Điểm báo ngày 29/01/2021

(CDC Hà Nam)
Bộ Y tế huy động tổng lực giúp Hải Dương dập dịch; Ban Chỉ đạo: Tinh thần là khoanh gọn nhất, dập nhanh nhất có thể, không để dịch lây lan rộng; Lấy mẫu xét nghiệm gần 300 nhân viên sân bay Vân Đồn; …

Bộ Y tế huy động tổng lực giúp Hải Dương dập dịch

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “thần tốc chống dịch”, Bộ Y tế đã huy động tổng lực trợ giúp Hải Dương, ngày 27/1 Bộ Y tế đã ban hành công điện số 88/CĐ-BYT về việc hỗ trợ ngành y tế Hải Dương thực hiện điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm và điều trị COVID-19.

Theo đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội, và Trường Đại học Y tế Công cộng hỗ trợ thực hiện xét nghiệm COVID-19; Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Trường Cao đẳng Dược Trung ương – Hải Dương hỗ trợ điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm gửi các đơn vị được giao thực hiện xét nghiệm COVID-19; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có trách nhiệm tổ chức thiết lập khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Xác định đợt bùng phát dịch lần này tại Hải Dương có thể diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo: “Trợ giúp và phối hợp chặt chẽ với Hải Dương và Quảng Ninh khống chế dịch nhanh chóng và hiệu quả là trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên y tế. Chúng ta cần phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được từ đợt hỗ trợ miền Trung chống dịch trong tháng 7-8/2020 để thực hiện tốt việc giám sát, điều tra dịch tễ và triển khai kịp thời các biện pháp khẩn cấp đáp ứng phòng chống dịch, xét nghiệm và điều trị tại khu vực này. Bên cạnh đó cần chú ý đợt dịch này liên quan tới virus SARS-CoV-2 chủng mới, nên cần đề cao cảnh giác, bảo đảm an toàn cho lực lượng y tế tham gia chống dịch tại đây”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các lực lượng chi viện của Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Hải Dương và ngành y tế của tỉnh khẩn trương tăng tốc thực hiện truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành cách ly y tế tập trung, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát tình hình sức khỏe; Khẩn trương thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, tiếp tục triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp có các biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp để phát hiện sớm và kịp thời.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, sáng sớm 28/1, 39 chuyên gia, kỹ thuật viên xét nghiệm thuộc 4 đơn vị của Bộ Y tế đã tới Hải Dương. GS. TS. Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) trực tiếp chỉ đạo toàn bộ công tác xét nghiệm tại Hải Dương cho biết 4 cán bộ của NIHE trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, sau đó vận chuyển về phòng xét nghiệm của Viện để thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR và giải trình tự gene với các mẫu dương tính.

Sau khi lấy mẫu trong ngày, NIHE sẽ phân bổ các mẫu cho 4 phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương, ĐH Y Hà Nội, BV Bạch Mai và NIHE để thực hiện xét nghiệm. Tổng số lấy mẫu trong ngày 28/01 khoảng 2.000 mẫu. Viện VSDT TW sẽ điều phối để thực hiện xét nghiệm hết ngay trong đêm nay.

Đến 14h30 ngày 28/1, BV Bạch Mai đã vận chuyển về 800 mẫu để thực hiện xét nghiệm. Đại học Y Hà Nội cử 29 cán bộ (24 cán bộ lấy mẫu, 03 cán bộ xét nghiệm, 02 cán bộ hỗ trợ), mang theo trang thiết bị lấy mẫu để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm theo điều phối của GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai.

Trường Y tế công cộng đã cử nhóm đầu tiên gồm 03 kỹ thuật viên xuống Hải Dương phối hợp lấy mẫu xét nghiệm. Cuối ngày sẽ vận chuyển mẫu xét nghiệm về phòng xét nghiệm của trường để thực hiện xét nghiệm RT-PCR.

