Dinh dưỡng y học- giá trị cần được hiểu đúng

(CDC Hà Nam)

Áp lực, biến đổi xã hội, môi trường… trong thời hiện đại đã làm thay đổi mô hình bệnh tật hiện tại và tương lai. Sự gia tăng các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, béo phì, viêm khớp, suy giảm miễn dịch và nhiều đại địch bùng phát… tạo nên một gánh nặng sức khỏe lớn cho xã hội.

Điều này đặt ra thách thức trong quản lý bệnh tật, đòi hỏi một mô hình toàn diện và lâu dài. Một trong yếu tố góp phần duy trì chất lượng điều trị, nâng cao chất lượng sống của người bệnh, cần đặc biệt được chú ý đó là dinh dưỡng y học.

Dinh dưỡng y học – Liệu pháp hỗ trợ “chữa lành”

Có thể hiểu “Dinh dưỡng Y học” là dinh dưỡng đóng vai trò góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Ví dụ như một bệnh nhân sau phẫu thuật, dù ít dù nhiều, người bệnh sẽ mất máu và sức lực, cơ thể thường yếu mệt, kèm biểu hiện thiếu máu, nhất là với những bệnh nhân gầy yếu, và trên nền bệnh mãn tính. Với cách tiếp cận hiện đại, bên cạnh thuốc điều trị bệnh, chế độ dinh dưỡng, bổ sung dinh dưỡng y học giúp hỗ trợ hạn chế các tác dụng phụ của thuốc, giúp duy trì tình trạng cân nặng, tình trạng hồng cầu và các chức năng khác của cơ thể.

Hơn nữa trong một số bệnh, dinh dưỡng y học được xem là cánh tay đắc lực giúp hỗ trợ quá trình điều trị.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh dinh dưỡng có vai trò rất lớn trong quá trình hỗ trợ điều trị như suy dinh dưỡng do thiếu năng lượng; thừa cân, béo phì do thừa năng lượng, các bệnh do thiếu vitamin A, B, C, D…, thiếu vi chất: sắt, kẽm, canxi… Nếu dinh dưỡng tốt sẽ góp phần nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Qua nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý đã giúp hỗ trợ tăng cường miễn dịch rút ngắn thời gian điều trị, giảm biến chứng, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị, giảm tỉ lệ tử vong.

Ngoài ra, việc sử dụng dinh dưỡng còn có tác dụng hỗ trợ điều hòa các rối loạn chuyển hóa làm giảm một số bệnh do chúng gây ra, đặc biệt, là trong điều trị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, suy tim, bệnh lý về gan, dạ dày… Trong điều trị một số bệnh lý như: chấn thương phần mềm, gãy xương, suy nhược cơ thể sau sốt rét, sau mổ, sau nhiễm khuẩn nặng… nếu sử dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp vết thương mau lành, sức khỏe hồi phục nhanh hơn. Chế độ dinh dưỡng hợp lý còn giúp cho cơ thể duy trì khả năng miễn dịch, tăng khả năng chống chọi với bệnh tật.

Ngọc Nga (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Dấu hiệu nhận biết nguy cơ thoái hóa khớp gối

Ngọc Nga

Bị sốt xuất huyết nên kiêng gì?

Ngọc Nga

Giá trị dinh dưỡng từ màu sắc của rau củ quả

Ngọc Nga