Nóng rát cổ họng – trào ngược dạ dày  đang “ăn mòn” hầu họng của bạn như thế nào?

(CDC Hà Nam)

Nóng rát cổ họng cứ tái đi tái lại dù bạn đã ăn uống kiêng khem hết mức. Cứ nghĩ mình bị viêm họng, cảm cúm nhưng chữa trị đủ cách mà cảm giác khó chịu ấy vẫn không buông tha bạn. Chỉ đến khi thăm khám, bạn mới biết thủ phạm đang đeo bám mình chính là trào ngược dạ dày với vô số hậu quả khôn lường.

 Nóng rát cổ họng – nguyên nhân do đâu?

Tình trạng nóng rát cổ họng đã không còn xa lạ đối với bất kỳ ai dù ở lứa tuổi nào. Đôi khi, chỉ cần ăn nhiều đồ cay nóng, uống rượu bia là bạn đã bị nóng rát cổ họng. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, diễn ra thường xuyên thì bạn không thể chủ quan bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý, cần xử lý sớm.

Nhắc tới nóng rát cổ họng, chúng ta có thể kể ra rất nhiều nguyên nhân như: cảm lạnh, cảm cúm, trào ngược dạ dày thực quản, viêm họng, chảy dịch mũi sau… Có một thực tế là triệu chứng này thường được mặc nhiên “quy kết” cho là do cảm lạnh thông thường hoặc nhiễm trùng hầu họng. Mà ít ai ngờ tới “thủ phạm” giấu mặt đang âm thầm bào mòn hầu họng mình là trào ngược dạ dày.

Và khi thủ phạm thực sự không được tìm ra thì cũng đồng nghĩa người bệnh sẽ không thể thoát khỏi tình trạng nóng rát cổ họng triền miên. Mọi sinh hoạt trong cuộc sống và sức khỏe đều bị ảnh hưởng.

Tại sao trào ngược dạ dày thực quản gây nóng rát cổ họng?

Thông thường, khi bị trào ngược dạ dày, người bệnh sẽ không chỉ xuất hiện đơn lẻ triệu chứng nóng rát cổ họng. Các triệu chứng kèm theo có thể là: nóng rát hoặc đau ở vùng thượng vị (từ rốn trở lên đến dưới xương ức), đau xuyên ra sau lưng; miệng tiết nhiều nước bọt, buồn nôn; ợ hơi, ợ chua, ợ nóng; ăn vào là bị nghẹn, nuốt khó… Tất cả khiến bạn ăn uống gì cũng khó, nói chuyện, giao tiếp hàng ngày đều bị trở ngại. Vậy tại sao trào ngược dạ dày gây nóng rát cổ họng?

Khi bị trào ngược, dịch vị dạ dày sẽ trào lên thực quản và đi tới họng, thanh quản… Dịch vị dạ dày gồm axit HCl, Pepsine, men tiêu hóa… Khi dịch vị dạ dày đi qua họng, pepsine sẽ phá hủy chất nhầy bảo vệ lớp niêm mạc họng, tạo điều kiện cho axit HCl, dịch mật và các chất khác tiếp xúc, phá hủy niêm mạc họng. Nếu tình trạng này kéo dài, axit trào lên nhiều lần thì niêm mạc họng sẽ bị tổn thương, gây phù nề, tạo ra cảm giác nóng rát ở cổ họng và ngực. Nặng hơn, người bệnh sẽ bị viêm họng mạn tính.

Theo thống kê, có đến 70% người bệnh trào ngược dạ dày bị viêm họng và các vấn đề về cổ họng, trong đó có nóng rát cổ họng. Tuy nhiên, việc tìm ra thủ phạm muộn và điều trị chỉ thuyên giảm được “phần ngọn”, chưa tác động đúng căn nguyên gây trào ngược khiến các triệu chứng chỉ đỡ một thời gian rồi lại tái phát.

Sau mỗi lần tái phát, dịch vị dạ dày vẫn “tự do đi lại” trong thực quản, họng và các cơ quan khác. Từ đó, nguy cơ biến chứng do trào ngược càng cao, người bệnh có thể phải đối mặt với những bệnh lý như: viêm đường hô hấp, viêm loét thực quản, hẹp thực quản, barrett thực quản, ung thư thực quản… Lúc này, không chỉ dừng lại ở cảm giác khó chịu do nóng rát cổ họng mà sức khỏe của người bệnh sẽ bị giảm sút trầm trọng vì trào ngược dạ dày.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Phân biệt đau đầu do căng thẳng và bệnh lý thần kinh

Ngọc Nga

Nhận biết HIV/AIDS và biện pháp phòng chống

CDC Hà Nam

Những điều cần biết về bệnh giun sán và cách phòng chống bệnh giun sán trong mùa mưa bão

Ngọc Nga