Mẫu virus các ca bệnh dương tính trở lại với COVID-19 sau khi khỏi bệnh không phát triển qua nuôi cấy

(CDC Hà Nam)
Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã thực hiện việc nuôi cấy lại 05 mẫu virus của các ca dương tính lại với SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh nhưng các virus này không phát triển.

Thông tin tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác Phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều ngày 28/4, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 270 trường hợp mắc COVID-19 (ngày thứ 12 liên tiếp không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng, kể từ ngày 17/4); 222 trường hợp đã khỏi bệnh;

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

Hiện nay còn lại 48 người bệnh đang điều trị tại 9 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó kết quả xét nghiệm chuyể âm tính lần 1 là 8 ca, âm tính 2 lần liên tiếp là 2 ca, âm tính 3 lần liên tiếp trở lên là 4 ca, số ca kết quả xét nghiệm đang dương tính, chưa chuyển biến là 34 ca.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Về việc điều trị tại các tuyến, có 38 ca (79,2%) đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương, có 8 ca (16,7%) đang điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh và 2 ca (4,2%) đang điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện.

03 bệnh nhân diễn biến nặng (số 19,91,161), trong đó bệnh nhân số 19 và 161 đang tập cai thở máy;

Bệnh nhân số 91: Hiện nằm yên/an thần, không sốt, thở máy, không chảy máu thêm, tim co bóp tốt, tiến triển tốt hơn trước. Xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp các ngày 22-23-24/4/2020.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo tại cuộc họp cho hay, có 08 trường hợp dương tính trở lại sau khi đã khỏi bệnh đang được cách ly, theo dõi tiếp tại các cơ sở y tế. Đã thực hiện việc nuôi cấy lại 05 mẫu vi rút của các ca dương tính lại nhưng các vi rút này không phát triển. Trong đó: 03 bệnh nhân (BN 188, 137, 74) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2); 02 bệnh nhân (BN 52,149) tại Bệnh viện dã chiến 2 Quảng Ninh, 01 bệnh nhân (BN 36) tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Thuận, 02 bệnh nhân (BN 207, 224) tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Nhận định dịch ở Việt Nam

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong tuần vừa qua (từ 20-26/4), thế giới ghi nhận thêm 516.209 trường hợp mắc mới và 37.944 trường hợp tử vong, so với tuần trước đó (13-19/4) số mắc mới tăng 33.054 trường hợp và tử vong giảm 8.314 trường hợp. Ghi nhận 90% số tử vong do COVID-19 tại Mỹ và các quốc gia thuộc Châu Âu; Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia có số mắc và tử vong cao nhất trong số 212 quốc gia/vùng lãnh thổ có dịch COVID-19.

Tại châu Á, ghi nhận sự gia tăng đột biến số mắc mới tại Singapore với hơn 1000 ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày trong tuần qua. Tuy số mắc mới tăng, cũng trong 7 ngày qua, số ca tử vong mới do COVID-19 giảm đáng kể so với con số 51.479 ca tử vong của tuần trước đó. Số người được xác định khỏi bệnh đến nay đã là 836.612 người, tuy nhiên mới chỉ bằng 28.6% số mắc bệnh.

Tại Việt Nam, trong tuần (từ 20-26/4) chỉ ghi nhận 2 trường hợp mắc mới ngày 24/4 (về từ nước ngoài, được cách ly ngay khi xuống sân bay), ghi nhận ngày thứ 10 liên tiếp không có trường hợp mắc mới tại cộng đồng. Tuy nhiên, ghi nhận 5 trường hợp khỏi bệnh nhưng được xét nghiệm dương tính trở lại đang được theo dõi tại các cơ sở y tế.

“Điều đó cho thấy tính phức tạp trong cơ chế lây nhiễm của vi rút SARS-CoV-2, cần đánh giá và triển khai đúng các biện pháp phòng, chống nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đặc biệt đối với các trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng nhưng không biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh

Tại Việt Nam, thời gian đầu chủ yếu sử dụng nguồn sinh phẩm từ nước ngoài (từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), CDC Hoa Kỳ, Đức) để xét nghiệm kháng nguyên để xác định người mắc COVID-19. Sau đó, Việt Nam đã phát triển được loại sinh phẩm xét nghiệm thay thế nguồn nước ngoài (sinh phẩm do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phát triển). Sinh phẩm này đã và đang được sử dụng chủ đạo tại Việt Nam để xét nghiệm xác định virus SARS-CoV-2 với ưu điểm là giá thành hợp lý, chất lượng tương đương các sinh phẩm quốc tế.

Tới nay, chúng ta đã xét nghiệm được khoảng 212.000 mẫu bệnh phẩm, phát hiện 270 trường hợp mắc COVID-19, tỷ lệ phát hiện dương tính khoảng 0,13%, là một trong những quốc gia có bình quân số lượng test trên một ca phát hiện dương tính cao nhất thế giới.

Cả nước hiện có 112 phòng xét nghiệm Realtime – PCR có năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 (công suất tối đa khoảng hơn 27.000 mẫu/ngày), trong đó 48 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định COVID-19 (công suất tối đa khoảng 14.300 mẫu/ngày).

Thời gian qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phối hợp với Đại học Nagasaki của Nhật Bản nghiên cứu và phát triển loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể. Điểm khác biệt rất đáng chú ý là sinh phẩm xét nghiệm của Việt Nam sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến Trung ương đến tận y tế tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác. Sinh phẩm “made in Vietnam” có nhiều ưu điểm: sử dụng rộng rãi cho tất cả các tuyến từ tuyến huyện; độ nhạy và độ đặc hiệu cao khoảng 95% sau khi bị nhiễm 8 ngày; giá thành của sinh phẩm này rẻ (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm).

Hiện Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt. Nếu thành công, Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể và thương mại hóa.

Hai xét nghiệm trên đây dùng để bổ trợ cho nhau trong việc khẳng định COVID-19 và xác định mức độ lây lan trong cộng đồng. Thời gian tới, với 02 loại sinh phẩm sản xuất được, Việt Nam sẽ hoàn toàn chủ động việc xét nghiệm mà không cần phải mua thêm máy móc, thiết bị xét nghiệm cũng như các sinh phẩm, hóa chất cần thiết khác.

Thái Bình (Suckhoedoisong.vn)

 

 

Bài viết liên quan

Đề cương tuyên truyền 110 năm ngày sinh đồng chí Chu Huy Mân

Ngọc Nga

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống tác hại của rượu, bia dịp Tết

Mậu Ngọ

Bộ Y tế chính thức ban hành hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 với người nhập cảnh

Ngọc Nga

Để lại bình luận