Điểm báo ngày 28/12/2018
9 sự kiện tiêu biểu của ngành y năm 2018; Hà Nội không có các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm
9 sự kiện tiêu biểu của ngành y năm 2018
- Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong sản xuất vắc-xin cúm mùa “3 trong 1”, vắc-xin sởi do Việt Nam sản xuất được chủ tịch JICA trao giải thưởng quốc tế. Ngày 25-9-2018, Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC – Bộ Y tế) phối hợp với các bên liên quan công bố thử nghiệm thành công vắc-xin cúm mùa “3 trong 1” gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc-xin cúm tiền đại dịch A/H5N1. Đây là loại vắc-xin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí.
- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận Việt Nam là quốc gia đã “xoá sổ” được bệnh giun chỉ bạch huyết.
Ngày 8-10-2018, tại Manila, Philippines, trong kỳ họp lần thứ 69 khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva và trưởng đại diện WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã trao chứng nhận công nhận Việt Nam loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết nâng tổng số quốc gia đã công bố loại trừ bệnh này trong khu vực lên 11 nước. Tại Việt Nam, bệnh giun chỉ bạch huyết đã được biết đến từ lâu và đã từng là một trong những bệnh gây tàn phế hàng đầu cho người mắc bệnh. Bệnh do một số loại giun chỉ bạch huyết gây nên và được lây truyền bởi muỗi rất phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới do điều kiện khí hậu nóng và ẩm.
- Việt Nam được nhận giải thưởng toàn cầu của Quỹ Bloomberg vì những nỗ lực và thành tích trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Lần đầu tiên, các chuyên gia Việt Nam thực hiện ghép phổi thành công và tiến hành lấy đồng thời 6 tạng từ cùng một người cho chết não để ghép cho 5 bệnh nhân. Trong đó, cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở TP HCM. Sau hơn 10 ngày được ghép tạng, tất cả 6 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.
- Tỉ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,5%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao.
- 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc.
- Năm đầu tiên, xây dựng mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, theo hướng hội nhập quốc tế để tiến tới nhân rộng toàn quốc.
- Cắt giảm trên 70% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và 98% các lô hàng nhập khẩu thuộc Bộ Y tế quản lý không thông qua kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu.
- Năm đầu tiên Việt Nam chuyển đổi vắc-xin Quinvaxem sang sử dụng vắc xin ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là vắc-xin phối hợp phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Loại vắc-xin này do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010 và đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO, vắc-xin đã được sử dụng tại 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Hà Nội không có các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm
Sở Y tế Hà Nội cho biết, năm 2018, trên địa bàn Hà Nội không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm; hầu hết các bệnh truyền nhiễm có số ca mắc phải giảm so với năm 2017 như sốt xuất huyết, ho gà… Một số bệnh có số ca mắc tăng nhưng đã được khống chế kịp thời như sởi, tay chân miệng, dại, viêm não Nhật Bản.
Tính từ đầu năm đến ngày 20-12, toàn thành phố ghi nhận 4.258 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca bệnh tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết giảm 88,7% so với năm 2017; 511 trường hợp mắc bệnh sởi, tăng mạnh so với năm 2017 (85 trường hợp mắc phải), không có bệnh nhân tử vong.
Các ca mắc sởi rải rác tại 246 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 69%), mắc bệnh do chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ; 2.121 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp ba so với năm 2017 (764 trường hợp mắc), không có ca tử vong. Các ca mắc nhiễm rải rác tại 471 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã, hầu hết các ca mắc nhẹ và thường tự khỏi…
Do chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh nên cơ bản bệnh đã được kiểm soát, các ổ bệnh được phát hiện, xử lý kịp thời, không có ca bệnh thứ phát, không có ổ bệnh lớn, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh.
Để có được kết quả trên, trong năm 2018, hệ thống giám sát dịch bệnh từ thành phố đến cơ sở tiếp tục được củng cố, tăng cường, cán bộ làm công tác giám sát dịch thường xuyên được cập nhật những hướng dẫn mới của Bộ Y tế. Ngành y tế chủ động giám sát dịch tễ, giám sát véc tơ và yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm các ca mắc tại cộng đồng và cơ sở y tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo xu hướng phát triển của dịch bệnh để có biện pháp phòng chống hiệu quả.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và các quận, huyện, thị xã đã phân tích kịp thời số liệu, đưa ra dự báo xu hướng phát triển của bệnh dịch và đề xuất biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Công tác xử lý khu vực có bệnh nhân, ổ bệnh, công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, rửa tay bằng xà phòng và các hoạt động chủ động khác được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên địa bàn Hà Nội, năm 2019, ngành y tế Hà Nội tiếp tục chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh, xử lý dịch kịp thời triệt để; thực hiện tốt các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh và hoạt động cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh dịch, không để bùng phát thành dịch lớn; đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh mới nổi xâm nhập… (An ninh thủ đô, trang 6).
Hội Nam y Việt Nam: bảo tồn giá trị thuốc Nam của người việt
Ngày 27/12, tại Hà Nội, Hội Nam y đã báo cáo kết quả tổng kết hơn 1 năm thành lập. Từ 10 hội viên, đến nay đã có gần 100 hội viên phủ khắp 4 miền cả nước…
Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của các hội viên, Chi hội, Hội Nam y Việt Nam đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn bà con, với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng… (Khoa học & Đời sống, trang 2).
Cắt túi mật có gần 400 viên sỏi
Chiều nay, 27-12, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện E đã phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt túi mật cho một bệnh nhân nữ, 60 tuổi, ở TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên).
Bệnh nhân này phát hiện bị sỏi túi mật từ năm 2014 nhưng do bệnh tình không có các triệu chứng gây đau nên chỉ tiến hành điều trị nội khoa tại bệnh viện tuyến tỉnh. Quá trình điều trị, bệnh tình của bệnh nhân vẫn âm thầm tiến triển, trở thành viêm túi mật mãn tính tái đi tái lại nhiều lần.
Kết quả cho thấy, túi mật của bệnh nhân có nhiều sỏi lấp đầy, thành mật dày do viêm mãn tính, không có dịch mật. Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt túi mật cho bệnh nhân (Nhân dân, trang 5).