Cảnh giác khi dịch bệnh sốt xuất huyết đến sớm
Nếu như trong năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội giảm gần 90% thì những tháng đầu năm 2019, số mắc lại có xu hướng gia tăng. Theo nhận định, năm nay dịch bệnh sốt xuất huyết đến sớm hơn thông thường nên ngoài việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng bệnh.
Không đợi có dịch mới chống…
Theo quy luật, từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, dịch bệnh sốt xuất huyết mới xuất hiện. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Thế nhưng, hiện nay mới tháng 3 nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết đã gia tăng. Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện cả nước đã ghi nhận gần 42.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 2 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 17-3, thành phố đã ghi nhận 144 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018), bệnh nhân xuất hiện rải rác tại 95 xã, phường, thị trấn của 27 quận, huyện, thị xã và chưa có ca tử vong.
Thời điểm này, các quận, huyện, thị xã đã lên các phương án đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân lo ngại, với mật độ dân số đông, nhiều người dân từ nơi khác về cư trú, thuê trọ, vệ sinh môi trường kém là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát. Trước tình hình đó, quận đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, hóa chất, các phương tiện bảo hộ… để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Hiện Trung tâm Y tế quận đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết, khử khuẩn bằng Cloramin B cho 72/72 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn; tiến hành giám sát 100% ca bệnh, giám sát 13/53 ổ dịch sốt xuất huyết cũ của năm 2018.
Còn tại quận Ba Đình, theo ông Phạm Hữu Tiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế quận, dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, chiến dịch vệ sinh môi trường trên địa bàn quận cũng thay đổi so với mọi năm. Thay vì triển khai mỗi năm mấy đợt vệ sinh môi trường, quận chỉ đạo mỗi đơn vị phải thực hiện vệ sinh môi trường vào tuần cuối cùng hằng tháng. Hiện, quận đã củng cố lại đội ngũ nhân lực phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhất là đội ngũ công nhân tham gia phun hóa chất diệt muỗi.
Rút kinh nghiệm từ vụ dịch năm 2017, Hà Nội đã chủ động hơn trong công tác phòng chống. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, không đợi có dịch mới chống mà phải chủ động xây dựng kế hoạch với những nội dung, tình huống, biện pháp ứng phó cụ thể như khi chưa có dịch, khi có bệnh nhân mà chưa có ổ dịch, số ca mắc gia tăng… Hiện nay, những nơi chưa có bệnh nhân thì giám sát véc tơ truyền bệnh, nếu số véc tơ cao thì phải vệ sinh môi trường và tuyên truyền cho người dân xử lý khu vực tập trung bọ gậy, lăng quăng chứ không đợi có bệnh nhân mới làm. “Với việc phòng chống dịch bệnh này, riêng ngành Y tế không thể làm được mà phải dựa vào cộng đồng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và ý thức tự giác của người dân”, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nói.
Hà Nội tổ chức tổng vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết.
Hiện Việt Nam chưa có hệ thống cảnh báo sớm dự đoán khả năng bùng phát các đợt dịch sốt xuất huyết. Do đó, từ tháng 6-2019, dự án “Hệ thống dự báo mô hình sốt xuất huyết dựa trên số liệu vệ tinh” (D-MOSS) sẽ được triển khai tại Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Nai và Đắk Lắk dưới sự trợ giúp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, sốt xuất huyết là một dịch bệnh truyền nhiễm theo chu kỳ có liên quan đến các yếu tố như: Đô thị hóa nhanh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Việc xây dựng được hệ thống cảnh báo sớm sốt xuất huyết sẽ giúp ngành Y tế các địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh được tốt hơn, từ đó giảm thiểu tác động và thiệt hại.
Bác sĩ Đoàn Thu Trà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, vì sốt xuất huyết có biểu hiện giống như sốt do các vi rút khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Thậm chí, có trường hợp tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dù sốt xuất huyết là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng khoảng 5% bệnh nhân có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc nặng do giảm thể tích, nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau người kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng… thì nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh lưu ý, đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống ở đô thị, gần người, trong nhà hoặc quanh nhà. Chúng hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối. Vì vậy, ngoài các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế, mỗi người dân cần chủ động, có ý thức dọn nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không treo nhiều quần áo để làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng… Đây là cách thiết thực, hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch và giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan ra cộng đồng. (Hà Nội mới, trang 5).
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 3: “Triền khai ngay biện pháp phòng, chống các dịch bệnh, không để bùng phát”
Bảo vệ quyền lợi cho học sinh, sinh viên bằng bảo hiểm y tế
Chiếm khoảng 25% dân số, học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng quan trọng của bảo hiểm y tế (BHYT). Trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT, học sinh, sinh viên cũng là một trong những nhóm đối tượng đầu tiên được định hướng bao phủ BHYT vì mục tiêu BHYT toàn dân. Thực hiện tốt chính sách BHYT học sinh, sinh viên còn góp phần định hình nhân cách sống tốt đẹp cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Trong nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hình thức tự nguyện, đối tượng học sinh, sinh viên với tỷ lệ duy trì khá ổn định chiếm khoảng 25% dân số được quan tâm và đưa vào là một trong những nhóm đối tượng cần được triển khai trước nhằm tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT. Mặt khác, thực hiện BHYT học sinh, sinh viên còn có tác động mạnh mẽ tới việc xây dựng, hoàn thiện, đổi mới cơ chế tài chính và hiệu quả hoạt động cho hệ thống y tế trường học vốn chưa được quan tâm đúng mức, từ đó dẫn đến hệ lụy các bệnh về học đường gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập của học sinh, sinh viên.
Từ năm 1992 đến 2005, Điều lệ BHYT đã ba lần được sửa đổi, thay thế để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách cũng như công tác quản lý, điều hành. Sau 15 năm thực hiện chính sách BHYT, nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển BHYT trong tình hình mới, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, ngày 14-11-2008, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1-7-2009). Đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, Luật quy định lộ trình thực hiện từ tự nguyện chuyển sang đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, theo đó, từ ngày 1-10-2010, học sinh, sinh viên trở thành nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT.
Sau bốn năm, Luật BHYT đã thật sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả cơ bản đã đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thực tế nảy sinh, do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Ngày 13-6-2014, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015). Theo đó, trong lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, học sinh, sinh viên với tỷ lệ khá ổn định chiếm khoảng 25% dân số cả nước, tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT.
Với mục tiêu đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân để mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT, đặc biệt là việc bảo đảm để thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, trên cơ sở Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29-11-2013 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28-6-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, theo đó, đến hết năm 2016, cả nước phấn đấu đạt 79% dân số tham gia BHYT (sáu tháng đầu năm đã đạt 78,2%, khoảng 72 triệu người); đến hết năm 2020, đạt 90% dân số tham gia BHYT, cao hơn 10% so với chỉ tiêu mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã đề ra. Riêng đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt: “Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của học sinh, sinh viên”. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ đối với việc thực hiện pháp luật BHYT nói chung và pháp luật BHYT đối với nhóm học sinh, sinh viên – thế hệ tương lai của đất nước nói riêng.
Hệ thống quy định pháp luật đầy đủ, chủ trương, định hướng của Đảng về BHYT là nhất quán, chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng rất rốt ráo và quyết liệt, tuy nhiên còn nhiều thách thức đặt ra đối với việc hoàn thành bao phủ BHYT đến 100% học sinh, sinh viên vào năm 2017, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cơ sở, các ngành chức năng, trong đó đặc biệt lưu ý vai trò của ngành Giáo dục – Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH và BHYT, cần phối hợp chặt chẽ trong tổ chức, triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động để học sinh, sinh viên nhận thức đúng ý nghĩa của BHYT vẫn là giải pháp quan trọng nhất, trong đó phải đặc biệt gắn quyền lợi và trách nhiệm thực hiện pháp luật của công dân đối với mỗi học sinh, sinh viên.
Thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên của chúng ta hôm nay là những người có trình độ, nhận thức nhanh nhạy, cầu thị, tiến bộ, nếu nhà trường và cơ quan BHXH, cơ quan y tế tổ chức đối thoại, trao đổi trực tiếp với các em để lắng nghe những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của các em, đồng thời tuyên truyền, vận động để các em nhận thức đầy đủ rằng, tham gia BHYT trước hết là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với chính bản thân của mỗi người và sau đó là trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng, xã hội. Lứa tuổi thanh niên, học sinh, sinh viên càng cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho mình, bởi có sức khỏe tốt thì mới có thể phát triển toàn diện về trí lực và thể chất, nhân cách. Ai cũng có thể có lúc bị ốm đau, bệnh tật, thậm chí tai nạn bất ngờ, không lường trước được, nếu không có sự chia sẻ, hỗ trợ từ quỹ BHYT thì gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh sẽ là rất lớn đối với nhiều gia đình. Tham gia BHYT chính là cơ chế “bảo đảm an toàn” cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xã hội khi gặp rủi ro về sức khỏe. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đã có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn… được quỹ BHYT chi trả từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi đợt điều trị, không ít trường hợp được thanh toán khoảng một tỷ đồng mỗi năm.
Cũng theo các báo cáo từ BHXH Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, kinh phí trích lại từ BHYT cho y tế học đường lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đang là nguồn kinh phí chủ yếu cho hoạt động của y tế nhà trường, góp phần quan trọng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên. Như vậy, hiểu đúng ý nghĩa của BHYT, tích cực thực hiện trách nhiệm tham gia BHYT, học sinh, sinh viên sẽ học được cách chia sẻ, đồng cảm với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe chung quanh chúng ta và có thể đó là bạn bè, anh em gần gũi với chúng ta, từ đó góp phần định hình nhân cách sống tốt đẹp của thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước – một thế hệ không chỉ biết sống có trách nhiệm với bản thân mình mà còn sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. (Nhân dân, trang 4).
Còn nhiều rào cản trong hiến tặng mô, tạng
Nhu cầu ghép mô, tạng hiện nay ở nước ta là rất lớn. Mỗi năm có thêm hàng nghìn người bệnh cần nguồn tạng ghép. Do thiếu nguồn mô, tạng, cho nên nhiều người đã qua đời trong thời gian chờ đợi. Nguồn tạng hiến khan hiếm là do có những “rào cản” từ vấn đề nhận thức, tâm linh đến chính sách pháp luật hiện hành.
Ngày 19-2 vừa qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia kết hợp với Ngân hàng Mắt Trung ương và Bệnh viện 19-8 đã tiếp nhận giác mạc hiến tặng của anh Hắc Ngọc Trung, SN 1990, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) khi anh Trung vừa qua đời. Trước đó, ngày 18-2, dù sức khỏe đã rất yếu, anh Trung vẫn ký vào đơn xin đăng ký hiến tặng mô, tạng do một người thân viết hộ theo tâm nguyện của anh rồi gửi theo đường bưu điện về Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Mặc dù đến ngày 22-2, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia mới nhận được đơn xin đăng ký hiến tạng của anh Hắc Ngọc Trung nhưng với sự đồng thuận của tất cả người thân trong gia đình, việc tiếp nhận giác mạc hiến tặng đã được tiến hành trước đó. Tuy nhiên, không phải trường hợp hiến tặng mô, tạng nào cũng thuận lợi như vậy.
GS, BS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, từng có trường hợp bị chết não do tai nạn lao động. Hầu hết những người thân trong gia đình nạn nhân đã đồng ý hiến tạng, chỉ còn duy nhất người anh trai không liên lạc được. Khi các thủ tục hiến, ghép tạng đang được tiến hành, những bệnh nhân ghép tạng phù hợp chuẩn bị lên bàn mổ thì anh trai nạn nhân bất ngờ xuất hiện và không đồng ý. Ca hiến, ghép tạng đành phải hủy bỏ, sau đó nạn nhân qua đời, còn người bệnh cần ghép tạng mất đi cơ hội sống. Thậm chí có trường hợp người em mắc bệnh hiểm nghèo, anh trai không may bị tai nạn giao thông dẫn đến tình trạng chết não, nhưng những người thân trong gia đình nhất định không cho lấy tạng của người anh thay cho người em. Cuối cùng, người anh ra đi và người em cũng mất luôn cơ hội được sống.
Trường hợp bé Nguyễn Hải An, 7 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thì “rào cản” lại đến từ văn bản pháp luật. Trước khi bé Hải An qua đời, mẹ của bé đã liên hệ với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia bày tỏ ý nguyện của bé là được hiến tặng tạng cho những bạn nhỏ khác đang chờ được ghép tạng. Thế nhưng, theo quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì chỉ những người đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự mới có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết. Chính vì vậy, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia không thể tiếp nhận tạng hiến tặng từ bé Hải An, mà chỉ có thể tiếp nhận giác mạc của bé sau khi bé qua đời.
Hiện nay, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Luật Bảo hiểm y tế chưa đề cập vấn đề chi phí xét nghiệm khám sàng lọc cho người hiến tặng mô, tạng khi còn sống. Theo quy định của ngành y tế, những trường hợp hiến tạng đều phải thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định có đủ điều kiện được hiến tạng hay không. Chi phí cho các xét nghiệm này có thể lên đến hàng chục triệu đồng và người hiến tạng phải tự thanh toán. Thời gian qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã tiếp nhận một số trường hợp tình nguyện hiến tạng cho người không quen biết như: Sư thầy Thích Đạo Cảnh ở chùa Diên Phúc, xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội); anh Phạm Văn Thọ, sinh năm 1977, ở xã Đức Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang); bác Lê Thị Thảo, sinh năm 1959 và chị Bùi Thị Hòa, sinh năm 1986 (con gái bác Thảo) cùng ở xã Trung Chính (Lương Tài, Bắc Ninh). Do chưa có quy định về việc thanh toán chi phí xét nghiệm khám sàng lọc cho người hiến tặng mô, tạng khi còn sống, cho nên bệnh viện cũng không có cơ sở để thanh toán. Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã phải tìm mọi cách, kể cả vận động và kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để chi trả kinh phí xét nghiệm cho những trường hợp này, bởi nếu không, họ sẽ phải tự chi trả. Đây cũng là một “rào cản” cho những người tình nguyện san sẻ một phần cơ thể mình để cứu giúp người khác.
Ths Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho rằng, sẽ là một thiệt thòi cho những người tình nguyện hiến tạng khi phải tự chi trả chi phí các xét nghiệm để xác định mình có đủ điều kiện được hiến tạng hay không. Người tình nguyện hiến một phần cơ thể để dành sự sống cho người khác thì rất xứng đáng được tôn vinh và chúng ta phải có trách nhiệm với họ. Vì vậy, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nên được sửa đổi đồng bộ với Luật Bảo hiểm y tế theo hướng bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ chi phí xét nghiệm đánh giá các chỉ số của người hiến tạng, nhằm bảo đảm quyền lợi cho họ.
Về trường hợp chưa đủ tuổi đăng ký hiến tạng, Ths Nguyễn Hoàng Phúc cũng cho rằng, nếu một người trước 18 tuổi không may bị chết não mà họ đã có nguyện vọng được hiến tạng và được gia đình xác nhận đồng ý cho hiến tạng thì luật pháp nên cho phép tiếp nhận tạng hiến. (Nhân dân, trang 4).
Hà Nội khuyến khích bệnh viện công đầu tư theo hình thức đối tác công-tư
Thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc rà soát, đề xuất nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm ngành y tế Hà Nội.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị rà soát nhu cầu đầu tư trang thiết bị y tế bằng hình thức xã hội hóa, đăng ký công khai nhu cầu về đầu tư.
Đồng thời, cần rà soát thực trạng về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các bệnh viện để đề xuất nhu cầu vay vốn từ quỹ đầu tư của thành phố đầu tư nâng cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu hoạt động khám chữa bệnh.
Sở Y tế Hà Nội khuyến khích các bệnh viện đăng ký đầu tư cơ sở vật chất theo mô hình Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và đề xuất nhu cầu hợp tác đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công-tư). (An ninh Thủ đô, trang 2).
Người dân hưởng lợi gì từ trí tuệ nhân tạo?
TP.HCM có ý tưởng và tiến tới đẩy mạnh hợp tác, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, an toàn trật tự…
Tiến sâu vào ngành y
Những năm gần đây, y tế là ngành ứng dụng AI trong điều trị những bệnh lý khó như ung thư, thần kinh… Tại TP.HCM, từ năm 2016 Bệnh viện (BV) Bình Dân triển khai ứng dụng robot mổ trên người lớn. Một năm sau, ngày 23.10.2017, BV Chợ Rẫy tiếp tục ứng dụng robot. Robot phẫu thuật tại BV Bình Dân và BV Chợ Rẫy là hệ thống robot Da Vinci do Mỹ sản xuất, có 4 cánh tay, quay 540 độ và di chuyển tự do ở 6 góc độ, vận động tinh vi, nhờ đó có khả năng phẫu thuật ở những vị trí hẹp, sâu và khó tiếp cận, điều mà bàn tay bác sĩ khó thực hiện được.
Trung tâm tích hợp camera của TP.HCM ngoài chức năng hỗ trợ điều tiết giao thông, còn có thể xử lý nâng cao tính năng nhận dạng khuôn mặt, hành vi người đi đường, phân tích biển số xe…
Đến năm 2018, BV Ung bướu TP.HCM ứng dụng phần mềm AI trong tư vấn và hỗ trợ bác sĩ trong lựa chọn phác đồ điều trị bệnh ung thư. AI dựa trên nền tảng “Bigdata”, cụ thể là dựa trên 1,5 triệu bệnh án, hệ thống cập nhật dữ liệu theo thời gian 1 tháng/lần. Điều này sẽ giúp cho việc điều trị chính xác, khách quan, không lạc hậu.
Ngày 15.2 vừa qua, BV Nhân dân 115 TP.HCM thực hiện thành công ca phẫu thuật u não bằng robot thần kinh Modus V Synaptive do Canada sản xuất, và là đơn vị đầu tiên ở châu Á ứng dụng loại robot này trong phẫu thuật thần kinh. Thay vì nhìn vào kính hiển vi thao tác trên bệnh nhân, giờ đây các bác sĩ chỉ nhìn vào màn hình để bóc tách khi phẫu thuật. Phần mềm AI trong robot có thể phân biệt được các bó dẫn truyền (cảm giác, ngôn ngữ, thị giác…) của thần kinh ở trong não người bệnh, từ đó giải thích, mô tả được triệu chứng tổn thương trước mổ hoặc gợi ý đường vào tốt nhất để tránh gây tổn thương các bó truyền dẫn cho bệnh nhân.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, xu thế tại TP là phải áp dụng AI trong y tế. Sở Y tế đã yêu cầu các BV lấy nguyên lý AI làm nên những ứng dụng nhỏ trước. Như tại BV Nhi đồng 1, bác sĩ chẩn đoán bệnh, kê toa thì phần mềm tự động báo trước đó đã có bao nhiêu phần trăm bác sĩ cho toa như vậy. Nếu tỷ lệ cho thấp thì phải xem lại… “Ngành y tế TP rất mong ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, phối hợp xây dựng nên phần mềm AI ứng dụng trong y tế của VN”, ông Thượng nói.
Nhiều lợi ích cho dân sinh, quản lý
Từng tham gia nhiều dự án liên quan đến AI trong và ngoài nước, TS Ngô Tấn Vũ Khanh, giảng viên môn AI ở Khoa Công nghệ thông tin (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) kể về câu chuyện một nhóm chuyên gia AI xây dựng hệ thống camera giám sát cho hệ thống cửa hàng trái cây, rau củ quả ở TP.HCM. Theo đó, khi rau quả bị thối hay hư hỏng, hệ thống camera sẽ “nhận diện” và báo về cho người chủ cửa hàng để có phương án thay thế. Camera cũng giúp nhân viên chuyên tâm vào việc bán hàng, phát triển hệ thống, thay vì vất vả trong khâu kiểm tra, giám sát chất lượng hàng.
TS Ngô Quốc Hưng, Trưởng nhóm nghiên cứu về AI (Công ty Ainovation), nhận định AI là một công cụ bổ trợ về mặt trí tuệ vô cùng hiệu quả cho con người: AI có thể hiểu được ngôn ngữ, chữ viết, âm thanh, hình ảnh, sắc thái… cộng với khả năng siêu tính toán và làm việc mọi lúc, mọi nơi. “Nếu áp dụng, cả chính quyền và người dân đều được hưởng lợi từ AI. Bởi AI tạo ra minh bạch, văn minh, hiệu quả từ tự động hóa, đặc biệt loại bỏ yếu tố con người lạm quyền, nhũng nhiễu”, ông Hưng nói.
GS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cấp cao về toán, chuyên gia hơn 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về AI và khoa học dữ liệu, đưa ra những lợi ích khi TP.HCM ứng dụng AI. Theo đó, trong dịch vụ hành chính công, công cụ AI giống như trợ lý ảo hỗ trợ người dùng các dịch vụ công (hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ hoàn thiện các mẫu đơn trực tuyến hay tại bộ phận hành chính một cửa…). Thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về người dùng dịch vụ công trực tiếp và trực tuyến; khai thác phân tích dữ liệu; cá nhân hóa các dịch vụ và hành chính công cho người dân.
Trong giao thông, ứng dụng AI thông qua giải pháp dữ liệu camera và giám sát hành trình GPS giúp tính được mật độ, tốc độ, lưu lượng, từ đó mô phỏng dữ liệu đưa ra bản đồ số giao thông với các kịch bản tự động điều tiết giao thông; nhận dạng mặt người, biển số xe…, chuyển phạt nóng qua phạt nguội, giảm tai nạn giao thông.
Trong y tế, AI giúp xây dựng hạ tầng số y tế, triển khai bệnh án điện tử tại BV; kết nối bệnh án điện tử giữa các BV để tạo cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử; rút ngắn thời gian, thủ tục khám chữa bệnh.
Cần thu hút nhân tài
Về việc ứng dụng AI ở TP.HCM, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông (TT-TT), cho hay TP đang thực hiện 7 chương trình đột phá liên quan đến giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, cải cách hành chính… Do đó cần phải nhanh chóng ứng dụng AI trong những lĩnh vực này để đẩy nhanh 7 chương trình đột phá. Về lĩnh vực áp dụng AI do Sở TT-TT đảm trách, ông Cường cho biết khi triển khai trung tâm tích hợp camera của TP, ngoài chức năng điều tiết giao thông, camera sẽ có khả năng xử lý nâng cao khuôn mặt, phân tích hành vi của người đi đường, biển số xe… gửi về trung tâm.
“Ngoài ra, về cải cách hành chính, Sở xây dựng cổng giao tiếp với người dân qua hệ thống 1022 sẽ có ứng dụng AI để có thể tự động tiếp nhận, phân loại và trả lời thông tin cho người dân phản ánh. Nếu chúng ta càng triển khai nhiều ứng dụng AI mang lại hiệu quả sẽ càng thu hút đông người dùng”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, mới đây TP.HCM công bố triển khai 4 trung tâm thuộc Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Bốn trung tâm gồm: Kho dữ liệu dùng chung và triển khai hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội; Trung tâm an toàn thông tin. Đây cũng là bước để dần triển khai ứng dụng AI ở TP.HCM nhiều hơn, đem lại nhiều tiện ích về quản lý cũng như lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Tại hội thảo về nghiên cứu, ứng dụng AI ở TP.HCM giai đoạn 2019 – 2025 diễn ra ngày 20.3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP.HCM có điều kiện về nguồn nhân lực, quy mô kinh tế để cùng cả nước hình thành một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng về AI. TP đã hình thành bước đầu các cơ sở nghiên cứu về AI.
Theo PGS-TS Thoại Nam, Khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), vấn đề quan trọng trong việc ứng dụng AI là xây dựng đội ngũ tạo ra những giá trị mà AI đem lại. Trong cuộc đua này, TP.HCM cần có những người giỏi để phát triển nền tảng AI từ đây đến giai đoạn 2025. Đó cũng chính là thách thức mà TP.HCM sẽ phải đối mặt, bởi hiện tại việc tìm kiếm người giỏi trong AI không dễ dàng. Do đó ngay từ bây giờ TP.HCM cần có những chương trình, phòng thí nghiệm tạo điều kiện cho những startup (khởi nghiệp) vào cuộc liên quan đến lĩnh vực AI. (Thanh niên, trang 1).
Chuyên gia y tế lên tiếng về thông tin “cúng vong chữa khỏi bách bệnh”
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng trên thực tế đã có những bệnh nhân vì tin lễ lạt, mê tín dị đoan, cúng bái mà bỏ lỡ mất cơ hội điều trị bệnh…
Những ngày qua, phóng sự phản ánh chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) tuyên truyền về cái được gọi là thỉnh pháp “oan gia trái chủ” đang gây xôn xao dư luận. Theo lý giải của ngôi chùa này, mọi bệnh tật, xui xẻo trong cuộc sống đều do oan hồn gây ra. Muốn hết, muốn khỏi phải cúng vong, phải cúng dường, phải công đức…
Mới nhất, trong buổi pháp thoại chiều 21/3, trụ trì chùa Ba Vàng cũng đã mời rất nhiều bệnh nhân lên chia sẻ về quá trình bệnh tật của mình, không ít người tin rằng mình đã khỏi bệnh sau khi thỉnh “oan gia trái chủ”.
Theo đó, thông qua cái gọi là thỉnh pháp “oan gia trái chủ”, có thể chữa khỏi nhiều loại bệnh tật từ mãn tính đến nan y như ung thư, viêm họng, đau lưng, dị ứng… Ví như đau xương khớp do 4 kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng.
Bị ung thư vú, 42 kiếp trước không chăm sóc em gái, lại làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này, vong về oán cho phải bệnh. Muốn khỏi, phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng…
Kiểu chữa bệnh rất phản khoa học này đã được “người nhà chùa” Ba Vàng rao giảng, tuyên truyền cho rất nhiều người dân.
Trước những thông tin trên, nhiều chuyên gia y tế đã cho rằng trên thực tế đã có những bệnh nhân vì tin lễ lạt, mê tín dị đoan, cúng bái mà bỏ lỡ mất cơ hội điều trị bệnh .
PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K cho rằng không thể chấp nhận việc tuyên truyền cúng bái, lễ lạt có thể khỏi bệnh.
Theo Phó giám đốc Bệnh viện K, đúng là mỗi người có bệnh phải đều “vái tứ phương” thật nhưng cũng phải có căn cứ khoa học. Nếu cúng lễ mà khỏi bệnh thì không còn ai đến đến bệnh viện thăm khám và điều trị
“Tại Bệnh viện K cũng đã gặp không ít các trường hợp bị ung thư, đang điều trị nhưng rồi bỏ ngang đề về nhà cúng bái, điều trị thuốc nam. Đến khi bệnh trở nặng, quay lại đã quá muộn, lúc đó bác sĩ chỉ có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng”- PGS.TS Lê Văn Quảng kể.
PGS.TS Lê Văn Quảng nhấn mạnh: Với bệnh ung thư, cần điều trị theo đúng phác đồ với các phương pháp khoa học đã được chứng minh như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, điều trị nhắm trúng đích…
Trước thông tin một số bệnh nhân ung thư cho rằng mình đã khỏi bệnh sau khi thỉnh “oan gia trái chủ”, Phó giám đốc Bệnh viện K cho rằng thông tin này cần xem xét kĩ càng, kiểm tra lại xem bệnh nhân chẩn đoán ung thư ở đâu?.
GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K – Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho rằng, bệnh được lý giải từ chuyện “kiếp trước” là duy tâm và khẳng định chữa bệnh theo như thỉnh pháp là phản khoa học, bởi thỉnh vong không những không chữa được bệnh mà còn có nguy cơ khiến những người mắc bệnh bỏ qua giai đoạn sớm mà nhẽ ra y học, khoa học có thể chữa được.
Nhất là với bệnh nhân ung thư, phương pháp này đẩy người bệnh đến giai đoạn muộn màng, tước đi cơ hội may mắn để có thể chữa bệnh. Như vậy là lừa gạt, mang tính chất trục lợi trên niềm tin và cơ thể của người bệnh
Tại BV Tâm thần TƯ, PGS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV cũng cho biết, tại đây từng tiếp nhận trở lại rất nhiều bệnh nhân bị tâm thần, đang điều trị rồi bỏ giữa chừng về cúng bái, làm lễ. Khi quay lại bệnh viện thì bệnh nhân đều nặng hơn. Trên thực tế cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân đến viện nói thường xuyên bị “ma nhập”, bị “điều khiển” nhưng sau đó nhờ phác đồ điều trị khoa học, bệnh nhân đã khoẻ mạnh trở lại. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Y tế tiếp tục đổi mới, minh bạch, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Tại cuộc họp giao ban khối y tế diễn ra cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Y tế tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm đủ vắc-xin, không được chủ quan để xảy ra dịch bệnh như sởi, sốt xuất huyết…
Đồng thời, ngành y tế tiếp tục tinh thần đổi mới, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm môi trường y tế, BV sạch sẽ, an toàn, văn hóa… đem lại sự hài lòng nhất cho người bệnh.
Nâng cao chất lượng dịch vụ để giảm người Việt Nam đi nước ngoài chữa bệnh
Tại cuộc họp, nói về sự phối hợp với Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, các hội chuyên ngành, cấp hội địa phương trực thuộc Tổng hội đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông về sức khỏe; tư vấn, góp ý, phản biện một số văn bản chính sách, pháp luật; tham gia đánh giá chất lượng hơn 40 BV; tổ chức các hội nghị khoa học, tập huấn về y đức, y nghiệp cho gần 4.000 người…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ thêm về một số vấn đề của ngành hiện nay như giải pháp để giảm quá tải BV một cách bền vững thông qua đầu tư mạnh hơn y tế tuyến dưới để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa các bệnh thông thường cho người dân. Các BV tuyến trên tập trung phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc sức khỏe toàn diện để giảm người Việt Nam đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài.
“Khó khăn nhất của Bộ Y tế hiện nay là ứng dụng công nghệ thông tin, đây là lĩnh vực Bộ sẽ đẩy mạnh để hoàn thành kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, BV, lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân…” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Trước hết, trong lĩnh vực y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế phải có văn bản gửi Giám đốc các Sở Y tế địa phương tham mưu HĐND, UBND dành đủ ngân sách cho y tế dự phòng theo đúng nghị quyết của Quốc hội, ban hành gấp danh mục các dịch vụ y tế dự phòng.
Về y tế cơ sở, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh lập hồ sơ sức khỏe điện tử, tăng giá dịch vụ y tế cơ sở, chất lượng tủ thuốc, nhất là thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm. Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh tăng cường y tế cơ sở, phát triển BV vệ tinh để giảm quá tải, Bộ Y tế cần nhân rộng mô hình hẹn giờ khám, đặc biệt đẩy mạnh liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV. “Làm sao có cơ chế để các BV lớn có các khoa, trung tâm khám sức khỏe riêng”, Phó Thủ tướng gợi ý thêm.
Đánh giá cao kết quả thu được từ việc đấu thầu tập trung quốc gia giúp giảm giá thuốc, Phó Thủ tướng cho rằng cần đổi mới hơn nữa, khắc phục hạn chế, để đến năm 2020 giá thuốc của Việt Nam thấp bằng Malaysia, nước có giá thuốc thấp nhất ASEAN. Kiên quyết thực hiện việc liên thông các nhà thuốc, từ đó củng cố một bước chất lượng bảo quản, phân phối thuốc, góp phần thực hiện Đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn phấn đấu đến năm 2020, 100% thuốc kháng sinh phải bán theo đơn.
Cần có cơ chế tháo gỡ để các BV lớn tham gia đào tạo nhân lực y tế
Phó Thủ tướng cũng nhắc Bộ Y tế, trong triển khai các dự án xây dựng cơ sở vật chất, phải chỉ đạo các BV lớn, trong đó có cơ sở 2 của BV Bạch Mai, Việt Đức tại Hà Nam, khẩn trương đưa vào sử dụng bảo đảm chất lượng tốt. Đây là hai dự án được tạo điều kiện rất thuận lợi về vốn, đất, hoàn toàn được giao cho Bộ Y tế thực hiện. Gắn với đó xây dựng cơ chế để hai BV này có quyền tự chủ để khai thác tốt cơ sở vật chất được đầu tư…
Liên quan đến đào tạo nhân lực y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị nghị định đào tạo nhân lực y tế ngay sau Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019. Trong đó, thay đổi căn bản là việc đào tạo ngành y được chia làm hai giai đoạn: Cử nhân y khoa 4 năm, bác sĩ thêm 2 năm và 18 tháng thực hành bắt buộc. Chương trình dạy trong các trường y cũng phải đổi mới ngay nếu không sẽ bị chậm.
Ngoài các trường đại học, viện nghiên cứu, Bộ Y tế cần có cơ chế tháo gỡ cho BV lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy… tham gia đào tạo bác sĩ.
Trong ứng dụng công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chủ động triển khai, “khó đâu gỡ đấy”, đồng thời Bộ Y tế tích cực tham gia vào đề án Hệ tri thức Việt số hóa với mô-đun về y tế trong đó có phân hệ phổ biến kiến thức y học cho người dân, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Qua sự phối hợp của Bộ Y tế với Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội LHPN trong công tác bảo đảm VSATTP, Phó Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hệ thống thông tin báo cáo về VSATTP, vừa cải cách hành chính, vừa phân tích, quản lý rủi ro kịp thời… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).