PGS.TS Đinh Thị Diệu Hằng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho hay nhà trường đã huy động được 1.180 giảng viên và sinh viên năm cuối tham gia chống dịch, đồng thời chỉ đạo Bệnh viện của Trường, Labo sinh học phân tử lập kế hoạch bố trí nhân lực, chuẩn bị thiết bị, vật tư, hóa chất. sinh phẩm để tham gia lấy mẫu, xét nghiệm khi có yêu cầu

Trường Cao đẳng Dược Trung ương- Hải Dương đã giao cho đoàn thanh niên triệu tập các thành viên đã đăng ký tham gia làm tình nguyện viên phòng chống dịch và tiếp tục kêu gọi sinh viên đăng ký tham gia. Sinh viên tình nguyện được nhà trường giao cho Bộ môn Y sinh tập huấn các biện pháp phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch được giao.

Về công tác điều trị, Th.BS Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) được giao trực tiếp chỉ đạo toàn bộ công tác điều trị tại Hải Dương. Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết: Hải Dương đã thành lập bệnh viện điều trị COVID-19 đặt tại Trung tâm y tế thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương với quy mô hơn 200 giường chịu trách nhiệm về điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

“Trước mắt sẽ tận dụng trang thiết bị và nhân lực tại chỗ, đối với những bệnh nhân nặng sẽ chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tất cả các lực lượng đang tập trung để triển khai các biện pháp như rà soát nhân lực, trang thiết bị… để bệnh viện sớm đi vào hoạt động. Dự kiến ngày mai (29/01), bệnh viện điều trị COVID-19 tại Hải Dương sẽ chính thức đi vào hoạt động” – ông Khoa cho hay (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Ban Chỉ đạo: Tinh thần là khoanh gọn nhất, dập nhanh nhất có thể, không để dịch lây lan rộng

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhấn mạnh: Chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tinh thần dịch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nhưng có thể nói ổ dịch ở TP. Chí Linh (Hải Dương) và sân bay Vân Đồn phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn những lần chúng ta phát hiện trước đây.

Ngay sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, cuối giờ sáng 28/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục họp với Thường trực Ban Chỉ đạo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tinh thần dịch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nhưng có thể nói ổ dịch ở TP. Chí Linh (Hải Dương) và sân bay Vân Đồn phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn những lần chúng ta phát hiện trước đây.

Điều quan trọng nhất là chúng ta phải phản ứng nhanh nhất có thể. Đây là chúng mới lây lan rất nhanh nên ngay sau khi nhận được thông tin tôi hoan nghênh tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Bộ Y tế  không lãng phí một giờ phút nào, vào cuộc ngay lập tức khi có thông tin.

Ngay trong ngày 27/1, Bộ Y tế đã cử các lực lượng hỗ trợ xuống Hải Dương; Thường trực Ban Chỉ đạo có cuộc họp khẩn. Sau khi có kết quả khẳng định đối với 2 trường hợp lây nhiễm, Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục họp trực tuyến khẩn ngay trong đêm với hai tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Tinh thần là khoanh gọn nhất, dập nhanh nhất có thể, không để dịch lây lan rộng.

“Nhờ chúng ta làm rất nhanh, thần tốc nên sáng nay đã có kết quả xét nghiệm của các mẫu F1 và chúng ta chưa bao giờ phát hện cùng lúc nhiều ca dương tính như vậy (82 ca).

Điều này một mặt phản ánh biến thể mới của virus lây lan rất nhanh nhưng cũng thể hiện hai tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bộ Y tế đã làm rất thần tốc, tập trung. Quan trọng nhất là chúng ta phải tiếp tục truy vết thật nhanh các trường hợp F1, F2, F3 để xác định các khu vực cần phong toả, những khu vực cần áp dụng biện pháp cách ly xã hội và những khu vực nào cần có biện pháp cao hơn mức bình thường”- Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, cho biết đầu giờ chiều nay Thủ tướng Chính phủ sẽ ký chỉ thị để Hải Dương, Quảng Ninh, nhất là các tỉnh, thực hiện phòng chống dịch trong điều kiện mới, trên tinh thần kiên quyết giữ vững thành quả chống dịch, khoanh vùng, dập dịch, để giữ cho cuộc sống của nhân dân trong trạng thái bình thường mới một cách bình thường nhất có thể.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngay trong chiều 28/1, Ban Chỉ đạo Quốc gia sẽ họp trực tuyến với Ban Chi đạo tất cả các địa phương để quán triệt tinh thần này. Bởi vì dịch bệnh xảy ra ở Hải Dương cũng có thể xảy ra ở địa phương khác. Chúng ta có đường biên giới trên bộ, trên biển rất dài, đón chuyên gia nước ngoài, lao động kỹ thuật cao vào phục vụ mục tiêu kép, giải cứu người Việt Nam. Hơn nữa, virus SARS-CoV-2, như nhiều nước trên thế giới, vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong cộng đồng.

Cách đây 1 tuần, Chính phủ đã có những văn bản chỉ đạo các tỉnh về phòng chống dịch nhưng trong tình hình mới cần phải siết lại. Các bộ ngành thành viên trong Ban Chỉ đạo tập trung làm đúng theo chức năng của mình. “Nếu chúng ta làm đúng các hướng dẫn, quy trình theo đúng tinh thần thì chúng ta có lòng tin kiểm soát được dịch bệnh và cố gắng ở mức cao nhất để từ nay đến sát Tết tình hình kiểm soát tốt để nhân dân có một cái Tết yên bình”, Phó Thủ tướng nói.

Các thành viên ban Chỉ đạo thống nhất tại tất cả các sân bay, các điểm giao thông công cộng đông người, tất cả các cơ sở y tế, trường học, nhà máy, công sở, trung tâm thương mại, chợ phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, tự đánh giá và cập nhật lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).

Người đứng đầu các địa phương, các cơ quan phải trực tiếp kiểm tra, đánh giá tình hình, xác định cơ sở nào an toàn mới cho hoạt động. Đồng thời người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch.

Tính từ 6h sáng ngày 28/1 đến trưa nay, Ban Chỉ đạo đã công bố 84 ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng ở hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Dồn lực dập ổ dịch Covid-19 lớn nhất trong cộng đồng

Đến tối qua, đã xác định 98 ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong cộng đồng ở Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ), hôm qua (28.1) cả nước ghi nhận 105 bệnh nhân (BN) Covid-19 mới. Trong đó, có 7 ca nhập cảnh được cách ly ngay; 96 ca liên quan BN 1552 phát hiện tại Chí Linh (Hải Dương) và BN 1553 phát hiện tại Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh).

Cụ thể, BN 1552 (nữ, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam) là công nhân Công ty TNHH POYUN, có địa chỉ tại thôn Kim Điền, xã Hưng Đạo, TP.Chí Linh, Hải Dương. BN 1552 có giao tiếp gần với BN nữ được phát hiện dương tính sau khi nhập cảnh Osaka (Nhật Bản). Hiện BN 1552 được cách ly điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh (Hà Nội). BN 1553 (nam, 31 tuổi, quốc tịch Việt Nam ) là nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh), có địa chỉ tại P.Hồng Hà, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Do sốt, ho khan, đau họng, BN này đã tự đến BV tại địa phương khám và được xét nghiệm xác định mắc Covid-19. Hiện BN được cách ly điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh. Ngoài các BN liên quan ở Hải Dương, Quảng Ninh, hệ thống y tế còn ghi nhận 1 bệnh nhi ở Hải Phòng do có mẹ làm việc cùng BN 1552.

Với 98 ca mắc được ghi nhận, đây là ổ dịch trong cộng đồng lớn nhất được ghi nhận trong nước kể từ khi có dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Quyết tâm khoanh vùng, dập dịch trong 10 ngày

Trước sự bùng phát bất ngờ và quá nhanh chóng của dịch Covid-19 tại Quảng Ninh và Hải Dương, sáng 28.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập cuộc họp khẩn về đối phó với dịch ngay tại khu vực diễn ra Đại hội XIII của Đảng.

Chiều 28.1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐ, đã có cuộc họp với BCĐ các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19. Tại cuộc họp, Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Biến thể mới của SARS-CoV-2 lây lan rất nhanh, nên chúng ta phải nhanh hơn nó. Cần nhanh chóng trong vòng 10 ngày thực hiện khoanh vùng, truy vết, cách ly toàn bộ các ca liên quan ca bệnh, thì sẽ khống chế được ổ dịch và không bùng phát trong cộng đồng”.

Phó thủ tướng nhận định vừa qua có tỉnh còn làm hời hợt việc cập nhật bản đồ an toàn dịch. “Nếu làm nghiêm thì làm gì có chuyện xảy ra vụ dịch tại Chí Linh; nếu làm nghiêm việc phòng dịch thì nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn đã không bị nhiễm”, ông nói, đồng thời nhận định nguồn bệnh có thể qua 3 tình huống: có ca bệnh nằm sẵn trong cộng đồng; từ nhóm nhập cảnh hợp pháp đã được cách ly nhưng còn làm không nghiêm, bàn giao giám sát sau khi rời khu cách ly chưa chặt; và từ người nhập cảnh bất hợp pháp. Do đó, toàn dân phải vào cuộc, phát hiện, báo chính quyền khi ghi nhận ca nhập cảnh trái phép, không cách ly.

“Chí Linh là ổ dịch lớn như vậy là do phát hiện ca bệnh muộn sau 10 ngày, đã lây lan nhiều người. Do đó, khi có ca bệnh, phấn đấu 10 ngày phải khoanh vùng cách ly được hết. Với Hải Dương, chúng ta quyết tâm khoanh vùng, dập dịch trong 10 ngày”, Phó thủ tướng nói và lưu ý: “Không chỉ Hải Dương, các địa phương cũng cần thực hiện nghiêm ngặt đeo khẩu trang, xử phạt người không đeo khẩu trang phòng dịch. Bây giờ, không phải vặn vẹo pháp lý nào để xử phạt, mà cần đặt vấn đề sức khỏe người dân là trên hết, phải tập trung chống dịch”.

Dồn tổng lực cho Hải Dương

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 05, trong đó yêu cầu phong tỏa toàn bộ TP.Chí Linh và áp dụng nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31.3.2020 của Thủ tướng; thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ TP trong thời gian 21 ngày kể từ 12 giờ ngày 28.1 theo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, thôn với thôn, xã với xã, phường với phường… Chỉ thị cũng yêu cầu tạm dừng tất cả hoạt động trường học, hoạt động công cộng, cơ sở vui chơi, giải trí, tập trung đông người, các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng từ TP.Chí Linh ra bên ngoài, trừ các trường hợp vì lý do công vụ hoặc trường hợp thật sự cần thiết; hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân; bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương quyết định áp dụng biện pháp đóng cửa, dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng chống dịch…

Đối với tỉnh Quảng Ninh, phải tạm dừng hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn kể từ 12 giờ ngày 28.1; giao Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định áp dụng biện pháp đóng cửa, dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng chống dịch…

Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người. Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các giải pháp về đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, xử lý nghiêm các vi phạm.

Trong khi đó, nhận định đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Hải Dương và Quảng Ninh diễn biến phức tạp, số ca bệnh có thể tăng lên trong những ngày tới, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo thiết lập 3 BV dã chiến tại Hải Dương để thực hiện điều trị tại chỗ các ca bệnh. Theo đó, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư có nhiệm vụ thiết lập BV dã chiến thứ nhất tại Trung tâm y tế Chí Linh. BV Bạch Mai thiết lập BV dã chiến thứ hai tại Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. BV dã chiến thứ ba sẽ được thiết lập tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Hải Dương.

Toàn bộ trang thiết bị của BV dã chiến được thiết lập tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) hồi tháng 8 năm ngoái sẽ được vận chuyển ra và lắp đặt tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Hải Dương. Bộ trưởng cũng chỉ đạo điều đội ngũ nhân lực y tế của Đà Nẵng đã có kinh nghiệm xử lý tình huống tương tự hồi tháng 7 – 8.2020 ra để giúp Hải Dương làm tốt công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Thiết lập hệ thống chốt kiểm soát

Tối 28.1, ông Hoàng Quốc Thưởng, Bí thư Thành ủy Chí Linh, cho hay TP.Chí Linh đã kích hoạt 156 tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng để theo dõi sức khỏe, hướng dẫn người dân tự giác khai báo y tế.

Trường đại học Sao Đỏ cơ sở 2, Trường cao đẳng Cơ giới và Trung tâm y tế cũ của TP.Chí Linh được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung. Tại thôn Kim Điền, xã Hưng Đạo, TP.Chí Linh (nơi cư trú của BN 1552), từ ngày 27.1 chính quyền đã lập 13 chốt kiểm soát dịch bệnh để phong tỏa thôn này. Theo ghi nhận của Thanh Niên, đường sá, đồng ruộng ở thôn Kim Điền ngày 28.1 vắng hẳn bóng người. Ngược lại, chiều 28.1 hàng trăm người trong xã đã được đưa đến trụ sở cũ của UBND xã Hưng Đạo để làm xét nghiệm. Còn tại Công ty TNHH điện tử POYUN Việt Nam (KCN Cộng Hòa, TP.Chí Linh), đoàn công tác của Bộ Y tế và tỉnh Hải Dương vẫn đang xét nghiệm cho hàng nghìn người. Công an đã bố trí nhiều chốt kiểm soát vòng quanh công ty này. Đến 19 giờ ngày 28.1, việc xét nghiệm tại đây vẫn tiếp tục.

UBND TP.Chí Linh cho biết sẽ khôi phục hoạt động của các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại các trục đường với 32 chốt. Tương tự, từ 13 giờ 30 ngày 28.1, Quảng Ninh đồng loạt lập chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào ở các cửa ngõ. Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã yêu cầu các địa phương tập trung tối đa nhân lực trong truy vết và sàng lọc đến F4 và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ngay khi có danh sách. Tỉnh tạm dừng toàn bộ các tuyến vận tải khách đường bộ, đường thủy liên tỉnh, nội tỉnh trên địa bàn, bao gồm cả phương tiện đi và đến từ 6 giờ ngày 28.1. Cùng với đó, toàn bộ học sinh, sinh viên các cấp học tạm nghỉ từ sáng 28.1; những cuộc họp không cần thiết đều được dừng lại để tập trung chống dịch; các hoạt động đông người được hạn chế tối đa… Đến tối 28.1, Quảng Ninh đã truy vết hơn 300 người là F1 của BN 1553; các địa phương trong tỉnh đang lập danh sách những người từng đến TP.Chí Linh (Hải Dương) trong 14 ngày qua.

Đáng chú ý, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Quảng Ninh, hàng nghìn người đã ra QL18 để đón xe, tìm cách về quê. Phần lớn trong số này là người ngoài tỉnh Quảng Ninh, gồm lao động tự do, khách du lịch… khiến bến cóc nở rộ. Tại Trạm thu phí cầu Bạch Đằng trên đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, taxi “dù” đỗ thành hàng dài để bắt khách từ Hà Nội, Hải Phòng “tăng bo” vào Quảng Ninh. (Thanh niên, trang 4; Tuổi trẻ, trang 1+2).

 

Nhiều tỉnh kích hoạt hệ thống phòng chống dịch

Ngay sau khi có thông tin xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng ở Quảng Ninh, Hải Dương, nhiều tỉnh, TP đã kích hoạt hệ thống phòng chống dịch Covid-19.

Hải Phòng

Ngày 28.1, UBND TP họp khẩn và triển khai truy vết BN nhiễm Covid-19 và ra văn bản yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc, giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng… Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, như vũ trường, karaoke, xông hơi, massage, bar, tiệm game, internet, các khu vui chơi giải trí, lễ hội được lệnh dừng hoạt động từ 18 giờ ngày 28.1. Dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách, các bến phà, bến đò với tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh từ 18 giờ ngày 28.1. Việc thi công cầu Quang Thanh và cầu Dinh phía Hải Dương cũng tạm dừng.

Từ 18 giờ 28.1, Hải Phòng thành lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 liên ngành tại các cửa ngõ ra, vào địa phương này bằng đường bộ. Các chốt sẽ được thiết lập tại các địa bàn giáp ranh chủ yếu giữa Hải Phòng với 2 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh…

Hà Nội

Chiều 28.1, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết theo thông báo từ phía Nhật Bản, chủng vi rút của Hải Dương thuộc chủng vi rút biến thể ở Anh, nên khả năng lây nhiễm cao hơn 70% chủng cũ, phù hợp với việc số BN tăng rất nhanh. Ông Hạnh cũng nhận định, Hải Dương, Quảng Ninh giao lưu rất nhiều ở Hà Nội, nên nguy cơ Hà Nội rất lớn, và những ngày tới có nguy cơ xuất hiện ca bệnh ở cộng đồng tại Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân về từ Chí Linh sau ngày 14.1, khởi động khai báo y tế ở tất cả các địa bàn. Các xe khách phải ghi lại thông tin của hành khách để thuận tiện cho việc truy vết khi cần thiết…

Đà Nẵng

UBND TP yêu cầu Sở VH-TT phối hợp Sở Xây dựng tạm dừng việc tháo dỡ Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn. Yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân nếu trở về từ Hải Dương (từ 13.1), Quảng Ninh (từ 18.1) hoặc có liên quan đến bệnh nhân (BN), những địa điểm, các trường hợp tiếp xúc với BN… thì chủ động khai báo ngay với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, kịp thời áp dụng các biện pháp can thiệp y tế phù hợp.

TP.HCM

Chiều 28.1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì cuộc họp khẩn với UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức để triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM. Theo báo cáo của ngành y tế, TP đã điều tra, xác định được 7 người từng tiếp xúc với BN 1553, tất cả đều đã được cách ly y tế và lấy mẫu làm xét nghiệm; trong đó 6 trường hợp âm tính lần 1, trường hợp còn lại đang chờ kết quả. TP cũng đã phong tỏa, khử trùng một số địa điểm liên quan các ca F1 của BN 1553…

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu ngành y tế, các cơ quan khác, UBND quận huyện và TP.Thủ Đức thông báo rộng rãi để mọi người dân biết tình hình diễn biến dịch bệnh chính xác trên phạm vi cả nước và trên địa bàn TP.HCM; vận động tuyên truyền người dân chủ động khai báo y tế khi đi về từ địa phương có dịch, để cách ly, xét nghiệm…

“Tất cả sự kiện dự định tổ chức và sẽ tổ chức trong thời gian sắp tới, các hoạt động chào đón năm mới thì tiếp tục thực hiện bình thường nhưng tuân thủ nghiêm giải pháp 5K, kiểm soát được phòng chống dịch. Những nơi nào có nguy cơ cao (quá tải số người dự) thì giãn cách, không tập trung đông người. Những sự kiện nào chưa có chủ trương thì tạm thời chưa bàn đến. TP.HCM sẽ có chỉ đạo theo từng tình huống. Cố gắng để người dân ăn tết ngon lành”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói. (Thanh niên, trang 5).

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp khẩn ứng phó dịch Covid-19

Sáng 28-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập cuộc họp khẩn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại phòng họp thuộc Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, nơi Đại hội lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra.

Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng… Cuộc họp được tổ chức sau khi phát hiện hai ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng (một ca Hải Dương và một ca Quảng Ninh).

Ca bệnh 1552 (BN 1552): Nữ, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam, nghề nghiệp: công nhân công ty TNHH POYUN, có địa chỉ thường trú tại Kim Điền, xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bệnh nhân có giao tiếp gần với bệnh nhân nữ được phát hiện dương tính sau khi nhập cảnh Osaka (Nhật Bản). Bệnh nhân đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm tối 27-1 cho thấy bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Ca bệnh 1553 (BN 1553): Nam, 31 tuổi, quốc tịch Việt Nam, nghề nghiệp: nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn, có địa chỉ thường trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Do có biểu hiện sốt, ho khan, đau họng, bệnh nhân đã tự đến bệnh viện khám. Bệnh viện đã lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm tối 27-1 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Ninh khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Trước đó, chiều và tối muộn 27-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có liên tiếp hai cuộc họp khẩn với lãnh đạo Bộ Y tế và hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương. Sau khi nhận được thông tin từ phía Nhật Bản về việc phát hiện một phụ nữ Hải Dương dương tính với SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh vào Osaka; ngày 27-1 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã cử ngay đoàn công tác của Bộ Y tế gồm lãnh đạo và chuyên gia chống dịch của ba đơn vị, bao gồm Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Môi trường y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tới Hải Dương hỗ trợ địa phương triển khai điều tra, giám sát dịch tễ và các biện pháp khẩn cấp đáp ứng phòng, chống dịch…

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: sau 55 ngày không có ca lây nhiễm mới, chúng ta đã ghi nhận hai ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta đã phản ứng cương quyết, kịp thời, thái độ dứt khoát, mạnh mẽ hơn. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, hai tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh đã có những biện pháp hết sức quyết liệt như truy vết, khoanh vùng, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục thực hiện biện pháp hành chính mạnh mẽ như không cho người từ Hải Dương, Quảng Ninh di chuyển ra ngoài tỉnh; tiếp tục sàng lọc, tìm nguồn gốc, ổ dịch lây nhiễm; lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, Hải Dương, Quảng Ninh trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Thủ tướng cũng yêu cầu khoanh vùng, cách ly truy vết thần tốc trên diện rộng nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh.

Sau khi nghe báo cáo Ban Chỉ đạo và của Bộ Y tế, Thủ tướng đề nghị phải công khai, nhưng không để người dân hoang mang bằng cách phổ biến kịp thời các biện pháp, quyết liệt và cụ thể của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế trong phòng, chống dịch thời gian qua. Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế, đặc biệt là hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh phải chủ động tiếp tục các biện pháp quyết liệt như truy vết và khoanh vùng. (Nhân dân, trang 5; Lao động, trang 1; Phụ nữ Việt Nam, trang 10; Tiền phong, trang 13; An ninh thủ đô, trang 6; Hà Nội mới, trang 1; Công an nhân dân, trang 1).

 

Hải Dương giãn cách xã hội ngăn Covid-19 lây lan

Đó là khẳng định của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng khi trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đại hội XIII của Đảng sáng 28/1.

Trao đổi với báo chí sáng 28/1, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết, Hải Dương đã quyết liệt, thần tốc phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế tiến hành các biện pháp chống dịch Covid-19.

Các lực lượng đã truy vết, lấy mẫu xét nghiệm 2.340 công nhân cùng nơi làm việc với bệnh nhân tại Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam ở khu công nghiệp Cộng Hòa, xã Cộng Hòa (Chí Linh) và mở rộng xét nghiệp các đối tượng thuộc thuộc diện F1, F2, F3.

Đặc biệt, từ 12 giờ trưa nay, Hải Dương sẽ áp dụng biện pháp cách ly phong tỏa phường Cộng Hòa, áp dụng các biện pháp cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Toàn địa bàn tỉnh sẽ áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Dừng các hoạt động tập trung đông người; Yêu cầu các cơ sở sản xuất chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định Hải Dương sẽ quyết tâm phấn đấu khống chế dịch bệnh trước Tết Nguyên đán.

Trước mắt, tỉnh sẽ dừng bắn pháo hoa dịp Tết. Yêu cầu người dân chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch Covid-19.

Trước khi diễn ra Đại hội, tỉnh đã phân công các đồng chí đại diện cấp ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Hải Dương sẽ giữ vững thế chủ động trong phòng chống dịch.

Sáng cùng ngày, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đã dự cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ngay tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Ngày 28/1, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã được Thường trực Ban Bí thư cho phép về tỉnh để chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Lấy mẫu xét nghiệm gần 300 nhân viên sân bay Vân Đồn

Toàn bộ gần 300 nhân viên sân bay quốc tế Vân Đồn, bao gồm 159 nhân viên CHKQT Vân Đồn và nhân viên của các đơn vị khác làm việc tại sân bay đã và đang được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Theo đại diện Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn, chuyến bay gần nhất từ nước ngoài về Vân Đồn là ngày hôm qua (27/1), là chuyến bay xuất phát từ Nhật Bản. Trước đó, hôm 5/1, Vân Đồn cũng đón 1 chuyến bay giải cứu, nhưng qua 14 ngày không phát hiện dấu hiệu nhiễm Covid-19 nào.

Hiện nay, toàn bộ gần 300 nhân viên sân bay quốc tế Vân Đồn, bao gồm 159 nhân viên CHKQT Vân Đồn và nhân viên của các đơn vị khác làm việc tại sân bay đã và đang được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Đợt xét nghiệm đầu tiên diễn ra ngay 4 giờ sáng 28/1 và sẽ lấy mẫu tiếp số còn lại trong ngày 28/1.

Được biết, nam nhân viên là BN1553 là nhân viên an ninh sân bay, làm ở bộ phận giám sát hình ảnh camera ở sân bay. Nhân viên này thuộc biên chế của Cảng Nội Bài – Hà Nội, được thuê làm việc tại Cảng Vân Đồn từ khi sân bay đi vào hoạt động. Đáng nói, BN1553 không liên quan đến hoạt động khai thác nên từ trước đến nay BN 1553 không tham gia làm nhiệm vụ đối với các chuyến bay giải cứu, không tiếp xúc với hành khách trên các chuyến bay trở về từ nước ngoài tại sân bay

Lãnh đạo Cảng HKQT Vân Đồn cho hay, ngay sau khi phát hiện BN1553, sân bay Vân Đồn cũng lập tức tiến hành phun khử trùng, khử khuẩn bổ sung trên diện rộng với toàn bộ các khu vực trong sân bay và luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Cục Hàng không, kể cả phương án tạm dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Trong sáng 28/1, toàn bộ các chuyến bay dự kiến đến ,đi từ sân bay Vân Đồn đã được điều chuyển về sân bay khác theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam. Hiện, sân bay Vân Đồn đang khai thác đường bay TP.HCM-Vân Đồn hàng ngày, với hai hãng bay Vietjet Air và Bamboo Airways.

Từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và lan rộng toàn cầu đến nay, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đã được Chính phủ chỉ định và giao nhiệm vụ là 1 trong số các sân bay đón chuyến bay chở người Việt Nam từ các vùng dịch về nước, cũng như chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc.

Đến nay, sân bay đã đón tổng cộng hơn 180 chuyến bay, với hơn 38.000 hành khách, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không xảy ra các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách và nhân viên sân bay, toàn thể cán bộ nhân viên đều phải nghiêm túc tuân thủ quy định phòng dịch ở mức cao nhất gồm mặc bảo hộ lao động, không đứng quá gần hay quá lâu với khách, đồng thời phun xịt khử trùng toàn thân và chủ động cách ly tại chỗ sau khi đón chuyến bay từ vùng dịch.

Sân bay Vân Đồn khẳng định luôn chấp hành đầy đủ và nghiêm ngặt quy trình phòng dịch trong mọi hoạt động đưa, đón các chuyến bay từ vùng dịch và các chuyến bay thương mại khác, theo đúng quy trình đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. (An ninh thủ đô, trang 7).

Thanh Huyền tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/9/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 07/6/2019

Mậu Ngọ

Điểm báo ngày 12/04/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận