng/kit test

Vụ việc gây xôn xao dư luận cả nước trong những ngày qua khi cơ quan điều tra khởi tố 7 bị can ở Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) và CDC Hải Dương, về nâng khống giá sinh phẩm xét nghiệm và chi hoa hồng cho đối tác với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Vụ việc khiến nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế ở vụ việc này thế nào? Ngày 21/12, Bộ Y tế đã lên tiếng nhưng khẳng định phía Bộ đã làm đúng. Còn Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có thông tin chính thức, chỉ rút bài đăng trên website. Trong thông cáo báo chí chiều 21/12 mà Bộ Y tế phát đi, Bộ khẳng định việc cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 bộ sinh phẩm Realtime PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 (LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-PCR Kit, LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit) của Công ty Việt Á trong thời hạn 6 tháng vào ngày 4/3/2020 để sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc đã đáp ứng nhu cầu xét nghiệm “tại thời điểm khó khăn khi tiếp cận với nguồn cung ứng sinh phẩm trên thế giới”. Đến ngày 4/12/2020, Bộ Y tế có Quyết định số 5071 cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm này.

Còn về việc WHO không cấp phép cho kit test của Việt Á, Bộ Y tế cho biết,  mỗi quốc gia, tổ chức đều xây dựng tiêu chí và yêu cầu về hồ sơ, sản phẩm khác nhau về việc chấp thuận lưu hành sinh phẩm. Các công ty có nhu cầu lưu hành, sử dụng tại quốc gia và tổ chức nào sẽ nộp hồ sơ theo quy định của từng tổ chức, quốc gia đó. Do vậy, việc cấp phép của Bộ Y tế đối với sản phẩm của Công ty Việt Á và các nhà sản xuất khác không phụ thuộc vào danh sách do WHO công bố.

Bộ Y tế khẳng định, theo quy định của Luật giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá. Giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm được xác định thông qua đấu thầu và giá các sản phẩm khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng.

Cùng thời điểm Công ty Việt Á niêm yết giá trên Cổng công khai giá là 470.000 đồng/sản phẩm, thì Công ty cổ phần Sao Thái Dương niêm yết giá loại xét nghiệm PCR là 300.000 đồng/sản phẩm và xét nghiệm LAMP có giá 385.000 đồng/sản phẩm, Công ty Ampharco U.S.A có giá 179.800 đồng/sản phẩm; có 15 sản phẩm PCR nhập khẩu đã được cấp phép đăng ký và niêm yết giá từ 280.000 đồng đến 600.000 đồng/sản phẩm.

Thông tin này đã được công khai trên Cổng công khai giá để các địa phương, cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch, mà không phải là giá bắt buộc áp dụng. Các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Thời gian qua, nhiều CDC các tỉnh đã mua kit test của Công ty Việt Á với mức giá 450.000 đ/sản phẩm, thậm chí có nơi còn mua hơn 500.000 đ/sản phẩm. Một số địa phương giải thích, do giá Công ty Việt Á niêm yết trên Cổng công khai giá là 470.000 đ/sản phẩm nên địa phương cứ áp dụng mà tiến hành mua sắm. Một số Sở Y tế còn cho biết, giá 470.000 đ/sản phẩm là do trước đó Bộ Y tế có văn bản giới thiệu cho Sở Y tế các tỉnh, thành trên cả nước liên hệ mua chứ không phải giá do Việt Á và khách hàng đàm phán.

Cụ thể, vào ngày 2/7/2021, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành danh sách các sinh phẩm/trang thiết bị chẩn đoán vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu và khả năng cung ứng và giá bán do đơn vị cung ứng công bố. Theo đó, bộ thiết bị sinh phẩm nêu trên của Việt Á có giá là 470.000 đ/kit test.

Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit test COVID-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Cơ quan điều tra bước đầu đã làm rõ để thu lời bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và cấp dưới đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đ/kit test.

Nhiều người đặt câu hỏi, mức giá mà Bộ Y tế giới thiệu 470.000 đ/kit test là đã được nâng khống, vậy căn cứ vào đâu để xây dựng mức giá này và ai cho phép việc mua, bán mức giá này? Việc Bộ Y tế giới thiệu mức giá này cho các địa phương thì có phải chịu trách nhiệm không? Trong thông cáo báo chí của Bộ Y tế không có câu trả lời cho vấn đề này.

Theo một chuyên gia dịch tễ, qua hình ảnh trên phương tiện truyền thông về nhà xưởng sản xuất của Công ty Việt Á, người ta đặt câu hỏi nghi ngờ về năng lực sản xuất gần 1 triệu kit test/tháng của công ty này. Đặc biệt, sau cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất, công tác hậu kiểm có được cơ quan chức năng thực hiện hay không?

Bộ Y tế cho biết, đến ngày 20/12/2021, Bộ đã cấp phép 146 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có 46 sinh phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP) tương tự như sản phẩm của Công ty Việt Á và Công ty cổ phần Sao Thái Dương (bao gồm 7 sinh phẩm sản xuất trong nước và 39 sinh phẩm nhập khẩu). Bộ Y tế cũng cho biết, các địa phương, đơn vị phải thực hiện việc đấu thầu mua sắm theo các quy định hiện hành của Nhà nước và tự chịu trách nhiệm về việc mua sắm của mình (Công an nhân dân, trang 4; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Lao động, trang 2; Tiền phong, trang 1; Tuổi trẻ, trang 1; An ninh Thủ đô, trang 8).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/9/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 06/12/2021

CDC Hà Nam