Điểm báo ngày 29/10/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 29/10/2018

30 học sinh nhập viện sau khi ăn bánh mì chà bong; Không để “khoảng trống” trong quản lý an toàn thực phẩm; Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Bộ trưởng Bộ Y tế với giải pháp “kiềng ba chân” của ngành

30 học sinh nhập viện sau khi ăn bánh mì chà bông

Chiều 28-10 thông tin từ Bệnh viện (BV) quận Tân Phú cho biết, các bác sĩ tại khoa cấp cứu BV đã tiếp nhận khoảng 30 trường hợp trẻ em từ 7-12 tuổi được chẩn đoán nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn món bánh mì chà bông gà. Các bé vào viện với tình trạng ói mửa, sốt, đau bụng, đi ngoài, tiêu chảy.

Bác sĩ Lương Văn Sinh – Phó Giám đốc BV quận Tân Phú cho biết, trong các trường hợp nhập viện đều đã được xử lí theo hướng chẩn đoán nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Các bệnh nhi sau khi ổn có ca được về, ca nào chưa ổn thì được theo dõi tiếp tại khoa cấp cứu. Chiều 28-10 vẫn còn có 5, 6 em nặng đang nằm theo dõi, truyền dịch, truyền chất điện giải.

Sơ bộ ban đầu, người nhà bệnh nhân cho biết sáng cùng ngày khi dự lễ tại nhà thờ Tân Thái Sơn- phường Tân Quý, các bé có được ăn bánh mì chà bông gà, tới trưa, khoảng 11 giờ bắt đầu có những em đầu tiên có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy phải nhập viện cấp cứu. Khoa Cấp cứu – BV quận Tân Phú bắt đầu tiếp nhận bệnh nhi do người nhà đưa vào trong khoảng thời gian từ 11 giờ trưa cho đến khoảng 2 giờ chiều.

Theo một Thành viên thuộc Đoàn kiểm tra xác minh ngộ độc thực phẩm quận Tân Phú cho biết, hiện tại vụ việc đã được báo cáo lên Đội quản lý ATTP (số 6) thuộc quận Tân Phú và Ban Quản lý ATTP TP HCM cũng như lãnh đạo UBND quận Tân Phú. Theo đó, đã thực hiện niêm phong mẫu thực phẩm là bánh mì chà bông gà nghi ngờ nguyên nhân gây ngộ độc.

Về nguyên nhân gây ngộ độc cũng theo bác sĩ trên cho biết, món bánh mì chà bông do nhà thờ đặt ( khoảng 300 phần ) từ một cơ sở bán bánh mì trên địa bàn quận. Tuy nhiên cơ sở này đặt nguồn cung ứng chà bông từ một cơ sở SX chế biến chà bông tại Củ Chi. Các suất bánh mì được chuyển tới nhà thờ từ khoảng 16 giờ chiều 27-10 nhưng tới sáng 28-10 mới phát cho mọi người ăn. Do đó nghi ngờ bánh có thể bị vấy nhiễm vi sinh trong quá trình để qua đêm này.

Chiều tối 28-10 theo nguồn tin từ các bác sĩ cũng cho biết trong số ca nặng đã có 2 em phải chuyển lên khoa Cấp cứu- BV Nhi Đồng 1 TP. HCM do tình trạng bị choáng, tiêu chảy, mất nước nhiều.

Ngay khi tiếp nhận một lượng lớn bệnh Nhi, theo chỉ đạo của lãnh đạo BV, các bác sĩ đã triển khai tập trung cho việc cứu chữa cho các bệnh nhân. BV cũng không xảy ra tình trạng quá tải vì số giường cũng như thuốc men điều trị đã luôn sẵn sàng.

Được biết, theo dự kiến, ngày 29-10, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của quận Tân Phú sẽ thực hiện trực tiếp xuống kiểm tra cơ sở cung ứng bánh mì trên về công tác thực hiện ATVSTP, nếu phát hiện việc không đủ điều kiện SX, chế biến ATTP sẽ phải xử lý nghiêm. (Công an nhân dân trang 2, Lao động trang 3, Thanh niên trang 3)

 

Không để “khoảng trống” trong quản lý an toàn thực phẩm

Đó là khẳng định của bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, về kết quả thực hiện Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực (thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP).

Đã gần 10 ngày Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực (thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP), trong đó tăng mức phạt tiền 500.000 – 1.000.000 đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay… Tại TPHCM, công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm đã được các cơ quan triển khai quyết liệt. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, về kết quả thực hiện trong thực tế.

