Điểm báo ngày 26/8/2021

(CDC Hà Nam)

Kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng làm trưởng ban; Đồng hành F0 tại nhà; TPHCM: Khánh thành trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19; Hà Nội: Một phường có nguy cơ trở thành ổ dịch nghiêm trọng; Bộ Y tế điều chỉnh quy định về cách ly với trẻ em

Kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng làm trưởng ban

Ngày 25-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 1438/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Theo quyết định, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo có 4 Phó Trưởng ban gồm các đồng chí: Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Thành viên Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Trần Văn Sơn, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo Quốc gia trực tiếp chỉ đạo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; kiểm tra, đôn đốc các ban, bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch; điều động và hỗ trợ theo thẩm quyền các nguồn lực cho địa phương phòng, chống dịch khi cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng quyết định thành lập 8 Tiểu ban. Bao gồm:

Tiểu ban Y tế do đồng chí Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Tiểu ban.

Nhiệm vụ của Tiểu ban Y tế là chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị người nhiễm Covid-19, tiêm chủng… và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất các dịch vụ y tế cần thiết; sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh; tham mưu việc huy động, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế tại các địa phương khi cần thiết; xây dựng kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh.

Tiểu ban An ninh trật tự xã hội do Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng Tiểu ban.

Tiểu ban An ninh trật tự xã hội có nhiệm vụ chỉ đạo bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; tổ chức chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội; truy vết, cách ly, khoanh vùng và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Tiểu ban An sinh xã hội do Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng Tiểu ban.

Nhiệm vụ của Tiểu ban An sinh xã hội là chỉ đạo việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại các khu vực tăng cường giãn cách xã hội; chăm lo đời sống người dân, tổ chức hỗ trợ tại các vùng, địa phương có dịch, quan tâm người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh Covi-19…

Tiểu ban Tài chính, hậu cần do đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Tiểu ban.

Tiểu ban Tài chính, hậu cần có nhiệm vụ chỉ đạo và hướng dẫn việc bảo đảm kinh phí, phân bổ và quản lý việc sử dụng kinh phí phòng, chống dịch; chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện việc mua sắm vaccine, vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc… phục vụ phòng, chống dịch bệnh; tổ chức thực hiện các phương án mua sắm dự phòng để sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng tại chỗ của địa phương; đề xuất xây dựng các chế độ, chính sách đối với các lực lượng phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu.

Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa do đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Tiểu ban.

Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa có nhiệm vụ chỉ đạo việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không để ách tắc các hoạt động cung ứng.

Tiểu ban Vận động và huy động xã hội do đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng Tiểu ban.

Tiểu ban Vận động và huy động xã hội có nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Tiểu ban Dân vận do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm Trưởng Tiểu ban.

Tiểu ban Dân vận có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức vận động, động viên các tầng lớp nhân dân chủ động, tự giác tuân thủ và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Tiểu ban Truyền thông do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng Tiểu ban.

Tiểu ban Truyền thông có nhiệm vụ chỉ đạo và hướng dẫn việc cung cấp thông tin bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (Sài Gòn giải phóng, trang 2; Tuổi trẻ, trang 4; Hà Nội mới, trang 1).

Đồng hành F0 tại nhà

Chăm sóc F0 cách ly tại nhà là mô hình đang được TPHCM áp dụng nhằm giảm thiểu số ca F0 chuyển nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Các đội hình “Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh” sẽ là một giải pháp hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.

Từ toa thuốc, đội phản ứng nhanh 

Sở Y tế TPHCM vừa cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” phiên bản 1.3. Theo đó, người F0 phải đáp ứng các yêu cầu về khả năng tự chăm sóc cũng như đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất có thể được chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Theo toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà được cung cấp, Sở Y tế chia sẻ các thuốc điều trị tại nhà gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng virus, thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống (chỉ định cho trường hợp F0 có triệu chứng sớm của suy hô hấp và chưa liên hệ được nhân viên y tế để hướng dẫn, hỗ trợ). Thuốc kháng viêm corticoid, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Dexamethasone (người lớn 6mg/lần/ngày; trẻ em 0,15mg/kg/ngày, tối đa 6mg/ngày, uống sau khi ăn). Prednisolone (người lớn 40mg/lần/ngày; trẻ em 1mg/kg/ngày, tối đa 40mg/ngày, uống sau khi ăn). Methylprednisolone (người lớn 16mg/lần, uống 2 lần/ngày cách 12 giờ; trẻ em 0,8mg/kg/lần, 2 lần/ngày cách 12 giờ, tối đa 32mg/ngày, uống sau khi ăn).

Trong khi đó, đội hình “Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh” gồm 52 y bác sĩ thuộc Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM và lực lượng phản ứng nhanh vừa tình nguyện tư vấn, khám chữa bệnh cho các F0 điều trị tại nhà ở quận Phú Nhuận. Đội hình này sẽ cung cấp thuốc và các trang thiết bị y tế cần thiết cho việc điều trị F0 tại nhà, bao gồm 14 loại thuốc đông – tây y kết hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, đội hình sẽ thực hiện kết nối trực tuyến theo dõi F0 tại nhà, kịp thời tư vấn hướng dẫn các biện pháp cần thiết khi có vấn đề phát sinh.

Theo ông Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM, đội hình sẽ rà soát những trường hợp F0 tại nhà, hướng dẫn người dân tự chăm sóc, theo dõi diễn biến tâm lý và kịp thời hỗ trợ điều trị. Nếu có diễn tiến nặng hơn, đội phản ứng nhanh sẽ hướng dẫn bệnh nhân tới cơ quan y tế gần nhất để điều trị. Dự kiến thời gian tới, Hội Thầy thuốc trẻ sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện khác để đồng hành cùng F0 tại nhà.

Đến mô hình chăm sóc F0 tại nhà

Trường ĐH Y Dược TPHCM triển khai mô hình chăm sóc F0 tại nhà ở quận 8, quận 10 và đang mở rộng sang các quận huyện khác. Mô hình có 2 đội: Đội 1 giám sát từ xa và Đội 2 cấp cứu ngoại viện do trường tổ chức, có sự gắn kết với địa phương. Tại quận 10, Đội 1 đã triển khai trên 14 phường với 41 tổ giám sát từ xa. Đội 2 cấp cứu ngoại viện với 20 giường cấp cứu, 8 bác sĩ, 12 điều dưỡng, 8 sinh viên và hộ lý chia làm 3 ca, 4 kíp, làm việc 24/7. Mỗi tổ tư vấn sẽ chăm sóc sức khỏe cho 20 – 30 ca F0. Mỗi 2 – 3 ngày, bác sĩ sẽ chủ động gọi hỏi thăm sức khỏe, khám bệnh, chăm sóc bệnh nhân, không chờ F0 có triệu chứng mới gọi. Về đêm, khi F0 có sự cố sức khỏe thì gọi trực tiếp bác sĩ đang theo dõi cho mình. Khi bệnh nhân suy hô hấp hay có vấn đề khác, Đội 1 sẽ liên hệ Đội 2 đưa F0 về trạm cấp cứu. Nếu F0 sau xử lý ổn định sẽ được đưa về nhà để Đội 1 tiếp tục theo dõi. Trường hợp F0 xử lý xong mà vẫn nặng thì sẽ chuyển lên bệnh viện tầng trên.

Tương tự, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng thành lập mô hình Tổ y tế từ xa, gồm các chuyên gia, y bác sĩ, sinh viên năm cuối của trường nhằm tư vấn từ xa cho F0 cách ly tại nhà. Mô hình đang triển khai tại quận 10 và TP Thủ Đức. Tổ y tế từ xa kết nối với hệ thống y tế địa phương để nắm bắt danh sách F0, phối hợp tham gia khám bệnh tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, đưa thuốc, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa.

Cùng với những kênh, mô hình chính thống đồng hành cùng F0, nhiều tổ chức y tế, bác sĩ uy tín khác cũng tham gia tư vấn, hỗ trợ F0. Điển hình như bác sĩ Trương Hữu Khanh, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đã lập fanpage tư vấn F0 tại nhà được nhiều người theo dõi. “Ngay từ những ngày đầu khi có người thân trong gia đình mắc Covid-19, nên chuẩn bị sẵn: thuốc hạ sốt, vitamin C, thuốc dành cho những bệnh nhân có bệnh nền mãn tính, đặc biệt nếu chuẩn bị được máy đo nồng độ oxy thì càng tốt. Nhưng quan trọng khi bệnh trở nặng, người nhà cần ổn định tâm lý thật tốt cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân tập thở đều, tránh gây hoang mang, lo lắng cho người bệnh. Nếu bệnh nhân thở nhanh trên 30 lần/phút, nồng độ oxy (SpO2) tụt liên tục <93%, gia đình gọi ngay 115 hay 1055 và các đường dây nóng của y tế địa phương để được nhập viện điều trị”, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

TPHCM: Khánh thành trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19

Ngày 25-8, Trung tâm H.O.P.E (Trường Mầm non Họa Mi 2, số 11 Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 5, TPHCM) do Bệnh viện Hùng Vương thành lập chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm này ra đời với mục đích hỗ trợ các bé có mẹ bị mắc Covid-19 trong giai đoạn chưa có gia đình đón về.

Theo TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, từ tháng 4-2021 đến nay, Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận gần 1.000 thai phụ, trong đó với khoảng 500 trẻ có mẹ mắc Covid-19 được sinh tại bệnh viện. May mắn tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 trong nhóm này rất thấp, chỉ dưới 1%. Đứng trước thực trạng quá tải trẻ sơ sinh bình thường, Bệnh viện Hùng Vương đã nhận được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND TPHCM thành lập Trung tâm H.O.P.E. Trong vòng 1 tuần, cùng với sự chung tay của UBND quận 5, Trường Mầm non Họa Mi 2 và Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, Bệnh viện Hùng Vương đã đưa hàng chục bé về Trung tâm để chăm sóc.

Bệnh viện Hùng Vương với vai trò là chủ quản, sẽ cung cấp các quy trình chuyên môn cũng như tập huấn cho các cô bảo mẫu là những tình nguyện viên về kỹ năng, kiến thức tốt nhất trong chăm sóc trẻ sơ sinh. Tổ chức thăm khám hàng ngày, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu khi cần. Đặc biệt, công tác giao nhận trẻ cho người thân cũng đã được xây dựng quy trình chặt chẽ để đảm bảo tránh nhầm lẫn và an toàn cho trẻ.

Trung tâm H.O.P.E mong muốn đồng hành và chăm sóc các bé chu đáo trong những tuần đầu sau sinh mà không có mẹ và gia đình ở bên cạnh (Sài Gòn giải phóng, trang 11; Công an nhân dân, trang 4; Nhân dân, trang 8).

Hà Nội: Một phường có nguy cơ trở thành ổ dịch nghiêm trọng

Sáng 25/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Chỉ huy trưởng chống dịch COVID-19 thành phố đến kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn quận Thanh Xuân. “Hiện nay Thanh Xuân đang là địa bàn nguy cơ cao nhất”, ông Chu Ngọc Anh nói. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đến kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân. Trong thời điểm Chủ tịch UBND thành phố đi kiểm tra, một số người dân vẫn đi lại trong khu phong tỏa. Ông Chu Ngọc Anh nêu rõ đây là những “lỗ hổng” trong “vùng đỏ” rất nguy hiểm và yêu cầu bố trí các chốt trực thành 3 lớp, đảm bảo nghiêm giãn cách nhà với nhà, người với người trong khu cách ly…

Tại buổi làm việc, Sở Y tế Hà Nội cho biết ở Thanh Xuân đã có 10/11 phường ghi nhận ca bệnh COVID-19. Riêng ở ổ dịch tại ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, đến thời điểm cuộc làm việc đã ghi nhận 42 ca dương tính với SARS-CoV-2. Sở Y tế đề nghị quận Thanh Xuân tăng cường lực lượng, bố trí chốt trực ở các ngách trong các khu phong tỏa ở ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi; thành lập ít nhất 15 tổ giám sát COVID-19 để thực hiện kiểm soát, kịp thời lẫy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần để nhanh chóng bóc tách F0 khỏi cộng đồng.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, qua đánh giá sơ bộ, ở vùng lân cận nơi phát sinh ca bệnh trong ổ dịch này, có thể có nguồn lây là người bán rau thường xuyên đến chợ đêm Ngã Tư Sở. Ông Tuấn đề xuất xét nghiệm toàn bộ tiểu thương ở chợ đêm Ngã Tư Sở để sàng lọc nguy cơ. Từ thực tế kiểm tra, đại diện Công an thành phố Hà Nội khẳng định, tại cơ sở, việc thực hiện các biện pháp phòng dịch trong khu phong tỏa vẫn chưa chặt; chưa bố trí 3 lớp; ý thức người dân trong khu phong tỏa chưa tốt. Công an thành phố đề nghị Công an phường Thanh Xuân Trung giám sát chặt chẽ hơn khu phong tỏa; 1 tiếng đi tuần tra 1 lần, tuyên truyền thông tin bằng loa đến từng ngách kết hợp với xử phạt nghiêm vi phạm để tránh lây lan dịch bệnh trong khu cách ly y tế…

Nguy cơ cao nhất

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh ghi nhận sự sự nỗ lực của quận Thanh Xuân với các chỉ đạo khá đẩy đủ; đã làm tốt công tác chống dịch cho đến khi xuất hiện tình huống mới khi có ổ dịch ở ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi. Ông Chu Ngọc Anh nêu, liên tiếp trong các tuần qua các “vùng đỏ”, điểm nóng xuất hiện và được kiểm soát từng bước ở một số quận huyện theo từng tuần. “Hiện nay Thanh Xuân đang là địa bàn nguy cơ cao nhất”, ông Chu Ngọc Anh nói. Ông cũng đặt câu hỏi “Bà con nhân dân có biết mình đang ở khu vực nguy cơ nhất Thủ đô không?” để nhắc nhở công tác tuyên truyền phải hiệu quả hơn để người dân nhận thức đúng, thực hiện nghiêm giãn cách.

Để tập trung xử lý ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nêu rõ một số việc cần làm ngay. Các phương châm, nguyên tắc thành phố đã đặt ra cụ thể, các lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát chặt khu phong tỏa.

“Cách gì thì cách, không thể để nhà F0 mà không có dấu hiệu cảnh báo. Lực lượng y tế và công an cần vào cuộc ngay, từ yếu tố dịch tễ, khoanh chặt vùng lõi trong khu phong tỏa. Vùng đỏ nhất trong vùng đỏ phải được thiết lập khu vực riêng. Tuyệt đối không để người dân nhà này sang nhà kia. Phải có cách làm cụ thể, mạnh mẽ để thực hiện việc này”, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu. Chủ tịch thành phố yêu cầu phải thiết lập chốt ở đúng vùng trọng điểm, khóa cứng vùng lõi trong ổ dịch, sau đó mới tới vai trò tự quản của nhân dân; huy động đoàn thể tham gia, tính toán phương án an toàn cho người cao tuổi tham gia giám sát cộng đồng. Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý, người trong các khu tập thể ở địa bàn phải “ai ở đâu ở nguyên đó” để giữ nguyên hiện trạng phục vụ công tác truy vết nhanh chóng hơn. “Đây không chỉ câu chuyện của một phường. Có thể huy động lực lượng các cấp để chi viện trong lúc nóng bỏng”, ông Chu Ngọc Anh nêu. Liên quan đến việc xét nghiệm, ông Chu Ngọc Anh đánh giá, từ căn cứ khoa học, việc lấy mẫu chưa “quét” trúng vùng đỏ, nhóm đỏ, nên mới có chuyện bùng phát dịch bệnh. Vì vậy quận cần xem xét xét nghiệm theo dịch tễ, di biến động của F0, F1, tranh thủ từng giờ, từng ngày để nhanh chóng sàng lọc. “Toàn bộ người trong khu phong tỏa đều phải coi là F1, phải xét nghiệm. Ai không thực hiện thì phải đưa đi cách ly tập trung”, Chủ tịch Chu Ngọc Anh nói. Chủ tịch thành phố đặc biệt yêu cầu quận Thanh Xuân phải ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ chu đáo hàng hóa thiết yếu cho người dân trong khu phong tỏa. “Phải chặn dịch bệnh ngay từ gốc. Các đồng chí phải nhanh hơn nữa, chú ý từng việc nhỏ. Thiếu ở đâu thì Quận ủy, UBND quận phải quyết đáp ngay. Các sở ngành phải bám cơ sở cùng quận để nhanh chóng xử lý khu vực nguy cơ rất cao này”, ông Chu Ngọc Anh chỉ đạo (Tiền phong, trang 4; An ninh thủ đô, trang 3; Hà Nội mới, trang 3).

Bộ Y tế điều chỉnh quy định về cách ly với trẻ em

Hướng dẫn mới của Bộ Y tế vừa ban hành hôm nay 25-8, trong đó có nhiều thay đổi về quy định cách ly với trẻ em. Theo Bộ Y tế, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại hầu hết các địa phương trên cả nước và nhiều trẻ em phải cách ly, theo dõi, điều trị do bị nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19.

Bên cạnh đó, một số trẻ em nhập cảnh Việt Nam cũng thuộc đối tượng phải cách ly phòng, chống dịch COVID-19.

Trẻ đi cách ly phải được chăm sóc tinh thần, giảm lo âu

Để đảm bảo điều kiện sinh hoạt an toàn, thuận lợi cho trẻ em trong thời gian thực hiện cách ly, theo dõi, điều trị, Bộ Y tế (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) hướng dẫn trường hợp người nhà cùng đi cách ly chăm sóc trẻ phải có cam kết tự nguyện cách ly cùng trẻ em, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Trường hợp người chăm sóc trẻ em không thể đi cùng, ở cùng để chăm sóc trẻ thì chính quyền địa phương bố trí người chăm sóc cho trẻ, hoặc chỉ định cán bộ trong cơ sở y tế/cơ sở cách ly tập trung hoặc người tình nguyện chăm sóc trẻ. Người đó phải có kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, hỗ trợ trẻ em, đảm bảo trẻ được duy trì liên lạc với gia đình, người thân, giảm tối đa sự khủng hoảng, căng thẳng, lo âu của trẻ em.

Đối với trẻ em dưới 16 tuổi là người Việt Nam, có tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19, sẽ thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với người nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Cơ quan y tế sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ em và người nhà của trẻ theo quy định về cách ly tại nhà. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Trẻ em và thân nhân nhập cảnh đã tiêm đủ vắc xin: chỉ cách ly 7 ngày

Đối với trường hợp trẻ em dưới 18 tuổi là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cùng thân nhân, trường hợp trẻ và thân nhân đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ trước khi xuất cảnh), có giấy chứng nhận tiêm chủng, sẽ thực hiện cách ly tập trung 7 ngày và theo dõi sức khỏe 7 ngày kế tiếp.

Đối với trẻ em và thân nhân nhập cảnh khi chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin ngừa COVID-19, thực hiện cách ly tập trung 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh, tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà trong 7 ngày tiếp theo, tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 28 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Đối với trẻ em dưới 18 tuổi là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh nhưng người chăm sóc trẻ em đang ở Việt Nam, trẻ thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú cùng người chăm sóc trẻ em trong 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Các cơ sở cách ly cần đảm bảo có đủ nước sạch, an toàn vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng, bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại bạo lực bao gồm xâm hại tình dục, chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ em đang thực hiện cách ly tại cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Công văn này thay thế hướng dẫn ngày 7-2 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi.

Trong thời gian qua, dù Bộ Y tế có hướng dẫn về cách ly với trẻ em là F1, F2 nhưng nhiều tỉnh thành vẫn thực hiện không đúng quy định, đưa cả trẻ sơ sinh là F1 đi cách ly tập trung (Tuổi trẻ, trang 4; Tiền phong, trang 4).

Cần bổ sung dinh dưỡng vào gói an sinh cho F0

Sáng 25-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo UBND quận 12 và huyện Hóc Môn (TP.HCM) về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Sau khi lãnh đạo quận 12 và huyện Hóc Môn báo cáo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam rất quan tâm đến việc chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho các bệnh nhân COVID-19 (F0), nhất là những người đang cách ly, tự theo dõi điều trị tại nhà.

Khi đi kiểm tra việc phòng chống dịch COVID-19 tại một số khu phố, ông Đam cũng trao đổi với lực lượng cơ sở ở khu phố, tổ dân phố đang chăm lo lương thực, thực phẩm cho người dân những ngày qua.

Theo ghi nhận, hiện các khu phố, tổ dân phố đang đảm bảo khá tốt việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, trong đó có người F0. Tuy nhiên, trong các gói an sinh đang thiếu hoa quả, sữa. Ít địa phương tổ chức được việc nấu cháo dinh dưỡng cung cấp thêm cho người nhiễm COVID-19.

Ông Đam chia sẻ, qua kiểm tra thực tế và báo cáo của các địa phương cho thấy việc chăm lo an sinh xã hội, thuốc men cho F0 được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, để chăm sóc tốt nhất cho F0, hạn chế các ca tăng nặng phải nhập viện điều trị, các địa phương phải chú ý chăm lo chế độ dinh dưỡng cho các F0.

Phó thủ tướng nêu công thức “4-3-3” và phân tích, để các F0 nhanh chóng hết mắc COVID-19 thì 40% nhờ thuốc, 30% dinh dưỡng và 30% tinh thần.

Theo ông Đam, về thuốc điều trị hiện đã có cơ quan y tế lo, vì vậy địa phương nên tập trung chăm lo dinh dưỡng và tinh thần cho người dân.

Từ đó, ông Đam yêu cầu các địa phương nghiên cứu để gói hỗ trợ thực phẩm cho người F0 ngoài thuốc, phải có thêm trái cây và cháo dinh dưỡng.

Ông Đam gợi ý, một số địa phương hiện nay vận động cô giáo ở các trường học để tổ chức nấu cháo cho người dân, sau đó huy động lực lượng tổ dân phố, khu phố đưa đến cho người dân (Tuổi trẻ, trang 14).

Đinh Hạnh tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 17/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/4/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/7/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận