Cách nào để Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng?; Vẫn cần thực hiện 5K sau tiêm vắc xin Covid-19; TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 15 từ 0 giờ 31-5, tạm dừng tuyển sinh lớp 10…
Cách nào để Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng?
Miễn dịch cộng đồng dịch Covid-19 là mục tiêu quan trọng nhất được đặt ra trong năm 2021. Tuy nhiên, bằng cách nào, vắc xin ở đâu, nguồn lực như thế nào… là những vấn đề then chốt không hề đơn giản, cần tiếp tục có giải pháp thúc đẩy hữu hiệu, kịp thời. Để miễn dịch cộng đồng, lựa chọn duy nhất hiện nay đối với Việt Nam (VN) như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Phải sáng tạo, vận dụng mọi biện pháp để tiếp cận, huy động mọi nguồn lực hợp pháp mua vắc xin”. Theo tính toán của Bộ Y tế, hiện cả nước đã có khoảng 1,1 triệu người được tiêm vắc xin, sẽ có thêm khoảng 1,6 triệu người được tiêm vào tháng 6.2021. Mục tiêu của Chính phủ sẽ có đủ 150 triệu liều vắc xin cho nhóm dân số có chỉ định tiêm vắc xin trong năm 2021.
VN được tài trợ 38,9 triệu liều vắc xin và đàm phán mua thêm 10 triệu liều với hình thức chia sẻ kinh phí từ COVAX. Cộng với việc chắc chắn mua được 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca, Chính phủ cũng đã hoàn tất đàm phán để mua 31 triệu liều vắc xin của Pfizer. Như vậy, chúng ta cần kinh phí để mua thêm khoảng 50 triệu liều vắc xin.
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, chúng ta cần tiêm cho 60 – 70% dân số. Nếu mỗi người 2 mũi, chúng ta cần khoảng 120 – 150 triệu liều. Hiện Bộ Y tế đang tích cực đàm phán và đã nhận được các cam kết. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thực tế sẽ phụ thuộc nhà cung cấp.
Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc với đại diện Đại sứ quán Nhật Bản và Hàn Quốc tại VN cùng nhiều bên khác để thảo luận về vấn đề cung ứng vắc xin phòng Covid-19 cho VN. Qua thảo luận, việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua, VN không phải là điểm nóng về dịch Covid-19 nên việc tiếp cận vắc xin cũng hạn chế hơn, do các đơn vị cung ứng ưu tiên cho các khu vực là điểm nóng về dịch bệnh.
Về kinh phí, VN dự kiến mua 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí mua vắc xin khoảng 21.000 tỉ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỉ đồng. Ngân sách T.Ư dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp (DN), tổ chức là 9.200 tỷ đồng… (Thanh niên, trang 5).
Vẫn cần thực hiện 5K sau tiêm vắc xin Covid-19
Một số người có thể mang tâm lý tiêm vắc xin Covid-19 rồi thì không còn sợ nhiễm SARS -CoV -2 nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý: Tất cả mọi người, kể cả người đã tiêm đủ 2 liều, vẫn phải tuân thủ khuyến cáo 5K.
2 lý do chính
Theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng miền Bắc – Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, tiêm vắc xin Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vắc xin Covid-19 vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, trong đó có 5K: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế.
TS Phạm Quang Thái nêu 2 lý do chính: Thứ nhất, vắc xin không đem lại sự bảo vệ tức thì. Ít nhất 14 ngày sau tiêm mũi 1 mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ lúc này chỉ đạt ở mức rất thấp. Sau tiêm mũi 2 từ 1 tháng trở lên thì vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60 – 90% tùy loại vắc xin.
Lý do thứ 2: Vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc xin có thể không mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang vi rút và lây bệnh cho người khác… (Thanh niên, trang 15).
TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 15 từ 0 giờ 31-5, tạm dừng tuyển sinh lớp 10
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, TP.HCM phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15+, tức là tăng cường một số biện pháp mạnh hơn, áp dụng từ 0 giờ ngày 31-5-2021. Sáng 30-5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã họp khẩn với lãnh đạo TP HCM sau khi TP ghi nhận thêm hàng chục ca nhiễm Covid-19 thuộc chuỗi lây liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết 7 giờ hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi điện cho ông và đề nghị TP khẩn trương xét nghiệm diện rộng, và khoanh vùng dập dịch quyết liệt.
Về một số nội dung tại cuộc họp, trước tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, TP HCM phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Chỉ thị 15 yêu cầu không tụ tập hơn 10 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện. Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Y tế nghiên cứu không phải 10 người, mà chỉ 5 người và cần tăng cường một số biện pháp.
Theo đó, ông Phong cho rằng TP HCM phải thực hiện theo Chỉ thị 15+, tức là tăng cường một số biện pháp mạnh hơn, áp dụng từ 0 giờ ngày 31-5. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, thực hiện cách ly xã hội 15 ngày theo chỉ thị 16.
Nguyên tắc của chỉ thị 16 là “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.
Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong nếu thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác. (An ninh Thủ đô, trang 3; Tuổi trẻ, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Không để dịch lan ra các vùng an toàn
Ngày 30-5, TP Hồ Chí Minh tổ chức họp khẩn về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, tình hình hiện nay đòi hỏi thành phố phải dốc toàn lực, quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt nhất, hiệu quả nhất. Ðồng chí thống nhất thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 “cộng” (mức cao hơn Chỉ thị 15 như: Chỉ thị 15, là không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện nhưng thành phố áp dụng không được tụ tập năm người và có một số biện pháp tăng cường hơn nữa); áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng đối với quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12); thống nhất phương án hoãn kỳ thi lớp 10 như đề xuất của Sở Giáo dục và Ðào tạo. Ðồng chí đề nghị các khu công nghiệp, khu chế xuất phải báo cáo kịp thời kế hoạch sản xuất, kinh doanh an toàn. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ với các địa phương, quan tâm rà soát nắm chặt số người bị ảnh hưởng trực tiếp trong thời gian cao điểm giãn cách để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, để người dân hiểu, chia sẻ, cùng tham gia với thành phố trong phòng, chống dịch. Ðồng thời, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý nghiêm minh những vi phạm phòng, chống dịch Covid-19. Người dân tiếp tục thực hiện đầy đủ biện pháp 5K.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao TP Hồ Chí Minh đã có giải pháp kịp thời trong phòng, chống dịch. Từ chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng, Phó Thủ tướng đề nghị thành phố phải xem lại công tác quản lý hành chính đối với lĩnh vực này và đề phòng không để trường hợp tương tự xảy ra ở các hoạt động tôn giáo khác…
Chiều 30-5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tình hình dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Có 504 trong tổng số 1.120 doanh nghiệp triển khai phương án bố trí người lao động ăn, ở, làm việc trong nhà máy để bảo đảm sản xuất. Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh phối hợp Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, các sở, ban, ngành để xây dựng tiêu chí lựa chọn công ty, đối tượng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn; xây dựng hướng dẫn tạm thời về phòng, chống dịch Covid-19 đối với nơi lưu trú tập trung cho người lao động khi quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy nhanh truy vết, yêu cầu khai báo y tế; tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 cho đối tượng ưu tiên và công nhân môi trường; lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp liên quan đến ca mắc Covid-19. Do thời tiết nắng nóng, Sở Y tế tỉnh sắp xếp thời gian lấy mẫu phù hợp, tránh mất sức cho cán bộ y tế…
Tại tỉnh Bắc Giang, các lực lượng chức năng đang tăng cường triển khai xét nghiệm tầm soát tại những “điểm nóng” về dịch bệnh như bến xe, chợ… thuộc huyện Việt Yên. Số ca mắc mới trong ngày tại Bắc Giang vẫn tăng, chủ yếu là các trường hợp F1 trong khu cách ly tập trung và tại Núi Hiểu, Tam Tầng, Trung Ðồng… thuộc huyện Việt Yên đã được phong tỏa. Huyện Việt Yên đã tổ chức di chuyển 3.000 công nhân là F1 nguy cơ thấp (đã có hai lần xét nghiệm âm tính) ra khỏi “điểm nóng” thôn Núi Hiểu về những điểm cách ly ở các huyện trong tỉnh và giảm số công nhân tập trung tại địa phương xuống còn 4.100.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam yêu cầu, tuyệt đối không để dịch bệnh ở những địa bàn giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa lây lan sang các vùng an toàn trong tỉnh và các địa phương lân cận. Trong các khu cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, cần bảo đảm công tác hậu cần, tiếp tục giảm mật độ công nhân cư trú ở các “điểm nóng”; việc đón người đến cách ly tập trung phải tuyệt đối an toàn.
