Phòng bệnh tiêu chảy cấp do vi rút Rota

(CDC Hà Nam)

Tại Việt Nam, cứ 2 trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp thì có 1 trường hợp là do vi rút Rota gây ra. Tiêu chảy do Rotavirus là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, khiến trẻ dễ bị mất nước nặng do vừa nôn và tiêu chảy có thể lên đến 20 lần/ngày.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, tiêu chảy cấp do Rotavirus tước đi sinh mạng của hơn 600.000 trẻ em trên thế giới. Ở các nước đang phát triển, hàng năm có khoảng trên 125 triệu ca tiêu chảy do vi rút Rota ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ nguy cơ nhiễm bệnh càng cao, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặt biệt là dưới 12 tháng.

Tại Việt Nam, vi rút Rota là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em, đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em. Việt Nam có 56% số trẻ nhập viện do viêm dạ dày ruột cấp là do nhiễm vi rút Rota. Hàng năm, số trẻ chết do vi rút Rota chiếm từ 4-8% trong tổng số trẻ dưới 5 tuổi bị chết vì mọi nguyên nhân.

  1. Tiêu chảy cấp do Rotavirus là gì?

Tiêu chảy cấp do Rotavirus là nhiễm trùng ruột do Rotavirus, gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vi rút  Rota là một chủng virus dạng vòng, có 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các vụ dịch lẻ tẻ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành.

Vi rút  Rota có khả năng sống lâu trong môi trường nước nên khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ, gây tiêu chảy nặng, mất nước và tử vong nếu không điều trị kịp thời.

  1. Triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus

Trẻ khi bị nhiễm Rotavirus có thời gian ủ bệnh khoảng 2 ngày trước khi các triệu chứng rõ ràng xuất hiện. Các triệu chứng của tiêu chảy cấp do Rotavirus bao gồm:

  • Nôn: Trẻ nôn rất nhiều trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày, nôn giảm dần trước khi tiêu chảy xuất hiện.
  • Tiêu chảy: Phân lỏng toàn nước, có thể có màu xanh, đờm nhớt nhưng không có máu. Trẻ có thể đi ngoài phân lỏng hơn 20 lần trong ngày.
  • Mất nước: Các biểu hiện của mất nước bao gồm khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, quấy khóc. Đây là biến chứng trầm trọng và nguy hiểm nhất của tiêu chảy cấp do Rotavirus, có thể dẫn đến khô kiệt do mất nước và mất muối, trụy mạch và tử vong nếu không bù nước kịp thời.
  • Trẻ sút cân do mất nước, ăn uống kém.
  • Một số trẻ còn có dấu hiệu khác như sốt, ho, sổ mũi…
  1. Rotavirus lây truyền như thế nào?

Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, chủ yếu qua con đường phân – miệng và tay – miệng. Vi rút  Rota có thể sống trên các bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, mặt bàn ghế, tay vịn, trong nước hoặc trên da. Trẻ dễ bị nhiễm vi rút  Rota khi tiếp xúc với nguồn phân của những người đang bị nhiễm. Trẻ em cũng thường bị nhiễm vi rút Rota qua bàn tay bị nhiễm bẩn của mình. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có vi rút rồi đưa tay lên miệng, vi rút sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh.

Trẻ nhiễm vi rút Rota đào thải một lượng siêu vi rất lớn. Mỗi 1ml phân của một trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus có thể chứa hơn 10.000 tỷ Rotavirus, trong khi chỉ cần chưa đến 10 vi rút này là đủ để lây bệnh cho con người.

  1. Đối tượng nào dễ mắc bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus

Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm Rotavirus, tuy nhiên bệnh thường xảy ra nhất đối với trẻ dưới 2 tuổi. Trong 5 năm đầu đời, hầu hết trẻ em đều bị nhiễm bởi loại vi rút này.

Một số yếu các yếu tố làm tăng nguy mắc Rotavirus ở trẻ nhỏ bao gồm:

  • Tiếp xúc với nguồn bệnh có nhiễm vi rút Rota bao gồm tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các vật dụng, đồ chơi, đồ ăn…
  • Trẻ bú bình, ăn uống không vệ sinh: thức ăn bị ô nhiễm, bảo quản không đảm bảo…
  • Nguồn nước bị nhiễm vi rút Rota.
  • Không rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh.
  • Xử lý phân và chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách.
  1. Điều trị và phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus

– Điều trị: Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Kháng sinh không có tác dụng điều trị đối với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Bù nước qua đường uống và chế độ dinh dưỡng thích hợp vẫn là phương pháp điều trị cơ bản. Trường hợp trẻ mất nước nhiều nhưng không thể bù dịch bằng đường uống, cần nhập viện để truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

– Phòng bệnh: Hiện nay, biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus là vắc xin. Bệnh thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ nên trẻ cần được uống vắc xin phòng bệnh ngay từ 2 tháng tuổi sẽ giúp trẻ được dự phòng chủ động đối với tiêu chảy cấp do vi rút Rota cùng với việc cho trẻ rửa tay, uống nước sạch và bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Tuy nhiên, vắc xin uống chỉ phòng được bệnh tiêu chảy cấp gây ra do Rotavirus, trong khi đó bệnh tiêu chảy có rất nhiều nguyên nhân khác gây ra. Do đó, các bậc cha mẹ và gia đình cần chú ý luôn tuân thủ quy tắc vệ sinh và an toàn thực phẩm như ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…Vắc xin Rota chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng, cha mẹ và gia đình cần đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng dịch vụ để cho trẻ uống vắc xin Rota./.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Bỏ quy định mua thuốc cho con phải khai số cmnd

CDC Hà Nam

WHO khuyến cáo cách phòng chống Covid-19 tại nơi làm việc

CDC Hà Nam

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Phối hợp truyền thông phòng, chống Sốt xuất huyết

hanh phan