Ổn định huyết áp để bảo vệ trái tim

(CDC Hà Nam)

Bệnh tim mạch đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi; xuất hiện nhiều ở những người 30 đến 40 tuổi. Một số yếu tố sức khỏe có nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch: Tăng huyết áp; Đái tháo đường; Suy thận; Rối loạn mỡ máu; Thừa cân, béo phì; Ô nhiễm môi trường; Ít vận động thể lực; Chế độ ăn uống không lành mạnh; Yếu tố di truyền; Lạm dụng rượu bia; Hút thuốc lá,…

Hầu hết mọi người đều cho rằng bệnh tim khởi phát do yếu tố di truyền, đái tháo đường, béo phì, cao tuổi. Thực tế, chế độ ăn uống và lối sống thiếu lành mạnh, thói quen ăn nhiều muối, ít rau xanh, dung nạp các chất béo có hại, lười vận động, hút thuốc lá, thường xuyên stress, lo lắng… mới là nguyên nhân cơ bản gây bệnh tim mạch.

Để có thể tránh được ít nhất 80% rủi ro tử vong sớm vì bệnh lý tim mạch, cần tránh 04 yếu tố nguy cơ: chế độ ăn uống, lười vận động, hút thuốc lá và uống rượu bia.

Dưới đây là lời khuyên của Liên đoàn Tim mạch Thế giới để bảo vệ một trái tim khỏe mạnh:

  1. Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn.
  2. Tập thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 – 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch.
  3. Không hút thuốc lá (thuốc lào, thuốc lá điện tử, shisha) vì hút thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác.
  4. Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân cần giảm cân sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.
  5. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng Cholesterol, Triglyceride, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI). Nếu một người biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mình.
  6. Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm tăng trọng lượng của cơ thể và gây bệnh Tăng huyết áp.
  7. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình, nơi làm việc, trường học, nơi công cộng.
  8. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.
  9. Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.

10.Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả.

Với thông điệp “Ổn định huyết áp để bảo vệ trái tim”, Bộ Y tế mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người dân và cộng đồng: thực hiện chế độ ăn uống, làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi, thể dục thể thao hợp lý để ổn định huyết áp, từ đó có trái tim khỏe mạnh, duy trì cuộc sống khỏe mạnh, không bệnh tật./.

Đinh Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Hà Nam: Thông báo 20 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

Ngọc Nga

Tập huấn, hướng dẫn giám sát, chẩn đoán điều trị một số bệnh truyền nhiễm

Mậu Ngọ

Hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm

CDC Hà Nam