Những món ăn giúp chống nắng trong mùa hè chói chang

(CDC Hà Nam)

Có một số loại thực phẩm có thể giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.

Món ăn có tác dụng chống nắng nên tăng cường trong mùa hè

Tia cực tím (UV) có thể gây hại cho da, đặc biệt là những vùng da mỏng ở phần mắt. Thậm chí, cháy nắng do tia UV còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da.

Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước tác hại của ánh nắng mặt trời là hạn chế tiếp xúc với nắng. Bằng cách tránh ra ngoài vào thời điểm nắng gắt (10 giờ sáng đến 4 giờ chiều) hoặc bôi kem chống nắng đầy đủ.

Ngoài ra, có một số loại thực phẩm có thể giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, các loại thực phẩm này không thể thay thế hoàn toàn việc sử dụng kem chống nắng và các biện pháp bảo vệ da khác.

Dưới đây là một số món ăn có tác dụng chống nắng:

– Khoai lang: Trong khoai lang có chứa beta-carotene, đây là một chất chống oxy hóa hoạt động như một lá chắn bảo vệ da khỏi tia UV. Sau khi đi vào cơ thể, beta-carotene sẽ được chuyển hóa thành vitamin A, chất có thể làm giảm cháy nắng.

– Các loại rau lá xanh: Rau lá xanh như cải xoong, rau bina… có chứa nhiều carotenoid và chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời.

– Các loại hạt: Hạt chia, hạt hướng dương… chứa nhiều vitamin E, một chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ da khỏi tác động của tia UV.

– Các loại cá có nhiều omega-3: Cá hồi, cá thu… là nguồn giàu omega-3, giúp giảm việc bị cháy nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

– Sô-cô-la đen: Sô-cô-la đen có thể cung cấp chất chống oxy hóa polyphenol, giúp bảo vệ da khỏi tác động của tia UV.

– Dưa chuột: Dưa chuột có chứa nhiều vitamin K giúp làm lành da, vì vậy rất tốt để làm dịu vết cháy nắng. Ngoài ra, 96% dưa chuột là nước, vì vậy dưa chuột có khả năng dưỡng ẩm cho da cực cao.

– Dưa hấu: Dưa hấu là loại trái cây có chứa chất chống oxy hóa lycopene và axit amin arginine. Cả hai đều giúp bảo vệ da khỏi sự ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời.

Một vài lưu ý khi bôi kem chống nắng trong mùa hè

Kem chống nắng cần được bôi trước khi ra đường 30 phút. Hệ số bảo vệ chống nắng (SPF) ít nhất là 30 cho tất cả các vùng da tiếp xúc.

Ngoài da mặt, thì cánh tay, cổ, vùng mắt, vai gáy… cũng là những bộ phận cần được bôi kem chống nắng nhưng thường bị bỏ qua. Dù đã bôi kem chống nắng đầy đủ, mọi người vẫn nên mặc thêm quần áo dài tay, mũ rộng vành và đeo kính râm khi ra đường.

Tuy kem chống nắng rất cần thiết trong mùa hè, nhưng mọi người trước khi dùng nên cân nhắc giữa lợi và hại.

Nếu da đang có mụn viêm thì việc dùng kem chống nắng sẽ góp phần làm bít tắc lỗ chân lông nhiều hơn, chưa kể các hoạt chất trong kem chống nắng có thể gây kích ứng da. Do đó, nếu có thể che nắng được bằng khẩu trang thì đó vẫn là sự lựa chọn an toàn khi da đang có vết thương hở.

Người đang có mụn viêm, nếu không thể che khẩu trang được thì khi bôi kem chống nắng cần phải rửa mặt lại sau 3-4 tiếng. Nếu bôi lại lần 2 cũng không được để kem chống nắng lưu trên da quá lâu.

Trong trường hợp không bôi kem chống nắng, mọi người không nên để da trần trước môi trường bên ngoài. Nên chọn cho da mình 1 loại kem dưỡng phù hợp tính chất của da.

Việc dùng kem dưỡng phù hợp sẽ giúp da giữ được độ ẩm, tránh tình trạng mất nước lớp thượng bì gây sạm da. Da không bị mất nước sẽ căng bóng, giảm nhăn đáng kể nhất.

Mùa hè năm nay được dự báo sẽ nắng nóng hơn, gay gắt hơn so mùa hè năm ngoái. Ngoài nguy cơ sốc nhiệt thì cháy nắng cũng là tình trạng dễ xảy ra do nắng gắt.

Dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn sự tác động của ánh nắng đối với làn da, tuy nhiên nếu chúng ta áp dụng các biện pháp phòng ngừa hợp lý như bôi kem chống nắng, sử dụng quần áo bảo hộ, tăng cường các thực phẩm ngăn ngừa tia UV… chắc chắn làn da sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Ai là người dễ bị xơ vữa động mạch?

Ngọc Nga

Nhận biết 12 biểu hiện nhiễm SARS-CoV-2 theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế

Ngọc Nga

Khuyến cáo phòng chống bệnh viêm não, viêm màng não do não mô cầu

Ngọc Nga