Phân biệt viêm kết mạc với viêm giác mạc

(CDC Hà Nam)

Viêm kết mạc và viêm giác mạc là hai bệnh lý thường gặp, có những sự khác biệt nhưng nhiều người hay nhầm lẫn.

Bệnh viêm kết mạc và viêm giác mạc là gì?

Viêm kết mạc là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng màng trong suốt trên bề mặt của nhãn cầu (lòng trắng) và kết mạc mi. Đây là nguyên nhân khiến lòng trắng của mắt có màu hơi đỏ hoặc hồng.

Viêm kết mạc mi mắt hay còn gọi là đau mắt đỏ thường do nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút, dị ứng hoặc khi ống lệ ở trẻ sơ sinh mở chưa hoàn toàn.

Còn giác mạc là một lớp mô trong suốt phía trước mắt, bao phủ mống mắt và đồng tử tròn, giống như một tinh thể đồng hồ bao phủ mặt đồng hồ. Giác mạc giống như một cửa sổ cho phép ánh sáng đi vào mắt. Tuy nhiên, nếu không được bảo vệ, giác mạc rất dễ bị xâm lấn và tổn thương dẫn đến viêm, loét do vi khuẩn, vi rút và nấm gây nên.

Viêm giác mạc (còn được gọi là loét giác mạc) là một vết loét hở hình thành trên giác mạc. Loét giác mạc thường là do nhiễm trùng mắt, nhưng tình trạng khô mắt nghiêm trọng hoặc các rối loạn mắt khác có thể gây ra. Ngay cả những chấn thương nhỏ ở mắt hoặc xói mòn do đeo kính áp tròng quá lâu cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Triệu chứng của viêm kết mạc và viêm giác mạc thế nào?

Cả hai bệnh lý viêm kết mạc và viêm giác mạc đều có các triệu chứng khá rõ ràng. Các triệu chứng của viêm kết mạc phổ biến nhất, bao gồm:

Kết mạc mắt đỏ, ngứa;

Cay mắt;

Đau mắt (thường xảy ra do vi khuẩn), Cảm giác có sạn trong mắt;

Có nhiều chất nhầy, mủ hoặc chảy ra đặc màu vàng, lông mi bị dính vào nhau khi thức dậy vào buổi sáng (thường là viêm kết mạc do vi khuẩn);

Chảy nhiều nước mắt;

Mí mắt sưng húp;

Tầm nhìn mờ;

Nhạy cảm với ánh sáng…

Triệu chứng của bệnh viêm loét giác mạc, gồm:

Đỏ mắt, sưng mí mắt,

Đau nhức mắt nghiêm trọng,

Cảm giác mắt có dị vật, Chảy nước mắt

Mắt có mủ hoặc tiết dịch

Mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng

Đục giác mạc, có đốm trắng trên giác mạc, có thể có hoặc không thể nhìn thấy khi nhìn vào gương…

Các bác sĩ khuyến cáo, loét giác mạc có thể làm hỏng thị lực của người bệnh, thậm chí là mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị. Người bệnh cần thăm khám ngay khi có các dấu hiệu bệnh như: tầm nhìn thay đổi, các cơn đau trở nên dữ dội và mắt tiết dịch mủ.

Đồng thời, ở cả trẻ em và người lớn, bệnh đau mắt đỏ có thể gây viêm giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực. Việc đánh giá và điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng đau mắt, cảm giác có dị vật trong mắt, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng có thể làm giảm nguy cơ biến chứng.

Cách điều trị viêm kết mạc và viêm giác mạc

Để điều trị bệnh viêm kết mạc, các bác sĩ cho rằng, cần tùy thuộc và nguyên nhân gây bệnh, người bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.

Theo đó, viêm kết mạc do virus và vi khuẩn: điều trị bằng cách giữ mắt sạch, chống khô mắt bằng nước mắt nhân tạo, kèm theo kháng sinh nhỏ mắt phòng bội nhiễm vi khuẩn.

Viêm kết mạc do dị ứng: điều trị bằng các thuốc chống dị ứng, tra nước mắt nhân tạo.

Còn điều trị viêm loét giác mạc hiện nay đang áp dụng hai phương pháp là bằng thuốc và phẫu thuật.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm loét giác mạc, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt kháng sinh, kháng vi khuẩn hoặc kháng nấm. Và, để điều trị cơn đau, bác sĩ cũng có thể cho uống thuốc giảm đau. Nếu điều trị bằng thuốc không cho tiến triển khả quan, bệnh nhân có thể được chỉ định ghép giác mạc.

Theo các chuyên gia, khi có dấu hiệu viêm kết mạc và viêm giác mạc cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán chính xác nguyên nhân, từ đó bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp. Tránh tình trạng tự ý dùng thuốc hay kéo dài thời gian dẫn đến bệnh có thể diễn tiến gây biến chứng nặng cho thị lực nói riêng và mắt nói chung.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Nguyên nhân, biểu hiện và các biện pháp phòng bệnh sán lá gan

Ngọc Nga

​Khuyến cáo về phòng bệnh Thủy đậu

Ngọc Nga

Làm thế nào để người cao tuổi duy trì được trí nhớ?

Ngọc Nga