Phòng chống dịch bệnh trong các trường học

(CDC Hà Nam)

Tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy, quai bị… là những bệnh được các chuyên gia dịch tễ cảnh báo sẽ có nguy cơ bùng phát trong nhà trường, bởi hiện đang là mùa cao điểm của dịch bệnh.

Hiện nay thời tiết khí hậu đang chuyển , đây cũng là thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do vi rút Rota, sốt xuất huyết… Bên cạnh đó, học sinh tập trung vào năm học mới, nguy cơ dịch bùng phát và lây lan dịch bệnh trong trường học là rất lớn nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh khi bắt đầu năm học như thay đổi lối sinh hoạt từ “ở nhà” sang “đến trường” khiến trẻ biếng ăn lười uống, cùng với tâm lý ngại đi học, các bé dễ mệt mỏi, sức đề kháng sẽ kém hơn. Vệ sinh trường học không đảm bảo cũng là tác nhân khiến trẻ dễ nhiễm bệnh hơn. Bên cạnh đó, thời điểm trẻ nhập học lại trùng với khoảng thời tiết giao mùa và cũng là cao điểm của một số bệnh dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Đặc biệt, với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, sức đề kháng của trẻ thường yếu càng khiến trẻ dễ nhiễm bệnh hơn.

Hiện nay, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Tuy vậy, với số lượng nhiều học sinh tại trường thì môi trường học đường luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây truyền dịch bệnh. Sở dĩ bệnh tay chân miệng thường tăng mạnh vào mùa tựu trường là do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Cơ chế lây bệnh của tay chân miệng thường là lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm vi rút, do đó nó rất dễ lây trong môi trường sinh hoạt chung của trẻ ở lớp học, nhà trẻ… Chỉ cần một trẻ bị bệnh tay chân miệng là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhà trường tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ; phát hiện sớm các trường họp mắc bệnh không để bùng phát dịch trong trường học. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học, trang bị các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Huy động các em học sinh tham gia các hoạt động vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, hướng dẫn các hoạt động nhằm loại bỏ lăng quăng, bọ gậy tại các vật dụng chứa nước trong nhà và khu vực xung quanh. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương đế tố chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Tay chân miệng, tiêu chảy, cúm… là bệnh thường gặp và dễ lây lan trong trường học, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Ngọc Nga (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

BCĐ phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam đề xuất biện pháp phòng chống Covid-19 tại địa phương

Mậu Ngọ

Tiếp tục thực hiện các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm và theo dõi sức khỏe, hướng dẫn cách ly theo quy định

Mậu Ngọ

Triển khai tiêm Vắc-xin mới DPT-VGB-Hib (SII) trong chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả

CDC Hà Nam