Điểm báo ngày 26/3/2021

(CDC Hà Nam)
Chuyển hồ sơ sang Công an điều tra vụ đi khám bệnh 80 lần/2 tháng; Ông Võ Hoàng Yên từng hoạt động khám chữa bệnh tại Bình Thuận trước khi được cấp phép; Bình Dương phong tỏa tuyến đường nghi có người dương tính virus SARS-CoV-2…

 

Tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vaccine Nano Covax

Sáng 25-3, tại Hà Nội, Học viện Quân y tiếp tục tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vaccine phòng Covid-19 Nano Covax cho 26 tình nguyện viên.

Đây là những người đã hoàn thành mũi tiêm thứ nhất của giai đoạn này từ ngày 26-2 – 10-3. PGS, TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, sau khi tiêm mũi 1 giai đoạn 2 vaccine Nano Covax, các tình nguyện viên có triệu chứng như sốt nhẹ, đau chỗ tiêm tự hết, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… nhưng hết nhanh, không cần can thiệp y tế.

Giai đoạn 2 có 560 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử, mở rộng đối tượng từ 18 đến hơn 60 tuổi, trong đó, một số người có bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch độ 1… không quá nặng.

Đợt tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 Nano Covax giai đoạn 2 được tổ chức tại hai điểm cầu: Học viện Quân y và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

560 tình nguyện viên chia thành bốn nhóm tiêm thử ở giai đoạn 2 của đợt thử nghiệm lâm sàng, trong đó, 80 người được tiêm “giả dược”; các tình nguyện viên còn lại được chia tiêm ba nhóm liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. Đợt tiêm thử nghiệm lần này có 105 tình nguyện viên hơn 60 tuổi; tình nguyện viên cao tuổi nhất 76 tuổi.

Trước khi tiêm thử mũi 2 vaccine Nano Covax, các tình nguyện viên tại điểm cầu Học viện Quân y đều được kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc, lấy máu và nước tiểu, xét nghiệm Covid-19, khai thác kỹ tiền sử dị ứng… bảo đảm đủ tiêu chuẩn sức khỏe trước khi tiêm thử.

PGS, TS Chử Văn Mến cho biết, đến thời điểm hiện tại, sức khỏe sau khi tiêm của 560 tình nguyện viên đều ổn định, vaccine phòng Covid-19 Nano Covax khá an toàn với người được tiêm và các tình nguyện viên sẵn sàng tiêm thử nghiệm mũi 2 của giai đoạn này.

Để đẩy nhanh tiến độ, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 được tổ chức tại hai điểm cầu có thể giúp rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu còn ba tháng thay vì sáu tháng, nhưng vẫn bảo đảm các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.

Dự kiến sau khi báo cáo sơ kết kết quả thử nghiệm vào tháng 5-2021, Học viện Quân y sẽ báo cáo Bộ Y tế và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia xem xét, đánh giá các cơ sở khoa học của giai đoạn 2, cho phép xây dựng một liều tiêm; chuẩn bị song song vừa hoàn thiện giai đoạn 2, vừa tiêm giai đoạn 3. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Tiền phong, trang 5: “Tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vắc-xin phòng Covid”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “26 người tình nguyện tiêm mũi 2, giai đoạn 2 vắc-xin Nano Covax”; Nông thôn ngày nay, trang 3: “Mở rộng đối tượng tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax”

 

Mạnh tay chống trục lợi bảo hiểm y tế

Thông tin một bệnh nhân tại TPHCM đi khám bảo hiểm y tế (BHYT) 80 lần ở nhiều bệnh viện trong 2 tháng không phải là hiếm và theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, qua hệ thống giám định gần đây đã phát hiện nhiều trường hợp tương tự. Dư luận không khỏi băn khoăn về tình trạng trục lợi BHYT và trách nhiệm kiểm soát của các cơ quan quản lý.

Đi khám lấy thuốc… bán

Không chỉ ông N.T.K. trong 2 tháng đi khám bệnh 80 lần qua nhiều bệnh viện (BV) vừa bị phát hiện và chuyển sang Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TPHCM để điều tra, gần đây cơ quan BHXH TPHCM cũng phát hiện nhiều trường hợp có tần suất đi khám bệnh BHYT tăng đột biến. Đơn cử, mới đây bệnh nhân N.V.G. bị viêm gan, rối loạn chuyển hóa, cao huyết áp liên tục đi khám chữa bệnh ở 7 BV, khoảng 50 lần khám chữa bệnh BHYT. Nghiêm trọng hơn, theo BHXH TP, đã phát hiện 2 trường hợp dùng thẻ BHYT của người khác để đi khám nhiều lần ở BV quận 2 (nay là BV Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức) và ở BV Quận Thủ Đức (nay là BV TP Thủ Đức). Thủ đoạn của 2 trường hợp này là lấy thẻ BHYT, CMND của người khác rồi dán ảnh của mình vào, sau đó đến các nơi này khám bệnh. “Không loại trừ những trường hợp này lấy cắp BHYT, CMND của người khác để đi khám trục lợi BHYT, hoặc lấy thuốc về bán lại ngoài thị trường”, một lãnh đạo BV Lê Văn Thịnh nhìn nhận.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết, qua công tác giám định, rà soát lạm dụng khám chữa bệnh BHYT, BHXH TP phát hiện nhiều trường hợp phát sinh cùng lúc khám chữa bệnh ở nhiều cơ sở y tế. “Thông thường BHXH TP có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh khi phát hiện bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT đột biến, khả nghi trục lợi và yêu cầu cơ sở giữ lại, liên hệ cơ quan BHXH xử lý”, bà Thu Hằng nhấn mạnh.

Cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm

Với hệ thống khám chữa bệnh BHYT ngày càng chất lượng, cùng với việc thuận lợi cho thông tuyến, không ít bệnh nhân đi khám nhằm trục lợi, nhưng công tác kiểm soát vẫn còn nhiều bất cập. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh cho rằng, cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị của hệ thống khám BHYT hiện rất tốt nên một số người lợi dụng để lấy thuốc đem bán. Do đó, với BV có phần mềm kiểm tra thông tuyến sẽ tra cứu lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân để kê toa thuốc không trùng, cũng như không thực hiện lại các cận lâm sàng trước đó để đỡ chi phí. Đồng thời, BV thực hiện đối chiếu CMND, giấy tờ tùy thân với thẻ BHYT (vì hiện thẻ BHYT không có ảnh – NV) của người khám chữa bệnh. “Việc mượn thẻ BHYT hoặc lợi dụng để trục lợi chi phí BHYT là không thể chấp nhận được. Nếu BV rà soát kỹ sẽ phát hiện được các trường hợp đi khám bệnh tại nhiều cơ sở, nhiều lần, phối hợp với BHXH TP, công an xác minh nhằm hạn chế tình trạng gian lận trong khám BHYT”, bác sĩ Trần Văn Khanh cho biết.

Tuy nhiên, thực tế không ít BV vẫn để “lọt” bệnh nhân trục lợi BHYT do thiếu cập nhật phần mềm tra cứu, nhân viên thiếu trách nhiệm rà soát thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân. “BHXH Việt Nam đã có phần mềm hệ thống thông tin giám định BHYT, yêu cầu các BV khi bệnh nhân đến khám chữa bệnh phải đẩy thông tin lên hệ thống phần mềm giám sát này. Hàng tháng, hàng quý, BHXH Việt Nam có cảnh báo BHXH tỉnh thành, trong đó có cảnh báo khám chữa bệnh nhiều lần. BHXH các tỉnh, thành có trách nhiệm lên hệ thống phần mềm giám sát và lấy dữ liệu để rà soát lại”, bà Thu Hằng lưu ý.

BHXH TPHCM khuyến cáo các cơ sở khám chữa bệnh tuân thủ việc chuyển dữ liệu ngay khi bệnh nhân ra viện để quản lý vấn đề thông tuyến, tra cứu lịch sử khám chữa bệnh; phải kiểm soát thủ tục hành chính và lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân, kiểm soát hồ sơ bệnh mãn tính để tránh cho toa và chỉ định dịch vụ trùng lắp. Người dân khi đi khám chữa bệnh phải tuân thủ đúng quy định, quản lý thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh của mình, tránh để các đối tượng lợi dụng trục lợi.

BHXH từ chối thanh toán

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, những trường hợp phát hiện lạm dụng khám chữa bệnh, nếu rà soát do trách nhiệm của cơ sở (như: không rà soát lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân mà kê toa trùng lắp…) thì BHXH từ chối thanh toán, BV không quản lý hồ sơ kê toa hay bệnh mãn tính dẫn đến kê toa trùng lắp thì BHXH cũng từ chối thanh toán. Đối với việc trùng lắp do BV không đẩy dữ liệu lên hệ thống phần mềm giám sát và khi bệnh nhân đến khám ở cơ sở khác không thấy dữ liệu trước đó và cho toa trùng thì cơ sở không đẩy dữ liệu phải bị xuất toán. Với bệnh nhân lạm dụng khám chữa bệnh, BHXH mời đến làm việc; đồng thời gửi cơ quan công an làm rõ vấn đề trục lợi BHYT. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Ông Võ Hoàng Yên từng hoạt động khám chữa bệnh tại Bình Thuận trước khi được cấp phép

Đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, trước khi được cơ quan chuyên môn cấp chứng chỉ hành nghề, ông Võ Hoàng Yên đã tham gia khám chữa bệnh trên địa bàn trong một thời gian dài.

Chiều 25-3, tại cuộc họp giao ban báo chí định kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trì, ông Đặng Thức Anh Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã trả lời một số nội dung liên quan đến việc khám chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên (ngụ xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) đang được dư luận quan tâm.

Theo đó, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận khẳng định việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cho ông Yên là đúng theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, việc ông này đăng ký khám chữa bệnh tại 2 cơ sở là Phước Thiện Hưng Nghĩa Tự (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) và Phước Thiện Hưng An Tự (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) tại 2 thời điểm khác nhau trong một tháng là phù hợp với quy định.

Hiện tại, cơ sở Phước Thiện Hưng Nghĩa Tự do bà Lê Thị Thu Hương chịu trách nhiệm chuyên môn đã có đơn xin dừng hoạt động nên đã được Sở Y tế tỉnh Bình Thuận ra quyết định thu hồi giấy phép.

Qua tổ chức thanh tra những cơ sở ông Yên tham gia khám chữa bệnh, ngành y tế Bình Thuận cho biết, cơ sở Phước Thiện Hưng Nghĩa Tự dù đã được cấp phép nhưng thực tế chưa đi vào hoạt động. Còn cơ sở Phước Thiện Hưng An Tự, về cơ bản hoạt động đúng theo chuyên môn. Tuy nhiên, cơ sở này còn một số thiếu sót như chưa mở sổ khám bệnh cho người dân,…

Tại cuộc họp, ông Đặng Thức Anh Vũ cũng thông tin, trong quá trình ông Yên tham gia khám chữa bệnh tại 2 cơ sở trên, ngành y tế địa phương cũng chưa có lần nào kiểm tra, cũng như thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá về hiệu quả khám chữa bệnh của ông này.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cũng thừa nhận, trước khi được cơ quan chuyên môn cấp chứng chỉ hành nghề, ông Yên đã tham gia khám chữa bệnh trên địa bàn trong một thời gian dài. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, ông Yên lại rất ít khi về địa phương và người dân cũng chưa có ai phàn nàn về hậu quả khám bệnh mà ông này gây ra nên ngành chức năng không biết để vào cuộc để kiểm tra.

Trả lời về câu hỏi khả năng khám chữa bệnh của ông Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: “Không chỉ riêng tôi mà ngay cả những người làm trong ngành y không ai tin việc ông Yên có thể chữa khỏi bệnh câm, điếc bằng y học cổ truyền. Do không có căn cứ để phản bác nên dẫn đến sự chậm trễ trong mặt quản lý”. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)

 

Bình Dương phong tỏa tuyến đường nghi có người dương tính virus SARS-CoV-2

Tới 21 giờ ngày 25-3, lực lượng chức năng TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đang phong tỏa tuyến đường D35, khu dân cư Việt – Sing (phường An Phú) do có liên quan một ca nghi dương tính với virus SARS-CoV-2.

Người nghi nhiễm có quốc tịch Trung Quốc và sống tại Bình Dương từ trước Tết Nguyên đán tới nay.

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, ngành y tế Thuận An đã tiến hành cách ly điều trị.

Qua điều tra dịch tễ, người đàn ông quốc tịch Trung Quốc mắc Covid-19 nghi lây nhiễm từ Campuchia vì có đến cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh lấy hàng và tiếp xúc gần với người Campuchia. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

 

Kiểm tra phòng dịch và tiêm vắc-xin tại Hà Nội

Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch và triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 tại Hà Nội. Sở Y tế Hà Nội đang tổ chức 3 đoàn kiểm tra đánh giá bệnh viện an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đã tăng cường việc phân luồng, khám sàng lọc, xét nghiệm.

Về công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19, theo phân bổ, Hà Nội có 8.000 liều. Đến nay, các đơn vị đã tổ chức tiêm được 6.690 mũi. Trong số 6.690 người được tiêm, có 12 trường hợp phản ứng nặng; 2.222 trường hợp phản ứng thông thường như: sưng đau tại chỗ tiêm, nôn/buồn nôn, tiêu chảy/đau bụng, sốt, đau họng, chảy nước mũi, ho, ớn lạnh, chóng mặt, nổi hạch, phát ban nổi mẩn/ngứa ngoài da, khó thở/thở khò khè, đau đầu, đau cơ, đau khớp; bồn chồn/khó chịu… Hiện tại, các trường hợp này đều ổn định sức khỏe. “Trong tuần này và tuần sau, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vét cho các đối tượng còn lại”, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết.

Dự kiến, 10 ngày tới, ngành y tế sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế tại các khoa/phòng có nguy cơ và các bệnh nhân nặng/có bệnh lý nền/đang điều trị tại các khoa có nguy cơ. Dự kiến việc xét nghiệm xong trước ngày 10/4.

Tối 25/3, Bộ Y tế cho biết, trong ngày có thêm 3 ca mắc COVID-19 (BN2577-2579), gồm 2 ca tại Hải Dương và 1 ca được cách ly ngay sau nhập cảnh tại TPHCM. BN2577 (nữ, 31 tuổi, là F1 của BN2469) và BN2578 (nữ, 3 tuổi, là F1 của BN2469, là con của BN2577) được ghi nhận tại xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Cả 2 bệnh nhân đã được cách ly tập trung từ ngày 28/2. Hiện cả 2 bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2 – Bệnh viện Ðại học Sao Ðỏ cơ sở 2. (Tiền phong, trang 4)

 

Cử tri và nhân dân đánh giá cao hiệu quả phòng chống dịch COVID-19

Từ sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.

Đặc biệt, cử tri và nhân dân đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 khi bùng phát trở lại ở nhiều địa phương.

Nhân dân quan tâm đến chất lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân phấn khởi trước thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là thành công tốt đẹp Đại hội XIII của Đảng. Cử tri và nhân dân quan tâm nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và mong muốn cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp. Đại biểu được bầu vào Quốc hội, HĐND là những người có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc và sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.

Cử tri và nhân dân cho rằng, Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới trong hoạt động; nâng cao hiệu quả công tác giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động chất vấn và tranh luận tại các phiên họp được đánh giá cao. Sự quyết liệt, sáng tạo, chủ động trong lãnh đạo, điều hành của Chính phủ đã góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; phát triển văn hóa-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của các cơ quan tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Cử tri và nhân dân mong muốn việc xây dựng chính sách, pháp luật phải tiếp tục được đổi mới, tránh chồng chéo; cần lấy ý kiến góp ý và tiếp thu phản biện thiết thực hơn.

Đánh giá cao những chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19

Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, cử tri và nhân dân đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, có các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, đồng thời quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vắc-xin COVID-19.

Tuy vậy, người dân còn lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, gây khó khăn rất lớn đến sản xuất – kinh doanh và đời sống; lo ngại trước tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và tình trạng khai báo y tế thiếu trung thực.

Các ý kiến cũng bày tỏ hoan nghênh Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu và giải ngân vốn đầu tư công, nhiều dự án trọng điểm quốc gia được khởi công xây dựng, góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai ở miền Trung; rét đậm, rét hại ở miền núi phía Bắc; xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển và là “trụ đỡ” cho nền kinh tế; sản xuất công nghiệp có những khởi sắc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh vẫn phải ngừng hoạt động hoặc giải thể; đời sống của một bộ phận nhân dân vùng bị thiên tai, dịch bệnh, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Ngành thương mại, dịch vụ bị tác động tiêu cực. Chất lượng dịch vụ, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Ca nghi mắc COVID-19 ở Thanh Oai, Hà Nội đã có kết quả xét nghiệm âm tính

Chiều 25/3, Bộ Y tế phát thông tin cho biết, kết quả xét nghiệm khẳng định của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đối với mẫu bệnh phẩm bệnh nhân N.T.N (sinh năm 1943, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã âm tính với SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, đại diện bệnh viện cho biết, bệnh viện vẫn tiến hành cách ly, theo dõi bệnh nhân này và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm trong ngày mai (26/3).

Theo Sở Y tế Hà Nội, kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chỉ mang ý nghĩa về mặt sàng lọc. Do đó, sau khi có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính, theo quy định, mẫu xét nghiệm của bệnh nhân N tiếp tục được gửi đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để tiến hành làm xét nghiệm.

Trước đó, bệnh nhân N được chẩn đoán viêm phổi thùy, suy tim, tăng huyết áp và được chỉ định điều trị 1 tuần tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Oai.

Do còn sốt kéo dài nên đến 10h ngày 24/3, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Tại đây, khi vào phòng khám sàng lọc Covid-19, bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ và được chuyển vào khoa nội cấp cứu lúc 10h20′ cùng ngày.

Bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang, siêu âm ổ bụng, siêu âm tim. Sau đó, được chuyển đến khoa tim mạch điều trị và được lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên do có biểu hiện ho, sốt. Kết quả xét nghiệm sàng lọc tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến cách ly điều trị và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm khẳng định tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Kết quả xét nghiệm khẳng định mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân âm tính với virus SARS- CoV-2. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

Cùng chủ đề An ninh Thủ đô, trang 6: “Ca nghi mắc Covid-19 ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) cùng 23 F1 đã âm tính”

 

Tăng cường, đa dạng hoá nguồn cung vắc- xin phòng COVID-19

Cục Quản lý Dược vừa có văn bản gửi các cơ sở nhập khẩu thuốc, sản xuất thuốc yêu cầu tiếp tục tăng cường, đa dạng hoá nguồn cung vắc- xin phòng COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới, nhu cầu về vắc xin tăng cao, làm cho nguồn cung vắc- xin cho Việt Nam bị ảnh hưởng. Vì vậy, để tăng nguồn cung, tăng khả năng tiếp cận với nhiều nguồn vắc xin phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả, Cục Quản lý Dược đề nghị:

Các cơ sở nhập khẩu thuốc tiếp tục các nỗ lực khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc xin phòng COVID-19 từ các nguồn nhập khẩu (Astrazeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, JSC Generium (Sputnik V), Moderna, Sinovac…) đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả và đúng nguồn gốc xuất xứ để cung cấp vào Việt Nam trong thời gian sớm nhất theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ sở sản xuất, nghiên cứu tiếp tục đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 để sớm chủ động được nguồn vắc xin trong nước. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 1: “Khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vaccine COVID-19 là phù hợp”

 

Đã có 39.817 người được tiêm vắc xin AstraZeneca tại 19 tỉnh, thành phố

Theo tin từ Bộ Y tế, tính từ 18h ngày 24-3 đến 6h ngày 25-3, nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19.

Như vậy, đã bước sang ngày thứ bảy liên tiếp, nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 tại cộng đồng. Ngoài ra, có thêm 1.906 người được tiêm chủng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca trong ngày 24-3, nâng tổng số người được tiêm lên 39.817 người.

Riêng ngày 24-3, các tỉnh: Quảng Ninh, Tây Ninh, Đồng Tháp đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Như vậy, hiện đã có 19 tỉnh, thành phố triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 thuộc giai đoạn 1, tính từ ngày 8-3: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hòa Bình, Khánh Hòa, Hà Giang, Điện Biên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, Tây Ninh và Đồng Tháp.

Hiện, các cơ sở y tế gồm: Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc tiêm vắc xin Covid-19 trong đợt này.

Cũng theo Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 25-3, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước ta vẫn là 2.576 ca, trong đó có 1.601 ca lây nhiễm trong nước. Tính từ ngày 27-1 đến nay, nước ta ghi nhận 908 ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng, tại 13 tỉnh, thành phố. Riêng tại Hà Nội, từ ngày 16-2 đến nay, chưa ghi nhận thêm ca mắc mới trong cộng đồng.

Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 36.480 người, trong đó có 485 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 18.343 người tại các cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nước ta đã có 2.265 ca Covid-19 được điều trị khỏi, 35 ca tử vong.

Hiện, tình hình dịch Covid-19 trong nước đã tạm thời được kiểm soát. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình dịch trên thế giới vẫn phức tạp, từ ngày 24-3 đến 28-3, Bộ Y tế tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch và triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại 5 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh. Ngày 24-3, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh. Trong sáng nay (25-3), đoàn tiếp tục kiểm tra tại Hà Nội. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Hà Nội tổ chức cuộc thi trực tuyến ”Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19” trên địa bàn Thủ đô

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 24-3-2021 về tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đối tượng tham gia cuộc thi từ 12 tuổi trở lên, hiện đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nội dung thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận tìm hiểu một số nội dung cơ bản của pháp luật trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi trực tuyến trên môi trường mạng Internet. Người dự thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trực tiếp và câu tự luận trên máy vi tính hoặc các thiết bị điện tử khác có kết nối Internet tại website cuộc thi theo bộ đề thi được thiết kế sẵn.

Trong quý I-2021, UBND thành phố sẽ xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức cuộc thi tại các sở, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã; thành lập Ban tổ chức cuộc thi cấp thành phố và thành lập Hội đồng ra đề thi. Trong quý II và III-2021, sẽ xây dựng thể lệ, câu hỏi cuộc thi; xây dựng website cuộc thi; phát động cuộc thi; Ban giám khảo cấp thành phố tổ chức chấm vòng sơ khảo và chấm chung khảo cấp thành phố. Ban tổ chức cuộc thi tổng kết và trao giải dự kiến vào đầu tháng 10-2021.

Giải thưởng cuộc thi gồm: Giải cá nhân: 3 giải Nhất, 7 giải Nhì, 20 giải Ba và 35 giải Khuyến khích; giải tập thể: 3 giải Nhất, 7 giải Nhì, 10 giải Ba…

Cuộc thi nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9-11) trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Quảng Ninh và Hải Phòng gỡ bỏ hầu hết các biện pháp kiểm soát dịch bệnh

Từ 0h ngày 25/3, thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) tạm dừng các chốt kiểm soát liên ngành trên địa bàn đối với phương tiện, người ra vào tỉnh Quảng Ninh, gồm chốt tại tỉnh lộ 345, cầu Vàng Chua, cầu Đông Mai, cầu Triều, cầu Đá Vách và cầu Hoàng Thạch. Cùng với đó, cho phép các bến đò trên địa bàn thị xã Đông Triều được hoạt động trở lại.

Trước đó, thị xã Đông Triều đã cho phép các phương tiện vận tải hàng hóa từ tỉnh Hải Dương vào Quảng Ninh qua cầu Vàng Chua trên QL18, cầu Triều trên tỉnh lộ 389; từ tỉnh Bắc Giang vào qua chốt kiểm soát trên tỉnh lộ 345.

Đến ngày 23/3, UBND thị xã Đông Triều cho mở lại các hoạt động kinh doanh có điều kiện như rạp chiếu phim, karaoke, vũ trường, xông hơi, bar, phòng tập gym, dịch vụ internet, trò chơi điện tử… Nhân dân tổ chức cưới hỏi phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thị xã được đón lao động từ tỉnh ngoài vào làm việc, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng, chống thị xã Đông Triều vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của các tổ phòng chống COVID-19 trong cộng đồng tại các thôn, khu phố; duy trì việc kiểm tra, nắm bắt thông tin dân cư để kiểm soát các trường hợp có nguy cơ cao về dịch tễ, xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực; thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Còn tại Hải Phòng, bắt đầu từ 12h ngày 25/3, chỉ thực hiện hiện khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe đối với người đến từ tỉnh Hải Dương. Đồng thời dừng tiếp nhận công dân cách ly y tế đối với 3 cơ sở, gồm: Trung tâm Hội nghị và Đào tạo cán bộ Công đoàn, Khu Nội trú Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Ký túc xá Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng. Đối với các công dân hiện đang cách ly vẫn phải tiếp tục thực hiện cách ly y tế tập trung đến hết thời gian theo quy định. (Công an Nhân dân, trang 4)

 

Chuyển hồ sơ sang Công an điều tra vụ đi khám bệnh 80 lần/2 tháng

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa thông tin về trường hợp bệnh nhân khám bệnh 80 lần trong 2 tháng với chi phí hơn 60 triệu đồng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, qua số liệu cập nhật trên Hệ thống thông tin Giám định bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội TP HCM đã phát hiện trường hợp bệnh nhân tại TP. HCM đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhiều lần, có dấu hiệu trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Cụ thể, bệnh nhân N.T.K. tại TP. HCM, đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Triều An. Từ ngày 1/1 đến 8/3/2021, bệnh nhân này có số lần khám chữa bệnh lên đến 80 lần.

Trong đó, bệnh nhân K khám tại Bệnh viện quận Gò Vấp 17 lần, Bệnh viện quận 7 là 11 lần, Bệnh viện Thủ Đức 10 lần… Tổng kinh phí Quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả cho bệnh nhân này là hơn 60 triệu đồng trong khoảng thời gian nêu trên.

Sau khi phát hiện, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh đã gửi thông tin cảnh báo tới Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở khám, chữa bệnh về việc có dấu hiệu trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế, đề nghị có giải pháp khắc phục.

Với trường hợp bệnh nhân N.T.K, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra làm rõ vụ việc, nhằm kịp thời cảnh báo để người tham gia chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, trong các văn bản pháp luật hiện hành về bảo hiểm y tế không có quy định nào hạn chế số lần khám chữa bệnh của người tham gia. Trên thực tế, không phải trường hợp nào có số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gia tăng đột biến cũng là trục lợi quỹ BHYT.

Với những trường hợp mắc bệnh mãn tính, trên cơ sở bệnh lý của người bệnh, theo chỉ định của bác sỹ, bệnh nhân có thể gia tăng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhiều lần trong năm.

Tuy nhiên qua Hệ thống thông tin Giám định Bảo hiểm y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội có thể phát hiện những trường hợp bệnh nhân có số lượt khám chữa bệnh tăng bất thường; từ đó tiến hành kiểm tra, rà soát để xem có dấu hiệu trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Đối với những trường hợp có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm y tế, cần phải kiên quyết cảnh báo và xử lý nghiêm theo quy định, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia bảo hiểm y tế và sự nghiêm minh của pháp luật. (An ninh Thủ đô, trang 9)

Cùng chủ đề Công an Nhân dân, trang 7: “Điều tra vụ bệnh nhân khám bảo hiểm y tế 80 lần trong 2 tháng”

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 13/12/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/2/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/11/2018

Ngọc Nga

Để lại bình luận