Phó Thủ tướng lưu ý các lực lượng không chỉ tập trung phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mà cần quan tâm khôi phục sản xuất ở những cơ sở, nhà máy bên ngoài khu công nghiệp. Những doanh nghiệp hoạt động trở lại phải tuyệt đối an toàn. Nếu không an toàn, không được hoạt động trở lại. Tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc, tầm soát diện rộng.
Tại cuộc họp, để hỗ trợ thực hiện giãn cách xã hội ở TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải theo sát tình hình, hướng dẫn kịp thời; cùng các địa phương lân cận phối hợp chặt chẽ để kiểm soát dịch, quản lý người qua lại nhưng không gây ách tắc lưu thông hàng hóa. Về điều phối chuyến bay đưa người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, không hạ cánh xuống TP Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện trong vòng 14 ngày kể từ khi thành phố giãn cách xã hội. Hà Nội cũng sẽ không tiếp nhận chuyến bay đưa người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước trong vòng một tuần… Các lực lượng phải tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh, nhất là đối tượng nhập cảnh trái phép.
Chiều 30-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Bắc Giang về thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất.
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành biểu dương và đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch, triển khai các biện pháp dập dịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Phó Thủ tướng đánh giá thiệt hại do dịch Covid-19 tác động về kinh tế – xã hội là rất lớn và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nhân dân, công nhân. Bắc Giang cần sớm xây dựng kịch bản phục hồi sản xuất để thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa sản xuất, vừa chống dịch. Tỉnh cần tập trung cao chiến lược tiêm phòng cho công nhân, đây là chiến lược dài hơi; trước mắt cần đẩy mạnh quá trình dập dịch. Cần rà soát thật kỹ các điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch trước khi cho doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, ban hành hướng dẫn mua sắm vật tư y tế đối với các vùng có dịch, nhất là xây dựng và công bố báo giá vật tư y tế để các tỉnh có căn cứ mua sắm vật tư phục vụ công tác chống dịch. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan có những giải pháp kịp thời để tạo điều kiện lưu thông, tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng có dịch.
Ngày 30-5, Bộ Y tế có văn bản khẩn gửi UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh về việc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch. Theo đó, chỉ đạo các đơn vị liên quan căn cứ tình hình dịch tại nhà máy, khu công nghiệp, lập danh sách trường hợp có nguy cơ cao bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 để tiêm trước. Tỉnh Bắc Ninh chuẩn bị phương tiện và con người để phối hợp các đoàn hỗ trợ của Bộ Y tế triển khai tiêm hết số vắc-xin đã được cấp trước ngày 10-6 cho các trường hợp đã lựa chọn…
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Ninh chống dịch Covid-19 đã làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đề nghị các đơn vị: yêu cầu 100% công nhân khai báo y tế điện tử, cài đặt Bluezone và bật ứng dụng 24/24; lắp đặt ca-mê-ra giám sát, cung cấp địa chỉ cư trú, tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch trên xe đưa đón công nhân. Chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện, xã phải vào cuộc, giám sát chặt khu nhà trọ công nhân, không được để tụ tập đông người, không được ra ngoài…
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19. Các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế phải tích cực phối hợp, hỗ trợ xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 tại các địa phương khác theo phạm vi hoạt động đã được cấp phép, nhưng vẫn phải bảo đảm công suất xử lý chất thải đã được cấp phép và công tác xử lý chất thải y tế tại địa phương mình…
Chiều 30-5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo TP Ðà Nẵng gặp mặt, tặng quà đoàn y bác sĩ Bệnh viện Ðà Nẵng trước lúc lên đường vào tâm dịch Bắc Giang. Ðoàn gồm 10 y bác sĩ do Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực làm trưởng đoàn.
