Điểm báo ngày 22/3/2019

(CDC Hà Nam)
Dừng lấy mẫu xét nghiệm Elisa chẩn đoán sán dây lợn ở Bắc Ninh; Đình chỉ công tác bác sĩ lợi dụng tín nhiệm vòi tiền người bệnh

Dừng lấy mẫu xét nghiệm Elisa chẩn đoán sán dây lợn ở Bắc Ninh

Ngày 21-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký Công văn 1483/BYT-KCB gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn dừng việc lấy mẫu xét nghiệm Elisa để chẩn đoán sán dây lợn.

Trước thông tin về tình hình nhiễm sán dây lợn gây bệnh cho người tại tỉnh Bắc Ninh và nhu cầu của người dân về chẩn đoán có mắc hay không mắc bệnh, dẫn đến tình trạng người dân ồ ạt đưa con em đi xét nghiệm, ngày 21-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký Công văn 1483/BYT-KCB gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn dừng việc lấy mẫu xét nghiệm Elisa để chẩn đoán sán dây lợn. Xét nghiệm Elisa dương tính không thể khẳng định là hiện tại đang mắc bệnh sán lợn, đây là xét nghiệm mang tính chất hỗ trợ khi có dấu hiệu lâm sàng và có một số kết quả xét nghiệm khác xác định.

Đối với những trường hợp xét nghiệm Elisa dương tính không cần phải xét nghiệm lại và không phải điều trị, trừ trường hợp có triệu chứng lâm sàng, có chẩn đoán xác định hiện đang mắc bệnh thì sẽ được điều trị theo phác đồ quy định tại các cơ sở y tế địa phương. Trường hợp kết quả xét nghiệm Elisa âm tính thì không phải xét nghiệm lại.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các Ban An toàn thực phẩm địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào của các bếp ăn tập thể, các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, đặc biệt là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho các trường hợp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng thời địa phương cần tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu được bản chất của bệnh, ý nghĩa của các biện pháp chẩn đoán, xác định người đang mắc bệnh hay không và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tẩy giun, sán theo định kỳ hướng dẫn của ngành y tế. Công an nhân dân (trang 1), Sức khỏe & đời sống (trang 2), Sài gòn giải phóng (trang 7), Hà nội mới (trang 1), An ninh thủ đô (trang 2), Thanh niên (trang 3)

 

Đình chỉ công tác bác sĩ lợi dụng tín nhiệm vòi tiền người bệnh

BSCK2. Phù Chí Dũng – Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TP.HCM cho biết, đã hoàn tất việc xử lý sai phạm đối với cá nhân 1 bác sĩ lợi dụng tín nhiệm để nhận tiền của bệnh nhân ung thư máu.

BS. N.L.M.T là cán bộ giảng dạy của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, công tác tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học theo Hợp đồng hợp tác thực hành viện trường từ năm 2012. Hiện tại, BS. T được phân công làm công tác khám chữa bệnh tại khu Điều trị tổng hợp trực thuộc Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực.

Theo lời khai của BS. T và xác minh của bệnh viện, từ cuối năm 2018 đến nay, BS. N.L.M.T đã lợi dụng tín nhiệm để nhận tiền của 15 người bệnh với tổng số tiền là 81.000.000 đồng với lời hứa hẹn sẽ làm xét nghiệm bên ngoài, chích một loại thuốc làm giảm đau, kéo dài sự sống… mà không nói rõ là chích thuốc gì.

Thực tế qua kiểm tra hồ sơ bệnh án và biên bản họp của Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực, người bệnh hoàn toàn không được thực hiện loại thuốc nào hay xét nghiệm nào bên ngoài bệnh viện. Tất cả các y lệnh trong hồ sơ bệnh án đều thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của bệnh viện, thể hiện rõ ràng và khớp với phiếu thực hiện thuốc của điều dưỡng và người bệnh cũng có ký xác nhận vào phiếu công khai thuốc hàng ngày.

Như vậy, BS. T hoàn toàn không cung cấp bất kỳ loại thuốc hay xét nghiệm bên ngoài nào cho người bệnh. Bệnh viện cũng đã tiến hành kiểm tra và nhận thấy rằng đây là vi phạm cá nhân của BS. T, không liên quan đến cá nhân hay tập thể nào khác trong bệnh viện.

Liên lạc với người bệnh để xin lỗi và hoàn trả lại tiền đã đưa cho bác sĩ T

BS. Dũng cho biết, vụ việc xảy ra dù là sai phạm mang tính cá nhân nhưng là một cú sốc rất lớn cho đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế trong toàn bệnh viện. Chúng tôi cảm thấy đau xót và áy náy với người bệnh vì một đồng nghiệp của mình đã sa ngã, vi phạm nghiêm trọng Luật Khám chữa bệnh và quy tắc ứng xử của người thầy thuốc trong quá trình tác nghiệp. “Chúng tôi cảm thấy có một phần trách nhiệm vì đã không kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi sai trái này gây ra thiệt hại và tổn thương tinh thần cho người bệnh. Chính vì vậy, bệnh viện đã có những hành động triệt để để phần nào khắc phục những tổn thất của người bệnh”, BS. Dũng bày tỏ.

Cũng theo giám đốc bệnh viện, với tiêu chí đặt người bệnh lên làm mối quan tâm hàng đầu, bệnh viện đã liên lạc với tất cả người bệnh trong danh sách mà BS. T khai nhận để xin lỗi và hoàn trả lại số tiền đã mất. Đến nay, bệnh viện đã hỗ trợ hoàn trả cho 3 người bệnh với tổng số tiền lên đến 48.500.000 đồng và vẫn tiếp tục thông báo, liên lạc tiến hành hoàn trả cho những ca còn lại. Đồng thời, bệnh viện cũng động viên thăm hỏi và hỗ trợ tối đa để người bệnh yên tâm điều trị.

Đối với cá nhân BS. T, bệnh viện đã có quyết định đình chỉ công tác khám chữa bệnh, gửi thông báo về trường để thông tin về sự việc. Trong cuộc họp sáng ngày 18/3/2019 giữa bệnh viện và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ quan chủ quản của BS. T) có sự tham gia của đại diện Sở Y tế, đại diện trường cũng cho biết đã có quyết định đình chỉ công tác giảng dạy của BS. T và lập Hội đồng kỷ luật sau khi có đầy đủ thông tin của sự việc.

Trong quá trình làm việc, BS. T cũng đã nhận ra sai lầm của mình, rất suy sụp tinh thần, ăn năn hối hận vì những việc mình làm. Bệnh viện đã động viên BS. T thành khẩn khai báo hết toàn bộ người bệnh có liên quan để bệnh viện hỗ trợ liên lạc và bồi hoàn lại cho người bệnh.

Rà soát lại hết tất cả các quy trình khám chữa bệnh

Về vấn đề quản lý, BS. Dũng thông tin, qua sự việc này, bệnh viện cũng đang tiến hành rà soát lại hết tất cả các quy trình khám chữa bệnh, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch và công bằng. “Chúng tôi cũng tiến hành thông tin đến người bệnh bằng nhiều hình thức như màn hình truyền thông, tin nhắn sms… về quy trình khám chữa bệnh, về việc thu phí công khai tại quầy thu phí, có biên nhận thu tiền rõ ràng, người bệnh không nên đưa tiền trực tiếp cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào trong và ngoài bệnh viện. Song song đó, bệnh viện cũng sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra các hoạt động khám chữa bệnh, tránh xảy ra tiêu cực trong bệnh viện đồng thời thông tin cho người bệnh cùng giám sát. Và sẽ thường xuyên tiến hành tổ chức các buổi tọa đàm về quy định pháp luật cũng như vấn đề y đức để nhắc nhở cán bộ công nhân viên trong bệnh viện”, BS. Phù Chí Dũng cho biết. (Sức khỏe & đời sống, trang 7)

 

Kết luận về trường hợp bệnh nhân “mổ ruột thừa, mất vòi trứng”

Tin từ Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, lãnh đạo Sở đã họp cùng lãnh đạo của 2 bệnh viện của tỉnh là BVĐK thị xã Hồng Lĩnh và BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cùng các cá nhân liên quan, một số bác sĩ đầu ngành về sản phụ khoa, gây mê hồi sức để làm rõ các nội dung liên quan đến bệnh nhân Trần Thị Hóa (SN 1988) ở huyện Đức Thọ được BVĐK thị xã Hồng Lĩnh chẩn đoán và mổ viêm ruột thừa nhưng lại mất thêm vòi trứng.

Sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia, tham khảo tài liệu chuyên môn, ý kiến phát biểu các thành viên dự họp, lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh kết luận: Đối với việc có hay không bệnh nhân bị viêm ruột thừa và chửa ngoài tử cung cùng một thời điểm: Căn cứ vào các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng, các hình ảnh trong cuộc mổ cho thấy việc bệnh nhân được chẩn đoán (sau mổ) là viêm ruột thừa/chửa ngoài tử cung (bên phải) là đúng. Đối với bệnh nhân bị chửa ngoài tử cung thì việc cắt vòi trứng là theo phác đồ chuyên môn. Về việc mổ lần 3 tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh: Kíp mổ xử lý đúng, kịp thời, chính xác.

Chị Trần Thị Hóa bị cắt một bên vòi trứng nhưng người nhà người bệnh không biết: Về mặt chuyên môn, kíp mổ xử lý hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc không thông báo cho người nhà là chưa đúng với quy định của Bộ Y tế.

Đối với việc bệnh nhân bị chảy máu sau phẫu thuật là sự cố không mong muốn, có thể xảy ra đối với bất cứ loại phẫu thuật nào, với bất cứ phẫu thuật viên nào.

Trước đó, ngày 13/3, chị Hóa là bệnh nhân được chuyển từ BVĐK thị xã Hồng Lĩnh lên BVĐK tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng nguy kịch, nhợt nhạt, khó thở, đau nhiều khắp bụng.

Tiến hành thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị Hóa bị nhiễm trùng, nhiễm độc, viêm phúc mạc nên đã tiến hành mổ. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân này đã bị cắt một bên vòi trứng. Chị Hóa và người nhà không hề biết việc này.

Sở Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo chấn chỉnh nghiêm túc việc thực hiện đúng, đủ quy trình phẫu thuật nói riêng và các quy trình kỹ thuật khác nói chung (bao gồm các thủ tục hành chính bắt buộc) đối với 2 bệnh viện cũng như các đơn vị trong ngành. Việc tư vấn, giải thích cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải hết sức rõ ràng, dễ hiểu. BVĐK Hồng Lĩnh thăm hỏi, động viên tinh thần với chị Trần Thị Hóa; BVĐK tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục theo dõi sát sức khỏe bệnh nhân Hóa và miễn toàn bộ viện phí cho người bệnh trong thời gian điều trị tại đây.

Được biết, hiện tại, tình trạng sức khỏe bệnh nhân Trần Thị Hóa đang tiến triển tốt, bệnh nhân đã ăn, uống được, đi lại tốt, đang được các y, bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa BVĐK tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục theo dõi thêm và có thể xuất viện trong vài ngày tới. (Sức khỏe & đời sống, trang 6)

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 21/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/4/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/11/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận