Nghiện tập thể dục gây hại thế nào?

(CDC Hà Nam)

Tập thể dục đều đặn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc nghiện tập thể dục lại ảnh hưởng tới không tốt cho sức khỏe.

Có khoảng 3 đến 5% những người chơi thể thao mắc chứng nghiện tập thể dục. Tuy nhiên, chứng nghiện thể thao rất khó phát hiện ra, bởi những người mắc chứng này rất ít khi tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác.

Hệ lụy của nghiện tập thể dục

Nghiện tập thể dục, tập thể dục quá sức, có thể gây hại cho cơ thể:

  • Chấn thương (tổn thương cơ bắp, gãy xương do căng thẳng)…
  • Với phụ nữ, việc tập quá mức có thể khiến kinh nguyệt không đều, thậm chí mất kinh.
  • Cách ly xã hội: Người nghiện tập thể dục dành quá nhiều thời gian cho việc tập luyện nên giảm thời gian cho bạn bè, gia đình… dần dần dẫn đến cách ly với xã hội.
  • Trầm cảm: Người tập có thể bị căng thẳng, trầm cảm do áp lực của việc tập luyện.

Cụ thể, người nghiện tập thể dục thường có các dấu hiệu sau:

– Thường xuyên mệt mỏi và kiệt sức: Việc nghiện tập thể dục có thể đẩy cơ thể vượt quá ngưỡng có thể phục hồi, từ đó dễ dẫn đến kiệt sức. Nếu vẫn tập luyện và không để cơ thể nghỉ ngơi, cơ thể sẽ thường xuyên mệt mỏi, dễ dẫn đến chấn thương.

Việc phục hồi sau tập luyện là rất quan trọng trong tập thể dục. Phục hồi và nghỉ ngơi giúp người tập tăng cường cự dẻo dai, giảm nguy cơ chấn thương và căng cơ, cải thiện hiệu suất cho lần tập tiếp theo.

– Cảm thấy lo lắng, bất an khi bỏ lỡ một buổi tập: Nếu việc bỏ lỡ một buổi tập khiến người tập bồn chồn, lo lắng, bất an, đổ mồ hôi, thậm chí hoảng loạn thì đây là dấu hiệu rõ ràng của chứng nghiện tập thể dục.

– Rối loạn ăn uống: Những người nghiện tập thể dục có thể quá bận tâm đến hình ảnh của cơ thể, về cân nặng và ảnh hưởng đến việc kiểm soát chế độ ăn uống. Họ có thể ăn nhiều hơn khi tập luyện nhiều hoặc ăn ít đi nếu không được tập luyện hoặc tập ít.

 – Không hài lòng với kết quả tập luyện của chính mình: Việc đặt mục tiêu quá cao cho buổi tập luyện và thường không thấy hài lòng với kết quả luyện tập của chính mình là những dấu hiệu thường thấy ở người nghiện tập thể dục.

– Không thể ngồi yên mà không tập luyện: Đa số những người nghiện tập thể dục thường bứt rứt khó chịu, không ngồi yên một chỗ và luôn thấy cuồng chân tay… muốn bắt đầu tập luyện một cái gì đó.

Làm gì để tránh nghiện tập thể dục?

Để tránh nghiện tập thể dục, chuyên gia khuyên người tập nên:

– Tránh đến phòng tập thể dục quá nhiều.

– Nên tập thể dục với tinh thần vui vẻ, thoải mái.

– Lập kế hoạch tập luyện với giới hạn thời gian và số lần vận động hàng ngày.

– Không nên tập thêm bài tập nào dù có nhiều thời gian rảnh rỗi; nên dành thời gian cho người thân, bạn bè, sở thích các nhân khác.

– Không nên cố gắng tập gấp đôi nếu đã lỡ 1 buổi tập.

– Nghỉ ngơi và thư giãn xen kẽ giữa các buổi tập.

– Nếu có điều kiện, nên luyện tập theo hướng dẫn của huấn luyện viên.

Ngọc Nga (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

Ai không nên ăn quả sấu?

CDC Hà Nam

Ăn chung bát đũa, uống chung cốc có lây virus viêm gan B?

CDC Hà Nam

11 dấu hiệu trầm cảm ở trẻ cha mẹ không thể bỏ qua

CDC Hà Nam