Điểm báo ngày 25/8/2020

(CDC Hà Nam)
Bộ Y tế ra mắt MV ”Vững tin Việt Nam” tuyên truyền chống dịch Covid-19; Ðà Nẵng thiết lập, phong tỏa nhiều khu vực phòng, chống dịch Covid-19; Bệnh nhân “đi cấp cứu cùng rắn hổ mang chúa” được làm thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí…

Tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19

Chiều 24-8, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống Covid-19 họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban chỉ đạo.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá tình hình dịch Covid-19 tại Ðà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương… đã được kiểm soát. Qua đợt chống dịch, Bộ Y tế sẽ tổng hợp kinh nghiệm để tổ chức tập huấn cho các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương ban hành “Sổ tay hướng dẫn chung sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh”; Bộ Y tế phối hợp Bộ Giáo dục và Ðào tạo sớm ban hành “Sổ tay phòng, chống dịch trong trường học”.

Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống máy móc, dự án nghiên cứu sản xuất sinh phẩm, thúc đẩy để chủ động mức cao nhất việc xét nghiệm Covid-19 trên tinh thần tiết kiệm. Bộ Y tế có phương án để các địa phương cùng phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm, chi viện lẫn nhau nhằm tiết kiệm nguồn lực chung của toàn xã hội. Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trên thế giới; phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy các dự án nghiên cứu vắc-xin ở Việt Nam…

Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đề nghị, để chung sống an toàn với dịch Covid-19, các cơ quan truyền thông, tổ chức đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 như: Hạn chế đi ra ngoài; thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc trên các phương tiện công cộng, nơi đông người…; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn…; không lơ là, chủ quan trước diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Ðáng chú ý, tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, qua báo cáo, kiểm tra, Bộ Công an phát hiện có một số địa phương chưa thực hiện đúng quy trình xin đăng ký cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà đầu tư… vào Việt Nam; còn xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, đưa đối tượng không đúng quy định nhập cảnh vào Việt Nam. Hiện Bộ Công an tiếp tục tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

★ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày 24-8, có thêm sáu người bệnh (người bệnh thứ 1.017 đến 1.022) mắc Covid-19, trong đó Ðà Nẵng bốn người; Hải Dương hai người. Ðáng chú ý, người bệnh thứ 1.019, nữ, 37 tuổi, địa chỉ Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, Ðà Nẵng, là nhân viên y tế Bệnh viện Ðà Nẵng (tăng cường cho Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng từ ngày 6-8 đến nay, đã được cách ly tại khách sạn từ ngày 5-8). Cùng ngày, có thêm 20 người bệnh điều trị tại Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng (ba người), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (sáu người), Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TP Hồ Chí Minh (một người), Trung tâm Y tế Hòa Vang, TP Ðà Nẵng (10 người) được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này có 588 trong tổng số 1.022 người bệnh Covid-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.

★ Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến 15 giờ ngày 24-8, Việt Nam đã thực hiện được tổng cộng 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR. Ðáng chú ý, trong vòng một tháng qua, công suất xét nghiệm đã tăng gấp năm đến sáu lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3 và 4-2020. Trong vòng một tháng qua (từ ngày 24-7 đến 24-8) các đơn vị đã thực hiện xét nghiệm 485.215 mẫu (16.173 mẫu/ngày). Hiện cả nước có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19.

★ Chiều 24-8, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị các cấp, các ngành cần quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ kép, trong đó công tác phòng, chống dịch phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Ngành y tế tiếp tục tăng cường thực hiện truy vết để không để sót trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Các sở, ban, ngành phải giữ vững kết quả phòng, chống dịch, chú ý không để dịch bệnh lây lan tại khu vực đông người như bệnh viện, nơi thờ tự, siêu thị, chợ truyền thống… Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị người đứng đầu các quận, huyện, ban, ngành phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để dịch bệnh lây lan trên địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách; khẩn trương có kế hoạch phòng chống, dịch trong ngày lễ 2-9. Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) có phương án tổ chức ngày khai giảng năm học mới an toàn cho học sinh… Sở Kế hoạch và Ðầu tư sớm có đánh giá hiệu quả gói hỗ trợ doanh nghiệp lần thứ nhất, qua đó có kế hoạch để triển khai gói hỗ trợ thứ hai trong thời gian tới.

★ Ngày 24-8, Sở GD và ÐT Ðà Nẵng cho biết, dự kiến ngày 1- 9, sẽ tiến hành xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 cho toàn bộ thí sinh và lực lượng phục vụ công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn. Việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ được tổ chức ngay tại các điểm thi. Dự kiến, cuối ngày 1-9 hoặc đầu giờ sáng 2-9 sẽ có kết quả xét nghiệm. Những thí sinh có kết quả dương tính sẽ phải cách ly điều trị và đặc cách xét tốt nghiệp THPT. Những thí sinh có kết quả âm tính sẽ tham gia dự thi và tuân thủ các biện pháp, quy định phòng dịch. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Ðà Nẵng có gần 11.000 thí sinh tham gia thi tại 24 điểm thi chính thức. Ngoài ra, có một điểm thi dự phòng dành cho các thí sinh thuộc diện F1 đang bị cách ly tập trung và thí sinh sinh sống ở các khu vực phong tỏa y tế. Các giáo viên thuộc diện F2 sẽ không được cử đi tham gia coi thi.

★ UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành văn bản hỏa tốc về việc thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép hoạt động trở lại bình thường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà-phê; các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, tắm biển, bể bơi; vận chuyển hành khách nội tỉnh, liên tỉnh; vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu… Các hoạt động nêu trên phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

★ UBND tỉnh Ðồng Nai ban hành văn bản về việc tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, cho phép hoạt động tôn giáo, giáo dục, thể dục thể thao, sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ… trở lại bình thường, nhưng phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống Covid-19. Riêng đối với các dịch vụ vũ trường, quán bar, ka-ra-ô-kê vẫn tiếp tục đóng cửa. Lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị địa phương và người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như: Hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài công cộng, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc…

★ UBND thành phố Phủ Lý công bố Quyết định của UBND tỉnh Hà Nam về kết thúc cách ly y tế đối với cụm dân cư thuộc tổ dân phố Ðình Tràng, phường Lam Hạ. Trước đó, tổ dân phố Ðình Tràng bị phong tỏa, cách ly từ chiều 3-8, ngay sau khi Bộ Y tế công bố người bệnh thứ 620 dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Trong thời gian cách ly y tế, 235 hộ dân với 725 nhân khẩu đều thực hiện nghiêm hướng dẫn của cơ quan chức năng trong việc phòng, chống dịch Covid-19.

★ UBND thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) cho biết, các đơn vị chức năng đã rà soát, phát hiện và lập biên bản xử phạt hành chính đối với ông Trần Ðình Vịnh, Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt nhân thọ Hải Dương và vợ là Nguyễn Quỳnh Phương, Trưởng phòng kinh doanh 1 của Công ty Bảo Việt Nhân thọ Hải Dương do có hành vi không khai báo y tế khi đã từng tham gia ăn uống tại ổ dịch 36, phố Ngô Quyền, TP Hải Dương. Ông Vịnh và bà Phương đã bị cơ quan chức năng xử phạt mỗi người 300 nghìn đồng. (Nhân dân, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Tiếp tục chung sống, chiến đấu trường kỳ với dịch Covid-19”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Đẩy mạnh tuyên truyền để chung sống an toàn với dịch Covid-19”; Công an Nhân dân, trang 4: “Không lơ là, chủ quan trước diễn biến dịch bệnh”.

 

Ðà Nẵng thiết lập, phong tỏa nhiều khu vực phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 24-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Ðà Nẵng ban hành quyết định việc thiết lập vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 đối với các khu vực trên địa bàn quận Thanh Khê. Theo đó, có 10 khu vực cách ly y tế được thiết lập. Thời gian thiết lập bắt đầu lúc 18 giờ ngày 22-8, trong vòng ít nhất 14 ngày kể từ ngày lấy mẫu của ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 cuối cùng của vùng cách ly y tế và có thể gia hạn thêm.

Chiều cùng ngày, Sở Công thương TP Ðà Nẵng ban hành văn bản về việc tiếp tục thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trên địa bàn thành phố. Theo đó, yêu cầu UBND quận, huyện tiếp tục chủ trì thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân cho đến khi có thông báo mới. Lưu ý phát đầy đủ thẻ vào chợ cho các hộ gia đình; học sinh, sinh viên, người lao động thuê nhà trên địa bàn TP Ðà Nẵng. (Nhân dân, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 4: “Kiểm soát chặt chẽ các chợ, không để dịch bệnh lây lan”; Tuổi trẻ, trang 5: “Đà Nẵng phát phiếu đi chợ thêm 15 ngày”.

 

Phát hiện điểm tái chế hàng triệu đồ bảo hộ y tế đã qua sử dụng

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra khu nhà ở công nhân tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, phát hiện nhiều công nhân đang phân loại, tái chế hàng triệu đôi găng tay, đồ bảo hộ y tế đã qua sử dụng, chưa rõ nguồn gốc.

Chiều 24-8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra khu nhà ở công nhân tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, phát hiện nhiều công nhân đang phân loại, tái chế hàng triệu đôi găng tay, đồ bảo hộ y tế đã qua sử dụng, chưa rõ nguồn gốc.

Chủ lô hàng không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh, đồng thời cho biết đã thuê địa điểm trên từ tháng 6- 2020 để làm kho cất giữ, phân loại các loại găng tay, đồ bảo hộ y tế đã qua sử dụng để xuất bán cho các đối tác. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Bệnh nhân “đi cấp cứu cùng rắn hổ mang chúa” được làm thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí

Ngày 24-8, được biết thông tin về hoàn cảnh của anh Phan Văn Tâm (38 tuổi, tỉnh Tây Ninh) – người bị rắn cắn cấp cứu tại bệnh viện vào ngày 19-8, một mạnh thường quân phối hợp với Phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên hệ với Bảo hiểm xã hội tỉnh Tây Ninh làm gấp thẻ Bảo hiểm y tế cho anh Tâm với mục đích làm giảm bớt gánh nặng viện phí cho anh Tâm và gia đình.

