Hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân

(CDC Hà Nam)

Năm 2023, Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7) với chủ đề “Thực hiện nghiêm Luật Bảo hiểm y tế hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân” một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế…

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 6/2023, cả nước đã có 90,897 triệu người tham gia, tăng 4,358 triệu người so cùng kỳ năm 2022 và đạt tỷ lệ bao phủ 91,86% dân số.

Ở thời điểm hết quý I/2023, số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 40,3 triệu lượt tăng so cùng kỳ năm trước là 45,4%; số tiền đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế là 26,84 nghìn tỷ đồng, tăng so với quý I/2022 là 38,9%.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết nối, chia sẻ dữ liệu và sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hệ thống đã xác thực hơn 86,9 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời, Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ hơn 117,5 triệu lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến hết tháng 6, toàn quốc đã có 12.455 cơ sở triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt 97,27% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc).

Công tác phát triển người tham gia bảo hiểm y tế cũng gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, năm 2022 có khoảng 4,9 triệu người không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.

Trong đó, 1,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình do gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19 cho nên không tiếp tục tham gia; 1,136 triệu người thuộc 247 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ cho nên không được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế; 2,1 triệu người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nay không thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước thực tế nêu trên, các giải pháp được toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai quyết liệt, khẩn trương, nhất là công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế. Kết quả, năm 2022, số người tham gia bảo hiểm y tế vẫn đạt kết quả tích cực, với 91,07 triệu người tham gia, bao phủ 92,04% dân số (vượt 0,04% so chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP), tăng 2,237 triệu người so năm 2021. Và đến hết tháng 6/2023, cả nước đã có 90,897 triệu người tham gia, tăng 4,358 triệu người so cùng kỳ năm 2022 và đạt tỷ lệ bao phủ 91,86% dân số…

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, bảo hiểm y tế là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Chính sách bảo hiểm y tế có phạm vi tác động rất lớn, liên quan đến toàn dân. Nâng cao hiệu quả thực hiện bảo hiểm y tế là góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội cho đất nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh Luật Bảo hiểm y tế đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào tháng 10/2023 và thông qua vào tháng 5/2024, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cũng cho rằng “từ góc nhìn của cơ quan tổ chức thực hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam mong muốn, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) sẽ tạo cơ chế thực hiện bảo hiểm y tế bền vững hơn; tạo thuận lợi cho công tác phát triển đối tượng, bảo đảm mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân ổn định, hạn chế sự thay đổi chính sách…” (Nhân dân, trang 4, số ra ngày 3.7.2023).

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 06/11/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 26/4/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/10/2018

Ngọc Nga