 PHÓNG VIÊN: Thưa bà, thành phố hiện có rất nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống và hàng ngàn điểm buôn bán thức ăn đường phố, liệu chúng ta có kiểm soát hết và có những biện pháp gì để đảm bảo an toàn thực phẩm?

 Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Hiện trên địa bàn TP có gần 47.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và khoảng 19.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Những hộ kinh doanh thức ăn đường phố cùng các hộ kinh doanh cá thể về sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống được phân cấp về cho các quận huyện quản lý theo địa bàn. Kinh doanh thức ăn đường phố là mô hình rất đặc thù, có truyền thống lâu đời, tiện lợi và độc đáo, là sinh kế của nhiều cư dân đô thị. Tuy nhiên, với điều kiện môi trường, nhiệt độ, thói quen vệ sinh hiện nay, thức ăn đường phố còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) đã triển khai đến các quận huyện các chuẩn cơ bản cho thức ăn đường phố. Một số quận huyện cũng đã hình thành các tuyến phố tập trung thức ăn đường phố. Phải đưa thức ăn đường phố vào “khuôn khổ” nhưng cần lưu ý tính đặc thù, không thể rập khuôn với các nhà hàng, quán ăn.

Chúng tôi đã tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho rất nhiều người kinh doanh thức ăn đường phố; vận động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, đặc biệt với sự phối hợp của các thành viên hội liên hiệp phụ nữ, mặt trận tổ quốc…, vận động trang bị các phương tiện (kẹp gắp thức ăn, găng tay, đồ đựng một lần, khẩu trang…) cho một số điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường về nguồn gốc thực phẩm, kiểm nghiệm nhanh về ATTP. Điều quan trọng chính là ý thức của cả người bán và người mua, nói không với những điểm bán mất vệ sinh ATTP. Mặc dù thực tế tình hình đã có cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nghị định 115 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP tăng cao hơn so với hiện nay, theo bà, nghị định này có thiết lập được trật tự cho kinh doanh các dịch vụ ăn uống?

Mức xử phạt cao nhất với cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu đồng. Một số trường hợp còn không có mức trần, nghĩa là phạt theo giá trị hàng hóa, có thể lên đến nhiều tỷ đồng. Nghị định cũng quy định các mức phạt nghiêm với các vi phạm về tự công bố sản phẩm (theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP, các doanh nghiệp được tự công bố các sản phẩm chứ không phải chờ cơ quan quản lý, trừ một số nhóm sản phẩm sức khỏe). Nghị định 115 có các mức phạt tăng cao hơn nhiều so với Nghị định 178, được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng xử phạt không đủ sức răn đe trước đây, trong tình hình còn rất phức tạp về bảo đảm ATTP. Cơ quan quản lý đã có cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chỉ tăng cao mức phạt là chưa đủ, mà quan trọng là nâng cao ý thức cộng đồng và tăng cường các nguồn thực phẩm sạch.

Tuy nhiên sau gần 10 ngày Nghị quyết 115 có hiệu lực, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vẫn có thói quen như cũ, thực phẩm chưa được bảo quản tốt trước khi bán ra cho người dùng?

Chưa nói đến với thực tế dân cư và số lượng rất lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại TPHCM thì không một lực lượng thanh tra sở ngành hay quận huyện nào đủ sức để phát hiện và xử lý mọi vi phạm. Hiện nay, hệ thống các đội quản lý ATTP liên quận huyện của Ban Quản lý ATTP đang hoạt động rất tích cực, đặc biệt trong phối hợp với lực lượng tại chỗ của quận huyện để giải quyết các vấn đề về ATTP, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Nhưng tại tuyến quận huyện, phường xã vẫn còn hạn chế về đội ngũ cán bộ như: quá tải công việc, thiếu cán bộ chuyên trách về ATTP, hạn chế của mô hình kiểm tra liên ngành, thẩm quyền xử phạt… Sắp tới Chính phủ sẽ tiếp tục mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP ở tuyến phường xã, để huy động thêm lực lượng, tăng cường về chuyên môn.

Chúng tôi sẽ áp dụng Nghị định 115 trên tinh thần hướng đến mục tiêu bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật đồng thời phải hợp tình hợp lý, tổ chức và cá nhân phải tâm phục khẩu phục. Chúng tôi tăng cường tập huấn, tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các cơ sở làm đúng, trước khi phải áp dụng biện pháp sau cùng là xử phạt.

Nhiều người còn băn khoăn với số tiền phạt khá lớn nên các cửa hàng ăn uống, kinh doanh thực phẩm sẽ tìm mọi cách đối phó. Ban Quản lý ATTP sẽ làm gì để việc tuân thủ pháp luật về vệ sinh ATTP lâu dài, mang tính bền vững?

Thực tế trước khi có Nghị định 115, Ban Quản lý ATTP đã rất nghiêm túc và quyết liệt trong xử phạt, nếu so sánh giá trị trung bình một vụ xử phạt doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2018 là khoảng 10 triệu đồng (trong khi con số trung bình xử phạt giai đoạn trước của cả nước là… 200.000 đồng). Và cũng đã có những vụ việc bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến hàng trăm triệu đồng. Ban đã công khai các thông tin xử phạt trên trang thông tin điện tử của ban. Việc tăng mức xử phạt theo Nghị định 115 sẽ tăng sức răn đe nhưng đồng thời cũng kèm nguy cơ đối phó của cơ sở. Ban Quản lý ATTP sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra, bảo đảm đúng quy trình, tăng cường giám sát nội bộ và xử lý nghiêm các vi phạm.

Thời gian qua, các cơ quan truyền thông cũng đã rất nhiệt tình theo sát các hoạt động của thanh tra, chủ động thông báo các phát hiện vi phạm về ATTP, kịp thời đưa thông tin đến cộng đồng… Tất cả đã góp phần tăng cường hiệu quả, tính lan tỏa và răn đe của hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm đối với thức ăn bẩn; đồng thời là biện pháp giám sát rất hữu hiệu để phòng ngừa các hành vi nhũng nhiễu, bắt tay tiêu cực nếu có; phối hợp với mong muốn các thông tin được phản ánh thận trọng, chính xác, đúng bản chất sự việc, không để có “khoảng trống” trong quản lý ATTP. (Sài gòn giải phóng trang 1)

 

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Bộ trưởng Bộ Y tế với giải pháp “kiềng ba chân” của ngành

Tuần qua, Quốc hội đã hoàn thành tuần làm việc đầu tiên với nhiều nội dung quan trọng được tiến hành như: Bầu Chủ tịch nước; Miễn nhiệm, bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019…

Thảo luận tại hội trường về việc đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Đa số các đại biểu đều đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2018 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019. Đánh giá cao sự phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của đời sống KT-XH của đất nước. Kết quả lớn nhất đó là việc thực hiện thành công mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Kiểm soát được lạm phát, tiếp tục tăng trưởng GDP. Tạo điều kiện thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội. Tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Ổn định trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc để chúng ta thực hiện thắng lợi kế hoạch KT-XH của cả nhiệm kỳ… được thể hiện khá đầy đủ với những kết quả rất ấn tượng trong đó có đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực về kinh tế – xã hội của đất nước, các đại biểu cũng thẳng thắn và chỉ ra cho thấy những điểm nghẽn, những hạn chế bất cập của nền kinh tế. Đặc biệt cho thấy được khả năng rủi ro của nền kinh tế trong thời gian tới như chất lượng tăng trưởng của chúng ta, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, sức cạnh tranh, cơ cấu lại chưa được cải thiện nhiều và hiệu quả của đầu tư công, phát triển của doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo chưa được cải thiện nhiều, đời sống của nhân dân và công nhân đang còn nhiều khó khăn. Xử lý về thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu đang còn rất nhiều vấn đề…

Cũng tại phiên thảo luận về nội dung trên ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian qua với nỗ lực của toàn ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã có những tiến bộ khá rõ nét. Bộ trưởng cũng đã chỉ ra điểm hạn chế của ngành đó là: Thứ nhất, vấn đề quá tải tại các bệnh viện Trung ương tuyến cuối ở khoa khám bệnh… Nguyên nhân là người dân chưa tin tưởng vào y tế tuyến dưới. Thứ hai, chăm sóc tại bệnh viện chưa toàn diện, 1 người bệnh vào viện thì có đến 3, 4 người nhà đi theo chăm sóc. Có rất nhiều nguyên nhân trong đó cơ chế tài chính chưa thể đủ chi trả để có đủ chất lượng cán bộ. Thứ ba, chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng, chất lượng cán bộ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và không đồng đều giữa các miền.

Một hạn chế nữa là nhân lực, số lượng, chất lượng chưa đảm bảo, chế độ, chính sách cũng còn khó. Mô hình đào tạo hiện nay của ngành y tế phải cố gắng, nếu không thì chưa hội nhập được, mặc dù chất lượng tốt nhưng chưa chuẩn theo quốc tế hiện nay. Đó là những hạn chế cơ bản. Cùng với đó Bộ trưởng cũng đưa ra giải pháp “kiềng ba chân” để phát triển ngành y tế trong thời gian tới.

Chân kiềng thứ nhất là xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi còn đang khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm khi chưa bị bệnh, bởi nếu bị nặng thì chữa rất khó và vào bệnh viện rất tốn kém và nằm lâu. Cho nên, ngành y tế đang xây dựng mẫu 26 mô hình điểm giống như mô hình của các nước đang phát triển một cách toàn diện cả con người, cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính và nhân lực… Trong 5 năm tới chúng ta sẽ có mô hình cơ bản và 20 năm sau sẽ nhân rộng trong toàn quốc. Mỗi chúng ta khi bị ốm, mệt mỏi, bệnh tật phải khám sức khỏe sàng lọc để phát hiện sớm, phải đến trạm y tế xã, phường, phòng khám bác sĩ gia đình đó bằng mọi cơ chế, kể cả kết hợp công tư, kể cả xã hội hóa. Bộ trưởng mong rằng Chính phủ sớm phê duyệt hai dự án ODA đang xây dựng y tế cơ sở, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, theo tinh thần Nghị quyết 20 là chăm sóc con người khi chưa bị bệnh bằng y tế cơ sở.

Chân kiềng thứ hai đó là khi bị bệnh, vào bệnh viện phải được chăm sóc một cách chu đáo, toàn diện, chất lượng, giảm thời gian nằm viện, giảm lây nhiễm chéo, tăng điều trị ban ngày, tăng cơ sở vật chất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm bớt người ra nước ngoài chữa bệnh. Sắp tới Bộ Y tế sẽ khánh thành một loạt cơ sở khám, chữa bệnh hiện đại theo thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu để cán bộ và những người thu nhập cao thay vì phải ra nước ngoài khám, kiểm tra sức khỏe có thể khám, kiểm tra tại Việt Nam giống như chất lượng của nước ngoài. Mong muốn một ngày không xa những người nước ngoài công tác tại Việt Nam và người Việt Nam không phải ra nước ngoài chữa bệnh. Việc này theo Bộ trưởng là trong tầm tay của nền y tế Việt Nam hiện nay, nhưng phải có nhiều chính sách đồng bộ, đặc biệt là cơ chế tài chính. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho một cơ chế tài chính đổi mới toàn diện về tự chủ, về giá dịch vụ, về lộ trình, về xã hội hóa, về kết hợp công tư, về các mô hình bảo hiểm y tế bổ sung ngoài bảo hiểm xã hội hiện nay. Nếu chúng ta không đẩy mạnh bảo hiểm tư nhân mạnh mẽ và bổ sung thì không thể nào chi trả được với bảo hiểm xã hội mệnh giá thấp.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chân kiềng thứ ba không thể không có đó là nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng. Về nhân lực, Quốc hội sẽ thông qua Luật Giáo dục đại học, đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế. 6 năm ra trường phải học thêm 1 năm nữa là internhip, tức là phải thực hành rồi thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề, với đánh giá của Hội đồng Giáo dục quốc gia độc lập, sau đó học chuyên khoa ít nhất 2-3 năm mới có thể hành nghề, như vậy mới đảm bảo được chất lượng đào tạo và theo mô hình quốc tế. Đi theo hai hệ, một hệ hàn lâm là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư là giảng dạy, nghiên cứu, còn hệ thực hành là bác sĩ chuyên khoa, rất quý giá trong thực hành. Hai hệ đó hoàn toàn khác nhau, không thể nói tương đương, không thể nói hệ này kém hệ kia mà mỗi hệ là một nghề, mặc dù chúng ta có thể gọi là bác sĩ. (Sức khỏe & đời sống trang 3)

 

Lật tẩy đường dây bán phiếu khám nhanh “móc túi” người bệnh

Lợi dụng tâm lý người bệnh và sự quá tải ở những phòng khám tại một số bệnh viện lớn tại Hà Nội, nhiều đối tượng đã câu kết với chính nhân viên bệnh viện để “bán” những phiếu khám nhanh tạo thành một đường dây “móc túi” người bệnh. Phóng viên Lao Động trong vai người đi khám bệnh để tìm hiểu những mánh lới này.

Muốn khám nhanh phải… mất tiền

Trong vai người bệnh, khi chúng tôi vừa đến khu vực cổng Bệnh viện Mắt Trung ương (TƯ), một người phụ nữ nhanh nhảu tiếp cận với chúng tôi: “Khám ngay thì cô đưa đi, đỡ phải chờ, không phải lấy số”. Sau đó, bà này liền rút điện thoại gọi: “Em ơi khám một ca nữa nhé!”. Nhận được tín hiệu, người phụ nữ ban nãy quay sang nói với chúng tôi: “Bây giờ yêu cầu khám luôn, không phải chờ thì bồi dưỡng y tá, bác sĩ 100.000 đồng. Trực tiếp vào luôn. Mày không bồi dưỡng thì mày phải chờ đến chiều”.

Chúng tôi thắc mắc với người môi giới này về việc phải dẫn vào bệnh viện, người này quát lớn: “Mày cứ lên phòng lấy phiếu, hóa đơn rồi vào luôn. Lấy phiếu, hóa đơn rồi trả thêm 150.000 nữa nhé. Tiền này chỉ là tiền bồi dưỡng cho người ta thôi”. Tuy nhiên, thực tế chúng tôi vẫn phải vào mua sổ khám bệnh như những bệnh nhân thông thường. Nhóm đối tượng này đã “lấy trắng” tiền môi giới của người đi khám bệnh.

Một chiêu thức khác của những đối tượng này là “vồ” bệnh nhân để vào khám ở các phòng khám tư. Theo đó, sau khi thu 500.000 đồng với lời hứa khám trong bệnh viện mà không cần xếp hàng, những đối tượng này sẽ dẫn khách đi qua nhiều phòng khám tư. Chúng tôi được dẫn đến 3 phòng khám lần lượt là Phòng khám chuyên khoa mắt tại 12x Bà Triệu và 13x Bà Triệu và phòng khám địa chỉ 1x Bùi Thị Xuân. Đến đây, các đối tượng tại đường dây này không ngừng trấn an khách hàng đây là phòng khám của bác sĩ hàng đầu trong bệnh viện, “toàn trưởng khoa, phó khoa thôi, em vào trong bệnh viện giờ này chỉ toàn nhân viên khám”.

Ngoài ra, để lấy được sự đồng ý của bệnh nhân, nhân viên tại phòng khám này dùng mọi chiêu trò níu chân khách hàng. Ban đầu là những lời mời chào ngọt như đường, sau khi khách hàng tỏ thái độ liền tung ra những lời đe dọa, dằn mặt.

Điều kỳ lạ là đường dây này vẫn ngang nhiên hoạt động trước cổng Bệnh viện Mắt Trung ương mỗi ngày.

Đường dây

Đối với những vị khách khó tính, không chịu khám trong phòng khám tư, các đối tượng này sẽ móc nối với các bác sĩ để bệnh nhân được khám trong bệnh viện. Dĩ nhiên, sẽ là trực tiếp gặp riêng bác sĩ hay “chen chân” vào hàng dài bệnh nhân xếp hàng chờ lượt khám.

Cùng ngồi chờ tại một phòng khám trên đường Bùi Thị Xuân, bố con em Trần Thị Hương (16 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, đã bỏ 400.000 đồng để được khám nhanh mà không phải xếp hàng. Sau khi cãi cọ vì không khám ở phòng khám tư, bác sĩ tên Hồng và nhân viên ở đây thông báo cho em Trần Thị Hương “đã làm xong thủ tục trong viện, người ta đã vào máy rồi, cứ lên phòng khám mà khám thôi”. Sau thông báo đó, nhân viên tại phòng khám này đưa 1 tờ phiếu khám cho bố con em Hương với đầy đủ mã số, dấu đã thu tiền của bệnh viện và dẫn họ đến phòng khám. Nhân viên này không quên dặn dò: “Cứ lên phòng khám, đã có nhờ hết rồi”.

Ngồi chờ khoảng 30 phút, chúng tôi được một người phụ nữ trạc 30 tuổi tên M.A – tự xưng là nhân viên văn phòng tại Bệnh viện Mắt T.Ư dẫn vào trong bệnh viện khám. M.A chia sẻ muốn khám nhanh, bác sĩ tốt cứ điện thoại trực tiếp cho mình.

“Đi theo chị, chỉ mất 5 phút là em khám xong, không phải xếp hàng hay chờ đợi gì cả. Chị đã dặn bác sĩ về khoa rồi để khám cho nhanh”, M.A chia sẻ. Từ cổng sau Bệnh viện Mắt TƯ, M.A dẫn chúng tôi lên thẳng phòng C205, Khoa Chấn thương. Đúng lúc này, bác sĩ cũng trở về phòng, yêu cầu chúng tôi ngồi vào máy để khám bệnh và kê đơn thuốc. Tất cả các hoạt động khám bệnh đều diễn ra bình thường, duy nhất có hành động nhỏ, diễn ra vô cùng thuần thục nhưng không qua được con mắt PV, đối tượng này khéo léo nhét chiếc phong bì vào túi áo blouse của bác sĩ trong tích tắc. Sau đó, tất cả các hoạt động thăm khám bình thường trở lại, vẻ mặt bác sĩ bình thản như chưa có chuyện gì xảy ra.

Đối với những bệnh nhân đã từng có “cơ hội” khám trực tiếp với bác sĩ không cần phải xếp hàng lấy phiếu đều nằm lòng số điện thoại của người người phụ nữ có tên là M.A. Tiếp tục trong vai một bệnh nhân khi khám mắt, chúng tôi liên hệ theo số điện thoại 0945365xxx của M.A. Ngỏ ý có nhu cầu khám nhanh, người này đon đả tư vấn và nhận mình làm ở Bệnh viện Mắt TƯ. Tuy nhiên, do ngày hôm ấy (24.10) người này bị ốm nên không thể dẫn bệnh nhân đến trực tiếp gặp bác sĩ.

Không để “thượng đế” phật lòng, M.A nhanh nhảu giới thiệu đến thẳng bác sĩ N.D.T sẽ khám được ngay. Bên cạnh đó, không quên nhắc nhở bệnh nhân không phải lấy phiếu, vào thẳng và gọi điện trực tiếp cho bác sĩ N.D.T và nói rõ ràng: “Chị M.A bị ốm, em muốn khám, chị ngồi phòng nào để em đến”.

Trao đổi qua điện thoại, giọng M.A cũng hấp tấp không khác gì hành động người này chỉ dẫn cho bệnh nhân khi gặp bác sĩ. “Làm cái phong bì 200.000 đồng, đến cái dúi luôn vào túi áo blouse trắng của bác sĩ”, M.A nói. Sau khi được M.A gửi trực tiếp số điện thoại bác sĩ N.D.T, trong vai người bệnh chúng tôi liên hệ trực tiếp với người này. Đầu dây bên kia trả lời dõng dạc: “Em lên E.507 để khám ngay”. Nghe theo lời chỉ dẫn của bác sĩ, chúng tôi đường hoàng lên thẳng phòng khám của bệnh viện không phải mảy may mất thì giờ xếp hàng lấy phiếu khám. Chúng tôi cùng với một bệnh nhân khác trên tay cầm phiếu khám bước vào phòng khám E.507.

Bước vào phòng, bác sĩ N.D.T hỏi: “Tất cả mọi người đều khám à, đâu phiếu khám đâu”. Một bệnh nhân có phiếu khám, chìa ra và nói: “Muốn khám có cái tật ở mắt”. Bác sĩ N.D.T nhìn về phía chúng tôi và hỏi tiếp: “Thế còn bạn kia?”. Chúng tôi nói: “Em vừa gọi điện cho chị đấy ạ”.

Ngay sau câu trả lời đó, thái độ của bác sĩ N.D.T đã thay đổi đon đả hơn rất nhiều. Ở ngoài phòng khám, bảng điện tử đã báo đến số thứ tự của bệnh nhân có phiếu, tuy nhiên bệnh nhân này vẫn phải khám sau và bác sĩ ưu tiên chúng tôi – những người “khám nhanh” trước. Khi đến gần thiết bị kiểm tra mắt, bác sĩ không quên hỏi lại “em vừa điện cho chị à” và ân cần hỏi han bệnh tình có biểu hiện gì. Nghiễm nhiên, dịch vụ “khám nhanh” luôn được bác sĩ ưu ái và nhiệt tình hơn cả. Xong xuôi tất cả, bác sĩ N.D.T mới tiếp tục khám cho những bệnh nhân xếp hàng, lấy phiếu khám đàng hoàng. (Lao động trang 1)

 

Nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống ung thư

Sáng 28-10, Bệnh viện K (Bộ Y tế) tổ chức Phát động nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống ung thư tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong dự án Phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến thuộc Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số năm 2018.

Lễ phát động nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống ung thư gồm nhiều nội dung: Diễu hành bằng xe đạp mang theo các thông điệp phòng, chống ung thư; tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về phòng, chống ung thư; tổ chức các buổi khám sàng lọc ung thư….

Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Hiện nay, căn bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL), năm 2018 trên toàn thế giới có 18,1 triệu trường hợp mới mắc do bệnh ung thư và 9,6 triệu trường hợp tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, năm 2018 có 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.

Ung thư là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cho đến nay, kết quả điều trị ung thư lệ thuộc chủ yếu vào việc phát hiện bệnh ở giai đoạn nào. Ở giai đoạn sớm thì có thể chữa khỏi hoàn toàn nhiều loại bệnh ung thư. Ngược lại, ở các giai đoạn muộn, điều trị vừa tốn kém, vừa ít hiệu quả, chủ yếu chỉ có thể kéo dài và giảm nhẹ triệu chứng bệnh.

Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng, là cơ hội may mắn cho bất cứ ai để chữa khỏi bệnh. Vì vậy người dân, nhất sau tuổi 40, hay có yếu tố nguy cơ cao, tiền sử gia đình có người mắc ung thư, cần khám sức khoẻ định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Hiện nay tại bệnh viện K cũng như các cơ sở y tế chuyên khoa có nhiều gói khám tầm soát các loại ung thư phổ biến như ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng, ung thư đại trực tràng, dạ dày, gan, phổi, tiền liệt tuyến… (Nhân dân trang 5)

 

Huyện Ba Vì: Thiết lập mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm

UBND huyện Ba Vì vừa ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND, triển khai mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm năm 2018-2020.

Theo đó, huyện Ba Vì xây dựng, tổ chức hệ thống, bộ máy cảnh báo nhanh về ATTP trên địa bàn huyện với 2 cấp (cấp huyện và các xã, thị trấn). Cụ thể, điểm cảnh báo cấp 1 về an toàn thực phẩm (cấp huyện); Điểm cảnh báo cấp 2: (UBND các xã, thị trấn).

Bên cạnh đó, huyện Ba Vì cũng kiện toàn, nâng cáo năng lực và xây dựng hoạt động các điểm cảnh báo nhanh sự cố về ATTP. Trong đó, chú trọng, xây dựng, ban hành quy định hoạt động cung cấp, tiếp nhận và xử lý thông tin sự cố về ATTP. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho 100% các cán bộ tham gia hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP. Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu ATTP tại các điểm cảnh báo nhanh về ATTP.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân về hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP tại địa phương. Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho hệ thống cảnh báo nhanh cho các đối tượng, như: Người lãnh đạo quản lý, cán bộ y tế cơ sở, cơ quan, xí nghiệp, trường học, các cơ sở y tế khác và người dân biết cách phát hiện, xử lý thông tin khi có sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm. Thiết lập các điểm cảnh báo tiếp nhận, thu thập, phân tích xử lý các thông tin sự cố ATTP và cảnh báo kịp thời. Huy động các lực lượng chức năng xử lý khi có sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm, như: Thành lập đội phòng chống ngộ độc thực phẩm, đội đáp ứng nhanh xử lý các sự cố về ATTP và đưa ra kết quả xử lý vi phạm, cảnh báo cho cộng đồng… (Hà nội mới trang 3)

 

Bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT luôn là mục tiêu tối thượng

Thời gian qua, dư luận quan tâm nhiều đến việc Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) kết dư gần 39.000 tỷ đồng và lo lắng liệu quyền lợi của người tham gia BHYT thời gian qua có bị thắt chặt lại để dư quỹ? Để giúp bạn đọc có đầy đủ thông tin về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ĐÀO VIỆT ÁNH.

PV: Trước tiên xin ông cho biết thực chất của thông tin về việc năm 2017, Quỹ BHYT đang kết dư gần 39.000 tỷ đồng?

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh: Trước hết, phải nói rằng trong mọi trường hợp, quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT luôn được bảo đảm đúng và đầy đủ theo quy định của Luật BHYT cho dù quỹ khám, chữa bệnh bội chi hay kết dư.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 35 Luật BHYT, chúng ta phải “dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng”. Vì vậy, nói chính xác thì số dư nêu trên là quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT được tồn tích qua nhiều năm triển khai thực hiện Luật BHYT và còn đến cuối năm 2017.

Thứ ba, trong thiết kế chính sách BHYT ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam, quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT là cần thiết để bảo đảm tính bền vững của chính sách BHYT, bảo đảm khả năng chi trả trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh có thể phát sinh. Đối với điều kiện cụ thể ở Việt Nam, quỹ dự phòng khám, chữa bệnh là rất quan trọng vì bên cạnh rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, chúng ta cần nguồn lực thanh toán khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo lộ trình tính đúng, tính đủ và áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ mới trong khám, điều trị.

Thứ tư, thực tế năm 2017 và mấy năm vừa qua, chúng ta đã bị bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, phải sử dụng quỹ dự phòng để bù đắp. Nếu chi phí khám, chữa bệnh không được kiểm soát tốt và quỹ dự phòng BHYT không còn đủ thì sẽ phải điều chỉnh tăng mức đóng BHYT, điều này sẽ tác động đến thu nhập của người dân, khả năng của doanh nghiệp, cân đối của ngân sách nhà nước và năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo tôi, xem xét quỹ dự phòng phải tổng thể, tính đến xu hướng gia tăng chi phí khám, chữa bệnh hằng năm, số chi khám, chữa bệnh hiện tại (khoảng 90 nghìn tỷ đồng) và mức độ bội chi quỹ khám, chữa bệnh; nếu không sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, quỹ dự phòng hiện tại sẽ không còn trong thời gian không xa. PV: Có một số ý kiến lo ngại việc để tồn tích Quỹ BHYT – nguồn quỹ ngắn hạn, sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT, ông lý giải ra sao về vấn đề này?

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh: Tôi xin khẳng định rằng không có chuyện đó, vì theo quy định của pháp luật và quan điểm chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và BHXH Việt Nam là: Quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT phải gắn liền việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trong mọi trường hợp, bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia BHYT luôn được xác định là mục tiêu tối thượng của Quỹ BHYT; bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT cũng là mục đích duy nhất của quỹ dự phòng BHYT.

Trên thực tế, quyền lợi của người tham gia BHYT đang được bảo đảm đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật; nếu ở đâu không thực hiện đúng thì sẽ bị xử lý nghiêm. Những năm qua, số người khám, chữa bệnh được Quỹ BHYT chi trả và chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm sau cao hơn năm trước. Chỉ riêng trong năm 2017, cơ quan BHXH đã thanh toán cho gần 170 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số tiền hơn 88 nghìn tỷ đồng; trong đó hàng nghìn trường hợp khám, chữa bệnh với chi phí hàng trăm triệu đồng. Có những trường hợp được chi trả chi phí khám, chữa bệnh hàng tỷ đồng.

Cuối cùng, tôi xin nhắc lại rằng, với tốc độ gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT lớn như hiện nay (trong hai năm, chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng gấp khoảng 1,8 lần), nếu không có biện pháp kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh thì quỹ dự phòng không còn, phải điều chỉnh mức đóng; như vậy có tác động không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp và xã hội. PV: Bên cạnh đó, cũng còn có một số ý kiến cho rằng, chính sách BHYT của chúng ta đang hướng tới một nền y tế giá rẻ với danh mục thuốc nghèo nàn, ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh: Tôi cho rằng chúng ta phải hướng tới một nền y tế tiên tiến, hiện đại, công bằng trên cơ sở phát triển BHYT xã hội cơ bản (để bảo đảm nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản, thiết yếu cho mọi người dân và “gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả” như quy định của Luật BHYT) và phát triển bảo hiểm y tế bổ sung (cho những người có nhu cầu muốn hưởng cao hơn, chữa bệnh theo nhu cầu, tự chọn thầy thuốc…).

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có chính sách BHYT tốt nhất thế giới. Mệnh giá thẻ BHYT của chúng ta hiện nay mới chỉ ở mức bình quân từ 30 đến 40 USD/người trong khi danh mục thuốc BHYT của Việt Nam hơn 1.000 loại, rộng hơn rất nhiều nước (các nước trung bình có khoảng 700 loại). Cùng với đó là hàng nghìn dịch vụ kỹ thuật với rất nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn cũng được Quỹ BHYT thanh toán (năm 2017 có gần 170 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, trong đó nhiều người được chi hàng trăm triệu đồng, có người hơn một tỷ đồng/năm). Như vậy, nếu ai đó nói chúng ta hướng đến nền y tế giá rẻ với danh mục thuốc, dịch vụ nghèo nàn là không đúng thực tế, thiếu khách quan và chưa hiểu đúng về chính sách.

Một lần nữa, chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu đầy đủ về quyền, trách nhiệm và tính nhân văn sâu sắc của chính sách BHYT toàn dân mà chúng ta đang triển khai thực hiện. Xin cảm ơn ông! (Nhân dân trang 4)

 

Thiếu hụt vắc xin 5 trong 1 tiêm miễn phí cho trẻ

Ngày 28.10, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết một số địa phương đã hết vắc xin phối hợp “5 trong 1” (phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib). Đây là vắc xin tiêm miễn phí cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng… (Thanh niên trang 5)

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 21/2/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 06/11/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 15/7/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận