Điểm báo ngày 23/2/2022

(CDC Hà Nam)
Hà Nội tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch; Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường; Các cơ sở y tế tại Đà Nẵng triển khai điều trị Covid-19; Học sinh mắc Covid-19 ở TP.HCM tăng 3 lần…

 

Hà Nội tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch

Sáng 22/2, thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị gặp mặt đại diện lực lượng y tế và lực lượng tuyến đầu tiêu biểu tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Tới dự có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Đinh Tiến Dũng đánh giá cao sự nỗ lực, đóng góp trong công tác phòng, chống dịch của các y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu thời gian qua. Sự hy sinh của các y, bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch đã để lại hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân và bạn bè; góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch của thành phố và của cả nước, tạo nên sức lan tỏa, tiếp thêm niềm tin cho người dân Thủ đô, dịch bệnh chắc chắn sẽ bị đẩy lùi.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng, dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, ngành Y tế Thủ đô cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tập trung đổi mới và củng cố hoàn thiện hệ thống y tế từ thành phố đến cơ sở; ưu tiên đầu tư để tạo bước chuyển biến toàn diện về tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở; phối hợp nâng cao hiệu quả y tế dự phòng để nâng cao sức khỏe ban đầu, chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Trước đó, kết luận tại hội nghị của Thường trực Thành ủy Hà Nội chiều 21/2, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, nâng cao năng lực y tế cơ sở; kết hợp công nghệ để tiếp cận hướng dẫn, hỗ trợ điều trị cho người dân nhanh nhất, sớm nhất có thể; tăng cường vai trò các tổ Covid-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19, giảm thấp nhất nguy cơ bệnh nhân chuyển tầng điều trị. (Nhân dân, trang 1)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 3: “Sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch để lại những hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân”

 

Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 22/2, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 55.879 ca nhiễm mới, gồm tám ca nhập cảnh và 55.871 ca ghi nhận trong nước, tăng 9.010 ca so ngày 21/2 tại 62 tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, có 19 tỉnh, thành phố ghi nhận từ 1.200 đến hơn 2.800 trường hợp mắc Covid-19. Hà Nội ghi nhận 6.860 ca tại 517 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Trong ngày có 10.412 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và có 77 ca tử vong tại 26 tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế có Công điện đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/1/2022 của Bộ Y tế; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị,…), hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân bảo đảm khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. Chỉ đạo ngành y tế điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu; thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến…

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương triển khai tiêm chủng phòng Covid-19 “thần tốc hơn nữa”; bảo đảm bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học; chủ động các biện pháp xử lý khi có trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, tránh xử lý cực đoan…

Bộ Y tế có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Quy trình xử trí theo hướng dẫn này có bốn bước, từ khi có trường hợp F0 đến cách theo dõi, xét nghiệm cho những bạn học sinh cùng lớp. Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu trong lớp học có một F0 thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú bảy ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ bảy. Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 vào ngày thứ bảy được đi học trực tiếp trở lại, cha mẹ và giáo viên chủ nhiệm tiếp tục theo dõi sức khỏe cho trẻ trong ba ngày tiếp theo…

Bộ Y tế lưu ý trường hợp phát hiện học sinh là F0 đang ở tại nhà, cha mẹ cho học sinh nghỉ học, báo ngay với nhà trường và trạm y tế cấp xã.

Bộ Y tế lưu ý, trường hợp phát hiện học sinh là F0 đang ở tại nhà, cha mẹ cho học sinh nghỉ học, báo ngay với nhà trường và trạm y tế cấp xã. Nhà trường, trạm y tế cấp xã tiến hành truy vết các trường hợp học sinh là F1 liên quan và xử lý các trường hợp F1 như trên. Yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả các học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở,… hoặc có triệu chứng nghi ngờ khác) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.

Về việc tổ chức học bán trú của học sinh, Bộ Y tế nêu rõ: nếu tổ chức cho trẻ học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp. Ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó, không chung với các lớp khác. Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà-phòng trước và sau khi ăn. Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường). Bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Liên quan thông tin ông Nguyễn Quốc Khiêm giả bác sĩ vào làm việc tại một khu điều trị ở thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/2, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin về trường hợp giả bác sĩ nêu trên và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành, như Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 và các văn bản có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (nếu có); kiểm tra, rà soát lại danh sách người hành nghề, sinh viên của đơn vị mình tham gia hỗ trợ khu cách ly để phát hiện các sai sót tương tự (nếu có). (Nhân dân, trang 8)

 

Các cơ sở y tế tại Đà Nẵng triển khai điều trị Covid-19

Tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế tại thành phố Đà Nẵng đang hoàn thiện công tác thiết lập hệ thống điều trị Covid-19 tại đơn vị. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của ngành y tế Đà Nẵng nhằm ứng phó tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng ca bệnh diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong đang có xu hướng tăng nhanh.

Tại Đà Nẵng có ba bệnh viện đang thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 gồm Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Dã chiến phía tây thành phố và Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (Bệnh viện Hòa Vang).

Mở rộng các cơ sở điều trị Covid-19

Để bảo đảm tốt công tác chăm sóc, hỗ trợ, chuyển tuyến, điều trị, hạn chế thấp nhất biến chứng nặng và tử vong, Sở Y tế đề nghị tất cả bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện trên địa bàn triển khai khu vực điều trị Covid-19 tại đơn vị. Các trung tâm y tế các quận, huyện, bệnh viện chuyên khoa hạng hai trở xuống bố trí 30 đến 50% tổng số giường của cơ sở điều trị để tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19; bố trí 3 đến 5 giường hồi sức tích cực, sẵn sàng điều trị bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng, nguy kịch.

Khi các cơ sở y tế ổn định hệ thống thu dung, điều trị Covid-19, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang tiếp tục duy trì thu dung điều trị các trường hợp bệnh nhân chạy thận nhân tạo mắc Covid-19; Bệnh viện Dã chiến phía tây thành phố tiếp tục thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ không đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà/nơi lưu trú, đồng thời mở rộng thêm 100-150 giường tiếp nhận điều trị người nhiễm Covid-19 thuộc mức độ trung bình (tầng 2) do các cơ sở y tế trên địa bàn chuyển đến. Các Bệnh viện Đà Nẵng, Phụ sản Nhi, Ung bướu bố trí ít nhất 40 giường điều trị, thiết lập hệ thống hồi sức để tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch. Đà Nẵng đề nghị các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành, tư nhân phối hợp bố trí khu vực tiếp nhận điều trị các bệnh nhân Covid-19 được phát hiện tại bệnh viện; thiết lập hệ thống hồi sức để tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng trên địa bàn.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trương Văn Trình, trong giai đoạn các cơ sở y tế đang thiết lập hoàn thiện hệ thống điều trị Covid-19, Bệnh viện Phổi, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang vẫn thực hiện thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 theo kế hoạch trước đây. Các cơ sở y tế lập kế hoạch bố trí nguồn lực thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng tránh lây nhiễm và xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm theo quy định. Đối với công tác điều trị người nhiễm Covid-19 (F0) tại nhà, yêu cầu thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe, liên tục đánh giá, xử lý, can thiệp y tế và chuyển tuyến kịp thời đối với các trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thuộc các đối tượng có nguy cơ cao, bệnh nền, phụ nữ mang thai,… Hiện, F0 tại nhà được tách thành hai nhóm gồm nhóm có nguy cơ và không có nguy cơ. Đối với nhóm có nguy cơ, lực lượng y tế phải theo sát, kịp thời hỗ trợ về chuyên môn, tránh để bệnh nhân chuyển nặng gây áp lực và gánh nặng cho các cơ sở y tế điều trị tập trung.

Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không có địa phương nào ở cấp độ 4, trong đó huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn là hai địa phương đang ở cấp độ 1. Trong khi đó hơn 93% bệnh nhân mắc Covid-19 được theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà. Việc triển khai kích hoạt lại công tác điều trị Covid-19 tại tất cả các cơ sở y tế nhằm hỗ trợ chuyển tuyến kịp thời những bệnh nhân trở nặng, hạn chế tử vong. Tính đến ngày 22/2, các cơ sở y tế, bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp nhận, điều trị hơn 1.441 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 260 ca nặng, 31 người bệnh nguy kịch, hơn 400 trường hợp trên 65 tuổi và 550 trường hợp có bệnh nền nguy cơ cao.

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hiện đang điều trị 122 bệnh nhân, trong đó có 69 ca nặng, nguy kịch. Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, hiện nay nguồn nhân lực, trang thiết bị của bệnh viện này chỉ đáp ứng đủ 100 giường hồi sức tích cực (ICU). So với trước đây, số bệnh nhân nặng, nguy kịch thậm chí tử vong không giảm. Đây là áp lực rất lớn đối với các cơ sở điều trị khi số ca nhiễm diễn biến phức tạp và tăng nhanh. Vì vậy, rất cần sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan liên quan nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nhanh và giảm đến mức thấp nhất các ca F0 trở nặng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho thấy công tác tiếp nhận, điều trị Covid-19 được triển khai chặt chẽ theo quy trình khép kín. Đến ngày 22/2, có 100 F0 đang được cách ly, điều trị tại đây. TS, BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết: Triển khai kế hoạch điều trị Covid-19, bệnh viện sử dụng khu cách ly trước đây để thiết lập khu vực cách ly điều trị F0. Bệnh viện phụ trách mảng sản và nhi, các bệnh nhân sản khoa từ các bệnh viện và của toàn thành phố ở các tuyến chuyển lên. Đối với bệnh nhân nhi, bệnh viện tiếp nhận các ca F0 mức độ nặng ở các tuyến chuyển lên.

Hiện vẫn còn nhiều F0 không khai báo mà tự điều trị tại nhà khi phát hiện dương tính. Điều này đang gây khó cho các đơn vị, địa phương trong công tác giám sát, quản lý và tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Ngành y tế Đà Nẵng khuyến cáo và yêu cầu tất cả người dân khi phát hiện nhiễm bệnh cần thông báo với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ phân loại kịp thời và điều trị theo quy định. Số ca nhiễm tăng cao và dự kiến tiếp tục tăng khi Đà Nẵng triển khai học trực tiếp cho tất cả các cấp học. Kiểm soát số ca nhiễm, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, kích hoạt công tác điều trị F0 tại các cơ sở y tế toàn thành phố và hỗ trợ tối đa việc điều trị F0 tại nhà là những việc cần kíp, cấp bách để Đà Nẵng sớm giảm số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, giảm tỷ lệ ca tử vong. (Nhân dân, trang 8)

 

Phòng, chống dịch Covid-19: Nới lỏng chứ không buông lỏng

Theo Bộ Y tế, số ca F0 sẽ còn tăng cao trong cộng đồng, bao gồm các ca do biến thể mới, đòi hỏi các địa phương cần chủ động hơn nữa trong phòng, chống dịch Covid-19.

Nguy cơ gia tăng số ca nhập viện trở lại

Ngày 21.2, Bộ Y tế đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo Bộ Y tế, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, TP trong 2 tuần qua.

Bộ Y tế dự báo, trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số ca nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch, Chủ tịch UNBD các tỉnh, TP cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Quyết định 218 ngày 27.1.2022 của Bộ Y tế. Theo đó, các địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị…) liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân đảm bảo khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội.

Chấp nhận F0 trong cộng đồng

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn hiện nay, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng VN, đánh giá hiện nay chúng ta đã tiêm vắc xin với tỷ lệ cao trên cả nước; năng lực y tế đã thích ứng tốt hơn; kiến thức phòng bệnh của người dân cũng tốt hơn, do đó đã chấp nhận không “Zero F0”, nghĩa là chấp nhận F0 trong cộng đồng, nhưng vẫn cần kiểm soát, khống chế các ca mắc mới, không để ca mắc tăng cao quá gây quá tải hệ thống y tế; không để người F0 tăng nặng, tử vong do không được tiếp cận dịch vụ y tế.

Ông Phu nêu thách thức: “Hiện nay có nguy cơ dịch diễn biến phức tạp, khó lường với trung bình khoảng 80 ca tử vong/ngày. Chúng ta xác định chuyển từ “Zero F0” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 có hiệu quả, chúng ta cũng chuyển từ ngăn cấm sang kiểm soát rủi ro. Do đó, một số biện pháp được “nới lỏng” chứ không phải buông lỏng”.

Ông Phu cho rằng với phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn hiện nay, trước hết, về dự phòng, người dân phải thực hiện 5K, nếu cứ coi tiêm vắc xin rồi mà không thực hiện 5K thì dịch vẫn có thể bùng lên mạnh mẽ, dẫn đến quá tải hệ thống y tế và không kiểm soát được dịch. Đáng lưu ý, theo PGS Phu: “Cần luôn luôn đáp ứng hệ thống y tế; hệ thống y tế cần đảm bảo năng lực kiểm soát dịch bệnh cũng như về vấn đề tiếp cận bệnh nhân, đảm bảo các bệnh nhân Covid-19 liên lạc với ngành y tế đều được tư vấn. Ví dụ như y tế cơ sở, trạm y tế lưu động, thầy thuốc đồng hành qua các kênh tư vấn online với mục đích số mắc không tăng cao, số chuyển nặng không tăng cao, số tử vong ở mức thấp nhất có thể, không để hệ thống y tế quá tải”.

Chú trọng y tế cơ sở, công tác tổ chức

Nhìn nhận về công tác điều trị trong phòng chống dịch khi số ca tử vong đã giảm nhiều, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý các địa phương cần thực hiện điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu.

Trong khi đó, một chuyên gia trong hội đồng điều trị ca mắc Covid-19 cũng lưu ý: “Hiện bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đã thu hẹp tại một số địa phương, tuy nhiên chúng ta xác định dịch chưa thể sớm chấm dứt và đặc biệt là việc mở rộng điều trị F0 nhẹ tại cộng đồng, tại nhà với sự giám sát, hỗ trợ của nhân viên y tế, do đó vấn đề nâng cao năng lực hệ thống y tế, tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở cần đặc biệt chú trọng”.

Trước sự kiện gây tranh cãi về việc một tòa nhà chung cư bị phong tỏa sau khi phát hiện các ca F0 tại một địa phương mới đây, một chuyên gia về y tế dự phòng lưu ý, các tình huống tương tự có thể sẽ còn xảy ra. “Việc tạm thời đề nghị người dân tạm dừng việc đi lại, để tạm “phong tỏa” phục vụ xét nghiệm, đánh giá nguy cơ là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần làm nhanh gọn hơn, để các F0 được phát hiện sớm, đồng thời các trường hợp không nhiễm bệnh nhanh chóng được trở lại sinh hoạt bình thường. Do đó, các địa phương cần củng cố công tác tổ chức ứng phó với các tình huống phòng, chống dịch, đảm bảo đúng tinh thần ứng phó linh hoạt”, chuyên gia này nêu ý kiến. (Thanh niên, trang 1)

 

Điều tra vụ giả làm bác sĩ điều trị Covid-19 trong khu cách ly

Hôm qua (22.2), các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vụ giả bác sĩ vào điều trị bệnh nhân Covid-19 trong khu cách ly.

Liên quan vụ Nguyễn Quốc Khiêm (26 tuổi, ngụ Ninh Thuận) giả bác sĩ (BS) vào điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 trong khu cách ly ở Q.12 (TP.HCM, Báo Pháp luật TP.HCM đã phản ánh), ngày 22.2, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Thanh tra sở này đã phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03, Công an TP.HCM) khẩn trương điều tra làm rõ.

Tổ công tác của Sở Y tế đang khẩn trương liên lạc và mời ông Nguyễn Quốc Khiêm đến Sở Y tế để làm rõ. Cùng ngày, Trung tâm y tế (TTYT) Q.12 cũng đã làm việc với công an liên quan đến vụ việc này.

Đã biết giả mạo từ tháng 9.2021?

Theo lãnh đạo Sở Y tế, vào ngày 9.7.2021, UBND Q.12 có Công văn số 4515 gửi đến Trường ĐH Y Dược (ĐHYD) TP.HCM, đề nghị hỗ trợ tình nguyện viên (TNV) tham gia chống dịch. Nhận được yêu cầu này, Trường ĐHYD đã tạo một đường link (Google form) kêu gọi các TNV tham gia, và đã đăng tải trên nhóm Zalo đợt 3 – TNV Y Dược chống dịch Covid-19. Trường tuyển được 8 TNV đăng ký tham gia và ngày 13.7.2021, trường có Công văn số 912A về việc cử sinh viên (SV), học viên tham gia hỗ trợ tại Khu cách ly Trường cao đẳng (CĐ) Điện lực TP.HCM (Q.12), gửi Sở Y tế và UBND Q.12, đính kèm danh sách 8 SV trong đó có tên ông Nguyễn Quốc Khiêm.

Căn cứ vào công văn này và các công văn cử SV, học viên tham gia chống dịch, ngày 15.7.2021, Sở Y tế TP.HCM ra Quyết định số 3851 về việc tiếp nhận 346 SV của Trường ĐHYD về các khu cách ly, điều trị các ca bệnh liên quan đến Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, trong đó, ông Khiêm được phân bổ về Khu cách ly Trường CĐ Điện lực.

Ngày 16.8.2021, UBND Q.12 có Quyết định số 4084 về việc thành lập khu cách ly tập trung cho F0 trên địa bàn Q.12 tại Trường CĐ Điện lực. Cũng trong ngày này, TTYT Q.12 ban hành Quyết định 129 điều động phân công nhân sự hỗ trợ công tác phòng, chống dịch khu cách ly tập trung cho F0 tại Trường CĐ Điện lực, trong đó có phân công ông Khiêm làm nhiệm vụ nhận bệnh, hậu cần.

Đến tháng 9.2021, TTYT Q.12 có yêu cầu Trường ĐHYD xác minh ông Nguyễn Quốc Khiêm có phải là thạc sĩ, BS của trường hay không. Trao đổi qua điện thoại, nhà trường trả lời Nguyễn Quốc Khiêm không phải là SV của trường và thẻ SV không do trường cấp.

Tiếp đó, ngày 1.10.2021, UBND Q.12 ban hành Quyết định số 4561 về việc tiếp nhận phân công TNV Trường ĐHYD tham gia các khu cách ly tập trung bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn Q.12. Theo Quyết định này ông Nguyễn Quốc Khiêm tiếp tục được phân công làm việc tại Khu cách ly tập trung Trường CĐ Điện lực.

Làm giả thẻ sinh viên khoa y, tự xưng bác sĩ Chợ Rẫy

Theo Sở Y tế TP.HCM, Nguyễn Quốc Khiêm là tên của một TNV đăng ký tham gia chống dịch qua Trường ĐHYD, nhưng không có tên trong danh sách SV khóa 2012 đến 2020 của trường ở tất cả các ngành học.

Trước đó, sau khi qua được xét tuyển TNV, ông Nguyễn Quốc Khiêm đã làm giả thẻ SV khoa y và điểm thi nghiên cứu khoa học của Trường ĐHYD; Khiêm tự xưng là thạc sĩ, BS Khoa tim mạch Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy được BV tặng giấy khen (giấy do ông Khiêm làm giả). Vì xưng là BS nên thời gian công tác tại khu cách ly, ông Khiêm được giao điều hành, viết báo cáo, viết hồ sơ bệnh án, chăm sóc BN…

Hôm qua, Trường ĐHYD TP.HCM cho biết rút kinh nghiệm sâu sắc trong khâu xác minh SV của trường khi nhận làm TNV mà không đối chiếu với hệ thống dữ liệu.

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ “bác sĩ giả” Nguyễn Quốc Khiêm

Hôm qua (22.2), PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (QLKCB – Bộ Y tế), đã ký văn bản khẩn gửi lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, Trường ĐH Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị làm rõ thông tin liên quan vụ “bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm”.

Cục QLKCB đề nghị các đơn vị xác minh làm rõ các sai phạm liên quan đến vụ việc trên; đồng thời kiểm tra, rà soát lại danh sách người hành nghề, sinh viên của đơn vị mình tham gia hỗ trợ khu cách ly để phát hiện các sai sót tương tự, báo cáo về Cục trước ngày 28.2. (Thanh niên, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Vụ mạo danh bác sĩ để vào khu cách ly làm việc : Xử lý nghiêm nếu vi phạm pháp luật”

 

Thuốc chữa Covid-19 vẫn bán tràn lan

Ghi nhận của chúng tôi hôm qua (22.2) tại TP.HCM cho thấy thuốc chữa Covid-19 vẫn bán tràn lan; còn kit test xét nghiệm thì “cháy” hàng.

Tại nhà thuốc M.D (trên đường Dương Quang Trung, P.12, Q.10, TP.HCM), khi PV hỏi mua thuốc Molnupiravir, nhân viên liền đưa tờ giấy ghi số điện thoại của một người tên Th. và nói: “Cửa hàng chị không bán thuốc này. Nhưng em lấy số điện thoại này kết bạn Zalo, rồi nhắn nhờ người này mua giúp cho em”.

PV liên hệ qua số điện thoại trên thì gặp người tên Th., người này cho biết sẽ liên hệ bác sĩ để chia lại thuốc. “Thuốc Molnupiravir của Ấn Độ, giá 3 triệu đồng. Nếu em mua thì chuyển khoản trước cho chị rồi mai đến nhận hàng. Vì thuốc này là bác sĩ ở trong bệnh viện mang ra và chỉ có vài hộp chị nhận rồi chia lại cho em”, người này nói.

Tại hiệu thuốc Đ.H (cũng ở con đường nói trên), khi nghe PV hỏi thuốc Molnupiravir của Ấn Độ, nhân viên nói tại đây không bán. Nhưng nếu khách muốn mua, nhân viên sẽ hỏi bên “mối quen”, nếu có hàng thì giao qua. Sau đó, nhân viên gọi điện hỏi và báo lại: “Bên kia báo giá 3,5 triệu đồng 1 hộp 40 viên. Nếu đồng ý mua thì đặt cọc trước 200.000 đồng, 15 – 30 phút sau có người mang thuốc tới. Thuốc này giờ hiếm lắm, uống vào nó đánh thẳng vô con vi rút, 5 ngày là hết”.

Tại nhà thuốc N.T trên đường Hai Bà Trưng (Q.1), chúng tôi hỏi mua thuốc điều trị Covid-19 thì được nhân viên giới thiệu thuốc Molnupiravir dạng viên do Ấn Độ sản xuất, 1 hộp 40 viên giá 3,2 triệu đồng, uống ngày 4 viên, uống trong 5 – 7 ngày, khi test Covid-19 sẽ chỉ lên 1 vạch (âm tính), và lưu ý thêm thuốc này chỉ dùng cho người không có bệnh nền. Thấy PV đắn đo vì giá khá “chát”, nhân viên này giới thiệu mua thuốc điều trị theo liệu trình 7 ngày với giá khoảng 1 triệu đồng, gồm các loại kháng sinh, kháng viêm, thuốc ho, tăng sức đề kháng, hạ sốt…

Còn tại hiệu thuốc trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), nhân viên nói: “Molnupiravir do VN sản xuất vẫn chưa được phép bán, loại đó muốn sử dụng phải có đơn thuốc chỉ định của BS mới được dùng. Ở đây chúng tôi chỉ có loại Tamiflu trị cảm cúm 58.000 đồng/viên”.

Kit test Covid-19 “cháy” hàng

Cùng ngày, theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại một số hiệu thuốc bán lẻ, giá các loại kit test Covid-19 sau tết tăng dù nhu cầu tại TP.HCM không cao như trước, một số nơi “cháy” hàng.

Tại khu chợ thuốc tây trên đường Nguyễn Giản Thanh (P.15, Q.10), một chủ cửa hàng cho biết kit test loại Biocredit Covid-19 Ag bán lẻ 75.000 đồng/bộ, nếu mua sỉ là 72.000 đồng/bộ; loại Humasis Covid-19 Ag Test bán lẻ 85.000 đồng/bộ, giá sỉ 83.000 đồng/bộ. Người này nói: “Kit test này giờ chỉ bán lẻ, nếu mua nhiều chắc không được, vì giờ không đủ hàng để bán”. Tương tự, tại một cửa hàng khác khu vực này, khi PV vừa hỏi mua kit test, người bán vội nói: “Hết hàng rồi. Em lấy danh thiếp cửa hàng rồi về đi, mai gọi lại”.

Nhân viên tại nhà thuốc M.D trên đường Dương Quang Trung, P.12, Q.10 đưa ra 2 loại kit test và cho biết loại Antigen Rapid Test Kits 80.000 đồng/bộ; loại GenBody Covia-19 Ag 110.000 đồng/bộ. “Em mua nguyên hộp chị cũng bán. Nhưng đang cháy hàng, chị chỉ có vài hộp để dành bán lẻ thôi”, người này nói.

Tại hiệu thuốc trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), nhân viên nói chỉ còn 2 loại thông dụng là test nước bọt của Hàn Quốc, bán lẻ 85.000 đồng/bộ và loại của Đức sản xuất 110.000 đồng/bộ. “Hiện kit test Covid-19 đang khan hàng do thương lái thu mua để đưa ra Hà Nội bán. Trước tết, giá bán lẻ 1 bộ kit test Covid-19 bằng dịch tỵ hầu 80.000 đồng/kit, còn kit test bằng nước bọt chỉ 70.000 đồng/kit”, nhân viên này cho hay.

Hà Nội: Loạn giá kit test và thiết bị y tế khác

Ngày 22.2, Hà Nội ghi nhận 6.680 ca mắc Covid-19, trong đó 1.977 ca cộng đồng. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ tư (từ ngày 29.4.2021 đến nay) là 213.855 ca.

Số ca tăng vọt khiến nhu cầu kit test xét nghiệm ở Hà Nội tăng và loạn giá. Tại quầy thuốc bán lẻ ở đường Dương Lâm (P.Phúc La, Q.Hà Đông), giá bán lẻ 1 bộ kit test BioCredit Covid-19 Ag của Hàn Quốc 90.000 đồng, dù trước đó 1 tuần giá chỉ 70.000 đồng. Trong khi đó, sản phẩm này trên các sàn thương mại điện tử như Lazada hay Tiki đang được rao bán 75.000 – 88.000 đồng/bộ.

Trên diễn đàn chợ thuốc Hapulico, các loại kit test đủ nguồn gốc, xuất xứ được bán lẻ lẫn số lượng lớn, như kit BioCredit được rao 68.000 – 75.000 đồng/bộ tùy số lượng. Tương tự, bộ kit test Labnovation (Trung Quốc) trước tết giá khoảng 35.000 – 39.000 đồng/bộ, nay lên gần 60.000 đồng/bộ.

Không chỉ kit test, một số thiết bị y tế như máy đo nồng độ ô xy trong máu SpO2, thuốc kháng vi rút hay các sản phẩm “ăn theo” như thuốc xông mũi họng, tinh chất tỏi đen… nhu cầu cũng tăng cao đột ngột.

Hôm qua, Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội đã yêu cầu tập trung kiểm tra việc sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch; xử lý kịp thời tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa… (Thanh niên, trang 2)

 

Học sinh mắc Covid-19 ở TP.HCM tăng 3 lần

Chiều 22.2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM họp giao ban định kỳ trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới có dấu hiệu gia tăng, bao gồm cả trẻ em khi học trực tiếp tại nhà trường.

93% trẻ mắc Covid-19 dưới 12 tuổi

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ ngày 14 – 22.2, số trẻ mắc Covid-19 tăng gấp 3 lần so với tuần trước (từ 7 – 13.2). Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 7.505 ca trong trường học; bao gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh, trong đó cấp mầm non 394 em, cấp tiểu học 2.786 em, THCS 1.875 em, THPT – giáo dục thường xuyên 1.744 em. Báo cáo của Sở Y tế TP cũng cho thấy 93% ca bệnh là trẻ dưới 12 tuổi, đây là lứa tuổi chưa được tiêm vắc xin. Ba bệnh viện (BV) nhi (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP.HCM) đang điều trị nội trú cho 100 em; trong đó 84% trẻ có triệu chứng sốt, 77% có triệu chứng đường hô hấp (ho, sổ mũi, đau họng), 11% trẻ em phải hỗ trợ hô hấp.

Về cơ sở hạ tầng thu dung trẻ em, 3 BV nêu trên có 450 giường ở khoa điều trị Covid-19, trong đó có 150 giường hồi sức. Ông Thượng cho biết các chuyên gia đã xây dựng kịch bản khi số trẻ em mắc Covid-19 gia tăng sẽ mở rộng thêm số giường tại các BV nhi, huy động các BV quận, huyện có khoa nhi. “Ngành y tế sẽ tham mưu UBND TP.HCM xem xét ngưng việc học trực tiếp khi số trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca/ngày. Hiện nay mỗi ngày chỉ có 5 ca trẻ em cần hỗ trợ hô hấp”, ông Thượng nói.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin sau nhiều ngày duy trì số ca nhiễm Covid-19 ở mức 3 con số, thì ngày 22.2, TP.HCM ghi nhận hơn 1.300 ca. Lý giải ca nhiễm có chiều hướng tăng, ông Tăng Chí Thượng đưa ra con số khảo sát ngẫu nhiên biến chủng Omicron trong cộng đồng từ ngày 10 – 17.2 cho thấy 70/92 mẫu bệnh phẩm dương tính với biến chủng này, chiếm 76%. Từ đó, ông Thượng nhận định biến chủng Omicron đang tăng cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến số ca nhiễm gia tăng.

Thống nhất cách xử lý ổ dịch

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhận định việc số học sinh quay lại trường cùng biến chủng mới khiến số ca tăng cao là không có gì bất ngờ và vẫn nằm trong tính toán. Do vậy, Sở Y tế cần đưa trẻ em vào chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao.

Trước băn khoăn của nhiều địa phương về việc thiếu thống nhất trong áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa khi xuất hiện ổ dịch, ông Nên yêu cầu ngành y tế cần tiếp tục hướng dẫn quy trình xử lý F0 cộng đồng theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, trên từng địa bàn phải cụ thể hóa bằng các kịch bản cho từng tình huống. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cần ban hành sớm nhất quy trình hướng dẫn, trong đó xác định như thế nào là ổ dịch, khi có ổ dịch thì làm gì để ngăn chặn lây nhiễm vào các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao. Việc này phải hướng dẫn cụ thể để thống nhất toàn TP.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết Bộ Y tế đã cấp phép sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước, TP cần lên kế hoạch phân phối thuốc nhanh trên toàn địa bàn. Ngoài ra, Sở Y tế cần chủ động phối hợp với các nhóm nhà khoa học, chuẩn bị kịch bản cho tình huống biến chủng mới xuất hiện để có biện pháp ứng phó. (Thanh niên, trang 3)

 

Thanh tra, xử nghiêm đầu cơ tăng giá kit test

Những ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Hà Nội tăng cao, và đã vượt qua 5.000 ca mắc/ngày, khiến các mặt hàng liên quan phòng, điều trị COVID-19 khan hiếm, giá tăng. Thành phố yêu cầu thanh tra, xử lý nghiêm việc đầu cơ, tăng giá.

Chị Thanh Thủy (phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm) cho biết, những ngày qua, do bạn bè báo bị nhiễm COVID-19 khá nhiều nên chị mua 7 bộ test nhanh về để sử dụng. Chị Thủy nói rằng, chị thường mua loại kit của hãng BioCredit (Hàn Quốc), trước đây chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ nhưng nay đã tăng lên 80.000 đồng bộ.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại một số hiệu thuốc ở Hà Nội, kit test đang loạn giá và bắt đầu có dấu hiệu khan hàng. Tại loạt nhà thuốc trên phố Quốc Tử Giám (quận Đống Đa), giá các sản phẩm test nhanh BioCredit Hàn Quốc có giá 60.000 đồng/bộ bán lẻ và 55.000 đồng/bộ bán cả hộp.

Cùng sản phẩm này tại một nhà thuốc ở đường Hồ Tùng Mậu (Mai Dịch, quận Cầu Giấy), một bộ kit test có giá 68.000 đồng/bộ bán lẻ. Chủ nhà thuốc này lý giải, giá bán phụ thuộc vào lô hàng nhập, số lượng nhập cùng với việc đang “cháy” kit test.

Tại hiệu thuốc 17 Trần Khánh Dư, quận Hai Bà Trưng, chủ cửa hàng cho biết, tuần qua, số lượng kit test bán ra tăng gấp 3-4 lần so với những ngày trước.

Chị H, nhân viên bán hàng tại chợ thuốc Hapulico, cho biết, giá sản phẩm thay đổi từng ngày và liên tục “cháy” hàng. Nếu muốn mua từ 3 hộp trở lên phải đặt hàng, đặt tiền cọc. Ngoài ra, một số sản phẩm tăng cường sức đề kháng đã hết sạch hàng.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố (QLTT) Hà Nội, cho biết, đã yêu cầu đội trưởng các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế, thuốc hỗ trợ điều trị, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống, hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19 như: bộ test nhanh kháng nguyên COVID-19, thiết bị đo nồng độ oxy, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19… Giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, giá bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế; buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị bệnh COVID-19 các loại chưa được phép lưu hành, sử dụng.

Nhiều nhà thuốc tại Ðà Nẵng những ngày qua tăng giá bộ xét nghiệm nhanh COVID-19, có nơi rơi vào tình trạng “cháy hàng”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Cục Quản lý thị trường Ðà Nẵng nhìn nhận có tình trạng khan hàng kit test những ngày qua, do nguồn cung bị đứt gãy và do nhu cầu của người dân tăng cao. Cục vẫn giám sát thường xuyên, yêu cầu các đơn vị không được găm hàng. Vị này cho biết, đây là mặt hàng không thuộc danh mục quản lý giá, nên các đơn vị bán ra thị trường tuỳ thuộc vào giá nhập vào. (Tiền phong, trang 5)

 

Sẵn sàng thu dung điều trị trẻ mắc COVID-19

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, phải chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19 để chăm sóc trẻ em một cách chu đáo. Chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cần bổ sung đối tượng là trẻ em, vì trẻ em vốn chưa tự bảo vệ mình được, chưa tự thực hiện 5K.

Không để bị động trước “Omicron tàng hình”

Phát biểu tại buổi giao ban, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận xét, số ca mắc Covid-19 trong ngày của TPHCM lên trên 1.300 trường hợp, tăng gấp 4 lần so với mức trung bình hàng ngày của 3 tuần trước đó. Số ca mắc Covid-19 ở trường học tăng và ở độ tuổi trẻ em, đặc biệt là người dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine. Số ca chuyển nặng đang có chiều hướng giảm, số trường hợp tử vong trong những tuần qua ở mức dưới 4 trường hợp/ngày.

Qua báo cáo giải trình tự gene cho thấy, biến thể Omicron đang chiếm đa số (chiếm tỷ lệ 3/4), còn biến thể Delta trở thành thiểu số (1/4).

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, khi lưu lượng học sinh trở lại trường học đông, lại trong điều kiện tiếp xúc gần với nhau, cộng với biến thể mới, cho nên số trường hợp mắc Covid-19 tăng lên là điều không bất ngờ mà nằm trong dự tính. Tuy vậy, không thể chủ quan, không thể xem thường, mà phải tính toán các giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cơ bản thống nhất với các giải pháp Sở Y tế TPHCM đưa ra. Theo đồng chí, vaccine và thuốc là vũ khí quan trọng để ngăn chặn sự lây lan Covid-19. Trong đó, về vaccine, phải tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 chiến dịch tiêm chủng mùa xuân (từ ngày 7-2 đến ngày 29-2); chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi càng sớm càng tốt và tiêm cho những người còn lại, nhất là người có nguy cơ. Cùng với đó, chuẩn bị phân phối thuốc điều trị Covid-19, phân phối, phủ nhanh thuốc trên địa bàn TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, phải tiếp tục chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ. Đặc biệt, trong chiến dịch này, cần bổ sung đối tượng là trẻ em, vì trẻ em là chưa tự bảo vệ mình được, chưa tự thực hiện 5K.

Hiện nay, các chuyên gia, nhà khoa học đang nghiên cứu, chuẩn bị kịch bản ứng phó khi có sự xuất hiện biến thể phụ BA.2 “Omicron tàng hình”.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, phải chuẩn bị kịch bản, dự tính tình huống xấu nhất có thể, để không bị động, lúng túng nếu có biến thể phụ của Omicron xuất hiện.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, phải chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19 để chăm sóc trẻ em một cách chu đáo; tăng cường truyền thông, tư vấn, hỗ trợ từ cơ sở, từ pháo đài, từ bác sĩ ; tiếp tục hướng dẫn quy trình xử lý F0 cộng đồng theo hướng mới nhất của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.

“Trên từng địa bàn, từng chung cư, từng trường học phải chuẩn bị kịch bản xử lý các tình huống chứ không đợi xuất hiện tình huống rồi mới đi bàn kế hoạch ứng phó, không để lúng túng mất thời gian”, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý. Đồng thời, phải chú trọng mối quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh và nhà trường với y tế, đề ra tình huống cụ thể để chăm sóc chu đáo cho trẻ em là F0.

Theo đồng chí, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM cùng Sở Y tế TPHCM phải ban hành sớm nhất quy trình hướng dẫn thống nhất tới cơ sở, pháo đài, hướng dẫn cụ thể như thế nào là ổ dịch; khi có ổ dịch thì làm gì để kiểm soát, hạn chế sự lây nhiễm, nhất là đối với người có nguy cơ và trẻ em.

“Toàn TPHCM phải thống nhất, phải hướng dẫn cụ thể, không nói chung chung rồi mỗi nơi làm một kiểu”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhắc nhở và nhấn mạnh đến liên thông, kết nối cơ sở dữ liệu để phòng chống dịch trong tình hình hiện nay.

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng cho rằng, phải tiếp tục hướng dẫn, công khai, truyền thông để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình; làm thế nào để mỗi người dân đều có thông tin tương đối đầy đủ về thực trạng, diễn biến, biện pháp thích ứng với Covid-19 để người dân đồng thuận cùng TPHCM thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Hơn 7.500 học sinh và giáo viên mắc Covid-19

Trước đó, báo cáo cập nhật tình hình dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng thông tin, dữ liệu mới nhất cho thấy khả năng biến thể Omicron đang dần chiếm đa số trên địa bàn TPHCM. Số ca mắc mới tại thành phố đang tăng, riêng hôm nay có hơn 1.300 F0 mới, mức cao nhất trong 1 ngày từ sau Tết Nguyên đán 2022.

TPHCM đang quản lý 15.630 F0, trong đó quản lý tại nhà là 13.889 trường hợp, tại cơ sở cách ly là 257 trường hợp; 1.266 trường hợp điều trị tại bệnh viện tầng 2 và 218 trường hợp điều trị tại bệnh viện tầng 3. Số ca thở máy xâm lấn là 50 trường hợp.

Đặc biệt, từ ngày 14-2 đến nay, thành phố ghi nhận hơn 7.500 học sinh và giáo viên (gồm 6.800 học sinh và hơn 700 giáo viên) mắc Covid-19, tăng mạnh so với tuần trước đó (tuần trước có gần 600 trường hợp).

Phân tích trẻ em mắc Covid-19 đang điều trị nội trú tại 3 bệnh viện nhi tại TPHCM cho thấy, tổng số bệnh nhi là 100 ca (trong đó có 15% ca bệnh là ở tỉnh), có 89% có triệu chứng trung bình hoặc nhẹ. 93% ca bệnh là trẻ em dưới 12 tuổi.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở Y tế TPHCM đã gặp gỡ chuyên gia đầu ngành về nhi khoa để xây dựng kế hoạch thu dung điều trị khi số trẻ em mắc Covid-19 tăng nhanh. Đồng thời, Sở cũng theo dõi diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu UBND TPHCM xem xét tạm ngưng việc học trực tiếp nếu số ca trẻ em mắc Covid-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp ở mức trên 100 ca/ngày.

TPHCM cũng tăng cường các biện pháp ứng phó với tình hình dịch Covid-9 ở trẻ em. Cụ thể là cung cấp số điện thoại Kênh tư vấn từ xa tại 3 bệnh viện nhi để kịp thời tư vấn và giải đáp thắc mắc cho giáo viên và thân nhân bệnh nhi; hướng dẫn và chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà; tập huấn, sẵn sàng triển khai tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng đề nghị TP Thủ Đức và các quận, huyện không ban hành quyết định phong tỏa mà tạm khoanh vùng để kiểm soát nguy cơ sớm nhất, gọn nhất, hiệu quả điều tra để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ; chuẩn bị tiêm chủng trẻ em từ 5-11 tuổi.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các quận, huyện xác thực số liệu dân cư để đánh giá cấp độ dịch phù hợp.

Phải ứng phó thật nhanh khi mở cửa hoàn toàn trở lại

Phát biểu tại buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhận xét, dấu hiệu tích cực hiện nay là số ca chuyển nặng và số ca phải thở máy không tăng.

Tuy nhiên, trước tình hình số ca F0 và số ca F0 điều trị tại nhà tăng, đồng chí cho rằng, các pháo đài xã, phường, thị trấn cần nỗ lực hơn trong công tác phòng chống dịch; phải tiếp cận ngay các hướng dẫn mới của Chính phủ, của Bộ Y tế theo hướng tiếp cận mới, bao gồm xử lý đối với F0, F1.

Đồng chí cũng lưu ý phải chuẩn bị sẵn tinh thần khi mở cửa lại – dự kiến ngày 15-3 sẽ mở cửa hoàn toàn – cần ứng phó thật nhanh với các trường hợp phát sinh; tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ; tăng tốc độ tiêm vaccine… Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, Sở Y tế và Sở GD-ĐT nên tính toán, định nghĩa F1 hẹp nhất có thể, tạo điều kiện cho trẻ em là F1 thuận lợi học tập. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường

Bộ Y tế yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp; chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở…) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.

Ngày 22-2, Bộ Y tế đã có hướng dẫn gửi Bộ GD-ĐT về công tác phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Trong hướng dẫn này, Bộ Y tế yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp; chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở…) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.

Đối với việc tổ chức học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành GD-ĐT, trong đó đảm bảo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học… Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường).

Về quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong lớp học, Bộ Y tế hướng dẫn: giáo viên chủ nhiệm cho học sinh ngồi yên tại chỗ; cán bộ y tế trường học và ban chỉ đạo/tổ an toàn phòng chống dịch Covid-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1; tổ chức test nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó…

Đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu trong lớp học có 1 ca xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 7. Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7 thì được đi học trực tiếp trở lại, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm tiếp tục theo dõi sức khỏe cho trẻ trong 3 ngày tiếp theo.

Đối với lớp có học sinh F0, sau khi xác định đối tượng là F1 thì cho học sinh không phải là F1 di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

 

Cục Y tế Bộ Công an vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Lực lượng Y tế CAND thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ y tế: “Lương y phải như từ mẫu”, luôn hết lòng với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Công an và Nhân dân.

Ngày 22/2, tại Hà Nội, Bộ Công an long trọng tổ chức Kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2022); 45 năm Ngày thành lập Cục Y tế (21/1/1977-21/1/2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Cục Y tế.

Tới dự kỷ niệm có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo của Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng Bộ Công an, lãnh đạo Cục Y tế (Bộ Công an) qua các thời kỳ.

Về phía Bộ Y tế có đồng chí Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế…

Trình bày Diễn văn tại buổi kỷ niệm, Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an) nêu rõ, 67 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cùng với y tế nước nhà, lực lượng Y tế CAND đã lớn mạnh về mọi mặt, cả về mạng lưới các cơ sở y tế, cả về đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế và chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho CBCS và Nhân dân, đóng góp một phần trong công tác đảm bảo an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, đến nay, mạng lưới Y tế CAND đã được củng cố, hoàn thiện, tổ chức thành mạng lưới rộng khắp từ Trung ương đến địa phương với 3 tuyến chuyên môn, kỹ thuật gồm 212 đầu mối, bảo đảm quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an: “Ở đâu có CBCS Công an, ở đó có cán bộ y tế Công an để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe”.

Y tế CAND hiện đã có 18 bệnh viện, trong đó có 4 bệnh viện hạng I được đầu tư trang bị tương đối hiện đại; tổ chức bộ máy ngày càng được củng cố, mở rộng và kiện toàn theo hướng chuyên sâu.

Y tế CAND đã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, chăm sóc, bảo vệ, điều trị và nâng cao sức khỏe CBCS, nắm chắc tình hình sức khỏe của CBCS, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, kịp thời có những phương án điều trị, chăm sóc sức khỏe cho CBCS.

Cán bộ y tế tại các Trại giam, Trại tạm giam, Cơ ở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng đã không quản khó khăn, gian khổ, luôn nêu cao tinh thần hết lòng phục vụ người bệnh dù cho đối tượng chăm sóc rất đặc biệt.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức, tham gia các chuyến công tác khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào… Đặc biệt, trong trận chiến với đại dịch COVID-19 vừa qua, Y tế CAND đã khẳng định vị trí, vai trò và bản lĩnh của mình trên tuyến đầu, chủ lực tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Bộ Công an các phương án, biện pháp phòng chống dịch kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, ngăn ngừa dịch lây lan trong lực lượng CAND, góp phần quan trọng vào vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Tô Lâm đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Cục Y tế; trao Huân chương Quân công hạng Ba cho 1 cá nhân; trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho 2 cá nhân.

Bộ trưởng Tô Lâm trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba tặng Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh, Cục tưởng Cục Y tế và Thượng tá Đỗ Thị Minh, nguyên Phó Trưởng phòng 1, Cục Y tế.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trao Kỷ niệm chương Vì sức khỏe Nhân dân của Bộ Y tế cho các cá nhân thuộc các cơ sở y tế CAND.

Phát biểu tại buổi kỷ niệm, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, cống hiến của toàn thể lãnh đạo, CBCS, công nhân viên lực lượng y tế CAND trong thời gian qua.

Thời gian tới, lực lượng Y tế CAND tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của người chiến sĩ Công an, người Thầy thuốc CAND, mỗi cá nhân cần cố gắng nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh thực sự trở thành những tấm gương sáng về nỗ lực phấn đấu rèn luyện vươn lên, hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho CBCS và Nhân dân.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về công tác y tế, nhất là sửa đổi, bổ sung văn bản về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ và định mức biên chế của bệnh viện, bệnh xá, y tế cơ sở trong CAND. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn chức danh, mô tả công việc, khung năng lực, vị trí làm việc cho cán bộ y tế CAND cùng các tiêu chuẩn, định mức y tế, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Tiếp tục tham mưu kiện toàn tổ chức mạng lưới y tế ngành Công an. Tăng cường đào tạo cho cán bộ y tế, kết hợp tập huấn phù hợp theo tuyến chuyên môn kỹ thuật gắn với bồi dưỡng nâng cao y đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm hết lòng vì người bệnh.

Tập trung đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật trong hệ thống y tế CAND; có kế hoạch cụ thể và thường xuyên phân công cho tuyến dưới. Nâng cao trình độ năng lực, phát huy vai trò của các bệnh viện hạng I trong công tác đào tạo, hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở.

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các bệnh viện Công an với một số bệnh viện lớn trong và ngoài nước có uy tín. Các cơ sở y tế CAND phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế Nhà nước theo vùng, miền trong cấp cứu, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa, phục vục công tác, chiến đấu của lực lượng CAND. (Công an Nhân dân, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 14/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/4/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/8/2020

CDC Hà Nam