Nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam

(CDC Hà Nam)

Sau hơn một tháng nỗ lực với nhiều biện pháp quyết liệt, cụ thể và sự đồng sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 15/16 ca mắc đã khỏi và ra viện; từ sau ngày 13-2-2020 đến nay chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào. Đến thời điểm này, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ

Dịch bệnh COVID-19 bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) từ cuối tháng 12-2019. Bệnh do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra. Kể từ cuối tháng 12-2019, dịch đã lan rộng và diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, đặc biệt là tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi được xem là “tâm dịch”. Đến nay, ngoài Trung Quốc đại lục, dịch còn lây lan sang 34 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nằm ngay sát biên giới Trung Quốc, có giao thương chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng sau hơn một tháng dịch bệnh bùng phát, Việt Nam chỉ có 16 ca nhiễm bệnh và 15 ca đã được chữa khỏi. Trong số đó có ca là người cao tuổi với nhiều bệnh nền như huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư và một bệnh nhi 3 tháng tuổi. Có được kết quả đáng ghi nhận này, trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành, đặc biệt là nỗ lực của ngành y, sự hợp tác của người bệnh và đồng lòng của nhân dân cả nước trong công tác phòng chống dịch, từ việc cách ly điều trị ban đầu cho đến triển khai đồng bộ các giải pháp trong điều trị.

vnapotaldichviemduonghohapcapdoncovhaugiangphatkhautrangytemienphichonguoidan0950530814432647-w1199-h960.jpg

Người dân chủ động mua khẩu trang y tế đạt chuẩn sử dụng để phòng dịch

Với tinh thần quyết liệt “chống dịch như chống giặc,” “không được chủ quan, không để dịch lây lan” và “chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân,” ngay từ những ngày đầu, khi có thông tin về dịch bệnh, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngành y tế và các bộ, ngành liên quan phòng chống dịch COVID-19.

Ngày 23-1, ngay sau khi Việt Nam ghi nhận hai trường hợp dương tính đầu tiên, Thủ tướng chính phủ có Công điện số 121/CĐ-TTg chỉ đạo về việc phòng, chống dịch bệnh. Tiếp đó, Thủ tướng đã ban hành các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1-2020 và Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 31-1-2020 về phòng, chống dịch. Trong đó đề ra các giải pháp kiểm soát dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ, không để dịch bệnh lan rộng… Đặc biệt, ngày 30-1-2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Công văn số 79-CV/TW về việc phòng, chống dịch. Tiếp đó, ngày 1-2-2020, Thủ tướng ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Quyết định nêu rõ: Công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam. Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm.

Ngay sau khi có thông tin dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh tại Trung Quốc, ngày 15-1-2020, Bộ Y tế Việt Nam đã tổ chức cuộc họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch; Ngày 17-1, Bộ Y tế ban hành phác đồ hướng dẫn điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 khi Việt Nam chưa ghi nhận ca dương tính nào. Sau đó, Bộ Y tế công bố 22 đường dây nóng miễn phí tiếp nhận thông tin và tư vấn về dịch bệnh.

Có thể thấy, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc và trên thế giới, hệ thống y tế, ngành Y tế Việt Nam đã không chỉ cho thấy tinh thần trách nhiệm cao, mà còn khẳng định được năng lực sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Đặc biệt, không chỉ ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh mà tuyến huyện của Việt Nam cũng có khả năng chữa khỏi bệnh cho những người bị nhiễm COVID-19.

Sự chung tay của các bộ, ngành và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân

Cùng với ngành y tế, quân đội cũng đã có những đóng góp quan trọng mang yếu tố quyết định đến thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Toàn quân đã thành lập, kiện toàn 7 bệnh viện, 14 tổ chuyên khoa tăng cường của các bệnh viện quân y, 5 đội phòng, chống dịch, 154 tổ phòng, chống dịch, 20 đội cơ động phòng, chống dịch của các bệnh viện; chuẩn bị đủ số giường sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị người bệnh. Đặc biệt, trên tuyến biên giới, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát, chốt chặn trên toàn tuyến biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở, thực hiện hiệu quả công tác sàng lọc, tổ chức cách ly y tế đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.

Cùng với đó là sự vào cuộc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc đề nghị các địa phương tạm dừng tổ chức các lễ hội, hạn chế tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người tham gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn yêu cầu, hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo, các học viện, viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp… phòng, chống dịch; đồng thời đề nghị các cơ sở giáo dục xem xét cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng tạm ngừng thu gom, chấp nhận, vận chuyển ra nước ngoài các mặt hàng y tế dùng cho việc phòng, chống dịch COVID-19 (khẩu trang y tế, nước sát trùng, găng tay y tế)…

vnapotaldichviemduonghohapcapdoncovhaugiangphatkhautrangytemienphichonguoidan0950530814432647-w1199-h960.jpg

Các bộ, ngành và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân trong phòng chống dịch bệnh

Song song với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương là sự đồng hành với ý thức trách nhiệm cao của người dân trong việc hợp tác cùng chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều địa phương như: Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Định, Kiên Giang… đã tập trung cao thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Bên cạnh thực hiện tốt những biện pháp phòng, chống dịch, nhiều tổ chức cá nhân còn có những nghĩa cử cao đẹp như: phát khẩu trang miễn phí, tặng nước rửa tay, quyên góp, hỗ trợ người dân tại các địa phương có dịch.

Với sự nỗ lực đó, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và được WHO đánh giá cao. WHO ghi nhận, Việt Nam đã xử lý dịch bệnh COVID-19 rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch – tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành. WHO đánh giá, năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi đã tăng lên đáng kể.

Ngày 19-2, bà Erika Elvander, Giám đốc Văn phòng châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ và ông Mitchell Wolfe, Chuyên gia Y tế trưởng, Văn phòng Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch COVID-19. Theo đó, Mỹ đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam nói chung và đặc biệt trong công tác kiểm soát dịch COVID-19 nói riêng. Bộ Y tế Mỹ nhận định Lãnh đạo Việt Nam, từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm và chỉ đạo kịp thời, có các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với COVID-19, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng. Ngoài ra, Việt Nam hiện có hệ thống cơ sở y tế về cơ bản tốt và đã triển khai xuyên suốt, rộng khắp công tác tiêm chủng, phòng bệnh từ lâu nay. Do đó, phía Mỹ tin rằng, Việt Nam sẽ chống dịch COVID-19 hiệu quả. Mỹ cũng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ hiệu quả của Việt Nam khi thường xuyên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hợp tác phòng dịch bệnh./.

Bài viết liên quan

Làm gì để cải thiện sức khỏe tinh thần?

CDC Hà Nam

Cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng Y tế trên trận tuyến phòng, chống dịch Covid-19

Ngọc Nga

Thịt lợn: thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn gia đình

CDC Hà Nam

Để lại bình luận