Hiện thẻ Bảo hiểm y tế đã được in xong trong chiều 24-8 và sẽ được trao cho anh Tâm sớm nhất. Đại diện mạnh thường quân cho biết, do anh Tâm đang ở tạm trú, gia đình chưa từng tham gia Bảo hiểm y tế nên chọ đã nhờ người quen ứng tiền và mở thẻ cho cả hai vợ chồng.

Thông tin về tình hình sức khỏe bệnh nhân Phan Văn Tâm, sáng 24-8, TS-BS chuyên khoa 2 Phan Thị Xuân – Trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, hiện bệnh nhân đang được lọc máu chậm liên tục, thở máy và duy trì an thần, tình trạng huyết độc ổn định, men tim đang có xu hướng giảm nhưng tình trạng hoại tử vết thương còn nhiều.

Bệnh nhân đã khá hơn, vẫn thở máy nhưng trao đổi oxy ở phổi cải thiện, không cần sử dụng vận mạch, tình trạng nhiễm độc giảm.

Trước đó, như Báo SGGP Online đã thông tin, sáng 19-8, con trai anh Tâm nhìn thấy một con rắn lớn trong vườn mãng cầu của gia đình nên hô hoán. Anh Tâm đã dùng tay chụp lấy và bị con rắn cắn trúng vào đùi phải. Dù bị cắn nhưng anh Tâm chụp được đầu rắn, đồng thời thông báo với người nhà.

Ngay lập tức, người nhà dùng dây thun buộc phần đùi của anh Tâm lại để tránh độc phát tán và chở anh đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh trong tình trạng tỉnh táo, chỉ hơi khó thở, trong khi con rắn dài 2,5m vẫn cuốn vào phần tay và cổ.

Tại bệnh viện, sau khi lấy con rắn ra khỏi tay bệnh nhân, các bác sĩ rửa vết thương, băng ép cố định chân, truyền giảm đau và kháng sinh cần thiết. Tuy nhiên sau 30 phút, anh Tâm có các biểu hiện gồng người tím tái, khó thở… nên các bác sĩ đặt nội khí quản, cho thở máy và làm thủ tục chuyển viện xuống Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.

Tại đây, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị vết thương ở đùi, liệt tứ chi, đồng tử giãn, mất phản xạ. Con rắn cắn nạn nhân được chuyển xuống bệnh viện cùng bệnh nhân trong tình trạng buộc chặt miệng và chết sau đó.

Xác định bệnh nhân có biến chứng nhiễm độc thần kinh nặng do rắn hổ chúa cắn nên các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển lên khoa bệnh nhiệt đới để điều trị. Bệnh nhân được cho sử dụng 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Thêm 6 bệnh nhân Covid-19, nhiều bệnh nhân nguy kịch

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo), tới 18 giờ ngày 24.8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 6 bệnh nhân Covid-19, đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng và Hải Dương.

Trong 6 bệnh nhân Covid-19 (bệnh nhân 1017 – 1022), có 4 bệnh nhân tại Đà Nẵng và 2 bệnh nhân tại Hải Dương.

Cụ thể, bệnh nhân 1017 là nữ, 68 tuổi, có địa chỉ tại Mỹ An (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), là người đi chợ, được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ngày 23.8 tại chợ Hà Thân (P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng).

Bệnh nhân 1018 là nam, 57 tuổi, có địa chỉ tại Hải Châu 2 (Q.Hải Châu, Đà Nẵng), nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng.

Bệnh nhân 1019 là nữ, 37 tuổi, có địa chỉ tại Hòa Khánh Bắc (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng.

Bệnh nhân 1020 là nam, 26 tuổi, có địa chỉ tại Hòa Khánh Bắc (H.Hòa Vang, Đà Nẵng), là người tiếp xúc với bệnh nhân 996.

Bệnh nhân 1021 là nam, 8 tuổi, có địa chỉ tại Liên Hồng (TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương), là con của bệnh nhân 1016.

Bệnh nhân 1022 là nữ, 63 tuổi, có địa chỉ tại Liên Hồng (TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương), là mẹ đẻ và ở cùng với con trai là bệnh nhân 1016.

Tới hiện tại, Việt Nam có 1022 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 680 ca lây nhiễm trong nước. Số ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25.7 đến nay là 540 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 70.620 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 1.992 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 18.776 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 59.852 người.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị thuộc Ban Chỉ đạo, trong ngày hôm nay, 24.8, có thêm 20 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Trong đó, 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (807, 915, 922); 6 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 tại H.Đông Anh, Hà Nội (các bệnh nhân 536, 537, 544, 673, 677, 785); 1 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TP.HCM (bệnh nhân 847); 10 bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Hòa Vang, TP.Đà Nẵng (các bệnh nhân 501, 570, 607, 652, 654, 708, 709, 741, 845, 918).

Ngoài ra, hiện tại, số bệnh nhân có kết quả âm tính 1 lần với virus SARS-CoV-2 là 52 người, 2 lần là 54 người, 3 lần là 40 người. Tổng số bệnh nhân được chữa khỏi tới thời điểm hiện tại là 588 người.

