Phát hiện một trường hợp mắc bệnh bạch hầu
Tối 25-6, Trung tá Phan Bá Hiếu – Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng) cho biết, đơn vị này đang điều trị cho một nam học viên, 20 tuổi, mắc bệnh bạch hầu.
Trước đó khoảng 9 ngày, nam học viên được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng sốt, đau họng, sưng to vùng hàm và hạch cổ. Kết quả xét nghiệm sau đó của Bệnh viện Quân y 175 và Viện Pasteur TPHCM đều kết luận bệnh nhân mắc bạch hầu.
Sau đó, Bệnh viện Quân y 175 nhanh chóng báo cáo cho cơ quan chức năng khoanh vùng khử khuẩn. Theo thống kê ban đầu, có 16 người tiếp xúc gần nơi bệnh nhân sinh hoạt, học tập (tất cả đều ở ngoài bệnh viện) được cách ly và uống thuốc điều trị dự phòng.
Sau 9 ngày điều trị, hiện tình trạng sức khỏe của nam học viên ổn định. Bệnh nhân đã hết sốt, đau họng, sưng hạch cổ. Như vậy, ngoài Đắk Nông thì TPHCM là địa phương thứ 2 ghi nhận dịch bạch cầu.
Trước tình hình phức tạp của ổ dịch bạch hầu tại Đắk Nông (gồm 15 ca nghi ngờ và 6 ca dương tính), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã tổ chức đoàn khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nơi tiếp nhận điều trị trực tiếp các trường hợp bạch hầu trong thời gian qua (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Bệnh nhi bị sốc nặng do uống thuốc tuỳ tiện
Sáng 25-6, Bệnh viện Nhi đồng TP thông tin vừa tiếp nhận bé N.T. P. (11 tuổi, nam, ngụ ở Bình Chánh) bị sốc nặng do cha mẹ tự ý sử dụng thuốc mua ngoài.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau họng, được mẹ cho uống thuốc đau họng tự mua ngoài tiệm thuốc tây (cotrim 960mg, cephalexin 500mg, paracetamol 500mg, B – Complex C 500mg) rồi được mẹ chở đến trường học khoảng 15 phút.
Sau 10-15 phút vào lớp, trẻ than mệt, xuất hiện đau bụng tăng dần rồi đột ngột ngất khoảng 30 giây thì tỉnh lại, tiêu phân sệt vàng 1 lần không đàm máu, cô giáo thấy trẻ đỏ da toàn thân, đo huyết áp tại trường 90/60 mmHg, trẻ bứt rứt nên báo gia đình đến, chuyển trẻ gấp tới bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong 15 phút.
Tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng TP, trẻ biểu hiện tím tái, thở yếu, nhịp tim giảm còn 40–50 lần/phút, mạch khó bắt, huyết áp khó đo, điện tâm đồ biểu hiện nhịp thất, ngoại tâm thu thất, trẻ được đặt nội khí quản giúp thở, tiêm bắp adrenalin 1/1000 truyền dịch và tiến hành đặt máy tạo nhịp.
Diễn tiến trẻ nặng phức tạp suy hô hấp, sốc, rối loạn nhịp tim, được tiếp tục chống sốc truyền dịch, truyền thuốc adrenalin, dưới hướng dẫn đo huyết áp xâm lấn và áp lực tĩnh mạch trung tâm, điều chỉnh toan chuyển hóa và điện giải.
Sau 48 giờ tình trạng trẻ cải thiện dần, cai được máy thở, tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Đây là trường hợp sốc phản vệ do thuốc kèm rối loạn nhịp nặng được bệnh viện cứu sống.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng TP, phụ huynh không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống khi trẻ bệnh mà phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Khi biết trẻ có dị ứng thuốc, phụ huynh phải khai báo với bác sĩ để tránh gây phản ứng thuốc nặng xảy ra cho trẻ (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Yêu cầu điều tra vụ sử dụng thuốc ung thư quá hạn
Tối 25-6, liên quan đến vụ việc sử dụng thuốc đã hết hạn cho bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện (BV) Truyền máu – Huyết học, Sở Y tế TPHCM cho biết đã yêu cầu bệnh viện điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm nếu xảy ra vi phạm.
Trước đó, anh Lê Thọ Vũ, cha của bệnh nhi Lê Trần Khánh Chi (4 tuổi, ngụ TPHCM) phản ánh, con gái anh được chẩn đoán suy tủy, điều trị tại BV Truyền máu – Huyết học gần 1 năm nay và mới được chỉ định chuyển sang điều trị bằng hóa chất. Ngày 24-6, khi nhân viên y tế tiến hành truyền hóa chất cho bệnh nhi Chi thì anh Vũ phát hiện 2 vỏ chai thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) đang truyền cho con anh có hạn sử dụng là tháng 1-2020.
Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Sở Y tế đã chỉ đạo bệnh viện khẩn trương rà soát, xử lý vụ việc; trong đó dừng ngay y lệnh và kiểm tra lại hạn dùng của thuốc, đồng thời theo dõi sát tình trạng người bệnh để có xử lý kịp thời.
Báo cáo từ BV Truyền máu – Huyết học, qua kiểm tra ban đầu, 2 lọ thuốc Antithymocyte Globuline được cấp phát cho bệnh nhi Lê Trần Khánh Chi có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 1-2020 (trong đó có 1 lọ đã sử dụng xong và 1 lọ đã sử dụng 1/3). Trong khi đó, kiểm tra trên hệ thống phần mềm quản lý thuốc bệnh viện thì 2 lọ thuốc này lại có hạn sử dụng là tháng 11-2021.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, BV Truyền máu – Huyết học đã tổ chức họp khẩn để nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ việc và tạm đình chỉ công tác tất cả các cá nhân có liên quan, tiến hành xác minh, làm rõ nguyên nhân sự cố. Lãnh đạo bệnh viện này cũng khẳng định, nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, đơn vị sẽ chuyển ngay vụ việc đến cơ quan cảnh sát điều tra. Hiện tình trạng bệnh nhi Lê Trần Khánh Chi ổn định, sinh hiệu bình thường, đang được bác sĩ điều trị theo dõi sát (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Nhập viện với khối u vú khổng lồ vì 20 năm tự điều trị bằng xạ đen, uống mật động vật
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội vừa tiếp nhận bệnh nhân D.T.T (73 tuổi) vào cấp cứu trong tình trạng ngực bên phải sưng to như quả bưởi, sùi loét, phun máu thành tia, chảy nhiều dịch có mùi hôi.
Qua khai thác bệnh sử, bà T. cho biết đã xuất hiện khối u vú khoảng 20 năm nay, ban đầu u chỉ như quả trứng chim cút nhưng sau đó to dần.
Vì sợ đến bệnh viện nên bà T. tự điều trị theo sự mách bảo của mọi người bẳng đủ biện pháp như: uống mật động vật, cao hổ cốt, xạ đen… nhưng không hiệu quả. Khoảng 5 năm nay, ngực bà trở nên bầm tím, lở loét, thỉnh thoảng rỉ máu, bốc mùi khó chịu. Mới đây, khi khối u vú lở loét, chảy máu ồ ạt, bà mới chịu đến viện.
Tại bệnh viện, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân T. cho thấy, vú phải có khối kích thước 15x10cm xâm lấn da, nhiều hạch nách, xơ kẽ mô phổi hai bên. Kết quả giải phẫu bệnh xác định là ung thư, chỉ định phẫu thuật.
Do khối u quá lớn, tăng sinh mạch, xâm lấn một phần cơ ngực nên ê-kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt toàn bộ tuyến vú phải bao gồm cả khối u và vét hạch nách, đồng thời xoay vạt bụng tạo hình khuyết hổng thành ngực.
Đến nay, sau phẫu thuật 3 ngày, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, vết mổ khô và được cho điều trị hóa xạ bổ trợ.
TS.BS. Vũ Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Trưởng Khoa Ngoại Vú – Phụ khoa cho biết, những trường hợp như bà T. ban đầu có thể chỉ là khối u lành tính nhưng do không được điều trị kịp thời và đúng cách nên biến chuyển thành ác tính.
Vì vậy, khi thấy các dấu hiệu bất thường ở tuyến vú hai bên và vùng nách hai bên như: đau vú, đau vùng nách, chảy dịch đầu vú, vú to bất thường, nổi u cục ở tuyến vú, thay đổi da vùng vú, tụt núm vú, thay đổi vùng da quanh đầu núm vú, nổi hạch nách cần phải đi khám chuyên khoa ung bướu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời (An ninh thủ đô, trang 7).
Điều tra việc mua máy xét nghiệm Covid-19 ở nhiều địa phương
Sau những bất thường trong việc mua máy xét nghiệm Covid- 19 tại các địa phương, lực lượng công an vẫn đang tiếp tục điều tra. Chiều 25.6, tại cuộc họp báo của Bộ Công an về tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2020, lãnh đạo Bộ Công an đã giải đáp về nhiều vụ án dư luận quan tâm, trong đó có vụ án nâng khống máy xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội.
Phát hiện nhiều vấn đề liên quan đấu thầu
Theo thượng tá Trần Văn Phúc, Phó cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an), ngày 22.4, ngay sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại CDC Hà Nội, C03 đã tham mưu cho Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, TP và lực lượng cảnh sát kinh tế vào cuộc. “Hiện nay, lực lượng cảnh sát kinh tế tại các địa phương vẫn đang tiếp tục điều tra việc mua máy xét nghiệm ở các địa phương”, thượng tá Phúc nói. Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc quá trình điều tra có phát hiện ra những kẽ hở trong cơ chế chính sách khiến tội phạm lợi dụng nâng khống giá trang thiết bị y tế, đặc biệt là máy xét nghiệm Covid-19, thượng tá Trần Văn Phúc cho biết C03 cũng đã tham mưu cho Bộ Công an báo cáo Thủ tướng yêu cầu BYT, Bộ Tài chính và các địa phương rà soát kiểm tra, thanh tra tất cả gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch Covid-19. “Đến nay chúng tôi đã phát hiện một số vấn đề liên quan đến đấu thầu, khi kết thúc vụ án, chúng tôi sẽ có những kiến nghị cụ thể”, thượng tá Phúc cho hay.
“Bắt tay” nhau đẩy giá máy lên rất cao
Trong ngày 25.6, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo của Vụ Trang thiết bị – công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết máy xét nghiệm được một số đơn vị đấu thầu mua sắm đã bị đẩy lên rất cao so với giá nhập vì mua bán lòng vòng. Nguyên nhân là do chủ đầu tư không tham khảo giá thị trường, không tham khảo đầy đủ giá từ các gói thầu từng mua sắm trước đó.
Đáng lưu ý, theo vị lãnh đạo này thì “các đơn vị chủ đầu tư mua sắm đã không tìm hiểu để mua máy từ nhà cung cấp chính gốc. Họ chấp nhận mua máy từ các công ty một cách lòng vòng, thay vì mua qua các đại diện phân phối, cho thấy có sự “bắt tay” nhau giữa các bên, bao gồm cả đơn vị thẩm định giá, các công ty trung gian”. Để tránh phát sinh tiêu cực, theo Vụ Trang thiết bị – công trình y tế, để mua sắm máy móc trong lĩnh vực y tế, các đơn vị phải cung cấp giá trúng thầu mua sắm thiết bị về Bộ Y tế, kết quả sẽ được đăng tải trên cổng thông tin chuyên về thiết bị y tế của Bộ Y tế.
Đặc biệt, mới đây Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị kết nối với các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam), Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) để có thông tin về giá các sản phẩm cung cấp tại Việt Nam. Các đơn vị này cũng phải cung cấp danh sách các đại lý phân phối chính thức tại Việt Nam; cung cấp giá nhập khẩu các mặt hàng kinh doanh và giá của linh kiện, phụ kiện thiết bị; giá bảo trì sau bán hàng. Tất cả các thông tin này phải được công khai làm cơ sở tham khảo.
Cùng ngày, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – TC (Bộ Y tế), cho biết sau khi tập hợp báo cáo của các đơn vị về việc mua sắm thiết bị phòng chống dịch Covid- 19, bộ này đã có báo cáo gửi lên Chính phủ.
Quảng Ninh thanh tra toàn diện việc mua sắm vật tư chống dịch
Trao đổi với Thanh Niên chiều 25.6, ông Điệp Văn Chiến, Chánh thanh tra tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Chúng tôi không thanh tra chuyên đề về việc mua máy Realtime PCR tự động mà thanh tra toàn diện công tác mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ chống đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, kết luận sẽ có muộn hơn so với các tỉnh, TP khác”.
Theo Sở Y tế Quảng Ninh, đơn vị này được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp hơn 186 tỉ đồng phục vụ mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến tháng 6.2020, đơn vị đã sử dụng hơn 100 tỉ đồng (Thanh niên, trang 2).
70 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo, đến chiều 25.6, Việt Nam đã 70 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong số 352 ca mắc Covid- 19 tại Việt Nam, có 212 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay; 329 bệnh nhân (BN) đã được điều trị khỏi.
Hầu hết các BN đang được điều trị tại các cơ sở y tế hiện có sk ổn định, 19 BN còn dương tính với Covid-19; 4 BN đã có 1 – 2 lần âm tính; 9.437 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (Thanh niên, trang 3).
Cảnh báo nguy cơ bị sốc nhiệt khi làm việc, tập luyện dưới nắng nóng
Ngày 25-6, theo tin từ Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày nắng nóng gay gắt gần đây, mô hình bệnh tật cũng có sự thay đổi theo hướng gia tăng các bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
Tại Khoa Cấp cứu A9 của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị một số bệnh nhân liên quan trực tiếp đến nắng nóng, như: Say nắng, sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời nhưng cần cố gắng tránh thời điểm từ 11h đến 15h.
Ngoài việc bảo đảm đầy đủ các phương tiện chống nắng, sau một khoảng thời gian nhất định ở ngoài trời cần phải tìm chỗ mát tạm nghỉ 10-15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung nước.
Trong những ngày cao điểm nắng nóng như hiện nay, người cao tuổi nên tập thể dục trong nhà bằng các bài tập nhẹ nhàng và nơi luyện tập phải thoáng mát (Hà Nội mới, trang 1).
Bệnh nhân phi công người Anh có thể xuất viện hồi hương
Báo cáo ngày 25-6 của Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cho biết bệnh nhân phi công người Anh đã hồi phục tốt, tâm lý ổn định, “cần thêm ít thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động”.
Báo cáo này cũng cho biết cơ quan cung cấp bảo hiểm cho bệnh nhân sẽ là đơn vị tiếp nhận bệnh nhân để bàn giao cho y tế Anh. Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị và đánh giá các tiêu chí an toàn để bệnh nhân có thể xuất viện hồi hương bằng đường hàng không.
Việc đánh giá sẽ bao gồm đáp ứng với gắng sức, chức năng vận động… Ngày 25-6, bệnh nhân đã trải qua 14 ngày cai máy thở, được tăng cường tập phục hồi chức năng, bệnh nhân đã tự đứng được, đi được đoạn ngắn…
Ngày 25-6, Bộ Y tế cho biết trong số 23 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện, có 4 bệnh nhân có tiến triển nặng thêm (2 người trong số này tiên lượng nặng), những bệnh nhân còn lại không có biểu hiện lâm sàng (Tuổi trẻ, trang 14).