Điểm báo ngày 28/5/2019

(CDC Hà Nam)
 Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá: Khói thuốc vẫn mịt mù tại các Bệnh viện; Gian nan thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng; Suy thận nặng, hoại tử sau khi uống thuốc cảm sốt; Dịch bệnh sởi giảm, số ca mắc sốt xuất huyết tăng…

Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá: Khói thuốc vẫn mịt mù tại các Bệnh viện

Các hoạt động Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ 25-31/5/2019 với chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi” đang được triển khai rộng rãi ở Việt Nam. Các chế tài xử lý hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đã được ban hành cách đây nhiều năm, song hầu như chưa có tác động đến thói quen hút thuốc tùy tiện, bừa bãi của nhiều người. Tại hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế, nhiều người vẫn vô tư hút thuốc, nhả khói như không có chuyện gì xảy ra … (Lao động, trang 1).

Gian nan thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng

Theo Bộ Y tế, thuốc kém chất lượng ở nước ta tuy chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 1,32% và thuốc giả dưới 0,1%, nhưng mỗi năm cả nước cũng phát hiện vài trăm loại thuốc không bảo đảm chất lượng phải thu hồi.

Tuy nhiên, việc thu hồi thuốc kém chất lượng không mấy khi được thực hiện triệt để, nghiêm túc, khiến cho người bệnh phải gánh chịu nhiều hậu quả tai hại cả về sức khỏe và kinh tế.

Người bệnh gánh chịu

Tính từ đầu năm 2019 tới nay, Cục Quản lý dược và sở y tế các tỉnh thành đã có hàng loạt quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc kém chất lượng, thuốc giả có chủng loại khá đa dạng, từ những loại thuốc cảm cúm, kháng sinh, thuốc bổ thông thường cho tới một số thuốc đặc trị ngoại nhập.

Điển hình, mới đây nhất, Cục Quản lý dược đã đình chỉ lưu hành và yêu cầu  Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương (Codupha) là đơn vị nhập khẩu phải thu hồi 4 lô thuốc chống dị ứng viên nén bao phim Cetirizine tablets 10mg (SĐK: VN-19406-15), do Công ty Windlas Biotech Private Limited (Ấn Độ) sản xuất, vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan và định lượng. Trước đó, loại thuốc điều trị dạ dày Peridom-M (SĐK: VN-16046-12) cũng do một công ty dược của Ấn Độ sản xuất và Công ty cổ phần Dược phẩm Tenamyd (Việt Nam) nhập khẩu cũng phải thu hồi vì chất lượng không đảm bảo…

Còn nhiều loại thuốc khác mà các cơ quan chức năng đã có quyết định đình chỉ và yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân thuốc phải thu hồi trong thời gian qua. Tuy nhiên đáng lo ngại, hầu hết các loại thuốc khi bị phát hiện kém chất lượng đều đã có mặt rộng rãi trên thị trường trong thời gian dài.

Thực trạng này khiến việc các thu hồi thuốc kém chất lượng gặp nhiều khó khăn, phức tạp và ảnh hưởng rất lớn tới người bệnh. Thậm chí, không ít loại thuốc đã bị đình chỉ, thu hồi, nhưng sau một thời gian dài vẫn thấy xuất hiện trên thị trường. Trao đổi với phóng viên, một dược sĩ phụ trách nhà thuốc khá lớn tại đường Hai Bà Trưng (quận 1) cho biết: Việc thu hồi thuốc kém chất lượng phải do công ty phân phối thực hiện, nhà thuốc không có quyền thu hồi và cũng không biết loại thuốc nào bị đình chỉ lưu hành và thu hồi.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi thuốc, không có mấy đơn vị cung cấp, phân phối sốt sắng thực hiện, thậm chí ngay cả khi nhà thuốc biết được và đề nghị đơn vị phân phối đến nhận thuốc phải thu hồi mang về, họ cũng chẳng quan tâm! Còn đại diện một công ty dược thì cho rằng, việc thu hồi thuốc kém chất lượng trên thị trường là không đơn giản, vì hệ thống phân phối dược phẩm ở nước ta có nhiều khâu trung gian nên doanh nghiệp sản xuất, phân phối có thuốc phải thu hồi rất khó khăn khi truy xuất lại nguồn gốc đã được phân phối, cung cấp tới những đâu.

Đứng ở góc độ chuyên môn, dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho rằng thuốc giả, thuốc kém chất lượng thường có chứa lượng hoạt chất ít hoặc nhiều hơn hàm lượng quy định, không có hoạt chất hoặc là chứa một thành phần hoạt chất khác. Thường thì bệnh nhân rất khó để phân biệt một sản phẩm là thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã bị thu hồi.

Sử dụng những loại thuốc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng, mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống người bệnh. Bệnh nhân uống phải thuốc kém chất lượng không những không khỏi bệnh mà còn “rước” thêm bệnh. Nhẹ thì ngộ độc, nặng thì có thể dẫn tới suy thận, suy gan, nhiễm trùng máu và tử vong.

Thu hồi mới chỉ trên… văn bản

Một chuyên gia ngành dược thẳng thắn thừa nhận, khi phát hiện ra thuốc kém chất lượng, ngành chức năng chỉ biết ra quyết định thu hồi, nhưng trên thực tế không ai chịu trách nhiệm chính để giám sát việc thu hồi khẩn cấp và thu hồi triệt để các thuốc kém chất lượng.

Tuy nhiên, các báo cáo về kết quả thu hồi thuốc lại chẳng mấy khi được cơ quan quản lý, hay nhà sản xuất, nhà nhập khẩu công khai cụ thể lượng sản phẩm đã tiêu thụ bao nhiêu, còn lại bao nhiêu để có biện pháp giải quyết xử lý, nên chỉ có người bệnh phải gánh chịu mọi hậu quả. Vì thế, không quá khó hiểu khi thuốc đã có quyết định thu hồi vẫn ngang nghiên tồn tại ở quầy bán lẻ thuốc.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc kém chất lượng luôn là mối nguy hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân ở nhiều quốc gia, đặc biệt các nước đang phát triển và các nước kém phát triển là nơi tỷ lệ thuốc kém chất lượng lưu hành khá cao.

Lý giải về việc thuốc kém chất lượng có chiều hướng gia tăng, nhiều chuyên gia cho rằng trước hết xuất phát từ thói quen sử dụng thuốc tùy tiện của người bệnh, như mua, bán thuốc không đơn, không chỉ dẫn của bác sĩ. Cùng với đó, việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu sản xuất đầu vào và kiểm định chất lượng sản phẩm làm ra còn nhiều hạn chế.

Để xử lý triệt để tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, đại diện Cục Quản lý dược cho biết Bộ Y tế và các địa phương đang tập trung hoàn thành ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng với tất cả nhà thuốc trên toàn quốc nhằm kiểm soát giá thuốc, nguồn gốc và chất lượng thuốc.

Cùng với đó, tiến hành triển khai đề án kết nối thông tin trong hệ thống kiểm nghiệm nhằm cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình lấy mẫu, kết quả kiểm tra chất lượng, qua đó xử lý triệt để thuốc không đạt chất lượng. Đồng thời sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định 176/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh thực hiện chương trình thuốc an toàn, tăng cường thanh tra, kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Suy thận nặng, hoại tử sau khi uống thuốc cảm sốt

Dị ứng do dùng thuốc xảy ra không phổ biến nhưng khá nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong cao, do đó cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc.

Mới đây, Bệnh viện (BV) Quốc tế City (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân Oum Sokun  (48 tuổi, quốc tịch camphuchia) trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp nặng phải thở máy, phù toàn thân, không có nước tiểu, hồng ban xuất huyết chằng chịt trên mình, hoại tử da nghiêm trọng.

Nguy kịch sau khi uống thuốc cảm sốt

Người nhà bệnh nhân cho biết trước khi nhập BV năm ngày, ông Sokun bị cảm, người mệt mỏi nên mua thuốc Tây về uống. Ít giờ sau đó, bệnh nhân cảm thấy mệt, khó thở, khắp người nổi ban đỏ, phù toàn thân.

Tại BV này, các bác sĩ (BS) ghi nhận bệnh nhân bị hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc, nguyên nhân do dị ứng thuốc. Bệnh đã diễn tiến đến tổn thương đa cơ quan, suy thận cấp nặng, xuất huyết tiêu hóa…

Bệnh nhân được cấp cứu chăm sóc tích cực bằng nhiều liệu pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, thách thức là cơ địa bệnh nhân dị ứng rất cao với hầu hết các loại thuốc, thậm chí cả với sữa và một số thực phẩm dinh dưỡng nên quá trình điều trị kéo dài trên hai tháng. Sau gần 100 ngày, bệnh nhân mới hồi phục.

Cách đây gần một tháng, BV Chợ Rẫy TP.HCM cũng tiếp nhận một cụ bà mắc hội chứng hoại tử lan tỏa và mất thượng bì do độc tố (Lyell) rất nặng. Theo lời người nhà cụ bà MTT (80 tuổi, ngụ Đồng Nai), vào giữa tháng 4, cụ bị cảm sốt và được con cho đi khám và điều trị, dùng thuốc tại một phòng khám tư gần nhà. Sau hai ngày, cơ thể cụ bắt đầu xuất hiện nhiều bóng nước và vùng miệng lở loét, cụ được BV tuyến huyện chữa trị hai ngày và tiếp tục được chuyển lên BV Chợ Rẫy TP.HCM do tình trạng quá nặng. Sau hơn hai tuần điều trị dùng thuốc chống dị ứng, kháng sinh, kháng viêm liều cao và các loại băng gạc đặc biệt để hỗ trợ cho các vết thương liên tục lở loét, cụ bà mới hồi phục.

Cách đây không lâu, BV Nhi đồng TP.HCM cũng tiếp nhận một bé gái (bảy tuổi, ngụ Tiền Giang) trong tình trạng sốt cao, nổi ban ở da, kết mạc mắt bị viêm đỏ. Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết trước đó bốn ngày, bệnh nhi bị sốt, ho, sổ mũi, ngứa vùng kín. Gia đình đưa bệnh nhi đến khám, mua thuốc uống tại một phòng khám tư nhân ở địa phương. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc, bé bị nổi hồng ban đỏ ở mặt, sau đó lan rộng ra các bộ phận khác nên nhập BV cấp cứu. Bệnh nhi được xác định mắc hội chứng Stevens-Johnson do dị ứng thuốc và được điều trị tích cực.

Bệnh ngày càng phổ biến

Theo BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy TP.HCM, hội chứng Stevens-Johnson và Lyell được coi là hai thể trong các giai đoạn diễn tiến của cùng một bệnh và Lyell nặng hơn dựa trên phần trăm diện tích cơ thể tổn thương. BS Hùng cho biết thêm, 80% bệnh nhân mắc hội chứng Lyell tại các nước đang phát triển có liên quan đến thuốc. Nguy cơ gây bệnh trong khoảng tám tuần từ khi dùng thuốc. Có tới 20%-25% các trường hợp ở trẻ em không thể xác định rõ thuốc gây dị ứng.

BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết thêm dù tỉ lệ mắc bệnh toàn thế giới không cao nhưng tại khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân mắc hội chứng Stevens -Johnson và Lyell đến điều trị khá phổ biến, gần như tuần nào cũng có bệnh nhân.

Theo BS Thơ, không riêng gì thuốc cảm, tất cả loại thuốc đều có thể gây dị ứng, kể cả thuốc bổ vì đều là chất lạ đối với cơ thể. Cơ thể những người mắc hội chứng này khi nhận ra chất lạ liền phản ứng dữ dội với chất đó.

Ngoài thuốc, các nguyên nhân và yếu tố gây ra hội chứng Lyell có thể kể ra như tình trạng nhiễm khuẩn, yếu tố vật lý (nắng nóng, tia cực tím, người mắc bệnh lý ung thư biểu hiện ra da…) liên quan gen. Một số nguyên nhân hiếm gặp có thể gây ra hai hội chứng trên bao gồm: vaccine, chất cản quang, phơi nhiễm hóa chất bên ngoài, thức ăn…

Ước lượng tỉ lệ mắc mới cho cả hội chứng Stevens-Johnson, Lyell và thể hỗn hợp giữa hai hội chứng này khoảng 2-7/1 triệu người mỗi năm.

Người mắc hai hội chứng này có tiền sử dùng thuốc hoặc tình trạng ốm đau. Dùng thuốc thường trước khởi phát triệu chứng 1-4 tuần, trung bình là 14 ngày nhưng có thể khởi phát chỉ sau 48 giờ hoặc muộn hơn.

ThS-BS Đào Thị Mỹ Vân, Phó Giám đốc y khoa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Quốc tế City, cho hay các thuốc hay gặp gây ra hội chứng này bao gồm: Allopurinol, Carbamazepine, Lamotrigine, Nevirapine, NSAIDs, Phenobarbital, Phenytoin, Sulfamethoxazole, Sulfasalazine. Cho đến nay, cơ chế miễn dịch được xem là cơ chế bệnh sinh chính được ghi nhận. Bệnh tuy hiếm gặp nhưng rất nặng, đe dọa đến sinh mạng người bệnh vì gây ra thương tổn đa cơ quan, tỉ lệ tử vong trong cá thể nặng ghi nhận 5%-30%.

BS Mỹ Vân khuyến cáo bất kỳ ai cũng có thể xảy ra phản ứng dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào đó. Tại thời điểm này có thể không bị dị ứng nhưng có thể sẽ dị ứng ở thời điểm muộn hơn. Đôi lúc phản ứng dị ứng sẽ trở nên nặng nề hơn ở lần dùng thuốc thứ hai do những biến đổi trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do vậy chỉ nên uống thuốc khi bị bệnh, chỉ uống thuốc theo toa của BS, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà không có ý kiến của BS, không nên sử dụng những thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thành phần. BS cần thận trọng hỏi kỹ bệnh nhân về tiền sử dị ứng thuốc trước khi kê toa thuốc cho bệnh nhân, nhất là các nhóm thuốc kể trên.

Triệu chứng hội chứng Stevens-Johnson

Bệnh nhân thường sốt trên 39 độ C và xuất hiện các triệu chứng cúm 1-3 ngày khi có tổn thương da, niêm mạc. Bệnh nhân sợ ánh sáng và ngứa. Bỏng rát kết mạc hoặc nuốt đau có thể là triệu chứng sớm của tổn thương niêm mạc. Bệnh nhân mệt mỏi, đau cơ, đau khớp. Ban đầu nổi các ban đỏ, nếu kèm theo sốt trên 38 độ C và xuất hiện bóng nước là dấu hiệu chỉ điểm phát triển thành hội chứng Stevens-Johnson hoặc Lyell. Tiếp đến bệnh nhân bị tổn thương da, xuất huyết da và tiến triển thành hoại tử, hình thành các mụn nước. 90% bệnh nhân bị tổn thương niêm mạc miệng và môi. 80% tổn thương niêm mạc mắt, hầu hết là viêm kết mạc kèm tiết dịch mủ, loét giác mạc. Tổn thương sinh dục, niệu đạo. Ngoài ra, bệnh nhân có thể biến chứng cấp tính suy thận, rối loạn chức năng đa cơ quan, nhiễm khuẩn tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh, viêm phổi, suy hô hấp, tổn thương dạ dày…  (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 12).

Dịch bệnh sởi giảm, số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Ngày 27-5, theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 20-5 đến 26-5), hầu hết dịch bệnh trên địa bàn thành phố đều có số mắc giảm so với các tuần trước đó, đặc biệt là bệnh sởi có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, tuần qua, thành phố ghi nhận 70 trường hợp mắc sởi (giảm 11 trường hợp so với tuần trước đó). Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.344 trường hợp mắc sởi, hiện 1.309 trường hợp đã khỏi, chỉ còn 35 trường hợp đang điều trị và chưa có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết lại bắt đầu có xu hướng gia tăng. Bởi theo chu kỳ, dịch bệnh này thường tăng vào các tháng mùa hè do thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Cụ thể, trong tuần ghi nhận 83 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 64 trường hợp so với tuần trước đó).

Lũy tích năm 2019, Hà Nội đã ghi nhận 326 trường hợp mắc sốt xuất huyết, hiện 261 trường hợp đã khỏi, chỉ còn 65 trường hợp đang điều trị và chưa có trường hợp tử vong.

Ngoài ra, kết quả giám sát tại một số khu vực trọng điểm về bệnh sốt xuất huyết đã có sự gia tăng về chỉ số nguy cơ như: Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); phường Trung Tự và phường Phương Liên (quận Đống Đa); phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai); xã Cự Khê (huyện Thanh Oai); xã Tiền Phong (huyện Mê Linh), xã Tân Triều (huyện Thanh Trì). (Hà Nội mới, trang 1).

Phẫu thuật thành công cho trẻ có não thoát xuống mũi

Bệnh nhi Rơ Chăm Khang đã 5 tuổi nhưng chỉ nặng 13kg vì mắc phải căn bệnh hiếm gặp – thoát vị não vùng mũi – trán. Đây là ca bệnh khó và hiếm gặp khi một phần não của bệnh nhi thay vì ở trên hộp sọ đã di chuyển xuống sống mũi khiến trẻ không phát âm và ăn uống được bình thường. Bệnh nhi Rơ Chăm Khang đã 5 tuổi nhưng chỉ nặng 13kg vì mắc phải căn bệnh hiếm gặp – thoát vị não vùng mũi – trán. Đây là ca bệnh khó và hiếm gặp khi một phần não của bệnh nhi thay vì ở trên hộp sọ đã di chuyển xuống sống mũi khiến trẻ không phát âm và ăn uống được bình thường. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng não thoát vị như quả ổi nằm kéo dài từ trán xuống giữa sống mũi, tiếp xúc trực tiếp với đường thở và đường ăn nên không ăn được và khó thở. Tất cả dây thần kinh não trán thái dương tụt xuống sống mũi.

Bác sĩ TS. Lê Nam Thắng, Phó trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, thông thường với những bệnh này cần thực hiện 2 đợt phẫu thuật nhưng vì gia đình không có điều kiện đi lại nên bác sĩ Thắng quyết định mổ trong 1 thì kéo dài khoảng 7 tiếng liên tục. Các bác sĩ đã sử dụng những vật liệu tốt nhất như titan, keo sinh học để vá và tạo hình hộp sọ cho bệnh nhi. Sau 10 ngày phẫu thuật trẻ đang tập nói vì trước khi mổ trẻ bị khuyết vòm họng nên nhiều khi nói mà không ai hiểu bé nói gì. Sau 1 tuần điều trị bé Khang đã tăng được 3kg.

Các chuyên gia thần kinh đánh giá đây là một ca bệnh nặng, mổ khó đòi hỏi gây mê hồi sức đặc biệt mới có thể phẫu thuật được. Nếu không mổ tốt gây rò dịch não tuỷ xuống mũi họng gây viêm não màng não. Khối não thoát vị lớn dần theo khuôn mặt và tụt dần xuống. Trước mắt, bác sĩ đã tạo hình lại hốc mũi bằng chính xương của bệnh nhi. Thứ 5 tới bệnh nhân được xuất viện và sau 6 tháng nữa sẽ  khám lại.

Phát hiện sớm dị tật tránh hậu quả nặng nề

Bác sĩ Thắng cho biết, trung bình mỗi tháng bệnh viện phẫu thuật cho 1 bệnh nhi bị dị tật bẩm sinh thoát vị não – màng não vùng mũi – trán. Nếu phát hiện mổ vá sớm thì chức năng hô hấp phát âm không bị ảnh hưởng. Đây là dị tật hệ thần kinh trung ương khá hiếm gặp. Tần suất 1/6000 trẻ. Theo thống kê, tại Việt Nam, bệnh này thường tập trung ở các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Nguyên nhân là do khiếm khuyết bẩm sinh xương ở vùng sàn sọ trước nên có sự thông thương giữa sàn sọ và vùng hàm mặt. Từ đó, các cấu trúc thần kinh bên trong sọ (mô não, màng não, dịch não tủy) chui qua lổ khuyết xương này đi xuống dưới và thoát vị ra ngay vùng mũi – trán như một khối u giữa mặt. Việc chẩn đoán tương đối dễ dàng. Bất kỳ trẻ sơ sinh nào phát hiện có khối u lớn vùng tiếp giáp giữa mũi – trán cần nghi ngờ đến bệnh này và nên được chuyển đến các bệnh viện Nhi có chuyên khoa Ngoại Thần Kinh để xử trí.

Đặc điểm của khối thoát vị này là một khối mềm chứa nhiều dịch não tủy hoặc hỗn hợp gồm mô não và dịch não tủy. Ấn lõm vào nhưng sau đó lại phồng lên nhanh chóng. Khối này có thể thay đổi kích thước theo mỗi nhịp tim và nhịp thở của bé, gây biến dạng nặng khuôn mặt, đẩy hai nhãn cầu ra xa, vẹo trục mũi hoặc không có xương mũi, đôi khi gây tắc nghẽn nghiêm trọng sự thông khí hai mũi, gây viêm hô hấp trên kéo dài, hoặc gây cản trở việc cho bú. Nếu không điều trị sẽ phát triển to lên rất nhanh theo thời gian do mô não, dịch não tủy tiếp tục thoát vị xuống dưới, gây khiếm khuyết thần kinh và mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Nếu không điều trị thường các cháu dễ bị sang chấn tâm lý nặng nề do bị kỳ thị và khó hòa nhập vào cộng đồng. Việc chẩn đoán trước sinh có thể biết trước được dị tật này để có cách xử lý kịp thời tránh gây hậu quả nặng nền cho trẻ trong tương lai. (Tiền phong, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/8/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/4/2022

CDC Hà Nam

Khuyến cáo phòng, chống các bệnh dịch mùa đông xuân

Ngọc Nga

Để lại bình luận