Từ 0 giờ ngày 30-5, UBND thành phố Cần Thơ tái lập bảy chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại các tuyến giao thông, đầu mối giao thông trọng điểm, cửa ngõ ra vào thành phố.
Tỉnh Phú Yên chỉ đạo áp dụng các biện pháp cách ly đối với người từ vùng dịch đi đến, trở về tỉnh Phú Yên. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị nhà nước, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên phải khai báo y tế.
Ngay sau khi ngành chức năng kết luận trên địa bàn tỉnh có một trường hợp mắc Covid-19, tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương kích hoạt các tổ phản ứng nhanh, các phương án ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất y tế, phương tiện, nhân lực cho phòng, chống dịch. Mặt khác, tạm dừng các hoạt động tại phòng gym, câu lạc bộ võ thuật, bóng đá, tiệm massage, quán bar, karaoke, game; các hoạt động sinh hoạt tập trung trên 10 người… UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch tổ chức 72 chốt chặn phòng, chống dịch.
Doanh nghiệp ở các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An đã thành lập bộ phận phòng, chống dịch Covid-19, gọi là “Tổ an toàn Covid-19”. Hằng ngày, “Tổ an toàn Covid-19” tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân thực hiện nghiêm 5K.
UBND thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) yêu cầu tạm dừng hoạt động các bãi giữ xe tuyến công viên bờ biển đường Trần Phú – Phạm Văn Ðồng; cấm phương tiện đi vào công viên; cấm để xe trong công viên tuyến bờ biển kể từ 14 giờ ngày 30-5 đến khi có thông báo mới. Người dân vẫn được tắm biển nhưng phải hạn chế tập trung đông.
Ngày 30-5, UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay một số biện pháp cấp bách kiểm soát chặt chẽ người về từ vùng dịch. Theo đó, thông tin đến nhân dân trên địa bàn tỉnh có người thân đang sinh sống, học tập, lao động tại TP Hồ Chí Minh không di chuyển về Quảng Ninh. Trường hợp phải về Quảng Ninh vì lý do bất khả kháng, phải khai báo trung thực tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch và cách ly y tế tập trung 21 ngày theo hình thức tự trả phí.
UBND tỉnh An Giang đã ra văn bản, từ 0 giờ, ngày 31-5, toàn tỉnh tạm dừng tổ chức các hoạt động tập trung đông người, dịch vụ làm đẹp, gội đầu; không tổ chức tiệc tùng, họp mặt tại cơ quan, đơn vị. Ðối với các sự kiện hiếu, hỷ yêu cầu thực hiện quy mô tối giản, áp dụng triệt để giãn cách và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Ngày 30-5, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết sẽ chuyển khoản hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, mỗi tỉnh một tỷ đồng.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa ủng hộ thêm năm tỷ đồng đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước và tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 30-5, cả nước ghi nhận 251 trường hợp mắc Covid-19 (người bệnh thứ 6.857 đến 7.107) trong đó có một ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 250 ca mắc ghi nhận trong nước tại tỉnh Bắc Giang (124 ca), TP Hồ Chí Minh (59 ca), Bắc Ninh (43 ca) Hà Nội (18 ca) Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (hai ca), Hải Phòng (một ca), Long An (một ca), Hải Dương (một ca), Ðà Nẵng (một ca). Trong ngày, có 54 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh.
Chiều 30-5, Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Bắc Giang phối hợp Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang tổ chức tập huấn về vận hành khu cách ly (KCL) và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho gần 100 cán bộ, chiến sĩ tại các KCL tập trung huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang). Ðây là hai KCL tập trung dành cho F1 vừa mới được thiết lập, đặt tại doanh trại Trung đoàn 15 và Trung đoàn 17, Sư đoàn 31 (Quân khu 1) trên địa bàn huyện Lạng Giang.
Ngày 30-5, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội có văn bản yêu cầu học sinh lớp 9 và lớp 12 không đi ra khỏi thành phố từ nay cho đến khi hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 – 2022 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình; chủ động ôn tập tại nhà, giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị tốt cho các kỳ thi.
Chiều 30-5, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai đã quyết định: Từ 0 giờ ngày 31-5, tạm dừng các hoạt động, nghi lễ tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự trên địa bàn tỉnh; các địa điểm du lịch, tham quan, di tích; khu vui chơi, giải trí, sân golf, các điểm tập thể dục – thể thao ngoài trời tập trung trên 10 người, các hoạt động tại phố đi bộ, công viên công cộng, các điểm truy cập in-tơ-nét, các cơ sở spa, làm đẹp. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ quá 10 khách cùng một thời điểm; bảo đảm thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch và giữ khoảng cách các bàn là 2 m. (Nhân dân, trang 1).
Bộ trưởng Bộ Y tế: Nỗ lực cao nhất để có thêm vắc xin phòng COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường
Theo GS. TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế đang nỗ lực cao nhất để có thêm vắc xin phòng COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, chỉ có vắc xin phòng COVID-19 mới đưa được cuộc sống trở lại bình thường vì vậy Bộ Chính trị đã có chủ trương trong vấn đề về nhập khẩu, sử dụng, sản xuất, nghiên cứu đối với vắc xin.
Chính phủ cũng đã có những Nghị quyết, văn bản chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ mua nhập khẩu, nghiên cứu sản xất và sử dụng vắc xin trên tinh thần để người dân tiếp cận nhanh nhất, rộng nhất, đảm bảo miễn dịch cho từng người dân và cho cộng đồng.
“Chúng tôi đã tích cực tiếp cận, trao đổi, đàm phán để có vắc xin phòng COVID-19. Đến nay, số liều vắc xin đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam”- Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Làm đồng thời nhiều nhiều giải pháp để có vắc xin phòng COVID-19 nhanh nhất, sớm nhất và tiến tới tự chủ
Ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin phòng COVID-19. Đặc biệt, Việt Nam đã rất nỗ lực, là 1 trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng mua vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Việt Nam cũng là 1 trong 92 quốc gia được COVAX facility hỗ trợ tới 38,9 triệu liều vắc xin. Vừa qua, Bộ Y tế cũng đàm phán, ký thỏa thuận với Pfrizer để mua 30 triệu liều vắc xin.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí và tiếp tục đàm phán mua thêm 20 triệu liều vắc xin Pfizer.
Hôm qua, 28/5, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục đàm phán trực tuyến với nhà cung ứng vắc xin phòng COVID-19 Moderna để cùng bàn thảo làm sao sớm có vắc xin cung ứng cho Việt Nam.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đã làm việc trực tiếp với đại diện Đại sứ quán và Hiệp hội, công ty có các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để thảo luận về vấn đề cung ứng vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam cũng như việc tiêm chủng vắc xin cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp tại khu vực có doanh nghiệp FDI.
Cùng đó, theo người đứng đầu ngành y tế, Bộ Y tế cũng cho biết, song song với tích cực tiếp cận nguồn vắc xin trên thế giới, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2, mở đường có khả năng nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
Theo Quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 được ký, ban hành mới đây, Quỹ có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính, hiện vật của Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Kinh phí hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ do ngân sách nhà nước chi trả, không sử dụng từ nguồn thu của Quỹ. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.
“Có thể nói rằng, đây là một trong những cơ chế tài chính vừa huy động tổng lực đóng góp của xã hội, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân đồng thời đảm bảo ngân sách Nhà nước để đảm bảo vắc xin cho người dân. Đây là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong vấn đề huy động nguồn lực xã hội cho vấn đề về vắc xin”- GS. TS Nguyễn Thanh Long nói đồng thời cho biết tới đây tiếp tục kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm cũng như mọi người dân tham gia vào Quỹ vắc xin, đảm bảo cơ chế tài chính cho vấn đề vắc xin trong tương lai…(Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Hơn 1,8 tỷ đồng hỗ trợ lần 2 nhân dân và tuyến đầu chống dịch Bắc Giang, Bắc Ninh
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng lãnh đạo Bộ Y tế, Báo Sức khỏe & Đời sống cùng Báo Gia đình & Xã hội đã phát động chương trình kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị cùng cá nhân dành sự ủng hộ người dân, người lao động, đội ngũ cán bộ, y bác sỹ đang ngày đêm quên mình chống dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang trên tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”.
Chiều 28/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã thay mặt Bộ Y tế, trao quà ủng hộ của Báo Sức khỏe & Đời sống (cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế), Báo Gia đình & Xã hội đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Tổng giá trị ủng hộ là hơn 1,8 tỷ đồng.
Đây là đợt ủng hộ thứ 2 của Báo Sức khỏe & Đời sống và Báo Gia đình & Xã hội. Tính đến ngày 28/5 (đợt 2 của chương trình), hai Báo đã nhận được tổng trị giá lên tới 1.813.000.000 đồng, số tiền và hiện vật vẫn đang được mạnh thường quân khắp bốn phương tiếp tục gửi về tòa soạn.
Thay mặt tỉnh Bắc Giang, ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Báo Sức khỏe & Đời Sống, Báo Gia đình & Xã hội đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và khẳng định đây sẽ là nguồn động viên quý báu để cấp ủy, chính quyền và nhân dân Bắc Giang tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn.
Ông Thắng cũng mong muốn hai Báo với tư cách là cơ quan báo chí của Bộ Y tế sẽ tích cực tuyên truyền và lan tỏa được sự nỗ lực của các lực lượng tham gia chiến đấu tại tuyến đầu như y bác sĩ, công an, bộ đội, tổ COVID cộng đồng….
Chia sẻ tại buổi trao tặng quà ủng hộ Bắc Giang, ông Nguyễn Ngọc Đức – Phó Tổng biên tập Báo Gia đình & Xã hội nói: Hiện nay tiền và hiện vật vẫn đang tiếp tục đổ về tài khoản, chắc chắn sẽ còn nhiều đợt ủng hộ nữa hướng về Bắc Giang.
Báo Sức khỏe & Đời sống cùng với Báo Gia đình & Xã hội đã cử 04 phóng viên “cắm chốt” tại Bắc Giang, tích cực tuyên truyền để người dân cả nước nắm đươc tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang, sự nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, kêu gọi bà con hướng về Bắc Giang theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế.
Nhận định về tình hình dịch bệnh, ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cho biết: “Dưới sự hỗ trợ của các cấp các ngành đặc biệt là Bộ Y tế cử các lực lượng y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về Bắc Giang, chúng tôi khẳng định hiện nay dịch bệnh đã được khoanh vùng. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, tỉnh Bắc Giang đã tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổ chức truy vết các trường hợp F1, F2 nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân”.
Ông Thắng chia sẻ thêm: “Những ngày qua, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương, các tỉnh bạn đã dành sự quan tâm đặc biệt tới Bắc Giang với tinh thần chung tay chung sức cùng Bắc Giang chống dịch. Có thể nói đến thời điểm này, các Ban Bộ ngành Trung ương, các địa phương đã tích cực kêu gọi nhân dân tham gia ủng hộ công tác phòng chống dịch trên phạm vi cả nước, đặc biệt quan tâm đến hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Với sự tri ân như vậy, Đảng bộ chính quyền nhân dân các cấp Bắc Giang quyết tâm cùng với các lực lượng thành công đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới.
Trong tình hình hiện nay, các nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế và kinh phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch đối với địa phương còn rất khó khăn, Bắc Giang mong muốn các cấp, các ngành các tổ chức, các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng Bắc Giang chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả”.
Ông Nguyễn Ngọc Đức cho biết: “Ngay khi có lời kêu gọi của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Báo Sức khỏe & Đời sống cùng với Báo Gia đình & Xã hội đã ngay lập tức triển khai chương trình kêu gọi người dân cũng như các doanh nghiệp “chia lửa” cùng Bắc Giang chống dịch. Chỉ một thời gian ngắn sau khi hai Báo phát động đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo các mạnh thường quân.
Chúng tôi đã trao được 2 đợt quà cho Bắc Ninh và Bắc Giang, hiện tại sự chia sẻ của độc giả vẫn tiếp tục đổ về Báo. Đây cũng là một truyền thống của người dân Việt Nam, khi có dịch dã, thiên tai, bão lũ… mọi người đều quan tâm, chia sẻ và hướng về các địa phương đang cần sự giúp đỡ.
Hiện nay tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Báo Sức khỏe & Đời sống và Báo Gia đình & Xã hội có tới 6 phóng viên tác nghiệp trực tiếp. Trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên luôn tuân thủ quy định và khuyến cáo của Bộ Y tế. Họ là những phóng viên rất nhiệt huyết, bản lĩnh, với chuyên môn vững vàng, sẵn sàng lên đường tới các điểm nóng, thông tin chính xác và nhanh chóng về tình hình dịch bệnh tới bạn đọc. Bởi truyền thông chính xác, khoa học là vũ khí tốt nhất cho công tác phòng chống dịch.
Cũng trong chiều ngày 28/5, tại Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh, Báo Sức khỏe & Đời sống, Báo Gia đình & Xã hội đã trao tặng cho người dân và lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Bắc Ninh nhiều nhu yếu phẩm, đồ dùng bảo hộ y tế …. Những ngày qua, người dân cả nước vô cùng xúc động trước hình ảnh kiên cường của hàng trăm cán bộ, chiến sỹ cùng y bác sỹ và người dân vùng dịch của hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Đây thực sự là những chiến sỹ đi đầu, những người anh hùng thầm lặng trên mặt trận không có tiếng súng. Nhằm chia sẻ khó khăn cùng với người dân và lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang Báo Sức khỏe & Đời sống, Báo Gia đình & Xã hội đã kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp cùng chung sức, đồng lòng hướng về tâm dịch. Bà Trần Yến Châu Phó Tổng biên tập báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, “Dù thời tiết của Hà Nội ngày hôm nay khá nóng nực, thế nhưng được tự tay chuẩn bị những món quà, những nhu yếu phẩm để gửi tặng người dân Bắc Ninh, Bắc Giang, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tất cả mọi thành viên trong đoàn đều mong được đóng góp một chút sức lực của mình để chung tay cùng chính quyền và người dân tỉnh hai tỉnh nhanh chóng đẩy lùi dịch COVID-19”. Phát biểu trong buổi tiếp nhận, ông Nguyễn Đình Lợi – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh xúc động cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, Bắc Giang và Bắc Ninh hiện đang là những địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất do dịch COVID-19. Những món quà ý nghĩa được trao tặng hôm nay là nguồn động viên tinh thần rất lớn và kịp thời đối với người dân cũng như lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Bắc Ninh”… (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).
Trọng Đoàn tổng hợp