Kinh nguyệt bất thường gây nguy cơ vô sinh

(CDC Hà Nam)

Các biểu hiện bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt như không đều, quá nhiều hoặc quá ít có thể báo hiệu nhiều vấn đề về vô sinh, hiếm muộn.

Không có kinh nguyệt

Sau khi ngừng áp dụng các biện pháp tránh thai, cơ thể phụ nữ sẽ cần vài tháng để điều chỉnh và rụng trứng trở lại. Nhưng nếu sau 3 tháng vẫn không có kinh nguyệt, bạn nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia. Không có kinh nguyệt tức là không có rụng trứng, phụ nữ sẽ ít có cơ hội thụ thai hơn nếu không có sự trợ giúp hoặc can thiệp sớm.

Các giải pháp có thể được áp dụng bao gồm uống hoặc tiêm thuốc kích thích rụng trứng để thực hiện thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.

Kinh nguyệt không đều

Nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn, bạn sẽ không xác định được chính xác ngày rụng trứng hoặc sắp rụng trứng, khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn. Nguyên do của kinh nguyệt không đều khá đa dạng, có thể do buồng trứng đa nang, rối loạn tuyến giáp… hoặc cũng có thể dự trữ buồng trứng giảm do lạc nội mạc tử cung hoặc suy buồng trứng sớm.

Chảy máu giữa chu kỳ

Thông thường, phụ nữ sẽ chỉ có hành kinh một lần mỗi tháng. Chảy máu giữa chu kỳ hoặc sau khi quan hệ tình dục có thể do polyp hoặc u xơ tử cung hoặc tổn thương cổ tử cung. Bên cạnh các vấn đề liên quan đến khả năng thụ thai, bác sĩ có thể thăm khám để xác định triệu chứng này có xuất phát từ các tình trạng nghiêm trọng hơn như ung thư hoặc các bệnh hiếm gặp.

Kinh nguyệt ra nhiều

Kinh nguyệt ra nhiều bất thường là khi bạn phải thay nhiều hơn một miếng băng vệ sinh hoặc tampon trong vòng một giờ đồng hồ, ra các cục máu đông lớn. Theo các chuyên gia, đây có thể là dấu hiệu của u xơ tử cung. Các khối u xơ có thể được thu nhỏ hoặc loại bỏ nếu chúng gây ức chế quá trình mang thai. Kinh nguyệt nhiều cũng liên quan đến một số rối loạn chảy máu bất thường, có thể điều trị và kiểm soát bằng thuốc.

Đau vùng chậu

Nếu bạn bị chuột rút nặng, đau đớn mỗi khi đến kỳ hoặc khó chịu sau khi quan hệ tình dục, bạn có thể mắc lạc nội mạc tử cung. Đây là tình trạng xảy ra khi các mô tương tự như lớp niêm mạc bên trong tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung hoặc ngay tại tử cung, thường là trên các cơ quan khác bên trong khung chậu hoặc khoang bụng. Các khối u lạc nội mạc tử cung có thể sưng lên và chảy máu, tương tự như cách niêm mạc bên trong tử cung hoạt động hàng tháng, dẫn đến hiện tượng chảy máu bên trong khung chậu, đau bụng khi hành kinh.

Theo các chuyên gia, lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến hình thành sẹo trong vùng chậu, làm giảm khả năng sinh sản và tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Tình trạng này cũng giảm nguồn cung cấp trứng của phụ nữ.

Ngoài ra, đau vùng chậu kèm theo sốt hoặc tiết dịch bất thường có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nhiễm trùng vùng chậu làm gia tăng nguy cơ tắc ống dẫn trứng.

Chu kỳ ngắn và ít

Nếu bạn gặp tình trạng chu kỳ ngắn hơn 18 ngày, hoặc ra máu rất ít mỗi lần, đó có thể là dấu hiệu không rụng trứng hoặc cơ thể không sản xuất đủ hormone progesterone để duy trì thai kỳ nếu thụ thai thành công. Các bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm, kiểm tra nồng độ hormone liệu có vấn đề nào ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của bạn hay không.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

VAI TRÒ CỦA VI CHẤT DINH DƯỠNG VỚI TRẺ EM

Ngọc Nga

Tăng nguy cơ mắc COVID-19 ở người trẻ do hút thuốc

CDC Hà Nam

Dấu hiệu ung thư đại tràng

Ngọc Nga