Theo BCĐ, trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế Đà Nẵng, có 155 trường hợp không có biểu hiện lâm sàng, 34 trường hợp biểu hiện nhẹ, 38 trường hợp nặng, rất nặng, nguy kịch (16,4%)

Thực hiện hơn 1 triệu xét nghiệm xác định Covid-19

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tính từ khi dịch Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam, đến chiều nay, 24.8, cả nước đã thực hiện được tổng cộng 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR.

Riêng trong ngày 24.8 đã thực hiện 11.698 mẫu. Trong vòng 1 tháng qua, công suất xét nghiệm đã tăng gấp 5 – 6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3 – tháng 4. Số lượng xét nghiệm trong gần 1 tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu.

Hiện, toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19 (công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày).

Theo PGS – TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Hà Nội), xét nghiệm Realtime RT-PCR là phương xác định sự hiện diện của virus trong mẫu bệnh phẩm thông qua vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2, kết quả Realtime RT-PCR xác định người đang nhiễm bệnh, đáp ứng được yêu cầu phát hiện sớm, nhằm cách ly và điều trị cũng như kịp thời có các biện pháp phòng dịch thích hợp. (Thanh niên, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 15: “Hải Dương xuất hiện ổ dịch mới”; An ninh Thủ đô, trang 4: “Thêm 6 ca mắc mới, Việt Nam có 1.022 người nhiễm Covid-19”; An ninh Thủ đô, trang 4: “Cả nước còn 16 bệnh nhân Covid-19 rất nặng”.

 

Sai lầm trong điều trị sốt xuất huyết

Từ đầu năm 2020 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết (SXH) phải nhập viện, trong đó một số trường hợp bị nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Điển hình có 1 ca SXH (27 tuổi, ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Ngày 16/8, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, 39 – 40 độ, đau mỏi người, không ho, không khó thở. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ là đi công tác Đà Nẵng từ ngày 30/7 đến 7/8 nên ban đầu cả bệnh nhân và bác sĩ đều nghĩ ngay đến COVID-19. Tuy nhiên khi làm xét nghiệm RT-PCR đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Trong khi đó, xét nghiệm công thức máu và test SXH dương tính. Bệnh nhân được kết luận mắc SXH, điều trị theo phác đồ SXH. Sau 4 ngày bệnh nhân đã ổn định.

Đặc biệt, cách đây 1 tuần, khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận 1 ca SXH (17 tuổi), bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc SXH nhưng không vào viện điều trị. Khi đưa đến khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút; được cấp cứu, ép tim và tim bệnh nhân đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2. Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.

Những sai lầm đáng tiếc

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, đây là hai sai lầm đáng tiếc mà người dân và nhân viên y tế dễ mắc phải trong việc chẩn đoán và điều trị SXH khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Chuyên gia khuyến cáo, triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu… Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Theo bác sĩ Cường, SXH và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: sốt, đau đầu, đau mỏi người. SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc COVID-19, ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc COVID-19 còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Theo chuyên gia y tế, triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng… Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà. (Tiền phong, trang 14).

Cùng chủ đề Báo sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Không chủ quan với sốt xuất huyết”; Lao động, trang 8: “Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà: Cần chú ý từng dấu hiệu nhỏ”.

 

Ứng phó đại dịch covid-19 giai đoạn 2: Xét nghiệm COVID-19 trên tinh thần tiết kiệm

Ngày 24/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các thành viên thống nhất, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương… đã được kiểm soát.

Đồng thời yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống máy móc, dự án nghiên cứu sản xuất sinh phẩm để chủ động mức cao nhất việc xét nghiệm COVID-19 trên tinh thần “xét nghiệm tiết kiệm”.

Chi viện lẫn nhau

Qua đợt chống dịch, Bộ Y tế sẽ tổng hợp kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 để tổ chức tập huấn cho các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành “Sổ tay hướng dẫn chung sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh”. Đặc biệt, Bộ Y tế phối hợp Bộ GD&ĐT sớm ban hành “Sổ tay phòng, chống dịch trong trường học”. Ngoài ra Bộ Y tế có phương án để các địa phương cùng phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm, chi viện lẫn nhau nhằm tiết kiệm nguồn lực chung của toàn xã hội. Bên cạnh đó, các chuyên gia đề nghị ngành y tế tiếp tục theo dõi sát việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trên toàn thế giới; đồng thời cùng Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy các dự án nghiên cứu vắc-xin ở Việt Nam để sớm có vắc-xin chống COVID-19 an toàn.

Tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, qua báo cáo, kiểm tra, Bộ Công an phát hiện có một số địa phương chưa thực hiện chưa đúng quy trình xin đăng ký cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà đầu tư… vào Việt Nam; còn xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, đưa đối tượng không đúng quy định nhập cảnh vào Việt Nam.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, để chung sống an toàn với dịch bệnh, các cơ quan truyền thông, tổ chức đoàn thể tiếp tục tuyên truyền người dân tuân thủ các quy định đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cơ bản như: hạn chế đi ra ngoài; thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc trên các phương tiện công cộng, nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn, không lơ là, chủ quan trước diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Việt Nam cán mốc 1 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, số ca mắc đang giảm dần trong những ngày gần đây với 4 buổi sáng liên tiếp không ghi nhận ca COVID-19 mới và buổi chiều ghi nhận khoảng 2-6 ca mắc mới. Đà Nẵng là địa phương có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất cả nước, tiếp theo là tỉnh Quảng Nam.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tính từ khi bùng nổ dịch COVID-19 đến 15h ngày 24/8, Việt Nam đã thực hiện được tổng cộng 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR. Riêng trong ngày 24/8 đã thực hiện 11.698 mẫu. Trong vòng 1 tháng qua, công suất xét nghiệm đã tăng gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3-4/2020. Số lượng xét nghiệm trong gần 1 tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu. Hiện toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 (công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày).

Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, để chung sống an toàn với dịch bệnh, các cơ quan truyền thông, tổ chức đoàn thể tiếp tục tuyên truyền người dân tuân thủ các quy định đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cơ bản như: hạn chế đi ra ngoài; thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc trên các phương tiện công cộng, nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn, không lơ là, chủ quan trước diễn biến của tình hình dịch bệnh. (Tiền phong, trang 15).

 

Tiếp tục lây nhiễm COVID-19 trong bệnh viện

Ngày 24/8, ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Đà Nẵng cho biết: tại Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận có ca mắc COVID-19. Trong đó, có bệnh nhân là người nhà chăm sóc bệnh nhân và bác sĩ, nhân viên y tế.

Tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, nữ bệnh nhân 1015 (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên Quảng Nam) mắc COVID-19 trong quá trình chăm sóc người nhà tại bệnh viện. Ngày 18/8, tại bệnh viện, bệnh nhân này được lấy mẫu dịch hầu họng (lần 1) và cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Ngày 19/8 và 20/8, sau khi 4 bệnh nhân cùng phòng có kết quả xét nghiệm dịch hầu họng dương tính với virus SARS-CoV-2 (là các bệnh nhân số 996, số 997, số 998 và số 1006), bệnh nhân được chuyển đến phòng khác thuộc khu cách ly của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Ngày 21/8, tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt nên được lấy mẫu dịch hầu họng (lần 2), đến ngày 22/8 có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Cũng trong ngày 24/8, một bác sĩ khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đà Nẵng) và nhân viên Bệnh viện Đà Nẵng tăng cường đến khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Phổi Đà Nẵng) trực tiếp chăm sóc bệnh nhân COVID-19 cũng đã lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, trong ngày hôm qua, một chủ quán cà phê trên đường Hồ Huân Nghiệp (quận Ngũ Hành Sơn) cũng được công bố mắc COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định thiết lập thêm hàng loạt vùng cách ly để phòng chống dịch sau khi xác định ít nhất 5 trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến các chợ với lịch trình tiếp xúc rất nhiều người.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu ngành chức năng đẩy nhanh hơn nữa tốc độ xét nghiệm, xây dựng kế hoạch mở rộng xét nghiệm, nhất là những khu chợ, khu công nghiệp, những điểm nóng, khu vực phong tỏa, khu vực có bệnh nhân COVID-19 phát hiện tại cộng đồng.

Chủ tịch TP Đà Nẵng cũng  đề nghị người dân trên địa bàn, bất kỳ ai có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, rát họng, đau họng… nghi ngờ mắc COVID-19 phải thông báo cho cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch; không tự ý đi mua thuốc hoặc nhờ người thân, người quen mua thuốc tại các hiệu thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn…. (Tiền phong, trang 15).

 

Cục ATTP thông tin về chất gây ung thư trong sản phẩm dinh dưỡng công thức tại Hồng Kông

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế ) vừa phát đi thông tin liên quan đến nghiên cứu về 3– MCPD và Glycidyl Este trong sản phẩm dinh dưỡng công thức tại Hồng Kông.

Sau khi Hội người tiêu dùng Hong Kong báo cáo 15 nhãn sữa chứa chất 3-MCPD (nếu tiêu thụ quá mức có thể làm suy giảm chức năng thận hoặc khả năng sinh sản) và Glycidyl Este (chất nguy cơ gây ung thư nếu sử dụng vượt hàm lượng cho phép), trước tình hình này, Cục An toàn thực phẩm đã liên lạc với đầu mối Hệ thống các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) của Hồng Kông và đã được cung cấp thông tin như sau:

Theo nghiên cứu này, 3-Monochloropropane-1,2-diol (3-MCPD) và glycidyl este (GE) được tìm thấy trong 15 sản phẩm dinh dưỡng công thức là những chất sinh ra trong quá trình chế biến thực phẩm và có thể có trong một số thực phẩm. Hiện tại, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (Codex) và các quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Singapore và Châu Âu (EU) chưa đưa ra tiêu chuẩn về 3-MCPD trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức.

Theo Lượng ăn vào hàng tuần tạm thời chịu đựng được (PTWI) do Ủy ban hỗn hợp các chuyên gia FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA) xây dựng đối với 3-MCPD thì lượng 3-MCPD được phát hiện trong nghiên cứu của Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông đều thấp hơn PTWI khi sử dụng sản phẩm theo hướng dẫn trên nhãn.

Về quy định đối với GE, Codex, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và Singapore cũng không đặt ra tiêu chuẩn về GE trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức. Riêng EU có quy định giới hạn tối đa đối với GE trong sản phẩm dinh dưỡng công thức và tất cả GE được phát hiện trong các sản phẩm dinh dưỡng công thước trong báo cáo của Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông đều đạt tiêu chuẩn của EU.

Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý của Hồng Kông, các tổ chức quốc tế và các cơ quan quản lý của các quốc gia khác để cập nhật những thông tin mới nhất về các quy định đối với 3-MCPD và GE và thông báo tới người tiêu dùng được biết để lựa chọn sản phẩm cho phù hợp.

Trước đó ngày 17/8/2020, Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông công bố kết quả nghiên cứu về an toàn và chất lượng dinh dưỡng trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức trên Trang thông tin điện tử.

Kết quả cho biết đã phát hiện 15 mẫu sản phẩm dinh dưỡng công thức có chứa 3-Monochloropropane-1,2-diol (3-MCPD) và 9 mẫu có chứa glycidyl este (GE). Trong số các loại sản phẩm dinh dưỡng công thức kiểm nghiệm có nhiều thương hiệu nổi tiếng như Wyeth, Mead Johnson, Abbott, Meiji… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Kiên quyết xử lý các đối tượng ‘cò xe’, bán hàng rong tại cổng Bệnh viện Việt Đức

Do lưu lượng người và phương tiện qua lại phố Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (đặc biệt là đoạn qua cổng Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương) hàng ngày khá đông nên khu vực này luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp về tình hình ANTT và ATGT.

Không còn hiện tượng bán hàng rong

Theo phản ánh của một số người dân, tại khu vực cổng Bệnh viện Việt Đức có một số đối tượng “cò xe” taxi thường xuyên chèo kéo khách, đỗ xe ngay dưới lòng đường gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến việc ra, vào của xe cấp cứu. Bên cạnh đó, vỉa hè luôn đầy kín các phương tiện khiến người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Có mặt tại khu vực trên chiều 24/8 chúng tôi nhận thấy, tình hình ANTT tại đây đã có chuyển biến đáng kể. Dù lòng đường vẫn còn một vài xe taxi dừng, đỗ hoặc đi rất chậm để đón khách nhưng lối ra vào cổng bệnh viện đã khá thông thoáng. Đặc biệt, trên vỉa hè, lối đi dành cho đi bộ khá rộng, không còn bóng dáng của những người bán hàng rong.

Được biết, để lập lại ANTT, ATGT tại cổng Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, từ 16/7, Sở GTVT Hà Nội đã có phương án phân luồng giao thông. Theo đó điều chỉnh tổ chức giao thông cho xe taxi chỉ được phép lưu thông 1 chiều trên phố Phủ Doãn theo chiều từ Tràng Thi đến Hàng Bông để hạn chế tình trạng ùn tắc mất an toàn giao thông.

Để triển khai thực hiện, cơ quan chức năng đã cho cắm biển báo cấm taxi lưu thông trên phố Phủ Doãn theo hướng từ Hàng Bông đến Tràng Thi, biển báo cấm các phương tiện dừng đỗ trên phố Phủ Doãn theo chiều từ Tràng Thi đến Hàng Bông (đoạn từ Tràng Thi qua cổng Bệnh viện Viện Đức đến phố Ấu Triệu).

Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Sở GTVT thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phân luồng theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên tuyến, kịp thời phát hiện bất cập về tổ chức giao thông, đề xuất báo cáo lãnh đạo có phương án điều chỉnh.

UBND quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Bông có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng công an, tự quản hướng dẫn phân luồng các phương tiện tham gia giao thông, phối hợp với Bệnh viện Việt Đức hướng dẫn phương tiện ra vào khu vực cổng bệnh viện tại 14 Phủ Doãn.

“Điểm nóng” về giao thông trên phố Phủ Doãn đang dần hạ nhiệt

Tiếp theo, ngày 29/7, CAQ Hoàn Kiếm đã có văn bản gửi UBND quận đề xuất điều chỉnh các điểm trông giữ xe đạp xe máy trên phố Phủ Doãn từ vị trí sát tường ra sát mép hè để lại lối đi cho người đi bộ > 1,5m sát tường nhằm đảm bảo an toàn.

Trên cơ sở đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các đơn vị, phòng Quản lý đô thị, CAQ, UBND các phường liên quan, các đơn vị quản lý điểm trông giữu xe đạp xe máy trên phố Phủ Doãn khảo sát, đánh giá tình hình, cho thí điểm triển khai điều chỉnh vị trí trông giữ phương tiện tại khu vực này.

Kết quả bước đầu cho thấy, tình hình ANTT tại khu vực được cải thiện, lối đi dành cho người đi bộ thông thoáng, không còn hàng rong, xe ôm chiếm dụng lối đi của người đi bộ. Do vậy, ngày 7/8, UBND quận Hoàn Kiếm có Công văn số 1014 chấp thuận cho điều chỉnh vị trí điểm trông giữ xe đạp, xe máy của các đơn vị đã được cấp phép từ sát tường ra sát mép hè, để lại lối đi sát tường cho người đi bộ.

Có thể nói, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, “điểm nóng” về giao thông trên phố Phủ Doãn đang dần được hạ nhiệt. Tuy vậy, để xử lý dứt điểm vi phạm, tránh tái diễn, Sở GTVT, UBND quận Hoàn Kiếm cần chỉ đạo các đơn vị liên quan có biện pháp mạnh tay hơn nữa đối với các đối tượng “cò mồi” cố tình vi phạm, tái phạm, ngang nhiên lộng hành gây mất ANTT, ATGT tại khu vực các cổng bệnh viện. (An ninh Thủ đô, trang 5).

 

Ghi nhận 1.422 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội

Ngày 24-8, Sở Y tế Hà Nội có Công văn khẩn số 293/SYT-NVY gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết và điều trị tích cực cho những trường hợp mắc bệnh.

Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến ngày 23-8-2020, Hà Nội có 1.422 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã có trường hợp tử vong. Sở Y tế Hà Nội cũng nhận định, dịch bệnh sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Chính vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC Hà Nội giám sát chặt chỉ số bọ gậy, muỗi và tình hình bệnh nhân để cảnh báo các đơn vị về nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết. Mặt khác, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch sốt xuất huyết cho các trung tâm y tế và hỗ trợ các đơn vị này triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng tại các khu vực có nguy cơ theo chỉ định.

Sở Y tế cũng yêu cầu CDC Hà Nội rà soát cơ số phòng, chống dịch của ngành, bảo đảm cung ứng đủ hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch của các đơn vị.

Sở Y tế cũng chỉ đạo trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn về phòng, chống dịch. Tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch cần tổ chức họp tổ dân phố, cụm dân cư để tuyên truyền trực tiếp cho người dân về tình hình dịch tại khu vực đang sinh sống và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống. Cùng với đó, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, kiện toàn lại thành phần đội xung kích và tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết; tăng cường đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch; rà soát và có kế hoạch bổ sung đầy đủ nhân lực cũng như trang thiết bị, hóa chất để đáp ứng hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu cần rà soát, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh; đánh giá đúng tình trạng người bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn người bệnh và người nhà biết cách chăm sóc, theo dõi diễn biến người bệnh để có thể xử trí kịp thời. Tích cực theo dõi người bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ, lễ, chuyển tuyến kịp thời những ca bệnh nặng, vượt quá khả năng. Mặt khác, tại mỗi đơn vị, cần đáp ứng đủ nhân lực, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế, máu và các chế phẩm của máu…, hạn chế tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết.

Trước đó, như Báo Hànộimới đưa tin, cách đây một tuần, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một thanh niên 17 tuổi bị sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim, phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng. (Hà Nội mới,  trang 1).

 

Sau 3 tuần triển khai tuyên truyền cài đặt ứng dụng Bluezone: Thêm ”lá chắn” dịch bệnh

Sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Y tế triển khai cách đây 3 tuần, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh. Đây là ứng dụng giúp cảnh báo nếu người dùng có tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19, ca nghi nhiễm hoặc người đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm, góp phần tạo thêm một “lá chắn” trước dịch bệnh.

Nhiều cách làm hay

Trong chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay của Đoàn Thanh niên quận Đống Đa có thêm yêu cầu 100% sinh viên tình nguyện tham gia thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và tuyên truyền về công tác này. Phó Bí thư Quận đoàn Đống Đa Nguyễn Thị Tâm cho biết: Các đoàn viên đã tuyên truyền và hướng dẫn cài đặt ứng dụng Bluezone cho hàng trăm lượt phụ huynh.

Sau chương trình “Tiếp sức mùa thi”, các đoàn viên thanh niên phường Nam Đồng (quận Đống Đa) tiếp tục cắm chốt hỗ trợ người dân “đeo” “khẩu trang điện tử” Bluezone ngay tại lối vào chợ Nam Đồng. Theo Bí thư Đoàn Thanh niên phường Nam Đồng Nguyễn Hồng Anh, các đoàn viên đã thuyết phục được nhiều người nội trợ cập nhật công nghệ mới để phòng dịch. Bà Nguyễn Thị Thu Hà (nhà D4, tập thể Nam Đồng) chia sẻ: “Được các cháu thanh niên hướng dẫn cài đặt Bluezone tôi thấy ứng dụng này giúp theo dõi thông tin dễ dàng, tiện lợi”.

Trong khi đó, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông đã triển khai việc cài đặt ứng dụng Bluezone đến tất cả hội viên. Hiện nay đã có hơn 10 nghìn hội viên cài đặt Bluezone, trong đó Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc La có trên 1.000 hội viên cài đặt ứng dụng. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Lê Thị Hương chia sẻ: “Ở phường Phúc La, các hội viên đã lồng ghép tuyên truyền cài đặt Bluezone trong các hoạt động khác nên nhiều người hưởng ứng, cài đặt”.

Còn Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) Ngô Thị Thúy Lan thông tin, các tổ công tác tự quản tại địa bàn dân cư của phường đã tích cực động viên người dân phòng, chống dịch trong đó có cài đặt ứng dụng Bluezone. Nội dung này cũng được lực lượng tự quản cùng với công an phường, tổ bảo vệ thường xuyên tuyên truyền bằng loa tại chợ tạm khu 7,2ha Vĩnh Phúc…

Bảo vệ chính mình và cộng đồng

Với sự vận động tích cực của các cấp, các ngành, theo số liệu của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hà Nội đang trong nhóm 5 địa phương có số lượt cài đặt Bluezone nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, để ứng dụng Bluezone phát huy hiệu quả vẫn cần thu hút thêm người cài đặt.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương cho biết: “Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong mỗi gia đình nên thêm một hội viên cài đặt Bluezone là thêm “lá chắn” phòng dịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để thu hút thêm hội viên cài đặt ứng dụng”.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) Đỗ Kỳ Lân, việc đưa các tổ, nhóm công tác gồm cán bộ tổ dân phố, đoàn viên thanh niên hoặc dân quân… đi từng nhà, đến từng cơ sở kinh doanh, hướng dẫn cài đặt ứng dụng Bluezone kết hợp tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch khác… tiếp tục được thực hiện liên tục. Đồng thời, phường sẽ thống kê cụ thể số người sử dụng ứng dụng Bluezone trên địa bàn để nắm bắt tình hình, vận động hiệu quả.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương thông tin, Sở đã đề nghị các cơ quan nhà nước thành phố đặt banner tuyên truyền cài đặt ứng dụng Bluezone trên trang, cổng thông tin điện tử của đơn vị, liên kết đến trang web http://www.bluezone.gov.vn để vận động người dân cài đặt ứng dụng Bluezone.

“Sở cũng nhấn mạnh vai trò việc người dân dùng điện thoại thông minh cài đặt Bluezone cũng như hướng dẫn mọi người cùng cài đặt, góp phần bảo vệ chính mình, bảo vệ cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Mai Hương nói.

Hiện theo chỉ đạo của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), các nhà mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tại địa phương ở thành phố Hà Nội trực tiếp đến từng xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố, từng bệnh viện để giới thiệu hướng dẫn người dân cài đặt Bluezone. Đồng thời, nhà mạng vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thuê bao cài đặt Bluezone khi khách hàng tới giao dịch tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, triển khai các chính sách khuyến khích khách hàng cài đặt.

Việc vận động, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng Bluezone đã và đang được các cấp, ngành, đơn vị tích cực triển khai, qua đó tạo “lá chắn” vững vàng, để cộng đồng cùng chung sống an toàn với dịch bệnh. (Hà Nội mới, trang 6).

 

Bộ Y tế ra mắt MV ”Vững tin Việt Nam” tuyên truyền chống dịch Covid-19

Vào 20h ngày 24-8, Bộ Y tế cho ra mắt MV (music video) “Vững tin Việt Nam” trên các nền tảng âm nhạc Việt Nam và quốc tế.

Đây là bài hát của chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 với chủ đề “Niềm tin chiến thắng” do Bộ Y tế phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện.

MV “Vững tin Việt Nam” trên nền nhạc bài hát “Vững tin Việt Nam” do Phạm Minh Thành sáng tác và thể hiện cùng ca sĩ Hà Lê, nghệ sĩ Tùng Tic hòa âm, phối khí.

Với thông điệp “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Hạnh phúc là được cho đi”, MV tái hiện những lát cắt cuộc sống thường nhật của người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, gồm những hình ảnh trên khắp các phố phường, làng xóm, người dân đã hình thành thói quen mới chung sống an toàn với dịch Covid-19, có nhiều hành động giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn, thể hiện sự vững tin chiến thắng dịch.

Bên cạnh hình ảnh mộc mạc, bình dị, MV “Vững tin Việt Nam” gây ấn tượng nhờ giai điệu trẻ trung, hiện đại. Đặc biệt, màn đọc rap thú vị, giàu ý nghĩa của ca sĩ Hà Lê chắc chắn được nhiều bạn trẻ yêu thích.

MV “Vững tin Việt Nam” còn có sự tham gia của những nhân vật nổi tiếng như trung vệ đội tuyển bóng đá Việt Nam Bùi Tiến Dũng, sinh viên dân tộc Khang A Tủa, phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa, người khuyết tật Nguyễn Thị Vân…

MV này cũng là sự tri ân đến lực lượng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, như các chuyên gia, y bác sĩ, nhân viên y tế, quân đội và hàng triệu người lao động.

MV “Vững tin Việt Nam” được phát hành trên kênh Youtube, Facebook, Zalo, Lotus, TikTok, Gapo của Bộ Y tế; các kênh truyền thông của UNDP, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Grab Việt Nam và các nền tảng âm nhạc Nhaccuatui, Keeng, Spotify… (Hà Nội mới, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 16/9/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/3/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận